Trang

Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2022

BÀI TỚI – Đỗ Duy Ngọc


Tác giả bài viết Đỗ Duy Ngọc

Những ngày Tết nhớ Mạ lại nhớ món bài Tới. Trò này thấy chỉ có ở miền Trung, nhất là xứ Huế. Ngày xưa, Tết nào nhà tôi cũng trải chiếu mấy Mạ con chơi với nhau, vui lắm.
 

Bộ bài Tới thường có 30 cặp quân bài và được chia làm 3 pho, gồm pho văn, pho vạn, pho sách và 3 cặp yêu. Pho văn gồm các quân bài gối, trường hai, trường ba, voi, rún, sáu tiền, liễu, tám tiền, xe. Pho vạn gồm các quân bài trò, tám cẳng, ba đấu, xơ, quăn, nhọn, bồng, thầy.
 

Pho sách gồm các quân bài nọc đượng, nghèo, gà, gióng, dày, sáu hột, sưa, tám giây, đỏ mỏ. Ba cặp yêu gồm ầm, tử, và tuyết.  Các quân bài của bộ bài tới được in trên giấy dài 12cm, rộng 3cm mặt sau thường màu xanh lá và mặt trước vẽ những hình trừu tượng như những hình cổ xưa trong kim tự tháp hay giống mấy totem của người cổ. Các con bài vừa có tên Hán (tử, tuyết, liễu) lẫn tên nôm (rún, nghèo, xơ, quăn...), nhưng trên đầu mỗi con bài lại ghi tên bằng chữ quốc ngữ.
 


Một chiếu bài có hai phe, mỗi phe ba người, mỗi người được chia 10 quân bài. Người đi đầu tiên gọi là đi chợ, đi một con bài, phe kia có con bài trùng với con đó thì được quyền rút con bài đó ra và đi thêm con bài mới. Cứ tiếp tục như thế cho đến khi người nào còn hai con trên tay thì hô “chực”. Khi nào bên kia đi con trùng với con người cầm trên tay thì được gọi là “Tới”. Có lẽ vì thế mà gọi là bài Tới vậy.
 

Trong bộ bài tới, có ba con bài đóng dấu triện đỏ (Ầm, Tử, Mỏ) là những con bài không được dùng để đi chợ và chực. Vì vậy, khi bên kia chực thì người ta thường dùng con bài đỏ này để đi, người ta gọi đó là mấy con bài chặn. Khi bên kia còn hai con chực, bên này phải chọn rất kỹ để họ không tới được bởi nếu đi con bài trùng với đối phương thì họ đã la tới tới và ván bài chấm dứt, lại chia để đánh ván mới.
 
Bài Tới là trò chơi đơn giản, ai cũng chơi được, cũng không cần suy nghĩ chi nhiều. Nó đúng là trò giải trí vui vẻ trong những ngày Tết đến xuân về hay những khi các O các Mệ rảnh rỗi bày ra đốt thì giờ, ăn thua cũng chẳng bao nhiêu.
 

Từ bộ bài này, người ta lại chế ra nhiều trò khác như bài ghế, bài thai, bài nọc, bài đôi, bài phu, bài đố. Thông dụng nhất là bài Chòi. Bài Chòi là một trò chơi dân gian thịnh hành ở miền Trung. Người chơi sẽ ngồi trên những cái chòi trong một khoảng sân rộng. Người tham gia cũng được chia những quân bài như bài Tới. Có một khoảng sân trên đó những nghệ sĩ dân gian ca những bài vè có tên những quân bài. Cứ thế cho đến khi chực rồi tới. Bài chòi là trò chơi dân gian kết hợp của nhiều nghệ thuật: văn chương, âm nhạc, sân khấu...
 

Cậu em kế tôi được sinh lúc Mạ tôi đang chơi bài chòi dịp Tết cách đây hơn sáu chục năm. Cuộc chơi đang dở dang thì Mạ tôi đau bụng sinh. Và thế là từ sân bài Chòi, Mạ tôi đi thẳng vào Bảo Sanh Viện sinh thằng em tôi là con thứ năm trong đàn con mười mấy đứa, em tôi sinh năm Đinh Dậu 1957.
 
Bây giờ không biết ngoài Trung có còn ai chơi bài Tới nữa không nhưng ở Hội An tôi còn thấy hàng tuần vẫn còn sân bài Chòi. Những nghệ nhân mặc áo lính thời xưa cầm cờ có tên quân bài chạy ra theo tiếng hò hát của mấy ca nhân. Xem cũng vui đáo để.
 

Tết vừa qua đi, giờ đã là mồng 6 Tết. Những ngày này của nửa thế kỷ trước nhà tôi vẫn còn chơi bài Tới. Tiếng “chực”, tiếng “Tới” ầm ào. Rồi bánh, rồi mứt, rồi chè, rồi hạt dưa, hạt bí bày tứ tung. Giờ thì vắng bóng hẳn, chẳng còn tăm hơi. Ba, Mạ, Anh Hai đã lên trời. Anh em tản mát khắp bốn phương. Ngày Tết bây giờ không còn không khí, mùi hương, những người cũ. Bỗng dưng nhớ bài Tới, lại nhớ Tết xưa, nhớ những người giờ đã không còn, lòng bùi ngùi chi lạ.
 
                                                                                      6.2.2022
                                                                               ĐỖ DUY NGỌC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ