Trang

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

HÀNH TRÌNH THƠ TRẦN THƯƠNG BÁ, CHẶNG 3: “TẬP VÔ NGÔN KINH” – Đỗ Tư Nhơn

Như một lời cám ơn gởi về miền thiên thu vĩnh hằng – nơi yên nghỉ của nhà thơ Trần Thương Bá, người đã để lại cho cuộc đời những tập thơ có sức ngân vọng, gõ cửa trái tim những người đồng điệu tri âm. Ba tập thơ của anh hãy còn đây trên “Hành Trình Thơ Trần Thương Bá”, nén tâm hương tưởng nhớ Anh muộn màng, sau 20 năm anh xa lìa trần gian.

Nhà giáo - nhà thơ Trần Thương Bá
(1940- 2002)
 
Từ tập Tình Huế đến tập Thơ Ngây Ngô, hai chặng trên con đường thơ Trần Thương Bá trải qua 2 thi pháp: thi pháp của chủ nghĩa Lãng mạn đến thi pháp của chủ nghĩa Tượng trưng đều mang sắc thái phương Tây.
 
Giờ đây tập thơ Vô Ngôn Kinh (VNK) đang mở ra trước chúng ta một chặng mới, từ hình thức đến nội dung.
 

DÒNG SÔNG XƯA CÒN NGÀY TRỞ LẠI - Thơ Hạ Thái


   
                   Nhà thơ Hạ Thái
 
 
DÒNG SÔNG XƯA CÒN NGÀY TRỞ LẠI
(Tặng bạn bè đất Ngũ Phụng Tề Phi từng một thời cận kề cùng sống chết)

Tôi trở về thăm lại dòng sông
có bến ghe thuyền chài chen chúc
dòng nước hiền hòa hai mùa trong đục
gốc xoan bên đường đúng độ trổ bông
chỗ thân quen nay ai cũng lạ
tự xót xa rồi tự thấy đau lòng.
 
Tên quen thuộc một thời Cầu Móng
bên kia bờ Xuyên Mỹ quê em
người thuở trước - bây giờ ai còn mất
có còn ai chằm nón với xe tằm
đi lòn qua ngõ cũ ghé thăm
những đôi mắt nhìn theo xa lạ quá
trong những đôi mắt kia có mắt em không hở
lâu quá rồi tính lại mấy mươi năm.
 
Nước vẫn trôi ra biển xa xăm
tôi mây bạc giăng thành chiều núi nhạt
mấy mươi năm phong sương phiêu bạt
chưa quên mùi rượu gạo Xuyên Quang
chưa quên những ngày Nam Phước nắng chói chang,
đêm gật gù ngâm thơ thị trấn Điện Bàn
con đường tôi đi thân thương chừng lối
như vết hằn in đậm chẳng phôi pha.
Tôi trở về thăm lại dòng sông
có chiếc cầu dài như một đời chinh chiến
chiếc cầu còn ngủ yên tôi từng nặng lòng thương mến
khi tối trời dạo bước thâu canh
những đêm trăng sóng nước tròng trành
tôi lãng tử bơi thuyền mơ Lý Bạch
bên này bên kia hai bờ ngăn cách
nhịp nối liền xích lại kề nhau.
 
Thôi xa rồi - đành đoạn từ lâu
ai hiểu thấu hồn ai đau nhức
lúc trở về âm thầm tôi bật khóc
dấu vết bầm dưới ánh mắt trũng sâu
nước lững lờ qua trôi dạt về đâu
người đứng lại bên đời buồn cô quạnh
sóng gió mênh mang mưa chiều bay lành lạnh
lòng ngậm ngùi chạnh xót nghĩa anh em !
 
Tôi trở về thăm lại dòng sông
thẫn thờ đọc câu thơ một thời xuôi ngược
sáng Câu Lâu tôi nhớ chiều Trung Phước
sớm Cà Tang thương mấy độ Khương Bình
con sông buồn dòng nước lặng thinh
không gió dập mà nghe lòng dậy sóng
lần trở về thăm lại dòng sông.
 
                                                    Hạ Thái
                                                      1998

NGÀY GẶP LẠI - Thơ L.T. Đông Phương


   

 
NGÀY GẶP LẠI
  
Cách biệt bao năm giờ gặp lại
Nhìn nhau trong mắt thấy trời mưa
Thời gian trót nhuộm phai màu tóc
 Năm tháng trôi qua chẳng đợi chờ
 
 Gặp anh như gặp thời yêu dấu
 Áo trắng bay vờn trong gió thu
 Mưa bụi sắt se lòng thiếu nữ
 Đêm về hồn mộng cứ xây mơ
 
 Gặp anh như gặp quê hương cũ
 Thôn xóm Xuân sang mở hội làng
 Xao xuyến tiếng hò theo giấc ngủ
 Hương thơm đồng lúa những đêm trăng
 
 Anh ở đầu thôn em cuối xóm
 Sắn khoai xanh lá mướt vườn anh
 Rủ nhau đàn bướm đi tìm mật
 Bầu bí nhà em nụ trổ cành
 
 Xa nhau chỉ một con đường ngắn
 E ngại như nghìn trăm núi sông
 Làm lỡ đời nhau tròn một kiếp
 Nói sao hết chuyện nát tan lòng!
 
 Em vẫn thương giàn bầu bí cũ
 Anh hiền như sắn, ngọt như khoai
 Cách chia đôi đứa đời đôi ngã
 Đường ngắn ngày xưa đã quá dài
 
 Gặp nhau mừng chỉ trong giây phút
 Thương nhớ mai nầy chắc chẳng nguôi
 Như nhánh rong trôi dòng sóng nước
 Buồn về theo tận cuối đời thôi! 
 
 Hôm nay nhìn lại con đường cũ
 Hận thuở thiếu thời không bước qua
 Lời hẹn đời sau chừng nát ruột
 Nhìn nhau trong mắt thấy trời mưa…
 
                            LT Đông Phương               
 

HÀNH VỀ QUẢNG TRỊ - Thơ Miên Trường Xưa


  

                          
HÀNH VỀ QUẢNG TRỊ
(Tặng Zulu DC nhân một chuyến về)
 
Cao Duyến hề!
Quảng Trị hề!
 
Vùng đất khổ bao năm chưa về
Đời phiêu bạt vẫn nặng tình quê
Vẳng nghe trong đất lời trách móc
Nghe máu xương rên mùa lửa hè
 
Về trong nỗi nhớ ngày tháng cũ
Bồng bềnh tâm trí một cõi xa
Cảnh cũ bạn xưa những dấu tích
Như lạ như quen chốn quê nhà
 
Về lại quê xưa vùng tử địa
Thoảng nghe tiếng rít bom đạn bay
Bên bờ Thạch Hãn Kinh Kha Việt
Cổ thành còn in bóng cờ bay
 
Về tìm trong đất hơi ấm
Mẹ xà trong gió chút hương vị xưa
Ta đã già nên lòng ta lạnh
Sá gì sắc không hay thắng thua.
 
                    Miên Trường Xưa
              Tháng 4 ngày 16 năm 2016

MỐI TÌNH QUÊ - Thơ Nguyễn Vô Cùng


                     Nhà thơ Nguyễn Vô Cùng
   

MỐI TÌNH QUÊ
(Thân tặng bằng hữu đã lớn lên bên dòng Thạch Hãn, Quảng Trị)

Dù phiêu bạt cuối chân trời
Dòng sông kia vẫn một đời thiết tha
Đầy vơi mấy dãy phù sa
Lở bối mấy chặng quan hà tái tê
Thủy chung một mối tình quê
Thăng trầm sông vẫn vỗ về yêu thương
 
Sông như lòng mẹ bao dung
Dù cho trải mấy phế hưng cuộc đời
Trăng xưa buồn đứng giữa trời
Cùng sông thề hẹn bao lời ái ân!
Trách chi trai gái phàm trần
Sông trăng hẹn ước lòng xuân dạt dào!
Ngàn xưa sông đã ngọt ngào
Ru đời bằng tiếng thì thào nỉ non
Đời bao ghềnh thác chon von
Sông bao khúc uốn quặn hồn tử sinh
Lớn lên đã thấy bên mình
Một dòng sông ấp ủ tình quê hương
Mồ hôi vạn nẻo đời vương
Dòng sông tuổi nhỏ vẫn thường ước mơ
Một hôm sông hết lững lờ
Lòng sông mấy khúc bơ vơ tháng ngày
Ngăn sông đắp đập ai bày
Cho bao uất nghẹn dâng đầy dòng sông
Sông đau người cũng xé long
Một vùng máu ứ trên dòng sông quê
Còn nghe bên đập cuồng mê
Từng cơn lũ đổ nặng nề hờn căm!
 
Bên trời thiên lý xa xăm
Hồn sông xưa vẫn nghe gần tấc gang
Nhớ dòng sông, tủi vầng trăng
Nhớ sông, trăng cũng võ vàng héo hon
 
                                Nguyễn Vô Cùng

MƠ DÒNG THÁC ĐỔ - Thơ Phạm Bá Nhơn


   
                   Thác đuôi ngựa Oregan - USA


MƠ DÒNG THÁC ĐỔ
 
Đôi chân bước giữa phố chiều nắng nhạt
Lòng miên man mơ dòng thác ngày xưa
Thuở ta đến, em cũng vừa mới đến
Mưa đầu mùa rớt xuống hạt lưa thưa
 
Em ao ước làm chiếc cầu bên thác
Tay ta vươn muốn nối nhịp đôi bờ
Em dừng bước sau những ngày phiêu bạt
Đứng trên cầu soi bóng nước xanh mơ
 
Dòng thác đổ rì rào theo nhịp thở
Bay xuống đường dính tóc hạt li ti
Ta gượng gạo và em càng bỡ ngỡ
Dấu niềm mơ theo những vết chân đi
 
Mai quay lại bên cầu xưa thác cũ
Mộng tàn phai lấp dưới lớp sương mù
Ta hóa đá bên bờ chờ tiếng hót
Em làm chim nghe gió thổi vi vu...
 
                 Phạm Bá Nhơn
                    26-07-2007
   (Thác đuôi ngựa Oregan - USA)              
        

DẠY TRẺ BIẾT QUAN TÂM TỚI NGƯỜI KHÁC – Vũ Thị Hương Mai



Dạy con trẻ quan tâm đến người khác ngay từ khi con còn nhỏ. Bởi ở tuổi nhỏ, trẻ thường ích kỷ, nếu thấy mẹ bế trẻ khác cũng ghen tị, thấy trẻ khác có nhiều đồ chơi thì cũng muốn được như vậy. Ngay cả khi trẻ nô đùa ầm ĩ mà cha mẹ thì cần phải yên tĩnh làm việc. Tất cả những điều đó trẻ chưa hề ý thức là mình đang làm ảnh hưởng đến người khác. Nhưng khi vào tuổi tiểu học, sự ý thức và nhận biết của trẻ cao hơn, cha mẹ nên chú ý dạy bảo, trẻ có thể dần xây dựng cho mình thói quen tốt biết quan tâm, để ý đến người khác.
 

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2022

NHỮNG CUỐN SÁCH CŨ “SÀI GÒN TRƯỚC BẢY LĂM” NAY Ở ĐÂU !? - Nguyễn Vĩnh Nguyên


Quán Sách Mùa Thu, một địa chỉ bán sách cũ tại Sài Gòn.
 
Có cuốn mới tinh, có cuốn rách bìa, đa số thì ố vàng và đã nhạt màu mực. Mỗi cuốn sách một số phận, trôi nổi qua biết bao biến cố, bỗng một hôm trở về với người sưu tầm, người đọc như những báu vật của thời gian… Gọi đó là “sách Sài Gòn trước Bảy Lăm.” Trên đường sách Sài Gòn giữa Quận Một ngày nay, có mấy kiosk bán sách cũ Sài Gòn xuất bản trước 1975. Ngoài sách, các ấn phẩm của thời kỳ này như báo chí, bản đồ, post-card và tờ nhạc cũng xuất hiện trở lại một cách công khai.
 

HÀNH TRÌNH THƠ TRẦN THƯƠNG BÁ 2 “LA POESIE CANDIDE, THƠ NGÂY NGÔ” – Đỗ Tư Nhơn


Nhà giáo - nhà thơ Trần Thương Bá
(1940- 2002)

Có thể nhận định rằng hành trình thơ Trần Thương Bá được thể hiện qua ba tập thơ, đánh dấu mốc thời gian chín muồi cho cảm hứng sáng tạo, từ đó câu chữ bắt đầu.
 
Tập thơ TÌNH HUẾ là chặng đầu của dàn hợp xướng, nhà thơ chọn thủ pháp, giọng điệu của chủ nghĩa lãng mạn. Qua đó nhằm biểu hiện “cái tôi trữ tình” rất đỗi yêu thương cảnh vật,  con người xứ Huế nên thơ, kiều diễm. Đồng thời trong phần cuối, tác giả đã tạc nên một tượng đài bằng ngôn ngữ thơ đầy xót xa thương tiếc ban đầu, sau đó đã hóa giải bằng cái nhìn đầy thăng hoa khiến cho hình tượng người vợ quá cố trở nên lung linh mầu nhiệm như thiên thần giữa thiên nhiên đất trời “Áo em mờ ảo màu hoa, Tóc em bay giữa bao la cõi trời”, và anh tin vào thuyết luân hồi của Phật Giáo “Anh biết rồi em sẽ trở về”.
 

NHỮNG BÀI THƠ CHO THÁNG TƯ #1 – Nguyên Lạc


   
                          Nhà thơ Nguyên Lạc


VÀNH TANG THÁNG TƯ ĐEN
 
"Vành tang cho Tháng Tư Đen
Xin cho người cõi Vĩnh Hằng ngủ yên
Quên đi thù hận oan khiên
Để hồn thanh thản về miền hư vô" [*]
 
Quên đi!
Có nghĩa chưa quên
Xin cho yên ngủ
Oan khiên vẫn đầy!
Vành tang ta khóc ai đây?
Bạn bè chiến hữu từ ngày tang thương!
Thì thôi tụng khúc vô thường
Tế Văn Thập Loại giải oan cho hồn
 
Hồn ơi vẫn nhớ phải không!
Tháng Tư tan tác đoạn trường mất nhau
Tháng Tư cuồng nộ ba đào
Tháng Tư chia biệt người vào trùng dương
Tháng tư trại thảm núi rừng
10 năm trở lại dã nhân ngỡ ngàng
Tháng Tư tình đó ly tan
Tháng tư thống hận oan khiên một trời
Tháng Tư vĩnh biệt tình tôi
Tháng Tư vỡ mộng tàn rồi thanh xuân
 
Mùa về ngấn lệ lưu vong
Bao năm rồi đó hết mong lời thề!
Tháng Tư một bóng chiều tê
Bạn bè chiến hữu hãy về với tôi
Đắng cay rượu rưới tôi mời
Tế Văn Thập Loại những lời giải oan:
 
"Còn chi ai quí ai hèn
Còn chi mà nói ai hiền ai ngu?
Một phen thay đổi sơn hà
Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?" [**]
.
Về đâu người đã về đâu?
Đã quên hay nhớ nỗi sầu tháng Tư?!

............

[*] Thơ Dư Mỹ
[**] Lời trong Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh/ Văn tế chiêu hồn - Nguyễn Du
 

“CHẠM VỪA THÁNG TƯ” THƠ VÕ MIÊN TRƯỜNG, CHẠM VÀO TIM THƠ - Châu Thạch


   
               Nhà thơ Võ Miên Trường


CHẠM VỪA THÁNG TƯ…
             
Với tay chạm nắng lưng trời
Màu buồn đổ sóng xuống đời an nhiên
Mùa đang son những ngọt mềm
Tháng tư vừa chạm đã nghiêng phía chiều…
                  
                                       Võ Miên Trường

 
 Nhà bình thơ Châu Thạch 


“CHẠM VỪA THÁNG TƯ” THƠ VÕ MIÊN TRƯỜNG, CHẠM VÀO TIM THƠ
                              Châu Thạch
 
Chữ chạm là một động từ có nhiều nghĩa: Khắc đục lên vật cứng, gặp nhau một cách bất ngờ, gây tổn thương tinh thần hay vật chất cho người khác. Trong bài thơ “Chạm Vừa Tháng Tư” của Võ Miên Trường, có lẽ ta phải hiểu theo nghĩa Chạm chỉ là đụng nhẹ vào mà thôi. Tác giả dùng chữ “Chạm” như để bày tỏ sự trân trọng một tháng tư mà mình quý mến. Nhà thơ đã chạm vào tháng tư nhưng chỉ “chạm vừa” là một cử chỉ mang nhiều trân trọng, e dè, nâng niu, yêu thương và ngại ngùng.
 

MƯA ĐẦU HẠ, SẮC TÍM BẰNG LĂNG – Thơ Tịnh Bình


   


MƯA ĐẦU HẠ
 
Đậu về trên nhánh hạ
Mưa đầu mùa ngây thơ
Ngai ngái hương đất ẩm
Dậy lời ve dại khờ
 
Ban mai tìm gió mới
Đường quê tràn tơ non
Cỏ xanh bừng thức giấc
Giọt sương xoe mắt tròn
 
Mẹ về phiên chợ vãn
Khói bếp quyện cơm sôi
Canh tập tàng nấm mối
Tia nắng reo đầu hồi
 
Ướt tiếng rao ngang ngõ
Bờ giậu hoa giấy phơi
Sắc tím hồng bung nở
Giọt mưa rơi thành lời...
 

HAI ĐỨA MÌNH GIÚP NHAU BỚT CÔ ĐƠN – Thơ Quách Như Nguyệt


  


HAI ĐỨA MÌNH GIÚP NHAU BỚT CÔ ĐƠN

Anh gặp em lần đầu nơi hào nhoáng
Tiệc ồn ào, nhạc ầm ỉ vang vang
Thiên hạ ôm nhau nhẩy nhót mơ màng
Chợt thấy em ngồi yên trong bóng tối
 
Em lẻ loi nhìn dáng vẻ đơn côi
Anh xúc động, cảm xúc quá đi thôi
Lại làm quen, anh tiến đến làm quen
Không ngờ em lại dễ thương quá đỗi
 
Nhẩy với anh, ra sàn nhẩy với anh
Hai chúng ta cùng hòa theo tiếng nhạc
Anh ôm em quên hết đời tan tác
Quên tình buồn, quên đi người phụ bạc
 
Điệu slow chậm rãi ru vào mộng
Anh thì thầm em có thấy vui không?
Nhạc lả lơi anh cũng muốn buông lơi
Trọn đêm nay ta dành cho nhau nhé
Chở em về màn sương đêm rơi nhẹ
 
Trăng mỉm cười, trăng hạnh phúc cùng ta
Hai chúng ta cười nói chuyện ta bà
Thích thú lắm, anh lắng nghe em nói
Đêm hôm nay, ta chỉ biết đêm nay
Sáng ngày mai mặc kệ ngày mai tới
Mình cho nhau, cùng lênh đênh chới với
Em ơi em, ta cùng lãng quên đời
 
Anh một mình, em cũng chỉ một mình
Em đơn lẻ, đời anh đang tẻ lạnh
Đến với nhau, ta yêu nhau chóng vánh
Hai đứa mình giúp nhau bớt cô đơn
 
Hai đứa mình giúp nhau bớt cô đơn
 
                         Quách Như Nguyệt
 
 

DẠY TRẺ CÓ THÚ VUI ĐỌC SÁCH – Vũ Thị Hương Mai



Khi đã biết đọc, biết viết một cách thành thạo, trẻ sẽ rất ham đọc sách. Vì chúng mong muốn được tìm hiểu thế giới bí ẩn qua trang sách, bởi còn rất nhiều điều thú vị chúng chưa biết mà giờ chúng háo hức muốn biết. Ở tuổi này, trẻ đã có khả năng lý luận và hiểu được những gì chúng đọc. Sở thích đọc này của trẻ cần phải có sự động viên và ủng hộ của cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ cần phải chọn lựa và khuyên bảo con nên và không nên đọc những loại sách gì. Đối với lứa tuổi 6 - 7 thì chưa nên đọc truyện phức tạp mà chỉ nên đọc truyện tranh, báo Nhi đồng, các loại sách học ở lớp và những sách có liên quan đến việc học tập của các em.
 

TRÍCH TÌNH KHÚC TẶNG BẠN BÈ – Thơ Khaly Chàm


   


.cười khinh nỗi buồn
 
quàng xiên ngã bóng nghiêng hình
uống tan nộ khí cười khinh nỗi buồn
cúi người chạm đất tạ ơn
nâng niu cát bụi cội nguồn tiền thân
 
.em hát ru ta
 
mưa mùa tím lạnh bàn chân
ngô nghê lần đếm vết hằn thịt da
ngọt lời em hát ru ta
vun thân sám hối thật thà yêu em
 
.mùi rơm hương đất
 
về đồng tìm dấu chân chim
diều bay căng sợi chỉ mềm lên cao
mùi rơm hương đất ngọt ngào
nhà ai khói bếp dựng vào hư không
 
                                     khaly chàm

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2022

TÌNH HUẾ, TRONG HÀNH TRÌNH THƠ TRẦN THƯƠNG BÁ – Đỗ Tư Nhơn


Nhà giáo - nhà thơ Trần Thương Bá
(1940- 2002)
 
I. Lời trao gởi tin yêu.
 
Nhà thơ Trần Thương Bá quê ở Huế, đã có thời gian dạy Việt văn tại trường trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị (1964-1969). Anh đã để lại những tình cảm sâu đậm và thân quí trong lòng học trò thuở ấy. Thời gian chập chùng, cuộc đời dâu bể, kiếp người nổi trôi…
 

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2022

MỘT VÀI KỶ NIỆM VỚI BÙI GIÁNG - Mai Thảo

Thuở sinh tiền, khi nói đến thơ, nhà văn Mai Thảo thường nhắc nhiều đến Vũ Hoàng Chương và Bùi Giáng. Mỗi người một phong cách, nhưng theo Mai Thảo, đó là những “ngôi sao Bắc Ðẩu trên vòm trời thơ ca của ta”. 
Chúng tôi cho đăng lại bài viết này (Văn, số 26 tháng 8/1984, USA) như một hình thức tưởng nhớ đến một người yêu thơ rất mực: nhà văn Mai Thảo, và một người làm thơ tài hoa cũng rất mực: thi sĩ Bùi Giáng. 
Cả hai đã ra đi. 
Bên kia thế giới, có lẽ nhà văn Mai Thảo lại có dịp mời thi sĩ Bùi giáng một chai bia lớn, và lại sẽ được nghe ông nói, bằng chất giọng Quảng Nam đặc sệt: “vui thôi mà”, như độc giả sẽ thấy, trong bài viết dưới đây.
 
                                                                                          HỢP LƯU
 


MỘT VÀI KỶ NIỆM VỚI BÙI GIÁNG 
                                                                     Mai Thảo
 
Đặc San Hợp Lưu (số 44, tháng 12/1998 tháng 1/1999)
 
Nhiều buổi chiều Sài Gòn, tôi chẳng còn có thể nhớ đích xác vào những năm nào, đâu như năm 1962, đâu như năm 1965 (nếu sai, nhờ hai anh Cung Tiến, Phạm Công Thiện nhớ lại dùm cho) tôi thường được mời tới những họp mặt ăn nhậu trên căn lầu ngăn nắp, thoáng mát của thầy Thanh Tuệ ở đường Lý Thái Tổ.
 
Mỗi họp mặt với Thanh Tuệ, hồi đó là giám đốc nhà xuất bản An Tiêm, là nhà sư trẻ tươi tắn chưa cởi áo hồi tục, thường vì một cuốn sách. Một cuốn sách mới, vừa in xong chưa ráo mực. Và trước khi gởi sách vào nắng mưa đời, họp mặt An Tiêm với thân hữu là một tiệc rượu lạc thành cho sách.