(Bài
trích từ Tạp chí Sáng tác, Nhận định Văn nghệ | Số đặc biệt về Tuệ Sỹ và Lê Mạnh
Thát, phát hành Tháng 12 năm 1988. Ban Chủ biên gồm các nhà văn Hồ Trường An,
Phạm Quốc Bảo, Quyên Di, Võ Đình, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Đức
Lập, Định Nguyên, Vô Ngã, Nguyễn Tất Nhiên, Hoàng Khởi Phong, Bùi Vĩnh Phúc, Vũ
Huy Quang, Đặng Phùng Quán, Nguyễn Văn Sâm, Nhật Tiến, Tưởng Năng Tiến, Nguyễn
Bá Trạc, Kiệt Tấn và Võ Thắng Tiết)
Tuệ
Sỹ và Lê Mạnh Thát
Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát bị kết án tử hình! Chỉ mấy chữ
ngắn ngủi đó cũng đủ sức chấn động xô đẩy tôi đối mặt với cái gì bi tráng một
cách kỳ dị của một cái gì đang còn sống một cách uy linh trên mảnh đất như chết
của quê hương ngày nay.
Trước hết, đó là bởi cái đối nghịch khác thường của
hình ảnh: Một Tuệ Sỹ gầy còm chỉ cân nặng 39 kí lô trước 1975. Một Lê Mạnh Thát
hom hem, không từng vượt quá 45 kí ngay cả khi ở Mỹ mới về. Và sau 1975, sức nặng
của hai tấm thân ấy còn bị co rút lại hơn nữa. Có gì đáng nói chăng ở hai tấm
thân ấy là đôi mắt sâu hoắm của Tuệ Sỹ và vầng trán rộng mênh mông của Lê Mạnh
Thát. Giữa cuộc sống tang thương mọi bề ở Việt Nam ngày nay, hình bóng nhỏ bé của
hai con người đó như chìm ẩn vào trong tất cả và như cưu mang cùng tất cả nỗi
khổ hạnh hữu hình có tính cách truyền thống của lịch sử Việt. Cái sức nặng vật
chất của hai hình bóng đó rõ thật là vô nghĩa. Nhưng khi cái sức mạnh vô nghĩa
đó đặt đối diện với một cái được xem như kinh khủng nhất của một đời người, cái
án tử hình, và với tất cả những gì xung quanh và ở đằng sau án tử hình đó, súng
đạn, nhà tù, công an, thẩm vấn, tra khảo, bóng tối, đêm và những tiếng động
rùng rợn, ngày và bốn bức tường sắt kín bưng, phiên tòa với cả một hệ thống người
lạnh lùng, sắt máu và với hai tiếng tử hình đã có sẵn trước khi bắt đầu thì tất
cả sự vô nghĩa của hai tấm thân gầy yếu ấy tự khắc trở thành ý nghĩa với tất cả
những gì được gọi là khẩn thiết nhất, trầm trọng nhất của con người trước lịch
sử của nó. Cái đối nghịch khác thường của hình ảnh ở đây, kỳ cùng là sự đối diện
lẫm liệt của con người với hư vô của lịch sử chứ không chi khác. Nhưng chính ở
sự đối diện ấy, con người không nói cái gì khác hơn là khát vọng thống thiết của
chính mình trong thi thiết với khát vọng của tất cả những ai đang bị nghiền nát
dưới bánh xe của lịch sử. Và nói là nói với tất cả sức lực bình sinh.
Sau nữa, đó là bởi cái cốt cách trí thức và tài hoa của
Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát, cả hai đều sống một cách cực kỳ giản dị và tự nhiên đến
gần như cẩu thả, không bao giờ màng đến chuyện tiền bạc, ăn mặc, đến dư luận thị
phi, nguyên tắc… để làm ra cái vẻ trang trọng, nghiêm nghị khác người, để “tổ chức đời sống” của mình một cách hợp
lý theo bất cứ nghĩa nào. Những Đức lý, Lương tâm, Nguyên tắc của cái tự nhiên
như một thứ trật tự của mâu thuẫn, hỗn độn trong thực tại tục đế sai biệt này.
Cả hai đều là những kẻ mê sách vở, chữ nghĩa. Thế giới của danh ngôn, chứa đựng
những tư tưởng, ý tưởng, ý niệm rất nhiều khi làm cho cả hai đắm mình vào để bất
chợt, một tiếng động nhỏ nào đó vang lên là như cả cái thế giới đầy những tư tưởng,
ý tưởng, ý niệm kia bị vỡ toang.
Tuệ Sỹ là một khuôn mặt trí thức khác thường. Ông
không có một văn bằng chính thức nào, không tốt nghiệp từ một trường học nào hết,
dù ông có theo học vài chứng chỉ về Phật học ở Viện Cao Đẳng Phật Học Sài Gòn
khi Viện này mới được thành lập vào năm 1964. Tuy nhiên, ngay cả cái tuổi chưa
đầy 20, trí óc ông đã thông tuệ khác người. Bắt đầu với những suy nghiệm và
kinh nghiệm về nỗi thống khổ của hiện sinh, ông bước vào thế giới của Phật học
và triết học. Từ đó mà trí tuệ của ông nảy nở, không phải như một thứ hư tưởng,
nặng mùi thuyết lý dù ông là kẻ mê sách vở, chữ nghĩa mà như những kinh nghiệm
sống động trực tiếp của kẻ luôn nhìn thẳng vào những điêu linh của thời đại và
những thống khổ vô vàn của hiện sinh trong khi đối diện với những vấn đề đặt ra
trong Phật học và triết học. Phật học, ông mang lòng tha thiết đi vào là lẽ dĩ
nhiên, không chỉ vì ông là một Tăng sĩ mà có lẽ, còn vì Phật học là tư tưởng được
xác định lập trên nền tảng đau khổ và hư vô của đời sống; và do thế, nó thiết cận
với tâm hồn của ông hơn bất cứ nguồn triết lý nào khác. Cũng thế, với các tư
trào triết học đương thời chi phối tâm hồn của tuổi trẻ Việt Nam, ông như bắt gặp
mối đồng điệu với triết học hiện sinh. Nhưng trong khi triết học hiện sinh ở thời
tuổi trẻ của ông đang vùng vẫy với tên tuổi của những Jean Paul Sartre, Karl
Jaspers hay Gabriel Marcel… thì ông đi thẳng tới Kierkegaard và xa hơn, tới
Nietzsch và Heidegger từ cái tuổi hãy còn rất sớm. Sẵn căn bản hết sức vững
chãi khó có ai hơn về chữ Hán, ông càng ngày càng đi xa hơn vào Phật học qua
các văn bản Trung Hoa, và không lâu sau đó, qua các nghiên cứu, dịch bản của
các tác giả Nhật Bản và Tây phương, ông sớm có được sự hiểu biết cực kỳ uyên
bác về các hệ thống tư tưởng phức tạp và mênh mông của Phật giáo, Tiểu thừa
cũng như Đại thừa. “Vấn đề Tâm thể trong
Tâm lý học Phật giáo” là bài diễn thuyết đầu tiên của ông ở Đại Học Vạn Hạnh
đề cập đến một trong những vấn đề gai góc và trung tâm nhất của Phật học cho thấy
sự hiểu biết vô cùng sâu sắc của ông về triết học của các hệ phái Phật giáo.
Nhưng ở sở trường của ông là luận lý. Có lẽ Theodore
Stcherbatsky, tác giả của Buddhist Logic và T.R.V. Murti, tác giả The Central
Philosophy of Buddhism là hai trong những khuôn mặt của giới Phật học Tây
phương được ông nể vì. Nhưng trên hết, Nagarjuna, triết gia vĩ đại đầu tiên và
là bậc long tượng của Phật giáo Đại thừa, người đã xác lập nền biện chứng phủ định
triệt để, vị Luận sư tác giả của Trung Quán Luận, Đại Trí độ Luận… mới là người
ông ngưỡng vọng sâu xa đến nỗi, tự nhận mình như một đồ đệ trung thành, có khi
như một hậu thân ngày nay của Nagarjuna hai ngàn năm trước. Tác phẩm đầu tiên của
ông trình bày những kiến giải về Triết học
Tánh không của Nagarjuna cho thấy tấm lòng hoài vọng thiết tha đến thế nào
của ông đối với hình bóng vĩ đại của Nagarjuna. Tác phẩm quan trọng nhất của
ông có lẽ là Duyên Khởi Luận chính là
nền tảng uyên nguyên của Tánh Không Luận.
Sở trường là đó nhưng trí tuệ và ngòi bút của ông cũng đi vào hầu hết mọi thể
tài khác của Phật học và đôi khi bước sang cả triết học Tây phương: viết khảo
luận về Mật tông, soạn sách Đại cương về Thiền Quán, dịch “các Tông phái của đạo Phật” (The Essentials of Buddhist
Philosophy) của Takakusu, dịch Thiền Luận
quyển Trung và Hạ (Le Bouddhisme en Annam des Origines au XIIIè Siècle) của Trần
Văn Giáp, viết về Merleau Ponty, diễn thuyết về Michel Foucault…
Tuệ Sỹ lại còn ẩn mật cái cốt cách tài hoa của một nghệ
sĩ, sẵn sàng đam mê vào chốn đoạn trường khổ lụy để cho tiếng thơ mở ra một trời
một cao sang, sẵn sàng “xô dạt bóng thiên
thần” để làm kẻ “rong chơi từ hỗn độn”.
Tài thơ của ông có mang cái khí vị thanh cao của kẻ u uẩn mênh mang của cõi
lòng ông trong cuộc nhân sinh vẫn như luôn muốn tìm nẻo giao tình với tấm lòng
của đất trời đâu đó, ngay cả khi ông nhẹ nhàng vạch một đường thơ mà chơi làm
như kẻ dửng dưng với mọi sự, “không phiền
trược cầu mong chi giải thoát, cứ thong dong như nước chảy qua cầu.”
Thơ ông đã đăng, không nhiều, như chỉ sáu bảy bài.
Nhưng thơ ông đã làm, rất nhiều – nhất là sau này – đến cả hai tập mang tên Ngục Trung Mỹ Ngữ. Với khổ lụy của hình
hài, trước gian nan của nẻo bước, lời thơ của ông ở đây như giọt nắng vàng trên
sa mạc, phản chiếu khuôn mặt tài hoa của ông giữa đêm đen của sử mệnh Việt Nam
hôm nay. Nhưng trong tất cả và trong chốn cùng của ngôn ngữ thơ ông, tôi đều thấy
như có mãi cái giọng tình u uẩn khơi vơi.
Cũng cái giọng tình u uẩn khơi vơi đó, ông viết về thơ
Tô Đông Pha. Đó là một tác phẩm kỳ tuyệt của một tài hoa nước Việt viết trong
niềm giao cảm với và về một tài hoa Trung Hoa mà chỗ “đọa đày” hay “viễn mộng”,
chỗ sở học hay sở ngộ như có điều đồng thanh khí – nhất là trước cái mà họ Tô
và cả ông đều như muốn cùng rung đùi mà lên giọng lửng lơ, Lô Sơn chân diện mục!
Ngoài Tô Đông Pha, có lẽ Lý Hạ là tài thơ Trung Hoa thứ
hai ông thích và thích có lẽ ở chỗ quỉ kinh kỳ khốc. Ông từng có lần bảo rằng
ông tính viết về thơ Lý Hạ như đã viết về thơ Tô Đông Pha. Tiếc thay, tôi chưa
thấy nó ra đời. ông cũng làm thơ chữ Hán. Thơ chữ Hán của ông, ông không được đọc.
Chỉ biết rằng, Bùi Giáng đã hết lời thán phục.
Cốt cách tài hoa của ông còn đẩy ôn đi vào thế giới của
âm thanh. Mê nhạc cổ điển Tây phương, sẵn sàng dâng cả con người với trọn vẹn
trái tim cho phím dương cầm; và ở những khi đó, ông như chẳng còn biết gì đến
thế sự đảo điên, bất chấp mọi đọa đày của thể xác. Đã có lần, ông và Lê Mạnh
Thát bị công an Cộng Sản bắt và bị tạm giữ trong một ngôi nhà ở Nha Trang, thấy
chiếc dương cầm, ông thản nhiên ngồi dạo một khúc chơi, chẳng màng đến công an,
đến cảnh tù tội trước mắt.
Lê Mạnh Thát lại là một con người khác. Từ thuở còn ngồi
ghế Trung học, ông đã nổi tiếng thông minh, kiến thức bác lãm, nhất là về tư tưởng
triết học và về các lý thuyết chính trị, cách mạng, đến nỗi các thầy, cô dạy
ông phải nể sợ, nể sợ nhất là ở cái tính ngay thẳng, chỉ biết tôn trọng duy nhất
một điều là “chân lý khoa học khách quan”,
sẵn sàng “đốp chát”, “sửa sai” thầy cô bất cứ lúc nào trên căn
bản kiến thức vững vàng và bác lãm mà ông có được qua số lượng các sách Anh,
Pháp, Hán dồi dào ông đọc. Thuở đó, tôi thấy ông như con người chỉ có óc mà
không tim, chẳng bao giờ thấy ông rung động hay vướng lấy một chút sầu muộn
nào. Sớm có ý thức về lịch sử và tới một thiên tư khác thường khoa học, luận
lý, về sinh ngữ, cổ ngữ, ông đọc khắp tất cả các sách triết học, nhất là loại
triết học hành động Marxism, nghiên cứu rất nhiều lãnh vực, từ các lý thuyết
chính trị đến các phong trào cách mạng trên thế giới. Hẳn nhiên, Phật học là
lãnh vực ông học hỏi và nghiên cứu trước hết. Hiểu biết của ông về Phật học hết
sức vững vàng và sâu rộng, nhất là về lịch sử phát triển tư tưởng của nó. Có điều,
tất cả nền Phật học đó, trước mắt ông đều phải được đặt trên nền tảng nghiên cứu
của Khoa học lịch sử khách quan; ở đó chỉ những gì xác thực với ông mới có giá
trị, còn những gì gọi là huyền thoại, không chứng minh được mà chỉ kêu gọi sự
khả tín, ông đều gạt bỏ không đắn đo. Ở ông, cái gọi là niềm tin tôn giáo không
có ý nghĩa gì nếu nó không được trang bị bằng những dữ kiện khách quan, những yếu
tố xác thực.
Quan điểm đó thúc đẩy ông đi xa trên con đường nghiên
cứu, phát hiện và chứng minh được nhiều sai lầm, bổ chính được nhiều điểm thiếu
sót trong các sách sử Phật giáo xưa nay. Nó cũng đẩy ông tới khuynh hướng phân
tích hệ thống hóa tư tưởng Phật giáo, dùng những công thức, ký hiệu của luận lý
toán học để minh chứng cho những diễn dịch của tư tưởng. Bài nghiên cứu đầu
tiên của ông tôi đọc, Đưa Vào Luận Lý Học
Trung Quán, đăng trên tạp chí Tư Tưởng
bộ cũ của Vạn Hạnh là một nỗ lực mới mẻ nhằm giới thiệu đường hướng nghiên cứu
này và gần như hoàn toàn xa lạ với các nhà Phật học ở Việt Nam bấy giờ. Luận án
tiến sĩ của ông, The Philosophy of
Vasubandhu (The University of Wisconsin 1974) là một nỗ lực công phu khác,
sử dụng phương pháp luận lý mới này để nhằm xác định được rằng, đối tượng của ý
thức – như là vấn đề trung tâm của triết học Vasubandhu – là danh ngôn (names)
chứ không là gì khác.
Cống hiến lớn nhất và quí nhất của ông vẫn là ở phương
diện lịch sử. Quan điểm nghiên cứu của ông ở phương diện này có khuynh hướng xã
hội, cắt nghĩa những biến chuyển của ý thức và tâm tình con người trên căn bản
của những tương quan tác động của xã hội, dù ông không hẳn thoát ly với lập trường
Duyên Sinh cố hữu của Phật giáo. Dù sao, sử học luôn yêu cầu những sự thực
khách quan. Đáp án cho một vấn đề của lịch sử luôn luôn là trong liên hệ tại ở
chỗ đó. Ông lại là người mang “tính khoa
học” rất cao, khinh miệt mọi thứ trí thức nửa vời, gian dối, rất ghét những
phán đoán mơ hồ, bất xác, vô bằng. Ngôn ngữ của ông lại rất thẳng, rất không có
chút tình cảm, tế nhị nào hết. Nghiên cứu về tình trạng Phật giáo Việt Nam thời
Hậu Trần, dù là tu sĩ, ông vẫn trình bày không chút e dè, phê phán không chút “nương tay” tất cả những sa đọa, tồi tệ
của Phật giáo thời đó. Cũng thế, lần đầu đọc bộ sách về Văn học Việt Nam của Thanh Lãng, phát hiện ra nhiều điểm sai, ông
viết ngay một bài “Ba cái ngu của Thanh
Lãng” (bài này không phổ biến vì thấy phê bình quá nặng tay nên có người
can thiệp) Thế đó, với ông, tất cả là cho chân lý khoa học. Sử học là như thế.
Con người ông là như thế. Con người đó quả thật thích hợp cho sử học. Nó thiết
thân với giấc mộng từ thời còn trẻ mà ông đem hết tài hoa và thông minh của
mình để thực hiện sau này.
Giấc một đó, nói theo ngôn ngữ của ông, là đập vỡ hết
mọi “lối ăn nói ngang ngược, tầm phào bá
láp” của những tay viết sử Việt xưa nay, hoặc trên quan điểm của “bọn phong kiến, thực dân xâm lược” hoặc
trên sự bằng lòng dễ dãi, “ngu xuẩn”
đến như tôn sùng những luận chứng bất xác từ trong những sách Tàu, sách Tây để
mong tái tạo lại chân lý của sử Việt đã bị chôn vùi bởi thời gian và thiên kiến.
Chính giấc mộng đó đã thúc đẩy ông, ngay từ khi đang học về Y khoa và Triết học
Ấn Độ ở Mỹ, ra công sao chụp tất cả những tài liệu về sử Việt ở xứ người; để đến
1974, sau khi tốt nghiệp trở về nước, ông chẳng hề đếm xỉa gì đến mấy mảnh bằng
có được mà lao đầu vào ngay việc thực hiện giấc mộng của mình. Ông đã lặn lội
đi khắp nơi ở miền Nam và Trung, đến tận những vùng xa xôi hẻo lánh, bất chấp mọi
tình trạng an ninh bất ổn để làm những nghiên cứu tại chỗ hoặc để thu thập các
tài liệu Hán Nôm có được, từ một tờ giấy bồi rời đến những tập sách đóng kín
trong các rương, hòm hay trên các bệ thờ dễ chừng cả trăm năm không ai đụng tới.
Bằng mọi cách xin, sao, chụp, mượn… ông thu thập tất cả
và chở về Sài Gòn, chất đầy một căn phòng lớn tại Đại Học Vạn Hạnh. Chính từ
kho tài liệu đó, ông miệt mài ngày đêm làm việc. Chỉ trong mấy năm, sự miệt mài
của ông đã mang lại những cống hiến vô cùng lớn lao cho Phật giáo và dân tộc về
lịch sử và văn học, những cống hiến mà bao nhiêu sử gia, học giả, ngay cả Viện
Sử Học Hà Nội trong cả mấy chục năm nay đã không làm được. Sự phát hiện những sử
liệu chưa từng được phát hiện của ông đã làm sụp đổ bao nhiêu định kiến và kết
luận được xem là có thế giá từ lâu. Sáu bức thư trao đổi giữa Đạo Cao, Pháp
Minh với Nho gia Lý Miễu vào thế kỷ thứ V do ông tìm thấy trong Hoằng Minh Tập
là một tài liệu vô cùng quí giá trên cả ba mặt sử học, văn học và xã hội học.
Nó làm đảo ngược niềm tin và sự hiểu biết cố định về lịch sử văn học thành văn
của ta cũng như về trình độ ý thức, văn hóa của xã hội Việt Nam vào thế kỷ thứ
V. Chân Nguyên Toàn Tập (2 cuốn)
trình bày một khuôn mặt lớn của văn học và tư tưởng Việt Nam đã không được ai
lưu ý từ trước đến nay; trả lại tác giả cho một số những tác phẩm được kết luận
là của vô danh như trường hợp tác phẩm Nôm Nam
Hải Quan Âm. Bộ sơ thảo lịch sử Phật giáo Việt nam (chỉ mới ra hai cuốn đầu)
đã tái dựng lại những giai đoạn lịch sử không hề được nói đến trong những thế kỷ
đầu. Những nghiên cứu về tình trạng Phật giáo thời Pháp xâm lăng cống hiến những
chứng cứ mới nhất, cho ta một cái nhìn khác hẳn của ông mà tôi được biết. Những
cống hiến chưa được phổ biến, một số lớn đang nằm trong tay của Viện Sử Học Hà
Nội, chắc hẳn rất nhiều. Chính Viện Sử Học này vào các năm 78, 79, đã hai lần cử
chuyên viên vào Nam, trong đó có ông Đào Duy Anh, để nghe Lê Mạnh Thát diễn
thuyết về những khám phá lịch sử mới của ông; và một lần, mời ông ra Hà Nội diễn
thuyết. Lần ra Hà Nội trở vào, tôi nghe kể lại, ông nói với một số anh em ở Huế
và Sài Gòn rằng, “ở Bắc, chẳng thấy tên
nào khá”. Tôi tin là ông thành thực, ngay thẳng ở câu đánh giá đó như chính
con người ông từ thuở nào đến giờ.
Trở lên tôi đã nói đôi nét về Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát
theo ký ức và những sự cảm giác còn lại của tôi trong hơn 20 năm quen biết. Một
cách chủ quan (?) điều tôi muốn nói rút lại, họ là hai thiên tài hiếm quý của
Phật giáo và Dân tộc, một là thiên tài tư tưởng và một là thiên tài sử học. Hai
thiên tài đó, chỉ ngay với những cống hiến đã có không thôi cũng đã là hai bóng
dáng lớn và ảnh hưởng của những cống hiến đó chắc hẳn sẽ còn tác động lâu dài
trong sinh hoạt tư tưởng và nghiên cứu lịch sử. Từ nhìn về hai bóng dáng thiên
tài lịch sử đó, tôi vẫn còn ngẩn ngơ tự hỏi, dù không hề ngạc nhiên và dù câu
trả lời trong tôi đã có từ lâu, sức mạnh kỳ dị nào đã đẩy hai ông nhảy bước quyết
định cho Tính Mệnh của mình và Tính Mệnh của cả Phật giáo và cả Dân tộc mà bản
án tử hình do Hà Nội ban ra cho hai ông đã cho thấy tất cả tính cách khẩn thiết
và trầm trọng trong bước nhảy quyết định này. Lòng ngẩn ngơ tôi nói hai ông như
thế cũng là lòng ngẩn ngơ nói về bao nhiêu anh em Tăng Ni khác đã cùng với hai
ông đi vào cánh cửa ngục tù của bạo quyền, những Hồ Khắc Dũng, Lê Đăng Pha,
Trương Tâm Lạc… và về riêng một bóng hình cô độc, đã bị chặt đầu hơn năm năm về
trước tại chợ Hòa Bình, Đà Lạt. “Hạnh
phúc thay cho mình nếu được chết với một Trái Tim vằng vặc như Trăng Rằm.”
Câu nói đó của Tuệ Sỹ, tôi nghe lại từ một người quen. Chết hay không, theo một
nghĩa nào đó, thì Trái Tim của Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, của bao nhiêu anh em Tăng
Ni khác cũng đã vằng vặc như Trăng Rằm để sống – như - chưa- từng - chết một
cách uy linh và đầy yêu thương trên quê hương đầy hận thù, đày đọa và trong tận
đáy lòng của con dân nước Việt, hôm nay và ngày mai.
Lê Hậu
(Tức Hòa Thượng Thích Nguyên Hạnh)
Nguồn:
https://sentrangusa.com/2022/02/13/le-hau-truoc-an-tu-hinh-bong-dang-tue-sy-va-le-manh-that/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ