Nhà
văn Duyên Anh
Bến đò Đồng Đức càng ngày càng nhiều khách tới lui.
Bây giờ không còn mùa đông mưa phùn rây mờ sông nước, không còn họ hàng lũ ruồi
nhặng sợ rét, lười biếng đâu trên sợi dây lòng thòng để treo chuối, treo ngãn
bám vào liếp, vào tường tròn ba tháng rét mướt đìu hiu. Dân thành phố tản cư về
đồng ruộng. Họ mang theo niềm vui và cuộc sống mới mẻ khiến quê ngoại nhà tôi tấp
nập, ồn ào. Nằm nghe tiếng chim cu gáy buổi trưa, tôi cảm thấy bớt buồn tẻ. Kỷ
niệm tràn lụt đầu óc tôi bằng những bộ mặt sáng sủa, những điệu cười hồn nhiên
của đám trẻ nhỏ thành thị trạc tuổi em Mai. Tôi nghĩ, giá anh em tôi không phải
sống hẩm hiu ở quê ngoại thì lúc này đây, chúng tôi cũng biết tung tăng dắt tay
nhau chuyện trò dưới ánh trăng đồng nội. Chứ đâu chịu lạc lõng trong đêm tối, nhìn
bóng mẹ gầy yếu run rẩy cơ hồ chiếc lá sắp lìa cành. Bất giác, tôi nhớ cha tôi
và nước mắt phủ mờ...
Mẹ tôi bảo thoạt tiên cha tôi đánh đàn thập lục cho
ban hát cải lương lưu động. Dạo ấy danh từ nghệ sĩ còn xa lạ nên ông bầu coi
cha tôi ngang chức anh lao công. Làm việc từ tám giờ tối tới hai giờ khuya. Tiền
thù lao dè xẻng mới đủ nuôi một vợ, một con. Trong gánh hát, cha bị bạn đồng
nghiệp chê bai tài đàn non nớt hay tâu hót với ông bầu vài điều lầm lẫn của cha
tôi. Thì cha tôi hậm hực nguyền rủa thói đời đen bạc. Chán rồi, cha tôi trách
ông phó Nhị. Giá ông phó truyền đủ ngón trứ danh, chắn chắn sự nghiệp cha tôi đỡ
méo mó. Tôi cố mường tượng cái cảnh hậu trường sân khấu giữa mùa hè nóng nực,
cha tôi cởi trần biểu diễn tài nghệ, dìu điệu ca cho đào kép ngọt giọng. Mồ
hôi, có khi cả nước mắt, rơi rụng trên mười sáu sợi tơ đồng đổi miếng cơm hẩm
manh áo thô. Về sau có lần giận đời, cha tôi đập đàn giải nghệ.
Khi tôi hiểu biết, thấy đời cha tôi lẩn quẩn trong hai
câu thơ của bài hát nói cha tôi khai bút nhân dịp năm mới: "Ông Lái thuốc
bắt đầu, ông Phó, ông Ký, ông Chủ, ông Thầu, ông Lang... " Mỗi chuỗi nghề
nghiệp quàng vào cổ cha tôi. Lên voi xuống chó, xuống chó lên voi... Tội nghiệp
cha tôi, người còn chút tâm hồn để không nỡ gọi tài đánh đàn là nghề kiếm cơm.
Từ ông lái thuốc bắc đến ông lang băm chế thuốc cao
đan hoàn tán. Chao ôi, tôi phải viết thế nào đây cho thật linh động từng cảnh
cha tôi ngồi chế thuốc cam bằng thuyền gang, ngồi thái thuốc sống bằng dao cầu,
ngồi xao thuốc bổ bằng nồi rang đất và hoàn và viên thuốc tễ? Làm sao ai chứa
chất được trọn vẹn ngần kia mẫu đời. Thế mà cha tôi, trời ơi! Tôi muốn làm một
khán giả vô tư nhỏ lệ tiếc thương gã nghệ sĩ sinh nhầm xứ sở.
Có bận túng bấn quá, cha mẹ tôi phải chia nhau mỗi người
một chợ đem thuốc hoàn, thuốc tán trị các bệnh cam sài thai đẹn, ho hen, giun
sán ra bày ngổn ngang trên manh chiếu hẹp dưới quán chợ. Mẹ tôi bán quanh quẩn
mấy chợ gần miền bể như chợ Tiểu Hoàng... Sáng sớm mẹ đi, xế chiều mẹ về săn
sóc anh em tôi. Còn cha tôi xách chiếc va ly lớn lễ mễ sang mãi tận Thần đầu,
Thần huống. Cha tôi đi hàng tuần mới trở lại, nói là vừa bán thuốc vừa thăm dò
xem bên sông Trà Lý có dễ kiếm ăn thì cho gia đình sang.
Những chuyến cha tôi vắng nhà, mẹ tôi xuôi ngược tần tảo,
anh em tôi nương bóng nhau cầu nguyện. Nghe mẹ tôi bảo sóng sông Trà dữ tợn. "Sóng cửa Trà, ma cửa Hộ", em
Mai chỉ sợ phà đắm.Tôi dỗ dành em tôi rằng cha tôi sống tới tám mươi tuổi để
xem anh em tôi khôn lớn. Em Mai thường khóc tỏ vẻ lo ngại. Khốn nạn, cha mẹ tôi
nghèo nàn, còn tình thương mến nhưng tình thương mến không nuôi sống được con
nên muốn con no lành đã phải xa con, cực nhọc. Tôi cứ nghĩ đến lúc cha mẹ tôi
ngồi dọn hàng khi chợ chiều tan vắng. Ánh nắng vàng vọt quê mùa chiếu vào khuôn
mặt thê thảm vì nhớ con, vì ế hàng của cha tôi chắc đau thương lắm.
Ít tháng sau cha tôi bỏ nghề lang thuốc. Cha tôi sắm
ít dụng cụ chữa xe đạp. Người ta đặt tên mới cho cha tôi: ông Phó. Cha tôi sửa
chữa, lau dầu, vá chín, vá sống săm lốp xe đạp, xe tay. Nếu ai cần tô điểm xe
mình thì cha tôi cũng biết sơn xì, sơn hấp, mạ kền bằng... ngân nhũ. Nhiều lần
nhìn cha tôi nghiến răng vặn cái ốc lâu ngày thiếu dầu mỡ, lòng tôi thắt lại.
Tay cha tôi mạch máu nổi bật, chằng chịt. Có khi "lắc lê" nhờn, tuột mạnh bật tay ra. Cha tôi mất đà, chúi
về một bên. Thường thường, tay cha tôi bị xước da, máu chảy ri rỉ. Cha tôi mải
mê công việc không để ý, đưa tay vuốt mấy sợi tóc lòa xòa trên trán. Máu ở vết
thương được dịp hòa với mồ hôi... Nhưng cha tôi nín lặng không kêu ca, không
than vãn, không kể lể với vợ con. Sự nín lặng đó tôi đã khổ tâm học hỏi song
tôi thấy tôi thất vọng. Vì, cho tới ngày nay, hễ gặp bất cứ con rắn độc cuộc đời
nào, dù lớn dù nhỏ, cắn đau hay cắn hụt, tôi vẫn thích tìm người băng bó hộ.
Tò mò, tôi hỏi cha tôi học nghề sửa xe bao giờ, cha
tôi mỉm cười: "Cái khó sinh ra cái không con ạ!". Tôi nghi ngờ rồi phỏng
chừng cha tôi học lỏm hay cha đã từng làm thợ phụ cơm nhà việc người. Lại thêm
hình ảnh thui chột của chú "học nghề" nữa!
Hồi gia đình tôi ở Hà Nội về Thái Bình rồi dọn xuống miền bể, em Mai bé bỏng nên em chưa cảm được nỗi buồn biển động cuối mùa đông. Dường như, bể giận dữ tận ngoài khơi bãi Đồng Châu. Tiếng gầm gừ vọng tới nghe ghê rợn. Cha tôi khởi nghiệp chữa xe tại đây, tại ngã ba chợ huyện Tiền Hải, dưới gốc cây gạo to lớn, sù sì, gai góc. Những buổi chiều rét mướt, cha tôi ngồi co ro khâu mép lốp đứt "tanh" hay phồng mang trợn mắt thổi than hồng trong lò máy vá chín. Cha tôi nhặt nhạnh từ năm hào bơm thuê cho anh phu xe tay, chẳng nề hà việc dầu mỡ. Bởi vậy, cả sau lúc ngưng làm để vuốt ve anh em tôi, tay cha tôi, dẫu rửa xà phòng, vẫn còn đầy vết dầu lem luốc. Em Mai hay kéo đôi tay cha tôi đùa bỡn:
- Tay cha tôi đen như nhọ nồi.
Cha tôi cười:
- Trắng như bông mà con dám bảo đen. À, đố con biết tại sao tay phải cha dài hơn tay trái?
- Con chịu.
- Tại tay phải cha vặn "lắc lê". Cha vặn mạnh quá nên xương nó giãn ra.
Em Mai ngớ ngẩn:
- Con không thích tay phải cha dài đâu, cha làm cho nó ngắn bằng tay trái đi cha. Có được không hở, cha?
Cha tôi suy nghĩ giây lát, đoạn vỗ về em:
- Khó gì, rồi cha bỏ vặn "lắc lê" thì nó hết dài.
- Sao anh không ăn?
Tôi nói dối:
- Tại anh đau bụng.
Em tôi tưởng thật:
- Thế em để phần anh vậy nhé?
Tôi cười xua tay:
- Đau bụng ăn cơm nguội thế nào được. Em ăn đi, ăn nhiều chóng lớn.
Hôm thứ hai, tôi cũng bỏ bữa sáng ân huệ của con nhà nghèo. Em tôi hỏi han vớ vẩn. Tôi phải trả lời tôi ăn sáng với em thì trưa ăn mất ngon. Nghĩ sao, em tôi giận tôi, em chẳng thèm ăn nữa. Em bắt chước nhịn đến trưa. Mẹ tôi mắng em. Em khóc, em kêu đau bụng. Như thế, em tôi hiểu chuyện rồi. Em tôi rủ tôi ra đường cái, ghé sát vào tai tôi thì thầm:
- Thật anh nhỉ, ăn bữa sáng, trưa ăn mất ngon.
Chúng tôi nhìn nhau. Chua xót. May mắn là tình cảnh ăn đong thiếu thốn rất ngắn ngủi. Gạo dần dần hơn. Nhà tôi lại tiếp tục hai bữa no nê. Đấy là những câu chuyện buồn của gia đình tôi. Nhưng chuyện khiến tôi nhớ mãi là chuyện sau đây:
Hôm cha tôi đang đánh nháp miếng lốp nổ thì một bà sang trọng tới gần. Bà ta nhìn cha tôi lúc lâu rồi mới ngại ngần hỏi:
- Bác làm ơn chỉ giùm tôi ông lang...
Bà ta quên tên ông lang. Cha tôi ngừng tay, lễ phép nói:
- Thưa bà, bà cho biết tên ông lang là gì ạ?
Móc trong túi mảnh giấy nhỏ ghi bút chì lờ mờ, bà ta lẩm nhẩm đọc:
- Ông Mai Viên bác phó ạ! Bà bạn tôi mách rằng ông Mai Viên chữa bệnh giỏi. Tôi từ phủ Kiến Xương xuống xin ông cái đơn. Bà bạn tôi trước là chỗ quen thân ông Mai Viên.
Như cái lò xo, cha tôi đứng thẳng dậy, trịnh trọng giới thiệu tựa hồ anh hề trên sân khấu giây phút sắp mở màn.
- Thưa bà... tôi là Mai Viên...
- Thưa bà tôi giải nghệ... lang thuốc rồi. Song nếu bà...
- Bà ở phủ Kiến chắc quen gia đình ông Phán Lâm?
- Thưa ông, bà Phán chỉ đường tôi mới rõ, chứ dễ chi.
- Trước kia...
- Vâng ạ! Bà Phán đã nói nhiều về ông. Tôi xin lỗi ông lần nữa vì cử chỉ vô lễ ban nãy.
- Thưa bà không hề gì ạ! Bà đừng bận tâm.
Cha tôi kê tặng bà khách ấy đơn thuốc bổ theo đúng lời viết quảng dán tường ngày xưa "xem mạch kê đơn không lấy tiền". Khi về, bà khách rút tiền cho tôi. Tôi từ chối, bỏ chạy mất. Đêm ấy, dưới ánh đèn dầu lạc tẩm bấc thắp đĩa, đêm dầy đặc, suy tư. Tôi nghe từng hơi thở dài sầu hận của cha tôi. Bất giác, tôi òa lên khóc khiến em Mai cũng khóc. Cha tôi xoa đầu anh em tôi an ủi:
- Nín ngay con, rồi các con sẽ sung sướng.
Tôi gục đầu xuống đùi cha tôi, ôm chầm lấy thân thể gầy yếu, ôm chầm lấy tấm lòng thương mến bao la mà rên xiết.
- Cha ơi! Con thương cha.
Giọng cha tôi tha thiết, bao giờ cha tôi cũng tha thiết với vợ con:
- Thương cha thì ngủ đi, sau này đừng giống cha nhé con, giống cha khổ lắm. Nhất nghệ tinh con ạ!
- Cha có đau không hở, cha?
- Cha có mở được mắt không?
Cha tôi nói:
- Đau gì mà đau, cái hoa đó mà...
Giọng em Mai run run:
- Con thấy nó kêu đánh "bốp". Chắc cha đau, cha nói dối. Con thì con khóc rồi. Cha đau thật hở, cha?
- Cái hoa nhẹ như bấc thì đau nỗi gì. Cha chỉ đau vì...
Tôi hỏi gặng:
- Vì sao cơ ạ?
- Vì... các con khổ sở!
Cha tôi rươm rướm nước mắt. Anh em tôi cúi đầu.
- Con sung sướng chứ có khổ đâu?
Em Mai cũng hối hả:
- Con chả khổ gì cha ạ!
Cha tôi mỉm cười gượng gạo:
- Các con nói dối.
Tôi nắm chặt tay cha tôi hơn:
- Lúc nào gần cha mẹ là các con sung sướng rồi.
Em Mai ôm đầu cha thủ thỉ:
- Con yêu cha.
- Yêu cha thì phải chăm học các con nhé, Hữu nhé! Nhất nghệ tinh...
- Cha vào gội đầu kẻo bẩn.
- Điềm may đấy con ạ! Hoa rơi là sang năm cha con mình giàu. Cha sẽ tậu nhà ngói trên tỉnh, con có cái xe đạp nhỏ đi học.
- Thế mẹ con?
- Mẹ con thì.. Ờ, ờ, khó nghĩ quá. Con chọn quà biếu mẹ xem nào.
- Mẹ con thôi bán xôi chè này, mẹ Ở nhà khâu vá quần áo với lại kể chuyện ma này. Cha cho tiền con mua cái tráp đựng trầu biếu mẹ con nhá! Em Mai muốn mua biếu mẹ xâu tràng hạt để mẹ niệm Phật cha ạ!
- Ừ, ừ con muốn gì cũng được.
- Em Mai có búp bê, có ô tô, có tàu thủy, có nhiều thứ lắm. Em Mai không phải chơi đồ chơi bằng vỏ hến, nút chai...
Em tôi thích chí cười hớn hở. Đôi má núm đồng tiền xinh xinh tệ. Em làm nũng:
- Áo con rách rồi, cha mua áo cho con trước nhất cha nhé.
Cha tôi bỗng giật mình. Đôi mắt đang sáng rực mộng ước, phút chốc mờ đi, buồn. Cha tôi ngắm anh em tôi rồi khẽ gật đầu nói nhỏ:
- Ừ, mai cha mua áo cho con.
Vuốt mái tóc em Mai, cha tôi an ủi:
- Hai anh em ra kia chờ cha nhé! Ra kia kẻo nó bắt bí. Thế nào cha cũng mua cho con.
- Ăn cắp, ăn cắp! Gớm nhanh như chớp, vừa mới quay đi mà nó đã thó mất rồi.
Tôi hoảng hồn, mắt lơ láo tìm cha. Song cha tôi không có trong đám đông trước mặt. Em Mai khóc bù lu bù loa, dỗ mãi em mới nín. Trong khi đó, người bán hàng quai mồm ra chửi bới hết lời. Hắn dọa nếu tóm được cổ kẻ cắp, sẽ đánh róc xương. Tôi chờ, chờ gần xế trưa thì ngờ rằng cha tôi lo kiếm anh em tôi và chắc chắn, đợi anh em tôi ở nhà. Tôi lớn không sợ lạc nữa nên cha tôi cũng có thể về trước. Nghĩ vậy, Tôi trở lại nhà. Anh em tôi buồn thiu, thẫn thờ bước như hai đứa trẻ ăn mày.
- Cha mua áo cho con rồi hở cha?
- Ừ, đây này.
Cha tôi lật chiếu đầu giường nhấc chiếc áo ra. Em Mai vồ lấy ướm thử. Em thay áo cũ mặc áo mới vào. Em khoe tôi:
- Đẹp không anh Hữu?
- Đẹp lắm.
- Đẹp không cha?
Em Mai chợt nhớ điều gì, khuôn mặt ngây thơ nhí nhảnh phút chốc thoáng buồn. Em nói:
- Áo anh Hữu rách lưng cha ạ!
- Để phiên sau cha mua.
Tôi vội nói:
- Áo con vá được, cha đừng mua tốn tiền.
Giữa lúc ấy, mẹ tôi ở dưới bếp bước lên, em Mai níu mẹ, nũng nịu:
- Cha mua áo cho con mẹ ạ!
Mẹ tôi ngạc nhiên hỏi cha tôi:
- Tiền đâu mà cha mua áo cho con?
Cha tôi thản nhiên:
- Vay của bác Cẩm sáng sớm nay.
- Bác Cẩm đi Thái Ninh từ hôm kia cơ mà!
- Sao con khóc?
- Con thương cha.
- Nín đi... để dành nước mắt chứ chú bé. Khóc nhiều hết thì sao?
Tôi chưa nín. Vì nghĩ tới suối sầu bắt nguồn từ túp lều tranh bên gốc chuối tiêu chảy róc rách, róc rách qua hồn anh em tôi. Suối sầu này còn chảy mãi. Và còn chảy, nước mắt còn rơi, không lo khô cạn.
DUYÊN ANH
Tuyển Truyện Duyên Anh
Tuổi Ngọc 1970
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ