Trang

Thứ Năm, 10 tháng 2, 2022

BÁC SĨ NGUYỄN HI VỌNG VÀ HỌC GIẢ AN CHI – Lê Nghị


Tác giả bài viết Lê Nghị


Tự Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt: Vietnamese Cognatic Dictionary

Tôi được ông anh trân quý Lai Quangnam, chuyển cho tôi 2 đĩa VCD, thu các tài liệu và những cuộc giới thiệu về cuốn: Tự Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt: Vietnamese Cognatic Dictionary của bác sĩ Nguyễn Hy Vọng. Anh chuyển khi đọc bài viết tôi đăng lần đầu trên fb cá nhân cuối năm 2018: Thiên di chủng tộc dẫn tới biến thiên ngôn ngữ. Đó là bài mở đường cho một loạt bài tiếp theo nằm trong phạm vi sử học mà tôi quan tâm: nguồn gốc dân tộc Việt và quan hệ ngôn ngữ Mã- Việt- Hoa. (Xin xem thêm trang cá nhân mới đăng lại 3 bài tuần trước)
 
Trước đó tôi cũng đọc khá nhiều bài viết xung quanh cuốn tự điển đồ sộ và nội dung rất mới này. Đa số ủng hộ, rất ít người nghi ngờ và phản bác cuốn từ điển này. Nhưng có một hiện tượng: đa số bài viết tác giả ở Hải ngoại. Trong nước ít quan tâm. Vì vậy tôi nêu lại một bài viết ngắn, trong rất nhiều bài viết của bác sĩ Nguyễn Hy Vọng và bài viết Tuna, một trong nhiều người ủng hộ. Bên cạnh đó là một câu hỏi có vẻ nghi ngờ của fb Nguyễn Văn Tân và bài trả lời của An Chi, người được xem là chuyên sâu về Hán học. Nhân đây tôi cũng nêu nhận xét của tôi về cuốn tự điển này ở phần cuối.
 
Phần I: Văn bản của hai bên.

1.Bs. Nguyễn Hy Vọng: Đếm Tiếng Chàm và Tàu Trong Tiếng Việt
Posted on 02.11.2012 by Sara

Chữ viết nào cũng như cái lột xác của con rắn, so với thân hình con rắn cứ phải lớn và lột xác nhiều lần! Chữ Pháp, chữ Anh Mỹ, chữ Bồ đào nha …thì cũng vậy thôi, cứ mãi lẽo đẽo đi theo cái thay đổi muôn đời của cái âm phát ra.
Tiếng Tàu và chữ Tàu lại còn tệ hơn nữa vì cái chữ hoàn toàn không cho biết cái âm nó như thế nào!
Chữ Nôm của ta còn đỡ hơn nhiều, tuy còn nhiều khó khăn khi suy cho ra cái âm [trường hợp của song viết và nhiều chữ Nôm khác đã làm nhức đầu các cụ xưa cũng như nay!
Trong số # 7500 từ đơn thông dụng của tiếng Tàu, chỉ có 581 từ, [7%], là một âm một nghĩa; 93% là một âm mà nhiều nghĩa, thường là cả chục nghĩa khác nhau, vì chữ Tàu không diễn tả được cái dấu giọng của Tàu bao giờ cả!
Tiếng miền Trung còn giữ lại rất nhiều tiếng thôi nôi xưa của các ngôn ngữ Đông Nam Á mà tiếng miền Bắc không còn biết đến nữa!
Sau # 2000 năm, tiếng Việt vẫn còn giữ lại bao nhiêu từ đồng nguyên với tiếng Chàm?
Và đã có bao nhiêu tiếng Tàu vay mượn qua # 2000 năm ?
[tìm xem : Từ điển đồng nguyên Việt-Đông Nam Á của Bs Nguyễn Hy Vọng]

Trong từ Việt
thì có                 từ Chàm      tỷ lệ            từ Hán Việt        tỷ lệ
——————————————————————————
A-Y
570                      90              15,7%               85               14,9%
B
795                     103             12, 7%             159               20%
C               
625                     133              21,%                159              25%
CH            
815                     149              18,0%              100              12%
D               
420                       90               21, 5%            114              27%
ñ               
609                     146               24%                204              33% *
————— ————————————————————
TC    
3839 từ Việt   711 từ Chàm    18,5%            821 H-V       22,3%
 
2. Tuna fb, người ủng hộ, dẫn chứng những tâm đắc của mình.
Những tiếng [gốc] Môn-Mên vừa nhiều vừa quan-trọng: các tên số, nhiều từ thông-dụng như: “rú” (nghĩa là “rừng”), “sông” (>klong), “con” (> kôn), “cháu” (> chau), “tay” (> đăy), “mắt” (> mòt), “mũi” (> muh), ngày (> tngay), cá (> ka), “áo,” “xống” (> sarong), “chim,” “chó” (> klo), “lúa,” v.v.
“Những tiếng nói về nền văn-minh [nông-nghiệp] là [gốc] Thái.”  Đó là những từ như “đồng” ruộng, “gà,” “vịt” (>pệt), gạo (>khảo), “nhíp” 😊 khâu) v.v.
nhẽo” là đến từ tiếng Miên “nhiâw” hay Mường “lạt lẽo”
            “xỏ” > Tày, Thái, Nùng “xỏ” 😊 xin)
            “chóc” > Tày, Thái, Nùng “chóc” 😊 chim sẻ)
            “ngủi” > Miên “t’ngôy” 😊 rất ngắn)
            “rạc” > Miên “chrak” 😊 rã rời)
            “luốc” > Miên “pop’lok” hay Mường “luốc” 😊 dơ bẩn)
            “bóc” > Miên “kbOh” 😊 rất trắng)
            “muốt” > Miên “hmOt” 😊 hoàn-toàn)
            “kịt” > Miên “kngit” 😊 rất tối)
            “sịt” > Thái, Lào “sít” 😊 rất gần)
 
3. Nguyễn Văn Tân fb, người còn nghi ngờ.

“Bộ sách của BS Nguyễn Hy Vọng thực chất chỉ là một bộ từ điển về các từ đồng nghĩa, tức “synonym dictionary/dictionary of synonyms” (tiếng Anh)
Những lời vàng ngọc và bộ sách dày cộm của BS Nguyễn Hy Vọng
Bạn đọc: Lướt facebook, tôi thấy trên dòng thời gian của một người bạn có mục “Những lời vàng ngọc của bác sĩ Nguyễn Hy Vọng”. Tôi tò mò tìm hiểu thêm thì thấy vị này có cả một bộ sách “hoành tráng” có tên là Từ điển nguồn gốc tiếng Việt gồm 3 tập với 27.500 mục từ. Xin nhờ ông An Chi cho biết ý kiến về bộ sách này và những lời vàng ngọc kia? Xin cảm ơn ông. Nguyễn Tân Văn (Hoàn Kiếm, Hà Nội)”



 
4. An Chi:

“Bộ sách của BS Nguyễn Hy Vọng thực chất chỉ là một bộ từ điển về các từ đồng nghĩa, tức “synonym dictionary/dictionary of synonyms” (tiếng Anh) và “dictionnaire des synonymes” (tiếng Pháp) không hơn không kém. Mà chúng có là những từ đồng nghĩa đích thực hay không thì cũng còn cần đến một sự thẩm định rất công phu (nếu nó thực sự xứng đáng với sự thẩm định này). Carl Darling Buck có một pho từ điển chưa dày bằng bộ sách của ông Vọng; nó chỉ dày hơn 1500 trang (nhưng giá trị học thuật của nó thì chắc chắn là “dày” hơn rất nhiều) và có nhan đề là A Dictionary of Selected Synonyms in The Principal Indo-European Languages (The University of Chicago Press, Third Impression 1971).
Buck đã tự giới hạn trong phạm vi các ngôn ngữ Ấn Âu, là những ngôn ngữ đã được nghiên cứu chắc chắn và rốt ráo về mặt từ nguyên cho nên độ tin cậy về mặt này rất cao. Ấy vậy mà Buck cũng chỉ gọi chung các từ (words) đem ra so sánh trong pho từ điển của mình là “synonyms”, chứ không gọi là “cognates” mặc dù cognates trăm phần trăm thì nhan nhản ở trong sách. Và trong pho từ điển của mình thì, sau từng bảng so sánh những từ đồng nghĩa (trong hàng chục thứ tiếng Ấn Âu), Buck luôn luôn thực hiện việc biện luận tỉ mỉ về từ nguyên chứ không phải hoàn toàn không có biện luận như BS Vọng. Và vì nhầm lẫn về khái niệm “cognate” (từ đồng nguyên) nên BS Vọng đã viết:
“Các tiếng nói Ðông nam Á [Khmer, Lào, Thái, Chàm, Malay, Indonesia, Nùng, Mông Bahnar, Rhade, v.v.] bao bọc tiếng Việt trong một vòng dây thân ái của tình anh em ngôn ngữ chung giòng (sic) chung họ hàng mà chúng ta không ngờ đến đó thôi” (“Cái tinh thần đặc biệt của tiếng Việt”).
Thực ra thì ở đây, ta có đến 5 dòng họ: 1. Tiếng Khmer và tiếng Bahnar thuộc dòng Môn-Khmer; 2. Tiếng Lào và tiếng Thái [Lan] thuộc nhóm phía Tây của các ngôn ngữ Tày - Thái, chịu nhiều ảnh hưởng của tiếng Sanskrit; 3. Tiếng Chàm, tiếng Malay, tiếng Indonesia và tiếng Rhade (Rhađê) thuộc họ Malayo - Polynesian; 4. Tiếng Nùng thuộc nhóm phía Đông của các ngôn ngữ Tày - Thái chịu ảnh hưởng của tiếng Hán; 5. Tiếng Hmong thì lại là một ngôn ngữ Miêu - Dao. Vì vậy nên, về mặt phổ hệ, ta không thể nói 10 ngôn ngữ trên là “chung dòng chung họ hàng” được. Vì không phân biệt được về mặt ngữ hệ nên hễ thấy có những từ đồng nghĩa và cận âm với từ của tiếng Việt thì BS Vọng đều cho là “cognates” tất tần tật. Thực ra, khái niệm “cognate” chỉ có hiệu lực trong phạm vi một dòng họ mà thôi; ra khỏi quỹ đạo đó thì chỉ có thể lả từ mượn (borrowing, emprunt) mà thôi. Longman Dictionary of Language Teaching & Applied Linguistics của Jack C. Richards, John Platt, Heidi Platt (Longman Group UK Limited, Third Edition 1993) đã định nghĩa “cognate” rạch ròi như sau:
“A word in one language which is similar in form and meaning to a word in another language because both languages are related. For example English brother and German Bruder”.
 
Phần II: NHẬN XÉT (Lê Nghị)

Nếu ta đem tiếng Anh ra so, duy nhất có một âm /cắt / của tiếng Việt cận âm trùng nghĩa với chữ “ cut “ của tiếng Anh. Hai ngôn ngữ không cùng nguồn gốc là vậy. Trong khi đó giữa Chăm và Hán với tỉ lệ như trên không thể nói là trùng hợp ngẫu nhiên. Công trình 33 năm nghiên cứu để thu thập  27.500 từ Việt đem so sánh với 57 ngôn ngữ vùng Đông Nam Á và Nam Á của ông quả là đáng khâm phục vô ngần. Trước đây cũng có vài tác giả so sánh nhiều nhất như Bình Nguyên Lộc cũng chỉ tìm ra 200 từ cận âm đồng nghĩa với Mã Lai. Hơn nữa các tác giả chỉ so với một ngôn ngữ: Tày, Mường, Thái, Chăm....Chưa ai so sánh tổng hợp một lúc các ngôn ngữ Đông Nam Á như cuốn tự điển trên. Thiết nghĩ với một công sức cá nhân sưu tầm để so sánh 27.500 từ Việt là một kỷ lục Guinesss thế giới rồi.

- Về An Chi:

Học giả An Chi

Công trình nào cũng có những thiếu sót nhất định. Cũng phải có vài từ trùng ngẫu nhiên nhưng cũng không ảnh hưởng đến tỉ lệ với mẫu số rất lớn. Nếu đi vào chi tiết thì các nghiên cứu ngôn ngữ và từ điển của bất kỳ cá nhân, tập thể nào cũng có sai sót, miễn là trên tổng thể đúng là đã quý, càng ít sai sót tiểu tiết càng tốt thôi. Thế mà có người chỉ dựa vào việc ông viết chữ ĐAO thì lại viết lộn thành chữ LỰC dám nói ông là tên lừa bịp. Ngoài ra không dẫn chứng thêm một sai sót nào khác! .Chỉ có những kẻ lổ mãng mới đi phủ nhận những công trình tầm cỡ như thế. Cũng như An Chi trong một trả lời khác chỉ tranh luận hai tính  từ cognatic và etymological ( đồng nguyên và từ nguyên), mà cả quyết rằng bs Nguyễn Hy Vọng không biết nhiều về ngôn ngữ học! Từ đó, bộ từ điển đó không giá trị !?
Ông trích dẫn Từ điển Longman như trên để biện bác. Tôi xin trích dẫn một từ điển khác: Oxford advacence Learner’s Dictionary,( Oxford University Press 1997) để ông  chỉ dẫn thêm:
* Cognate: adj. , noun
+ adj 1.( linguistic) having the same origin as the “other word or language.”
Có cùng nguồn gốc cùng “từ khác hoặc ngôn ngữ khác”
-“ Haus” in German is cognate with “ house” in English.
Từ”Haus” trong tiếng Đức thì đồng nguyên với từ “house” trong tiếng Anh
-German and Dutch are cognate languages
Tiếng German và tiếng Dutch là ngôn ngữ đồng nguyên
Thậm chí cognate còn dùng trong nhiều trường hợp khác:
2.(formal) related in some way and therefor similar : the cognate development.
* Etymology :noun,(pl -ies)
-the study of the origin and  history of words and their meaning
Môn học về nguồn gốc, lịch sử của từ ngữ và nghĩa của chúng
-the origin and history of a particular word
Nguồn gốc và lịch sử một từ cụ thể.
Lịch sử một từ ngữ chứa rất nhiều khía cạnh, bao gồm thời điểm xuất hiện, nơi xuất hiện, sự biến âm, biến hình, cách dùng cụ thể trong ngữ cảnh...đó mới là Etymology.
Không phải là nhà ngôn ngữ học và cũng chẳng giỏi Anh Ngữ, nên tôi hiểu rằng cognate ( đồng nguyên) mang tính khái quát, tổng thể : cùng một nguồn gốc nhưng chưa xác định rõ gốc tại đâu. Còn Etymology( từ nguyên) đi sâu vào nhiều chi tiết như nói trên trong đó có xác định gốc của một từ. Cuốn Vietnamese Cognatic Dictionary thể hiện các từ ở các ngôn ngữ Đông Nam Á là cognate, là cùng một nguồn gốc. Sao lại sai?
Theo An Chi không có từ điển đồng nguyên ( cognatic dictionary );chỉ có từ điển từ nguyên (etymological dictionary). Từ đó An Chi cho rằng bộ từ điển đó không giá trị không giá trị!? Chưa có thì bây giờ có không được sao?
An Chi lại viện dẫn tiếng Anh thì từ điển của Nguyễn Hy Vọng phải là Synonym dictionary!?: từ điển đồng nghĩa!?
Trong khi synonym là từ hoặc cụm từ đồng nghĩa với một từ khác trong cùng một ngôn ngữ.
Ví dụ trong cùng tiếng Việt " mần" cùng nghĩa với "làm". "Chết "đồng nghĩa với " qua đời" , " khuất núi"....
Chính từ điển tiếng Anh sách tôi dẫn trên cũng định nghĩa Synonym:
A word or espression that has the same or nearly the same meaning as another in the same language: "big " and "large " are synonyms.
(một từ hay một thành ngữ cùng hoặc gần nghĩa với từ khác trong cùng một ngôn ngữ: to hay lớn đều là từ đồng nghĩa)
Thật lòng tôi không hiểu sao một người dẫn chứng được chi ngôn ngữ lại không phân biệt được hệ ngôn ngữ ( language system ) với  ngôn ngữ ( language), lại đặt tên liều Synonym Dictionary cho một cuốn từ điển đồng nguyên ngôn ngữ của nhiều ngôn ngữ khác nhau của Bs Nguyễn Hy Vọng.
Tôi thấy rằng quan điểm của An Chi là không cẩn trọng. Ông bám vào kiến thức cũ mà ông xem nó là chân lý, nên cái gì mới mà khác với kiến thức ông có là ông bác bỏ. Tôi có cảm giác nếu như từ nhỏ  ông được đọc trong một sách nào đó chứng minh quả đất là một mặt phẳng dày và rộng vô tận, thì ngày nay ông cũng đem sách đó ra viện dẫn, chứng minh. Nhiều lần ông đã bày tỏ thái độ đó khi bàn về từ nguyên Hán Việt trên mục” lắt léo chữ nghĩa’ ở báo Thanh niên rồi. Thậm chí trong nhiều bài thấy rõ quan điểm đội Hán của ông.
Chưa nói đến việc ông hiểu sai, cho dù ông đúng chăng nữa thì phải tự xem mình  đã soạn được một từ điển bỏ túi được chưa? Tôi mới chỉ hân hạnh được nghe ông dùng từ nhiều từ điển Đông -Tây, chủ yếu là Từ Hải Đại Từ Điển để chiết tự mà tán ngữ nghĩa, lấy cận âm, biến âm vô tội vạ để kết luận tiếng Việt từ tiếng Hán đẻ ra! Ví dụ các từ: Lắt léo, kỳ cục, tháng giêng, tháng Chạp, đấu xảo,... đều là từ tiếng Hán cả. Chưa kể là phải dùng cho đúng ý ông như “phong thanh “ chứ không được là “phong phanh “;vì như vậy là sai với tiếng Hán, không được dùng lang bạt kỳ hồ với nghĩa là lang thang phiêu bạt vì sai với nghĩa gốc. Nghĩa là ông có một hệ quy chiếu đặc biệt tiếng Việt phải nói theo tiếng Hán thuở ngàn xưa mới là chuẩn!
 
- Về Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng

Bác sĩ Nguyễn Hy Vọng

Người ủng hộ ông tầm học giả rất nhiều, trích dẫn hữu ích của Tuna chỉ là một phần rất nhỏ số lượng hàng ngàn từ bổ ích. Tôi chỉ nói rằng trong đó cũng có những cái trùng hợp ngẫu nhiên, vì chưa chỉ rõ phương pháp quy chiếu ngoài cận âm, cận nghĩa, chưa đi sâu chi tiết về Etymology. Nhưng nếu có trùng ngẫu nhiên cũng rất ít và cũng không quan trọng.
Quan trọng là dựa theo bảng thống kê trên cận âm, đồng nghĩa theo nguyên âm và phụ âm.
-570 từ đơn bắt đầu bằng nguyên âm và bán phụ âm có : (15,7 C + 14,9 H-V )%= => thuần Việt: 69,4 %
-3264 từ đơn bắt đầu bằng phụ âm, đồng âm đồng nghĩa có ( 32,64 C+ 22,5H-V)% => thuần Viêt: 44,86%
Bình quân: 18,5% C + 22,3 % H-V => thuần Việt: 62, 2%

Mục đích từ điển đồng nguyên  của bác sĩ Nguyễn Hi Vọng chứng minh thêm chi tiết cho những nghiên cứu trước đây đã xếp tiếng Việt vào hệ Nam Á, bằng một khối lượng từ ngữ khổng lồ trước đây chưa ai làm được, mang tính thuyết phục áp đảo.
Vì ngoài tiếng Chăm ra ông còn chứng minh các ngôn ngữ Đông Nam Á cũng cùng gốc với Nam Á mà đặc biệt ông cũng tỏ vẻ ngạc nhiên sao mà giống tiếng Khasi ở Đông Bắc Ấn Độ đến thế! (Ở đây tôi lấy bài thống kê liên quan tới tiếng Chăm và tiếng Hoa ra nhận xét vì nó liên quan đến các bài Sử Việt cho cháu.)
Nhưng bác sĩ đã không dùng bản đồ thiên di nhân loại HUGO kết hợp với kiến thức địa lý địa tầng để lý giải. Cho nên ông mặc nhiên thừa nhận tiếng Chăm đã để lại dấu tích trong tiếng Việt 18,5%, nghĩa là tiếng Việt là hậu duệ của tiếng Chăm. Mặt khác qua hiện tượng di dân nhân tạo do bị nô lệ 1000 năm từ 111TCN - 938 SCN nên tiếng Việt đã vay mượn tiếng Hán khoảng 22, 3%. Quan điểm của ông tiếng Việt có mượn tiếng Hán chăng nữa cũng là chuyện bình thường. Vấn đề chính là tiếng Việt bắt nguồn từ tiếng Nam Á và anh em với Đông Nam Á.
 


Tôi nói lại điều này để tỏ lòng tôn trọng ông, và cuốn Từ Điển Đồng Nguyên Tiếng Việt đối với tôi khi vận dụng để làm sáng tỏ nguồn gốc tiếng Việt, có giá trị hơn hàng trăm công trình ngôn ngữ trước đây. Nó giá trị chỉ sau bản đồ HUGO cho những ai muốn chứng minh Tiếng Việt không có nguồn gốc tiếng Hán. Tuy nhiên tôi cũng xin trình bày những hạn chế trong suy luận của ông. Thống kê chỉ mới là hiện tượng còn từ những con số đó nói lên điều gì càng quan trọng hơn. Chính ông cũng rất ngạc nhiên vì sao tiếng Khasi tại bang Megalaya ở Đông Bắc Ấn Độ lại nhiều từ ngữ giống tiếng Việt đến thế. Cũng như ông quy tới 22,3 % tiếng Việt vay mượn tiếng Hán mà không hề để ý trong tuyệt đại tiếng Hoa là tiếng Việt cổ.
Theo bản đồ thiên di (xem ảnh) thì 40.000 năm trước tổ tiên người Việt đã qua Khasi một vùng của bang Megalaya, Ấn Độ. Phải mất thêm 5000 năm nữa họ mới tới tam giác Vân Nam- Bắc Việt- Quảng Tây. Nhưng khác với chủng Môngloid, tổ tiên người Việt cổ không thiên di ven biển mà men theo dãy Himalaya. Do đó người Việt cổ mang theo ngôn ngữ tiền bối Khasi lớp từ sinh tồn là không có gì ngạc nhiên.
 
Bản đồ nhân chủng của tổ chức gien loài người HUGO.

Rồi 25.000 năm sau tức cách đây 10.000 năm, người Việt cổ mới nam tiến trở lại xuống Nam Đảo và Bắc tiên lên Hoa Nam. Do đó người Việt cổ mang ngôn ngữ Nam Á-Khasi, nhưng lại là một trong tổ phụ của ngôn ngữ các sắc tộc dọc đồng bằng Bắc bộ, Trường sơn xuống tận Mã Lai và đa đảo, trong đó có sắc tộc Chăm. Vì vậy mà ngôn ngữ, các sắc tộc này cũng qua trung gian ngôn ngữ Việt tộc đồng thời kết hợp với ngôn ngữ Nam Á cùng thời kỳ di dân tới. Tuy nhiên tộc Chăm gần gũi với ông bà Việt hơn, họ là một sắc tộc bên cạnh tộc Kinh trong nhà nước Văn Lang, tập trung dọc biển từ Quảng Ninh đến đèo Ngang và tập trung đông ở bộ Việt Thường (Thanh- Nghệ- Tĩnh) Nên họ mang theo tiếng nói ông bà Văn Lang. Tuy vậy từ năm 190 tức cách nay 1829 năm, bộ tộc Chăm giành lại độc lập. Các triều đô hộ Tàu, đóng đồn tại Cửu Chân (Hà Tĩnh), ngăn cản hai nước giao dịch nhằm cắt đứt quan hệ nguồn gốc với phía Bắc. Phải 738 năm sau, tức năm 938 Ngô Quyền giành độc lập mới có giao dịch trở lại. Tàu đã thành công trong việc xoá bỏ dấu tích quan hệ một nguồn cội giữa Bắc Việt và các tộc miền trung. Chỉ từ năm 2004, thành tựu của nhân chủng học đi truyền phân tử kết hợp với khảo cổ, lịch sử, ngôn ngữ học mới có luận thuyết
lật ngược lại vấn đề một cách vững chắc.
Từ sự ngăn cách lịch sử xã hội đó, tộc Chăm độc lập giao thoa với các ngôn ngữ Đông Nam Á, nên có gắn lại phụ âm đầu trong đa số từ, kể cả từ sinh tồn đã rụng phụ âm đầu tại Văn Lang trước đó.
Bản đồ thiên di cũng thể hiện chủng Môngloid thiên di như mũi tên 174 vẻ ngoài ngoài biển, không phải là đi thuyền, mà 45.000 năm trước lục địa nằm ngoài đó. (Một nhánh sang Úc 45.000 năm trước, mũi tên vẽ ngang biển cũng không phải đi ghe qua, mà do một phần lục địa bị ngập. Thuyết lục địa trôi dạt là có nhưng không đáng kể, vì mỗi năm xê dịch 3cm, thì 45.000 năm cũng chỉ 1,3 km.
 
Vào thời kỳ băng hà cực đại trong cuối thế Canh Tân (pleistocen muộn ) cách đây 18.000 năm, mực nước biển hạ thấp -120m so với hiện tại. Nghĩa là lục địa đóng băng thời đó trải rộng hơn ngày nay rất nhiều. Sau đó do tan băng toàn cầu gây ngập lụt khiến lục địa thu nhỏ và gây nên tuyệt chủng động thực vật ven duyên hải ngày nay. Phải cách đây khoảng 10.000 năm, thuộc thế Toàn Tân (Halocen) nước biển mới rút, lộ ra hạ lưu, đồng bằng có thể trồng lúa nước: Hoàng Hà, Dương Tử, Sông Hồng, duyên hải Việt Nam, các đảo Đông Nam Á... Trước  đó chủng Mongoloid phía nam đã tuyệt chủng, chỉ có những người vượt tới nơi cao ở phía bắc mới trở thành các dân tộc: Mãn Thanh, Mông Cổ, Tân Cương, Tây Tạng 45.000 năm trước. Đó là lý do chủng Mongoloid đã từng đi qua Đông Nam Á ven biển nhưng nay không còn họ hàng. Chủng người Việt cổ đến tam giác Vân Nam- Vùng cao Bắc Việt- Quảng Tây muộn hơn vì đi theo đường rừng núi và họ hàng Nam Á không tuyệt chủng.
 
Phần đông các nghiên cứu ám ảnh bóng râm các công trình nghiên cứu cũ về truyền thuyết ghi lại trong cổ thư chủ yếu còn sót lại ở China, nhân chủng sọ người và ngôn ngữ học thời Thực dân trước 1945 vốn đầy dẫy mâu thuẫn. Ngôn ngữ học hiện đại phát hiện có gì đó không ổn khi xếp loại ngôn ngữ Hán- Tạng và Việt nam. Họ xếp Tiếng Việt hệ Nam Á là đúng, nhưng tách Hoa ngữ ra khỏi tiếng Việt là sai do chỉ dựa vào nhân chủng học sọ người không chính xác, và suy luận từ quá trình xâm lược từ Bắc xuống nam. Tạo cảm giác người phương Bắc có trước nền văn minh hơn, và bước nam tiến bị dừng lại tại Việt Nam. Việt Nam trở thành điểm hoà trộn chủng huyết và văn hoá trong đó có ngôn ngữ.
Họ bỏ ngơ ngôn ngữ Tạng đa âm, ai đọc kinh Phật đều rõ. Ngôn ngữ Mông cổ bán đơn âm như Đông Nam Á, khác nhau là Đông nam Á có phụ âm đầu: kh-mat (mắt) k-ti (tay)...Mông Cổ có phụ âm cuối: nuy-d (mắt) ga-r (tay)...Tiếng Việt và tiếng Hán đơn âm, không phát phụ âm đầu và cuối. Một từ phát ra phụ âm + nguyên âm thành một âm duy nhất, tròn trịa. Sự khác nhau xa lắc giữa Tạng và Hán ngay từ đầu là đa âm và đơn âm lại ghép thành nhóm là gượng gạo nhất. Nếu ghép Mông - Hán còn đỡ gượng gạo hơn. Mặt khác từ ngữ Việt mượn từ Hán đến 75% mặc định (vì chưa ai ngồi đếm thử như Nguyễn Hy Vọng 22,3 %) mà sao không xếp Tiếng Việt luôn vào Tạng- Hán- Việt? Ôi, ngôn ngữ học Việt Nam không có nghiên cứu độc lập, cứ viện dẫn ông A ông B vốn không nói được tiếng Việt, nên phải điên đầu cho đám hậu sinh !
 
Từ Maspero đến Nguyễn Tài Cẩn còn lúng túng không trách, do hạn chế thời đại. Từ Vương Lực, một học giả Tàu qua Viện Viễn Đông bác cổ Hà Nội năm 1946 để lại công trình cho Đại học Hà Nội và đến An Chi , một người Việt gốc Hoa là có ý đồ! Mặt khác Viện Ngôn ngữ học, mà từng có một ông viện phó Bùi Hiền bị cả nước lên án, cứ khăng khăng tiếng Việt từ tiếng Hán 75% . Kết luận rằng tiếng Hán phong phú, tiếng Việt mượn tiếng Hán. Chẳng có ai ăn lương nhà nước ngồi đếm thử như Nguyễn Hi vọng để kết luận: tiếng Hán 7% một âm một chữ, 93% một âm mà phải có hàng chục chữ viết để diễn đạt khái niệm khác nhau, cũng như đếm tỉ lệ vay mượn tiếng Hán 22,3%. Cũng chẳng ai để ý một cách tính khác đơn giản hơn ngồi đếm: bản thân tiếng Hoa có chưa tới 60 vần và 4 thanh, còn tiếng Việt hơn 300 vần và 6 thanh. Vần gấp 5 lần x2 thanh hơn thì âm tiết tiếng Việt tạo ra gấp 10 lần âm tiết Hán. Nghĩa là 10 khái niệm thì tiếng Việt có 10 âm khác nhau để diễn đạt, còn Hán thì một âm phải nghĩ ra 10 cách viết khác nhau để diễn đạt. Do đó người không có kiến thức ngôn ngữ mới thấy một âm nhiều chữ thì cho là phong phú. Họ không biết đó là tiếng nghèo âm. Giả sử chỉ nghe đọc một âm/ nhân/ không thấy chữ viết liệu người Hán có biết nổi khái niệm nào trong 30 khái niệm được biểu diễn bằng 30 chữ viết giống nhau không? Ngược lại 30 khái niệm đó tiếng Việt có hơn cả 30 âm để diễn đạt. Giàu có như thế còn phải đi mượn của người ta làm gì
Lẽ ra chính xác là xếp Việt- Hoa cùng nhóm, là một hệ ngôn ngữ đơn âm liền vùng lớn nhất địa bàn Đông Á. Tất nhiên trước đây do thiếu chứng cứ thiên di tự nhiên, chỉ nằm trong truyền thuyết, còn chính sử chỉ ghi di dân nhân tạo, dựa vào sự mở rộng dần của nước Tàu suy luận. Ngày nay phải hiểu tiếng Việt gốc từ Nam Á, nhưng lại là gốc cho cả Hoa và Chăm.
 
Lẽ ra Bác Sĩ Nguyễn Hi Vọng dựa vào công trình HUGO thì sẽ giải quyết tận gốc quan hệ ngôn ngữ Chăm- Việt- Hoa. Đồng thời tiến thêm một bước Việt sinh ra Hoa. Công trình của ông thêm vững chắc. Nhưng không sao, ông vẫn còn sống, và thế hệ sau sẽ tiếp tục.
Bài viết này nhằm chỉ ra hướng tiếp cận mới *, điểm còn sót chứ không phải là sai của Từ Điển Đồng Nguyên Tiếng Việt, một công trình rất công phu, tâm huyết. Hy vọng các nhà nghiên cứu kể cả Bác Sĩ Nguyễn Hy Vọng nên dựa vào thành tựu mới nhân chủng học, kết hợp với lịch sử, văn học và ngôn ngữ học để làm rõ hơn quan hệ Ngôn ngữ Việt- Hoa. Theo đó tiếng Hoa và chữ Hán là hậu duệ của tiếng và chữ Việt cổ. Chúng tôi cũng bước đầu góp phần chứng minh trong các bài sau.
 
                                                                                              Lê Nghị

(Kỳ sau: Tiếng Việt trong Kinh Thi)

————-

*
Hướng tiếp cận mới, vui lòng đọc thêm bài: Nguồn gốc và quan hệ ngôn ngữ Mã-Việt- Hoa đã đăng trang cá nhân tuần trước chia làm 3 lần đăng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ