Dấu
tích của những vị chúa Nguyễn buổi đầu mở cõi nay còn ở Trà Bát (nay là làng
Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, Quảng Trị). Cho dẫu còn ít ỏi và
phần nào hoang phế thì ngần ấy dấu tích vẫn đủ sức thức gợi cả một trời quá khứ.
Vùng Trà Bát bây giờ thật quạnh hiu. Ảnh: Lê Đức Dục
Trà
Bát chính là nơi Nguyễn Hoàng trút hơi thở cuối cùng vào năm 1613. Trước lúc
lâm chung, cũng tại Trà Bát, ông đã triệu người con trai thứ sáu là Nguyễn Phúc
Nguyên đang làm trấn thủ Quảng Nam về cầm tay dặn dò: “Đất Thuận - Quảng phía bắc
có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang (sông Gianh) hiểm trở, phía nam có núi Hải
Vân, núi Thạch Bi vững bền, núi sinh vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng
võ của kẻ anh hùng. Nếu biết dạy dân, luyện binh thì chống chỏi với họ Trịnh đủ
xây dựng sự nghiệp muôn đời, nếu thế lực không địch được thì cố giữ đất đai để
đợi thời cơ chứ đừng bỏ hỏng lời dạy của ta”. Vâng mệnh cha, từ dinh Trà Bát
này Nguyễn Phúc Nguyên đã nối ngôi chúa chăm lo việc phòng thủ, sửa thành lũy,
đặt quan ải, vỗ về quân dân, trong ngoài mến phục gọi ông là Chúa Sãi hay Sãi
Vương.
Mãi
đến năm 1626 Nguyễn Phúc Nguyên mới dời dinh trấn từ Trà Bát vào Phước Yên - Quảng
Điền, nay thuộc Thừa Thiên – Huế
Tượng
đồng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ đang lưu giữ tại làng Trà Liên - Ảnh: L.Đ.Dục
Từ Ái Tử, nơi Nguyễn Hoàng dựng dinh trấn đầu tiên về
Trà Liên chỉ cách chừng 3km về phía đông bắc. Trong những năm chiến tranh, người
Mỹ xây dựng Ái Tử thành một căn cứ quân sự lớn nên vết tích dinh trấn đầu tiên
của chúa Nguyễn hầu như bị cày xới để xây dựng đồn bót, kho đạn, sân bay… nay
không còn lưu dấu gì. Riêng dinh Trà Bát có phần may mắn hơn.
“BẢO VẬT QUỐC GIA”
Chúng tôi về gặp ông Bùi Thịnh, trưởng ban điều hành
làng văn hóa Trà Liên, với hi vọng được ông dẫn lối đi tìm những dấu tích. Trước
khi rẽ xe vào trụ sở Hợp tác xã Trà Liên, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy pho tượng
đồng Nguyễn Ư Dĩ được thờ trong cái am nhỏ vừa đơn sơ vừa chắc chắn. Pho tượng
đồng này có một số phận nổi chìm kỳ lạ và giờ đây được xem là “bảo vật quốc
gia” tại Quảng Trị.
Thái phó Nguyễn Ư Dĩ - tước Uy Quốc công, là cậu ruột
của Nguyễn Hoàng, người đã nuôi dạy Nguyễn Hoàng từ khi mới 2 tuổi lúc Nguyễn
Kim (thân phụ Nguyễn Hoàng) lánh nạn sang Lào. Chăm lo cho người cháu, thấy
Nguyễn Hoàng “tướng mạo khôi ngô, vai lân lưng hổ, mắt phượng trán rồng, thông
minh tài trí, kẻ thức giả đều biết đấy là bậc phi thường” nên Nguyễn Ư Dĩ đã
đem việc kiến công lập nghiệp khuyến khích cháu. Chính Nguyễn Ư Dĩ là người đã
thay mặt Nguyễn Hoàng đi lĩnh ý Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, rồi sau đó theo
phò tá Nguyễn Hoàng trong buổi đầu đến Ái Tử.
Ngôi chùa thờ Nguyễn Ư Dĩ có tên là Liễu Ba (hay còn gọi
là Liễu Bông - Miếu Bông). Hiếm có một công thần nào lại được dân cúng giỗ
quanh năm như thái phó Nguyễn Ư Dĩ. Ông Bùi Thịnh cho biết phong tục dân làng mỗi
năm đều giỗ quan thái phó vào các ngày rằm tháng hai, tháng sáu, tháng tám và
ngày tết. Pho tượng Nguyễn Ư Dĩ được đúc bằng đồng vào khoảng thế kỷ 17, được đặt
tại chùa. Năm 1972 chiến tranh bom đạn ác liệt nhưng pho tượng vẫn nguyên vẹn.
Ngày hòa bình trên nền chùa cũ, dân làng dựng lại một nếp chùa đơn sơ để đặt tượng
thờ.
Tuy nhiên năm 1989 kẻ gian đã đánh cắp pho tượng đồng
quý giá này.
Theo lời một bô lão trong làng, khi pho tượng bị mất cả
làng đã đổ ra tìm kiếm. Do tượng quá nặng, kẻ cắp đã mang pho tượng xuống vùi
trên bãi cát ven sông Thạch Hãn gần làng. Khi cả làng dùng thuốn sắt đi dò dọc
triền sông thì phát hiện tượng đang còn bị chôn vùi dưới cát. Dân đã không để
tượng ở chùa Liễu Bông cũ mà mang về cạnh đình làng, rồi xây một cái am nhỏ
nhưng kiên cố có bọc bêtông cốt thép để bảo vệ tượng.
Chúng tôi ra chùa Liễu Bông, ngôi chùa được dựng nên
thờ phụng các công thần theo phò tá Nguyễn Hoàng buổi đầu dựng nghiệp đã mất dấu.
Trên nền chùa xưa một dòng họ khác trong làng đã xây một khu lăng mộ nguy nga đồ
sộ trên chính nền chùa cũ. Đau xót hơn khi chúng tôi tìm thấy quanh khu lăng mộ
những phiến đá ôm lót chân cột chùa để nằm lăn lóc dãi dầu mưa nắng. Những phiến
đá chứng nhân của hơn bốn thế kỷ còn bị đối xử như vậy, thảo nào bao nhiêu dấu
tích buổi tiền nhân khởi nghiệp cũng dần biến mất.
THƯƠNG CẢNG MỘT THỜI
Không xa nền cũ ngôi chùa Liễu Bông là khu vực được
xem là các vòng thành của dinh Trà Bát xưa. Một gò đất cao ráo, còn vương lại
những phiến đá sa thạch to rộng và vô số gạch vụn đỏ au lẫn trên nền đất cũ. Từ
vị trí các vòng thành dấu tích của dinh Trà Bát, chỉ đi thêm một quãng không xa
là ra đến Bến Gành. Sông Thạch Hãn chảy về quãng này chợt uốn một vòng cung rộng
mênh mông. Anh Phan Văn Khuynh, trưởng ban văn hóa xã hội của xã Triệu Giang,
đưa chúng tôi ra bờ sông.
Hơn bốn thế kỷ sông không biết có đổi dòng đổi bến,
nhưng bên triền đất lở ven sông chúng tôi tận mắt chứng kiến rất nhiều mảnh
chum gốm với họa tiết độc đáo lộ ra như chính đất đai đã gìn giữ trong lòng sâu
của mình những phồn hoa đô hội một thời.
Trước khi chúa Nguyễn mở mang giao thương với nước
ngoài để có một cảng Hội An sầm uất thì ở xứ Trà Liên này với quãng đường từ Cửa
Việt lên đây chưa đầy chục cây số đã được sử sách nhắc đến như một thương cảng
đô hội nhất Đàng Trong bấy giờ. Linh mục Nguyễn Văn Ngọc, trong bài nghiên cứu “Cửa Việt dưới thời Nguyễn Hoàng và Chúa Sãi
(1558-1626)” đăng trên tạp chí Cửa Việt (bộ cũ) số xuân Tân Mùi 1991 (trang
100-104) đã công bố nhiều tư liệu về tầm vóc của vùng cảng Cửa Việt và dinh Trà
Bát này.
Những tư liệu của linh mục Ngọc dựa trên những ghi
chép của các nhà truyền giáo thế kỷ 16-17 và những nghiên cứu của L.M. Cadière
sau này cho thấy các thương thuyền của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Áo
Môn (tức Macau - bấy giờ bị Bồ Đào Nha xâm lược năm 1557 và sau này thành thuộc
địa của người Bồ Đào Nha) đã đến đây chào quan tổng trấn (tức Nguyễn Hoàng, sau
này là Nguyễn Phúc Nguyên). Chính sự sầm uất của cảng Cửa Việt đã khiến tàu nước
ngoài vào cướp bóc cư dân ven biển vùng này và Nguyễn Phúc Nguyên đã vâng lệnh
cha dẫn mười thuyền chiến đi đánh tan hai thuyền của tướng giặc là Hiển Quý vào
năm 1585.
Bây giờ nhìn dòng sông Thạch Hãn cuồn cuộn nước xuôi về
Cửa Việt đổ ra biển Đông, nhìn những dấu gạch gốm lẫn vào lòng đất đá bên bờ nước,
rồi lăng mộ tư nhân dựng trên nền ngôi chùa xưa là Quốc miếu thờ những công thần,
nhìn những dấu vết thành quách đang tan vào cát bụi, dẫu biết không có gì vĩnh
cữu trước thời gian, dẫu biết 30 năm bom đạn chiến tranh muôn phần tàn phá
nhưng vẫn không thể thầm trách hậu thế đã hững hờ.
Lê Đức Dục
.........
Hơn
300 năm sau, khi Ái Tử hay Trà Bát không còn là thủ phủ như buổi đầu khởi nghiệp,
nhưng hậu thế của Nguyễn Hoàng - vua Hàm Nghi - đã về Quảng Trị xây dựng một
kinh đô dự phòng để di đô khi Huế lâm nguy.
Nguồn:
https://tuoitre.vn/dinh-xua-cang-cu-bay-gio-292392.htm?fbclid=IwAR3EsKIXyITQD54ka1uPdc5jugIc1RPj9Q9zUh6ZfKuO7CmGHLQ7ZhGMRzY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ