Trang

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

QUẢNG TRỊ ƠI! SAO MÃI LÀ LƯU DÂN – Đinh Hoa Lư


Mùa Hè Đỏ Lửa, 1972 người Quảng Trị phải lìa bỏ quê hương bản quán ra đi 
 

Ngày qua giã từ đất mẹ mà đi
Vì nghe tình quê tình nước đôi bề
Nước chia hai đường nước chưa về
Trót thương cho người lỡ câu thề
Lên đường từ ly, hỏi lòng mình lưu luyến gì. 
            (Lối Về Đất Mẹ -Duy Khánh lyrics)
 
 Kể ra số phận di dân của người Quảng Trị trải qua bao nhiêu giai đoạn, từ lúc bỏ xứ mà đi, thực sự giã từ quê hương Quảng Trị.
 
 Khói lửa chết chóc từ cái thời mà ông bà kể lại là 'chạy giặc' trong thời chiến tranh Pháp Việt đã lắm đoạn trường; đến thời sau này cũng không kém đau thương. Người Quảng trị khổ đói đã đành nhưng trên bàn thờ nhà nào cũng không thiếu bát nhang thờ người chết do chiến tranh. Số phận đau khổ bám mãi vài đôi bờ vai người dân áo vải quần thô khi những mái nhà tranh cháy mãi không biết bao nhiêu lần? Rồi hình ảnh mái nhà tranh là hình ảnh quá thân quen cho người dân 'cày lên sỏi đá'. Mỗi mùa đông về lạnh 'cắt da', cắn ngón tay không chảy máu', người dân Quảng Trị không còn biết lấy chi để 'bỏ đầy' cái bao tử trống không?
 Đó là những nỗi khổ của chiến tranh và đói lạnh.

 
Một ông già từ vùng Giới Tuyến  ăn cây cà rem  trên  đường chạy  loạn


 Người Quảng Trị di dân vào tận xứ Bình Tuy, cái xứ một thời người ta gọi là "đất Thầy Thím" do ở đây nó có đông dân tộc người Chăm mà tiếng Quảng Trị gọi quen miệng gọi là "Chàm". Người Chàm, tháp Chàm, cũng do tiếng chỉ dân tộc Champa mà ra.
 
Xưa Công chúa Huyền Trân hi sinh thân ngọc để đổi hai châu Ô và Rý cho người Quảng Trị hiện nay; thì từ cái năm máu lửa 1972 con cháu người Quảng Trị bị xô đẩy vào sâu hơn nữa vào tận xứ này.
 
 
Thế hệ thứ 2 di dân Quảng Trị vào Bình Tuy (chợ Cam Bình Động Đền)


Bình Tuy hai tiếng nghe dần thân quen cho người Quảng Trị, ai vào đây sau năm 1973. Những mật khu, những rừng gỗ quý ken dày. Trước đây dân cư thưa thớt không sao làm hết rừng này. Sát với những cánh rừng dày đặc hồi đó là Vịnh Hàm Tân. Biển đầy ắp cá, đang chờ sức người Quảng Trị vào khai phá.
 



Tưởng thế là đời sống người Quảng Trị "di dân lập ấp' sau 1973, rồi đến 1975 sẽ trở nên trù phú nhờ vào "rừng vàng biển bạc". dè đâu!
 
“Gánh cực mà đổ lên non
Còng lưng mà chạy cực còn chạy theo”
                                                (ca dao)
 
Sau 1975, hòa bình rồi, thống nhất rồi, thế mà người di dân QT vẫn không thoát khỏi số cực. Rừng đốn hết - nào củi, nào than, tất cả cho cái "bao tử". Miệng ăn núi lở - những đám rẫy bạc màu dần, không trồng cây gì lên nổi?
 
 Con cháu di dân ở đây càng lúc càng sinh sôi nảy nở thì miệng ăn càng nhiều. Bao cánh rừng đốt làm than lần hồi cũng hết. Thế là vài năm sau người QT lại tiếp tục theo đi 'kinh tế mới' vào tận miền Nam: Cần Thơ, Long Xuyên, hay Bạc Liêu, Rạch Giá cho tận Cà Mâu.
 
Bà con sống không quen kiểu "ướt át vùng sông nước" trong Nam, nên lại chia tay nhau, tứ tán nhiều lần thêm nữa! Có người về lại Long Khánh, Đức Linh hay gặp may vào lên ở Sài Gòn mà sau nay hay gọi cái tên là "Thành Phố..".
"Tui lên "Thành Phố..", "O lên Thành Phố..." nhưng thành phố nào mới được chớ?
 
 Rõ ràng, cái số khổ 'hắn' vẫn theo bước chân “giang hồ” người dân Quảng Trị quê mình?
 
 
                     Thế hệ thứ 2 di dân QT vào Bình Tuy (chợ Cam Bình Động Đền)
 
   Ai nói hai chữ "cu li" chỉ nằm trong lịch sử thời Pháp thuộc? hết gạo hết cơm người QT tại tỉnh Bình Tuy (Hàm tân, Đức Linh) ào ào xin vào các đội nông trường cao su thuộc vùng Long Khánh -Bà rịa, không biết bao nhiêu mà kể. Các đồn điền cao su tại Long Khánh và một vài nơi gần Long Thành Bà Rịa đi đâu cũng nghe giọng Quảng Trị 'đặc sệt'. Quảng Trị đời bọ mẹ di dân, đẻ ra đời con , rồi cháu cùng ở một nhà. Những mái tranh trong những vùng đất rẩy Bình Tuy, cũng như dưới những dãy nhà tranh xây dựng ngay hàng thẳng lối trong nông trường, phần đông đều là những thế hệ QT già trẻ có nhau, đùm bọc nhau mà sống.
 
 
    Thế hệ thứ 2 di dân QT vào Bình Tuy - trường cấp 1 xã Sơn Mỹ huyện Hàm Tân 1984
 
 Chạy giặc, di dân lập ấp, rừng rú biển cả, tiếp đến là những liếp rừng cao su bạt ngàn xa ngót tầm mắt miền đất đỏ Long khánh trong nam để chan hòa mồ hôi bao nhiêu thế hệ Quảng Trị quê mình.
 
Kiếp 'cu li' nông trường, nghĩ mà tủi thân cho số phận người dân miền Giới Tuyến vẫn mãi chạy vạy ngược xuôi đuổi theo 'hạt gạo' dù đã vào tận miền Na. Người QT đổi mồ hôi kiếm gạo tiêu chuẩn; nơi này đội trưởng nông trường quyền thế 'như vua'. Gạo cơm, phân bón, tiền bạc lương hướng, cắt công, khai công trong tay đội trưởng. Trên đội trưởng là giám đốc nông trường. Tất cả đều có đời sống dư dật giàu sang, chỉ có người 'cu li' trực tiếp lao động là khổ. Nhưng cái thời này, gạo quý 'như vàng' người Quảng Trị dám đi đâu để mất tiêu chuẩn. Vài ba năm đầu, cao su chưa cao , 'cu li' nông trường còn có đôi chút an ủi nhờ trồng chen vào giữa những luống cao su nào đậu nào bắp, nhất là lúa 'vại' tức khác với lúa cấy chỉ mọc đất khô. Nông trường cũng chẳng gây khó khăn chi vì trồng chen ở giữa thì cao su khỏi bị cỏ hãm cũng hay. Một công hai việc cho người 'cu li'. Người Quảng Trị lại 'vàn công' nhau, thu hoạch mùa màng giữa những luống cao su. Thời này ngó vậy mà vui, vừa có gạo vừa có thêm tiền.


Nông trường cao su
 
CU LI cho CU LI?

Ngang chữ "cu li" thì bạn đọc đừng cho "cu li' là tận cùng mà còn một lớp người QT khổ hơn là "cu li của cu li" nữa đó. Bạn có tin không? chính những người ở lại Bình Tuy như chính tác giả bài viết, một vùng đất bạc màu phải cùng bạn bè đạp xe lên các nông trường cao su Hoà Bình, Xà Bang, Cù Bị để cắt lúa thuê cho 'cu li' nông trường ở đó. Đất đỏ cao su mới khai phá quá tốt, lúa cắt không kịp phải kêu thêm công. Đó là những chặng đường mà 'cu li' nông trường nhưng là chủ thuê công cho những người Quảng Trị còn ở lại những vùng đất 'di dân lập ấp' Bình Tuy.
 
Làm sao người viết quên được những giờ "nghỉ giải lao' trong ngày cắt lúa thuê kia? Những gánh chè đem ra cho nhân công ăn 'bựa lợ' có khi 'rộng tay rộng chân' hơn thì chủ bới cả xôi và thịt. Ôi những hình ảnh trong quá khứ không thể nào quên, tình đồng hương tình bà con Quảng Trị với nhau không ai nề hà hơn thiệt đồng tiền công sức của nhau. Những chiếc xe đạp vượt cả trăm cây số đi tìm việc nông trường trong mùa lúa chín, những đồng bạc 'ướt đẫm mồ hôi' 'tém nhặt' đem về lại Bình Tuy, nơi khoai nhiều hơn gạo.
 
LẠI TIẾP TỤC RA ĐI
 
Khác với những kẻ ra đi, ra đi đây là ra đi đợt hai, đợt ba sau khi di dân vào Nam rồi. Người ở lại Bình Tuy, nhất là ở huyện Hàm Tân lại càng thiếu thốn hơn. Những đồi cát bạc màu sát biển, lúa bắp không còn lên nỗi. Những nương rẫy, trồng lên bới xuống nhiều lần, đến nỗi tranh cũng khó mọc lên cao.
 
Những người ở lại lặng nhìn những củ khoai củ sắn bé tí teo chợt thở dại làm sao kéo dài đời sống. CHuyện ra đi, nồi niêu song chảo gánh gồng dù đi bộ mõi gối rã chân cũng chẳng sá chi cái khó khăn của chuyện 'CẮT -NHẬP HỘ KHẨU' MẬT NGỌT RUỒI BU, bao miếng đất và quyền lợi gạo cơm đâu dễ cho ai?
 
Những ước mơ tầm thường cốt làm răng cho no cái bụng thật là xa vời cho những người ở lại ,một thời 'ngăn sông cấm chợ' , một thời 'Hộ khẩu' trớ trêu.
Người ở lại chỉ mong làm 'kiếp cu li' như những ngừơi đi trước, thật khó làm sao !
Nói cho cùng dù lưu vong hải ngoại hay vẫn tồn tại ở quê nhà hiện nay, người Quảng Trị tản mạn khắp nơi. Trên quê hương đất nước, từ Bạc Liêu, Cà Mâu, Gò Công, các tỉnh miền Tây hay các tỉnh miền Đông: Bà Rịa, Vũng Tàu cho đến Đồng Nai Long Khánh, nhất là Sài Gòn ra đến Bình Tuy Bình Thuận, Phan Thiết, Phan Rang, Cam Ranh, Khánh Hòa... hay các tỉnh miền Cao Nguyên Trung Phần, người Quảng Trị đã định cư non nửa thế kỷ nay.  Bà con mình nay sinh con đẻ cháu đã nhiều. Tất cả đều có "Quê Huơng Mới" và đa số đều an phận chọn miền đất cuối cùng cho mình và con cháu.
 
 
Nỗi buồn chia tay cho những người lại rời QT sau khi về thăm quê hương vào tết Bính Thân 2016.
 

Cho đến một ngày người QT, thế hệ sau này, họ sẽ về thăm QT như là một chuyến HÀNH HUƠNG để biết nơi 'chôn nhau cắt rốn' của cha mẹ, ông bà vậy thôi.
 
Và câu nói sau này trở thành:
- Đi thăm Quảng Trị, xong rồi vô lại trong Nam
- Ra thăm Quảng Trị xong vô lại Sài Gòn để bay về Mỹ.v..v...
 
Cuối cùng chúng ta có thể nghiệm ra rằng:
- Phải chăng nhờ cái "số lưu dân" nên người Quảng Trị hiện nay hiện diện khắp nơi trên thế giới này?
 
Nhưng dù sao chăng nữa cũng do cái số đó mà số phận đã đẩy đưa chúng ta RA ĐI hay LY HƯƠNG không biết mấy lần?
 
                                                                      21/1/2021
                                                  Đinh Hoa Lư tái biên mùa covid Mỹ
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ