Tác
giả Lê Mai Lĩnh
(Nhà
thơ Sương Biên Thùy)
TÁC
GIẢ, ĐÔI LỜI
Ba mươi sáu năm về trước, nói rõ hơn, đúng vào ngày mồng
một tháng 5-1969, sau khi nhà văn Y Uyên chết, trên tạp chí VĂN của ông Trần
Phong Giao, số tưởng niệm nhà văn Y Uyên, Lê Mai Lĩnh tôi, dưới bút hiệu khai
sinh Lê Văn Chính, đã có một bài viết, về cái chết của một người huynh trưởng,
Y Uyên, anh khóa 27, tôi khóa 1/68, Trường Bộ binh Thủ Đức, bài này nằm giữa,
trước là Võ Phiến, sau là Thanh Tâm Tuyền. Điều rất vui là tôi nằm giữa, những
bậc đàn anh, bậc thầy. (Lê Mai Lĩnh, 2005).
Bài viết, như một kỷ niệm, tưởng chừng như đã chết.
Nhưng. Không ngờ. Không dự báo trước. Nhà văn Phạm Văn
Nhàn cùng nhà văn Trần Hoài Thư, trong tổ hợp xuất bản Thư Quán Bản Thảo trong
nỗ lực thực hiện một ấn bản tưởng niệm nhà văn Y UYÊN, hai anh đã vận động được
những bạn bè trong nước, những người cầm bút trước 1975, còn sa cơ lỡ vận trong
chế độ Cộng sản, tìm kiếm tài liệu, vận dụng trí nhớ và tình yêu đối với Nhà
văn Y UYÊN để có bài và viết bài cho số báo đặc biệt. Nhà thơ Nguyễn Lệ Uyên,
dù đang cuốc đất, cày ruộng tại Tuy Hòa, cũng đã tìm được số báo VĂN tưởng niệm
Y UYÊN (số 129), trong đó có một bài viết, đã trải qua 36 năm, nhưng còn Nóng Hổi
chất “Văn Học, Tính Người và Nhân Bản”
của người lính, Chuẩn úy Lê Văn Chính năm 27 tuổi: “Núi Tà Dôn và Dấu Chân Uy.” Lê Mai Lĩnh nhận được bài nầy từ Phạm
văn Nhàn, qua bưu điện vào lúc 11 giờ 30 ngày 1 tháng 12 năm 2004.
Lê Mai Lĩnh, đọc lại bài viết, sau khi đã uống xong 5
chai Heineken, hắn sung sướng và hắn khóc. Hắn không ngờ, 36 năm về trước, hắn
thông minh, tài hoa và láu cá đến như thế.
Cho đăng lại một bài viết, tưởng chừng như không còn tồn
tại trên cõi đời nầy, để quý độc giả chia sẻ niềm hạnh phúc với người thanh
niên 27 tuổi vào năm 1969, cũng là người lính, người cầm bút, cũng là một kẻ
rong chơi trong cõi ta bà Thế Giới, là tôi: LÊ MAI LĨNH.
ĐÊM 8. 1. 1969
Tôi nghĩ là anh. Đúng là anh Chẳng thế nào là ai khác,
ngoài anh Tôi biết anh đóng ở Nora. Tôi biết ngay khi đến đây, hai tháng sau
ngày anh đến. Trình diện phòng I, hỏi thăm, được biết anh đang ở Nora, tôi thú
thật: tôi thất vọng. Thất vọng vì người ta không dùng anh như một nhà văn có
tài (26 tuổi với 4 tác phẩm vững vàng, phong phú biết bao). Người ta dùng anh
như một chuẩn úy, trung đội trưởng địa phương quân. Nhớ đến thơ Luân Hoán: “Tôi là một sĩ quan mù, chỉ huy một trung đội
điếc”. Lúc này, nếu gặp Uy, tôi ắt hỏi: anh có mù, lính có điếc? Hỡi Uy!
Tôi nghĩ đến anh Tôi nghĩ ngay Uy như thế khi người
lính truyền tin ở yếu khu Phú Long nói cho tôi biết, có một chuẩn úy ở đồn Nora
đã mất tích!
Đêm nay đến phiên tôi dẫn lính giữ cầu Phú Long, ngủ
dưới gầm cầu. Tôi nghĩ là Uy không thể chết. Chỉ những viên đạn vô tình thì mới
không phân biệt được, còn như nếu bị bắt, Uy không thể chết. VC có thể không
coi trọng Uy như một nhà văn. Nhưng biết đâu chúng chẳng dẫn Uy ra Bắc rồi
tuyên truyền ầm ĩ là chính Uy đã “trở về
với nhân dân”. Rồi Uy sẽ được dẫn đi khắp nơi, sẽ lên tiếng ở đài phát
thanh, sẽ kêu gọi bạn bè của anh trong ban biên tập nguyệt san Bộ Binh…
Hãy “quay súng về
với nhân dân”. Rồi Uy sẽ được một thiếu nữ xinh đẹp, ngon lành nhất Hà Nội
ôm hôn và choàng hoa. Có thể nữa, Uy sẽ làm tờ chối từ những tác phẩm của anh.
Rồi Uy sẽ bắt đầu lại từ đầu, trong sự dẫn đường “của Bác và Đảng”. Tôi nghĩ đến
Uy trong một cuộc đời mới. Tôi cũng định tâm từ nay theo dõi đài Hà Nội, để chờ
nghe anh lên tiếng. Tôi không một mảy may nghĩ rằng anh sẽ chết. Tôi không nghĩ
là anh sẽ chết nếu bị rơi vào tay VC, nhưng tôi tin anh sẽ thoát xác một cách
chóng vánh và tức cười.
Ngồi trên thành cầu đến khuya, tôi nhìn về phía ngọn
núi Tà Dôn và tôi nghĩ, lúc này có lẽ anh đang bị trói tay, cũng có thể không bị
trói tay nếu gặp được những đứa VC biết trọng nhân tài, và đoàn người có Uy
đang di chuyển trong đêm lấy núi làm chuẩn.
NGÀY
9. 1. 1969
Đến nhà Nguyễn Hiếu Học lúc 1giờ 30, tôi gặp Thái Phi
Kích. Và bây giờ tin Uy tử trận đã rõ ràng. Chúng tôi lặng người. Trước mọi cái
chết, sự lên tiếng, dù thế nào cũng đều lố bịch – nhất là trước những cái chết
của những trường hợp như Uy, những người hiếm hoi như Uy.
Học nói cho tôi biết về những giấy tờ do đâu đó làm chậm
trễ, gây nên cái chết của Uy, chứ đáng ra Uy đã được về Cục CTCT. Lúc đó hình
như tôi có chửi đổng một câu. Cũng không mấy tin tưởng là tin Uy tử trận sẽ sớm
được thông báo cho gia đình Uy nên chúng tôi chia tay nhau đi nhờ gọi điện thoại
vào Sài Gòn, tới hai nơi mà chúng tôi tin là có người biết nhà của Uy, tòa soạn
Bách Khoa và Văn. Buổi chiều hôm đó, Thái Phi Kích đã nói chuyện được với Sài
Gòn. Chúng tôi tạm yên tâm là hôm sau thế nào cũng có thân nhân của Uy ra. Chúng
tôi lên Quân y viện Đoàn Mạnh Hoạch thì tin xác Uy chưa được chở về.
Tôi để Học và Kích lại nhà, rồi lên đồn, trong ý định
xin Đại đội trưởng về nhà một đêm để tiếp tay các bạn. Tôi vừa lên đồn – lúc đó
khoảng 6 giờ chiều – thì nhận được lệnh cùng với đại đội trưởng đi hành quân mở
đường khoảng Phú Long - Tuỳ Hòa cho đoàn
công voa chở xác Uy về.
Khi đến Ba Cây, tôi gặp chiếc xe Hồng Thập Tự. Người
tài xế cho biết ông chuẩn úy nằm trên băng ca, còn dưới sàn xe là hai người
lính. Lúc đó, tôi vạch tấm vải làm cửa xe và tôi chỉ kịp nắm bàn chân Uy vừa
khi chiếc xe rồ máy chạy. Trở về đồn đã hơn 7 giờ, tôi phải ở lại đồn, chẳng
giúp gì cho Học và Kích đêm đó.
Uy ra trường trước tôi một tháng. Ngày còn ở trong trường
Thủ Đức chúng tôi thường gặp nhau vào chiều thứ sáu mỗi tuần. Ngày bàn giao ban
biên tập, chính nhờ Y Uyên mà chúng tôi, trong số đó có các anh Dương Kiền, Lê
Tất Điều… được ăn một chầu hột vịt lộn, nhậu bia 33...
Đến khi về Phan Thiết, tôi được tin anh đóng đồn ở
Nora, thỉnh thoảng mới có dịp xuống phố. Vài lần anh tìm đến thăm tôi, nhưng
không gặp. Mấy lần nghe tin anh về, tôi tìm thăm, nhưng anh đi vắng.
Chiều nay, bên lề đường, tôi nắm chân anh trong lúc giữ
phần an ninh lộ trình cho chuyến xe chở xác. Lúc trở về đồn, tôi không thể ngăn
mình suy nghĩ mông lung. Mọi người sinh ra, mọi người phải chết. Mọi người, với
tư cách công dân, phải góp phần cho sự trường tồn của Tổ Quốc. Nhưng mỗi người
thực sự chết có nghĩa lý khi y được sử dụng đúng. Trường hợp của Uy, cái chết
dưới chân núi Tà Dôn, năm 26 tuổi, là một cái chết uổng…
Chiều đến, tôi chở Kích và Học lên nhà xác Quân Y Viện.
Đó là một đỉnh cát trắng, trông ra biển cả. Những ngọn gió quất tứ tung vào mặt,
thổi cát lấp lên lá cờ vàng ba sọc phủ trên áo quan. Nắm cơm và bọc nước cam
vàng trong túi nylon cùng với điếu thuốc do người chị đốt cháy mời gọi Uy trở dậy,
“sao em tôi nằm đây, em tôi không cần Tổ
quốc ghi ơn, Uy ơi là Uy…”. Tất cả, thực sự để làm gì? Để đổi lấy những cái
chết, để chứng kiến những cái chết, để đợi chờ những cái chết. Can đảm, sáng suốt,
hiên ngang cách mấy, trước buổi chiều đó, trước cái chết đó, trước cảnh thê
lương ảm đạm của cái cảnh bạn bè nằm xuống đó, người ta cũng nghẹn ngào, tức tối.
Trong chúng tôi những thằng bạn cũ của Uy đứng đó, đều thấy rằng, khi ta còn sống,
còn lên mặt trận, ta còn được bọc quanh mình bằng những gian trá, bằng những lừa
dối. Nhưng khi ta chết đi, điển hình là Y Uyên nằm đó, trong quạnh hiu, buổi
chiều nay, trên đồi cát này, có ai làm được cái gì hơn là cho một làn kẽm để bọc,
một lá cờ vải để che. Một làn kẽm để bọc. Còn như ngại đường xa, thêm một làn kẽm
nữa, tang gia phải trả thêm ba ngàn đồng phí tổn.
NGÀY
10. 1. 1969
Sáng nay chúng tôi được tiếp chuyện trung úy Q., người
chỉ huy trận đánh và cũng là đại đội trưởng của Uy. Theo anh thì Uy chết ngay
loạt đạn đầu tiên vì bị phục kích. VC đào hầm độn thổ từ trước, có đến cỡ tiểu
đoàn. Chúng chờ phục kích đoàn công voa của tỉnh từ Sông Mao về. Trung đội của
Uy phát giác một phần của lực lượng địch nằm dưới hầm bắn lên. Với gia đình, bè
bạn của Uy, với văn học Việt Nam, anh chết là một mất mát lớn lao. Còn như đối
với chính quyền Phan Thiết, với đại đội 784 Địa phương quân thì đây là một chiến
thắng: địch để lại trên 20 xác chết; bên ta chỉ có một chuẩn úy và hai binh sĩ
hy sinh.
NGÀY 11. 1. 1969
Tôi nghĩ Uy sẽ không bị chết nếu bị bắt, nếu Uy biết
cách nói cho những người ở phía bên kia biết Uy là một nhà văn. Tôi cũng nghĩ đến
trường hợp sau khi bị bắt, Uy sẽ được ra Hà Nội, và guồng máy tuyên truyền phía
bên kia sẽ khai thác nhà văn của chúng ta. Nhưng tất cả những điều tôi tưởng tượng
đều trái ngược với thực tế, một thực tế phũ phàng, tàn nhẫn: Y Uyên sau khi chết
rồi còn bị bắn bồi mấy phát súng ở mắt, tai và đâm bồi thêm mấy nhát dao ở hai
cánh tay và hai bên hông.
Tôi không có mặt khi bạn hữu tẩm liệm chàng, nhưng Học
nói lại những nhận định như thế khi quan sát xác chết với những đầu đạn, dấu
dao trên mình chàng. Có những dấu đạn người ta biết được là từ đâu, như thế
nào, và người ta cũng biết được những dấu đạn nào là vô ích, là của hận thù.
Trên thân xác của Uy, khi chở anh về quân y viện, có những dấu đạn thừa, những
dấu dao vô lối. Những dấu đạn, vết dao không thể cắt nghĩa được. Nếu không phải
là chúng có từ những thù hận ghê gớm, những chất ngất căm hờn, thì không thể
làm sao tìm ra lý do giải thích sự hiện diện của chúng trên thân hình một người
đã chết.
Từ những dấu đạn, vết dao đó, tôi có một nhận định về
những người ở bên kia chiến tuyến. Tôi không hiểu bằng cách nào, trong cuộc chiến
tương tàn, ròng rã hơn hai mươi năm này, những người lãnh đạo cộng sản đã dạy
cho binh lính của họ như thế nào để lòng thù hận chất ngất mênh mông đến thế?
Tôi chấp nhận những viên đạn thứ nhất hợp lý – Ừ, thì cứ cho là hợp lý.
Những viên đạn bắn bồi, những nhát dao đâm thêm trên một
xác thân đã chết là những viên đạn, những nhát dao không thể cắt nghĩa, không
thể chấp nhận được. Những người cộng sản VN đã làm những điều dã man như thế,
khởi đi từ lòng thù hận, từ sự cuồng tín. Từ đó chúng ta có một nhận thức mới,
họ mù quáng trong khi chiến đấu, họ không mảy may hiểu về những căn nguyên cuộc
chiến tương tàn này.
NGÀY
1 . 1. 1969
Tôi có đọc Y Uyên, nhưng anh không phải là một nhà văn
tôi thích. Người ta chỉ chọn thích một số nào đó thôi trong những tác giả mình
đọc. Tôi thì không thích Y Uyên vì văn anh khô và khó quá… Không thích, nhưng
tôi không thể không đọc anh vì anh là một trong số nhà văn có chân tài. Ngay từ
những tác phẩm đầu – những tác phẩm dù không toàn bích – bút pháp của anh đã
khiến người ta chú ý và tin tưởng. Hai mươi sáu tuổi, bốn tác phẩm đã in (hầu hết,
do những nhà xuất bản đứng đắn, có uy tín ấn hành), điều đó thiết nghĩ đã đủ để
chứng tỏ anh không phải là một tác giả có thể xem thường và sự thành công của
anh không phải chỉ là một may mắn, tình cờ, như một vài trường hợp khác.
Trước ngày nhập ngũ, anh đã viết nhiều chuyện thời chiến,
lúc đó anh còn là nhà giáo, nên chuyện thường mang nặng tính chất tưởng tượng
hoặc dựa theo những kinh nghiệm chiến tranh mà anh được nghe kể lại.
Nhưng nay, anh lại là lính chiến, thứ lính chiến của một
chiến trường thường xuyên sôi động là Bình Thuận - nơi mà Cộng Sản đã có cơ sở
từ năm 1954 - hẳn nhiên anh phải thường xuyên mở to đôi mắt, lắng đôi tai để đối
đầu. Trong chờ đợi, trong tham dự, hẳn anh quan sát được nhiều. Từ đó, chúng ta
đủ tin rằng, nếu anh sống, biết đâu từ anh, văn học Việt Nam sẽ chẳng có những
tác phẩm viết về chiến tranh bình tĩnh sâu sắc và lớn lao.
Nhà văn Việt Nam, trong chiến tranh Việt Nam, đã thiếu
thốn quá nhiều thứ. Hoàn cảnh để sống, phương tiện để viết và nhất là, họ thiếu
sự rõ ràng của chính nghĩa để phụng thờ, để làm sáng tỏ. Nhà văn Việt Nam, sống
trong sự mù mờ, dường như đã thiếu tin tưởng ở những lẽ phải để phụng dưỡng,
nuôi nấng. Từ một hoàn cảnh như thế, một tâm trạng như thế, nói ra những nhận định
của mình, nhất là nói ra một cách bộc trực, sợ dễ dàng sai lạc và không chừng lại
đắc tội với lịch sử.
Giờ đây, một trong những nhà văn trẻ của chúng ta, một
trong những cây bút sống, lớn và viết về cuộc sống đang tàn phá chúng ta, đã nằm
xuống – hay nói theo kiểu một nhà thơ trẻ khác – đã “về trời”. Chỗ anh ta nhắm mắt là dưới chân núi Tà Dôn, nơi nổi tiếng
từ những ngày chiến tranh Việt Nam (trong chiến trường Phan Thiết, núi được xem
là đích cho những lần hành quân và bố phòng).
Sau ngày anh ta mất đi, những chiến hữu của anh sống
trong sôi bỏng của chiến trường Bình Thuận, nhìn về núi Tà Dôn như một ám ảnh của
Định Mệnh. Họ thầm nghĩ, một mai, một ngày nào đó, chẳng biết rồi sẽ tới phiên
ai trong bọn họ? Rồi họ sẽ quay đầu hay quay chân về phía núi để cố thu lấy những
hình ảnh cuối cùng của cuộc đời trước khi nhắm mắt? Vì rằng, như một nhận thức,
gần như thế trong cuộc chiến dai dẳng này, cái chết là một cái vốn mà ai cũng nắm
dễ dàng trong tay, còn như số lời thì đã trở nên hiếm hoi lắm lắm.
NGÀY
1. 3. 1969
Uy ơi, anh bỏ đi thế mà đã hơn hai tháng. Nay tôi
thuyên chuyển về đồn SARA, cách chỗ xưa anh đóng khoảng 4 cây số, cách chỗ xưa
anh chết khoảng 3 cây số.
Mới hơn hai tháng trời, mà nay nhắc tới anh đã như nhắc
chuyện “ngày xưa…”. Có phải tôi say?
Không biết nữa, chỉ biết mỗi lần nhớ đến anh là mắt tôi lại rưng rưng muốn
khóc. Mà không phải chỉ khóc cho anh.
Tôi về gần rồi đó, chỗ xưa anh nhắm mắt và ngọn Tà Dôn
như tôi chỉ với một tay là tới đỉnh. Mỗi ngày tôi mở mắt cùng với tiếng la om
sòm của những chiếc xe đò lui tới, và ban đêm tôi nhắm mắt lại cùng với tiếng
chim te te. Và bao giờ, và ở đâu, cái chết của anh dưới chân Tà Dôn này cũng là
điều làm tôi nhớ, nhớ hoài hoài không thôi. Tôi định một ngày rất gần, sẽ dắt
lính lên vùng trận địa anh ngã, thăm lại con suối anh chúi xuống để chết. Hình
như cỏ ở đó xanh hơn mọi ngày, và một bóng Ngựa
Tía chờn vờn mỗi đêm trên ngọn Tà Dôn – ngọn Tà Dôn, vùng đất Quê Nhà của anh rồi đó – quẩn quanh bên
những Tượng Đá Sườn Non. Nhưng tất cả,
phải còn gì nữa chứ? Chẳng lẽ như thế rồi hết! Tôi không tin đâu. Qua cơn Bão Khô này… những gì còn lại…
hơn là những dấu chân anh…
Phan
Thiết, Bình Thuận /1969
Lê Văn Chính
(Trích
trong TUYỂN TẬP LÊ MAI LĨNH 2015)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ