Trang

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2022

QUỐC GIA UKRAINE (УКРАÏНА) – Biên khảo của Từ Vũ

Loạt bài này nhằm mục đích tìm hiểu về những cuộc đấu tranh của người dân Ukraine trên đường gian nan tìm tự do thoát ách nô lệ của đế quốc láng giềng Nga.
Điển hình thật gần đây, ngày 24 tháng Hai năm 2022, ngày Vladimir Poutine, Tổng Thống Nga đã dã tâm xua quân sang xâm chiếm nước Ukraine, mưu đồ lật đổ chính phủ Dân Chủ của Tổng Thống Volodymyr Zelensky để thành lập một chính quyền tay sai bất chấp những phản kháng, phẫn nộ của nhân dân yêu chuộng công lý hòa bình các nước trên toàn thế giới.
 
                                                                                             Từ Vũ
                                                                                           14.3.2022
 
Mặt trận xâm lược nước Ukraine của quân đội Nga


Молитися... А до того –
Я не знаю бога.
Поховайте та вставайте.
Кайдани порвіте
І вражою злою кров'ю
Волю окропіте.
І мене в сім'ї великій,
В сім'ї вольній, новій
Не забудьте пом'янути
Незлим тихим словом.
1845
TARAS CHEVTCHENKO
(9.3.1814 - 10.3.1861)
 
..............................

Nhưng cho tới lúc này
Tôi chưa biết Chúa là ai !
Hãy chôn tôi và hãy đứng thẳng lên!
Bẻ gãy những xích xiềng quanh bạn,
Rồi tưới rải đi máu không tinh khiết của kẻ thù
TỰ DO !
Sau đó, trong đại gia đình ta,
Đại gia đình mới , đại gia đình tự do,
Đừng quên hoà nhịp trong kỷ niệm về tôi
Một lời hoàn mỹ ! (*)
 
 
PHẦN I
 
U kraine là một quốc gia rộng lớn nằm ở phía Đông Âu Châu với diện tích 603.550 Km2. Ukraine lớn hơn Pháp một chút và là quốc gia lớn nhất ở châu Âu, ngoại trừ Nga (nằm nửa châu Á, nửa châu Âu).
 
Nổi tiếng với các nhà thờ Chính thống giáo, các bãi biển nằm dọc Biển Đen (Mer Noire) và những ngọn núi với rừng cây rậm rạp những cánh đồng hướng dương hay lúa vàng rực .
 
Phía Bắc giáp Biélorussie, phía Đông Bắc và Đông giáp Nga, phía Nam giáp Biển Azov sau đó là Biển Đen (Mer Noire) và các nước Moldavie và Romanie, phía Tây Nam giáp Hongrie (Hung Gia Lợi), phía Tây giáp Slovaquie và Pologne (BaLan).
 
Tổng sản phẩm quốc nội (PIB) bình quân trên mỗi đầu người dân Ukraine là 3726,93 dollars (năm 2020) đứng hàng thứ 118 trong số 192 nước (theo bảng sắp hạng 2017 của Qũy Tiền Tệ Quốc Tế – Việt Nam đứng hàng thứ 129).
Vào năm 2020 nợ quốc gia của Ukraine là 82.831 triệu Euro, (94.610 triệu đô la) hay nói một cách khác tỷ lệ nợ / PIB là 60,78%), và nợ công tính theo đầu người là 2.000 € euro (2.284 đô la) (PIB=Tổng sản phẩm quốc nội )
 

Hryvnia là đồng tiền của Ukraine.

Ukraine đặt thủ đô tại Kiev.
 
Thủ đô của Ukraine nhìn ra dòng sông Dnepr, Kiev là "Mẹ của các thành phố Nga", một trong những thành phố lâu đời nhất ở châu Âu, thành phố lớn nhất của Ukraine với gần 3 triệu dân và là một trung tâm tôn giáo, công nghiệp, khoa học, học thuật và văn hóa quan trọng của Đông Âu.

Nguồn gốc của Kiev có từ lâu đời được đánh dấu bởi nhiều cuộc xâm lược cướp phá. Các di tích khảo cổ cho thấy tại đây đã có dân cư từ thời Đồ đá cũ Thượng cổ. Từ năm 3000 trước Công nguyên, sau đó vào thời kỳ văn hóa Cucuteni-Tripolje (cuối thời kỳ đồ đá mới), các bộ lạc thực hành nông nghiệp và chăn nuôi đã định cư trên địa điểm hiện tại của Kiev. Các cuộc khai quật còn phát hiện nhiều hiện vật có niên đại từ thời Đồng, Đồ đồng và Đồ sắt. Sau đó các bộ lạc tại khu vực giao thương với các dân tộc du mục ở thảo nguyên phía Nam (người Scythia, người Sarmatian, người Khazars) và các thuộc địa của Hy Lạp giáp Biển Đen.
 
Kiev đã còn là thủ đô đầu tiên của "Rus de Kiev" (tiếng Nga "киевская ручсь"): Người Varangian chiếm Kiev vào giữa thế kỷ thứ 9, hình thành một tầng lớp thống trị cùng với người Slave - Người Slave là nhóm dân tộc thiểu số lớn nhất ở châu Âu. Người Slave ngày nay được phân loại thành Đông Slave (chủ yếu là người Belarus, Nga, Ruthenians và Ukraina), Tây Slave (chủ yếu là Séc, Kashubians, Moravians, Ba Lan, Silesians, Slovaks và Sorbs) và Nam Slave (chủ yếu là Bosnia, Bulgari, Croats, Gorans, Macedonians, Người Montenegro, người Serb và người Slovenes).
 
Kiev phát triển nhanh chóng nhờ vào vị trí thuận lợi vì là một địa điểm phòng thủ trên bờ cao của Dnepr, trong trung tâm của một vùng nông nghiệp trù phú lại được bao quanh bởi các thị trấn Slavic lâu đời.
 
Vào khoảng năm 882, Hoàng tử Oleg, đã là chủ của Novgorod, chiếm Kiev để biến nó thành thủ đô của nhà nước Đông Slav đầu tiên: Kievan Rus. Thành phố phát triển với một nền thương mại thịnh vượng dọc theo sông Dnepr, phía nam hướng tới Byzance (một thành phố cổ đại của Hy Lạp), phía bắc hướng tới biển Baltic. Thậm chí các thương nhân ở Kiev còn đi xa đến các bờ biển của Caspienne và vùng Trung Á. Nổi tiếng về nghệ thuật, về những bức tranh khảm, bích họa của các nhà thờ cũng như kỹ năng chế tác bạc tuyệt vời nên Kiev trở nên một trong những thành phố lớn nhất ở châu Âu và tạo dựng quan hệ ngoại giao với Byzance , Anh, Pháp và thậm chí cả với Thụy Điển.
 
Tuy nhiên, Kiev lại bị suy yếu do một số cuộc chiến tranh đối chọi với các bộ lạc du mục ngự trị trên thảo nguyên miền Nam (Khazars, Pechenegs, sau đó là Polovtsy)cùng lúc những cuộc đấu tranh nội bộ không ngừng giữa các chính quyền của Kievan Rus còn gây tai hại nhiều hơn. Năm 1169, Hoàng tử Andrew Bogolyubski của Rostov-Suzdal xâm chiếm cướp phá Kiev. Thành phố, bắt đầu suy tàn vào cuối thế kỷ 12, đã không thế kháng cự lại được sự xâm lăng của người Mông Cổ trong thế kỷ tiếp theo: Năm 1238, một đội quân dẫn đầu bởi Batu, cháu trai của Thành Cát Tư Hãn, xâm lược Kievan Rus và sau khi cướp phá một số thành phố, đã bao vây và đốt cháy Kiev vào năm 1240. Phần lớn thành phố đã bị phá hủy và hầu hết cư dân bị giết hại. Theo tu sĩ dòng Phanxicô Jean du Plan Carpin thì Kiev chỉ còn hơn hai trăm cư dân vào năm 1246.
 
Năm 1362 Kiev được hợp nhất lại thành Đại công quốc Litva nhưng thêm một lần nữa lại bị hủy hoại bởi các cuộc tấn công của người Tatars ở Crimée vào cuối thế kỷ 15 để sau đó Kiev bị Liên minh Lublin ép nhập vào Ba Lan (1569).
 
Vào đầu thế kỷ 17, Kiev trở thành trung tâm điểm của cuộc kháng chiến của người Ukraine trước quyền lực của Ba Lan và giáo hội Công giáo . Một "đô thị Chính Thống giáo" đã được thiết lập tại Kiev vào khoảng năm 1620 cùng với sự đổi mới văn hóa (P. Moguila thành lập một học viện ở đó vào năm 1632).
 
Vào năm 1654 Kiev lại bị kết hợp với Nga. Trường đại học Kiev được thành lập vào năm 1834 đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phục hưng văn hóa của thế kỷ 19 và phong trào dân tộc chủ nghĩa của Ukraine.
 
Trong cuộc cách mạng năm 1917, một hội đồng (rada) được thành lập vào tháng 3 cùng năm dưới sự chủ tọa của Grushevsky với mục tiêu thành lập nước "Cộng hòa Nhân Dân Ukraine" (vào tháng 11) rồi tuyên bố độc lập tách khỏi Nga vào tháng 1 năm 1918. Nhưng những người Bolshevik cũng cho thiết lập tại Kharkov (ngày nay là Kharkiv) một nước "Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Ukraine" rồi những người Bolshevik Kharkov chiếm đóng Kiev (tháng 2 năm 1918) để sau đó bị quân Đức đánh đuổi. Kiev chỉ phục hồi được chức vị "thủ đô" vào năm 1934 dưới chế độ Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô viết Ukraina.
 
Thế chiến thứ Hai: trong cuộc xâm lược của Đức quốc xã vào Liên Sô thì Kiev là mục tiêu chính của lực lượng Đức dưới quyền chỉ huy của Thống chế Gerd Von Rundstedt. Trong một trận đánh lớn từ ngày 12 đến ngày 16 tháng 9 năm 1941, các xe tăng của Đức đã bao vây, tiệu diệt bốn quân đoàn Liên Xô (quân đội Liên Xô bị thiệt hại 500.000 người mà đa số bị bắt làm tù binh). Kiev thất thủ ngày 19 tháng 9. Vào ngày 6 tháng 11 năm 1943, tướng Hồng quân Nga Nikolaï Fedorovitch Vatoutine mới giải thoát Kiev khỏi tay Đức quốc xã.
 
Là một trung tâm quan trọng của Cơ đốc Chính thống giáo "Cái Nôi của Chính thống giáo", với một số lượng lớn các chủng viện, nhà thờ và các di tích tôn giáo. Một số được nằm trong Danh sách Di sản Thế giới của Unesco như
 

- Nhà thờ Saint Sophie, một kiệt tác kiến trúc vào thế kỷ thứ 11 theo phong cách vừa cách tân vừa hoành tráng. với 13 mái vòm bằng vàng, những bức tranh khảm, bức bích họa và nécropole (nghĩa địa) của các hoàng tử Ukraine bao gồm cả lăng mộ của Iaroslav le Sage, người xây dựng ngôi nhà thờ này. Bị cướp phá vào thế kỷ 13, bỏ hoang, được xây dựng lại vào thế kỷ 18 theo phong cách Baroque, sau đó đã chuyển thành bảo tàng của Cơ đốc và Chính thống giáo.
- Laure Kievo-Petchersk (chủng viện của những hầm mộ), Laure là chữ theo truyền thống để chỉ một tu viện, một tu viện rộng lớn trên 24 mẫu đất được kiến tạo vào năm 1051, nơi có lăng mộ, di tích hầm mộ Scythia, xác ướp của các tu sĩ Chính thống giáo yên nghỉ và là nơi hành hương của người Cơ đốc giáo.
 



- Tu viện Saint-Michel-de-Vydoubitch, tâm điểm của cuộc sống Chính thống giáo ở Kiev. Được thành lập vào thế kỷ 11 bởi Hoàng tử Kiev, sau đó biến thành tu viện riêng của con trai và các cháu vị hoàng tử này. Dù dã phải trải qua những đợt xâm lăng liên tục của quân xâm lược, tu viện vẫn bảo tồn được tất cả vẻ đẹp lộng lẫy ban đầu qua những lần tái thiết. Nội thất của tu viện đã bị những người Bolchéviques phá hoại, vào những năm 1930 khi họ biến nhà thờ thành nhà kho quân sự.
 


- Giáo đường Saint-Volodymyr xây dựng theo phong cách tân Byzantine để kỷ niệm 900 năm ngày rửa tội của Kievan Rus bởi Volodymyr Đại đế. Được nhận biết bởi mặt tiền màu vàng son và các cửa sổ màu trắng của nó. Trên đỉnh của giáo đường có 7 mái vòm màu xanh lam được trang trí lộng lẫy với những ngôi sao vàng, những cánh cửa bằng đồng thật lộng lãy nặng hơn ba tấn tượng trưng cho Thánh Ol'ha và Thánh Volodymyr.
 

- Nhà thờ Saint-André de Kiev nằm trên một ngọn đồi xanh tươi mát, xây dựng theo phong cách Baroque thuần túy vào cuối thế kỷ 18 để tôn vinh vị thánh bảo trợ của thủ đô. Ngày nay là một trong những di tích tiêu biểu của Chính thống giáo Kiev.
 
Oleg, một hoàng tử trị vì ở Kiev vào cuối thế kỷ 9 và đầu thế kỷ 10, đã nói: "Kiev là mẹ của các thành phố Nga".
 

Dấu tích vào thời kỳ cộng sản ở Ukraine còn hiện hữu ở Kiev qua các kiến trúc như quảng trường Độc Lập (Maidan), "Rada" quốc hội Kiev, Bà Mẹ Tổ quốc, ...
 
Hệ thống giao thông công cộng ở Kiev rất tiến bộ bao gồm một mạng lưới tàu điện ngầm (hầm xe điện sâu nhất thế giới) trang trí lộng lãy và đường sắt nối với các thành phố khác ở trong nước hoặc tới St Peterbourg Nga.
 

Ngoài ra, những thành phố lớn nhất theo thứ tự dưới đây của Ukraine:
 
    - 1. Kharkiv với 1,42 triệu dân. Thành phố lớn ở phía đông bắc Ukraine nằm tại hợp lưu của các sông Uda, Lopan và Kharkiv. Kharkiv là thủ phủ của vùng Sloboda, nằm không xa biên giới Nga, cách thủ đô Kiev khoảng 400 km. Được thành lập năm 1655 như một pháo đài quân sự bảo vệ các vùng biên giới phía nam của nước Nga. Là trung tâm của một vùng đất màu mỡ được khai phá rất sớm vào thế kỷ thứ 18, thành phố nhanh chóng phát triển thương mại và sản xuất thủ công mỹ nghệ quan trọng để trở thành trụ sở của chính quyền cấp tỉnh vào năm 1732. Vị trí này đạt cao hơn vào cuối thế kỷ 19 khi được giao tiếp với những vùng lân cận trong lưu vực than đá Donets , vào năm 1869 lần đầu tiên được nối kết với con đường xe lửa từ Kharkiv đến . Vào thời kỳ đó, các ngành công nghiệp của chính Kharkiv, đặc biệt là kỹ thuật, đã phát triển nhanh chóng. Sau Cách mạng Nga năm 1917, Kharkiv được chọn làm thủ đô đầu tiên của nước Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô viết Ukraina . Vào năm 1934 Kharkiv bị mất chức năng này . Trong thời kỳ Thế chiến thứ Hai, điểm giao thông quan trọng này đã xãy ra những cuộc giao tranh quyết liệt phải đổi chủ nhiều lần, với sự tàn phá rất trầm trọng.
 

Ngày nay Kharkiv vẫn giữ vai trò quan trọng của Ukraine: một trung tâm giao lưu với giao lộ đường sắt lớn, một số tuyến đường trục hội tụ trên đó với một số nhà ga của tuyến đưòng chính. Kharkiv cũng nằm trên hệ thống đường cao tốc chính của Ukraine và Nga, các tuyến đường cao tốc đến Moscow, đến Kiev và miền tây Ukraine, tới Zaporijjia và Crimée, cũng như tới Rostov-na-Donu (Nga) và Caucase. Cơ cấu công nghiệp của Kharkiv chủ yếu là kỹ thuật qua các sản phẩm đa dạng bao gồm đầu máy diesel, máy công cụ, máy khai thác mỏ, máy kéo và máy móc nông nghiệp khác, xe đạp, máy phát điện, tuabin hơi nước và nhiều mặt hàng điện. Các ngành công nghiệp nhẹ như sản xuất thực phẩm và hàng tiêu dùng khác .... Phần lớn năng lượng cho công nghiệp và sưởi ấm trong thành phố cung ứng bằng khí đốt tự nhiên.
 
   - 2. Odessa, thành phố hải cảng lớn nằm cạnh Biển Đen (Mer Noire) có diện tích gần 237 km vuông với hơn 1 triệu dân, trung tâm công nghiệp quan trọng (chủ yếu là biến chế luyện kim ), văn hóa (trường đại học, đài quan sát), bảo tàng (khảo cổ, mỹ thuật,...) và du lịch vì Odessa đẹp, hấp dẫn và lôi cuốn hình như vai trò duy nhất là chỉ gợi đến "một giấc mơ nào đó" giống như Barcelone thủ đô vùng Catalan nước Tây Ban Nha nên đã được đặt biệt danh là “Barcelone của người Slave” với các cô gái Odessa được coi là phụ nữ đẹp nhất của Ukraine với khu nghỉ mát cũng đẹp nhất ở Ukraine.
  

Xây dựng trên địa điểm làng Khadjibeï của người Tatar, bị sát nhập vào nước Nga kể từ lúc hiệp ước Iaşi , được ký kết vào ngày 9 tháng 1 năm 1792 tại Jassy- Moldavia giữa Đế quốc Nga và Đế chế Ottoman (Thổ). Năm 1794, người Nga tiến hành xây dựng một căn cứ hải quân và một hải cảng, họ đặt tên là Odessa vào năm 1795 để tưởng nhớ thuộc địa Odessos của người Miles (thế kỷ thứ VII trước Thiên Chúa). Được quản trị từ năm 1803 đến năm 1814 bởi Công tước Armand de Richelieu, Odessa trở thành trung tâm hành chính của Nước Nga Mới vào năm 1805 và trải qua sự phát triển nhanh chóng. Hải cảng tự do (1819-1859), trung tâm xuất khẩu ngũ cốc, nối với Kiev bằng đường sắt trong những năm 1860-1870, Odessa, vào cuối thế kỷ 19, là hải cảng thứ 2 của Đế quốc Nga. Trường đại học thành phố được mở cửa từ năm 1865.
 

Dân số tại Odessa có tới 400.000 vào trước Chiến tranh thế giới thứ Nhất với một cộng đồng Do Thái lớn (165.000 người vào năm 1914, hay 34% dân số của thành phố) và là trung tâm của "Liên minh Công nhân miền Nam nước Nga" từ năm 1875, Odessa là một trung tâm cách mạng quan trọng.
   
Vào năm 1905, những thủy thủ trên thiết giáp hạm Potemkin trong hạm đội của Sa hoàng Nicholas II đã nổi loạn tại bến cảng Odessa. Năm 1918-1919, Odessa bị Áo chiếm đóng, sau đó là người Pháp, được tăng cường bởi quân Hy Lạp và Ba Lan nhằm hỗ trợ tướng Nga Denikin chống lại những người Bolshevik (18 tháng 12 năm 1918 - 22 tháng 4 năm 1919). Trong cuộc chiến tranh giữa Đức và Liên Xô, ngày 16 tháng 10 năm 1941 thành phố bị lực lượng của thống chế Rundstedt (Đức) chiếm, được giải phóng ngày 10 tháng 4 năm 1944 sau cuộc tấn công của Thống chế Malinovsky (Nga) .
Ngày nay, Odessa tuy đừng hàng lớn thứ ba của Ukraine nhưng lại là một trong những thành phố thịnh vượng nhất. Odessa có rất nhiều ngành kỹ nghệ và công nghiệp sản xuất máy móc thực phẩm nông sản, dệt may...
 

- 3. Dnipro, thành lập vào cuối thế kỷ 18 ở miền Đông Ukraine với hơn 900,000 cư dân. Dnipro thuộc vùng hành chính Dnipropetrovsk. Một thành phố công nghiệp với quặng sắt từ Kryvyy Rih, mangan từ Nikopol, than từ lưu vực Donets và năng lượng điện từ dòng thác của các nhà máy thủy điện trên sông Dnepr, một trong những con sông lớn nhất ở Châu Âu.
 
Thành phố trải dài hơn 400 cây số vuông và có lịch sử gắn bó với lĩnh vực hàng không. Chính tại thành phố này, người ta đã thiết kế nhiều vệ tinh và thậm chí cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Liên Xô như tên lửa Dnepr, R-16 (là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên của Liên Xô). Mạng lưới công nghiệp dày đặc ở Dnipro lẫn lộn các công ty sản xuất vệ tinh, xe buýt các nhà sản xuất máy móc nông nghiệp hoặc tuộc bin quay gió, hóa chất làm từ than cốc, lốp xe, chất dẻo, sơn, quần áo, giày dép, thực phẩm và các vật liệu khác . Những dàn máy điện Dnepropetrovsk được trang bị cho rất nhiều tuyến đường xe lửa ở Nga. Dnipro có trường đại học và học viện giảng dạy về khai thác mỏ, nông nghiệp, công nghệ hóa học, luyện kim, y học, đường sắt và kỹ thuật xây dựng.
 
- 4. Donetsk, thủ phủ của vùng biển than Donbass, miền Đông Ukraine , giáp giới với Nga. Donetsk là trung tâm công nghiệp và kinh tế của Ukraine cách thủ đô Kiev 600 km về phía đông nam , được thành lập vào năm 1869 với khoảng 918.536 cư dân . Thành phố này hôm nay là biểu tượng của một khu vực đã ly khai.
    Thật vậy, kể từ năm 2014 cho đến nay là một vùng được sự khuyến khích bảo trợ của Nga để đòi tách rời khỏi Ukraine, tự xưng dưới danh nghiã "Cộng hòa nhân dân Donetsk" nhưng không được quốc tế công nhận.
 

- 5. Zaporijié, : Với hơn 740.000 dân, cách thủ đô Kiev khoảng 450 cây số về phía đông nam và cách Dnipro khoảng 50 cây số . Với diện tích 240 km2, chủ yếu thành phố nằm bên mé bờ phiá đông sông Dnepr. Ban đầu, vào thế kỷ 16, Zaporijié chỉ là một trại lính do người Cosaques thành lập. Nhưng vào năm 1770, một pháo đài quân sự, chống lại các cuộc xâm lăng của người Tatar và Thổ Nhĩ Kỳ, đã được tạo ra từ lúc đó mang tên Alexandrovsk cho đến năm 1921. Zaporijié là một thành phố công nghiệp lớn của Ukraine với các công ty chuyên sản xuất thép điện, thép đặc biệt, alumin và nhôm, các sản phẩm chịu lửa. Carbochemistry cũng có mặt trong đó cũng như các sản phẩm về cơ khí hay động cơ máy bay . Ngành công nghiệp nặng của Zaporijié dựa trên việc sản xuất điện tại địa phương: ngoài nhà máy điện thủy lực trên Dnepr, Zaporijia còn có một nhà máy điện nguyên tử lớn nhất Châu Âu với sáu lò phản ứng loại VVER được xây dựng từ năm 1980 và hoàn thành năm 1985. Nhà máy này sản xuất hơn 1100 tera watt/giờ mỗi năm cung ứng 20% tổng nhu cầu của nước Ukraine. Sự gần gũi với dòng sông Dnepr rất quan trọng đối với nhà máy mà khả năng nhiệt điện có thể đạt tới 20.000 megawatts.
 

- 6. Lviv: với các tên Leopolis tiếng latin, Lemberg tiếng germanique, Lwów tiếng Ba Lan. Thành phố Lviv chính xác có 724.314 dân nằm ở cực Tây của Ukraine trên độ cao chừng 300 mét so với mực nước biển. Thành phố Lviv là một trong những thành phố lâu đời nhất của Ukraine. Lịch sử của Lviv được đánh dấu bằng các cuộc chinh phục liên tiếp của các thế lực đế quốc. Được thành lập vào thế kỷ 13 bởi Hoàng tử Danylo của Galicia như một pháo đài chống lại các cuộc xâm lược của người Tatar và Mông Cổ . Hoàng tử Danylo để lại cho con trai của ông là Lev (Leo), người đã xây dựng và thành phố mang tên ông kề từ khi đó. Lviv đã tồn tại vào thế kỷ 14 dưới sự thống trị trong hơn 400 năm của các vị vua Ba Lan rồi sau đó trở thành một trung tâm quan trọng của liên minh Ba Lan-Litva.
     
Lviv chỉ cách biên giới Ba Lan khoảng 70 km, kiến trúc của thành phố được đánh dấu bởi di sản Ba Lan-Áo-Hung kết hợp những nét Trung-Đông Âu trong phong cách Ý và Đức. Tài sản của "Lviv - Toàn thể Di tích Lịch sử" bao gồm các phần riêng khác biệt nhau đại diện cho các giai đoạn phát triển:
    
Lâu đài cao (Vysokyi Zamok) và khu vực xung quanh (Pidzamche) là những phần chính lâu đời nhất đã có từ thế kỷ thứ 5.
 

Seredmistia, trung tâm thành phố, được phát triển vào thế kỷ 14 với các tòa nhà đô thị Đông Âu được bảo tồn , bao gồm nhiều tu viện và dinh thự theo phong cách Phục hưng và Baroque, cùng các công viên được thiết lập trên địa điểm ban đầu là các công sự thời Trung cổ, trộn lẫn các tòa nhà gần đây hơn từ thế kỷ 19 và Thế kỷ 20.
    
Ngay trên vùng núi cao ở phía tây nam thành phố cổ kính này là nơi tọa lạc quần thể nhà thờ Thánh George. Trụ sở Tổng Giám Mục Nhà thờ Chính thống giáo Galicie với các tòa nhà kiến trúc kiểu Baroque có giá trị nghệ thuật rất lớn.
 
- 7. Kryviy Rih - Trái tim thép của Ukraine: thành phố lớn thứ hai trong vùng Dnipropetrovsk. Tất nhiên thành phố này bị Dnipro che mờ nhưng Kryviy Rih vẫn có 634.294 cư dân và những hoạ động công nghệ đáng kể nhất là từ năm 1969 Terny, địa điểm của một mỏ uranium, được sáp nhập vào Kryvyy Rih. Các ngành cơ sở công nghiệp khác bao gồm khai thác các mỏ quặng sắt, luyện cốc và chế tạo máy (đặc biệt là đối với ngành khai khoáng), sản xuất máy khoan kim cương, xi măng và thực phẩm, và chế biến gỗ...
 
- 8. Mykolaïv, một thành phố cảng lớn cách Biển Đen khoảng 65 km, ở phía nam , cách Kiev 400 km. Với 500.000 dân, đây là một trong những thành phố lớn của Ukraine. Thành phố này được thành lập bởi Potemkine vào ngày 27 tháng 4 năm 1789. Grigori Potemkine, một hoàng tử Nga, người xử lý các công việc quân sự cho chính quyền Nga.
    
Mykolayiv là một trong những trung tâm đóng tàu lớn nhất của Ukraine. Thành phố cũng có một loạt các ngành công nghiệp kỹ thuật và hàng tiêu dùng khác. Một nhà máy chế biến alumin sử dụng bauxit nhập khẩu được xây dựng vào những năm 1970 ở ngoại ô Zhovtneve.
 

- 9. Marioupol: Thành phố có khoảng 460.000 cư dân Tọa lạc trên Biển Azov, ở cửa sông Kalmious, cách Donetsk 105 km về phía nam và cách Kiev 635 km về phía đông nam, Mariupol là một thành phố cảng rất quan trọng , đứng hàng thứ tư của Ukraine với lưu lượng 14.774.400 tấn (2005) cùng với những hoạt động chính trong kỹ nghệ nặng về thép và cơ khí, Marioupol lại còn là tuyến đường xe lửa nối Kiev với Moscow, Kiev, Lviv, Minsk, Briansk, Voronej, Kharkov, Poltava hay Slaviansk-sur-le-Kouban và ngay cả Saint Petersburg.
 
Thành phố cũng có nhiều nhà thờ Chính thống giáo, nhà thờ Hồi giáo và ngay cả nhà thờ các đạo Mormon, Tin Lành, Pentecôtistes, Adventistes
 
A- DÂN SỐ UKRAINE:
 
Dân số hiện tại của Ukraine, không tính tới Crimée, là 43. 514. 104 người với 20.016.083 nam giới 23.498.020 nữ giới. mức tăng dân số âm (-). Tình trạng này do cả tỷ lệ sinh sản bị giảm lẫn tỷ lệ tử vong tăng mạnh. Dân số đã bị giảm đi khoảng 7 triệu người từ năm 1996 đến năm 2013, mỗi năm gần 200.000 người bị bớt đi.
 
Mức độ sinh sản trung bình 1.287 trẻ em chào đời mỗi ngày (53,63 con mỗi giờ) và tỷ lệ tử vong trung bình 1.824 người mỗi ngày (76,00 mỗi giờ).
 
Tuổi thọ trung bình sau khi chào đời của cả nam lẫn nữ giới ở Ukraine là 68,6 tuổi. Thấp hơn tuổi thọ trung bình trên thế giới (71 tuổi theo Phòng Dân số của Ủy Ban Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc).
 
Mật độ trung bình là 76 người/km2. Tuy nhiên, cần lưu ý một điều: dân số phân bố không đồng đều, khối lượng lớn tập trung ở phía Đông, ở Kiev và ở Lviv (Lvov). Dân số hiện đã được đô thị hóa 67%, tính cách nông dân đã đánh dấu bản sắc của các phong trào dân tộc chủ nghĩa Ukraine trong những thế kỷ trước do đó có xu hướng biến mất vào đầu thế kỷ 21.
 
Phản ánh quá khứ lịch sử của Ukraine, bao gồm cả sự cô lập của nó trong thời kỳ Xô Viết, hơn ba phần tư dân số hiện tại là người gốc Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine lại là một quốc gia đa sắc tộc với một trăm ba mươi sắc tộc khác nhau, 25 trong số đó là đáng kể. Bản sắc của dân số này chủ yếu vẫn là người Slave, vì 78% người Ukraine và 18% người Nga 4% dân số còn lại là các sắc tộc khác. Nhìn vào tình hình khu vực của đất nước về mặt dân số dân tộc, chúng ta thấy sự hiện diện rất đáng kể của người Nga ở phương Đông (bản đồ ở mé trái).
 


B - NGÔN NGỮ
 
Tiếng Ukraina là ngôn ngữ chính thức nhưng mười ba ngôn ngữ thiểu số khác cũng được công nhận bao gồm cả tiếng Nga chiếm ưu thế ở phía đông và nam (Odessa). Hầu hết người Ukraine thông thạo tiếng Nga vì 17% dân số chính thức là người Nga và một thời kỳ rất dài nằm trong văn hoá Nga. Ở phía tây và phía nam của Ukraine, có các dân tộc thiểu số nói tiếng Ba Lan, Hungary, Belarus, Romania, Hy Lạp, Yiddish, cũng như Séc và Slovakia
 

Tại Ukraine, hầu như tất cả người Hy Lạp sống ở thành phố Mariupol và vùng phụ cận, trên bờ Biển Azov. Tiếng Đức, từng là một ngôn ngữ thiểu số (người Đức ở Volga), đã biến mất gần như hoàn toàn sau khi Hồng quân giải phóng Ukraine vào năm 1943/1944. Ngày nay, tiếng Đức chủ yếu được giảng dạy tại các trường Đại học vì nó là một ngôn ngữ thương mại nhưng đó là ngoại ngữ thứ ba được dạy sau tiếng Nga và tiếng Anh.
 

Tình hình ngôn ngữ là một chỉ số mạnh mẽ cho thấy sự phân rẽ của Ukraine. Cuộc điều tra dân số năm 2001, xem xét về tiếng mẹ đẻ, cho thấy khoảng một phần ba người Ukraine sử dụng tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ. Tiếng Nga (như một ngôn ngữ được sử dụng hàng ngày) lẽ tự nhiên rất phổ biến ở mé Đông Ukraine. Tại thủ đô Kiev, song ngữ Nga-Ukraine vẫn là một điều cần thiết vì số lượng người nói tiếng Nga cao hơn một chút so với số lượng người nói tiếng Ukraine. Cũng cần vạch ra sự tồn tại của tiếng "surjiy" - một thứ ngôn ngữ "trung gian" trộn giữa tiếng Nga và tiếng Ukraine, được sử dụng rộng rãi ở các vùng nông thôn (tỷ lệ lên tới 21,7% ở các khu vực miền Đông-Trung).
 
C - ĐỊA LÝ:
 
Ukraine có rất ít đồi núi cao. Về cơ bản, là một phần của đồng bằng kéo dài hơn 1.000 km từ Tây sang Đông, hơn 600 km từ Bắc xuống Nam, giữa vĩ độ 52 ° Bắc và bờ biển của Biển Đen (Mer Noire) và Biển Azov với các thung lũng lớn dẫn đến Biển Đen (Dniepr, Bug) và các khu vực hơi trồi cao ở mé Tây Carpates với ngọn núi Hoverla cao 2.061 thước.
 

Phía Tây Ukraine, dòng sông Dniester dài 1095 km chảy vào Biển Đen (Mer Noire). Ở trung tâm Ukraine, một con sông lớn khác, Dnepr, dài 1362 km, nhập vào Biển Đen ở khu vực thành phố Odessa. Con sông thứ ba, sông Danube đánh dấu biên giới với nước Romanie mà mé bờ trái là Ukraine, cũng dẫn vào Biển Đen .
 
1. Khí Hậu:
 
Mùa đông Ukraine khá khắc nghiệt nhưng ngắn hơn và ít lạnh hơn so với ở Nga. Từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 4, nhiệt độ nói chung là âm độ (từ -1 ° đến -15 °). Kiev chìm dưới tuyết một trăm ngày trong một năm (150 ngày ở Moscow). Càng đi xa về phía bắc và phía đông (đón gió bắc cực), cái lạnh càng dữ dội hơn.
   
Bên mé bờ Biển Đen, nhiệt độ trung bình vào mùa đông ôn hòa hơn, trên 0 ° một chút. Vào mùa xuân, tháng 4-5, nhiệt độ tăng nhanh (14 ° ở Kiev, 18 ° ở Odessa…). Mùa hè, khá nóng (từ 26 ° đến 28 °), kéo dài đến cuối tháng Chín. Tháng 6 và tháng 7 là những tháng ẩm ướt nhất.
 
2. Đất Đen
 
Lãnh thổ Ukraine gồm: 45% đất đen rất màu mỡ (chernozem) , 23% đất rừng nâu, 16% podzols, rendzin và đá vôi, 6% đất xương (*). Những vùng đất đen này bao phủ trên một móng nền đa dạng, bị chia cắt bởi các thung lũng rất rộng. Hệ số mùn của đất đen rất cao (80%) hệ số này giảm dần dần về mé đông Ukraine. Các vùng đất đen tương ứng với vùng khí hậu có mùa hè nóng hơn ở Biélorussie và Nga, nhưng tổng lượng mưa (ít hơn 800 mm ở phía bắc, 500 mm ở các nơi ở phía nam) không cho phép phát triển để có được những khu rừng thật rậm rạp.
 
Phần rìa phía tây bắc Ukraine sát Biélorussie có những đầm lầy Polesie (dưới rừng) chiếm sườn phía nam của thảo nguyên cây cối rậm rạp , trên vùng đất podzolic đọng nước này canh tác các loại ngũ cốc và khoai tây chỉ được một năng xuất khiêm nhường. Nhất là, khu vực này lại đã chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề bụi phóng xạ trong thảm họa hạt nhân Tchernobyl.
 
Bắt đầu từ thủ đô Kiev, một dải đất rộng ở trung tâm Ukraine là vùng đất tốt nhất, sau khi được khai hoang đã biến nó thành một đồng cỏ với các loài cây tự nhiên với thân rễ rất dễ sống để chịu đựng nổi sương giá, những loài cây có củ vươn lên từ lớp tuyết vừa tan vào mùa xuân , phần lớn là cỏ artemisia, tussock, fescue ... đôi khi còn vươn cao hơn cả đầu người.
 
Vào mùa xuân, hoa nở tự nhiên đã biến thảo nguyên này thành một biển hoa muôn màu muôn vẻ , rực rỡ nhấp nhô trong gió để sau đó khô nhanh vào mùa hè rụi xuống cung cấp chất mùn vào mùa thu và mùa đông.
 

Những vùng đất có màu tối này là một trong những vùng đất màu mỡ nhất trên thế giới: Đây là nơi tập trung sản xuất nông nghiệp chính: ngũ cốc và củ cải đường, ngoài ra còn có chăn nuôi gia súc sự kiện này cũng là để giải thích tại sao vùng đất lại được khai khẩn ngay từ thế kỷ 18 và 19, để biến Ukraine trở thành một trong những vựa lúa của châu Âu.
 
Hầu như không còn thảo nguyên nào còn giữ được trạng thái tự nhiên trong những cuộc định cư (di dân bắt buộc hoặc tự nguyện) nhưng người Ukraine đã bảo tồn dưới hình thức một công viên quốc gia, khu bảo tồn Askania-Nova, nơi thực vật và động vật có điều kiện để sinh tồn. Các mảnh thảo nguyên vụn khác xuất hiện trên các bãi cát ven biển và về phía đông, nơi khí hậu trở nên khô khan hơn.
 
Việc canh tác không phải là không gặp những khó khăn, đất đen màu mỡ cũng từ từ cạn kiệt cần phải có phân bón. Gió từ Kazakhstan (Sukhovei) thổi về mang theo những đám mây bụi rơi xuống các làng mạc và mùa màng, xói mòn đào sâu ở các khe núi thảo nguyên tạo ra những dạng hình tuyến tính(đường thẳng) hoặc hình tròn (hình trứng). Hiện tượng xói mòn đất gây ra những hư hại khó sửa chữa do thế các loại đất có chất lượng không đồng đều: 45% là đất đen, 23% đất rừng nâu, 16% đất podzols, đá vôi, 6% đất xương (như đã nói ở trên).
 
D - TÀI NGUYÊN
 
1. Nông Nghiệp:
 
Lá cờ Ukraine, có hai đường kẻ ngang: một màu xanh lam (trên) và một màu vàng (dưới). Màu sắc đại diện cho bầu trời xanh và cánh đồng lúa mì vàng.
 





Ukraine, quốc gia nông nghiệp lớn nhất châu Âu về quy mô canh tác với 41,5 triệu ha diện tích nông nghiệp được sử dụng và đứng hàng thứ hai về diện tích đất canh tác (32,5 triệu ha, gấp đôi Pháp) vì diện tích canh tác của Ukraine là 22% diện tích đất canh tác tại Châu Âu.
 
Sản xuất lúa mì và bắp đứng hàng thứ 6 trên thế giới (2020), sản xuất khoai tây đứng hàng thứ 4 với 20 triệu tấn.
 
Những cánh đồng hoa hướng dương rộng lớn trên lãnh thổ Ukraine cùng rất nhiều lúa mì, ngô, khoai tây và củ cải đường được trồng trọt trên đó. , một trong những món ăn thường nhật của Ukraine nổi tiếng nhất là món "borscht", một loại súp củ cải đường.
 

Nói chung thì Ukraine có tới 33% tài nguyên đất nông nghiệp màu mỡ nhất trên thế giới.
 
Ukraine không chỉ có những cánh đồng phì nhiêu mà còn có các hầm mỏ khoáng sản như sắt, than và mangan, được sử dụng để sản xuất thép. Trữ lượng uranium của Ukraine lớn nhất ở châu Âu, Uranium được sử dụng để tạo ra năng lượng hạt nhân.
 
2. Quặng Mỏ:
 
Trên đất Ukraine có hơn 20.000 quặng với hơn 200 loại khoáng sản khác nhau . Trong số này, khoảng 8.000 mỏ có 94 khoáng sản có tầm quan trọng trong công nghệ bao gồm quặng sắt, than, quặng mangan, khí tự nhiên, dầu khí, lưu huỳnh, than chì, quặng titan, magiê, uranium, crom, niken, nhôm, đồng, kẽm, chì, kim loại đất hiếm, kali, muối mỏ và kaolinit, cũng như nước khoáng và loại nước khác.
 
Hầm mỏ của Ukraine

Ukraine có chừng 20 ngành công nghiệp chính cụ thể là sản xuất năng lượng, nhiên liệu, luyện kim , kim loại màu, hóa chất và hóa dầu, khí đốt, chế tạo máy và gia công kim loại, lâm nghiệp, chế biến gỗ , nghiền bột, giấy gỗ, vật liệu xây dựng, thực phẩm ít chất béo ...
 
Các mỏ than của Ukraine cung cấp 85% cho nhu cầu trong nước (100 triệu tấn). Mặt khác, các mỏ dầu khí cung cấp 15% cho nhu cầu quốc gia.
 
Năm 2019, Ukraine sản xuất quặng sắt lớn đứng hàng thứ 7 trên thế giới (trữ lượng 28 tỷ tấn), sản xuất Mangan đứng hàng thứ 8 (trữ lượng 3 tỷ tấn), sản xuất Titan hàng thứ 6 thế giới, thứ 7 về Than chì và thứ 8 về Uranium.
 
3. Kỹ Nghệ Thép
 
Ukraine có một ngành công nghiệp luyện kim đáng kể, sản xuất gang, thép và đường ống. Năm 2005, Ukraine là nước sản xuất thép lớn thứ 7 trên thế giới.
 
Khu luyện thép Kryvyi Rih
 
Khu phức hợp Kryvyi Rih khổng lồ với sản lượng hàng năm 8 triệu tấn thép và 20 triệu tấn quặng sắt, một trong những viên ngọc quý của công ty Ấn Độ ArcelorMittal. Bao gồm 80% nhu cầu sắt của của công ty với rất có lợi nhuận. Trong năm 2007, công ty ArcelorMittal đã công bố tổng thu nhập hoạt động là 1,2 tỷ đô la với doanh thu 3,8 tỷ đô la. Được mua vào năm 2005 bởi Mittal Steel, nhà máy có 43.000 nhân viên.
Nhà nước Ukraine có thể dự kiến về lâu dài việc quốc hữu hóa trở lại như một công nghiệp chiến lược, trong khi đó tập đoàn ArcelorMittal mong muốn tăng sản lượng lên 12 triệu tấn thép.
 
4. Năng Lượng
 
Ukraine sản xuất năng lượng chủ yếu là 36% hạt nhân bằng 15 lò phản ứng nằm rải rác trên bốn nhà máy điện nguyên tử Khmelnitski , Youjnoukraïnsk , Rivné , Zaporijia đang hoạt động, 27% khí đốt tự nhiên và 23,9% bằng than đá mà trữ lượng rất dồi dào, đứng thứ 8 trên thế giới với 3,2% trữ lượng của thế giới. Tuy nhiên sản lượng than chỉ cung ứng 55% lượng tiêu thụ trong nước. Ukraine cũng còn có các mỏ dầu và khí đốt, theo thứ tự chiếm 16% và 27% số lượng tiêu thụ trong nước.
 
Nhà máy điện nguyên tử Yuzhnoukrainsk
 
Chính vì vậy mà Ukraine vẫn phải nhập khẩu, điều này đặt ra một vấn đề phụ thuộc nghiêm trọng đối với Ukraine, đặc biệt là về khí đốt, một số tranh chấp khí đốt giữa Nga và Ukraine đã xảy ra vào những năm 2005,2007,2008. Ukraine hy vọng sẽ sớm thoát khỏi sự phụ thuộc này nhờ vào việc tăng cường kết nối với Slovakie, với Ba Lan và kể cả tới việc khai thác khí đá phiến mà nước này đang có một nguồn tích trữ rất đáng kể.
 
Mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp bình quân mỗi đầu người cao hơn 7% so với mức trung bình trên thế giới, nhưng thấp hơn 62% so với Nga và thấp hơn 44% so với Pháp và Đức (2019).
 
Lượng khí thải CO2 thấp hơn 13% so với mức trung bình thế giới, 12% so với Pháp và 66% so với Nga (2019).
 
5. Một Nền Giáo Dục Cao ‍
 
Ukraine là một trong những quốc gia có một nền giáo dục tốt nhất trên thế giới, đứng thứ 4 tại Âu châu về số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học. Hơn 99,7% người Ukraine biết chữ và hơn 70% có trình độ từ cấp trung học trở lên. Bằng đại học và các bằng cấp chuyên môn được coi là căn bản để phát triển cho cả nước.
 
Trường đại học quốc gia Taras Shevchenko
 
Nước Ukraine có hơn 600 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và trường kỹ thuật. Các thành phố lớn nhất của Ukraine, bao gồm Kiev, Kharkiv, Odessa, Dnipro và Lviv là các trung tâm giáo dục đào tạo nhân tài. Sáu trường đại học Ukraine được liệt kê trong bảng xếp hạng quốc tế "QS World University Rankings", đặc biệt là Đại học Quốc gia Taras Shevchenko của Kiev và "Học viện Bách khoa Kiev" của Đại học Kỹ thuật Quốc gia Ukraine.
 
Hàng năm, Ukraine cung cấp cho thế giới khoảng 640.000 sinh viên tốt nghiệp, trong đó có 130.000 kỹ sư và hơn 16.000 chuyên gia . Mỗi niên học, khoảng 70.000 sinh viên nước ngoài đến từ 150 quốc gia trên thế giới ghi danh theo học tại các cơ sở giáo dục đại học Ukraine.
 
E - GIAO THÔNG
 
1. Đường Bộ:
 
Mạng lưới đường bộ và xa lộ cao tốc của Ukraine với chiều dài tổng cộng là 169,694 cây số, mỗi đầu người có 3,84 thước do đó Ukraine đứng thứ 127 trong bảng xếp hạng thế giới. Tuy nhiên, cần phải tính đến quy mô và mật độ dân số của Ukraine, khoảng 73 người trên mỗi cây số vuông. Các quốc gia có ít dân cư hơn nhưng cùng một diện tích hoặc thậm chí diện tích lớn hơn đương nhiên đạt được các giá trị rất khác biệt vì phải kết nối các vùng xa xôi mặc dù có số lượng dân cư thấp hơn với mạng lưới giao thông.
 

Trung bình có 5663 ca tử vong vì lưu thông mỗi năm (2012 - 2019), con số này tương ứng với khoảng 12,6 ca tử vong do tai nạn trên 100.000 dân mỗi năm. Để so sánh, con số này là 5,9 đối với toàn bộ ở Cộng đồng Âu Châu và 17,1 trên toàn thế giới nên giao thông đường bộ ở Ukraine không được coi là thật sự an toàn Tại Ukraine, giao thông trên đường xe chạy bên phải và vượt xe bên mé trái. Quy tắc này được đưa ra vào cuối thế kỷ 18, trong thời kỳ xảy ra các cuộc chiến tranh của Napoléon.
  
Hệ thống giao thông của Ukraine về Đường lộ có 169.700 km, Đường Xe Lửa : 21.733 km, Đường Sông : 1.672 km
Độ dài của mạng lưới đường xe lửa, Ukraine đứng thứ 34 trên thế giới với 0,49 mét / người. Lưu lượng hàng hóa trên đường sắt gần đây đã lên tới 181,84 tỷ tấn . Năm 2018, vận tải hành khách đạt 28,69 tỷ .
 
2. Đường Thủy:
 
Các tuyến đường thủy được đề cập liên quan đến giao thông nội bộ trên sông, kênh, rạch. Số lượng cảng bao gồm những hải cảng nằm trên tổng số 2.782 km đường bờ biển.
 

Vào cuối năm 2019, các cảng biển của Ukraine lần đầu tiên vượt sản lượng trung chuyển container 1 triệu TEU trong 10 năm qua. Năm 2020, khoảng 1,04 triệu container hàng hóa đã được chuyên chở. Vận chuyển hàng hóa container của Ukraine tăng trưởng liên tiếp hai năm, cao hơn mức trung bình trên thế giới trong lãnh vực vận tải container.
 
3. Hàng Không:
 
Trong năm 2020 có 1790620 hành khách hàng không được vận chuyển bao gồm cả hành khách đi máy bay trong nước và quốc tế của các hãng hàng không đăng ký qua các phi cảng Aéroport de Kiev Boryspil, Aéroport international de Kiev , Aéroport international de Lviv, Aéroport international d'Odessa ,... Chỉ riêng tại sân bay quốc tế Kiev Boryspil đã có 33 hãng hàng không cất cánh và hạ cánh đến 62 điểm đến khác nhau trên thế giới. Trong số 8 hãng hàng không của nước này, Hãng hàng không quốc tế Ukraine là hãng hàng không lớn nhất và đứng đầu danh sách với tổng số 51 điểm đến được phục vụ.
 
 
Antonov An-225, máy bay lớn nhất thế giới, một biểu tượng thành công của Ukraine:
 
Sau một thời gian dài không sử dụng chiếc máy bay Antonov An-255 dài gần 84 mét này đã được Ukraine tu bổ và thiết kế lại với chi phí gần ba tỷ đô la. Người Ukraine đặt tên là Mriya - "Giấc mơ" với 6 động cơ phản lực cánh quạt Ivchenko-Progress D-18T, vận tốc lên tới 850 cây số một giờ. Máy bay do văn phòng thiết kế và xây dựng hàng không Antonov (Ukraine) của Oleg Konstantinovitch Antonov (1906-1984) thực hiện duy nhất 1 chiếc mà thôi.
 
Khởi đầu thiết kế Antonov An-225 để chuyên chở chiếc tàu con thoi (navette spatiale) Buran của Liên Xô và bệ phóng Energia nhưng Antonov An-255 không bao giờ có cơ hội hoàn thành nhiệm vụ này vì vào năm 1993 chương trình không gian Liên Xô bị bãi bỏ. Sau một thời gian cất giữ trong nhà kho, Antonov An-225 được tân trang lại vào năm 2000 để công ty Antonov Airlines xử dụng vận chuyển các hàng hóa đặc biệt có trọng tải thật nặng (khả năng chở khoảng 250.000 kg).
 
Vào ngày 27 tháng 2 năm 2022, ba ngày sau khi quân đội Nga mở đầu cuộc xâm lược Ukraine, chiếc máy bay Antonov An-225 dù được cất giữ trong nhà chứa máy bay tại phi trường Hostomel (phía bắc Kiev) nhưng cũng bị hư hại nặng nề dưới hỏa lực của lực lượng Nga.
 
Khởi viết tại La Serenité lúc 13giờ ngày 10.3.2022.
 
                                                                                              TỪ VŨ

(*): Từ Vũ tạm phóng dịch

MỜI ĐỌC TIẾP: PHẦN II - LỊCH SỬ UKRAINE.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ