Tác
giả bài viết Hoàng Hóa
Khu nhà ở dành cho lũ chúng tôi là một khu nhà lá đơn sơ, nhà dành cho Cha cũng đơn sơ không kém, nằm sau ngôi trường lợp tôn ở giữa một khu rừng chủ yếu là cây dầu rái thân thẳng, to cao và lác đác có vài cây hoa mai rừng vào mùa xuân nở hoa xanh biếc rất đẹp mà vị Mục tử - Linh mục Nguyễn văn Nam (chắc phải có sự tài trợ của Đức Cha Etcharen người Ý) đã được xây dựng trước đó để sẵn sàng đón chúng tôi và các bạn cùng trang lứa ở xung quanh trường bước vào năm học mới 1973-1974 ở nơi quê mới. Chúng tôi được sơ Xuân giàu lòng từ thiện chăm sóc về mặt vật chất. Ngôi trường mang tên Trung học Tư thục Thánh Linh - Động Đền.
Trường có cả
hai cấp học : Trung học đệ nhất cấp và đệ nhị cấp, có nghĩa là trường đón nhận
học sinh từ lớp đệ Thất đến lớp đệ Nhất
(từ lớp 6 đến lớp 12). Bước vào niên khóa này, tôi học lớp đệ Tam (lớp 10), thầy
cô dạy chúng tôi một vài thầy là người địa phương ở Hàm Tân, còn lại là các thầy cũng thuộc trong số dân tị
nạn Quảng Trị đi khai khẩn đất hoang và lập quê hương mới ở
Bình Tuy.
Các Thầy quê Quảng Trị di dân có thầy Lê Mậu Duy - dạy Toán, thầy Nguyễn Hiền dạy Hóa, thầy Đô dạy Văn.
Môn Pháp văn là Sinh ngữ 2 do
thầy Mạc Phi Đăng người Bắc - 54 ở Hàm Tân dạy. Thầy dạy theo sách "Cours De langue et
Civilizacion Francaise" (Ngôn ngữ và Văn minh Pháp) của tác giả Mauger.
Sách giáo khoa nầy có 4 tập. Chúng tôi học tập 1.
Mặc dù mới được học tập 1
(Mauger -1), nhưng thầy Mạc Phi Đăng đã bắt đầu dẫn dắt chúng tôi đến với nền
văn chương Pháp qua các tác phẩm như "Thằng
Gù ở nhà thờ Đức Bà" (The Hunchman of Notre Dame) của
Vitor Hugo, "Cuốn Nhât Ký của Bạn
tôi" (Le Livre de mon Ami) của Anatole France, đặc biệt là cuốn "Les Grands Coeurs" của triết
gia người Ý là Edmondo De Amicis, cuốn
nầy đã được thầy Hà Mai Anh chuyển ngữ
sang tiếng Việt từ bản tiếng Pháp của Piazzi với tựa đề là "Tâm hồn Cao Thượng". Đây là
cuốn “Luân lý Giáo khoa Thư” được dùng trong nhà trường phổ thông của nền giáo
dục "Nhân bản - Dân tộc và - Khai phóng" cho bao thế hệ học sinh trong
nhiều thập niên ở Miền Nam.
Riêng bộ môn Anh văn là Sinh ngữ 1, chúng tôi được thầy
Đoàn Đức giảng dạy ở lớp đệ Tam và lớp đệ Nhị (lớp 10 và 11 trong 2 niên khóa
1973-1974 và 1974-1975). Thầy dạy lớp chúng tôi dựa theo Cuốn 4 và Cuốn 5 của bộ
sách giáo khoa ENGLISH FOR TODAY gồm 6 cuốn do Hội Đồng Quốc Gia Giáo Sư Anh văn Hoa Kỳ biên soạn.
Trong khi thầy Mạc Phi Đăng dạy Pháp văn dẫn dắt chúng tôi khám phá cái "ngôn ngữ lãng mạn" và cái nền "Văn minh" của nước Pháp bên Châu Âu thì Thầy Đoàn Đức, ngoài những bài ngữ pháp "sâu sắc như triết lý" đã giúp chúng tôi hiểu và nắm vững nội dung của những bài khóa trong sách giáo khoa về những phát minh và những thành tựu về khoa học - kỹ thuật mà các nhà khoa học của nước Mỹ cũng như của một số nước khác đã đạt được trong nhiều lĩnh vực đã được đưa vào sản xuất phục vụ cho đời sống của con người, thầy còn dành thời gian dẫn dắt chúng tôi đến với những tác phẩm văn học nổi tiếng như "Túp lều của chú Tom" ( Uncle Tom's Cabin) của Harriet . B. Stowe, "Cuốn theo chiều gió" (Gone with the Wind) của Magaret Mitchell...
Rồi khi hoàn cảnh xã hội đổi thay, vật đổi sao dời, không còn được làm "giáo chức" nữa, với khí chất của một "Kẻ Sĩ", thầy đã: "Cầm chánh đạo để tịch tà cự bí... Quyết ra tay lèo lái với cuồng phong, ... Đem tất cả sở tồn làm sở dụng" và cuối cùng thầy ... đã “hoàn danh” ở môi trường mới. Thầy đã trở thành một Doanh nhân thành đạt.
Qua "điều tra lý lịch" sau nầy, tui được biết thầy là cựu học sinh trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị từ 1960 đến 1967, đặc biệt trong 3 năm học ở bậc Trung học đệ Nhị cấp (đệ Tam, đệ Nhị và đệ Nhất) từ 1964 đến 1967, thầy đã từng được "mệnh danh" là một trong "Tam Anh vườn Đào xứ Quảng" đó là "Đức -Thắng -Nghĩa" * của trường Nguyễn Hoàng... Rồi thầy đã Tốt nghiệp ĐHSP Huế khóa 1967-1971. Như vậy, thầy và các đồng môn của thầy như thầy Nguyễn văn Quang, thầy Nguyễn Đình Hạnh, thầy Hoàng Đằng... là "những sản phẩm hoàn hảo" của một nền giáo dục "Dân tộc - Nhân bản và Khai phóng" nay đã trở thành dĩ vãng... buồn thay!!!
Thầy Hoàng Đằng và thầy Nguyễn Văn Quang
Nhờ được thầy Quang trao cho "chiếc chìa khóa vàng" hồi lớp đệ Tứ và được Thầy Đoàn Đức
"trang bị" cho những bài "ngữ pháp như triết lý" rất đắt
giá, với "sự giúp đỡ và kèm cặp" của 2 thầy Nguyễn văn
Khôn - tác giả cuốn từ điển ANH -VIỆT, VIỆT -ANH và thầy
Nguyễn văn Ngãi - tác giả cuốn VĂN PHẠM ANH VĂN, song song với việc học
trên lớp, tui có thể bắt đầu tự mình "cày
vỡ hoang" trước cuốn 6 - về "Văn
chương Anh Ngữ" là cuốn cuối
cùng của bộ EFT để chuẩn bị cho kỳ thi "Tú Tài Đôi" vào cuối niên
khóa 1975-1976.
Nhờ "cày vỡ hoang trước" như vậy, mà tôi đã tiếp
cận với nền thi ca của những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng Anh, Mỹ... như William
Shakespeare, Ernest Hemingway, John Steinbeck, Santha Rama Rau, Emily
Dickenson, William Butler Yeats, Walt Whitman, nhưng đối với tôi, tôi thích
Robert Frost với bài "Ngừng bên đường
một chiều Đông lạnh" (Stopping by Woods on a Snowy Evening) và Robert
Burns vơi bài "Hồn tôi ở tận trên
Cao nguyên" (My Heart's in the Highlands) vì những bài thơ nầy tôi có
thể cảm thụ được. Đặc biệt tôi thích nhà văn Mỹ William Faulkner với "Bài diễn văn đọc nhân dịp nhân Giải
Nobel về Văn chương" (The Speech on receiving the Nobel Prize in
Literature)) tại Stockholm Thụy Điển vào năm 1950. Nó có thể được coi như một
tuyệt tác về văn chương và là KIM CHỈ NAM ‘cho
các bạn trẻ nam cũng như nữ viết văn ngày nay’, theo William Faulkner, ‘đã quên mất vấn đề tâm hồn của con người
xung đột với chính nó’, “vì chỉ có
tâm hồn con người xung đột với chính nó mới tạo ra tác phẩm hay, sự xung đột đó
mới đáng viết ra, mới xứng với những lao khổ và nhọc nhằn của người cầm bút. Nếu
không học lại điều này thì người cầm bút sẻ phải chiu sự nguyền rủa của cuộc đời...
người ấy không viết về tình yêu mà viết về dục vọng, về những thất bại mà trong
đó không ai mất một vật gì đáng giá, về những chiến thắng vô vọng, và tệ hơn cả
là không có chút tình thương hoặc lòng trắc ẩn nào... Thiên chức của thi sĩ,
văn sĩ là viết về những điều đó. Người cầm bút có đặc quyền là giúp cho con người
chịu đựng bằng cách nâng cao tâm hồn họ, bằng cách nhắc nhở họ nhớ đến lòng can
đảm, danh dự, hảnh diện, lòng trắc ẩn và sự hy sinh là những gì đã đem lại vinh
quang cho quá khứ của con người. Tiếng nói của nhà văn, nhà thơ không phải chỉ
để ghi lại đời sống của con người mà nó còn có thể là những trụ cột chống đỡ
giúp con người chịu đựng và chiến thắng”. Tui thấy nó quá hay đến nỗi tui
đã không thể không học thuộc lòng được và vẫn còn nhớ cho đến bây giờ.
Học kỳ một của lớp đệ Nhị kết thúc và bất ngờ tui bị bệnh,
không thể tiép tục học được, buộc lòng tôi phải xin Cha về lại gia đình ở ngoài
Quảng Trị để có điều kiện chữa trị thuốc men, đành dở dang việc học hành tại
trường Thánh Linh. Thật đáng tiếc!
Khoảng cuối tháng 1 năm 1975, tôi đã rời Cô Nhi Viện ấm
cúng của Cha Nam giàu lòng từ thiện, sơ Xuân ân cần chu đáo, rời những người thầy
khả kính và tận tụy và bạn bè thân quen... về với gia đình đã "hồi hương" theo chương trình "Về làng Cũ" do Quốc vụ Khanh
Phan Quang Đán đặc trách. Ngôi "làng
cũ" nầy thuộc xã mới Đông Xuân nằm trên khu cát trắng quanh Ga Diên
Sanh bây giờ, khoảng giữa đoạn đường Quốc Lộ 1 mà hồi “Mùa hè Đỏ lửa – 1972” gần 3
năm trước. Ông Turley Đại tá Cố vấn Mỹ cuối cùng tại Quảng trị đã đặt tên là
"ĐẠI LỘ KINH HOÀNG" . Cái "làng
cũ" trên bãi cát trắng nầy và cái làng cũ -nơi chôn rau cắt rún đã được
hình thành từ xa xửa xa xưa cách nhau chỉ:
“... một giòng sông (mà) không dám gọi,Chỉ cất nón, đứng nhìn nhau mãiĐể giòng nước mắt chảy trong tim,Sông có biết lệ cũng thành lửa cháy?”
Hoàng Hóa
* Thầy Đoàn Đức dạy Anh văn, hiện ở Sài gòn.
* “Tam Anh vườn Đào xứ Quảng” là thầy Đoàn Đức, b/Ss Nguyễn Thắng B/V Trung ương Huế và Dịch giả Đỗ Tư Nghĩa (Thám tử Sherlock Holmes, Tự truyện OSHO...)
*Và thầy... Nguyễn văn Ngãi.
* Cô nhi là diện không còn cha-mẹ, hoặc mất cha hoặc mất mẹ. Tôi thuộc diện mất mẹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ