"Bài
thơ "Lá diêu bông" tôi viết về một câu chuyện
có thật, câu chuyện về mối tình đầu tiên trong đời tôi. Vào một đêm năm 1959,
khoảng 3 giờ sáng, tôi chợt tỉnh giấc rồi thao thức không ngủ lại được.
Căn nhà ở phố Lý Quốc Sư nằm sâu phía trong, lại thêm
thuở ấy ban đêm không có tiếng xe tiếng còi ầm ĩ như bây giờ, nên đêm khuya
càng thêm thanh vắng. Chợt tôi thấy lóe trong đầu văng vẳng mấy câu thơ do một
người đàn bà đọc bằng giọng lanh lảnh: Váy
Ðình Bảng buông chùng cửa võng...
Tôi lấy ngay cây bút chì và tập giấy luôn để sẵn trên
đầu giường ghi lại. Rồi từng mẩu ký ức cứ hiện lên trong đầu tôi, hình ảnh người
đàn bà, người Chị năm xưa cứ rõ nét dần để đi trọn hết bài thơ.
Tôi nhớ đâu hồi lên 4 tuổi, cha mẹ tôi từ làng quê
chuyển lên sống ở một phố nhỏ dọc đường quốc lộ. Gọi là phố nhưng thực ra chỉ
có khoảng 14, 15 ngôi nhà dựng dọc hai bên đường, cách thị xã Bắc Giang chừng 6
cây số.
Nhà tôi quay về hướng tây, phía trước là đường cái,
sau nhà có một mảnh vườn nhỏ có hàng rào dâm bụt, tiếp đấy là đường xe lửa. Người
trong phố làm các nghề thợ may, cắt tóc. Cha tôi có tủ thuốc bắc và gánh hàng
xén của mẹ.
Lên 5, cha tôi đã cho tôi đến trường, cách nhà chừng 2
cây số. Nhưng đi học xa, dọc đường hay bị trẻ chăn trâu bắt nạt, vì vậy năm sau
ông gửi tôi lên tỉnh học. Lên 6 tôi đã đọc thông viết thạo, lại thêm võ vẽ chữ
Pháp, nên được nhận vào trường công ở thị xã Bắc Giang.
Tôi được gửi ở nhà thầy ký ga Núi Tiết. Mỗi chiều thứ
bảy, tôi đi thẳng từ trường ra sân ga lấy vé, đi tàu mất 10 phút là về đến ga gần
nhà. Thuở ấy đi tàu dễ dàng nên trẻ con đi một mình cũng không sợ. Cuộc đời của
một thằng bé cứ lặng lẽ trôi nếu không có một biến đổi về tình cảm mà dấu ấn của
nó sẽ để lại trong lòng tôi nhiều cảm nghĩ đến tận sau này.
Năm đó tôi lên 10, đã học đến lớp ba (cour
élémentaire). Một buổi chiều thứ bảy, tôi về nhà như thường lệ. Ðang dừng lại
ngoài sân nhìn vào trong nhà, tôi thấy có một người đàn bà đang cúi xuống bồ
hàng xén của mẹ tôi chọn mua một cái gì đó.
Chị mặc chiếc áo phin trắng, ngoài có chiếc gilê màu
thẫm. Khi đó nắng xiên khoai dọi vào nhà, lúc chị ngửng đầu lên thì cả khuôn mặt
chị được ráng vàng chiếu sáng, tôi thấy bừng lên một khuôn mặt khiến tôi choáng
váng cả người.
Không hiểu cái máu đa tình có từ bao giờ, mà chỉ mới
lên chín lên mười, tôi đã bị khuôn mặt đó làm cho tôi ngơ ngẩn suốt buổi chiều.
Mua hàng xong chị ra về, khi đi ngang qua tôi trông theo, thì biết chị là người
hàng xóm, ở ngôi nhà ngay bên kia đường hơi xế cửa nhà tôi.
Hỏi mẹ thì biết gia đình nhà đó mới dọn về, có ba mẹ
con, chị là con gái lớn, còn một cậu em trai nhỏ. Thảo nào tuần trước tôi về
chưa gặp. Tên chị là Vinh. Cả ngày chủ nhật hôm sau, tôi cứ ngong ngóng nhìn
sang nhà đàng trước, chờ xem chị có xuất hiện không. Ðến sáng thứ hai tôi lại
quay trở về thị xã.
Về đến Bắc Giang, tôi làm ngay một bài thơ gửi chị,
theo thể lục bát. Hồi đó tuy chưa học niêm luật, nhưng tôi đã biết làm thơ lục
bát. Nguyên tôi trọ học ở nhà ông ký ga, buổi tối nhà chủ thường tập trung các
bà, các chị trong xóm đến làm hàng xáo.
Buổi tối khoảng 9 giờ học xong, trước khi đi ngủ, các
bà các chị thường gọi tôi xuống nhà dưới đọc truyện cho mọi người nghe, trong
khi họ đang giần sàng thóc gạo. Mỗi tối tôi đọc chừng một tiếng rồi đi ngủ, các
bà thường thù lao, khi thì bát chè, khi thì phong kẹo. Nhưng cũng nhờ vậy mà
tôi được đọc hết mọi truyện thơ dân gian, từ Phạm Công Cúc Hoa, đến Nhị độ
mai, rồi Hoàng Trừu...
Tôi có giọng tốt, lại biết ngâm nga, nên được các bà
tín nhiệm, và cũng vì vậy mà thơ lục bát cứ ngấm vào người tôi, không cần học
cũng biết cách gieo vần.
Tôi chép bài thơ vào tờ giấy học sinh. Trang đầu chép
bốn câu có vẽ hoa bướm, trang sau chép nốt bài. Tôi không còn nhớ bài thơ tình
đầu tiên đó viết những gì. Chỉ nhớ là tôi nắn nót viết lên đầu trang giấy dòng
chữ "Em gửi chị Vinh của em".
Tôi bỏ thơ vào phong bì, chờ hôm về nhà, tìm gặp chị
trao tận tay nói: "Em gửi chị cái
này." Chị không mở ra xem, chỉ mỉm cười hơi bí mật rồi bỏ vào túi,
không nói gì. Sau đó chị không nhắc đến bài thơ đó, và tôi cũng không hỏi lại.
Từ đấy tôi không chỉ về nhà chiều thứ bảy, mà ngày thứ
năm được nghỉ, tôi về cả chiều thứ tư. Mục đích là để được gặp chị. Ngày nghỉ,
hễ thấy chị đi đâu là tôi đi theo đấy, đôi khi chị thấy tôi đi theo thì đưa tay
dắt.
Mỗi khi chị ôm chiếu ra sông giặt, tôi lại lẽo đẽo đi
theo, ngồi trên bờ nhìn chị cúi khom mình giặt chiếu ven sông. Tình yêu tôi
dành cho chị chỉ có thế, nhưng nó cứ đeo đẳng tôi hết năm này sang năm khác.
Tôi càng lớn thì tình yêu đó càng thêm đằm thắm, nhưng tôi chưa biết làm thế
nào để bày tỏ mối tình của mình.
Lên 12 tuổi, những đêm sáng trăng, chị Vinh thường tập
hợp trẻ em từ 10 đến 15 tuổi cả trai lẫn gái, tụ tập trên bãi cỏ sau ga để tập
hát. Chị Vinh có giọng ca tốt, thường cùng một vài chị trong xóm hát Quan họ.
Chúng tôi được chị dạy hát đủ loại dân ca như Trống quân, Cò lả...
Mỗi khi đứng hát, tôi thường chen vào đứng cạnh chị,
có khi tôi đứng trước chị, đầu tôi vừa đúng ngang tầm ngực của chị. Có khi chị
ôm lấy vai tôi, tôi hơi ngả đầu vào người chị, chị khe khẽ vuốt cổ xoa lên hai
vai tôi.
Tôi có một cảm giác là lạ, đó là những giờ phút say
sưa nhất của tôi. Những đêm tháng chín tháng mười, trời hơi se lạnh, đứng dưới
gốc cây trên bãi cỏ, tôi được hơi ấm từ người chị truyền sang.
Hình như chị cũng cảm thấy sự ham muốn của tôi. Mặc dù
lúc đó tôi còn bé, nhưng là một cậu bé khôi ngô tuấn tú, lại có đi học, khác hẳn
với những đứa trẻ khác trong xóm. Ðược chị ôm trong lòng, nhưng tôi chưa bao giờ
dám chủ động ôm người chị.
Lần ấy, trong dịp lễ Noel, tôi được nghỉ mấy ngày.
Ðang đứng ở sân, tôi chợt thấy chị Vinh bỏ cửa hàng đi ra cánh đồng. Tôi vội đi
theo. Thấy chị rẽ xuống ruộng, bới các bụi cây ven bờ ruộng. Tôi cũng nhảy xuống
theo, không biết chị có nhìn thấy tôi hay không. Chợt chị ngẩng lên hỏi: "Sao mày cứ theo tao lẵng nhẵng như thế
này nhỉ?" Tôi không trả lời, nhưng thấy sung sướng vì đã được chị chú
ý tới.
Rồi chị tiếp tục cúi xuống tìm, cuối cùng bước lên
trên một cái gò nhỏ có nhiều bụi cây dại. Tôi hỏi chị tìm cái gì. Chị dừng lại
thẳng người lên, nhìn vào mắt tôi nói: "Chị
tìm cái lá..." (tôi không nhớ là chị gọi cái lá gì nữa). Rồi chị tiếp
lời: "Ðứa nào tìm được ta gọi làm chồng..."
Nghe câu nói đó, tôi cảm thấy sung sướng vô cùng, người
nóng ran lên. Tôi nghĩ đó là một cái lá gì kỳ diệu lắm, có thể dùng làm thuốc,
hoặc dùng đắp lên mặt như các cô gái hồi đó thường làm.
Tôi cảm thấy giữa chị và tôi có một tình yêu mãnh liệt.
Mà tình yêu đó giống như tình yêu tôi dành cho mẹ. Tôi không có chị gái, vì vậy
đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy một tình yêu đối với người chị.
Hai mươi lăm năm sau, câu chuyện đi tìm lá của chị
Vinh hiện lại trong bài thơ mà tôi đặt cho cái tên là "Lá diêu bông."
Chị
thẩn thơ đi tìm
Ðồng
chiều
cuống
rạ
Chị
bảo
-
Ðứa nào tìm được lá Diêu Bông
Từ
nay ta gọi là chồng...
Một tuần sau, khi tôi từ trên tỉnh trở về, nhìn sang
trước nhà thấy cửa đóng im ỉm. Tôi vội hỏi mẹ nhà đó đi đâu rồi. Mẹ tôi trả lời,
trong giọng nói như có nước mắt: "Nó
đi lấy chồng rồi con ạ." Tôi òa lên khóc, gục đầu vào lòng mẹ.
Không biết mẹ tôi có biết mối tình của tôi đối với chị
Vinh không, mà sao mẹ lại nói bằng giọng nghẹn ngào? Khi đó cha tôi vừa về, tôi
vội lau nước mắt, không dám để cho cha nhìn thấy. Về sau mẹ kể cho tôi biết có
một ông Quản khố xanh đi qua đây, trông thấy chị đã mê vì nhan sắc. Chị bằng
lòng lấy lẽ, ông Quản đưa cả mấy mẹ con về Phủ Lý quê ông. Từ đấy tôi không gặp
chị nữa.
Nhưng câu chuyện chưa kết thúc ở đấy. Năm đó tôi đã 17
tuổi, vừa thi đỗ tú tài xong, đang sống ở Hà Nội. Nhân ngày nghỉ, có một người
bạn ở Sen Hồ có người anh cưới vợ, đã rủ tôi về nhà chơi, luôn tiện ăn cỗ cưới.
Cỗ bàn xong, chiều hôm đó tôi dạo ra phố Sen Hồ chờ tàu về Bắc Giang. Lúc đó
tôi đã viết báo nên cũng có tiền. Tôi mặc bộ complet, thắt ca vát, đầu đội mũ
phớt, ra dáng người dân chốn thị thành.
Ðang thả bộ đi dọc phố, chợt nghe có tiếng gọi: "Cậu Việt ơi!" Nghe giọng quen
quen, tôi nhìn sang bên kia đường, thì thấy chị Vinh đang ngồi bên một cái tủ
bày bánh kẹo, cạnh một cái chõng bán nước chè. Tôi bước sang đường, chị Vinh mừng
rỡ chạy ra, đặt hai tay lên vai tôi rồi kéo vào nhà nói chuyện.
Bà mẹ đã già nhưng còn nhớ tôi, hỏi thăm cha mẹ tôi. Một
lát sau bà bảo bà có việc phải đi vào làng, tối có thể không về, cậu cứ ở lại
xơi cơm. Cậu em đã lớn cũng theo mẹ đi. Hình như cả hai đều biết giữa tôi và chị
Vinh còn có nhiều điều muốn nói với nhau.
Chị kéo tôi ngồi xuống chõng, chị ngồi cạnh ôm ngang
lưng tôi. Tôi nhẹ nhàng khẽ gỡ tay chị ra. Chị kể cho tôi biết tình cảnh của chị
sau khi lấy chồng. Chị lấy ông Quản đã có một mặt con. Mấy mẹ con chị về Phủ Lý
cũng vẫn tiếp tục buôn bán làm ăn. Nhưng dần dần ông Quản ruồng bỏ chị, đi theo
người khác. Cuối cùng ông đã đuổi mấy mẹ con đi. Gia đình chị không muốn trở về
chốn cũ, nên đưa nhau về Sen Hồ.
Tôi ái ngại nhìn chị. Lúc này trong tôi không còn cái
tình yêu say mê của thời thơ ấu. Tôi chỉ cảm thấy thương cho một con người tiều
tụy, nhan sắc đã tàn phai. Bảy tám năm đã trôi qua, nhưng hình ảnh của chị năm
tôi lên 10 vẫn còn đọng mãi trong tôi.
Ngày
cưới Chị
Em
tìm thấy lá
Chị
cười xe chỉ ấm trôn kim.
Và cảm giác khi đánh mất chị như vẫn còn đi suốt đời
thơ tôi:
Từ
thuở ấy
Em
cầm chiếc lá
đi
đầu non cuối bể
Gió
quê vi vút gọi
Diêu
Bông hời!...
...
ới diêu bông!..."
Hoàng Cầm
(17-9-2004)
Nguồn:
http://nguyenhuehaingoai.blogspot.com/2016/09/la-dieu-bong.html
Cháu chúc chú cuối tuần nhiều niềm vui, an lành. Bài Viết thật hay.
Trả lờiXóa