Trang

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2021

NGÀY XUÂN ĐỌC CHUYỆN KHÔNG VUI – Hoàng Long Hải


Nhà văn Hoàng Long Hải (Tuệ Chương)


“Mồ côi
tội lắm ai ơi!”
 
Cuối năm 1945 đầu năm 1946, người miền Trung, có thể cả người Bắc nữa, tham gia “Nam Bộ Kháng Chiến” đông lắm. Có lần chị cả tôi cùng “đoàn thể” lên ga xe lửa Quảng Trị để “hoan hô” “tiếp tế quà bánh” cho thanh niên các tỉnh phía ngoài đi “Nam Bộ Kháng Chiến”. Họ đi Nam bằng xe lửa. Xe chỉ nghỉ lại ở ga Quảng Trị một thời gian ngắn, và cũng để đón thêm thanh niên Quảng Trị cùng đi về Nam.
 
Thời bấy giờ, tinh thần tham gia “Nam Bộ Kháng chiến” lên cao lắm, không cần Việt Minh tuyên truyền, thanh niên cũng tự động, hăng hái kêu nhau đi. Bài hát “Nam Tiến” được phổ biến rộng rãi:
 
“Nước non xa ngàn dặm,
Chúng ta đi ngàn dặm,
Cùng nhau tiến, hướng về Nam…”
 
Tác giả là ông Lưu Hữu Phước.
 
Cũng thời gian ấy, bài hát “Hòn Vọng Phu 1” rất phổ biến. Hình như ông Lê Thương chưa soạn bài số 2, số 3. Nhiều nơi, nhiều buổi văn nghệ, không thiếu lời ca:
 
“Lệnh vua, hành quân, trống kêu dồn,
Quan với quân lên đường…”
 
Có lẽ người ta nghĩ “lệnh vua” cũng như lệnh của đất nước, dân tộc, “quan với quân cùng lên đường” thì quan với quân bình đẳng, cùng một lòng vì nước cả.
Còn như trống kêu dồn thì rõ ràng, bấy giờ trống đánh đêm ngày vì “không khí cách mạng”.
 
Về đoàn thể phụ nữ, có lẽ ngày nay không ai còn nhớ bài:
 
“Giờ nầy chồng con anh em ta tiến ra sa trường,
Khúc hát hành quân đang vang lừng dậy trong bốn phương.
Cờ bay phất phới tưng bừng non nước câu reo mừng.
Anh thư Lạc Hồng mau bắt tay giúp vào việc chung.
Đồng lòng bạn gái, đứng lên tranh đấu, thù nhà thù nước…
 
(tôi chỉ nhớ tới đây mà thôi!)
 
Anh Hoàng Mông, thợ may, ở Xóm Heo, tham gia “Nam Bộ Kháng Chiến”. Dân chúng phường tôi họp mặt, tiễn anh lên đường.
Ít tháng sau, anh lại trở về nhà.
 
Tình hình Nam Bộ bi đát lắm. Tây đã chiếm hết thành phố Saigon, đang đánh bung ra các tỉnh chung quanh. Những người đi “Nam Bộ Kháng Chiến” chỉ có tinh thần là cao, còn ngoài ra, họ “thiếu đủ thứ”: Thiếu cấp chỉ huy, thiếu vũ khí, thiếu đạn dược, thiếu quần áo và cả… thiếu ăn.
 
Đơn vị anh Mông bị Tây đánh bại, tan rã.
Anh kể: Tự tìm đường, khi thì đi bộ, khi đi xe để về quê. Ngang Nha Trang, quần áo rách cả, anh lấy vải “băng đờ-rôn” cắt may áo quần mặc tạm. Anh là thợ may, việc đó với anh khá dễ dàng.
 
Về tới phường, chưa được bao lâu, anh cưới chị Cháu làm vợ. Đám cưới “thời cách mạng”, lúc chiến tranh gần kề, cũng đơn giản nhiều. Thế rồi chuẩn bị tản cư, anh Mông “tham gia cách mạng”, chính quyền hay Vệ Quốc Đoàn, tôi không biết. Chị Cháu có bầu, mang cái bụng bầu “chạy giặc” theo các ông Hoàng Hà, Hoàng Hải, là hai ông anh chồng.
 
&
 
Khi gia đình tôi hồi cư thì gia đình nầy đã hồi cư trước rồi, cũng về lại Xóm Heo, nơi nhà cũ của họ. Chị Cháu đã sinh được “một thằng cu”. Chị ở chung với gia đình các anh chồng, còn anh Mông thì không thấy đâu. Người ta nghĩ rằng anh còn sống, theo Việt Minh, ở trên chiến khu.
 
Chẳng bao lâu chị Cháu để “thằng cu” ở lại với các bác của nó, còn chị lên chiến khu theo chồng. Hai vợ chồng đi mất, chẳng có tin tức gì hết, ngoại trừ tin anh chị tập kết ra Bắc, theo hiệp định Genève năm 1954.
 
“Thằng cu” tên là Tâm. Các bác lo cho nó cũng tạm đủ. Họ là dân lao động, đủ ăn là may, làm gì mà giàu có. Dù vậy, áo quần, ăn uống, guốc dép, thằng Tâm không thiếu bao giờ. Chỉ có việc học là họ không lo được vì họ là những người thất học, xa lạ với trường ốc. Họ ngại ngùng. Thầy Trợ Hào, cũng ở Xóm Heo, xin cho nó vô trường tiểu học, nhưng việc học của nó chẳng ai theo dõi, chăm lo cho nó được.
 
Thằng Tâm trở thành đứa bé lêu lổng, có mặt đầu xóm, cuối phường nhiều hơn ở lớp học. Hai bác nó có rầy, nhưng một đứa bé không cha, không mẹ, làm sao có thể là một đứa bé dễ dạy được?
 
Phải chi chị Tâm, con bác Hà không theo chồng. Chị là con một, mồ côi mẹ từ nhỏ. Có thể chị cũng muốn có một người em trai, dù là con ông chú, không phải em ruột, để yêu thương như nhiều người chị Việt Nam, trong đời thực, cũng như trong thi ca, hay trong “Lỡ Bước Sang Ngang” của Nguyễn Bính vậy:
 
“Lần nầy chị bước sang ngang,    
Là tan vở giấc mộng vàng từ đây…”
 
Và rồi:    
 
“Chị cho em chị chiếc khăn thêu, 
Ý chị thương em khóc đã nhiều…”
 
Chị thương em, em thương chị, cái tình yêu hỗ tương ấy, giữa hai chị em, an ủi thằng Tâm nhiều. Biết đâu, nó đưọc chị nó an ủi, nó thấy bớt cô đơn, sẽ ngoan hơn.
 
Nhưng đời có nhiều điều đáng buồn. Chị góa chồng khi còn trẻ, rồi bỏ nhà đi mất, không bao giờ trở về Xóm Cũ. Chị sợ cái tiếng có thể ai đó, người ta gọi chị “trốn nhà theo trai”, khi chị ôm gói theo thầy đội Trản.
 
Đã cô đơn, mất người chị, thằng Tâm lại càng cô đơn nhiều hơn.
 
Mẹ tôi rất thương trẻ con, nhất là một thằng bé như thằng Tâm, nên mỗi khi thấy nó đi ngang nhà, mẹ tôi gọi vào hỏi: “Đói bụng không?” Rồi mẹ tôi sai lấy một dĩa xôi hay chén chè vừa cúng xong biểu nó ăn đi. Tôi thường thấy nó ăn một cách ngon lành. Có lẽ nó không đói, nhưng ưa ăn vặt. Nó không có mẹ, ai lo cho nó cái ăn vặt nầy?
 
Từ lêu lổng, Tâm trở thành một đứa bé trộm cắp, ban đầu là những trái ổi, trái mít trong vườn nhà ai đó, sau trở thành trộm cắp tiền bạc. Phường tôi vốn dĩ phần nhiều là nhà tranh vách đất, cửa nẻo dùng để đề phòng người ngay hơn là kẻ gian, nên từ đầu tới cuối phường, Tâm “chiếu cố” không ít nhà. Nó trở thành một đứa bé “nổi tiếng”. Càng nổi tiếng, bọn trẻ trong phường không dám chơi với nó, sợ “mang tiếng lây”, sợ cha mẹ rầy “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Từ đó, đã cô đơn vì “mồ côi” cha mẹ, nó trở thành đứa bé cô đơn hơn vì không có bạn bè.
 
Tôi không rõ năm nào, - khi ấy tôi đã đi xa - nghe kể lại hôm Bác Nẫm, thân phụ của Thiếu tá Bé (cấp bậc lúc ấy) và Nguyễn Cẩm, bạn học của tôi - Nguyễn Bích, Nguyễn Bạch, bạn học “Hùng móm”, qua đời. Nhà có đám tang, khách khứa, bà con tới lui đông đúc. Nhân lúc “tang gia bối rối”, không ai lưu ý, thằng Tâm lẻn vào nhà Bác Nẫm “chôm” cái ví đựng tiền và giấy tờ của anh Bé. Anh Bé nói mất tiền anh không tiếc, nhưng giấy tờ trong ví thì quan trọng. Nghe chuyện, tôi nói đùa, có lẽ cái “giấy chứng xịa” là quan trọng nhất.
 
Suy đi tính lại, kẻ “chôm” cái ví ấy, không ai ngoài “thằng Tâm” vì người dân phường tôi, họ biết tính tình nhau lắm. Thế là mấy người em của “Anh Bé” đi tìm “thằng Tâm”, bảo: “Tiền anh Bé cho em, nhưng em phải trả giấy tờ lại”. Tâm vâng lời, ra “hồ cá phi” (1) tìm lại cái ví dấu ở đó, trả lại. Thấy tội nghiệp, vả lại được cái ví cũng mừng, “Anh Bé” cho nó thêm năm trăm đồng.
 
Thằng Tâm tới tuổi “quân dịch quân gà”. Phường tôi cũng có người làm chức nầy chức kia, tuy không lớn, cũng có thể nhờ ai đó giúp cho thằng Tâm khỏi đi lính, giữ chữ “thọ”, ví dụ như xin vô làm Cảnh Sát Công An, cán bộ Xây dựng Nông thôn v v… Nhưng tội nghiệp cho hai ông bác nó, vốn dốt nát, phận hèn mọn nên chẳng dám nhờ cậy ai giúp cho đứa bé không mồ côi cha mẹ mà cũng như mồ côi một chỗ an toàn.
 
Thế rồi thằng bé cũng chẳng biết mình tới tuổi “quân dịch quân gà” gì nữa. Nó đi chơi lang thang, bị Quân Cảnh thộp cổ được: “À! Thằng trốn quân dịch.” Vậy là nó bị đưa vào quân trường. Học quân sự xong, xem lý lịch, thằng bé nầy, vì nhiều lý do, không thể phục vụ gần nguyên quán, phải đưa nó đi xa. Dân Quảng Trị, phải là đơn vị ở Cao nguyên.
 
Thế rồi nó biệt tăm. Nó đi hồi nào cũng chẳng có ai quan tâm. Tuy nó hay ăn cắp, nhưng người ta cũng thấy nó “vô hại”. Vả lại, người ta cũng thấy tội nghiệp cho một đứa bé lớn lên không cha không mẹ như nó. Hai ông Hà, ông Hải bác nó, cũng chẳng bao giờ nhận được thư từ gì của nó cả. Nó không thấy mối thân tộc máu mũ với họ hàng hay nó “viết không ra chữ” vì nó có chịu học hành gì đâu.
 
Rồi có tin nói nó tử trận, ở đâu trên những ngọn núi cao Pleime, Chu-Pao hay gì đó, một cái tên mà người xứ tôi trước kia, chẳng nghe tới bao giờ. Cũng không thấy đưa quan tài về, hay Bộ Thương Binh đem tiền tử tuất tới cho hai bác nó. Tiền đó thường đem tới cho cha mẹ. Cha mẹ nó ở ngoài Bắc, ai dám gởi tiền đó ra Bắc, dù có biết địa chỉ cha mẹ nó đi nữa.
 
Chỉ có những người già ở xóm tôi, như mẹ tôi chẳng hạn, một đôi khi cũng nhắc tới thằng Tâm, với vài tiếng chắt lưỡi “tội nghiệp”. Không ai chê trách thằng bé lêu lỗng gì nữa đâu. Chỉ vài khi, tôi nghe mẹ tôi nói với vài người trong xóm, như Chị Xạ Thử chẳng hạn: “Cha mạ nỡ bỏ con sao đành!”
 
Dĩ nhiên cũng có người trong xóm tôi phê phán việc hai vợ chồng anh Mông bỏ con đi mất, nhưng tôi nghĩ khác. Tôi tin ở lòng nhân ái của người Việt ta, nhất là ở những người đàn bà, người mẹ. Thấy một đứa bé mồ côi, người ta còn thương xót nữa là, huống chi con mình sinh ra mà chị Cháu không thương nó sao được! Sinh đứa con đầu lòng, mà lại con trai, người mẹ thường thương con lắm.
Nhưng tại sao chị Cháu bỏ con mà đi?
 
Có lẽ không phải vậy!
Sau khi thằng Tâm được vài tuổi, chị để con lại cho hai bác nó, coi sóc dùm để chị lên chiến khu Ba Lòng thăm chồng. Do một lý do nào đó, thăm chồng xong chị không về thành phố lại liền, với lại có thể chị cũng sợ Công An Liên Bang hồi đó.
Hồi bấy giờ Công An Liên Bang, cũng như Đờ-dèm Buy-rô của Tây muốn bắt ai, giết ai, rất tùy tiện, không cần tòa án xét xử gì cả. Tại thành phố có nhiều người bị Công An Liên Bang bắt rồi thủ tiêu, bị đạp xuống sông…  ở đoạn sông nào chẳng ai biết cả, như trường hợp anh Nguyễn Ấu là anh Nguyễn Châu, bạn học của tôi, hay anh Đỗ Nho, anh của chị Đỗ Thị Túy, người nổi tiếng đánh đàn Hạ Uy Cầm rất hay.
 
Có phải vì sợ mà chị Cháu không dám về? Nếu Công An Liên Bang biết chị lên chiến khu thăm chồng, chị sẽ không tránh khỏi tai vạ. Có thể chị nghĩ, vài năm nữa, “kháng chiến thành công”, như người ta tuyên truyền, chị lại về với con.
 
Nhưng rồi Hiệp Định Genève ký kết. Hai vợ chồng chị có thể hy vọng “tập kết ra Bắc” thì cũng chỉ hai năm, “hiệp thương thống nhất”, anh chị lại về gặp con.
 
Ai ngờ cái hai năm ấy kéo dài tới hơn hai mươi năm. Dù có thương con bao nhiêu đi nữa, cái tình thương ấy cũng có phai lạt phần nào. Thói đời:
 
Cái nghĩa hợp ly là thế đấy,
Thời gian thường đổi nhớ ra quên…
 … dù là mẹ con.
 
Lịch sử nước ta, trong mấy chục năm chinh chiến, có biết bao nhiêu đột biến xảy ra, đâu ai có thể đoán trước được.
 
Sau 1975, tôi không thể về Xóm Cũ để có thể gặp chị Cháu, nói  ra những ý nghĩ như vừa nói trên với chị Cháu. Ai lại bỏ con mà đi biền biệt như thế được, chị Cháu nhỉ?
 
Tuy nhiên, dù tôi có về Xóm Cũ đi nữa, chắc chi tôi gặp anh chị Mông.
Sau mấy chục năm “theo cách mạng”, hai anh chị nay đã thành “ông to bà lớn” cả rồi. Chắc chắn họ ở Hà Nội, Sai Gòn hay ít ra cũng Đà Nẵng, Nha Trang, chứ ai chịu về cái Xóm Heo cũ đó làm chi, xóm nhà lá cột tre vách đất, một bên là cái hồ hôi thúi, gần cạn, một bên là nghĩa địa bị bỏ hoang lâu ngày của làng Cổ Thành.
 
Thành ra, sự bất hạnh của thằng Tâm, dù có cha mẹ cũng như mồ côi, là điều chưa được sáng tỏ, làm cho tôi nhiều đêm khó ngủ, nhớ về cố quận, và câu chuyện thằng Tâm lại lẩn quẩn trong trí tôi.
 
Một thằng bé coi như “mồ côi” nhưng vẫn còn cha mẹ.
Cái số phận đau xót đó, nhìn chung, đâu có phải một mình nó gánh chịu mà thôi. Bởi vì, dân tộc nầy, tuy có nguồn gốc cha mẹ hẳn hoi, thuộc dòng dõi Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ, có khác chi với số phận thằng Tâm hay không nhỉ?
 
                                                                                       hoànglonghải
 
 
(1)   Hồ cá phi: Khoảng trước năm 1960, do “Mỹ Quốc viện trợ”, Ty Ngư Nghiệp có đào một cái hồ nuôi cá phi giống ở sát bờ hồ, để phát không cho nông dân đem về nuôi. Bỗng nhiên, nông dân nghe nói ăn cá phi bị bệnh phung, nên không đến lấy cá giống nữa. Một năm, nước lụt lên ngập hồ, cá bỏ đi cả, thành ra hồ bị bỏ hoang.
 
                                         (Trích trong hồi ký “Xóm Cũ” của tác giả)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ