Trang

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2020

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU VỀ TRÀ (Kỳ 11) – Nguyên Lạc

 

 

QUAN NIỆM VỀ CHỮ ĐẠO TRONG VĂN HÓA UỐNG TRÀ VIỆT NAM


Ở nước Ta, miền Bắc thường gọi là cây chè; miền Nam lại gọi là cây trà; riêng xứ Nghệ, dùng từ chè khi sử dụng tươi, qua sao chế thì gọi là trà. Nước chè nấu từ lá tươi được gọi là nước chè xanh và nước hãm từ chè sao chế thì gọi là nước trà.  

Về Trà Đạo Việt Nam, tôi xin ghi ra đây những trích đoạn lý thú của nhà nghiên cứu Phan Lan Hoa trong bài Trà Đạo Việt Nam của chị:

[ Chữ “đạo” trong triết lý Đông phương là quy luật vận hành của trời đất. Đạo được định nghĩa thật đơn giản “nhất âm nhất dương vị chi đạo – Lão Tử đạo đức kinh”. Đạo sinh ra vạn vật. Còn đức là biểu hiện cụ thể của đạo trong từng sự vật, làm cho vật nào ra hình thù vật ấy và vạn vật tồn tại được trong vũ trụ là do đức. Cho nên dụng đức phải thật nhuần nhuyễn theo nguyên lý của đạo sao cho thật tự nhiên, càng tự nhiên càng gần với đạo, phải làm sao cho phù hợp với quy luật âm dương. “Vật cực tắc phản”, cái gì thái quá cũng sẽ trở nên bất cập ngay sau đó. Đạo là thứ triết lý vũ trụ, luận về thiên địa, ngũ hành, biến dịch âm dương, về năng lượng, chân khí. Đức dựa vào nguyên lý của đạo mà triển khai ra phép tu luyện thân tâm nhằm hướng tới đạt được trường sinh bất tử.

Cho nên những gì tuân theo tự nhiên thì hợp với lẽ đạo. Hơn ai hết các nghệ nhân chế biến trà Việt Nam thấu hiểu điều đó, nên mới dám liều đưa cả mười đầu ngón tay vào chảo để đùa với lửa, hòng cảm thụ sâu sắc nhất hơi thở của từng cánh trà đang trở mình trong “lò luyện đan”, cố gắng bảo tồn một cách hoàn hảo nhất tinh, thể tự nhiên của trà. Thả hồn vào công việc và có trách nhiệm tới cùng với công việc là cái đức của người lao động, cũng ví như một phép tu luyện công năng của đạo vậy, kết quả của ý thức tuân theo lẽ đạo thật mĩ mãn, sản phẩm dâng đời của họ là dư vị trà mê hoặc cả trần gian.

Nhầm lẫn chăng? “hòa – kính – tịnh” không phải là đạo, mà đó chỉ mới là ba trong những đức tính của con người. Chỉ có “thanh” mới là đạo tính của thiên địa. Cho nên phép thưởng trà chỉ đạt được tính thanh khiết của trời đất khi thể của cả trà và nước còn giữ được đủ đầy về cả tinh lẫn thần. Tinh là năng lượng của vạn vật, thần là năng lượng của trời đất. Cả hai thứ ấy (tinh và thần) đều là nguyên khí quốc gia. “Nhất nước” bởi nước bồi bổ thần lực cho trà đã đành, những còn giúp trà gột rửa bụi bặm, tẩy uế tạp chất, giữ cho thể chất của trà được tràn đầy tinh lực. Đây có lẽ là lý do vì sao thưởng trà mà lại đề cao nước lên trên trà.

Cái lý này của ông cha người Việt Nam há chẳng phải hợp lẽ đạo lắm ư? Sao hậu duệ cháu con hôm nay lại bảo Việt Nam không có trà đạo?

Sao cái gì tôi cũng thấy ngược với mọi người thế nhỉ? Người Việt Nam uống trà, không gò ép thái quá về lễ nghĩa, không lạm dụng thái quá trò biểu diễn nghệ thuật, để bốc đồng đẳng cấp trà. Tôn vinh nguyên lý tự nhiên, tôn vinh tinh thần của thiên nhiên. Hòa nhập chân khí của trà với nước, của nước với thiên địa nhân. Đạt được như thế chẳng phải là đạt Đạo rồi sao?

Bàn về chữ đạo là vậy, nên ai bảo Việt Nam không có trà đạo là tự khoe mình vô đạo. Bản chất của người Việt Nam được du khách đánh giá là khiêm nhường, hay cười và hiếu khách. Có vị du khách còn cất công đi cùng mọi ngõ hẻm làng quê Việt Nam để thực hiện bộ sưu tập “Nụ cười Việt Nam”. Đứng trên lý thuyết của phép tu tâm mà bình phẩm, thì người nào mà luôn cười được trong mọi hoàn cảnh, đạt được đức tính khiêm nhường, người ấy đã hành đạo tự nhiên đến mức nhuần nhuyễn. Lạc Việt là cái nôi của Đạo giáo, nên người Việt không chờ đến lúc khách tới nhà mới bày trò lễ giáo, bởi phép tắc ấy chưa hẳn là đạo? cũng không cần biểu diễn nghệ thuật pha hãm làm chi, bởi thái quá dễ mất đi cái đức “tịnh” cần có khi thưởng trà. Trà Việt Nam ẩn chứa trong mình năng lượng của trời đất và vạn vật, chẳng cần phải có hành động thúc đẩy làm gì. Dư vị ngọt đắng mỗi khi đã lắng đọng trên đầu lưỡi rồi, sẽ tự khai phóng tâm kinh con người thôi. Và trà nhân sành sõi sẽ cảm thụ được cái đức của người chế ẩm đến đâu để mà nể trọng, đạo tự nhiên mà thành giữa chủ khách đôi bên.

Sự thấm nhuần đạo lý không phải là chuyện nói ngoa mà được. “Trà nô – Tửu tướng” là triết lý trong thú ăn chơi của chúa Trịnh Sâm (1739 – 1782) đã được học giả nổi tiếng Vương Hồng Sển giải thích như sau: “… có nghĩa là uống rượu thì phải thật sang trọng và oai phong, uống như đại tướng vừa thắng trận ban sư hồi trào, có quân hầu tiền hô hậu ủng, có ca nhi chuốc rượu hiến tửu; nhưng trái lại, khi ẩm trà thì phải tự coi mình như là nô bộc của thứ đồ uống thanh nhã này…”. Chẳng biết trà dẫn đạo đến cho người, hay là người đưa đạo vào trà, cũng có thể cả đã hai dẫn dụ nhau gần với đạo lý. Chúa tự coi mình là nô bộc của trà – trà nô, nên hàng sáng khi chúa ngự trà, thì bà phi Tuyên là người tự tay quạt lò đun nước cho chồng, còn chúa Trịnh Sâm đích thân tự mình hãm trà ngự thưởng chứ không sai khiến người hầu. Trà cụ (đồ uống trà) của chúa đều do chúa tự thiết kế mẫu và ký kiểu riêng tại lò sản xuất trà cụ Cảnh Đức Trấn. Chúa còn đem triết lý trà nô vào trong các buổi ngự triều, dùng trà thay rượu để ban thưởng mỗi khi có ai đó trong các quan triều thần lập công. Thần tự nguyện làm nô bộc của chúa, chúa lại tự nguyện làm nô bộc của trà, rồi chúa lại đem thứ mình sủng ái là trà ban cho nô bộc của mình là thần, cái văn hóa ứng xử ấy của chúa răn dạy đạo lý ở đời, quan quân phải như cá với nước, luôn phải trung thành với nhau thì nghiệp nước mới vững bền.

Văn hóa Trà nô do chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm khai sáng. Sau trở thành nét văn hóa uống trà đặc trưng của người Việt phổ biến ở thế kỷ 18 – 19. Giới nho sĩ ở thời kỳ này thường có cái nhìn miệt thị đối với những ai uống trà mà phải để cho người hầu pha trà, tức không tự mình pha trà theo phong cách Trà nô. Lâu dần thành nếp, ngày nay trong các gia đình Việt, người đàn ông vẫn giữ thói quen tự mình pha trà để uống, vợ con chỉ ủng hộ bằng cách đun dùm phích nước để sẵn mà thôi.

Hiện ở kinh thành Huế một nhân chứng sống hiếm hoi, từng tận mắt chứng kiến cung cách Trà nô trong cung đình Việt, người ấy là nghệ nhân tranh thêu Lê Văn Kinh. Năm 2007, lần đầu tiên ông quyết định công bố bộ trà cụ là báu vật vua ban của ông ngoại mình là quan Tham tri bộ lễ Nguyễn Văn Giáo, triều vua Khải Định (1885 – 1925). Xin trích một đoạn ghi chép về lời kể của ông Lê Văn Kinh từ cuốn “Văn minh trà Việt” của trà nhân Trịnh Quang Dũng:

“Một viên lính lệ chuyên đun nước dưới bếp bằng một siêu đồng lá mỏng tang rất chóng sôi. Khi nước sôi, nước được chuyên sang ấm cù lao đưa viên lính lệ khác dâng lên cụ Tham tri. Là chủ buổi thưởng trà, quan Tham tri bộ lễ Nguyên Văn Giáo đích thân tự tay lau, tráng ấm chén, chuẩn bị bàn trà và pha tuần trà đầu. Chủ trà nâng chén bằng hai tay mời khách cùng đồng ẩm. Đợt đồng ẩm này như một nghi lễ mở đầu buổi thưởng trà theo cung cách Trà nô. Khi ấy các lính lệ đều phải lui ra để các cụ ẩm trà và đàm luận thi ca, nhân tình thế thái. Sau tuần trà đầu, vị chủ trà có thể tiếp tục pha trà hoặc trao quyền pha trà mời khách cho người thân tín, danh cao trọng vọng ngồi bên phía tay phải mình tiếp tục cho tới hết buổi thưởng trà. Một viên lính lệ đứng xa, mặt cúi xuống phe phẩy hầu quạt các cụ bằng những chiếc quạt tay có cán dài chế tác từ lông ngỗng, lông công tinh xảo”.

Pha trà, việc ấy ở các xứ khác là việc dành cho người phục vụ. Còn ở Việt Nam lại có chuyện bề trên pha trà mời hạ cấp dưới trướng. Một thái độ dân chủ, tôn trọng người hiền tài hình thành trong xã hội, người đời nay chớ nông nổi ngòi bút khi khen chê chế độ phong kiến là lạc hậu. Chỉ là tách trà thôi mà rờ rỡ được chữ đạo để đời. Văn hóa ứng xử ấy, bá quan văn võ thời nay mấy ai đã sâu xa được như vầy chăng?

Thói tục của người Việt ta xưa nay ăn uống mà chép miệng là bất lịch sự, cho nên ai đó chớ có vì một chút sĩ diện ta đây sành Tàu, sành Nhật mà vội vàng tâng bốc, vội vàng bắt chước xứ người chép miệng ba bốn cái khi uống trà. Bởi bắt chước người như vậy không chỉ phá hỏng đi cái phép tắc của dân tộc mình, mà coi chừng bị chế diễu là vô phép vô tắc đấy. Hãy khum năm ngón tay lại quanh chén trà, làm cho chén trà lọt trong lòng tay. Tay còn lại áp bên ngoài tay kia, để vài giây cho cảm nhận được hơi nóng ở lòng tay, đưa dần lên mũi và hít nhẹ, dùng trí não của mình dẫn dụ cho làn hương trà thơm đi vào đan điền thần. Rồi nhấp một ngụm vào miệng và ngậm lại, để cho trà từ từ lan vào chân răng, cổ họng, rồi lại thở nhẹ ra bằng mũi. Đưa nước trà vào vị (bao tử), hít một hơi thật sâu, nín thở và đếm đến 9, dùng ý chí mà dẫn dụ hơi ấm trà thơm vào đan điền khí, rồi đan điền tinh, lại thở nhẹ ra và mách bảo ý chí của ta rằng hãy tĩnh lặng ở nơi tâm hồn. Thoáng chốc, ta thấy các đan điền đều được khai thông, đầu óc ta trở nên nhẹ nhõm lạ thường…

Có nhiều phong cách uống trà được người xưa đúc kết: Độc ẩm một mình thì gọi là U (trầm mặc); hai người đối ẩm thì gọi là Thắng (vui tươi); ba người cùng thưởng ẩm thì gọi là Thích (là thân bằng 戚友, là vui buồn có nhau 休戚與共); còn chén trà được bề trên ban thưởng thì gọi là Tứ (ban ân)…]

                                                   (Trà Đạo Việt Nam – Phan Lan Hoa)

Để chấm dứt tiểu mục Trà Đạo Việt Nam này, tôi xin dùng bài thơ “ Hương chè xóm cũ” của bác sĩ Đinh Nhật Hạnh (từ bài viết của Phan Lan Hoa). Vì bài thơ dài nên chỉ trích đoạn:

Một ấm chè xanh, rộn ràng xóm nhỏ

Bóc củ khoai bùi tơi bột

Quạt mo phe phẩy, Mẹ cười

Tóc bỏ seo gà mười sáu

Mấy o làng rúc rích làm duyên.

Nồi đồng, ấm đất

Bát sứ, đọi sành

Mở vung ra, chè tỏa khói hương thơm

Chưa uống đã ấm bừng trong dạ

Bát chè xanh đậm đà.

Tôi kính cẩn nâng niu

Bộ ấm cổ gan gà thế Đức

Chuyển mấy đời chinh chiến vẫn tinh khôi

Bình minh nhất trản trà” phảng phất.

Nhập thiền nhìn khói biếc thơm hơi

Vỗ nhẹ búp sen, nhặt từng cánh trà rơi

Chắt từng giọt sương long lanh lá cốm

Ông cha mình sành điệu nhất trên đời.

Mời quý khách, không quen.

Dù chè ướp hoa sen, hoa sói

Chè mốc câu ba tép ngậm sao trời

Dù trà quý Thiết Quan Âm, Long Tỉnh …

Dẫu tuyệt vời – vẫn khát bát chè tươi !

Ai đó bảo dân mình không Trà đạo

Chắc chưa về xơi nước với quê tôi.

(Hương chè xóm cũ – Đinh Nhật Hạnh)


PHẦN PHỤ LỤC: GIAI THOẠI, VĂN VÀ PHIẾM LUẬN

I. Giai thoại trà

Uống trà, nói chuyện trà mà thiếu những giai thoại về trà quả mất đi phân nửa hồn trà. Bao quanh những huyền thoại trà có những giai thoại nửa hư, nửa thực để ca tụng trà. Cái thú của giai thoại là cho chúng ta một nụ cười hóm hỉnh, một triết lý thâm trầm hay một câu thi phú đối đáp xuất thần. Dưới đây là một số giai thoại lượm lặt được:

1. Giai thoại về thuốc linh đan

Người Trung Hoa từng nhắc đến lò luyện kim đan, viên thuốc linh đan cũng như một loại trà tên là “trà tố nữ” (hay trà trinh nữ) như là một thành tích kỳ diệu của văn hóa nước họ. Nhưng tư liệu của người Tàu viết về những thứ này lại rất mơ hồ không rõ ràng, khiến cho người Trung Hoa đời sau cho rằng đó là những thứ không có thật, mà chỉ là truyền kỳ. Vậy mà câu chuyện lò luyện kim đan và trà trinh nữ lại là chuyện có thật được ghi chép trong lịch sử Việt Nam, là Made in Việt Nam 100%. Gíao sư Hoàng Xuân Hãn trong quá trình nghiên cứu về lịch sử vùng đất La Sơn (Hà Tĩnh) đã lục tìm được tư liệu ghi chép về loại trà này. Theo đó ghi chép của lịch sử và cả ghi chép của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, thì chính ông là người truyền phép tu tiên và phương pháp luyện trà trinh nữ cho quan tham tụng Nguyễn Hoãn (năm Cảnh Hưng thứ 44 – 1784, đời chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm). Sau đó được Nguyễn Hoãn triển khai luyện đan ở chốn cung đình và trở thành một loại trà thượng phẩm, thịnh hành ở thời Lê – Trịnh. Ghi chép tại mục Tiên khảo Đạo tu lục – Nguyễn Gia Thế Đức Phổ dòng La Sơn Phu Tử như sau: “…Nguyễn Hoãn nuôi con gái 15 tuổi để làm đỉnh, chú thích rõ chép mật truyền biết rằng kim đan đại dược là ở nữ đỉnh (đỉnh là đồ nấu thuốc tu tiên, nữ đỉnh là con gái đồng trinh dùng để thay đỉnh luyện đan) …giờ Tuất, giờ Hợi lúc âm khí thịnh, làm phép thái thủ, trên cho hấp khí trời, dưới lấy tinh. Đỉnh lực nào kém lập tức cho thay. Trong khuê phòng thường có ba bốn người, người ở lâu được vài năm, người ở mau được tám chín tháng, cả thảy hơn trăm nữ đỉnh..”. Như vậy đã rõ: Kim đan đại dược đồn đại xưa nay trong thiên hạ chính là trà trinh nữ. Người xưa đợi đến giờ âm thịnh của tuần trăng, lựa chọn những thiếu nữ đồng trinh ở độ tuổi 15 – 16 có khả năng toát năng lượng âm tốt nhất cho quấn trà quanh người, rồi để nằm phơi dưới trời khuya để hấp thu hai nguồn năng lượng âm của trăng và của người trinh nữ. Có người hiểu rằng treo túi trà vào chỗ kín của nữ giới tôi e là không phải? Tinh ở đây nên hiểu là tinh khí. Như tôi đã có nói ở phân trên bài viết: thần là năng lượng của vũ trụ, tinh là năng lượng của vạn vật, “dưới lấy tinh” trong mô tả của La Sơn Phu Tử ý là hấp thu lấy nguồn tinh lực của người trinh nữ. Thứ trà ấy mang năng lực âm, chỉ dành cho nam giới dùng trong phép tu tiên, uống vào thì cân bằng âm dương, cơ thể trở nên sức lực dẻo dai phi thường. La Sơn Phu Tử cũng mô tả Nguyễn Hoãn: “ Nhờ dày công tu luyện, nên ông già mà tóc bạc, mặt trẻ. Hơn 60 tuổi còn sinh 4 con”.

Về cuộc đời của Nguyễn Thiếp, ông đỗ Tam trường năm Mậu thìn (1748). Được bổ làm quan tri huyện ở Nghệ An dưới thời Lê – Trịnh, nhưng về sau ông đã cáo quan lên núi Thiên Nhận tu tiên. Đạo tu tiên là dòng đạo chính thống của người Việt Nam, có từ thời vua Hùng trên đất Hà Tĩnh. Truyền thuyết Tiên Dung – Chử Đồng Tử còn lưu lại vết tích trên núi Quỳnh Viên mà Hoàng giáp tiến sĩ Bùi Dương Lịch đã nhắc đến khi nói về suối Hiêu Hiêu. Cho đến thế kỷ thứ 18, 19, biệt danh của các văn nhân chí sĩ xứ Nghệ An thể hiện họ đều là các đạo sĩ. Sau do thịnh tình của vua Quang Trung, mời đến 3 lần, Nguyễn Thiếp mới chịu xuống núi và nhận lời làm quân sư của vua Quang Trung. Khi nhà Nguyễn Tây Sơn thất thế. Vua Gia Long Nguyễn Ánh tiếp tục vời ông vào triều nhưng ông từ chối, tiếp tục lên núi tu tiên và mất ở đó. Nơi ấy ngày nay vẫn còn di tích. Thứ trà mà Nguyễn Thiếp sử dụng để luyện đan ắt hẳn là thứ trà búp đặc sản địa phương của vùng La Giang quê ông. (Trà Đạo Việt Nam – Phan Lan Hoa

2. Giai thoại về Nguyễn Khuyến

Một giai thoại rất có vẻ thực liên quan đến một loài cây cũng gọi là trà nhưng thường người ta gọi là sơn trà hay trà mi . Giai thoại này liên quan đến một nhà thơ nổi tiếng Việt Nam là cụ Nguyễn Khuyến.

Vào năm 1905, tuần phủ Hưng Yên tên là Lê Hoan có tổ chức cuộc thi thơ “Vịnh Kiều”. Dù không muốn tham gia, nhưng nhiều lần quan tuần phủ triệu mời nên cuối cùng cụ Nguyễn Khuyến đành tham dự ban giám khảo.

Trong cuộc thi này Chu Mạnh Trinh có gửi hai chục bài đến dự thi và đoạt giải nhất kỳ thi này. Tuy nhiên. khi chấm thi Nguyễn Khuyến thấy thơ Mạnh Trinh có hai câu:

Làng nho người cũng coi ra vẽ,

Bợm xỏ ai ngờ mắc phải tay!

Là một nhà nho, cụ Nguyễn Khuyến rất nghiêm trong ý tứ câu đối, phê ngay

Rằng hay thì thật là hay,

Đem nho đối xỏ lão này không ưa.

Tuy đoạt giải nhất nhưng lời phê này lọt đến tai Chu mạnh Trinh, Trinh để bụng không vui. Về sau khi làm án sát Hưng Yên, lúc đó Nguyễn Khuyến mắt đã lòa, Mạnh Trinh biếu cụ Nguyễn một chậu hoa trà (loài hoa chỉ có sắc mà không có mùi hương) với dụng ý châm biếm cụ Nguyễn không biết thưởng thức văn thơ. Cụ Nguyễn Khuyến cũng hiểu và viết một bài thơ gửi Chu Mạnh Trinh như sau:

Tết đến người cho một chậu trà,

Đương say còn biết cóc đâu hoa!

Da mồi tóc bạc, ta già nhỉ,

Áo tía đai vàng, bác đó a?

Mưa nhỏ những kinh phường xỏ lá,

Gió to luống sợ lúc rơi già!

Lâu nay ta chỉ xem bằng mũi,

Đếch thấy hơi thơm, một tiếng khà!

Chu Mạnh Trinh đọc xong mới thấy hổ thẹn lòng nhỏ nhen của mình và càng khâm phục phẩm chất cụ Nguyễn.

3. Giai thoại về Trà sư Nhật

Chỉ ai sống vì cái đẹp mới được chết thật đẹp. Giây phút cuối đời của các đại trà sư vẫn đầy vẻ tao nhã tuyệt đẹp như khi họ từng sống. Luôn đi tìm sự hòa điệu với nhịp sống vĩ đại của vũ trụ, các trà sư mãi mãi chuẩn bị cho sự hòa nhập vào cõi hư vô. Câu chuyện “Chén Trà Cuối Cùng của Lợi Hưu” sẽ mãi vươn lên đỉnh cao của sự bi hùng đó.

Tình bằng hữu giữa Lợi Hưu (Rikiu) và Thái Cáp Tú Cát (Taiko-Hideyoshi) dài bao lâu, sự quý kính đối với bậc trà sư của người chiến binh vĩ đại càng cao bấy nhiêu. Nhưng tình bạn của một bạo chúa luôn là thứ vinh dự nguy hiểm. Thời ấy đầy rẫy sự phản trắc, và thậm chí người ta cũng chẳng dám tin vào người thân gần gũi nhất. Lợi Hưu (Rikiu) chẳng qua chỉ là một đình thần đê hạ, vậy mà ông thường cả gan biện luận trái ý với vị chúa công bạo tàn của mình. Lợi dụng những lúc có sự lạnh nhạt giữa Thái Cáp và Lợi Hưu, kẻ thù của Lợi Hưu cáo buộc ông liên can vào một âm mưu hạ độc bạo chúa này. Chuyện này xì xào đến tai Tú Cát (Hideyoshi) thứ nước uống màu xanh lục chết người này được pha chế bởi một trà sư và dành dâng lên cho Tú Cát. Với Tú Cát, chỉ cần nghi ngờ thôi cũng đủ là bằng cớ cho hành hình ngay tức khắc, và chẳng lời kêu xin nào lay chuyển được vì quân chủ đang thịnh nộ. Chỉ có một ân điển dành cho kẻ bị kết án – vinh dự được tự xử mình.

Vào ngày định mạng tự xử, Lợi Hưu (Rikiu) cho vời các đại môn đồ của mình lại dự nghi lễ trà lần cuối. Đến giờ đã định, các khách mời buồn thảm đứng ngay trước cổng, dưới mắt họ những hàng cây hai bên lối đi trong vườn dường như đang rùng mình, và trong tiếng xào xạc của tàn lá nghe như có tiếng rên rỉ của những vong linh vô chủ. Mấy chiếc đèn đá xám xịt (Thạch đăng lung) sừng sững như những âm binh đứng gác trước cổng Quỷ Môn Quan. Một làn hương thơm từ trà thất tỏa ra, đó là lời triệu mời khách vào trong. Từng người một bước tới và an tọa vào vị trí của mình. Trên sàn gian treo một bức hoành, dòng chữ tuyệt đẹp của một vị tăng thời xa xưa nói về tính không của muôn vật trên cõi trần này. Ấm nước reo, nó đang sôi trên lò than hồng, nghe như tiếng ve sầu trút ra lời phiền muộn của chúng trước sự chia ly với mùa hè. Chủ nhân bước vào trà thất. Mỗi người lần lượt được mời trà, và mỗi người lần lượt tĩnh lặng uống cạn chén của mình; chủ nhà dùng cuối cùng. Theo nghi thức, vị khách trưởng tôn xin phép xem xét trà cụ. Lợi Hưu bày ra mọi thứ trà cụ, với cả bức hoành. Sau khi mọi người buông lời tán thán, Lợi Hưu biếu mỗi người một món đồ làm kỷ vật. Chỉ còn lại chiếc chén ông đang dùng. “Chiếc chén này sẽ không còn, nó đã bị kẻ bất hạnh này làm cho ô uế nên chẳng thể để ai dùng nữa.”. Nói xong ông đập vỡ chén ra từng mảnh.

Buổi lễ đã kết thúc, khách dự không ai cầm được nước mắt, nói lời vĩnh quyết và lui ra khỏi phòng. Chỉ một người, người gần gủi và thân cận nhất với Lợi Hưu, được yêu cầu ở lại làm chứng nhân cho đoạn cuối. Lợi Hưu cỡi chiếc áo trà hội ra và cẩn thận gấp lại trên chiếu, lộ ra chiếc tử phục trắng toát không một vết bẩn mà ông đã mặc giấu từ trước ở bên trong. Ông trìu mến nhìn ánh loé phát ra từ lưỡi thanh đoản đao định mệnh, rồi ngâm tặng nó mấy vần thơ diễm tuyệt:

Chào ngươi,

Ôi thanh gươm vĩnh hằng!

Quán tưởng Phật đà

Và quán tưởng Đạt Ma

Ngươi có chìa khóa đi vào đại đạo.

Lợi Hưu đi vào cõi hư vô với nụ cười nở trên khuôn mặt.

(Trích: Trà Đạo – Bảo Sơn dịch từ The Book of Tea của Okakura Kakuzo)

 


4. Trà và Thiền

a. Nan-in, một Thiền sư Nhật sống vào thời Minh Trị (1868-1912), tiếp một giáo sư đại học đến hỏi về Thiền. Nan-in mời trà. Ông đã rót đầy tách của khách nhưng vẫn tiếp tục rót thêm. Vị giáo sư ngồi nhìn nước trong tách tràn ra cho đến khi không kiềm mình được nữa: “Đầy quá rồi. Xin đừng rót nữa”. Nan-in nói: “Giống như cái tách này, ông cũng đầy ắp những quan niệm, những tư tưởng của ông. Làm sao tôi có thể bày tỏ Thiền cho ông được, trừ phi ông cạn cái tách của ông trước? (Góp Nhặt Cát Đá – Đỗ Đình Đồng dịch)

b. Một chàng trai tìm đến nhà sư, anh hỏi:

-Thưa thầy! Con muốn buông xuôi tất cả, nhưng con do dự quá, con mệt mỏi vô cùng.

Nhà sư đưa anh một cái tách và bảo anh cầm, đoạn ông rót đầy tách trà nóng vừa mới pha xong. Chàng trai nóng quá, nhưng anh vẫn không buông tay, mà chuyển từ tay này sang tay kia cho đến khi nguội đi rồi uống và cảm nhận thấy rất ngon.

Lúc này nhà sư mới từ tốn nói:

Cứ đau là buông thì con sẽ bỏ lỡ những cái tốt đẹp sau đó!

Vấn đề: Tại sao cứ đau là phải buông, trong khi còn có thể làm cho nó tốt đẹp hơn?

Trong cuộc đời vốn phức tạp này, chỉ có ta mới biết lúc nào nên cầm lên & bỏ xuống chuyện của chính mình – (Lời dạy từ các Thiền sư)

II. Văn viết về trà

Xin trích ra đây vài đoạn lý thú bài tản mạn “Tôi Nghe Tiếng Nước Reo Trên Bếp” của văn thi sĩ Nguyễn Xuân Thiệp liên quan tới trà.

[Tiếng nước reo trên bếp là âm thanh quen thuộc của nhiều người Việt mình. Với Nguyễn nó gợi lên nhiều hình ảnh và cảm xúc của những chặng đời đã qua. Nó là âm thanh của đoàn viên ấm cúng mà đôi khi cũng là tiếng vọng của cô đơn khi ta đã đi vào buổi chiều của đời với nhiều mất mát …

Ở Đà Lạt, còn có những buổi sớm mai đun nước pha trà trong quán Lục Huyền Cầm của Lê Uyên Phương. Trà tường vi. Thật là tuyệt vời. Tiếng nước reo trong căn nhà gỗ, những cánh tường vi nổi trong chung trà thơm ngát. Hai anh em bàn về việc đưa những bài Sử Ca (thơ Nguyễn Xuân Thiệp, nhạc Lê Uyên Phương) lên sân khấu –có ban hợp xướng, và người đọc thơ dẫn chương trình và cái màn phông là cảnh một ải quan với vầng trăng khuyết. Tất cả những dự tính đó cũng như bao điều đẹp đẽ ở đời cuối cùng đã không thực hiện được. Chỉ còn tiếng nước reo trên bếp hồng và mùi hương trà tường vi trong trí tưởng.

Âm thanh của ấm nước reo trên bếp và mùi hương cúc, dạ lý hương, hương tường vi bỗng tắt hết khi bước chân vào những trại tù Cộng Sản. Thỉnh thoảng lắm mới nghe được tiếng nước sôi trong những lon guigoz cải thiện rau củ. Ôi những âm thanh của nhọc nhằn, khổ ải.

Cho tới ngày ra trại, đi định cư ở Mỹ. Sang tới Mỹ ấm nước lại reo mỗi buổi sáng mai. Cuộc đời ấm trở lại. Xin hãy đọc một đoạn trong bài Trà Ca:

Đầu xuân, một bạn văn ở Los Angeles gởi cho gói trà. Trà mang nhãn hiệu Tuyết Sơn, mở ra thơm ngát. Lúc bấy giơ tuyết phủ trắng thành Oklahoma, nơi tôi ở. Chỉ trong một đêm, phong cảnh đã đổi khác, như trong truyện thần tiên của Hans Christian Andersen. Buổi sáng mở cửa nhìn ra vườn, ngạc nhiên đến sững sờ, vừa cảm động vừa hân hoan. Tuyết, lần đầu tiên nhìn thấy trong đời. Vội vàng vào bếp đun ấm nước. Tiếng nước reo như tiếng gió qua lũng thông vàng. Hương trà bốc lên trong tĩnh lặng sớm mai khi tuyết đã trắng mái nhà, cây cối, bờ rào và những con đường hiu quạnh. Một vài bóng quạ chập chờn, điểm những chấm đen thẫm, như trong tranh mộc bản. Nâng chung trà lên, nóng ấm trong lòng bàn tay. Uống vào một ngụm, nhìn ra tuyết bay, thấy mình là người hạnh phúc trên đời. Thì ra, hạnh phúc vẫn có đấy, dẫu hiếm hoi và nhỏ bé so với những nỗi khổ vô cùng tận của kiếp người. Vậy, bạn bè ơi, hãy tận hưởng những hạnh phúc phù du ấy đi, để hồn tan trong hương trà buổi sớm mai, và nghĩ đến những điều tốt đẹp trên đời”.

Đó là những ngày đầu mới tới Mỹ ở Oklahoma. Sau này ở Dallas, trong ngôi nhà của con trai trên đường White Swan hay trong căn townhouse thuê trong khu Woodcreek, tiếng nước vẫn reo mỗi sáng mai. Vợ phải thức dậy đi làm sớm nên mình dậy theo nấu ấm nước pha cà phê và trà hai người cùng uống. Ôi những tháng năm hạnh phúc đã qua làm sao quên được. Bây giờ, mỗi sáng mình vẫn đun ấm nước pha cà phê nhưng cà phê chỉ một mình. Cuộc đời sang trang khác, cô liêu và quạnh quẽ, may còn tiếng nước reo để tưởng tượng một hình bóng xa…]

(Tôi Nghe Tiếng Nước Reo Trên Bếp – Nguyễn Xuân Thiệp, Phố Văn Blog)

III. Phiếm luận

1. Trà tam rượu tứ

Thử tìm hiểu xem câu tục ngữ “trà tam rượu tứ” này muốn nói điều gì?

Có nhiều ý kiến:

11. “Trà tam, rượu tứ” là gì? Xin thưa: Độc ẩm một mình thì gọi là U (trầm mặc); hai người đối ẩm thì gọi là Thắng (vui tươi); ba người cùng thưởng ẩm thì gọi là Thích (là thân bằng 戚友, là vui buồn có nhau 休戚與共); còn chén trà được bề trên ban thưởng thì gọi là Tứ (ban ân). “Trà tam” gọi là Thích: là trà uống vì thân bằng, vì vui buồn có nhau; còn “rượu tứ” là thứ rượu ban thưởng giữa quân thần, giữa bề trên bề dưới. Nhưng đến đời Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm, khi chúa tự coi mình là nô bộc của trà, thì rượu tứ đã được thay bằng trà tứ, vậy là phong phú Việt Nam, rượu tứ có mà trà tứ cũng có trên đời. Có trà thưởng thì cũng có trà phạt, khi thấy chủ nhân hắt chén trà ra sân, thì khách nên lịch sự đứng dậy cáo từ ra về, bởi đó là thái độ không muốn tiếp chuyện nữa rồi.(Trà Đạo Việt Nam – Phan Lan Hoa)

12. Nếu tách riêng “chè tam” thì có thể hiểu là “trà tam tuần” (3 lần pha trà -3 lần cho nước vào ấm trà). Uống trà không nên uống quá 3 tuần, vì lần nước thứ ba trà đã nhạt, mất ngon. Phần trên đã nói: Nước thứ nhất được gọi là Hoàng Đế trà, theo nguyên tắc Quân Sư Phụ; nước thứ hai là Lão Bá, tức là cha mẹ ông bà, hay thầy giáo, người mình kính trọng; Nước thứ ba gọi là Bình Dân trà.

Còn “rượu tứ” có thể hiểu uống rượu không nên uống quá 4 chung, vì sẽ làm người ta say, gây ra những hậu quả đáng tiếc. Nếu uống trong định mức đó thì ngon và có lợi cho sức khỏe, còn uống quá số lượng đó là thừa, mất ngon và kết quả là rất khó lường.

Rượu thì nồng độ phải là “sủi tăm”, “cuốc lủi”, sực nức cay nồng, không nhạt thếch, không cháy cổ mới là rượu ngon, nhắm đến chén thứ tư- “tửu tứ” là vừa đủ độ ngà, là ranh giới giữa chừng mực và độ bốc.

13. Có người giải thích “trà tam rượu tứ” là uống trà phải uống ba người, uống rượu phải uống bốn người! Họ biện luận rằng, uống trà là để bàn thế sự, kim cổ đông tây, nên cần người thứ ba làm trọng tài! Còn uống rượu phải có bốn người, chia 2 cặp nói chuyện, rồi thay nhau mới vui (“Tửu nhập ngôn xuất”: Rượu vào lời ra).

Ý này có vấn đề:

Nếu nói uống trà cần người thứ ba để làm trọng tài, thi lỡ người thứ ba hùa theo người kia thì sao? (thường xảy ra)

Còn nếu nói khi uống rượu cần bốn người để chia phe cho cân sức, thì lỡ ba người chọi một thì sao? (thường xảy ra)

14. Ý kiến thứ ba dựa vào Kinh Dịch (của tác giả bài viết):

Trước hết ta nên chú ý trong Kinh Dịch:

Số lẻ: 1, 3, 5 … là số dương; số chẳng: 2, 4, 6 … là số âm:

Chữ dương () gồm hai phần: bên trái là sườn núi hoặc bức tường; bên phải, trên có mặt trời lên khỏi chân trời, dưới là những tia sáng mặt trời chiếu xuống: – Do đó, dương trỏ phía có ánh sáng, phía sáng.

Chữ âm () gồm hai phần: bên trái cũng là sườn núi, bên phải, trên có nóc nhà, dưới có đám mây: -Do đó, âm trỏ phía mặt trời bị che khuất, không có ánh nắng, phía tối.

Phía có ánh nắng thì ấm áp, cây cối tươi tốt; còn phía không có ánh nắng thì lạnh lẽo, cây cối không phát triển. Do đó âm/ dương từ cái nghĩa tối/ sáng chuyển qua nghĩa lạnh/ nóng, đêm/ ngày, mùa đông/ mùa hè, mặt trăng/ mặt trời, chết/ sống, yếu/mạnh, giống cái/ giống đực, suy/ thịnh, xấu/ tốt, hư/ thực, tiểu nhân/ quân tử, đóng/ mở, đục/ trong…

. Tam = 3, tượng trưng cho Càn/Trời -Tam Thiên (3: tròn)

. Tứ = 4, tượng trưng cho Khôn/Đất – Tứ Địa (4: vuông)

Do nghĩa này câu “trà tam rượu tứ” người xưa quan niệm là uống trà – dương – thanh tao, cao nhã … ; còn uống rượu – âm – phàm tục.

Lại nữa người xưa cũng thường nói: Ăn ở vuông tròn: Tam=tròn, Tứ= vuông. Đồng tiền xưa tròn bao vuông ở giữa, cũng nói rõ sự cao nhã của tròn bao trọn cái “gồ ghề” “sắc cạnh” vuông.

Ăn ở sao cho vuông tròn” nghĩa là ăn ở sao cho phải đạo.

Vì uống trà suy nghĩ thâm trầm, kín đáo … còn uống rượu thì ồn ào, “rượu vào lời ra”, nên thời Pháp thuộc, mật thám thường theo dõi uống trà hơn uống rượu. Thời này giống chăng?

15. Ý nghĩ sau đây cũng hợp lý:

Tam: 3 muốn nói là ít người, Tứ: 4 là nhiều người. Uống trà thì cần ít người, uống rượu thì nhiều người mới hay.

2. Ngôn ngữ hai miền

Anh chàng sinh viên gốc Hà Nội vừa vô nam quen được cô bạn gái dễ thương. Sau một hồi tán tỉnh mời được cô bạn đi uống nước, nhưng trong lòng thắc thỏm vì túi tiền quá mỏng. Tìm được một quán nước vỉa hề, hai người ngồi uống nước hàn huyên. Anh chàng vốn bệnh sĩ Hà Nội cao giọng kêu cô chủ quán:

“Chị ơi cho xin hai ly chè”. Hai người tiếp tục hàn huyên nhưng chờ quá lâu mà chẳng thấy mang trà ra. Anh chàng hỏi lại. Cô quán nhiệt tình trả lời: “Dạ, em nhờ đứa em đi mua chè cho anh chị rồi”. Anh chàng chẳng hiểu gì, còn cô bạn gái phá lên cười. “Chè này là chè đậu nấu đường, thôi anh nán một chút ăn cho vui”, cô gái nói. (Miền Bắc gọi trà là chè). Anh chàng trong bụng rầu thúi ruột nhưng ngoài mặt cố làm vui. Ngày mai lại ăn mì tôm mất rồi –

                                                                   (Nguồn khanhhoathuynga)

(Còn tiếp kỳ 12 – Kỳ cuối)                                                                                                                                                             Nguyên Lạc


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ