Trang

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2021

CHÂN RUỘNG, SỰ TỒN VONG CỦA DÂN TỘC – Hoàng Hải Vân




1. Vì sao Việt Nam trước đây chưa hề xảy ra đại dịch?
 
Lịch sử chưa ghi một đại dịch nào trong suốt mấy ngàn năm tồn tại của dân tộc. Vì sao vậy? Vì dân ta chưa bao giờ thoát khỏi môi trường sống tự nhiên là chân ruộng. Người ta nói nhiều về nền văn minh lúa nước nhưng ít ai đề cập đến môi trường sống tự nhiên của người Việt, môi trường sống tự nhiên đó quy định màu da, màu mắt, cấu tạo sinh học và thể trạng của giống nòi. Cốt lõi của môi trường sống tự nhiên đó chính là chân ruộng.
 
Trong ký ức tôi vẫn còn thấp thoáng cái bầu của bà nội, cái bầu đan bằng tre trét dầu rái mà bà dùng để đựng những thứ linh tinh, nhưng bao giờ cũng có vài chiếc tổ tò vò. Hồi nhỏ mỗi khi chị em tôi vừa sốt vừa nôn, bà lấy chiếc tổ tò vò ra đốt lên, thả vào một bát nước rồi cho uống, vậy là hết bệnh.
 
Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu vì sao chiếc tổ tò vò lại có thể chữa được bệnh khi nó chẳng qua chỉ là một cục đất khô. Chưa có một “nghiên cứu khoa học” nào về chiếc tổ tò vò cả, nhưng có sao đâu, nó vẫn có thể chữa được bệnh “thương hàn thổ tả” cho chị em tôi trong suốt những năm thơ ấu mà không cần đến một viên thuốc tây nào.
 
Tôi hỏi ông Nguyễn Phúc Ưng Viên “y lý” của tổ tò vò là gì, ông cười bí hiểm : “Đó là sự kỳ thú của chân ruộng”.
 
Ông Ưng Viên là cháu gọi Vua Minh Mạng bằng cố nội. Qua ông mà tôi viết được hai loạt bài “Bí ẩn trầm hương”“Cây tre cứu người” đăng trên báo Thanh Niên. Tài dụng trầm và dụng tre vào việc chữa bệnh của ông đạt đến độ xuất thần nhập hóa, ai đã từng chứng kiến đều tâm phục khẩu phục. Nhưng điều tôi tâm đắc nhất trong cuộc đời làm báo cho đến bây giờ là khi nghe ông nói về chân ruộng.
 
Tôi không tài nào hiểu được cái ông già “hoàng thân quốc thích” này sống ở nông thôn vào lúc nào mà lại giống một “lão nông tri điền” đến vậy, hơn nữa kiến thức về ruộng đồng vườn tược của ông uyên thâm đến mức khiến người ta kinh ngạc.
 
Ông Ưng Viên bảo dân tộc Việt Nam sinh ra trên chân ruộng nên sức sống của giống nòi nằm ngay ở đấy. Lời ấy nghe quen quen. Ông nói tiếp, khi chân ruộng không còn, dân tộc sẽ suy thoái và diệt vong. Lời này như một khẩu hiệu, nhưng hơi lạ.
 
Ông bảo một cục đất cuốc lên, một tảng đất cày xới lên chứa hàng tỷ hàng tỷ những tế bào những phiêu sinh, những mầm sống. Sự chuyển vần qua xuân hạ thu đông, được giao hòa với mặt trời với núi rừng sông biển, những sản vật sinh sôi, lụi tàn rồi lại sinh sôi kế tiếp. Con người sinh ra ở đây, lớn lên ở đây thì ở đây cũng có đủ mọi thứ để bảo vệ, để duy trì, để tiếp nối sự sống của con người.
 
Người ta nói nhiều về nền văn minh lúa nước, nhưng ít khi đề cập đến môi trường sống tự nhiên của người Việt. Môi trường sống đó gắn với bản năng sinh tồn, bản năng tự vệ. Sống trong môi trường đó tự nhiên tồn tại, thoát khỏi nó trước sau gì cũng bị diệt vong. Chân ruộng là cốt lõi tạo nên môi trường sống của người Việt và là nền tảng sinh ra nền văn minh lúa nước, là cội nguồn của 4.000 năm văn hiến. Môi trường sống đó ấn định cấu tạo sinh học, ấn định màu da, màu mắt, ấn định đặc tính chủng tộc giống nòi.
 
Các nhà khoa học Nga nói rằng, một con chó bị điên, nếu thả nó vào rừng, nó sẽ tự khỏi bệnh. Con chó có khả năng tự tìm ăn những lá cây, những rễ cây chữa bệnh cho nó. Được trở về với môi trường sống tự nhiên ban đầu của nó, con chó không cần thuốc men.
 
Con người cũng vậy. Môi trường sống tự nhiên “cần và đủ” để duy trì sự sống của họ mà không cần sự can thiệp từ “bên ngoài”. Những gì có ở nơi họ sống đủ cho họ ăn uống hít thở, đủ để cân bằng thể trạng, cân bằng tâm sinh lý, đủ cho thế hệ nối tiếp thế hệ. Ăn những thứ tại đây, uống những thứ tại đây, hít thở không khí “hương đồng cỏ nội” tại đây con người khỏe mạnh bình thường tre già măng mọc, nếu sống khác đi thì sẽ “có vấn đề”, thì sinh bệnh tật. Muốn hết bệnh, phải “trở về” với nơi dung dưỡng đầu tiên, như cá phải về với nước.
 
Nhà nông học nổi tiếng nước ta, Giáo sư Bùi Huy Đáp sinh thời có nói với tôi nhân thế giới có bệnh bò điên: “Đã là con bò thì tự nhiên phải ăn cỏ, nhưng người ta bắt nó phải ăn xương ăn thịt nghiền với ngũ cốc. Ăn uống trái với tự nhiên thì nhất định có vấn đề. Bệnh bò điên sinh ra từ đó”.
 
Những trận dịch đầu tiên trong lịch sử nhân loại xuất phát từ đâu? Từ những nơi đầu tiên đô thị hóa ở châu Âu, tức là khi con người thoát khỏi môi trường sống tự nhiên của họ. Và thương mại đã đem dịch bệnh đi khắp nơi. Thế kỷ 13, thế kỷ 14 có lúc 1/3 dân số châu Âu chết vì dịch hạch. Đó là cái giá mà nền văn minh công nghiệp phải trả. Rồi nhân loại đã thích nghi dần, ai chết đã chết, ai sống thì được “miễn nhiễm”, tức là mãi mãi phải mang mầm bệnh trong người.
 
Lịch sử chưa ghi một đại dịch nào trong suốt mấy ngàn năm tồn tại của dân tộc. Vì sao vậy? Vì dân ta chưa bao giờ thoát khỏi môi trường sống tự nhiên là chân ruộng. Nói chưa, không có nghĩa là không có nguy cơ, không có nghĩa là sẽ không bao giờ.
 
Những khảo cứu của Jared Diamand trong sách “Súng, Vi trùng và Thép” cho thấy, không phải vũ khí, mà là vi trùng, đã tiêu diệt hàng triệu người châu Mỹ khi người châu Âu sang chinh phục nơi này, thậm chí có những bộ tộc bị tiêu diệt hoàn toàn bởi dịch bệnh được lây lan từ người châu Âu. Người châu Âu đã phá vỡ môi trường sống tự nhiên của người châu Mỹ, đã xóa sổ nhiều bộ tộc trước khi đem văn minh công nghiệp đến. Những con vi trùng dịch bệnh được “thuần hóa” trong cơ thể người châu Âu đã gây hại cho người châu Mỹ.
 
Cái giá phải trả cho nền văn minh phương Tây là hiện nay mỗi người sống đều bị phụ thuộc vào một vị bác sĩ, phụ thuộc vào các hãng dược xuyên quốc gia. Dưới góc nhìn của văn minh phương Tây, tìm ra các loại vaccin phòng dịch là một trong những phát minh vĩ đại nhất của loài người, nhưng mấy ai đặt vấn đề vì sao có dịch. Vả lại đưa vaccin vào người cũng giống như thuần hóa một tên ăn trộm đưa vào nhà để chống trộm, liệu chúng ta có tin tưởng hoàn toàn vào một đứa ăn trộm được thuần hóa hay không?
 
Khi viết loạt bài này tôi hoàn toàn không có ý định kêu gọi “nông thôn hóa thành thị”. Chân ruộng được đề cập ở đây có ý nghĩa bao trùm cả môi trường sống của đất nước. Do sự tuần hoàn tự nhiên của ngày đêm và của bốn mùa, những gì có trên chân ruộng được giao hòa lan tỏa khắp nơi, cả ở nông thôn, miền núi và thành thị, ấy là chưa kể người thành thị của chúng ta ngày nay vẫn còn ăn những món ăn chủ yếu từ chân ruộng, thậm chí bây giờ người càng giàu càng sang càng thích ăn những món đồng quê. Đâu phải là thích ăn do “lạ miệng”, mà chính là bản năng “trở về” cội nguồn của người Việt đấy…
 
2. Từ một di sản vĩ đại của nhà Nguyễn
 
Nếu coi giá trị khoa học của những công trình nghiên cứu y dược hiện đại là kết quả của các thử nghiệm lâm sàng lặp đi lặp lại thì các sách y dược cổ truyền của nhà Nguyễn có giá trị khoa học đến đâu khi tần số “lặp đi lặp lại” đó diễn ra hàng ngàn năm ?
 
Lễ hội Tịch điền ở Đọi Sơn huyện Duy Tiên (Hà Nam).
 
Càng nói chuyện với ông Ưng Viên tôi càng thấy lạ lùng về những kiến thức “kinh dị” của ông. Hiểu biết của ông về ruộng đồng vườn tược vượt xa mọi kiến thức sách vở. Những gì ông nói về trầm hương, về cây tre và nhất là về chân ruộng, là hệ thống tri thức liên hoàn tầng tầng lớp lớp, tôi chưa thấy ghi trong bất cứ sách vở đông tây kim cổ nào, nó không chỉ là kiến thức của một thầy thuốc Đông y mà là tổng hợp tri thức mấy ngàn năm của dân tộc được nhà Nguyễn đúc kết, phát triển và sự khảo nghiệm, thực hành mấy chục năm qua của chính ông Ưng Viên. Thời trẻ ông từng học ngành y ở Mỹ, nhưng ông bảo những gì mà ông học được từ Tây y không đáng vào đâu so với những di sản y dược mà tổ tiên ông để lại.
 
Hai bộ sách “Nguyễn Phúc tộc Dược minh y kính”“Nguyễn Phúc tộc Y gia truyền thế thường hành” là hai bộ sách gia truyền của hoàng tộc nhà Nguyễn. Đó là những sách đúc kết tri thức về y dược hàng ngàn năm của dân tộc, là sự hệ thống hóa khả năng tự vệ của nòi giống trước những tác động của thiên nhiên bằng chính những gì có sẵn trên mảnh đất này.
 
Hai bộ sách bắt đầu khởi thảo từ thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên trên cơ sở đúc kết di sản của người xưa; đến thời Minh Mệnh, Nhà vua giao cho Hoàng tử thứ 12 là ông nội của ông Ưng Viên chủ trì hoàn thiện hai bộ sách.
 
Bộ thứ nhất nói về dược và các nguyên lý chữa bệnh, sách cũng làm sáng tỏ những sai lầm trong điều trị của người xưa và cách tránh. Bộ thứ hai hướng dẫn cách điều trị những bệnh tật căn bản. Sách được truyền cho con cháu trong hoàng tộc, không truyền ra ngoài.
 
Điều đặc biệt trong hai bộ sách trên là sự phân tích, lý giải, tổng hợp những khảo nghiệm về dược lý, y lý của những sản vật thiên nhiên của Việt Nam, trong đó có tất cả những sản vật trên chân ruộng, không trừ một thứ gì.
 
Nhà Nguyễn, kể từ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trở đi đã cùng dân tộc mở rộng thêm một nửa lãnh thổ. Đến thời Vua Minh Mệnh, Việt Nam trở thành một đất nước rộng lớn nhất trong lịch sử 4.000 năm, đó chính là cương thổ của nước Việt Nam bây giờ, bao gồm cả Trường Sa, Hoàng Sa.
 
Dân tộc đã theo Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi, trải qua vô số cuộc hiểm nghèo, đi qua vô số nơi rừng thiêng nước độc, nhưng nòi giống vẫn được bảo tồn và nhân lên gấp bội. Thành quả đó ngoài tầm nhìn chính trị, tài năng tế thế kinh bang, còn có bí quyết bảo tồn nòi giống.
 
Nếu coi giá trị khoa học của những công trình nghiên cứu y dược hiện đại là kết quả của các thử nghiệm lâm sàng lặp đi lặp lại thì các sách y dược cổ truyền của Nhà Nguyễn có giá trị khoa học đến đâu khi tần số “lặp đi lặp lại” đó diễn ra hàng ngàn năm ?
 
Đọc sử sách chúng ta đều biết, thời xưa nước Nam ta hàng năm bị buộc phải triều cống cho các Hoàng đế Trung Hoa. Trong các cống phẩm đó, “thiên triều” bao giờ cũng yêu cầu hiến các thầy thuốc giỏi. Ông Ưng Viên nói tổ tiên nhà Nguyễn của ông chỉ riêng thời nhà Đinh đã phải cống tới 18 thầy thuốc giỏi cho Trung Quốc. Như thế đủ thấy y thuật của Việt Nam từ xưa đã giỏi hơn y thuật Trung Hoa. Còn về dược, chỉ riêng cây tre tổ tiên ta đúc kết có tới hơn 200 vị thuốc, điều này y học Trung Hoa không biết được, y học hiện đại cũng chưa “đụng chạm” đến.
 
Để lý giải vì sao một “hoàng thân” như ông Ưng Viên mà giống một “lão nông tri điền” và tất cả những tri thức xung quanh chân ruộng đều được đúc kết trong hai bộ sách y dược quý giá của nhà Nguyễn, cần nói qua về ông cố của ông, Hoàng đế Minh Mệnh.
 
Vua Minh Mệnh, được lịch sử gọi là vị Hoàng đế của đồng ruộng, vị Hoàng đế của nông dân. “Nước lấy dân làm gốc, dân lấy cái ăn là trời”, đó là câu nói nổi tiếng của ông. Các đế vương thường coi phượng hoàng, kỳ lân, mây lành xuất hiện là điềm lành của vương quốc, nhưng Minh Mệnh thì khác, ông bảo: “Được mùa là điềm lành trên hết”.
 
Minh Mệnh không chỉ là một minh quân, ông còn là một nhà thơ lớn của dân tộc. Ông để lại một di sản thi ca đồ sộ với hàng ngàn bài thơ hay. Và chưa có bậc đế vương nào, chưa có một thi nhân nào hướng về đồng ruộng, hướng về người nông dân với tất cả tâm huyết như Minh Mệnh. Hàng trăm bài thơ của ông được khắc trên Điện Thái Hòa, trên Ngọ Môn và trên lăng mộ của ông, trong đó thơ nói về nông dân và đồng ruộng chiếm “chủ đạo”.
 
Thương dĩ doanh thu cốc
Dã tương mậu hạ hoà
Minh già vô thú thán
Kích dưỡng hữu nông ca
 
(Vụ thu thóc đã đầy kho
Ngoài đồng mùa hạ lúa ngô bời bời
Không lo lính thú nên vui
Say sưa đập đất hát bài nhà nông
(Nguyễn Trọng Tạo dịch)
 
Địa các cao phỉ tỷ
Nhân hưng liêm nhượng khoa
Dư diêm mưu đoạt thiểu
Quyến mẫu lực cầm đa
 
(Màu mỡ đất thêm mùa
Thuế nhường, dân khá giả
Làng xóm ít mưu ma
Ruộng đồng dân hể hả
(Nguyễn Trọng Tạo dịch).
 
Hai bài thơ này vừa nói lên cái chí vừa nói lên cái tình, cái chí và cái tình là nhất quán. Ông vui cái vui của người nông dân, nhưng muốn có được “nông ca” thì người dân không phải đi lính, phải “vô thú thán” và được giảm thiểu thuế má. Minh Mệnh là một trong những ông vua biết khoan sức dân, một ông vua không muốn chiến tranh, một ông vua hòa bình. Không phải ngẫu nhiên mà vào thời Minh Mệnh, nước ta là một nước cường thịnh nhất châu Á, cường thịnh hơn Nhật Bản và hơn cả Trung Quốc thời Nhà Thanh đang bắt đầu suy thoái.
 
“Việc nông nghiệp” của Nhà Nguyễn không chỉ là chính sách và thực thi chính sách. Nó còn là sự thể nghiệm, sự thực hành của triều đình. Thời Minh Mệnh, Nhà vua không những khôi phục Lễ Tịch điền mà còn tổ chức cho hoàng thân quốc thích làm ruộng thực sự.
 
Năm Minh Mệnh thứ chín, nhân Lễ Tịch điền, Nhà vua ra chiếu chỉ giảm 3 phần 10 thuế cho dân và đề thơ:
 
Bỉnh lỗi tam thôi than vị quyện
Tùng canh cửu phản hãn như tương
Nhân tư cần khổ lao thiên mẫu
Viện giáng ân thi chiếu thập hàng.
 
 
(Ta cày một ba luống chưa thấy mệt
Các quan cày chín luống thì mồ hôi đã ướt đầm
Thế mới biết người người nông dân cày ngàn mẫu cực khổ như thế nào
Vì vậy xuống chiếu ra ân vào năm thứ mười).
 
Triều đình còn cho lập một khu ruộng riêng 12 mẫu, gọi là khu Tịch điền, dành cho vua, hoàng thân quốc thích trực tiếp cày cấy, lúa thu hoạch được một phần dùng làm giống, còn lại dùng vào việc nấu cơm cúng tế trong triều đình. Vì vậy mà vua và hoàng tộc đều hiểu được nỗi khổ của người dân, biết rõ về “nước, phân, cần, giống” và mọi chuyện của mùa màng, đồng ruộng. “Trồng cây gì, nuôi con gì” thời đó không có chuyện áp đặt từ ý muốn phi thực tế của vua quan mà xuất phát từ thực tế và nhu cầu của cuộc sống.
 
Sau khi thu giang sơn về một mối, nhà Nguyễn đã nâng cấp, phát triển, mở rộng đê điều được xây dựng từ thời nhà Lý thành một hệ thống đồ sộ rộng khắp từ Bắc chí Nam để đối phó một cách hiệu quả với thiên tai cùng các chính sách khuyến nông và bảo vệ nông dân đã đưa VN thành một đất nước thành cường thịnh trong tương quan với thế giới lúc bấy giờ. Và việc đúc kết sức sống của giống nòi trên chân ruộng cũng là một di sản vô giá.
 
3. Cục đất mà biết nói năng
 
Theo quan điểm y học của dân tộc ta, sống trong môi trường tự nhiên con người là một cơ thể khỏe mạnh, hầu hết các bệnh tật đều tự khỏi, rất ít bệnh cần đến thầy thuốc chữa trị...
 
Phần lớn người nông dân sống với ruộng đồng không cần đến thầy thuốc...
 
Nền văn minh phương Tây vô tình hay hữu ý đã biến đa số con người thành một sinh vật sống không bình thường trong tự nhiên: Mỗi người là một người bệnh, là khách hàng của một bác sĩ, kéo theo đó là một khách hàng của ít nhất một hiệu thuốc.
 
Còn đối với nền văn hiến của dân tộc ta thì mỗi một con người là một cơ thể khỏe mạnh không bệnh tật. Phần lớn những cái mà tây y ngày nay gọi là bệnh đều được nền y học cổ truyền của cha ông ta coi là sự phản ứng tự nhiên của cơ thể con người trước những tác động không bình thường của thiên nhiên, không cần phải chữa trị.
 
Theo ông Ưng Viên, trong số các bệnh mà dân ta mắc phải, có tới 95% là tự khỏi, chỉ có 3% gây ra biến chứng khó tránh và 2% là “được phép chết”, tức là có thể chấp nhận tử vong. Đặc biệt, trong số 95% số bệnh tự khỏi đó, có tới 30% cơ thể khỏe mạnh gấp bội lần sau khi khỏi bệnh. Sở dĩ có tình trạng như vậy là do những tác động bất thường của thời khí đã đánh thức hệ đề kháng trong cơ thể con người, “nâng cấp” khả năng tự vệ, khiến cho cơ thể trở nên cân bằng hơn.
 
Do vậy những bệnh cần đến thầy thuốc chữa trị là không nhiều, ngay cả các bệnh ung bướu, tim mạch, nội thần kinh phần lớn cũng sẽ tự khỏi, chỉ có hai trường hợp phải trị bệnh:
 
1- Khi biết chắc chắn bệnh sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm;
2- Bệnh gây trở ngại đến cuộc sống, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của con người.
 
Do tối cần thiết mới phải trị bệnh, cho nên việc trị bệnh là rất phức tạp, đòi hỏi sự chuẩn xác. Và làm một thầy thuốc ngày xưa không dễ chút nào. Ông Ưng Viên nói chỉ riêng việc bắt mạch thôi, một thầy thuốc ông truyền cho cháu hoặc cha truyền cho con trai, người nào thông minh thì phải mất 15 năm mới có thể học được 8 mạch danh căn bản trong số 24 mạch danh mà một thầy thuốc cần biết.
 
Dĩ nhiên bắt mạch có hệ thống lý thuyết, lý thuyết đó được đúc kết hàng ngàn năm. Nhưng chỉ biết lý thuyết thôi thì không bắt được mạch, cho nên không thể học bắt mạch qua sách vở. Muốn bắt được mạch phải học trên chính người bệnh.
 
Đó là quá trình theo dõi liên tục để liên kết các triệu chứng tương đồng trên mạch của từng người, hết người này qua người khác, hết năm này qua năm khác, với tần số dày đặc, cho đến khi bắt mạch bất cứ người nào cũng đều chẩn đúng bệnh, không sai trường hợp nào.
 
Ông phản đối cách dùng từ “chẩn đoán”. Đây không phải là bắt bẻ câu chữ mà là vấn đề có tính nguyên tắc của một thầy thuốc. “Chẩn đoán” nghĩa là có đúng có sai, dù xác suất sai thấp đến bao nhiêu đi nữa cũng có nguy cơ dẫn đến chết người. Chẩn đúng bệnh để cho đúng thuốc là nguyên tắc của các thầy thuốc. Người xưa không bao giờ có thứ thuốc sản xuất hàng loạt mọi người đều uống được, dù đó là những người có cùng một bệnh giống nhau.
 
Cũng một loại vi trùng, cũng một loại chất độc, nhưng vào cơ thể người này sẽ cho triệu chứng khác với vào cơ thể người kia, thậm chí khi xâm nhập buổi sáng sẽ cho triệu chứng không giống với xâm nhập buổi chiều. Các triệu chứng này thể hiện hết sức tinh vi ở mạch của từng người, với diễn biến hết sức cá biệt. Bởi vậy theo ông Ưng Viên, một thầy thuốc có kinh nghiệm dưới 30 năm không thể gọi là thầy thuốc giỏi.
 
Tôi thắc mắc hỏi ông vì sao tuổi thọ bình quân của dân ta ngày xưa thấp hơn bây giờ, ông Ưng Viên hỏi lại: Ai bảo thấp, căn cứ vào đâu mà bảo thấp ? Các nhà nghiên cứu bị ám ảnh bởi nạn đói do “nhân tai” năm 1945 và 3 cuộc chiến tranh hơn 65 năm qua nên nói bừa là tuổi thọ của người Việt Nam xưa kia thấp.
 
Trước nạn đói năm 1945 tỷ lệ người Việt Nam sống trên 70 tuổi cao hơn nhiều so với bây giờ và điều chắc chắn là người dân rất ít bệnh tật, vì môi trường sống chưa bị phá vỡ nhiều. Ngay cả trong thời Pháp thuộc, do người Pháp là thực dân cũ, mục đích của họ sang đây là để chiếm luôn nước ta, biến nước ta thành lãnh thổ của họ, cho nên họ biết cách bảo vệ môi trường sống, biết cách giữ gìn những điều quý giá từ thiên nhiên của nước ta.
 
Dân ta nói “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nền y học dân tộc cũng theo hướng đó: Ngừa bệnh. Mà ngừa bệnh thật thì thật đơn giản. Chỉ cần không phá hủy môi trường sống và ăn uống “đúng phép tắc”. Hầu hết các món ăn ở “nhà quê” chúng ta đều có tác dụng phòng chữa bệnh.
 
Trở lại chiếc tổ tò vò. Ông Ưng Viên nói nó là một thứ thuốc quý, gọi là “Y Ông” (Người làm thuốc) hoặc “Thiên Phong” (ong trời). Theo sách “Nguyễn Phúc tộc dược minh y kính”, tổ tò vò có thể chữa được các bệnh thương hàn, ban, thủy đậu, hạ sốt và các bệnh thời khí của trẻ em. Nhưng ông Ưng Viên bảo tác dụng chữa bệnh chủ yếu của tổ tò vò chính là … cục đất ruộng. Con tò vò bao giờ cũng lấy đất dưới ruộng mang về làm tổ, không lấy đất ở nơi khác. Cần phân biệt tổ tò vò với tổ ong nghệ (một loại ong màu vàng), ong nghệ cũng lấy đất làm tổ nhưng không cứ là đất ruộng, nên tổ ong nghệ không chữa bệnh được.
 
Ông bảo tôi hãy lấy cuốc xén một cục đất trên ruộng vừa rút nước rồi đem phơi khô. Cục đất có hương vị của ruộng đồng. Dùng một phần (khoảng 1/5 nhát cuốc) bỏ vào chảo gang hoặc nồi đất nướng tới khoảng 70 độ C trong vòng 15 phút. Ngửi cục đất nướng này sẽ thấy một hương vị đặc biệt, mùi đất khi đã nguội cũng không giống mùi khi còn nóng. Đó là sự biến đổi của vi sinh dưới tác động của nhiệt độ.
 
Chia cục đất đó ra làm 2, một phần cho vào 1/2 lít nước, lóng lấy nước trong; phần còn lại đem nghiền nát bỏ vào một bọc vải. Nước lóng được có thể dùng để làm thuốc hoặc nấu ăn, còn bọc đất nghiền có thể dùng ngâm trong dưa muối. Dùng thứ đất chế biến đó có thể ngừa các bệnh về thời khí, đây cũng là 1 trong 10 vị của bài thuốc “Thập thần” rất quý giá mà cha ông ta sử dụng hàng ngàn năm nay.
 
Có thể dùng nước lóng ra này nấu canh cá đồng (cá rô, cá sặc, cá nhét…) với lục bình (hoa + lá non), điên điển, so đũa, sam bay hoặc các loại rau dại khác, nếu không có nhiều thì chỉ cần vài thứ kiếm được, cho thêm một ít mè đen hoặc trắng giã giập. Canh đó ăn không chỉ “ngon tuyệt” mà còn ngừa trị được các bệnh về tiêu hóa, sán lãi, làm sáng mắt và cân bằng được kinh kỳ cho phụ nữ. Dưa muối có ngâm chung bọc đất này ăn vào sẽ cân bằng tiêu hóa, rất tốt cho sức khỏe.
 
Cục đất ruộng có thể phòng trị bệnh được là vì như đã nói, không biết bao nhiêu là nguồn sống chứa trong đó. Chỉ riêng đất ruộng có thể thay thế rất nhiều loại thuốc men, phần lớn người nông dân sống với ruộng đồng không cần đến thầy thuốc. Cái mà chúng ta gọi là “chi phí cho sức khỏe” mà ngày nay hạt thóc phải cõng nặng trên vai, ngày xưa nhẹ tênh không đáng kể. Điều đáng buồn là đất ruộng ngày nay không còn như ngày xưa nữa, nó đã và đang bị hóa chất từ phân hóa học và thuốc trừ sâu làm cho biến dạng, những mầm sống bị mất đi rất nhiều…
 
4. Minh oan cho con đỉa
 
Đỉa không chỉ là một vị thuốc quý mà còn làm sạch môi trường. Điều kỳ thú là đỉa chỉ cắn vào những vùng sinh học có lợi cho cơ thể con người và động vật, khi đỉa cắn vào những vùng đó làm khí huyết lưu thông và chất độc bị hút đi theo máu.
 
Con đỉa có nhiều tác dụng trị bệnh.
 
Ruộng nào có nhiều đỉa thì trâu bò không bị bệnh...
 
Trong tự nhiên, các loại đều có vị trí, chúng vừa chế ước nhau vừa thúc đẩy nhau sinh sôi phát triển; mỗi loài, mỗi giống đều có “chức năng nhiệm vụ” của mình. Thiên nhiên tự mình biết điều tiết sao cho thích hợp, không cần đến sự can thiệp của con người, can thiệp vào sự tuần hoàn của thiên nhiên, con người chỉ chuốc lấy sự thiệt hại.
 
Trên chân ruộng có con đỉa. Đỉa là giống mà giới trí thức chưa bao giờ ưa thích. Nó không có “địa vị” tốt đẹp gì trong văn chương thơ phú, người ta chỉ dùng nó để chửi bới: “Đồ đỉa đói”, “đồ đỉa hút máu”
 
Vừa rồi “đùng một cái” người Trung Quốc sang Việt Nam mua đỉa với số lượng lớn, giá cao tới 10.000 đồng/con, 1,5 – 2 triệu đồng/kg. Các phương tiện truyền thông bình luận xôn xao. Trong khi nông dân ở nhiều nơi tranh thủ gom đỉa bán kiếm tiền, nhiều người còn có ý định nuôi đỉa để kinh doanh.
 
Các chuyên gia thì lên tiếng cảnh báo: Hãy cảnh giác với tình trạng như ốc bươu vàng! Còn các trang mạng thì không ngớt la lối về “âm mưu phá hoại” của Trung Quốc. Rằng không nên nuôi đỉa, nuôi đỉa lợi bất cập hại, rằng đỉa sẽ sinh sôi nhiều, khi Trung Quốc không mua nữa thì không diệt được, rằng đỉa là giống “sinh sản vô tính”, dù có đốt cháy nhưng nếu còn tế bào thì vẫn sẽ sinh ra đỉa, rất nguy hiểm cho môi trường…
 
Tôi đem chuyện thời sự này hỏi ông Ưng Viên. Ông bảo con đỉa chỉ có lợi cho con người và môi trường, hoàn toàn không gây hại gì.
 
Sách “Nguyễn Phúc tộc Dược minh y kính” có nói rõ về tác dụng tốt của đỉa đối với môi trường và sức khỏe con người.
 
Về y lý, đỉa có tác dụng đặc biệt trong việc điều trị các vùng bầm bị hoại tử do chấn thương, mạch máu bị nghẽn, các vết thương và vùng đau nhức. Những trường hợp bệnh trầm trọng chỉ có đỉa hút máu ra mới khỏi. Đối với những vết thương lâu ngày không lành, thầy thuốc ngày xưa thường nhỏ mật ong vào và cho đỉa hút máu xung quanh.
 
Đỉa còn dùng để chế biến thuốc đặc trị về mắt, mắt bị cờm nước không có đỉa rất khó trị. Có hàng chục tác dụng y khoa từ con đỉa mà y học cổ truyền đã đúc kết và ngày nay y học hiện đại cũng thừa nhận.
 
Đỉa cắn người có hại gì không? Không! Không những không hại mà còn có lợi, trừ việc sơ ý để đỉa chui vào tai hoặc chỗ kín, nhưng đã chui vào những nơi đó thì con gì cũng có hại, không cứ là con đỉa.
 
Về môi trường, đỉa giúp cân bằng sinh thái. Đỉa không nhất thiết sống bằng việc hút máu, bình thường nó ăn những phiêu sinh có hại trong nước, làm sạch môi trường nước. Ao, hồ, đầm có đỉa thì rất tốt cho sự sinh sôi nảy nở của các loài cá, nhất là cá chép.
 
Theo ông Ưng Viên, hoàn toàn không có bất cứ một căn cứ nào để nói về một “âm mưu” gì của Trung Quốc trong chuyện mua đỉa ở Việt Nam. Họ mua đỉa về để chữa bệnh, vì đỉa vô cùng quý trong y học. Họ còn mua đỉa về để thả trong các ao đầm của họ để cân bằng môi trường sinh thái.
 
Ông Ưng Viên cho rằng không nên khuyến cáo người dân không nuôi đỉa, vì nuôi đỉa không hại gì hết. Không nên sợ có quá nhiều đỉa không tiêu diệt được, vì thứ nhất là nhiều đỉa chỉ có lợi chứ không có hại gì, thứ hai là đỉa chỉ sống trong môi trường nó cần và cần có nó, khi không thích hợp thì tự nhiên nó sẽ bị thải trừ.
 
Không nên so sánh đỉa với ốc bươu vàng. Thứ nhất, ốc bươu vàng cắn lúa và hoa màu, còn đỉa thì không. Thứ hai, ốc bươu vàng là giống ngoại nhập, về nguyên tắc trước sau gì nó cũng bị môi trường thải trừ một cách tự nhiên, nhưng chờ đến khi thải trừ được thì nó đã phá hoại, còn đỉa là sinh vật bản địa, nó tự nhiên sẽ biết nơi nào sống được, nơi nào không.
 
Ông Ưng Viên lưu ý các nhà khoa học hay đưa ra khuyến cáo nên nhớ rằng, khi con người có mặt ở đây với đồng ruộng ao đầm thì con đỉa cũng đã có mặt, nhưng đâu phải đồng ruộng ao đầm nào cũng có đỉa. Đừng thấy đỉa là giống vật khó chết và dễ sinh rồi suy ra là nó sẽ mau chóng tràn ngập khắp nơi. Bằng chứng là hàng năm, nhiều khu vực có nước đều liên thông với nhau do lũ lụt, nhưng không phải ở đâu đỉa cũng tràn đến.
 
Đối với trâu bò, đỉa có tác dụng rất tốt, khi bị đỉa cắn, trâu bò mạnh khỏe hơn (tác dụng như giác lể làm lưu thông máu huyết và hút được máu độc); ruộng nào có nhiều đỉa thì trâu bò rất ít bị bệnh.
 
Cũng theo sách nói trên, mỗi vùng sinh thái có đặc tính sinh học khác nhau thì cũng có các loại đỉa khác nhau. Đỉa ở khe suối lưng chừng núi thì vàng ươm (suối trên núi cao không có đỉa), đỉa ở vùng sát chân núi nửa vàng nửa mốc, còn đỉa ở đầm lầy thì đen trũi. Còn có một loại đỉa sống trên cây, đó là con vắt (gọi là đỉa lá).
 
Cách cắn của từng loại đỉa cũng khác nhau. Đỉa ở đồng bằng thường cắn dưới chân (từ đầu gối trở xuống), đỉa suối ở lưng chừng núi cắn từ đầu gối trở lên, còn đỉa lá thì cắn từ bụng trở lên chứ không bao giờ cắn dưới bụng.
 
Điều kỳ thú là đỉa chỉ cắn vào những vùng sinh học có lợi cho cơ thể, khi đỉa cắn vào những vùng đó làm khí huyết lưu thông và chất độc bị hút đi theo máu. Người bị đỉa cắn không bao giờ bị phong đòn gánh (tetanus).
 
Hồi chiến tranh, nhiều người miền xuôi lên miền núi do không thích nghi với khí hậu thổ nhưỡng nên thường bị bệnh “bủng beo” (do suy giảm hệ tuần hoàn thận, chức năng gan hoạt động kém), ai bị vắt cắn thì không mắc bệnh này.
 
Vắt cắn cũng làm hạn chế bệnh sốt rét. Nếu con vắt ngẫu nhiên cắn đúng vào huyệt “khí hải quan nguyên” (1 huyệt ở trên và 1 huyệt ở dưới rốn) thì cơ thể trở nên hưng phấn, ai bị sốt rét sẽ cắt cơn ngay.
 
Nông dân ta không sợ đỉa, ghét đỉa.
 
Cần chú ý là thức ăn chính của con đỉa không phải là máu người hoặc động vật. Nó ăn những phiêu sinh, phù du trong nước và trên lá cây. Đỉa hút máu là để chuyển hóa thức ăn trong cơ thể. Chất thải từ đỉa rất tốt cho đất đai. Nhiều vùng trũng trồng lúa nước rất tốt mà không cần đến phân, đó là do chất thải từ đỉa.
 
Người nông dân chưa ý thức được cái lợi của con đỉa nhưng không ai ghét đỉa, không sợ đỉa. Mỗi khi đỉa bám vào chân, cứ gỡ ra vứt đi là xong. Chỉ có giới trí thức mới dùng đỉa để ví von chửi bới mà thôi. Tôi chưa bao giờ nghe ai bàn đến chuyện “diệt đỉa”, chưa thấy bà con nào bực mình với con đỉa, dù đa số nông dân chưa ai nghĩ đến chuyện dùng đỉa để làm gì.
 
Có lẽ những bệnh cần đến đỉa ít khi xảy ra, trong trường hợp xảy ra thì đó là chuyện của thầy thuốc. Có lẽ sự không ghét bỏ con đỉa của người nông dân xuất phát từ bản năng, cái gì không làm hại đến mình thì không ghét.

5. Sự kỳ diệu của đàn vịt thả đồng
 
Việc thuần hóa chế ước các vi khuẩn có hại, phân bổ các bào tử sinh vật có ích khiến cho đất đai tươi tốt, ruộng đồng phì nhiêu, không có con gì hữu dụng bằng con vịt.
 
Ăn thịt vịt vừa ngon, vừa phòng chữa được nhiều bệnh tật.
 
Vịt - liều thuốc quý
 
Nuôi vịt thả đồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Theo sách “Nguyễn Phúc tộc Dược minh y kính”, thịt vịt (gọi là “áp nhục” hoặc “điền hoa áp tử”) là món ăn ngon và là vị thuốc quý, đặc biệt tốt cho gan và lá lách.
 
Thịt vịt luộc hoặc nấu cháo ăn vào có tác dụng “khu phong”. Người mắc chứng phong ngứa ăn vịt lần đầu sẽ thấy ngứa nhiều hơn, ấy là do phá bệnh, không sao cả, ăn lần thứ hai sẽ hết ngứa ngay. Ăn hai, ba con có thể hết bệnh.
 
Còn thịt vịt nướng thì có tác dụng “dũ phong”, ăn vào bệnh phong ngứa sẽ không phát tác gây biến chứng nguy hiểm.
 
Sách “Nguyễn Phúc tộc Dược minh y kính” có thang “thương khẩu bất hiệp” chế từ trầm hương, tre ngâm bùn (trúc nịch), cây chuối hột… kết hợp với da và màng chân vịt.
 
Như tên gọi của nó, thang này chữa được những vết thương lâu lành, đặc biệt là chữa bỏng nặng.
 
Một cánh tay nếu bị bỏng nặng toàn phần, Tây y hiện nay chỉ còn cách tháo khớp cắt cánh tay đi, nhưng ngày xưa cha ông ta có thể chữa khỏi, chỉ cần ngâm cánh tay trong dung dịch thuốc nói trên trong nửa ngày là giữ được các mao mạch để cứu cánh tay, sau đó tiếp tục đắp thuốc một thời gian sẽ khỏi.
 
Tôi hỏi ông Ưng Viên vì sao thịt vịt lại thường được ăn với gừng, ông giải thích: Vịt là giống không có tuyến mồ hôi, những giống không có tuyến mồ hôi đều thuộc “hàn nhục”, mà gừng thì có tác dụng ôn ấm, cho nên ăn thịt vịt với gừng hoặc riềng sẽ làm cho hàn nhiệt cân bằng, rất tốt cho sức khỏe. Nhưng ông bảo phải ăn với gừng nướng mới tốt, dùng gừng sống không có nhiều tác dụng.
 
Da vịt là một vị thuốc rất quý, ăn vào có thể trị được bệnh bạch đới ở phụ nữ, bệnh di mộng tinh ở nam giới (đối với bệnh hoạt tinh thì da vịt không đủ tác dụng)…
 
Da vịt bào chế với các loại thảo mộc thành thuốc chữa rất hữu hiệu bệnh mạch lươn (rò hậu môn) cho nữ giới. Bệnh nặng không có da vịt không trị được. Trong trường hợp khẩn cấp trong khi chờ chế biến thuốc, ăn da vịt bệnh có thể ngưng được một thời gian.
 
Da trên ức vịt còn quý hơn, ăn vào tăng sức dẻo dai cho cơ bắp, rất tốt cho vận động viên.
 
Mật vịt là một trong những vị thuốc hay nhất trong điều trị các loại u bướu và ung nhọt. Bởi vậy nó chữa được bệnh đau dạ dày.
 
Trong thuốc nhỏ mắt bí truyền của nhà Nguyễn có hai nhãn cầu, da ức và mỡ dưới ức vịt.
 
Vịt có thể chế biến được rất nhiều món ăn ngon. Cung đình nhà Nguyễn có món đặc biệt: Vịt chưng tương truyền chủng, là món vịt nấu với măng, dịch tre non (trúc nhự), hạt sen, hoài sơn, táo đỏ, liếu tiếu thảo, huỳnh kỳ đỏ, dâm dương hoắc hoặc thạch xương bồ, tương đậu mèo… Như tên gọi của nó, món này ăn vào chữa được bệnh hiếm muộn ở cả nam lẫn nữ.
 
Theo kinh nghiệm dân gian thì thịt vịt “hiền” hơn thịt gà, còn trứng gà lại “hiền” hơn trứng vịt. Vì vậy mà khi đau ốm người ta ăn thịt vịt mà kiêng thịt gà, còn đối với trứng thì ngược lại. Ông Ưng Viên bảo điều đó đúng, nhưng không đúng hoàn toàn.
 
Trứng vịt bổ dưỡng hơn trứng gà, nhưng do hàm lượng lưu huỳnh cao hơn nên người không khỏe ăn vào sẽ bị đau nhức cơ thể chứ không có hại gì cho sức khỏe, nếu biết cách chế biến hàm lượng lưu huỳnh sẽ cân bằng. Ngược lại, thịt gà có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn thịt vịt.
 
Vịt vốn là loài thiên cầm được thuần hóa, đó là thứ “mãnh cầm” sống trong tự nhiên thành đàn, thường di cư từ nơi này qua nơi khác để thích nghi với sự biến đổi của khí hậu. Ở VN, vịt được nuôi làm gia cầm cách nay khoảng 2.600 năm.
 
Mãnh cầm
 
Gọi là “mãnh cầm” vì sức sống của vịt rất mãnh liệt. Những nghiên cứu khoa học gần đây cũng xác nhận, sức đề kháng của con vịt rất mạnh, vi khuẩn gây được bệnh cho vịt phải mạnh hơn vi khuẩn gây bệnh cho người tới 300 lần. Bởi vậy, vịt là con duy nhất trên đồng ruộng có thể ăn và tiêu hóa được con đỉa.
 
Ngày xưa vịt không bao giờ bị bệnh, không bao giờ “chết bờ chết bụi”, nó chỉ chết khi già và bao giờ cũng chết trong tư thế ngủ. Tất nhiên không tính việc chết do bị con người ăn thịt.
 
Vịt thả đồng là một sáng tạo độc đáo, được áp dụng đầu tiên ở Nam Bộ vào thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Người khuyến khích nuôi vịt thả đồng chính là ông Đào Duy Từ. Sau đó, công chúa Ngọc Vạn đã mang vịt thả đồng sang quê chồng của mình là Campuchia.
 
Do sức sống mãnh liệt của nó, những đàn vịt là chủ thể chế ước, thuần hóa những vi sinh vật có hại trên đồng ruộng, đồng thời mang những vi sinh vật, những bào tử thực vật và động vật có ích gieo rắc khắp nơi. Phân vịt không những không độc hại mà còn chứa những vi sinh tốt, giúp khống chế được những vi sinh gây bệnh. Ngày nay, các nhà khoa học đã trích chiết một số chất trong phân vịt để đưa vào một số loại thuốc tân dược.
 
Nuôi vịt thả đồng còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vịt thả đồng chỉ cần ăn những sản vật trên đồng ruộng là đủ, không cần cho ăn gì thêm, trừ vịt đẻ mới cho ăn thêm ngô hoặc lúa, nhưng không nhiều, chỉ tốn 100g một ngày cho 10 con vịt đẻ. Do vậy, so với vịt nuôi nhốt, vịt thả đồng tiết kiệm tới 85% vốn đầu tư, lại không bị bệnh tật.
 
Đất nào có vịt thả đồng thì tốt hơn đất cùng loại ở nơi khác. Hiệu quả kinh tế từ nuôi vịt thả đồng không chỉ riêng việc giảm vốn đầu tư cho thức ăn mà còn hiệu quả từ chi phí thuốc men, từ đất đai, từ môi trường mà đàn vịt đem lại.
 
Sau này, nhất là khi người Mỹ đem giống lúa thần nông tới, kèm theo đó là phân hóa học và thuốc trừ sâu, vịt mới bắt đầu sinh bệnh. Những sản vật trên chân ruộng ngày càng ít đi, việc nuôi vịt dần dần theo lối công nghiệp, chi phí đầu tư cao, không chỉ tốn thức ăn mà còn tốn thuốc men kháng bệnh. Cái lợi từ nuôi vịt ít đi, cái lợi từ môi trường sinh ra từ đàn vịt cũng ít đi. Thịt vịt nuôi theo lối công nghiệp cũng không còn giá trị tự nhiên của nó nữa…
 
6. Vì sao người Việt phải ăn cơm?
 
Nền văn minh lúa nước không đơn giản mang yếu tố vật chất và tinh thần, nó còn hàm chứa những điều sâu xa hơn trong cấu tạo cơ thể của người Việt mà khoa học hiện đại chưa lý giải.
 
Thuốc nam thuốc bắc… không bằng cơm
 
Vì sao sao người Việt phải ăn cơm? Đó là một câu hỏi ngớ ngẩn, nhưng nếu nghĩ cho kỹ thì nó lại giống như câu hỏi “Vì sao chúng ta phải thở?”. Nếu không thở thì con người sẽ chết. Không ăn cơm có thể không chết, nhưng sẽ “có vấn đề”.
 
Nông dân miền Trung thường nói “thuốc nam thuốc bắc... không bằng cơm”.
 
Hồi nhỏ bà nội tôi có một cái lu đựng lúa để lâu năm, gọi là “trùm mễ”. Vì lý do nào đó có bị đói lũi, khi ăn vào bị thương thực, cơ thể kiệt quệ, bà tôi lấy một nắm lúa trùm mễ rang lên nấu thành cháo lấy nước cho uống, thế là khỏi bệnh. Tôi hỏi ông Ưng Viên “y lý” của thứ lúa đó là gì, ông bảo thứ lúa lâu năm mà dân gian miền Trung gọi là “trùm mễ” này y học cổ truyền gọi là “nhụ mễ”, là một vị thuốc quý. Đó là thứ lúa để lâu trên 10 năm.
 
“Nhụ mễ” chủ trị bệnh bị đói lâu ngày khiến cho men chuyển hóa bị cạn kiệt, đường tiêu hóa mất hết cơ chế hấp thu, nếu ăn vào sẽ không tiêu (thương thực), có thể dẫn đến tử vong. Chỉ cần dùng 3 thìa canh nước cháo “nhụ mễ”, men tiêu hóa sẽ được tái sinh. Người dùng quá nhiều kháng sinh, men chuyển hóa cũng bị tiêu tan, ăn uống bị ách tắc. Trường hợp này dùng cháo “nhụ mễ” cũng chữa khỏi.
 
Đặc biệt, lúa để trên 30 năm gọi là “Triếp dư niên cứu tô mễ” (lúa để lâu trên 30 năm cứu người) là vị thuốc rất quý, chữa được hàng chục bệnh khác nhau, trong đó có bệnh bạch cầu tăng trưởng đột biến khiến cho người bệnh ở trong giai đoạn khởi phát ung thư máu.
 
Sự ứng dụng của “trùm mễ” cho thấy điều gì? Nó cho thấy cấu tạo sinh học của cơ thể người Việt nói riêng, của người sống trong nền văn minh lúa nước nói chung, có sự tương tác với nguồn thức ăn chính là lúa gạo. Bình thường, lúa gạo nuôi sống con người. Cơm, cộng thêm một ít thịt cá và rau lá, là đủ mọi thứ dinh dưỡng. Cơm còn có tác dụng tuần hoàn, cân bằng tiêu hóa và đào thải chất độc. Khi bị mất cân bằng tiêu hóa, chính lúa gạo giúp con người khôi phục lại.
 
Bởi vậy người Việt Nam mà không ăn cơm, có lẽ trước sau cũng phát sinh một “vấn đề” nào đó trong cơ thể. Và không phải ngẫu nhiên mà bà con nông dân miền Trung thường nói “thuốc nam thuốc bắc… không bằng cơm”.
 
Ruộng nào lúa ấy
 
Vấn đề là các giống lúa nguyên bản cổ truyền nuôi sống người Việt Nam hiện nay không còn được trồng trọt nữa, thay vào đó là hàng loạt các giống lúa đã lai tạo, đã “biến đổi gen”.
 
Ngày xưa, người Việt ta trồng hàng chục các giống lúa tự nhiên, trong đó chủ yếu là lúa chiêm ở miền Bắc, lúa gòn ở miền Nam (cũng là giống lúa chiêm từ miền Bắc đưa vào) trồng ở các vụ chính; lúa bông giang trồng vào lúc thời tiết thích hợp; lúa đen (bà con nông dân thường gọi là gạo lứt) trồng ở ruộng thổ không cần nước; lúa ba trăng trồng ruộng nước ruộng khô đều được; lúa nhe (còn gọi là lúa de) được trồng ở miền Nam…
 
Riêng lúa nhe là giống lúa quý được phát triển mạnh từ thời Vua Minh Mệnh, là thứ lúa “vua ăn”, ngày xưa các vùng Cao Lãnh, Thanh Bình, Tam Nông, Du Long (thuộc tỉnh Đồng Tháp bây giờ) chuyên trồng lúa nhe bán cho triều đình, nên được gọi chung là vùng Hồng Ngự (nghĩa là vùng nuôi sống, bảo bọc, che chở sự sống cho Hoàng Triều). Ngoài ra còn có nhiều giống lúa khác trồng theo đặc điểm của từng vùng thổ nhưỡng.
 
Cơ thể người Việt không chỉ thích hợp với việc ăn cơm mà còn thích hợp với giống lúa tự nhiên truyền thống. Ăn cơm từ các giống lúa đó, cơ thể người Việt có khả năng “kháng bệnh”. Chúng ta có thể khôi phục lại các giống lúa của tổ tiên mình hay không? Ông Ưng Viên bảo: Có, nếu như chúng ta muốn. Tuy gọi là đã bị “tiêu diệt”, nhưng người dân bằng cách này cách khác vẫn bảo tồn được 18 giống lúa cổ truyền. Ở nhà ông Ưng Viên, thỉnh thoảng vẫn ăn cơm gạo lúa nhe cổ xưa, tôi chịu không biết từ đâu mà ông có.
 
Ruộng nào lúa ấy là một trong những cách quản lý nông nghiệp nghiêm ngặt vào thời Nhà Nguyễn. Triều đình ra chiếu dụ các địa phương phải dự trữ giống trong 2 năm và quy định ruộng vùng này không được mua giống từ vùng khác. Hàng năm Khâm mạng triều đình đi kiểm tra giống trước khi gieo trồng.
 
Ý nghĩa của ruộng nào lúa ấy thật là lớn lao, nó giữ được chất lượng của hạt gạo và giữ được sự phát triển tự nhiên của cây lúa. Ngày xưa lúa không bị sâu bệnh. Ngay cả bệnh đạo ôn mới phát triển từ năm 1891, thời Vua Thành Thái, khi người Pháp mang “phân khoa học” sang.
 
Ở miền Nam cho đến năm 1964, nông dân vẫn trồng các giống lúa cũ, cộng thêm các giống Nàng Hương, Nàng Thơm, Huyết Rồng… tuy là các giống lúa đã lai tạo nhưng căn bản vẫn là giống lúa tốt. Các giống lúa cũ trồng trên đất ruộng cũ rất ít bị sâu bệnh, không cần nhiều phân bón (chỉ dùng tro và một lượng phân chuồng không đáng kể), nên chi phí rất thấp.
 
Từ năm 1965, người Mỹ bắt đầu đem giống lúa Thần Nông từ Philippines sang, ban đầu là cho không nông dân cùng các “phụ kiện”. Vụ đông xuân đầu tiên của năm 1966, lúa Thần Nông đem lại “thành công rực rỡ” trên đồng ruộng, với sản lượng đạt tới 2,5 – 3 tấn/1 mẫu đạc điền (5.000m2), tức 5 – 6 tấn/1 ha. Trong khi, với giống lúa cũ, mỗi mẫu đạc điền sản lượng chỉ đạt khoảng 1,2 – 1,5 tấn. Rõ ràng giống lúa mà người Mỹ mang tới tỏ ra “ưu việt” hơn nhiều.
 
Thế nhưng chỉ 1 vụ sau đó, vào năm 1967, một loạt bất ngờ lại xảy ra: Sâu bệnh phát triển mạnh. Muốn giữ được sản lượng thì phải tăng phân bón hóa học và sử dụng rộng rãi hơn thuốc trừ sâu bệnh. Theo tính toán lúc đó, làm lúa Thần Nông người nông dân chỉ lãi chưa tới 1/3 sản lượng do phần lớn chi phí chạy vào túi các nhà sản xuất phân bón và hóa chất, còn làm lúa theo “kiểu cũ”, tỷ lệ lãi lên tới trên 80% do chi phí rất ít, đó là chưa kể cái lợi từ các sản vật phụ trên chân ruộng không bị hóa chất hủy diệt
 
7. Kho thuốc vô tận trên ruộng
 
Nếu chân ruộng mà không bị thuốc trừ sâu và hóa chất xâm hại thì những sản vật sinh ra từ đây đủ để người nông dân và con cháu sống khỏe mạnh, không cần thuốc men.
 
Thuốc bắc không hẳn quý hơn thuốc nam
 
Thời gian gần đây cùng với việc mua đỉa, người Trung Quốc ráo riết sang Việt Nam mua các cây thuốc, khiến cho báo chí thêm một phen lên tiếng cảnh báo về tình trạng “chảy máu” dược liệu quý.
 
Những cây cỏ ở nước ta gọi là “thuốc nam”, khi được đem sang Trung Quốc rồi xuất ngược lại, nó gọi là “thuốc bắc”. Việc người Trung Quốc sang nước ta mua dược liệu không phải chỉ bây giờ, nó đã diễn ra từ thời xa xưa, chẳng qua thời xưa không có báo chí nên người ta không biết đó thôi. Giờ mới thấy, thì ra “thuốc bắc” không hẳn quý hơn “thuốc nam”. Nhưng các bậc chân y và những người nhìn xa trông rộng thì thấy từ lâu.
 
Xung quanh chân ruộng còn có vô số những rau lá, từ cao cấp như sen, súng… bình thường như điên điển, lục bình… đến những thứ nằm sát đất như cải trời, rau sam, rau bợ… đều là những vị thuốc tự nhiên giúp con người cân bằng cơ thể, trong đó có không ít thứ chữa được bệnh nan y không khác gì thần dược.
 
Theo ông Ưng Viên, nói thuốc bắc quý hơn thuốc nam là nói ở việc bào chế và thủ thuật thương mại, còn nguyên liệu thì rất khó nói, vì có thứ họ có ta không có, nhiều thứ ta có họ không có. Những cây cỏ mà họ sang mua ở ta như: Ba kích, Kim huyết đằng thì họ có ta có, chất lượng bằng nhau. Toái cốt bổ, ta có họ không có. Kim cang ta có họ không có. Kim ngân, ta có họ có nhưng của ta tốt hơn của họ. thương nhĩ tử (ké đầu ngựa), họ không bằng ta. Hoài Sơn, họ không có...
 
Những loại mà Trung Quốc không có, hàng ngàn năm nay họ phải sang mua của ta. Cho nên ngày xưa La sơn phu tử Nguyễn Thiếp khuyên Vua Quang Trung nên sử dụng thuốc nam, ông bảo chừng nào còn phụ thuộc vào thuốc bắc thì nước Nam ta vẫn còn phụ thuộc vào Trung Quốc.
 
Có thể nói nguồn dược liệu từ cây cỏ để chế biến thành thuốc của Việt Nam nếu không hơn thì cũng không thua kém bất cứ nước nào. Nhưng người Việt Nam chưa biết khai thác thương mại như Trung Quốc. Người Việt cũng ít sử dụng cây thuốc để chữa bệnh, đơn giản là vì tất cả những gì có ở xung quanh chân ruộng cũng đủ để người Việt ta sống khỏe mạnh rồi.
 
Dàn hợp tấu những con vật trên chân ruộng
 
Khi ở Hà Nội, tôi thích nhất món bún riêu cua. Trước đây ở Ngã Tư Sở có một bà già bán bún riêu cua vỉa hè ngon tuyệt, buổi sáng ghé vào đây ăn một bát thấy cả người nhẹ tênh sảng khoái, tôi đâu biết rằng sách “Nguyễn Phúc tộc dược minh y kính” đã từng coi con cua đồng không phải hạng tầm thường.
 
Cua đồng có tác dụng chữa nhiều căn bệnh.
 
Thịt cua đồng tác động tuyệt hảo đến xương, mạch máu và não. Ăn vào có thể chống xơ vữa động mạch, dẻo dai cơ bắp, tăng trí nhớ. Nó còn là một vị thuốc tự nhiên đặc sắc trong việc bảo sản an thai cho phụ nữ. Người bị té trật, thổ huyết, bị đâm đánh làm tụ huyết, có thể giã cua đồng lấy nước hoặc nấu cua đồng với gai tre lấy nước uống là khỏi.
 
Dân ta có nhiều món ăn ngon từ cua đồng: Canh riêu, bún riêu, làm chả, nướng, làm muối… Cua đồng nướng lên, giã với muối ớt làm thành muối cua có thể để dành ăn quanh năm. Cua đồng nếu nấu với cá nhét sẽ là một món ăn “vô địch thiên hạ” dành cho nam giới, không có thứ thuốc nào sánh kịp.
 
Con cá nhét không chỉ là món ăn hỗ trợ hữu hiệu cho những người bị giảm thiểu khả năng tình dục, nó còn chữa được chứng nhức nửa đầu (do mật bị lạnh), chứng đau thắt một bên ngực… Nhưng trên hết, cá nhét là một món ăn nấu kiểu gì cũng ngon. Chỉ cần bỏ cá nhét vào nồi nấu lên, khi nước sôi xắt lá gừng tươi bỏ vào đã thành món canh không chê vào đâu được.
 
Trên chân ruộng còn có con cá rô (cá rô đồng), là món ăn quen thuộc của người dân quê. Trứng cá rô đồng thường chứa sẵn trong đất ruộng. Đầu mùa hạ, chỉ một trận mưa rào 24 giờ sau cá rô nở ra chi chít, vài ngày sau cá đã lớn bằng ngón tay út, gọi là cá rô hạt bí. Cá rô hạt bí có thể đem chiên xù cuốn bánh tráng hoặc nấu ngót với hẹ. Cá rô đồng lớn thì làm được nhiều món: Nướng, kho, nấu canh đều ngon, làm món gì cũng không được bỏ vảy.
 
Cá rô đồng có tác dụng trợ hô hấp, trị ban và ngừa thương hàn. Riêng cá rô mái là vị thuốc chính yếu trị bệnh rò nhũ hoa của phụ nữ, thứ bệnh mà Tây y thường điều trị bằng cách cắt bỏ. Vảy cá rô đồng bào chế với một ít trầm hương và cây tre làm thuốc chữa bệnh thời khí cho trẻ em rất tốt; nếu đốt lên, thêm vào một ít băng phiến thì trị được bệnh thối lỗ tai.
 
Cá rô đồng chưng tương (chưng cách thủy) ăn vào rất tốt cho răng và trị được bệnh viêm xoang, bổ óc và tăng thính lực. Chưng thêm với cá diếc trị được bệnh phù thũng nặng. Đặc biệt, ăn cá rô đồng hơi thở rất thơm tho, cái thơm tho tự nhiên chứ không phải “thơm” do bị át mùi như các thứ kẹo cao su trên quảng cáo.
 
Ốc không chỉ là món khoái khẩu của đàn bà con gái. “Điền loa minh mục” (ốc làm sáng mắt) là tác dụng tiêu biểu của ốc. Con rắn khi mắt có vấn đề, theo bản năng sẽ tìm ốc để ăn. Cọp, beo cũng vậy. Ăn ốc không chỉ tốt cho mắt mà còn tốt cho tim, cho móng tay, cho da, cho tóc. Ốc ăn với cua đồng chữa được chứng nghẹt thở. Ốc chế được nhiều món ăn ngon.
 
Cung đình nhà Nguyễn có món “Ốc hấp cháo bì” độc đáo và rất dễ làm: Luộc ốc, rồi vớt ra hấp với lá gừng; cải xanh hoặc cải trời giã vắt lấy nước; trộn nước cải vào nước ốc, thêm một ít bột nếp nấu lên thành cháo, ăn với ốc hấp. Riêng ốc bươu vàng ăn không tốt bằng ốc bản địa.
 
Trên chân ruộng còn vô số những sản vật ăn vào không cần thuốc men: Lươn tốt cho thận, cho rễ mạch máu (mao căn), giải uất nhiệt, mát gan mát phổi, làm hưng phấn sinh thực cho cả nam lẫn nữ. Cá diếc chữa được bệnh phù thũng, cam tích, tâm sinh lý bất định (trấn tâm định thần), mắt cá diếc chữa được bệnh về mắt. Cá trê ăn với nghệ chữa được bệnh đi tiểu khó, trung tiện khó, bệnh trào ngược dạ dày.
 
Cá chép, Đông y gọi là “lý ngư tiên”, ăn rất tốt cho mắt, trị được bệnh phù thũng, cá chép nấu với ốc nếu ăn từ nhỏ khi lớn lên không bao giờ bị bệnh thiên đầu thống. Ăn cá chép cũng ăn luôn cả vảy. Cá lóc (cá tràu) tốt cho hệ tiêu hóa, cho phụ nữ sau khi sinh và tiền hậu mãn kinh.
 
Cá lóc nấu với nấm tràm dây (có ở miền Trung) ăn làm ổn định hệ tiêu hóa, ngừa được bệnh đại tràng. Nếu thêm trái tràm dây và hẹ ta sẽ giúp ổn định bệnh trĩ và chữa được chứng hơi thở hôi. Thịt ếch cũng không thường chút nào, nó tốt cho thận và mắt, chữa được những rắc rối về hô hấp, hơi thở yếu, nói ngắt quãng, giúp người suy kiệt sức khỏe chóng hồi phục; ếch nên ăn cả da, không nên ăn xương…
 
Trên đây chỉ là một số trong dàn hợp tấu những sản vật trên chân ruộng.
 
Hầu như con gì, cây gì trên chân ruộng cũng đều có lợi cho con người, kể cả rắn rết. Ngay cả chuột, cào cào châu chấu… vốn cũng không phải là những thứ gây hại mùa màng, sự gây hại của những loài này có nguyên nhân từ con người, chúng tôi sẽ nói sau. Thiên nhiên không sinh ra một thứ gì thừa thãi cả.
 
8. Con người ác độc hơn thú dữ
 
Ngày nay báo chí liên tục cảnh báo nên người ta đã hiểu được cái lợi của những con rắn độc, nhưng đa số vẫn còn thấy ghê ghê với con vật “độc ác” này. Đối với thiên nhiên, con người ác độc hơn nhiều so với thú dữ.
 
Thiên nhiên không sinh ra một thứ gì thừa, mỗi loài mỗi vật đều có lý do để tồn tại. Thuận với thiên nhiên thì sống, nghịch với thiên nhiên trước sau gì con người cũng phải trả giá, kể cả nghịch với thiên nhiên trên đồng ruộng.
 
Từ lâu lắm rồi các nhà khoa học đã kết luận sở dĩ đàn hươu ở vùng Siberia bị suy thoái là do chó sói bị săn bắn quá nhiều, đó là do khi còn nhiều chó sói những con hươu yếu ớt đều bị chó sói diệt, chỉ những “giống tốt” mới tồn tại sinh sôi. Hổ báo, chó sói và các động vật “dữ” khác đều đưa vào Sách đỏ cần bảo vệ. Chuyện bảo tồn thiên nhiên hoang dã ngày nay ai cũng biết, nhưng lại không nhiều người biết ngay thiên nhiên ở xung quanh ta cũng cần được đối xử như vậy.
 
Ngày xưa trên đồng ruộng nước Nam ta không có sâu bệnh, không có chuột cắn phá, không có châu chấu cào cào tàn hại. Không phải ngày xưa không có những giống đó, mà do cha ông ta biết thuận với thiên nhiên. Lúa và hoa màu được phân bố hợp lý theo mùa, theo thổ nhưỡng khiến cho cây trồng, vật nuôi sinh sôi nhịp nhàng với các sinh vật tự nhiên, “nước sông không đụng đến nước giếng”.
 
Nên hiểu đúng về loài chuột
 
“Minh oan” cho loài chuột là một chuyện tức cười, nhưng phải có cái nhìn đúng mức. Con chuột vốn không ở đồng ruộng, không phải là thứ cắn hại lúa và hoa màu. Nó làm tổ, đào hang sống trong rừng rú, ăn những thứ mà thiên nhiên ban cho nó. Chuột cũng góp phần điều hòa sinh thái, khi đến chân ruộng, nó cũng tham gia chế ước, cân bằng vi sinh.
 
Nông dân ĐBSCL săn chuột đồng làm món nhậu.
 
Ai cũng biết chuột là giống sinh sôi “dữ dằn” nhất trong các giống vật có vú, nhưng tự nó biết giới hạn “dân số” của nó. Trong hai cuốn sách thuốc gia truyền của nhà Nguyễn mà chúng tôi đã nhắc tới và cả trong một cuốn sách quý khác là cuốn “Nguyễn Phúc tộc đế phả tường giải đồ” đều nói đến một hiện tượng lý thú của loài chuột:
 
Mỗi năm vào mùa thu, từng đàn chuột leo lên ngọn tre cắn ngọn, cắn lá, rồi rơi xuống chết, chỉ còn khoảng 20% số chuột còn sống sót. Đó là những con rất khỏe mạnh và tiếp tục sinh sản. Không phải do cắn lá tre mà nó chết, vì lá tre cũng là thứ thuốc (lá tre Đông y gọi là “trúc diệp”, đọt tre gọi là “trúc tâm”) chữa được nhiều bệnh tật, mà do “khí số” đã hết, nó phải tìm đến lá tre để tìm “cửa sinh”.
 
Nhưng những đàn chuột không cưỡng được “mệnh trời”, nên chỉ một số ít con khỏe mạnh nhất mới tồn tại, và được lá tre “tiếp sức” chúng càng khỏe mạnh hơn. Điều kỳ lạ là những lá tre, đọt tre do chuột cắn làm thuốc tốt hơn là những lá tre, đọt tre thường.
 
Rắn, rết, bọ cạp còn chữa được các chứng ung tỉ, bệnh viêm xoang mũi, bệnh nha cam (răng bị hỏng, thối)… Trên chân ruộng, các loài này góp phần làm cân bằng sinh thái do chúng nó tiêu diệt những sinh vật kém cỏi không đáng sống.
 
Thiên nhiên còn “bổ sung” một cách cân bằng khác, ấy là mỗi khi trời trở gió thì chuột trong hang chết hàng loạt. Dọn dẹp những xác chết này, thiên nhiên giao cho đàn quạ. Chớ nên coi khinh con quạ (và con kền kền). Quạ và kền kền chỉ chuyên ăn xác chết, nhờ chúng nó mà môi trường trong sạch.
 
Con người không công bằng với con quạ chút nào. Quạ kêu khi có người hoặc súc vật chết (thường do chiến tranh nên chậm an táng, dọn dẹp), nên người ta gán tiếng quạ kêu báo hiệu sự tang tóc, nhưng nó đâu có “ý thức” được đâu là vật đâu là người, nó chỉ đến để “làm nhiệm vụ” của nó mà thôi.
 
Chuột bắt đầu đến làm tổ trên chân ruộng khi rừng rú bị con người phá. Hủy diệt môi trường sống của chúng, chúng phải tìm cách tồn tại. Chuột là loài gặm nhấm nên chúng cắn phá nhiều hơn ăn, nếu hàng ngày không cắn một cái gì đó thì răng chuột sẽ mọc dài ra mà chết (do không ăn được). Trước đây chúng cắn cây cối trong rừng rú, nay thì cắn lúa.
 
Tóm lại, không phải thiên nhiên mà chính con người đã biến chuột thành một thứ “ăn hại”. Còn nói chuột là giống truyền bệnh dịch hạch là nói bừa, nước ta có chuột nhưng không có vi trùng dịch hạch, vi trùng dịch hạch là do người phương Tây mang tới. Cho đến năm 1960 bệnh này mới có tại Việt Nam.
 
Châu chấu có hại hay có lợi?
 
Xem phim ảnh chúng ta thường thấy những trận dịch châu chấu kinh thiên động địa, tưởng tượng đến cảnh châu chấu tràn đến đồng ruộng Việt Nam mà thấy hãi hùng. Nhưng châu chấu vốn cũng là một loài vô tội. Châu Phi thời trung cổ không có nạn châu chấu, nạn này chỉ phát sinh từ khi châu Phi thuộc Anh, thuộc Pháp. Phương thức canh tác của người phương Tây áp dụng tại châu Phi đã làm phá vỡ môi trường sống, nạn châu chấu là một trong cái giá mà con người phải trả.
 
Công bằng mà nói, ở nước ta xưa kia châu chấu cũng “phá hoại” mùa màng, nhưng ông Ưng Viên bảo, nó “phá hoại 1 năm thì có lợi cho 10 năm”. Là vì khi nào mùa màng bị sâu bệnh thì châu chấu mới tới, nó tới để ăn hết ruộng bị sâu bệnh, diệt luôn cái mầm bệnh cho tương lai. Còn hạn chế châu chấu thì đã có đàn chim trời làm nhiệm vụ, thiên nhiên khắc biết cách tự cân bằng.
 
Cái lợi của rắn, rết, bọ cạp
 
Ngày nay báo chí liên tục cảnh báo nên người ta đã hiểu được cái lợi của những con rắn độc, nhưng đa số vẫn còn thấy ghê ghê với con vật “độc ác” này. Đối với thiên nhiên, con người ác độc hơn nhiều so với thú dữ. Các nhà bảo vệ môi trường tính rằng, cứ một người bị cá mập ăn thịt thì có 1 triệu con cá mập bị con người giết chết, ai độc ác hơn ai đây ?
 
Và đừng tưởng rắn độc cắn chết người rồi suy ra hễ là rắn độc là cắn người. Con rắn độc tự nhiên không cắn người, giẫm vào nó, nó mới cắn để tự vệ, nhưng ngay cả khi giẫm vào nó chưa chắc nó đã cắn. Theo thống kê kinh nghiệm của người xưa, cứ 4.000 người chạm vào rắn độc chỉ có 1 người bị rắn cắn. Rắn độc, nhất là rắn hổ mang, mai gầm… là thứ thuốc quý.
 
Rắn mai gầm kết hợp với rết (Đông y gọi là “ngô công”), bọ cạp (gọi là “toàn yết”), xác ve sầu (“thiền thoái”), con tằm chín sắp nhả kén (“cương tàm”) chữa được bệnh ngộ độc kháng sinh, ngộ độc hóa chất, chữa chứng phong tê đau nhức, bại xuội… Bệnh thiên đầu thống nếu không có rắn hổ mang, rết, ve sầu thì rất khó chữa khỏi.
 
9. Thuận với thiên nhiên và hiệu quả kinh tế
 
Người xưa thuận với thiên nhiên ngay cả trong chăn nuôi, việc nuôi heo chung với gà là một minh chứng thú vị.
 
Khoa học, hãy bớt kiêu ngạo!
 
Nếu biết cách tính toán, nuôi heo cỏ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Nhà kinh tế được giải Nobel Friedrich Hayek trong diễn từ nhận giải thưởng này vào năm 1974 đã đề nghị không nên có Giải Nobel kinh tế. Hayek cho rằng cái gọi là khoa học kinh tế chẳng qua là sự “ngụy tạo tri thức”.
 
Theo Hayek, người ta không thể áp dụng các phương pháp của khoa học tự nhiên như toán học và vật lý học để thu thập, đo lường các hiện tượng trong xã hội để rút ra các quy luật, các lý thuyết và dự báo sự vận động; rằng kinh tế và xã hội là tập hợp vô số những hiện tượng phức tạp đan xen tương tác nhau của hàng tỷ ý chí, lợi ích, sở thích của từng con người riêng lẻ, không có bất cứ một bộ óc nào đủ khả năng thâu tóm hết; rằng người ta chỉ biết những gì người ta có thể biết, đo lường được những gì mà người ta có thể đo lường được mà thôi; rằng những dữ liệu của hiện tượng mà chúng ta biết chẳng đáng vào đâu so với bản chất của hiện tượng và rất nhiều khi không phải là dữ liệu chính. Chủ nghĩa “duy khoa học” là sai lầm tai hại của con người trong thế kỷ 20.
 
Nassim Nicholas Taleb, tác giả cuốn sách “Thiên Nga Đen” (Black Swan) nổi tiếng cho rằng Hayek chỉ đúng một phần. Ông cho rằng các phương pháp của khoa học tự nhiên cũng rất có giới hạn khi giải thích các hiện tượng tự nhiên, rằng ngay cả phương pháp trong một lĩnh vực hẹp cũng không đủ để giải thích chính lĩnh vực đó, vì tự nhiên dù “hẹp” đến bao nhiêu cũng vô tận vô cùng.
 
Tôi phải viện dẫn hai tác giả trên để giải thích thắc mắc có thể có của một số bạn đọc: “Những gì trên chân ruộng đã được khoa học chứng minh công nhận chưa ?”. Cũng xin nói thêm, con người đã tự mình biết cây lá nào ăn được và cây lá nào không trước khi khoa học giải thích cái lành và cái dữ của từng loài cây lá. Tổ chức Y tế thế giới gần đây cũng khuyến nghị nhân loại nên sử dụng những thức ăn của các chủng tộc có lịch sử lâu đời để phòng chữa bệnh. Điều đó cho thấy khoa học đã bắt đầu bớt kiêu ngạo.
 
Heo – gà : “Tri âm tri kỷ”
 
Như đã nói ở phần trước, người viết bài này không có ý định kêu gọi “nông thôn hóa thành thị”, nhưng nếu không khôi phục lại những gì còn lại xung quanh chân ruộng thì trước sau gì nòi giống người Việt ta cũng sẽ bị thoái hóa. Yêu nước, khi cần thiết thì cầm súng. Nhưng phải hiểu được mảnh đất này, cũng như phải hiểu được vùng biển, vùng trời này, thì mới thấy Tổ quốc của mình là vĩ đại, mới xóa được thân phận nhược tiểu, vong bản, vong thân. Không hiểu thì làm sao có thể tự hào, làm sao mà biết trân trọng gìn giữ, làm sao có thể ngẩng cao đầu mà yêu nước!
 
Trước khi kết thúc loạt bài này, xin dẫn một việc “thuận với thiên nhiên” cụ thể mà cha ông ta từng áp dụng. Đó là chuyện nuôi heo, nuôi gà. Những bà con làm nghề chăn nuôi có kinh nghiệm cho biết: Người dân nuôi heo theo phương thức công nghiệp “đúng chuẩn” thì lời rất ít, chủ yếu là “lấy công làm lãi”. Một con heo nuôi 4 tháng cho 1 tạ thịt (100 kg), nhưng để được 1kg thịt thì phải mất 8kg cám công nghiệp, cộng với thuốc tăng trưởng, dịch vụ thú y và thuốc phòng chữa bệnh. Tính ra trong 100kg thịt, người chăn nuôi lời được khoảng trên dưới 1 kg. Chuyện bị lỗ trong nuôi heo cũng không phải ít xảy ra.
 
Hãy tính hiệu quả nuôi heo cỏ theo cách của cha ông ta. Người xưa thường thả heo cỏ trong vườn, thức ăn dành cho chúng là cỏ, chuối cây và rau lá, thêm một ít nước cơm, cám gạo, cám bắp là xong. Một con heo cỏ nuôi trong 6 tháng đạt chừng 60kg. Do chi phí rất thấp, nên lời ròng khoảng 50kg. Nếu tính theo thời giá hiện nay thì giá heo cỏ đắt từ gấp rưỡi đến gấp đôi giá heo công nghiệp; gần đây người Trung Quốc tăng cường sang “thu mua” nên giá còn đắt hơn. Và điều lý thú nữa là trong vườn còn nuôi thêm một bầy gà “cộng sinh” với heo.
 
Con heo là động vật bị thuần hóa lâu đời, nó vốn không ăn động vật, nhìn con heo rừng thì biết trước đây heo nhà ăn gì, heo rừng hoàn toàn không biết ăn thịt. Heo thường ăn cỏ hoa rau lá và củ. Đặc biệt, heo rất thích ăn hoa, mà ăn nhiều hoa (hoa rau lang, hoa cải trời …) thì thịt càng thơm ngon. Người xưa rất hiểu đặc tính của con heo và con gà nên thường nuôi gà chung với heo. Ông Ưng Viên bảo heo với gà là láng giềng tốt, là “tri âm tri kỷ” của nhau. Vì sao vậy? Thứ nhất, rắn rất sợ heo. 10 con rắn độc mà lại gần heo thì chết hết 9. Rắn hổ mang mà lại gần thì kiểu gì cũng bị heo cắn đứt đầu, còn rắn hổ mây khi thấy heo là co rúm lại, không bao giờ dám tới gần. Các loài chồn thấy heo cũng rất sợ. Chồn và rắn thì thích ăn gà, gà bao giờ cũng sợ hai thứ đó. Dân ta nuôi heo trong vườn để phòng chồn và rắn bắt gà.
 
Thứ hai, con heo rất sợ rết và bò cạp. Nếu bị bò cạp cắn thì mình con heo đỏ bầm lên rồi chết. Nếu bị rết cắn, heo sẽ sinh bệnh. Con gián cũng gây bệnh cho heo. Nhưng con gà là khắc tinh của các loài này. Trong vườn mà có rết, bò cạp, gián, đều bị gà ăn sạch. Cho nên, người xưa nuôi gà để làm “vệ sĩ” cho heo. Gà còn “làm vệ sinh” cho heo, mỗi buổi sáng sau khi những con heo ăn xong thường tề tựu im để cho đàn gà rỉa tất cả các côn trùng, sinh vật và thức ăn rơi vãi bám vào heo. Con gà cần cù chăm chỉ, giúp cân bằng sinh thái trong vườn tược.
 
Thịt heo là món ăn truyền thống, là thực phẩm thích ứng hoàn toàn với cơ thể người Việt. Người thành thị đang có “khuynh hướng” tìm ăn heo cỏ, trong khi ít người nghĩ đến việc khôi phục lại cách nuôi heo cổ truyền. Thịt gà cũng là món ăn quen thuộc của dân ta và hiện nay món “gà thả vườn” được ham chuộng do gà nuôi theo kiểu truyền thống ăn ngon hơn và ăn vào không bị nhức mỏi như ăn gà nuôi nhốt.
 
Chỉ một cách chăn nuôi “thuận với thiên nhiên” thôi mà lợi đơn lợi kép, các nhà khoa học, các nhà kinh tế có tính được chăng?
 
                                                                         Hoàng Hải Vân
                                                                 Nguồn: Bloghoanghaivan

Nguồn:
https://hoangvanlac31.blogspot.com/2015/07/chan-ruong-su-ton-vong-cua-dan-toc.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ