Trang

Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2021

KINH TẾ MỚI LONG CHÂU HÀ – Từ Vũ


Tranh cắt của họa sĩ Phú Thảo (SàiGòn)


Thân mời những người đi du lịch Hà Tiên hãy ghé Vàm Rầy để nghe thuật chuyện một Hai Tự nào đó trong suốt 3 năm tổ chức cuộc Vượt Biên lý thú của anh và chụp ảnh lưu niệm chung với những nhân vật tên tuổi có thật hiện vẫn sống tại đây.

Thân Tặng tất cả những người ở Gò-Vấp đã từng phải đi kinh tế mới Long-Châu-Hà cùng đợt với tôi sau ngày 30.4.75 từ rạp hát Đông Nhì Gia Định và có mặt trong khu kinh tế mới tại ấp Vàm Rầy xã Bình Sơn, Huyện Hòn Đất Hà Tiên.

Thân tặng anh Năm Đắc, trung sĩ Điạ Phương Quân VNCH Gia Định, người trực tiếp tham gia vào kế hoạch vượt biên của tôi từ cuối năm 76 cho tới khi thành công (79) nhưng chỉ có con trai lớn của anh đi còn anh vẫn ở lại Vàm Rầy.

Như một nén nhang thắp cho ông Ba Cà Lăm, trưởng ấp Vàm Rầy huyện Bình Sơn, người cách mạng già đã vô tình hỗ trợ trong kế hoạch đóng tầu vượt biên của tôi vào năm 1978-79.

Gởi Tư Vui, trưởng ban Công An nhân dân Xã Bình Sơn Huyện Hà Tiên, một đối thủ của tôi trong suốt 3 năm ở Vàm Rầy. Đáng tiếc cho anh, anh đã không có thể bắt giam được tôi nên phải chịu thất bại trong trận đấu trí. "C'est la Vie" !.

Tặng Bẩy Trường, Đại Úy Công An nhân dân B2 Rạch Giá, người đầu tiên xuống xét ghe tôi vào năm 1977 nhưng cũng lại là người luôn quả quyết với các đồng chí của anh ở B2 : Tui bảo đảm là thằng Hai Phương không bao giờ vượt biên!. Hậu quả: anh đã bị cắt chức.

                                                                                                  Từ Vũ
 
*
 
Từ ba ngày nay, tiếng loa của phường ngoài đầu đường văng vẳng kêu gọi người đăng ký đi kinh tế mới. Thoạt đầu Phương không quan tâm nhưng nghe suốt từ sáng tới chiều với ba chữ là lạ Long-Châu-Hà đập vào đầu làm Phương thắc mắc. Anh suy nghĩ rồi nói với anh: Quái lạ, mình thuộc lòng địa lý miền Nam mà làm gì có cái tên nào gọi là Long-Châu-Hà bao giờ. Cái bọn này lắm chuyện. Bây giờ chúng nó lại bịa đặt thêm những vùng đất có tên mới nghe cũng "hấp dẫn" để quyến dụ người ta đi khỏi thành phố Sài Gòn này.
 
Người ta cũng nói trong loa địa điểm đến đăng ký ở ngoài rạp hát Đông Nhì. Rạp hát Đông Nhì thì đâu có xa gì nhà mẹ mà vợ chồng Phương và hai đứa con đang nương náu.
 
Phương thả bộ tà tà ra xem.
Trước sân rạp hát cũng có nhiều người đã đem đồ đạc bàn ghế tủ ỉ lỉnh kỉnh ra chất sẵn để chuẩn bị cho chuyến đi. Trong đám người, Phương gập Hân từ trong rạp hát , cửa mở toang toác, đi ra. Hân là anh ruột của con Tư, con nhỏ nữ chiến sĩ giải phóng khùng nằm vùng nhà mẹ nó ngay sau lưng nhà cha mẹ anh.
 
Trước khi bị "khùng", ngày hai buổi con Tư đi dệt trong một xưởng ở Xóm Gà. Bỗng dưng, hai ba năm sau nó bị "mắc đàng dưới, đàng trên" gì gì đó nên nó cười nói tứ tung loạn xạ, múa may quay cuồng, bà Sáu mẹ nó lo chữa chạy nhưng không xong rồi chẳng còn một ai trong xóm thèp để ý gì nó nữa. Nó đi lang thang, nhiều lúc biến khỏi xóm cả tuần, chắc là những ngày nó phải làm nhiệm vụ dọ thám, liên lạc gì gì đó. Rồi... sáng sớm ngày 30 tháng 4, cả xóm bật ngửa người khi nhìn thấy con Tư nữ chiến sĩ giải phóng khùng cổ quấn khăn rằn, đầu đội nón tai bèo, tay sách AK, mặt mũi tỉnh táo còn hơn một con sáo sậu.
 
Ngược với con nhỏ cách mạng khùng đó, thì Hân, anh nó lại là một trung sĩ Pháo Binh ở Sư đoàn 18. Phương và Hân cùng tiến lại bắt tay nhau.
- Anh ra đây làm gì ?. Phương hỏi Hân.
- Tui đi đăng ký. Người trung sĩ pháo binh bất đắc dĩ bị phải thua trận đáp.
- Anh cũng đi đăng ký sao?. Phương ngạc nhiên.
- Ở nhà chắc sẽ chết đói anh ơi!. Hân chân thực trả lời.
- Tui tưởng bên đó đã có cô Tư...
 
Không đợi Phương nói dứt câu. Hân đã :
- Trời, anh thấy dzậy chớ không phải dzậy đâu. Chuyện nó, nó làm, còn chuyện tui thì đâu phải chuyện của nó, mà tui chẳng dính dấp gì tới nó hết. Nó "giải phóng" còn tui là "ngụy" mà anh. Anh đừng hiểu lầm anh Phương à!.
- Tui nói vậy chớ thực ra tui không có ý gì. Đừng buồn nghe Hân!. Là lính một ngày thì suốt đời cũng là lính ...
- Đúng, anh nói vậy là đúng, cảm ơn anh. Giải phóng, giải phiếc cái gì...
- Thôi bỏ chuyện đó qua một bên. Tui hỏi anh Long-Châu-Hà là gì?.
- Tui chỉ biết loáng thoáng mấy người trong đó nói là Long-Xuyên Châu-Đốc gì đó còn Hà thì tui chưa nghĩ ra. Bọn nó ghép tên lung tung lại. Bộ anh cũng tính đi sao?.
- Thì chắc cũng phải đi. Bán quần áo đồ đạc sài riết cũng hết, ngồi ăn không chắc là sập tiệm. Phương cười cười để giảm bớt không khí nặng nề.
- Anh đi đi. Cùng đi với tụi tui, có anh thì dù sao cũng có người quen. Hân thúc hối.
- Ờ, mà anh đã làm thủ tục gì chưa?.
- Tui vừa ghi tên xong. Thủ tục cái gì đâu, 5 phút là xong. Anh vô ghi tên tuổi, gia đình bao nhiêu người là rồi. Tui thấy cũng có một số người tui biết cũng ghi danh, lính tráng không à vì tui gặp họ lúc phải đi học tập mấy bữa, họ ở trong các trại gia binh quanh đây thôi. Đồ đạc trong nhà đã đem ra bán để ăn bây giờ họ cũng phải đi. Vô đi!.
- Vô thì vô. Phương trả lời Hân.
- Thôi anh vô, còn tui về thu xếp đồ đạc mền chiếu chuẩn bị ôm ra đây. In hình ngày mai sẽ có xe tới chở mình đi đó. Hân bắt tay Phương rồi vội vã đi ra khỏi đám đông.
 
Khi Hân đã đi, Phương suy luận Long là Long Xuyên, Châu là Châu Đốc mà Hà thì ở vùng gần hai tỉnh này đâu có địa danh nào khác Hà... là Hà Tiên. Tới Hà Tiên thì Phương sẽ tới BIỂN. Vạn bất đắc dĩ nếu không phải Hà Tiên thì Long Xuyên, Châu Đốc cũng có sông mà sông thì cũng phải chảy ra BIỂN mà BIỂN là sinh lộ để Phương thực hiện được câu anh đã hứa với Hùng và với chú thím Khang ở Đà Lạt, anh sẽ vượt biên bằng đường BIỂN.
 
Phương vào ghi tên đăng ký đi kinh tế mới. Lần thứ ba đăng ký với những người đội nón tai bèo kể từ ngày họ có mặt ở Sài Gòn
 
♣ ♣ ♣
 
Sáu giờ sáng, lần này thì có mặt đầy đủ mọi người trong gia đình đưa chân gia đình Phương đi kinh tế mới, chỉ trừ Phúc, em trai anh, về Long Xuyên với vợ con và cha anh còn ở trong trại "học tập cải tạo" .
 
Thuý, vợ Phương tay sách một bọc quần áo tay kia dẫn Cơ, con gái lớn. Phương cõng trên lưng chiếc nệm khá dầy. Phía trước Hiền, em trai thứ sáu, vác trên vai ba tấm tôle mỏng cuộn tròn quấn bắng mấy sợi dây kẽm. Mẹ anh bồng thằng Mỹ cháu trai. Thương, em gái thứ năm và Cường em trai út cùng khiêng chiếc rương sắt nhỏ. Dung, em gái thứ ba cùng với Hương cô em thứ tư, mỗi người một đầu khiêng chiếc rương sắt lớn hơn trong đựng thuốc men, quần áo, diêm quyẹt, nến, đèn dầu nồi niêu song chảo, mấy ký gạo, một chục gói mì hai con tôm (mua chợ đen). Dưới đáy rương là dụng cụ, cưa, buá kìm, đinh, cuốc... linh tinh. Thúy không quên chèn trong đám quần áo cũ hai chiếc chậu nhựa khá lớn, một cái để ngâm giặt quần áo cho các con lời vợ Phương nói. Trên chiếc rương sắt bốn tấm ván gỗ thông mỏng nhẹ – tất cả Phương chuẩn bị khá chu đáo nhờ vào kinh nghiệm của chuyến đi làm rãy ở La-Ba của Phương với chú thím Dương vì tới đó anh biết một cọng giây kẽm khi cần cũng kiếm không ra. Chiếc rương khá nặng nên Dung và Hương phải nghỉ chân hai ba chập.
 
Mẹ nói đùa tối hôm qua, đem đi cho vợi nhà, vợi cửa nhất là ở chỗ đó cái gì cũng cần, thiếu biết hỏi ai được.
Nghĩ tới chú thím Dương, gia đình ông Nghĩa, chú Tư anh tự hỏi: Không biết bây giờ họ sống ra sao?.
 
Trước sân rạp hát Đông Nhì đông người. Tay xách nách mang, kẻ tới, người lui trong đám đồ đạc lỉnh kỉnh từ giường, nệm tới chăn gối, va ly, có người còn lôi theo cả tủ sắt nhà binh... nhưng trên mặt những kẻ ra đi đều có một sự u uẩn nặng nề nào đó, nhìn nhau thì nhiều mà nói thì ít. Không tranh dành, chen lấn mà như tự thu hẹp, tự hạn chế, tự nép nhỏ lại vì họ đều biết tất cả những người đi cũng ở chung hoàn cảnh khốn khó như họ. Không ai bảo ai tất cả đều như nhường nhịn nhau.
 
Tất cả đều đợi để ra đi, chuyến đi mà không ai muốn có và cũng không biết tương lai ra sao. 8 giờ thì xe tới, một đoàn xe đò lớn hơn 15 chiếc. Theo danh sách được đọc. Gia đình Phương và gia đình Hân, vợ chồng anh với một đứa con trai trạc tuổi con gái lớn của Phương, được chỉ định vào chung một trong 3 chiếc xe cuối. Thúy và vợ Hân đưa con lên xe tìm chỗ ngồi còn Hân và Phương thì phụ giúp người lơ chất đồ đạc, giường, tôle, nệm lên mui. Gần một tiếng sau đoàn xe lần lượt rời khu rạp hát Đông Nhì. Phương và vợ từ giã mẹ và các em. Khi xe đã chạy mẹ và các em anh vẫn còn đứng vãy vãy tay tạm biệt.
 
Lần này thì vợ chồng Phương đưa nhau xuống miền Tây. "Bất quá tam", hai chuyến đi lần trước rời Sài Gòn lên Đà Lạt đã không thành, lần thứ ba này Phương hy vọng sẽ tìm được đường ra BIỂN.
 
♣ ♣ ♣
 
Đoàn xe qua Long An, xuống phà vượt sông Tiền cũng đã trưa, Thúy gọi cơm cho chồng và hai con ăn, phần cô một ổ bánh mì. Thúy còn mua thêm bốn ổ bánh mì khác và bánh trái: Em mua phòng hờ khi mình đói bụng. Thúy nhét tất cả vào chiếc bọc để cạnh mình trong xe.
 
Qua sông Hậu, lên phà Vàm Cống, ngã ba Lộ Tẻ, rồi Cái Sắn với xóm đạo im lìm, tiến vào Rạch Giá. Những người "phiêu lưu" rời Rạch Giá thì trời đã tối. Trong chập choạng của đêm, một cơn mưa sối xả ụp xuống khi xe bắt đầu ra khỏi thị trấn lại càng làm cho trời bên ngoài thẫm đen hơn. Trong qua lớp cửa kính xe, nước ập xuống làm Phương không nhận ra được gì ở bên ngoài. Xe khập khễnh, ngả bên này nghiêng kia, trên con đường duy nhất, con đường ngày xưa, lâu lắm vào thời đó khi Phương còn ở Sư Đoàn 21 đã đi cùng Trung Tá Hạnh và những đồng đội xuống Tô Châu hành quân. Những người ngồi bên trong lúc thì chúi người về trước, khi thì bật người về sau, tất cả đều im lặng.
 
Mưa và mưa. Hai đứa con than lạnh, Thúy phải lục trong bọc hành trang đặt dưới chân để lấy chiếc mền vải chùm cả em lẫn chị.
Xe vẫn khấp khểnh, chập choạng tiến dưới ánh đèn pha mà tầm nhìn từ trong ra phía trước chỉ khoảng hai, ba thước cũng may có mấy cái đèn đỏ ở phiá sau xe đi trước dẫn đường. Xe vượt qua một chiếc cầu, tiếp tục chạy.
 
Cuối cùng, xe dừng lại đậu sau chiếc xe trước, người tài xế không tắt máy đèn pha sáng. Trời vẫn tiếp tục trút mưa. Bên ngoài tối nghịt. Phương cùng những người ở trong còn ngớ ngẩn không biết việc gì xảy ra thì cửa mở, gió và mưa bên ngoài tạt vào, tiếng người tài xế vẫn ngồi trên ghế lái :
- Các anh chị đã tới nơi.
 
Người lơ xe từ bên ngoài, lúc này anh chùm kín đầu trong chiếc áo mưa ngó vào lớn tiếng gọi:
- Xuống đi, xuống đi. Sau khi đã nói, người lơ biến mất trong làn mưa.
 
Phương nhìn đồng hồ, cái đồng hồ Rado mà anh giữ lại không bán, 8 giờ 30 tối. Thực sự, nếu được chọn lựa thì anh sẽ ngổi lại. Mưa như thử thách anh, dù muốn dù không anh cũng phải can đảm chấp nhận. Đứng lên Phương nói với vợ:
- Anh đi trước, em bồng thằng Mỹ còn anh dắt con Cơ. Phải đi sát nhau vì mưa gió không thấy đường được em ạ. Lấy thêm quần áo dầy quấn cho hai đứa, cả ba mẹ con chùm chung poncho cho kỹ nghe.
 
Thúy đứng lên, tìm lục trong gói hành trang lôi ra mặc thêm áo cho hai con, chụp trên đầu mỗi đứa một chiếc mũ như những dịp đi chơi xa ngày trước ở Sài Gòn rồi lục chiếc poncho nhà binh lớn đú phủ cho cả ba mẹ con. Cũng may, thằng Mỹ, con trai anh khi ở nhà với bà nội thường hay nhõng nhẽo, bây giờ nó nín khe, ngoan ngoãn, mặc kệ mẹ quấn người, chùm đầu chùm cổ không một phản ứng, cự nự nào.
 
Trên băng ghế trước, Hân cũng bảo vợ con chuẩn bị rồi dời ghế đứng ra giữa xe. Phương lấy chiếc nón lá của vợ cầm sẵn trên tay, xếp hàng sau Hân. Vọng từ ngoài vào, tiếng người léo xéo. Tiếng chân, tiếng đồ đạc trên mui xe vất xuống va chạm nhau.
Ra đến ngoài, dưới vành nón lá của vợ Phương cố dõi mắt nhìn trong ánh đèn vàng của xe đậu phiá sau. Xe nằm hơi nghiêng trên mé lộ bùn sình bên cạnh những đám cỏ cao gần tới vai. Phương lục tìm mớ đồ đạc của gia đình anh đang nằm lẫn lộn với đồ đạc của những người đồng hành khác dưới nền đất bùn lầy lội trong lúc Thúy và hai con anh cố thu nhỏ lại trong chiếc áo mưa lính cúi người đứng sát đám cỏ. Chỉ một lúc sau áo quần Phương bắt đầu ngấm nước nhưng anh cũng đã tìm ra đồ đạc của gia đình rồi tập trung lại sát chân vợ con, nhờ vậy Thúy và hai con anh có được chiếc rương sắt lớn để ngồi. Cũng may, khi sửa soạn lên xe ở rạp Đông Nhì, mẹ đã bảo các em anh cuộn tròn chiếc nệm lại trong ba tấm tôle chớ không thì nệm bây giờ cũng đã đẫm nước.
 
Trong sự huyên náo của tiếng người, tiếng bì bọp của những bước chân chung quanh, mưa vẫn tiếp tục đổ không ngớt. Có những tiếng máy bạch bạch rồi ngưng lại vọng lên từ mé dưới. Nước phản chiếu lóng lánh theo những ánh đèn bin lướt chiếu. Vậy là dưới mé đó là một con sông hay một con lạch, Phương đoán theo sự hiểu biết của anh trong vài ngày anh đã có dịp đi qua vùng này. Đường lộ từ Rạch Giá xuống Hà Tiên chỉ có một con sông chảy bên tay mặt, mé trái là những cánh đồng cỏ năng đất đen thui, một vài cây cầu với giòng sông ào ào chảy ra mé biển.
 
Những người từ xe xuống, tụ tập đứng chụm vào nhau, trong mưa. Tiếng đàn ông trong bọn hỏi nhau :
- Đã tới chưa hay còn phải đi nữa ?..
- Còn đi đâu nữa !.. Tiếng Hân nói trống không.
- Không biết. Hai anh em mình đi hỏi mấy người ở phía trước cho chắc ăn, chớ đứng đây chịu mưa chịu gió hay sao. Phương đáp lại.
 
Nói với Hân xong, Phương nói tiếp :
- Mấy ông bà cứ ở đây, hai anh em chúng tôi đi hỏi xem sao.
 
Không đợi phản ứng cúa những người quanh anh, Phương bảo Hân:
- Đi với tôi?
- Ờ !. Cái điệu này mấy đứa nhỏ chắc bệnh quá. Bệnh lúc này là không xong rồi ... Hân đáp lại lời Phương.
Hai người đàn ông đi về mé trước.
 
Phương cố lết chân bước về mé sông, đất sình như bám chặt giữ lại đôi giầy anh đang đi, anh thận trọng bước về mé những bóng đen đang tụ tập chỉ trỏ nói những gì Phương không thể nghe rõ được:
- Mấy anh ơi, cho tôi hỏi: là đâu? . Tụi tui còn phải đi đâu nữa ?.
- Ở đây là Vàm Rầy, mấy anh chờ xuống ghe để về nhà của mấy anh.
- Chúng tôi phải mang đồ đạc xuống ghe phải không ?. Phương nói lớn sợ tiếng gió, tiếng mưa người ta sẽ không nghe rõ.
- Ờ, mấy anh chị phải tập trung đồ đạc của từng gia đình rồi mang xuống ghe để ra "dàm" - vàm. Tiếng một người trong đám, có lẽ là người có trách nhiệm trong việc di chuyển đám người kinh tế mới trả lời mà cũng không quay lại nhìn người vừa hỏi mình.
- Có phải đi theo danh sách không ?. Phương hỏi trống không.
- Có chớ. Anh kêu dùm mấy người đại diện gia đình tới đây chờ nghe gọi tên mình để chuẩn bị xuống ghe.
 
Nghe dứt lời, Phương và Hân cùng quay về gọi mấy người đàn ông trong bọn tới tụ tập với anh gần mấy người có trách nhiệm này.
Mưa vẫn đổ, nước vẫn trút như cố tình hành hạ đám người khốn khổ này. Lần lượt những cái tên gia đình được đọc để xuống ghe. Tiếng lịch kịch, kinh cong, lẹp xẹp của đồ đạc va chạm nhau, sột sạt lôi kéo trên nền sình, đó đây vẳng lên những tiếng uỵch, tiếng á, tiếng trời, hên qúa, coi chừng trợt lắm đó nghe... Làm sao đám người thành thị chưa một lần nếm mùi sình đất trơn mà đôi chân lại còn mang giầy mang dép, tránh khỏi được những cái té, cái trợt chân trong những bước đi của họ được.
 
Sông Vàm Rầy, bây giờ Phương mới biết được tên địa phương anh đang đặt chân, vùng kinh tế mới anh vừa đến. Trước mắt anh, lờ mờ trong màn mưa một chiếc cầu, con sông này chảy ra biển, gần hay xa anh không biết nhưng một tiếng "biển" cũng đủ để anh có thêm nghị lực mặc dù anh bắt đầu thấy lạnh. Xa xa bên kia cầu, ẩn hiện lúc có lúc không vài ánh đèn hắt hiu chập choạng.
 
Tới lượt gia đình nhỏ bé của Phương xuống một chiếc ghe dài. Phương nắm chặt tay Thúy dẫn vợ con xuống ghe. Trong chiếc poncho, vợ anh, lưng cõng thằng con trai tay ôm bọc hành trang dưới chân đứa con gái đang đi phía trước, cẩn thận mò mẫm từng bước để không bị trợt. Khi vợ con đã ngồi trong lòng ghe, Phương quay lên vừa giúp mấy người trên bờ vừa kiểm đám đồ đạc chuyển xuống. Tài sản của vợ chồng anh vừa đủ chật lòng chiếc ghe.
 
Ghe rời bờ bạch bạch tiếng máy nổ lướt, mũi ghe toả trắng xoá nước.
Dưới vành nón lá đẫm mưa, ban đầu Phương còn nhìn thấy bên mé phải anh lúc ghe chạy qua, những căn nhà nằm sát nhau, ánh đèn ấm cúng trong mưa, một chập sau không còn nhà cửa gì nữa trên bờ sông mà chỉ thấy một vùng trống đen.
 
Khoảng 20 phút sau ghe chậm lại rồi máy như sắp tắt, rẽ mũi vào mé phải một lúc rồi chúi thẳng vào bờ con sông rất nhỏ hai bên cây cối đen thui rậm rạp.
- Tới nơi rồi. Đây là nhà của anh chị. Tiếng người ngồi ở mũi ghe nói. Dứt lời, người này nhảy xuống nước cầm giây bước lên bờ buộc ghe vào một bụi rậm.
 
Phương không nhìn thấy nhà của anh vì những bụi cây đen che khuất nhưng thây kệ nếu có mái che nào đó cũng còn hơn là chịu mưa chịu lạnh đẫm người từ khi xuống khỏi xe tới giờ. Phương bước xuống, nước ngập tới cổ chân luồn vào giầy, đưa tay lần lượt đỡ Thúy và hai đứa nhỏ rời khỏi ghe. Sau khi đã dẫn được vợ con lên khoảng đất cao anh quay lại tiếp tay với hai người trong ghe kéo đồ đạc xuống.
 
Khi chiếc ghe chở gia đình anh đã quay đi. Trong bóng tối, Phương và vợ con lần bước nối đuôi nhau theo một lối mòn nhỏ hai bên hai đám cây um tùm để khám phá "nhà" của mình.
 
 
♣ ♣ ♣
 
Vào được nhà, nói đúng hơn là chiếc chòi lá lớn. Phương lục túi lấy ra chiếc hộp quyẹt zippo quẹt lửa. Trong ánh sáng bập bềnh căn nhà của anh ước chừng hơn 15 thước vuông.
 
Tất cả đều bằng lá, hình như là lá dừa nước. Nhà chắc cũng mới làm vì lá còn có chỗ xanh. Dựa vào sát mé vách phiá trước là một chiếc "giường" khá rộng, giường làm bằng mấy thân cây nhỏ buộc ghép lại bằng dây trên 4 chân cũng bằng cây nhưng lớn hơn chôn sâu trên nền đất, ngoài ra không còn một thứ gì khác.
 
Sau khi đã túm gọn lại chiếc poncho che mưa chùm trên mình, Thuý đỡ thằng con trai ngồi trên giường, đặt gói poncho trên giường, căn dặn cho con gái trông chừng em, Thuý nói với chồng cùng phụ khiêng chiếc rương sắt lớn vào nhà.
- Đem vô để em kiếm cây đèn dầu, đèn cầy rồi thay quần áo.
- Em nói đúng, anh quên mất tiêu mấy cây đèn cầy.
 
Lửa zippo tắt, trong bóng tối hai vợ chồng Phương mò mẫm đi ra lấy chiếc rương sắt lớn nhất, hì hục khiêng vào nhà. Ở đây đất khô nên bước đi cũng dễ dàng hơn mặc dù hai bàn chân Phương lạnh tê vì vớ ướt trong đôi giầy.
 
Phương lại bật lửa chiếc zippo để vợ mở chiếc rương. Thúy lục ra bọc đèn cầy nhỏ đưa cho chồng. Phương thắp ngay một chiếc để tắt vội vàng zippo đang nóng muốn phỏng tay. Gỡ bỏ chiếc nón lá ướt đang đội trên đầu, Phương gắn cây đèn cầy vào thân cây bên mép giường rồi tiếp tục châm chiếc thứ hai. Dù chỉ là hai cây đền cầy nhỏ nhưng nhà có ánh sáng. Trong lúc đó, Thúy tiếp tục lôi ra chiếc đèn dầu mà cô đã bọc kỹ vì sợ bị bể bóng, cũng may khi đi đường dầu trong bình đèn không bị đổ ra ngoài. Thúy đưa đèn cho chồng :
- Anh đốt đèn lên cho em kiếm quần áo thay cho hai con.
 
Phương cầm đèn, vặn bấc lên cao, tháo mớ giấy bọc bóng rồi gắn lại vào đèn sau khi đã đốt. Bây giờ thì nhà của vợ chồng anh ấm hẳn lên. Thúy thổi tắt hai ngọn đèn cầy rồi để trên nắp rương.
Phương nghĩ điều quan trọng nhất bây giờ là phải cho vợ con ngủ nhất là hai đứa bé đã phải thức từ 6 giờ sáng tới giờ, tất cả mọi việc ngày mai sẽ tính sau.
- Em lau người, thay quần áo cho hai con, anh mang chiếc nệm vào để mẹ con em nghỉ .
 
Bước ra ngoài, trời vẫn tiếp tục mưa tuy nhẹ hơn. Phương kéo bó tôle từ mé rạch vào, cởi giây, bảo hai con đang ngồi trên giường xuống nép sang một bên anh ôm vất chiếc nệm lên "giường". Làm xong, cẩn thận tránh bị vấp Phương lại kéo ba tấm tôle ra khỏi nhà dựa vào một mé vách phía trước.
Sau khi đã được mẹ lau từ đầu tới chân, mặc quần áo khô thay dép mới. Cơ và Mỹ lúc này đã bớt lạnh tụt xuống đất lại cạnh mẹ than đói bụng.
 
Thúy nhìn chồng:
- Hai đứa đói là phải anh ạ. Em cũng vậy.
- Hay em nấu cơm đi!.
- Bộ anh quên rồi sao? Em có tính trước rồi... Thúy vừa cười vừa trả lời chồng.
- Ừ, anh không nhớ. Em tính cái gì ?.
- Anh không biết thiệt sao?. Thúy hỏi lại chồng.
 
Suy nghĩ một lát, Phương sực nhớ: bánh mì, đúng rồi:
- Bánh mì phải không ?.
- Dạ. Em mua 4 ổ ở bắc Mỹ Thuận. Hai ổ có nhồi xa xíu còn hai ổ không. Em lại còn mua thêm bánh ú, trái cây nữa... chỉ thiếu cà phê và thuốc lá... Thúy chọc ghẹo chồng.
- Em thấy không, từ sang tới giờ anh đâu hút điếu nào. Em nhắc làm anh thèm cà phê. Phải chi có một ly để uống bây giờ ...
- Có thể có nếu anh kiếm được một cái bếp để nấu nước là em sẽ làm cho anh một ly liền.
- Vậy thì anh kiếm ba cục gạch hay... ba cục đất là có bếp ngay. Nhưng em phải thay quần áo đi, để lâu thấm lạnh vào người sẽ sinh bệnh mà bệnh bây giờ thì... mệt lắm em ơi!..
 
Nói với vợ xong, Phương đi ra mò mẫm quanh nhà bật quẹt loay hoay tìm gạch nhưng không một cục gạch một cục sỏi nào ở đây. Thèm được uống cà phê nên Phương suy nghĩ. Cuối cùng, anh có một cách khác để làm cái bếp. Cứ đào một cái hố nhỏ thoai thoải ba ụ đất nhỏ đắp lên cao vừa đít nồi là mình sẽ có một cái bếp, pha cà phê phin đâu cần nấu nhiều nước sôi.
 
Trở vào nhà, Phương bảo vợ lục tìm chiếc xẻng gập, và cây búa bửa củi nhỏ ở dưới đáy rương ra cho anh.
Phương lúi húi lấy lưỡi búa chặt đất để làm một cái lỗ giữa nền nhà với sự "trợ giúp" của hai đứa con nhỏ, đào lỗ là một trò chơi đối với hai đứa con của anh và cũng là dịp để chúng đùa nghịch chạy tới chạy lui giãn tay giãn chân sau một chuyến đi hơn 10 giờ đồng hồ với một trận mưa lớn tới nỗi ngay cả chính Phương cũng chưa từng bao giờ nếm trải.
 
Lỗ đã đào xong, giờ tới việc củi giả. Phương nghĩ đến điều thực dụng, khỏi cần phải đi đâu xa, anh rút những chiếc lá khô đã ngả màu vàng từ bức vách một bên hông nhà bẻ ngắn ra đốt thử. Ban đầu vì lá còn ẩm tuy nhờ vài tờ giấy vụn, khói bốc đầy nhà nhưng chỉ một lát sau lá khô bùng cháy. Thúy cầm chiếc nồi nhỏ còn sáng loáng hỏi chồng:
- Nước ở đâu ra hở anh ?.
- Em hỏi nhưng anh cũng chưa biết lấy nước ở đâu ra ?. Hay là để anh ra nếm thử nước ở dưới sông xem sao!.
- Anh định lấy nước sông cà phê hay sao ?.
- Ngoài nước sông ra tìm ở đâu ra nước như ở trên Sài Gòn hở em ?.
Phương trả lời vợ.
- Anh ra múc lên rồi nếm thử coi sao !?
 
Phương với cái song Thúy đang cầm rồi tiến ra cửa mò mẫm xuống men bờ kênh vục nước. Mưa bây giờ đã ngưng.
Phương cầm song nước lên nhúng ngón tay đưa lên miệng nếm thử. Nước hơi khác thường, lờ lợ, một chút mằn mặn gì đó lạ lùng. Ban đầu thì anh thấy khó chịu nhưng chỉ một chút sau anh thấy cũng được vì ngoài nước này ra anh không thể tìm đâu được thứ nước khác. Có cà phê uống là được, anh nghĩ.
 
Phương bưng nửa song nước vào chòi. Lửa trong bếp vẫn được vợ con anh giữ cháy. Phương đặt song lên bếp trong khi Thúy hỏi:
- Nước có xài được không anh ?.
- Anh đã nếm thử rồi, xài được. Hơn nữa nước sẽ phải nấu sôi lên thì vi trùng gì cũng phải chết em ạ. Phương cười cười với vợ và hai con. Lần thứ nhất từ khi xuống xe ở ngoài cầu đến giờ anh mới được cười.
- Ba nói đúng đó mẹ ơi!. Con gái lớn của Phương lên tiếng với mẹ.
- Thôi đi cô!. Cô chỉ biết "nịnh" ba cô thôi!. Thúy cũng cười nói với con gái. Anh phải đi thay đồ khô đi, đồ em để trên nêm đó, để mẹ con em lo nấu nước.
- Ờ. Bây giờ anh phải thay quần áo, anh cũng lạnh rồi. Phương trả lời, rời bếp tiến lại lấy mớ quần áo khô đi vào một góc thay quần áo.
 
Thay xong quần áo, quẳng đôi giầy ướt sỏ được vào chân một đôi dép khô, Phương thấy khoẻ hẳn ra. Anh quay lại bếp. Vợ anh đã kéo chiếc rương lại gần bếp lửa, soạn lục chiếc phin cà phê và mấy cái ly, chén nhỏ cùng đũa muỗng đặt trên rương.
- Cũng hên là nhà không bị dột. Thúy quan sát, lên tiếng.
- Ờ, bây giờ em nói anh mới để ý tới chuyện đó. Mưa như trút nước mà trong nhà vẫn khô, chỉ có lạnh ẩm thôi. Nhưng từ hồi nãy khi mình đốt bếp cũng ấm được hơn.
- Em thấy có mấy cái cây ngắn ở góc nhà em lấy để vô bếp chụm đó.
- Em hay quá ta. Anh thấy lửa vẫn cháy mà không cần mình phải rút lá ở vách ra nữa. Mấy cây đó chắc là khi làm cái nhà này người ta chặt rồi không xài tới. Cũng hên.
- Nhờ có đèn có lửa bếp sáng trưng em mới thấy đó.
- Nhưng cũng phải nhờ có "người" thấy mới ra được phải không con. Phương nói với con gái lớn để nịnh vợ.
- Ba nói đúng, nhờ có mẹ đó.
- Thấy không. Cơ cũng biết "nịnh" mẹ vậy, phải không em ?.
- Con gái của mẹ mà. Hồi nãy nhờ có con đi rút thêm lá để đốt lửa mới cháy tiếp tục được đó. Thúy cũng cười nói với con gái.
- Con cũng biết thương mẹ mà. Cậu con trai chen vô.
- Ừ, Mỹ cũng thương mẹ mà!. Phương nói với cậu con.
- Tất cả đều thương mẹ. Thúy nịnh lại hai con.
 
Trong không khí gia đình ấm áp, Phương như quên tất cả những khổ nhọc vừa trải qua.
Nước trong nồi reo sôi, chiếc nồi trắng tinh lúc nãy bây giờ nám đen. Thúy mở bọc lấy ra bốn bánh mì, vài cái bánh ú , lôi bộ phin đặt lên chiếc ly mở nắp hộp cà phê múc vào phin rồi bưng hai quai nâng nồi khỏi bếp đổ nước vào cái lược cà phê. Mùi cà phê tỏa thơm.
 
Đêm hôm đó, tụ tập bên bếp lửa, cả gia đình nhỏ bé của Phương ăn bữa ăn tối rất muộn. Sau khi nhâm nhi ly cà phê lược, có vợ uống ké và hút điếu thuốc duy nhất trong ngày, Phương rủ hai con lên nệm. Hai đứa bé bắt chước cha chà chà hai chân lại với nhau cho rớt đất cát đang bám, cùng ngả mình ngước mắt nhìn nóc nhà trong lúc Thúy vẫn lúi húi dọn dẹp. Phương ngước đầu bảo vợ:
- Thôi, em cứ bỏ đó đi, sáng mai dọn, lên đây ngủ với cha con anh cho ấm.
- Em dẹp đồ ướt xong em cũng lên giường. Bây giờ em dụi bếp, tắt đèn hé anh !.
- Ờ. Em tắt đèn đi, tiết kiệm dầu, nếu cạn thì mình không biết sẽ mua ở đâu. Còn bếp, thây kệ, một lát hết củi nó cũng tắt à.
 
Vợ chồng cha con, bốn người nằm thật sát, ôm nhau quấn mình chung trong tấm mền len.
Trên mái tranh nhà Phương không còn nghe tiếng mưa lộp độp rơi.
 
♣ ♣ ♣
 
Tiếng người léo xéo ới gọi nhau làm Phương giật mình thức. Bên cạnh anh, trong tấm mền đắp chung, Thúy và hai đứa con anh vẫn không ai nhúc nhích. Rón rén Phương dở mền, tụt ra khỏi "giường" quơ chân tìm đôi dép nhẹ nhàng ra cửa.
 
Ánh sáng mặt trời rực rỡ chẳng bù cho tối hôm qua đen thủi đen thui. Phương nhìn chung quanh anh.
 
Căn chòi, nhà Phương nằm trên cao so với mé dưới dòng nước lấp lánh ánh mặt trời ở trước mặt, đám cây cối cao bằng đầu anh che khuất con đường mòn mà tối qua anh dò dẫn xuống lấy nước. Cả phải lẫn trái, cách nhà hơn hai thước cây cối còn rậm rạp hơn. Phương đi vòng nhà định ra phía sau nhưng đi vừa hết cái bề ngang nhà là anh đã thấy một cánh đồng cỏ năng thật rộng nước xâm xấp lóng lánh ánh mặt trời kéo dài tới đám rừng cây mờ mờ ở ngoài xa .
 
Phương trở ra trước sân. Chợt anh nghe có tiếng người hỏi lớn qua những đám cây:
- Có ai ở bên đó không ?.
 
Phương nghe tiếng hỏi, anh nhận ra là tiếng của Hân. Như để xác định Phương cũng lớn tiếng hỏi lại:
- Hân đó phải không ?.
- Ờ, phải Phương không ?.
- Thì tôi chớ còn ai ?.
- Vậy là mình hên. Có anh ở bên đó là lối xóm thì tụi tui hên rồi...
- Bên anh nhà cửa ra sao?
- Nhà cái đếch gì. Cái chòi đúng hơn. Tối qua vợ chồng tui bóp bụng nhịn đói cả đêm. May là có gặm bánh mì lúc qua bắc Vàm Cống.

Còn dư lại mấy khúc bả mua chia nhau ăn. Ghe nó đổ tụi tui rồi lui liền, mình thì không có đèn đuốc gì hết, cũng hên có cái đèn bin nên lụi huị mò mẫm vô được trong nhà tránh mưa rồi vội vàng lúc tắt lúc bật đèn vì sợ hết bin để thay quần áo, nhai xong bánh mì nhẩy lên cái chõng vợ chồng ôm thằng nhỏ quấn mềm nhắm mắt cố ngủ chờ sáng tới khi nghe có tiếng ghe bạch bạch ở mé ngoài sông tui tính dạy nhưng dòm ra ngoài trời còn tối thui.
 
Nghĩ tới chuyện đèn đuốc tối qua Phương thấy vợ chồng con cái anh còn may nhưng không nói gì mà chỉ nói với Hân:
- Bây giờ tôi chặt cây cối mé bên tôi, anh chặt mé bên anh để còn có đường qua lại. Mà anh có dao rựa gì không ?.
- Có, tôi có mang theo con dao dài của lính mình. Lát nữa, ăn cái gì một chút rồi tôi sẽ bắt tay làm.
- Đúng, có thực mới vực được đạo. Phương trả lời Hân rồi quay vào nhà.
 
Thúy và hai đứa con cũng đã thức chắc vì nghe tiếng anh và Hân vừa nói chuyện lớn tiếng ở ngoài.
- Mẹ con rửa mặt rồi chuẩn bị cái gì ăn sáng đi. Anh ra ngoài đốn đám cây chung quanh nhà.
- Rửa mặt ở đâu hở ba?. Con gái lớn vừa dụi mắt vừa hỏi.
- Con xỏ dép đi theo ba, có nhiều nước lắm con ơi tha hồ cho con rửa.
Cơ cầm chiếc khăn mẹ đưa, tụt xuống đất mang đôi dép vào chân lủn đủn đi theo cha nó. Ra tới ngoài, Phương chỉ tay về mé trước, con đường mòn nhỏ chạy xuống mé nước:
- Con đi trước còn ba đi sau nắm tay con. Đi chính giữa đường coi chừng gai góc nó đâm con ạ.
- Dạ.
 
Hai cha con bước xuống mé nước.
- Cha, nước nhiều quá ba há. Cơ vừa thấy nước trước mặt đã reo lên nói với cha nó rồi rút bàn tay nhỏ xíu ra khỏi tay ba bước nhanh xuống bờ nước khá phẳng, thò tay vọc vọc.
- Mát quá ba ơi.
 
Trong lúc con gái đùa với nước Phương quan sát kỹ. Đây không phải là một con sông như anh đã nghĩ đêm hôm qua mà nó chỉ là một con rạch lớn bề ngang chưa tới 10 thước. Bờ bên kia cũng cây cối um tùm cao như mé bờ bên nhà anh.
Dưới ánh mặt trời ấm Phương thấy xa xa, ở hai bên, hai căn nhà y hệt như nhà của anh. Hai căn nhà cũng lợp bằng lá dừa nước kích thước cũng hệt như nhau.
Sau những lùm cây thấp thoáng bóng người, tiếng nói loáng thoáng, tiếng ới gọi, chắc cũng giống như anh và Hân hồi nãy, tìm hàng xóm cạnh nhà.
 
Phương bỏ dép, bước xuống nước, đôi chân trần thận trọng lần lần theo chiều sâu thoai thoải của lòng sông ra xa, nước ngập nửa ống chân làm Phương phải vén lên mà vẫn có thể bước tới được không bị lún. Nước trong vắt nhìn thấy được những tụm rêu cỏ mọc dưới đáy. Con lạch này không sâu bao nhiêu. Phương nghĩ, anh không sợ bị chết đuối ở đây. Chết đuối là cái sợ của anh từ khi còn nhỏ lúc ở làng quê ở ngoài Bắc, lần cuối cùng đi tắm vực anh đã bị lọt chân vào một hố mà người ta đào để lấy cát chỉ chút xíu là anh đã bị chết đuối nếu không có người thấy kịp nhẩy xuống lôi anh lên nên kể từ đó hễ thấy nước xanh xanh là anh sợ, cái sợ này đã làm anh không biết bơi.
 
Phương bước gần bờ mé con gái rồi cúi xuống bảo con:
- Con đưa cái khăn cho ba, ba lau mặt cho con xong rồi cha con mình lên.
- Nước mát quá ba à. Cho con chơi một chút.
- Ba còn phải dọn dẹp chặt bớt đám cây cối um tùm, sửa soạn nhà cửa nữa con gái ơi. Nếu con thích tắm thì chiều nay cha con mình sẽ tắm cho vui nghe con.
- Như vậy cũng được. Chiều tắm có cả em Mỹ nữa nghe ba. Con Cơ nói xong đưa khăn cho ba nó.
 
Phương nhúng vắt khăn ở mé ngoài chỗ nước trong hơn rồi quay lại lau chùi mặt mũi hai cánh tay con gái.
- Thôi xong rồi, lên nhà nghe con.
- Ba cũng phải lên chớ!.
- Ừ, ba cũng lên. Phương vò vắt chiếc khăn cho ráo nước rồi đưa cho con gái cầm.
 
Hai cha con anh rời lạch bước lên nhà.
- Hai cha con làm gì mà lâu vậy?. Thúy hỏi chồng, con.
- Con rửa mặt, nước mát lắm mẹ ơi!. Con gái trả lời mẹ.
- Nước có sâu không hở anh?. Thúy không nói gì với con gái mà hỏi chồng.
- Không. Anh lội xuống đi ra cả thước mà chỉ mới tới nửa ống chân. Nước trong lắm, nhìn được tới đáy nữa. Mà chỗ đi xuống có một cái bãi lài lài sạch sẽ. Ngồi đó em có thể tắm, rửa dễ dàng mà không sợ bị té gì hết.
- Một lát nữa em xuống coi. Em đề nghị, bây giờ anh chặt cho quang đãng lối đi xuống đó trước khi chặt chỗ khác nghe anh!.
- Em nói phải. Em và Mỹ chờ anh một chút, chặt đám cây này anh nghĩ là cũng lẹ.
 
Dứt lời, Phương nhặt cưa, nhặt búa đang nằm dưới nền đất rồi quay mình đi ra. Con gái lớn vừa chạy theo ba vừa nói:
- Cho con làm với ba nghe ba!.
- Ừ, con phụ cầm cây cưa này cho ba mà phải coi chừng cái lưỡi cưa nghe con. Vừa nói anh vừa đưa chiếc cưa kiểu Mỹ cho con gái.
 
Phương chặt những giây mây, những cây gai góc chằng chịt, cưa gốc cây kéo qua một bên dọn một lối đi rộng khoảng gần hai thước.
Nhìn con gái hì hục kéo những nhánh chà anh nghĩ tới câu nói của các ông bà già xưa "ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng". Con gái anh mới chỉ mới 5 tuổi mà cái gì cũng đòi làm, đòi phụ cha phụ mẹ.
- Con kéo mấy cái nhánh nhỏ thôi Cơ ơi!.
- Nhánh này con kéo được mà ba.
- Ba biết nhánh nào con cũng kéo được nhưng coi chừng té trầy người, rách quần áo đó.
- Dạ, con biết mà ba.
- Ờ thì cái gì con cũng biết. Con gái của ba mà phải không. Nhưng coi chừng bị trầy tay trầy chân đó nghe. Con bị trầy là ba bị mẹ con la, con sẽ không đưọc làm với ba nữa!. Phương vừa khen vừa hù con gái.
- Dạ, con biết!.
 
Phương nghĩ, nó đã biết hết thì hay nhất là mình phải lo làm cho lẹ để bắt nó vô nhà. Khoảng một giờ sau, hai cha con ngừng tay, con gái đứng cạnh ba nó, chống nạnh, hai cha con nhìn lối đi đã được dọn quang, phía mé dưới dòng nước sáng rõ. Phương bảo con xuống rửa tay. Không nói dứt câu, con gái anh đã chạy xuống nước. Bây giờ đây là chỗ chơi của nó rồi. Anh tự nhủ nhưng nói lớn với con:
- Cơ ơi, đi lên nói với mẹ mang nồi bát ra rửa đi.
- Dạ. Con Cơ bước lên, đi vô nhà. Lát sau tất cả ba mẹ con Thúy ra khỏi nhà.
- Em thấy có được không ? Phương hỏi vợ.
- Được rồi, trống, sáng hẳn ra, khác hẳn tối qua em nghĩ là con sông lắm té ra chỉ là một cái lạch lớn.
- Ba mẹ con xuống đi, còn anh lo dọn mé bên nhà anh Hân.
- Bộ mé này là nhà anh Hân sao anh?. Thúy hỏi chồng.
- Ờ. Em có nghe tiếng chặt cây hay không ?.
 
Thúy im lặng, lóng tai nghe. Tiếng đốn cây phập phập rồi tiếng cành cây bị kéo rào rào đều đặn. Thúy trả lời chồng:
- Có, em nghe. Em đi xuống bãi còn anh lo chặt bên mình nghe.
 
Phương lại cầm cưa, cầm búa chặt, kéo, cưa.
- Anh uống cà phê không? Bây giờ em kiếm được một mớ cây khô rồi. Tiếng Thúy mé sau lưng anh.
- Có cà phê thì hay quá xá. Làm cà phê xong em lục bao thuốc với cái hộp quẹt mang ra cho anh nghe.
- Dạ thưa ông... Em biết chớ, uống cà phê là anh phải hút thuốc. Em biết từ hồi nảo hồi nào tới giờ...
- Hồi nảo hồi nào từ quán ông Tư ở Dĩ-An có cái "con ma vú dài" phải không ?.
Phương chọc ghẹo vợ, anh nhắc lại thời ở Biệt-Đội 1 của anh.
 
Thúy nghe lại bốn chữ "con ma vú dài" đã từ lâu, rất lâu không còn nghe, hơi bẽn lẽn, nói lấp:
- Hồi đó dzui chớ anh.
- Có bao giờ nói là không dzui đâu thưa em!.
- Thôi em vô. Anh lo làm đi. Thúy nói với chồng rồi quay vào nhà. Một chút nữa nhớ làm một cái bếp đàng hoàng để em còn nấu cơm trưa cho ba cha con ăn.
- Ừ, chặt cây cối xong anh sẽ làm cái bếp ở góc sau.
 
Sau khi lôi ba tấm tôle dựng thẳng một phần mé trong nhà che ngoài tấm vách lá dự trù chỗ sẽ là phần bếp núc của vợ anh, Phương tiếp tục dọn dẹp đám cây cạnh nhà Hân.
Buổi trưa, nắng lên cao, rực rỡ và nóng. Gần trưa, mặt trời đã lên gần đỉnh đầu, Phương đứng thở nhưng từ bên nhà anh, anh đã nhìn rõ được cái nhà tranh của Hân. Anh cũng nhìn được hai căn nhà chênh chếch mé phải, mé trái trên bờ bên kia lạch. Cũng như anh, mấy người chủ những căn nhà cũng dọn dẹp, chặt vén cây cối. Có những tiếng chào, hỏi loáng thoáng từ bên đó. Tuy chưa nhìn rõ được mặt nhau chưa nghe rõ được những lời họ nói cũng có thể chưa biết được tên nhau nhưng chỉ cần những cánh tay dơ lên cao vẫy vẫy cũng đủ khởi đầu nối kết tình lối xóm, láng giềng của những người chung cảnh ngộ phải tạm cư bên giòng lạch này.
 
Có những tiếng máy nổ phạch phạch bên tay phải văng vẳng từ ngoài sông lúc đầu còn nhỏ dần dần nghe rõ, thật rõ như tiếng máy nổ ngay trước mặt anh rồi nhỏ lại chạy vào trong mé tay trái, Phương tò mò muốn biết những tiếng máy đó là máy gì, từ đâu vào. Anh quẳng cây búa đang cầm trên tay rảo bước nhanh ra để xem. Những tiếng máy vẫn lần lượt văng vẳng như theo thứ tự. Phương đi qua nhà Hân, qua nhà ông Minh, qua hai căn nhà nữa anh ra tới bờ sông. Nhìn về mé tay phải, có những tiếng máy nổ anh thấy xa xa từ ngoài chạy vào, hai chiếc ghe Phương nghĩ đó là ghe đánh cá. Anh đứng bất động theo dõi. Hai chiếc ghe chạy trước mặt anh, rồi vượt qua, tiến vào phía một chiếc cầu ở xa nhưng anh vẫn nhận được ra. Mùi nực nồng của cá.
 
Anh đoán chắc là những người ngư phủ trên ghe vừa từ ngoài biển trở về. Một vài người tỏ vẻ thân thiện đứng trên ghe cười cười giơ tay vẫy vẫy với anh lúc ghe chạy qua. Lúc đoàn ghe đã biến dạng ở xa, Phương lững thững quay vào, vừa đi vừa nghĩ: Long-Châu-Hà, đây là nơi bằng bất cứ giá nào anh cũng sẽ ở lại đây.
 
Nhờ chuyện ra coi ghe đánh cá, Phương biết thêm được từ nhà anh đi ra có thêm 3 căn nữa của 3 gia đình kinh tế mới rồi tiếp đó là bờ sông, con sông bề ngang ước chừng gần 100 thước. Nhìn sang bên kia sông có hai căn nhà vững chãi hơn, một lớn, một nhỏ ngay trước mặt nhà đang đậu hai chiếc ghe đánh cá, cũng một chiếc lớn một chiếc nhỏ, cùng sơn màu xanh nước biển của hai gia đình dân địa phương.
                                                                                           (còn tiếp)
 
                                Troyes, Pháp - 21.04.2021 – 12.36
                                                  TỪ VŨ
          (Trong bản thảo tập thứ II - tiểu thuyết DÒNG THỜI GIAN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ