Trang

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2021

CÁI SIÊU VÀ CÁI VỤNG CỦA NGUYỄN BÍNH TRONG MỘT BÀI THƠ – Phạm Đức Nhì

 
Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì


Lời Nói Đầu
 
Đọc bài viết VÀI ĐIỀU VỀ CAO XUÂN HUY VÀ LÂM CHƯƠNG của Nguyên Lạc (từ trang web PHUDOANLAGI có link trên Facebook) muốn bình luận một câu nhưng lại ngại tranh cãi dây dưa nên tôi đành phải viết hẳn một bài làm nền rồi mới đưa ra một nhận xét ngắn. Độc giả không chơi FB có thể đọc bài viết của Nguyên Lạc theo links sau:
 
https://phudoanlagi.blogspot.com/2020/12/vai-ieu-ve-cao-xuan-huy-va-lam-chuong.html
 
 http://t-van.net/?p=47155
 
Bài thơ tôi muốn nói đến là Giấc Mơ Anh Lái Đò – tâm sự của tác giả về mối tình đơn phương, vô vọng. Cái “siêu” và cái vụng đều ở phần thi pháp – nói rõ ra là thủ pháp nghệ thuật “Gợi, Không Kể” (Show, Don’t Tell) trong bài thơ.
 
Gợi, Không Kể (Show, Don’t Tell) Là Gì?
 
Gợi, Không Kể là một kỹ thuật viết trong đó câu chuyện và các nhân vật có liên quan với nhau thông qua các chi tiết và hành động cảm tính chứ không phải là sự trình bày, tóm tắt. Nó thúc đẩy một phong cách viết cuốn hút hơn cho người đọc, cho phép họ “ở cùng phòng” với các nhân vật. (1)
 
(Show, Don’t Tell là biện pháp tu từ phát xuất từ Tây Phương, dịch là Gợi, Không Kể cũng hơi gượng nên tôi xin phép được dùng nguyên chữ gốc cho chính xác. Mong độc giả thông cảm.)
 
Showing minh họa, trong khi Telling chỉ phát biểu (thông tin chính trong một câu chuyện.)
 
(Showing illustrates, while Telling merely states.)
 
Thí dụ:
 
Telling: Michael vô cùng sợ bóng tối.
 
Showing: Khi mẹ em tắt đèn và rời khỏi phòng, Michael căng thẳng. Em thu mình dưới chăn, nắm chặt tấm trải giường và nín thở khi gió lướt qua rèm. (2)
 
Tóm lại,
 
Telling: Tóm tắt hay tường thuật theo lối chỉ kể cho người đọc biết điều xảy ra.
 
Showing: Dùng sự mô tả và hành động để giúp người đọc trải nghiệm câu truyện.
 
Show, Don’t Tell Trong “Giấc Mơ Anh Lái Đò”
 
Bài thơ Giấc Mơ Anh Lái Đò có 14 câu (lục bát) được chia thành 4 ý nhỏ như sau:
 
1/ Hai câu đầu:
 
Năm xưa chở chiếc thuyền này
Đưa cô sang bãi tước đay chiều chiều
 
Đây là khởi điểm của mối tình đơn phương. Tác giả chỉ nói đến công việc đưa đò kiếm sống của mình nhưng cũng đồng thời vẽ nên khung cảnh, hoàn cảnh được tiếp xúc, gần gũi với cô gái: Gặp nàng, biết nàng trong mối quan hệ chủ thuyền và khách đi đò qua bãi. Thủ pháp Show, Don’t Tell đã bắt đầu lộ diện.
 
2/ Sáu câu kế tiếp:
 
 Để tôi mơ mãi mơ nhiều
“Tước đay xe võng nhuộm điều ta đi
 Tưng bừng vua mở khoa thi
 Tôi đỗ quan trạng vinh quy về làng
 Võng anh đi trước võng nàng
 Cả hai chiếc võng cùng sang một đò”
 
Tác giả không nói gì về tình yêu nhưng khi người đọc nghe chàng tâm sự là đã đưa cô gái vào trong cả giấc mơ “vinh quy bái tổ” của mình thì hiểu ngay rằng chàng đã yêu cô say đắm. Show, Don’t Tell rõ nét và khéo.
 
3/ Bốn câu kế tiếp:
 
Đồn rằng: Đám cưới cô to
Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn chín nghìn cau
Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn
 
Chữ vụng nhất và theo tôi, làm giảm giá trị của cả đoạn thơ là chữ “to”. Chính chữ “to” đã để lộ ý của tác giả trong đoạn này và đã làm thủ pháp Show, Don’t Tell thất bại. Ngay câu đầu độc giả đã biết đám cưới của cô gái to rồi. Ba câu kế tiếp chỉ làm rõ nghĩa thêm cho chữ “to” mà thôi.
 
4/ Hai câu Kết:
 
 Lang thang tôi dạm bán thuyền
 Có người giả chín quan tiền, lại thôi
 
Trong khi cả cơ nghiệp của anh lái đò – là chiếc thuyền – đem gạ bán thì người ta chỉ trả có chín quan tiền. Hai câu thơ chỉ nói đến việc dọ giá bán thuyền nhưng đã ngầm chứa khoảng cách giầu nghèo ghê gớm giữa anh lái đò và tình địch của mình. Và hậu quả là nỗi đau đến xé tâm can về mối tình vô vọng đã đổ ập xuống đầu anh lái đò đáng thương. Show, Don’t Tell ở 2 câu kết thật tuyệt vời.
 
Giá Trị Nghệ Thuật Của “Giấc Mơ Anh Lái Đò
 
Ngôn ngữ thơ đẹp một cách bình dị, câu cú đơn giản nhưng vững chắc về mặt ngữ pháp. Các ý nhỏ trong bài thơ tự động gắn chặt với nhau một cách tự nhiên, không cần những chữ nối (liên từ) hoặc câu nối. Bốn đoạn Show, Don’t Tell thì 3 đoạn thành công, đặc biệt hai câu kết - một thủ pháp Show, Don’t Tell xuất sắc.
 
Bài thơ, không những chỉ nổi trội về mặt thi pháp mà còn thành công về mặt cảm xúc. Tứ thơ chảy nhẹ nhàng, chậm rãi nhưng thành dòng rõ rệt. Đến cuối bài cảm xúc dâng lên cao ngất; nỗi đau của mối tình vô vọng như một cơn mưa lớn đổ ập xuống tràn ngập tâm hồn anh lái đò. Bài thơ, rất khéo, kết thúc ở cao trào.
 
Tiếc Cho Nguyễn Bính
 
Mỗi lần đọc lại hoặc ngâm nga bài Giấc Mơ Anh Lái Đò trong đầu tôi lại hiện ra một câu hỏi: “Tại sao một tài thơ hiếm có như Nguyễn Bính lại vô ý đến độ đưa chữ “to” rất “thô”, rất vô duyên ấy vào bài thơ?”
 
Chỉ cần tác giả “giấu” được chữ “to” thì 3 câu kế tiếp sẽ đóng vai trò cung cấp thông tin để từ đó người đọc tự nhận ra “À! Đám cưới cô ấy to thật”. Đoạn thơ sẽ trở thành Show, Don’t Tell một cách tự nhiên. Ba câu kế tiếp không còn là những anh “thợ vịn”, đưa vào để lấy có mà sẽ trở thành những công nhân lành nghề, có đóng góp quan trọng cho công trình Giấc Mơ Anh Lái Đò.. Mà giấu chữ “to” thì thiếu gì cách. Với kỹ thuật thơ nhuần nhuyễn như Nguyễn Bính chẳng lẽ không nghĩ ra được một câu lục có vần “o” mà vắng bóng chữ “to”?
 
Chẳng hạn (đơn giản nhất):
 
Đồn rằng đám cưới của cô
 
Giả sử Nguyễn Bính giấu được chữ “to” bằng câu lục (mà câu “Đồn rằng đám cưới của cô” của tôi là thí dụ) thì chỉ riêng về mặt thi pháp, 4 đoạn Show, Don’t Tell cũng thừa sức đưa Nguyễn Bính và Giấc Mơ Anh Lái Đò lên một trong những chỗ ngồi rất trang trọng giữa vườn thơ tươi đẹp của nhân loại.
 
Với vóc dáng ấy, Giấc Mơ Anh Lái Đò có đến 4 chỗ liên tiếp – không có liên từ hoặc câu nối - sử dụng thủ pháp Show, Don’t Tell hoàn hảo. Không những thế, toàn bài thơ - tất cả 14 câu, 98 chữ - đều nằm gọn dưới vùng phủ sóng của Show, Don’t Tell, không một chữ nào lọt ra ngoài. Trong văn học sử Việt Nam, cho đến lúc tôi viết những dòng chữ này, CHƯA một thi phẩm nào sử dụng thủ pháp Show, Don’t Tell tuyệt vời đến mức ấy.
 
Chữ “to” ấy đã làm đoạn 3 mất đi danh hiệu Show, Don’t tell và đáng tiếc nhất là do đó, tác giả đã để vuột khỏi tay chiếc huy chương vàng dành cho thi sĩ có Thi Phẩm Hoàn Toàn Show, Don’t Tell.
 
                                                                               PHẠM ĐỨC NHÌ
 
Chú Thích:
 
1/ Show, Don’t Tell is a writing technique in which story and characters are related through sensory details and actions rather than exposition. It fosters a style of writing that’s more immersive for the reader, allowing them to “be in the room” with the characters.
 
2/ Telling: Michael was terribly afraid of the dark.
 
Showing: As his mother switched off the light and left the room, Michael tensed. He huddled under the covers, gripped the sheets, and held his breath as the wind brushed past the curtain.
 
https://blog.reedsy.com/show-dont-tell/
 
Bình Luận Của NhiPham Trên Facebook:
 
Trong 3 truyện ngắn anh Nguyên Lạc đưa vào làm thí dụ cho thủ pháp Show, Don’t Tell trong bài Vài Điều Về Cao Xuân Huy Và Lâm Chương thì nhận xét của tôi chỉ nhắm vào truyện ngắn Bùa Ếch của nhà văn Lâm Chương. Truyện ngắn này có đoạn kết như sau:
 
[Lương Mập phân trần: “Tôi thương cô ta thiệt tình. Chứ đâu phải vì cái đó.” Lão (thầy bùa) lắc đầu: “Cậu lầm rồi. Nếu cô ta không có cái đó, cậu có thương không?” Lương Mập cứng họng.
 
Trên đường về, nghiệm lại lời của lão thầy bùa, hắn hiểu ra rằng tình cảm trai gái đều bắt nguồn từ cái đó khác nhau mà thôi…]
 
Rõ ràng nhà văn Lâm Chương đã không “vòng vo Tam Quốc” mà nói thẳng, nói “toạc móng heo” ý chính của truyện ngắn Bùa Ếch. Bảo rằng nó là “tảng băng trôi”, có phần chìm “bị nước biển che khuất - là nơi ẩn chứa các hàm ý (implications) suy ra từ các ẩn dụ (metaphors) trong phần nổi” - như anh Nguyên Lạc - là hoàn toàn sai lầm.
 
Có lẽ không nhận ra cái sai của mình anh Nguyên Lạc hiên ngang hỏi độc giả:
 
Riêng phần bạn, bạn nghĩ sao về lời “phán” của lão thầy bùa?
Chắc các bạn đã tìm ra được “phần chìm” của tảng băng trôi? Và bạn nghĩ sao?
 
Trong truyện này chẳng có “tảng băng trôi” nào hết; ý chính của truyện có phần nổi chứ không có phần chìm. Nó chỉ là mặt nước biển bình thường ở một vùng nhiệt đới bình thường nào đó. Nhưng đâu phải tác phẩm cứ phải có Show, Don’t Tell mới hay, mới đáng đọc. Cái giọng thẳng thắn, bộc trực ở đoạn kết của Bùa Ếch, theo tôi, đã tạo nên nét riêng cho tác phẩm.
Sai sót trong phê bình văn học không phải là cái gì ghê gớm lắm. Dân chơi lâu năm thế nào cũng có một đôi lần sơ xuất. Có điều đây là sai lầm mang tính lý thuyết, đụng chạm đến một trong những biện pháp tu từ quan trọng trong kỹ thuật viết văn, làm thơ. Hơn nữa, không phải chỉ xê xích chút đỉnh mà là Trắng lầm lẫn với Đen, nói huỵch toẹt mà lại khen là có ẩn ý sâu sắc.
Truyện của mình không bóng gió, không nửa kín nửa hở, đã cho vũ nữ “sexy 100%” mà người ta lại chọn là tác phẩm có thủ pháp Show, Don’t Tell nổi bật thì không biết nhà văn Lâm Chương nên vui hay nên buồn? Riêng tôi, chỉ trách anh Nguyên Lạc đã không khéo, làm độc giả bối rối, không biết phải hiểu Show, Don’t Tell như thế nào cho đúng.
                                                                                   Phạm Đức Nhì

3 nhận xét:


  1. Nhà bình thơ Nhi Phạm đã nhiều lần "sờ gáy" tôi, tôi sợ nên "chạy làng", thế mà cũng không yên, vẫn bị "truy tầm". Chi vậy? Luận tội? Tội gì?
    Thôi tôi bắt buộc phải viết 1 bài "thương thảo" với ông cho xong, không thôi bị truy đuổi hoài.
    Trước khi viết bài "thương thảo", tôi có những ý này trước:
    1.
    "Rõ ràng nhà văn Lâm Chương đã không “vòng vo Tam Quốc” mà nói thẳng, nói “toạc móng heo” ý chính của truyện ngắn Bùa Ếch. Bảo rằng nó là “tảng băng trôi”, có phần chìm “bị nước biển che khuất - là nơi ẩn chứa các hàm ý (implications) suy ra từ các ẩn dụ (metaphors) trong phần nổi” - như anh Nguyên Lạc - là hoàn toàn sai lầm" - Nhi Pham
    "Trong truyện này chẳng có “tảng băng trôi” nào hết; ý chính của truyện có phần nổi chứ không có phần chìm"- Nhi Pham
    "Truyện của mình không bóng gió, không nửa kín nửa hở, đã cho vũ nữ “sexy 100%” mà người ta lại chọn là tác phẩm có thủ pháp Show, Don’t Tell nổi bật thì không biết nhà văn Lâm Chương nên vui hay nên buồn? Riêng tôi, chỉ trách anh Nguyên Lạc đã không khéo, làm độc giả bối rối, không biết phải hiểu Show, Don’t Tell như thế nào cho đúng" -Nhi Pham
    -- Sao đang nói về Lý thuyết "Tảng băng trôi" rồi liền ngay dưới lại liên hệ đến thủ pháp "Show Do not Tell"? Có lẫn lộn không? Có gặp bác sĩ chưa nhà bình luận?
    2.
    Đây tôi xin ghi ra nguyên văn tiếng Anh của Lý thuyết Tảng băng trôi và Sow Do not Tel kẻo kết án tôi là XẠO:
    - Lý thuyết tảng băng trôi: "The Iceberg Theory - American writer Ernest Hemingway (1954 Nobel Prize–winning) :
    "The dignity of movement of an iceberg is due to only one-eighth of it being above water".
    Tạm dịch:
    Cái thật sự chuyển động của một tảng băng trôi chỉ là do một phần tám của nó đang nổi trên mặt nước ".
    - Show do not tell:
    "Don't tell me the moon is shining; show me the glint of light on broken glass."
    "In descriptions of Nature one must seize on small details, grouping them so that when the reader closes his eyes he gets a picture. For instance, you’ll have a moonlit night if you write that on the mill dam a piece of glass from a broken bottle glittered like a bright little star, and that the black shadow of a dog or a wolf rolled past like a ball."- Anton Chekhov
    Tạm dịch:
    "Đừng nói với tôi là mặt trăng đang chiếu sáng; hãy chỉ cho tôi ánh sáng lấp lánh trên mảnh thủy tinh vỡ"
    "Trong các mô tả về Thiên nhiên, con người phải nắm lấy một số chi tiết nhỏ, gom chúng lại sao cho khí độc giả nhắm mắt, anh ta sẽ có một bức tranh. Ví dụ, bạn sẽ có được một đêm trăng sáng nếu bạn viết rằng : Trên cái đập nước xoay quạt, một mảnh thủy tinh từ một chai vỡ lấp lánh như một ngôi sao nhỏ sáng và rằng bóng đen của một con chó hay một con sói lăn cuộn qua như một quả bóng"

    (tiếp theo bên dưới)

    Trả lờiXóa
  2. (Tiếp theo trên)
    3.
    Tôi đã ghi "Vài Điều Về Văn Phong...": vài điều có nghĩa là chủ quan cảm xúc văn thơ tôi đọc, tôi thích; có thể bạn Nhi Phạm không thích, nếu vậy bạn có quyền lên tiếng, Tuy nhiên đừng tự cho mình là đúng rồi PHÁN người khác là SAI LẦM, hãy để độc giả nhận xét .
    Chuyện cảm nhận của tôi đău có gì mà phải "nâng quan điểm" lên, đưa đến nào là "Sai lầm mang tính lý thuyết, đụng chạm đến một trong những biện pháp tu từ quan trọng trong kỹ thuật viết văn, làm thơ" ghê qú vậy? Câu nói này theo tôi thì "sao ấy". Phê bình thơ thì lo phê bình thơ, lôi tôi vào với lời lẽ "dao to búa lớn" làm gì?
    4.
    Trả lời về câu này của Nhi Phạm: "không biết nhà văn Lâm Chương nên vui hay nên buồn?"
    - Về nhà văn Lâm Chương, anh là bạn tôi, tôi có gởi bài cho anh xem trước, hỏi có cần chỉnh sửa gì không? Anh Lâm Chương/ Chương Lâm FB góp ý với tôi :OK, cám ơn tôi, và nói không cần chỉnh sửa gì cả. Nói thêm, nếu bạn có đọc Sử Ký Của Tư Mã Thiên thì thấy văn phong của Lâm Chương như thế nào. Sử Ký Của Tư Mã Thiên - Nguyễn Hiến Lê dịch, in khoảng 1970-72, lúc đó có lẻ bạn xong Tú tài rồi đi lính, không biết có thời gian đọc không?
    5.
    Theo tôi: Vạch lá tìm sâu bắt chúng để chăm sóc vườn hoa là đúng. Tuy nhiên, bắt giết sâu để cho hoa không bị cắn, tàn lụi; chứ không lấy cớ bắt sâu rồi "bẻ luôn cành hoa" thì tội cho cây hoa lắm và hỏng cả vườn hoa. Đừng tự cho mình đúng, hiểu hơn người, đừng "đóng sẵn cái hòm" theo ý mình mà phải đo kích thước người trước, kẻo ... thì tội quá.
    Trân trọng
    Nguyên Lạc

    Trả lờiXóa
  3. “Trên đường về, nghiệm lại lời của lão thầy bùa, hắn hiểu ra rằng tình cảm trai gái đều bắt nguồn từ cái đó khác nhau mà thôi…”
    Rõ ràng nhà văn Lâm Chương đã không “vòng vo Tam Quốc” mà nói thẳng, nói “toạc móng heo” ý chính của truyện ngắn Bùa Ếch.
    (Phạm Đức Nhì)
    *
    Nếu thế, thì nhà văn Lâm Chương chỉ “TELL” ở đoạn kết thôi. Cũng như bạn Phạm Đức Nhì đã nhận xét về Nguyễn Bính trong bài thơ GIẤC MƠ ANH LÁI ĐÒ:
    “Bốn đoạn Show, Don’t Tell thì 3 đoạn thành công, đặc biệt hai câu kết - một thủ pháp Show, Don’t Tell xuất sắc. Đoạn 3 mất đi danh hiệu Show, Don’t tell và đáng tiếc nhất là do đó, tác giả đã để vuột khỏi tay chiếc huy chương vàng dành cho thi sĩ có Thi Phẩm Hoàn Toàn Show, Don’t Tell”.

    *
    Đó là xét bài thơ GIẤC MƠ ANH LÁI ĐÒ theo thủ pháp nghệ thuật “Show, Don’t Tell”. Nhưng Nguyễn Bính là nhà thơ “chân quê”, khi làm bài thơ trên, ông đâu có “Tây” như vậy.

    Xét theo những thủ pháp nghệ thuật cổ điển thì:

    “Đồn rằng: Đám cưới cô to
    Nhà giai thuê chín chiếc đò đón dâu
    Nhà gái ăn chín nghìn cau
    Tiền cheo, tiền cưới chừng đâu chín nghìn”

    Chính lời đồn này nói lên sự vỡ mộng của anh lái đò khi đã từng:

    “Để tôi mơ mãi mơ nhiều
    Tước đay xe võng nhuộm điều ta đi
    Tưng bừng vua mở khoa thi
    Tôi đỗ quan trạng vinh quy về làng
    Võng anh đi trước võng nàng
    Cả hai chiếc võng cùng sang một đò”

    Nên, anh lái đò bùng phát sự tuyệt vọng khi nghe lời đồn “đám cưới cô to”. Ở đây, thủ pháp nghệ thuật cổ điển là “kể lể” (TELL), minh họa cái “to” bị “ngoa ngôn, thậm xưng, cường điệu” khắc họa nền tương phản cho nỗi lòng ai oán của anh lái đò.

    Trả lờiXóa

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ