Trang

Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2021

NHỮNG VỊ GIÁO SƯ NỊNH BỢ TỐ HỮU QUÁ MỨC, CA NGỢI THƠ ÔNG LÀ THI HÀO THI BÁ, LIỆU GIỜ CÓ CHÚT DAY DỨT ÂN HẬN NÀO KHÔNG ? - Trần Mạnh Hảo

Nguồn:
https://www.facebook.com/tran.manhhao.376/posts/3108079172797599
 
Tác giả bài viết Trần Mạnh Hảo
  

Người nịnh bợ, bốc thơm thơ Tố Hữu nhất là GSTS Trần Đình Sử với cuốn sách dày cộm có tên : “Thi pháp thơ Tố Hữu” ( NXB Tác Phẩm mới 1987, tái bản 5 lần). Trần Đình Sử còn có một cuốn sách dày cộp khác, có tên là “Thi pháp Truyện Kiều”. Trong hai cuốn sách này, Trần Đình Sử hù dọa mọi người bằng thuật ngữ “thi pháp” rất tào lao chi khươn. Nghĩa là cứ bất kỳ một ai bình phẩm về thơ Tố Hữu hay Truyện Kiều đều được gọi là nhà thi pháp học. Trần Đình Sử đã đánh mất thuộc tính thiêng liêng của từ “Thi pháp” rất đặc trưng, rất cao siêu của Aristotle để cua bèo vạt tép, viết lung tung lang tang, gom hết ý kiến mọi người vào sách mình, chẳng có khám phá nào riêng biệt của mình, rồi gọi món tạp pí lù này là “thi pháp”…
Vậy thì, thi pháp ơi, ta chào mi vì mi đã bị Trần Đình Sử ba láp hóa, bông phèng hóa thuật ngữ thiêng của triết gia cổ đại Aristotle ngày xưa.

Thà rằng khen thơ Tố Hữu như Chế Lan Viên, người ta còn phục vì Chế viết rất hay, dù có nịnh cách mấy người đọc cũng không có cảm giác đang đọc văn nịnh. Đằng này, Trần Đình Sử đã không có tài viết, lại nịnh Tố Hữu quá mức là thiên tài thiên tướng thi ca, khiến người đọc phải ngượng chín mặt
.
“Năm 1980 Trần Đình Sử  làm nghiên cứu sinh tại Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Kiev, Liên Xô, bảo vệ luận án ngày 20 tháng 10 năm 1980. Giáo viên hướng dẫn là GS. TS. Lidia Pavlovna Alexandrova, chuyên gia về tiểu thuyết lịch sử. Tên đề tài: Thời gian nghệ thuật - yếu tố chỉnh thể của hình tượng nghệ thuật (qua tiểu thuyết lịch sử viết về Lênin). ( trích từ điển mạng). Cuốn tiểu thuyết ba xu của nhà văn xó bếp Liên Xô viết nịnh Lê Nin nói chung là nịnh thối, mà Trần Đình Sử dùng để làm luận văn phó tiến sĩ tại Kiev năm 1980 quả là khó ai ngửi được. Nay cuốn sách ca ngợi Lê Nin kia và luận án phó tiến sĩ ca ngợi cuốn sách ấy đều đã bị ném vào sọt rác.
Trần Đình Sử du học tại Trung Quốc thời cách mạng văn hóa năm 1966, nên trong đầu chỉ có hội chứng “văn nghệ Diên An”, với tinh thần Mao tuyển rất sai trái mà thôi. Rồi ông du học Liên Xô, tại xứ Ucraina, học toàn các món lạc hậu cực tả Mác Lê Nin quá khích, quá đát, quá đà.

Dùng món nộm “ní nuận” hồng hơn chuyên Mao, Sít gom vào, ông Sử viết hẳn một cuốn sách ca tụng thơ Tố Hữu. Sách này của ông Sử rất nhạt, rất dở, làm hại thị hiếu văn chương của học sinh sinh viên một thời.

Người thứ hai cũng viết cả một cuốn sách ca ngợi, thần thánh hóa thơ Tố Hữu là cuốn : “Thơ Tố Hữu, tiếng nói đồng ý, đồng tình, đồng chí” in năm 1980 do nhà xuất bản Thuận Hóa phát hành, tái bản 1985 của GS. Nguyễn Văn Hạnh.
Nhờ cuốn sách bốc thơm thơ Tố Hữu tới trời mà con đường quan lộ của Nguyễn Văn Hạnh lên vù vù. Từ trưởng khoa văn, lên viện trưởng viện đại học Huế, Nguyễn Văn Hạnh còn leo lên chức thứ trưởng bộ GD &ĐT, rồi tới chức phó ban văn hóa văn nghệ trung ương dưới bàn tay trả ơn của Tố Hữu . Có điều gặp thời đổi mới văn học của Nguyễn Văn Linh & Trần Độ, Nguyễn Văn Hạnh đã sẵn sàng phủ nhận sạch trơn thơ Tố Hữu…

Người thứ ba bốc thơm thơ Tố Hữu một cách không biết ngượng là GS. Lê Đình Kỵ (1923-2009) với cuốn “Thơ Tố Hữu” NXB Đại Học 1979.

Người thứ tư chuyên soạn các bài khái luận về Tố Hữu trong sách giáo khoa trung học, ca ngợi Tố Hữu ngang Tố Như là GS. Nguyễn Đăng Mạnh. Bao nhiêu năm học sinh hầu như chỉ học hai tác giả vĩ đại nhất của văn học Việt Nam là Tố Hữu & Hồ Chí Minh đều là “công” của Nguyễn Đăng Mạnh cả.

Tôi là người đã viết chân dung Tố Hữu. Tôi không phủ nhận sạch trơn thơ Tố Hữu.
Chỉ có tập thơ “Từ ấy” của Tố Hữu viết trước năm 1945 là hay, còn các tập sau khi viết bằng tâm thức kẻ cầm quyền, kẻ chỉ dành cho thơ một mẩu tim bé xíu thì làm sao có thơ hay ?

Thực ra thơ của các tác giả Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Tế Hanh…đều hay hơn thơ Tố Hữu, sao không được học kiểu “tác giả tác phẩm” ?

Hỡi những vị giáo sư đã nâng bi thơ Tố Hữu một thời, giờ đây các người có biết ngượng hay không, khi đã góp phần làm hỏng thị hiếu thi ca của lớp trẻ. Chính vì lẽ này và vì những lý do khác, các cháu thanh thiếu niên giờ đây đều chán ghét môn văn tới tận cùng; vì môn văn mà các giáo sư dạy đã bị chính trị hóa, đã không còn là môn văn nữa, than ôi...
 
Sài Gòn ngày 18-9-2021
        Trần Mạnh Hảo

2 nhận xét:

  1. Bài viết hữu ích, nhất là vào thời điểm này.

    Trả lờiXóa
  2. Bútt nô, bút điếm, bút mấy dạy, đời nào cũng có, nơi nào cũng có; nhưng nhiều hay ít (có thời nhi nhut như dòi) là do sự giáo dục của gia đình, xã hội mà thôi

    Trả lờiXóa

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ