Trang

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2021

HƯƠNG CẢI CAY QUÊ HƯƠNG QUẢNG TRỊ - Đinh Hoa Lư


Chợ Quảng Trị 1963 - Phía xa là lầu Ông Hứa Đức Hào và Lầu Mệ Xạ Bình

Đông về, tết sắp tới. Xa quê tết đến chẳng có ý nghĩa, nó vô vị làm sao. Tháng qua, năm hết, sắp thêm môt tuổi đến nơi. Xưa, tết là những rộn ràng, lo toan, tất bật, soạn sành...
 
Dù hai vai sắp gánh thêm một tuổi, nhưng đó là sự đợi chờ ý nghĩa, háo hức không nhạt nhẽo, thờ ơ cùng buồn bã như lứa tuổi về già. Thời gian thật ngắn cho đời người. Nếu chúng ta ai đã đến một thời điểm để hoài cố, ngoái lui nhằm tưởng nhớ những gì còn vương đọng lại trong ký ức - chuyện đã qua thì càng thấm thía rằng đời người như điển tích xưa, chỉ là "bóng câu vụt qua song cửa...".
 
Người viết hi vọng quý độc giả cùng đồng ý nghĩ mỗi lúc đông về giáp tết. Ngoài trau dồi cho mấy món mứt trái trong số thức ăn, người Quảng Trị ai mà chẳng biết hay lơ là với những bó cải cay?
 
Xin tiếp nối lại bài viết cũ, những suy nghĩ cũ về món cải cay chẳng lạ lùng chi đối với quê mình.
 
HƯƠNG CẢI CAY
 
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay
 
Không cứ gì phải xa quê tới nửa vòng trái đất tôi mới nhớ đến sắc vàng hoa cải Quảng trị cùng vị cay nồng của nó. Ngay khi lấy Bình Tuy làm Quê Hương Thứ Hai, người Quảng Trị ly hương Tết đến ít nhiều chi ai cũng nhớ đến cải cay nơi  miền quê cũ. Nhớ làm sao những gánh cải hoa vàng vừa hé?  Cải cay chất cao lên tận đầu gióng thấy đầy các ngõ vào chợ. Năm càng lạnh cải càng tốt, càng xanh. Những chiếc áo tơi, những gánh cải theo đòn gánh vẫy nhịp. Cải từ Sãi lên hay bên Nhan Biều theo đò ngang đưa qua.
 
Mưa phùn tháng chạp, cái tơi không che đủ cho người bán cải. Vừa chờ khách, vừa núp người bên vách tường ảnh quán Lido. Mùi gừng tươi đang cắt cho khách mua về lo tết. Bên kia, tiếng máy cắt cẩm lệ xành xạch. Nón lá nhấp nhô, khách mang áo mưa đi chơ. Những cái du du che hàng rau trái... những cửa sắt khép hờ, chờ nắng lên dọn thêm hàng. Hình ảnh và âm thanh cái chợ Quảng Trị trong tháng chạp là thế, không rộn-ràng, inh-ỏi còi xe.
 
Người đọc sẽ thắc mắc, cải nơi nào mà chẳng có, ngay tại Mỹ đây cũng có vậy. Nhưng thứ cải cay Quảng Trị nó có hương vị 'rất riêng'. Mỗi kỳ thu hoạch cây cải bắt đầu chớm bông, những cái ngồng bắt đầu vươn ra chuẩn bị hé bông là người ta bắt đầu thu hoạch. Tiết trời lạnh vào tháng chạp lúc thiên hạ mua sắm những thứ vào ngày cận tết, ai cũng không quên mua nhiều bó về làm dưa.
 
Tại sao dưa cải vào ba ngày tết nhà nào cũng không thể thiếu và lại cần đến thế? Chuyện đơn giản vì ngày tết là lúc trong nhà có nhiều loại thịt; nào nồi giò heo hầm măng khô, nào thịt heo kho trứng, nào thịt quay, thịt heo đông cô và nhiều nhiều nữa, kể không hết thịt thà trong mấy ngày tết. Lúc này, dưa cải cay mới là món mọi người trong nhà ai cũng cần khi ăn kèm với miếng thịt kho cho 'đỡ ớn'.
 
Từ cung cách ẩm thực bình dân của người Quảng Trị nói riêng hay dân miền trung nói chung, chúng ta thấy cái phong vị, nhu cầu ăn uống dân mình nó dung dị và chừng mực đến chừng nào. Như khi ta chấm miếng thịt vịt, phải có vị cay của gừng, hay khi chúng ta ăn cái trứng lộn phải kèm rau răm vậy. Ba ngày Tết dư thừa những thứ béo - bùi do mỡ và thịt, người Quảng Trị lấy vị chua, cay nồng trong vắt cải vàng huơm thì thât là hợp khẩu vị và vừa ý.
 
Tôi lại nhớ đến con cá trê nho nhỏ dính cần câu cặm năm nào.                          
Chỉ con cá nhỏ, mẹ tôi đem nướng thơm phức, xong xắm nước mắm gừng. Bên dĩa dưa môn chua vàng, hai thứ nó hòa hợp và kích thích cái vị giác đến 'chảy cả nước miếng'! Nói và viết ra thì dễ, nhưng giờ tôi chỉ hình dung chứ khó tìm lại đươc vào lúc này.

 
                                               Hoa cải vườn nhà hôm nay
 
Chuyện ngày xưa, dù chỉ những món ăn đơn sơ nhưng lúc này đã trở thành những kỷ niệm ấm êm. Những hương vị, những hình ảnh gắn bó với những người còn vấn vương trong lòng hình ảnh một quê hương ra đi từ thời non trẻ giờ đã ở tận góc trời xa thẳm?

 

Chợ tết Quảng Trị năm xưa đón xuân với sắc vàng hoa cải. Sắc màu cùng hương vị khó quên và nay chỉ còn trong tâm khảm. Thời gian trước mắt như tường thành ngăn lối thế nhân. Nó trở thành cái "sân ga" cuối nẻo cho chúng ta ngoái lại phía sau. Quá khứ mù sương như núi đồi trùng điệp. Kỷ niệm ngày xưa thăm thẳm trôi về phía đó. Bao ngõ cũ xa vời, mịt mờ kỷ niệm, nên mỗi độ tết về tôi ngồi nhớ lại hương xưa.
 
                                                                                  Đinh Hoa Lư
                                                                                 Edit 16/2/2020

3 nhận xét:

  1. Một thời để nhớ hay lắm ... Quê cha đát tổ của minh thì ở Thừa Thiên ... Và các cụ ra Bắc từ năm 1864 ... ( gia phả để lại vậy đó ).. Hoà Bình sau 1975 mình mới về lại quê .. Sau đó nhiều lần về thăm lại ...Nay thì già lớn tuổi khg về được cũng nhớ ... BÂNG KHUÂNG ƠI .. Luôn mãi khoẻ vui nhé

    https://1.bp.blogspot.com/-OEIIvG0TcAo/X_SvQoOpBWI/AAAAAAAABY0/0RSzhUtq5ow9DTAaOk1WQs5i7eF5zeaXgCLcBGAsYHQ/s320/M%25C6%25AFA.2rzdsm1.gif

    Trả lờiXóa
  2. Văn miền trung nay cho miền bắc đọc Cảm nghĩ bắc lại cho miền trung nghe nói qua nói lại văn ngôn cuối cùng trung bình cộng (bình quân) mỗi nơi một mớ Riêng tui nhờ số phận cho "xuất khẩu" đi định cư sớm nên văn ngôn của mình còn gần thuở 1972 chăng?

    Trả lờiXóa
  3. Rất vui khi bạn TIENG THOI GIAN ghé thăm và ghi cảm nhận. Thứ sáu vui thật nhiều nhé!

    http://i192.photobucket.com/albums/z195/sparkletags4/Tags%20By%20Loquis/wonderful_friday.gif

    Trả lờiXóa

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ