Trang

Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2021

CẢM ĐỌC BÀI THƠ "QUA SÔNG" CỦA TÔ THÙY YÊN – Nguyễn Khôi

Tô Thùy Yên sinh 1938 tại Gò Vấp, Gia Định; Tốt nghiệp Đại học Văn Khoa Sài Gòn, Thiếu tá QLVNCH, là một trong những Nhà thơ lớn (cùng lứa với Thanh Tâm Tuyền) ở Sài Gòn trước 1975. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông bị nhà cầm quyền cầm tù ba lần, tổng cộng gần 13 năm. Cuối năm 1993 cùng gia đình sang Hoa Kỳ định cư theo dạng tù nhân chính trị ở Saint Paul, Minnesota rồi sau chuyển về sống ở Houston, tiểu bang Texas. Ông mất ngày 21 tháng 5 năm 2019 tại Texas. 

Nguyễn Khôi, tác giả bài bình thơ, trước năm 1975 vốn là người phía chiến tuyến đối nghịch với Tô Thùy Yên. Ông Nguyễn Khôi đề nghị chúng tôi đăng lại bài bình thơ này từ trang web BẠN VĂN NGHỆ (đã đăng từ năm 2013)

 
Tác giả bài viết Nguyễn Khôi
 

Thơ Việt Nam ta xưa nay hiếm có bài tả về một trận đánh...? Năm 1948 có bài "Tây Tiến" của Quang Dũng, và trước 1975 có bài "Qua sông" của Tô Thùy Yên.
 
Thôi, hãy đặt sang bên những gì là "địch/ta" (quan điểm, lập trường, bên này, bên kia) - coi như người đứng ngoài cuộc, cảm nhận theo kiểu "nghệ thuật vị nghệ thuật"... ta thử đọc bài "Qua sông" của Tô Thùy Yên xem Thơ đích thực ra sao ?
 
Đó là hình ảnh những Người lính tiếp viện dưới mưa, thành những "cây mưa". Thời đó "lực lượng Việt Cộng" đã khá lớn mạnh và thường mở các chiến dịch lớn vào mùa mưa, vận động chiến rất cơ động; còn "Quân đội Việt Nam Cộng Hòa" thường đồn trú ở các cứ điểm chiến lược (đồn bốt), thường bị "vây đánh" (tập kích) và bị động chống đỡ:
 
 ... Đánh lớn - mùa mưa đã tới
Mùa mưa như một trận mưa liền
Châu thổ mang mang trời nước sát
Hồn chừng hiu hắt nỗi không tên.
 
Và đây cảnh Đoàn quân (VNCH) đi tiếp viện:
 
Đò nghẹn đoàn quân xa tiếp viện
Mưa lâu trời mốc buồn hơi xưa
Con đường đáo nhiệm xa như nhớ
Chiều mập mờ, xiêu lạc dáng Cò
Quán chật xanh lên rừng lính ướt
Mặt bơ phờ dính gió bao la
Khí ẩm mù bay, mùi thuốc khét
Chuyện tình cờ nhúm ấm cây mưa
Vang lên những địa danh huyền hoặc
Mỗi địa danh nồng một xót xa
 
Thật là bi quan ảm đạm... Chiến đấu không phải vì bảo vệ quê hương xứ sở ? Chết vì những cái gì không gắn bó máu thịt (địa danh thì huyền hoặc để "nồng một xót xa" - ở Tây Tiến thì địa danh rất cụ thể). Ngôn ngữ thơ ở đây rất sáng tạo, hình tượng thơ rất độc đáo. Nghệ thuật trùng điệp tạo âm vang bằng ký ức thời gian của Người lính VNCH trải bao trận mạc... Giữa những câu thơ là những khoảng trống để nhịp thơ thêm vang vọng bước quân hành (bút pháp bậc Thầy) của những "chiều mập mờ, xiêu lạc dáng Cò" với những "mặt bơ phờ dính gió bao la" là tài hoa tuyệt đỉnh của thi trung hữu họa/ thi trung hữu nhạc. Hình ảnh "bến đò - dầm mưa - dáng Cò" là cái buồn làm "mốc" meo cả nỗi sầu cổ độ như tự thuở xa xưa rất định mệnh hiện về... Đó là bức tranh toàn cảnh; còn đặc tả cận cảnh:
 
Tiếp tế khó - đôi lần phải lục
trên người bạn gục đạn mươi viên
Di tản khó - sâu dòi lúc nhúc
Trong vết thương người bạn nín rên
Người chết mấy ngày chưa lấy xác
Thây sình mặt nát lạch mương tanh...
 
Thì thật là kinh khủng và thảm cảnh !
 
Xưa nay ra trận là hi sinh mất mát "cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi". Ở Tây Tiến là "Gục bên súng mũ bỏ quên đời" thanh thản nhẹ nhàng siêu thoát... để cả núi sông Tổ Quốc như tiễn hồn liệt sĩ "Chiều chiều oai linh thác gầm thét" nghe rất kiêu hùng. Còn ở đây, tuy có "Áo quan phong Quốc kỳ oanh liệt" nhưng "niềm thiên thu đầm cỗ xe tang" và :
 
Quê xa không tiện đường đưa tiễn
Nghĩa tận sơ sài đám lạnh tanh
Thêm một chút gì như hối hả
Người thân chưa khóc ráo thâm tình
 
Nếu so với các bài thơ "biên tái" của Sầm Tham (Đường thi), với Tây Tiến của Quang Dũng thì Người lính trong Qua Sông của Tô Thùy Yên chẳng thấy chí khí (xông lên) đâu cả ? Do đó thất trận là lẽ đương nhiên.
 
4 câu kết, Thi sĩ - Sĩ quan VNCH chập chờn giữa thực và ảo như dự báo sự kết cục của cuộc chiến:
 
Nao nao mường tượng bóng mình
Mịt mùng cõi tới u minh tiếng rền
Xuống đò, đời đã bỏ quên
Một sông nước lớn trào lên mắt ngời.
 
Không hề có "cảm xúc xuất thần" - Đó là cảm xúc rã rời... nhưng cũng đủ làm nên Thi tài (1 kiệt tác) tạc lại hình tượng Quân đội VNCH trong một trận đi tiếp viện thật là bi thảm.
 
Chao ôi, Thơ là Người. Thi sĩ cũng là "thư ký thời đại" - cái tồn tại (bằng hình tượng thơ) để cho đời nó ngoài ý muốn của tác giả là vậy.
 
                                                                                  Nguyễn Khôi
                                                                             Hà Nội, 19.9. 2013
 
Nguồn:
https://www.banvannghe.com/p12a3588/138/cam-doc-bai-tho-qua-song-cua-to-thuy-yen-nguyen-khoi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ