Nguồn:
https://www.vinadia.org/hoi-ky-nguyen-dang-manh/xuan-dieu/
https://www.vinadia.org/hoi-ky-nguyen-dang-manh/xuan-dieu/
Có
một hồi, người ta cứ đồn Xuân Diệu ái nam ái nữ. Không rõ hư thực thế nào. Rồi
anh cưới Bạch Diệp. Ái nam ái nữ sao lại lấy vợ? Nhưng được mấy tháng, Bạch Diệp
bỏ luôn. Vậy là sao?
Thực
ra Xuân Diệu chỉ mắc chứng đồng tính luyến ái và bất lực trong quan hệ tình dục,
chứ không ái nam ái nữ.
Hồi
kháng chiến chống Pháp, tôi công tác với anh Lã Hữu Quỳnh ở Sở Giáo dục Liên
khu Việt Bắc (Anh Quỳnh là một nhạc sĩ, sau 1954, về Hà Nội làm Hiệu phó trường
nhạc trung cấp). Anh quê ở Bắc Giang. Trong thời gian kháng chiến, các văn nghệ
sĩ đi công tác qua, thường ghé vào nhà anh ngủ nhờ. Một lần, Xuân Diệu và Trần
Văn Cẩn vào ngủ nhờ. Nửa đêm, anh thấy Cẩn đùng đùng dậy chửi mắng Xuân Diệu thậm
tệ.
Anh
Xuân Tửu một lần cùng Xuân Diệu ở trong một đoàn văn nghệ sĩ đi thăm đảo Cô Tô.
Chiều hôm trước họ nghỉ lại ở Móng Cái để hôm sau đáp tàu ra đảo. Xuân Tửu muốn
tắm truồng nên một mình lang thang ra biển tìm chỗ vắng người. Nhưng rất phiền
là cứ thấy Xuân Diệu lẽo đẽo đi đằng sau. Đi một chập, Xuân Diệu biết ý Xuân Tửu,
nói: “muốn tắm truồng phải không? Thì cùng tắm”. Xuân Tửu mừng quá không phải
vì được tắm, mà vì nhân dịp này, biết đích xác Xuân Diệu có ái nam ái nữ hay
không. Anh giương mục kỉnh để nhìn cho rõ – Té ra rất đẹp! – Xuân Tửu nói với
tôi như vậy.
NHÀ
THƠ XUÂN DIỆU TRONG “HỒI KÝ NGUYỄN ĐĂNG MẠNH”
Hồi kháng chiến chống Pháp, có lần tôi đã được thấy
Xuân Diệu. Lúc ấy tôi đang học ở trường Trung học kháng chiến đóng ở Đào Giả –
Phú Thọ. Tôi đi khám bệnh ở một bệnh viện ở Đại Đồng. Hình như anh cũng đi chữa
răng thì phải. Có người biết Xuân Diệu, chỉ cho tôi. Anh đi xe đạp, mái tóc lượn
sóng, rất thi sĩ.
Từ ngày về Hà Nội học, rồi công tác ở Đại học, tôi có
dịp đến Xuân Diệu mấy lần cùng với Nguyễn Duy Bình và Hoàng Ngọc Hiến. Vào cuối
những năm 60, sang những năm 70 của thế kỉ trước, tôi luôn viết cho tạp chí Tác
phẩm mới do Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tô Hoài thay phiên nhau phụ trách, vì thế
luôn có dịp tiếp xúc với Xuân Diệu.
Xem chừng anh rất tín nhiệm tôi. Có lần tôi ngồi uống
cà phê với anh ở 24 Điện Biên, bỗng anh nói: “Đây là hai tài nhân nói chuyện với nhau” (Anh không nói nhân tài
mà lại nói tài nhân)
Khi tập thơ Những năm 60 của Huy Cận ra đời, Xuân Diệu
đặt tôi viết bài phê bình đăng Tác phẩm mới. Anh nói, Huy Cận đang đi Pháp, Mạnh
phải viết thẳng tay, nêu rõ nhược điểm cho cậu ta đỡ chủ quan. Tập thơ nhiều
bài yếu lắm. Khi viết bài ấy, anh có trao đổi góp ý với tôi.
Biết anh mến tôi, tôi đến anh luôn.
Xuân Diệu là người rất chu đáo, thiết thực và tiết kiệm.
Chu đáo, thiết thực, tiết kiệm đến tỉ mỉ, chi tiết. Thấy tôi viết bản thảo kín
cả hai mặt giấy, anh cho tôi một cuốn giấy báo, bảo rọc ra, viết một mặt thôi
(Hồi này đời sống khó khăn đến nỗi giấy trắng để viết văn, viết báo cũng thiếu
thốn. Tôi thường phải dọc giấy để dùng làm bản thảo những tờ giấy bỏ thừa không
viết hết ở cuối những bài tập làm văn của học sinh, vợ tôi thường thu về nhà để
chấm). Những lần tôi đến anh vào buổi chiều, mải nói chuyện đến gần tối, anh
thường giục tôi về, vì đường thì xa, đi lại nguy hiểm. Anh nói: “Có thể ở nhà vợ lo bị cướp xe đạp ấy chứ!”.
Có lần trời nắng, đi qua nhà anh, tôi tạt vào mượn cái mũ. Anh cho mượn cái mũ
lá đã cũ (hình như của Hà Vũ, con Huy Cận), vậy mà vẫn dặn phải giữ cẩn thận,
khi nào ra Hà Nội trả lại anh. Có lần đang ngồi với anh, thấy có người nhà đem
sách báo cũ ra bán cho hàng đồng nát. Anh gọi với theo: “Này, những cái bìa sách các tông đẹp, nhớ lấy lại mà dùng”. Thấy
anh có một u già giúp việc (U Khang), tôi tưởng mọi việc chợ búa, bếp núc, anh
chẳng phải quan tâm. Vậy mà không phải. Anh tỏ ra rất thạo giá cả thực phẩm
ngoài chợ, giá trứng, giá thịt. Có lần tôi đã được nghe anh tính toán rất tỉ mỉ:
“Ba quả trứng gà 33 đồng, 2 quả trứng vịt
lộn giờ 18 đồng một quả, nhân 3 là 36 đồng, bổ hơn 3 quả trứng gà chứ, 3 lạng
thịt bò nhiều hơn 3 lạng thịt lợn, vì thịt bò nhẹ hơn. Nhưng 3 lạng thịt bò có
bổ hơn 2 quả trứng vịt lộn không thì chưa rõ. Nhưng cũng phải đổi món chứ…Còn
thịt chó thì thịt lẫn xương 4 đồng rưỡi một lạng, thịt nầm 6 đồng một lạng…”
(Tính theo giá tiền đầu những năm 1980). Thấy tôi nhiều khi có vẻ lơ đãng, cẩu
thả, anh thường nói giễu: “Cậu đúng là
nhà văn lớn”, hoặc “cậu nghệ sỹ quá, nghệ sĩ hơn cả mình”.
Một lần tôi đến Xuân Diệu với con trai tôi là Nguyễn
Đăng Thanh. Nó sắp đi nước ngoài học. Tưởng tôi đưa con đến chào anh trước khi
đi Liên Xô, anh rất cảm động. Anh sôi nổi dặn dò cháu đến nửa tiếng đồng hồ.
Xuân Diệu thỉnh thoảng có một chuyến đi xa, như đi
Liên Xô, Pháp hay ấn Độ gì đó. Bao giờ anh cũng chú ý mua quà về cho những người
thân. Nhưng không tuỳ tiện mà lập danh sách hẳn hoi, và tuỳ từng người mà tặng
các món quà khác nhau. Tôi cũng được nằm trong danh sách ấy. Khi thì một cái áo
sơ mi, khi thì một bao thuốc lá ngoại, sang nhất là một cái đồng hồ đeo tay
Liên Xô hiệu Pơndốt.
Xuân Diệu làm việc rất cần cù. Một tấm gương lao động
quyết liệt: đọc sách, dịch sách, viết văn, làm thơ. Mùa hè, tôi thấy anh xoay
trần ra viết. Nghỉ ngơi cũng là học tập. Anh mở nhạc cổ điển ra nghe. Anh nói,
cứ nghe nhạc mãi, dù không hiểu nó cũng thấm vào người. Vậy mà có ai đến chơi,
anh vội vàng xếp cả lại, tiếp đón rất nhiệt tình. Kể cả người anh không ưa. Có
một lần đang nói chuyện với anh, thấy một người ghé vào. Anh tiếp rất niềm nở.
Khi người ấy về, anh nói với tôi: “Sao
tôi ghét thằng cha này thế!”. Ghét mà vẫn tiếp chu đáo? Đoán biết tôi thắc
mắc thế, anh giải thích: “không tiếp nó lần
sau nó không đến nữa”. Tôi nhớ lại, có lần anh nói: “Người ta yêu vờ yêu vịt còn hơn là lạnh như tiền. Người ta vỗ tay để lấy
lòng mình thôi còn hơn là không vỗ tay”. Lại nhớ câu thơ của anh:
Và
hãy yêu tôi một giờ cũng đủ
Một giây cũng cam, một phút cũng đành.
Một giây cũng cam, một phút cũng đành.
Thì ra Xuân Diệu rất sợ cô độc. Rất lo không có ai
thương mình, không có ai nhớ mình, tìm đến với mình.
Xuân Diệu rất sợ chết. Có lần tôi đến anh. Anh chỉ bức
ảnh bà má của anh mắc vào giá sách, nói: “Bà
má mình đấy. Bà ấy mất rồi. Không có bằng chứng gì chứng tỏ bà đã từng sống ở
trên đời”
Lần khác tôi đến anh khi Như Phong vừa chết. Anh nói,
Như Phong chủ quan, cho là mình khoẻ lắm. Không có doute méthodique về sức khoẻ
của mình. Anh lắc đầu, lè lưỡi: “cái chết
ghê gớm thật, nó biến con người ta từ plus infini thành moins infini!”.
Lúc đó tôi không biết nói gì. Nhớ đến cái chết của
Nguyên Hồng, tôi nói: “Nguyên Hồng cũng
chết một cách đột ngột” (giống Như Phong)
Xuân Diệu ngẫm nghĩ một lát rồi nói: “Không, Nguyên Hồng chết rồi, nhưng cái văn
của anh ấy vẫn còn rên rỉ. Còn Như Phong, chết là không còn dấu vết gì nữa. Mấy
bài phê bình, ai đọc!”
Xuân Diệu ngay từ nhỏ đã rất có ý thức giữ gìn mọi tài
liệu, bút tích của mình. Anh còn giữ nguyên năm cuốn vở học sinh hồi học ở Quy
Nhơn, ghi chép linh tinh đủ thứ: nhật ký, những dòng suy nghĩ tản mạn, dịch
thơ, tập sáng tác… Trải qua bao biến thiên của cuộc đời, rồi những lần sơ tán
trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, vậy mà vẫn giữ nguyên, không sờn
không rách. Một con người có ý thức rất cao về bản thân mình.
Đọc mấy quyển vở ấy, tôi thấy có một bài thơ anh đặt
tên là “Những người chết trẻ”. Chắc
là một người bạn học của anh chết, anh xúc động làm bài thơ này. Bài thơ khá
dài, gồm nhiều đoạn, đoạn nào cũng chỉ xoay quanh cùng một ý. Chẳng hạn, đoạn một
nói về các bạn gái rất thương bạn, khóc. Nhưng rồi yêu người này, người khác và
quên. Đoạn hai, nói về các bạn trai, đoạn ba nói về anh chị em ruột, ý vẫn thế
thôi: lúc đầu thương, khóc, sau cũng quên. Đoạn cuối cùng nói về cha mẹ. Cha mẹ
thì không bao giờ quên con, nhưng cha mẹ sẽ già và chết. Thế là hết, chẳng còn
ai thương nhớ mình nữa:
Nhớ
các anh hoài chỉ mẹ cha,
Song tro tàn lạnh không còn lửa,
Rồi đèn mờ tắt. Thế là thôi,
Không một người thương ở cõi đời.
Song tro tàn lạnh không còn lửa,
Rồi đèn mờ tắt. Thế là thôi,
Không một người thương ở cõi đời.
Cùng một ý ấy – “Những
người chết trẻ” – tôi còn thấy một bài thơ khác ở dạng một bản nháp:
Vẻ
đẹp và non và mạnh mẽ
… yêu như điên
Biết bao hình bóng đầy vẻ thơ
Biết bao khuôn mặt còn ngây thơ
Biết bao mái tóc còn như tơ
Biết bao cặp mắt đầy ước mơ
Sau cái màn quên đã mịt mờ!
………………………………………
Biết bao chàng thanh niên đã chết
Đã chết! Tiếng sao mà gớm ghê!
Đã chết! Đã đi không còn về.
Mang theo lực, tài, xuân, hương, huê
Đã chết, tiếng sao mà thảm thê!
……………………………………………
Biết bao chàng thanh niên đã qua
Như gió xuân đi không để vết
………………………………………….
Thế đấy, biết bao chàng thanh niên
Đã chết trước khi chưa được sống…
… yêu như điên
Biết bao hình bóng đầy vẻ thơ
Biết bao khuôn mặt còn ngây thơ
Biết bao mái tóc còn như tơ
Biết bao cặp mắt đầy ước mơ
Sau cái màn quên đã mịt mờ!
………………………………………
Biết bao chàng thanh niên đã chết
Đã chết! Tiếng sao mà gớm ghê!
Đã chết! Đã đi không còn về.
Mang theo lực, tài, xuân, hương, huê
Đã chết, tiếng sao mà thảm thê!
……………………………………………
Biết bao chàng thanh niên đã qua
Như gió xuân đi không để vết
………………………………………….
Thế đấy, biết bao chàng thanh niên
Đã chết trước khi chưa được sống…
Té ra, từ tuổi thiếu niên, Xuân Diệu đã nghĩ đến cái
chết, đã lo đến khi phải từ giã cõi đời này. Và điều đặc biệt là anh đã nghĩ
cách chống lại cái chết, nghĩa là trở thành bất tử – bất tử trong lòng người.
Chống lại cái chết bằng cách nào? Bằng cách làm thơ,
anh gọi là “Thơ trái tim”.
Trong quyển vở học sinh, quyển thứ ba (đề tập III,
1934), tôi thấy anh, ngay từ tuổi học trò, đã có hẳn một lí thuyết về sự bất tử
của thi ca. Anh viết một đoạn văn dài, đặt dưới cái đầu đề: “Một bài thơ với một tên người”. Lập luận
của anh như sau:
“Thơ
là đồ chơi, là đồ ru ngủ, là đồ không thiết thực, nghĩa là – sao không nói hẳn?-
đồ bỏ. Các nhà tận tâm về sinh kế của xã hội, các nhà thiết thực, các nhà
nghiêm khắc nói thế. Phải hay không tôi chẳng cần biết. Với Fontenelle, tôi muốn
cho rằng ai cũng phải cả (tout le monde a raison). Tôi chỉ để ý mà thấy rằng:
Ba ngàn năm qua chôn nắm xương tàn của Homère. Nói về danh vọng và bất hủ, đã
ba ngàn năm Homère vẫn được tôn sùng… Cái gì rồi cũng qua đi. Đế quốc Lamã, đế
quốc Charlemagne. Nhưng cái chết không diệt được cái gì không phải là vật chất.
Mà cái đầu tiên không phải là vật chất chẳng phải là thơ sao? Thơ – cám dỗ của
mơ màng…”
“Với
những khúc anh hùng ca (épopée) Jliade, Odyssée, Homère sống đến nay… Song
thiên tài thời bất hủ là lẽ cố nhiên. Phải chăng thơ có cái ma lực siêu việt thời
gian, mà đến những người chỉ có tài (talent) cũng có thể sống ở trong thơ, hơn
nữa, trong một bài thơ?”
“Một
bài thơ cứu một tên người, vớt một tên người ở trong giòng thời gian nó lôi cuốn
sự vật vào miền quên lãng?… Phẩm hơn lượng, le sonnet sans défaut vaut, seul,
un long poème… Nhưng vài câu thơ trong ấy rung động những trái tim lại đáng giá
bằng mấy bài sonnet không nhầm lỗi… Ta để ý xem, những bài thơ cứu một tên người,
khá nhiều là thơ tình cảm, thơ trái tim. Tư tưởng có thể thay đổi, bây giờ còn
ai muốn nghe những lời biện thuyết của Luther, những bài thơ của Rousseau, bây
giờ ai ưa?… Nhưng trái tim người… khi nào cũng có những trẻ con, những bà mẹ,
những cô gái, những mẹ già, nghĩa là những con người, họ yêu thương, họ vui vầy,
họ đau xót… Cho nên tiếng kêu than của Trác Văn Quân vẫn còn tìm thấy tiếng
vang trong lòng những cô Bạch Lệ ảnh”.
“ở
đây tôi không nói những danh sỹ như Ronsard, họ có dư thơ để mà sống trường cửu.
Tôi chỉ nói những nhà thi sĩ còn ở trong trí nhớ nhờ một bài thơ. Những nhà thơ
ấy cũng có làm nhiều bài, song chỉ được có một bài xuất sắc. Trên dòng thời
gian vô cùng tận, họ chỉ có một chiếc lá thả trôi đi. Tôi không biết thơ Tàu
cho nhiều. Song tôi vẫn nghe tiếng nàng Ban, ả Tạ. Tôi vẫn còn nhờ ý tứ bài thơ
vịnh quạt của Triệu Yến Phi. Có lẽ trong văn Tàu, người ta cũng còn nhớ đến
nàng, nhờ bài thơ kia”.
Còn ai không biết đến bài “Hồi văn” của Tô Huệ? ở đây mới đúng cái trường hợp một bài thơ với
một tên người…
Như vậy là đối với Xuân Diệu, điều quan trọng nhất
không phải là chuyện văn chương thơ phú mà là chuyện làm sao được sống mãi với
đời, sống mãi với nhân loại. Văn chương thơ phú chỉ là phương tiện để giúp anh
sống mãi trong lòng người, một thứ vũ khí để chống lại cái chết. Và tôi hình
dung cả cuộc đời lao động nghệ thuật quyết liệt của Xuân Diệu là một quá trình
quyết đấu với cái chết.
Trong mấy quyển vở học sinh ấy, tôi còn thấy điều đặc
biệt này ở con người Xuân Diệu: luôn đòi hỏi tình cảm cao độ, tình yêu mãnh liệt,
yêu phải hết mình. Trong mấy quyển vở nói trên, thỉnh thoảng lại thấy có một đoạn
nhật kí.
Có một đoạn nhật kí như thế này: anh ghi tâm trạng rất
đau khổ của mình, đau khổ đến mức như là thất tình vậy. Lúc đầu tôi cứ tưởng thế,
chắc là một cô bạn gái nào đấy – vì anh viết tắt tên cái người mà anh cho là
không còn yêu anh nữa. Đọc tiếp mới biết không phải. Đó là một anh bạn trai. Và
lí do rất trẻ con: “Hôm ấy mình đến mượn
B cái quần đùi. B. nói, chốc nữa mình đi đá bóng, không cho mượn được”. Có
thế mà đau khổ! (Khi trả lại mấy quyển vở, tôi nói với Xuân Diệu như thế – Lúc
đầu tưởng là bạn gái, hoá ra là bạn trai -Xuân Diệu ngồi im một lát rồi bảo
tôi: “Này, đừng nói với ai nhé, người ta
hiểu lầm!”).
Mấy trang sau, tôi lại thấy một đoạn nhật ký nữa. Cũng
vẫn là nỗi đau khổ nói trên – Và vẫn là cái anh B. nào kia. Lần này, lý do
khác: có một gánh hát cải lương Nam kỳ ra biểu diễn ở Quy Nhơn. Học sinh mua vé
đi xem. B. không có tiền, vay một bạn nào đấy tiền mua vé. Xuân Diệu biết được.
Thế là lại đau khổ như là thất tình: bạn bè với nhau, không có tiền, không nói
với mình một tiếng, mà lại đi vay người khác.
Trong mấy quyển vở nói trên, Xuân Diệu tập viết đủ loại
văn thơ nhưng tôi để ý thấy, dù viết thể văn nào thì chủ yếu cũng quay quanh
tình bạn. Và dù là thơ hay văn xuôi, dù là dịch thơ Pháp, thơ Tầu thì cũng thể
hiện sự khao khát tình bạn đến cuồng si mà không được đền đáp xứng đáng. Một
cái tôi cảm thấy cô đơn, vắng người tri kỷ. Ví dụ, đây là một đoạn văn như thế:
“Tôi
là một đứa si, gặp bạn thì yêu hết lòng, xa nhau một khắc thời lấy làm nhớ, thế
mà giứt mối tình một cách mau chóng như thế, làm sao mà chịu nổi phẫn uất, lòng
hận sầu? Đêm hôm ấy nằm mà thở dài một mình, sáng dậy viết cái thư thật dài, gửi
cho bạn:
Ôi!
Nhân sự.
Trọng của nỡ khinh người!
Vẫn tưởng lòng son in một tấm
Đâu ngờ dạ thế trắng như vôi!
Trọng của nỡ khinh người!
Vẫn tưởng lòng son in một tấm
Đâu ngờ dạ thế trắng như vôi!
“Bao
nhiêu tình đem tặng bạn tôi, bạn tôi đã không nhận mà quăng xuống đất bùn trả lại
cho tôi. Tôi chỉ xin nhặt lại, rửa cho tinh khiết như cũ, rồi đem chôn kỹ trong
một góc quả tim tôi vậy. Bây giờ tôi chưa quên được tình cũ, song ngày qua
tháng tới, có một ngày cũng sẽ quên. Than ôi! Vũ trụ mang mang, nước non rộng lớn,
từ đây đến lúc chết, suốt một đời há lẽ không kiếm được khách thân bằng ư?”
Luôn
luôn đòi hỏi tình cảm cao độ, nên Xuân Diệu thường dễ có mặc cảm người ta lạnh
nhạt với mình. Có một lần, lâu tôi không đến thăm anh. Khi gặp, anh nói dỗi: “Cậu
bây giờ nổi tiếng rồi nên chán mình chứ gì?”.
Tôi nhận thấy Xuân Diệu có một cái gì như là có chất
đàn bà vậy – hay hờn dỗi. Và khác hẳn với Nguyễn Tuân, anh hay bộc lộ thẳng
tình cảm với những người mà anh quý mến.
Thực tình tôi không hiểu sao Xuân Diệu lại có thể thân
với Huy Cận. Họ quả cũng có những chỗ hợp nhau. Nhưng Huy Cận đâu phải hạng người
tử tế, ngay cả trong tình bạn với Xuân Diệu.
Hai ông bạn, có chỗ này quả là giống nhau: cùng ăn rất
khoẻ và chỉ thích thịt cá, trứng vịt lộn, nghĩa là những thứ nhiều prôtit.
Hồi khoa văn Đại học sư phạm Việt Bắc đưa sinh viên về
Hà Nội (đóng ở Cổ Nhuế) để mời các nhà văn đến nói chuyện, tôi có được nhờ tiếp
khách hộ. Tôi thấy Xuân Diệu rất thích uống bia và húp trứng sống. Anh còn nói,
tối nào, cần viết một cái gì thì buổi chiều thế nào cũng phải mua ba lạng thịt
chó để bồi dưỡng. Có thế mới có sức viết (Xuân Diệu chết vì bị nhồi máu cơ tim,
tức là máu nhiễm mỡ, cần kiêng ăn nhiều thịt, trứng. Khi anh mất, Vũ Tú Nam
nói, Xuân Diệu đã bồi dưỡng nhầm là vì thế). Huy Cận cũng vậy. Phải nói là tham
ăn.
Nhưng điều rất vui là, tuy cùng ăn khoẻ mà Huy Cận thì
được khen là bình dân, còn Xuân Diệu thì bị chê là tham ăn. Nguyễn Khải thấy
như thế, khi tháp tùng hai cây bút đàn anh này vào tham quan Nam Ngạn, Hàm Rồng,
mừng thành tích bắn máy bay Mỹ (năm 1965). Họ chiêu đãi các vị. Quan ăn tham
(Huy Cận) thì gọi là bình dân, còn dân (Xuân Diệu) thì gọi là tham ăn. Đúng là
một dân tộc chỉ trọng quan lại.
Hai ông bạn còn có chỗ này cũng giống nhau: có ý thức
giữ đầy đủ những bản thảo các tập thơ làm trước cách mạng tháng Tám. Giữ nguyên
cả những bản nháp từng bài một. Một bài thơ có thể có tới ba bốn bản nháp, từ bản
này sang bản khác, sửa chữa thế nào cho đến bản cuối cùng khi bài thơ được hoàn
thiện. Chẳng hạn như bài Nguyệt Cầm của Xuân Diệu (lúc đầu đặt tên là Đàn trong
trăng sáng). Trước khi trở thành một thi phẩm tuyệt tác mà ta đều biết, bài thơ
đã trải qua nhiều bản nháp, trong đó có những câu còn rất thô sơ vụng về như:
Nhỏ
giọt vào trăng, đêm thuỷ tinh
Linh lung bóng sáng bỗng run mình
Vì nghe tới đoạn giai nhân chết
Xanh ngắt không mây nguyệt một mình.
Linh lung bóng sáng bỗng run mình
Vì nghe tới đoạn giai nhân chết
Xanh ngắt không mây nguyệt một mình.
Riêng câu kết, có tới bốn lần nháp khác nhau:
…
Đàn ơi, người đẹp đến tê mê
… Thôi mà! âm nhạc giết tôi đi!
… Dịu dàng âm nhạc giết tôi đi!
… Đàn ơi! Âm nhạc giết ta đi!
… Thôi mà! âm nhạc giết tôi đi!
… Dịu dàng âm nhạc giết tôi đi!
… Đàn ơi! Âm nhạc giết ta đi!
Cuối cùng mới tới được câu kết tuyệt vời này:
Nghe
sầu âm nhạc đến sao Khuê
Tài liệu này rất quý. Từ những bản nháp này, có thể
nghiên cứu viết được những công trình khoa học rất hay về ngôn ngữ thơ ca, về
lao động nghệ thuật… Xuân Diệu sẵn sàng cho tôi mượn. Rất tiếc hồi ầy chưa có
photocopy dễ dàng như sau này. Chép tay thì biết đến bao giờ, nhất là lại chép
cả những chỗ dập dập xoá xoá, viết đi, viết lại, rất ngại.
Bây giờ Xuân Diệu mất rồi. Tất cả ở trong tay Huy Cận.
Có lần tôi định dùng mẹo để lấy ra từ tay Huy Cận. Tôi
hướng dẫn một cô sinh viên làm luận văn cao học, tên là H T H, về Lửa thiêng.
Cô này khá xinh đẹp, lại khôn ngoan. Tôi giới thiệu cô đến Huy Cận để hỏi han,
trao đổi, dần dà thân mật, sẽ mượn cho tôi tập bản thảo kia, lúc đầu là bản thảo
Lửa thiêng của Huy Cận, sau đến bản thảo Thơ thơ, Gửi thương cho gió của Xuân
Diệu. Bây giờ sẵn photo rồi, chỉ cần mượn ra nửa tiếng đồng hồ là có thể chụp
được hết.
Tôi đã thất bại. Huy Cận tìm cách lợi dụng cô này mà
không chịu mất gì. Thái độ gạ gẫm lộ liễu, rất tởm, đại khái đặt tập bản thảo
bên cạnh, cầm tay cô và nói: “Phải thế
nào mới cho mượn chứ!”. Sau này tôi mới biết, đừng hòng lấy không một cái
gì ở ông ta. Anh Hà Minh Đức đã bị một vố rất đau: trả ông ta mấy triệu để lấy
bút tích và bức ảnh của ông thời trẻ. Anh chỉ nhận được một bản photo! Ảnh cũng
photo!
Tôi không hiểu sao Xuân Diệu lại có thể tin cậy Huy Cận
đến thế. Ông bạn này đã gây khó khăn cho người ta nghiên cứu Xuân Diệu, lại định
dùng tài liệu của Xuân Diệu để kiếm chác. Cái phòng ở của Xuân Diệu, dù cho vốn
thuộc quyền sở hữu của Huy Cận, lẽ ra cũng nên giữ nguyên để làm bảo tàng ông bạn.
Huy Cận đã xoá hết dấu vết, dọn dẹp đi hết. Rồi hai bố con tranh nhau. Vậy là
người có tội lớn nhất đối với Xuân Diệu lại chính là ông bạn thân thiết số một
của anh. Xuân Diệu muốn sống mãi trong lòng người. Đó là điều anh tha thiết nhất
lúc sinh thời. Vậy mà chính ông bạn “quý”
kia đã phản lại anh ở chính cái điều anh vô cùng tha thiết ấy.
Tuy nhiên tìm hiểu quan hệ giữa Huy Cận và Xuân Diệu,
thấy tình bạn thân thiết giữa hai người là có thật. Năm 1940, sau khi đỗ tú
tài, Xuân Diệu học luật một năm rồi thi vào ngạch tham tá nhà đoan và được điều
vào làm việc ở Mỹ Tho cho đến 1943. Thời gian này Huy Cận vẫn đi học. Khi Huy Cận
đỗ kĩ sư canh nông, có việc làm, Xuân Diệu liền xin thôi việc trở lại Hà Nội ở
với Huy Cận, sống nhờ vào lương Huy Cận. Nguyễn Công Hoan nghe nói chuyện này,
hỏi: “Thế không sợ Huy Cận nó đá đi à?
Lúc ấy thì sống bằng gì mà bỏ việc?” Xuân Diệu nói: “Lúc bấy giờ tôi không hề nghĩ đến tình huống đó”.
Đúng là lãng mạn! Tôi biết, thời Tây, tham tá (commis)
thuộc loại viên chức cao cấp, lương khá lắm. Bỏ đi dễ dàng như vậy quả là rất
lãng mạn và tỏ ra tin tưởng tuyệt đối ở tình bạn. Tuy nhiên tình huống “Huy Cận đá”, tôi nghĩ khó xảy ra. Vì
Huy Cận nhà nghèo, tuy có học bổng nhưng còn phải nuôi hai em đang học ở Thanh
Hoá. Xuân Diệu thường giúp đỡ bạn rất cụ thể. Thời gian làm tham tá đoan ở Mỹ
Tho, anh cứ đều đều gửi ra cho Huy Cận mỗi tháng 10 đồng. Khi Huy Cận tham gia
cách mạng, Xuân Diệu còn vào tận quê Hà Tĩnh, lo thu xếp gia đình cho Huy Cận để
bạn an tâm công tác. Mặt khác, trong hoạt động sáng tác, Huy Cận cũng cần một
chỗ dựa là Xuân Diệu. Xuân Diệu sớm có chân trong Tự lực văn đoàn, như vậy là
có thanh thế lắm (Huy Cận tha thiết xin vào Tự lực văn đoàn nhưng không được chấp
nhận).
Tôi đã được chứng kiến Huy Cận sẵn sàng quy phục và tỏ
ra phụ thuộc vào Xuân Diệu như thế nào: Hôm ấy tôi đến Xuân Diệu, thấy Huy Cận ở
trên gác xuống, ăn mặc chỉnh tề, cứ loanh quanh ở căn phòng của Xuân Diệu. Thấy
tôi, Huy Cận khoe vừa dịch bài thơ tình của Arvers (Sonnet d’Arvers): “Mon âme a son secret, ma vie a son mystère”.
Bài này đã có một bản dịch rất được truyền tụng của Khái Hưng “Lòng ta chôn một khối tình, Tình trong giây
lát mà thành thiên thâu…”. Huy Cận đã đọc cho tôi nghe bản dịch của anh và
lấy làm đắc ý: “Tôi dịch sát nghĩa hơn bản
dịch của Khái Hưng chứ!”
Xuân Diệu mắng luôn: “Dịch sát nghĩa mà là hay à?”
Xuân Diệu rót nước ra cốc mời tôi uống. Huy Cận hỏi: “Nước mơ hả?”. Lại bị Xuân Diệu mắng: “Mơ mơ cái gì, làm gì có mơ!”
Thấy Huy Cận cứ nói chuyện với tôi, Xuân Diệu lại mắng
nữa: “Anh Mạnh anh ấy đến chơi với tôi chứ,
sao cứ nói mãi thế!”.
Tôi rất lấy làm lạ: Sao Xuân Diệu cứ mắng Huy Cận như
mắng con nít mà toàn chuyện chẳng đáng gì cả!
Thì ra sáng hôm ấy, Huy Cận hẹn với Quang Huy ở Nhà xuất
bản Văn học tới làm việc về một tuyển tập thơ của mình, cho nên ăn mặc chỉnh tề
và cứ loanh quanh ở tầng một, phòng Xuân Diệu.
Một lát, Quang Huy đến. Huy Cận ra làm việc với Quang
Huy ở phòng ngoài. Xuân Diệu giải thích với tôi: “Dạo này làm được mấy bài thơ, cứ hoắng lên. Mình phải mắng cho cụt hứng
đi, đỡ chủ quan. Cứ tưởng bở!”
Làm việc với Quang Huy một lát, Huy Cận chạy vào báo
cáo với Xuân Diệu, đại khái nói, Huy đề nghị bỏ mấy bài nào đấy và Cận thấy
cũng phải.
Xuân Diệu nổi nóng: “Không bỏ! Sợ mất ghế thứ trưởng à?”
Huy Cận nhăn nhó: “Khổ
quá, sợ gì đâu. Thấy Huy nó nói cũng có lý”. Thì ra tuyển thơ của mình như
thế nào, Huy Cận cũng phải báo cáo với Xuân Diệu.
Xuân Diệu đúng là chỗ dựa của Huy Cận trong đời và
trong sáng tác. Nhưng khi ông bạn chết rồi thì còn cần gì nữa. Máu tham và thói
ích kỉ, bần tiện liền trỗi dậy và giết chết luôn tình bạn.
Xuân Diệu không chỉ cần cù đọc sách, làm thơ, anh còn
rất chăm chỉ đi nói chuyện. Đâu mời cũng đi. Đối tượng nào cũng nói. Các bà cấp
dưỡng, các nông trường viên mời cũng đi ngay. Lại còn gợi ý cho người ta mời nữa.
Anh thường nói với tôi khi lâu lâu tôi không mời anh nói chuyện với sinh viên: “Phải khẩn trương khai thác mình đi chứ!”.
Đối với mỗi đối tượng, anh đều rút kinh nghiệm nói sao cho hấp dẫn. Anh tính
toán rất tỉ mỉ, từ sự sắp xếp nơi nói chuyện ra sao, cự li người ngồi nghe thế
nào, mùa hè khác, mùa đông khác, thỉnh thoảng lại phải xen vào một câu chuyện
vui cho không khí đỡ tẻ. Đặc biệt anh hay kết hợp phổ biến “sinh đẻ có kế hoạch” (không hiểu sao Xuân Diệu luôn luôn lo lắng đến
chuyện này). Anh nói một hồi mà không thấy vỗ tay, rất dễ mất hứng. Nhiều khi
không kiên nhẫn được nữa, anh hỏi thẳng người nghe: “Sao, có thích không? Thích thì phải vỗ tay lên chứ!”
Xuân Diệu rất sợ thái độ lạnh nhạt, dửng dưng. Anh cho
có nhiều thằng đàn ông rất ngu, vợ nấu cho món ăn ngon, cứ chén hùng hục mà
không biết khen lấy một câu. Tôi nhớ câu thơ của anh:
Em
có tài nấu nướng
Anh có tài ngợi khen.
Anh có tài ngợi khen.
Xuân Diệu thích nói chuyện với giáo viên nhất.
Đầu năm 1985, Hữu Thỉnh, sau đại hội nhà văn lần thứ
III, là uỷ viên chấp hành phụ trách nhà văn trẻ. Anh mời chúng tôi đi Tuyên
Quang bồi dưỡng một lớp nhà văn trẻ ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Đoàn có Xuân
Diệu, Chính Hữu, Lê Lựu, Nguyễn Thành Long, Vương Trí Nhàn và tôi.
Giáo viên trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang, nhân dịp
này, mời Xuân Diệu đến nói chuyện. Hôm sau họ lại mời tôi. Xuân Diệu bảo tôi: “Giáo viên họ mời thì nên đi. Nói chuyện với
giáo viên lợi lắm. Nói với người khác, một người nghe là chỉ một người. Nói chuyện
với giáo viên, một người nghe bằng hàng trăm người. Vì các thày cô giáo lại nói
lại với học sinh của mình”.
Đi nói chuyện là một yêu cầu tự thân của Xuân Diệu.
Anh có nhu cầu được tiếp xúc và trò chuyện với nhiều người, thật nhiều người.
Cho nên ở mấy ngày với anh ở Tuyên Quang, tôi thấy anh đi nói chuyện liên miên.
Nói sáng, nói chiều, nói tối, khản cả cổ. Được có thêm một người biết đến mình,
anh sướng lắm. Cho nên anh thường nhắc đi nhắc lại câu chuyện về một anh hàng
nước mía nào đấy ở Tuy Hoà (Phú Yên) biết anh là nhà thơ Xuân Diệu và đãi anh một
cốc nước mía bốn đồng: “Thi sĩ cỡ như tôi
có thể được tổng thống mời tiệc ấy chứ. Nhưng được một anh hàng nước mía biết đến,
khó lắm!” Xuân Diệu nói một cách đầy tự hào.
Xuân Diệu luôn luôn có ý thức bảo vệ Thơ mới và văn học
lãng mạn. Ai đụng đến Thơ mới là không xong với anh. Anh ghét Vũ Đức Phúc, Phạn
Cự Đệ, Lê Đình Kỵ là vì thế. Anh không ưa cả Hoài Thanh vì tác giả Thi nhân Việt
Nam vốn rất mê Thơ mới là thế mà nay lại quay ra phê phán Thơ mới quá gay gắt
(Tố Hữu cũng phải nói: “Hoài Thanh tát
mình quá đau”). Anh cũng luôn luôn đấu tranh cho sự tồn tại chính đáng của
cái tôi cá nhân và thơ tình. Vấn đề này, ngày nay chẳng ai còn thắc mắc. Phải
là kẻ gàn dở hoặc ngu tối lắm mới phủ định cái tôi cá nhân và thơ tình. Nhưng
sinh thời Xuân Diệu, nghĩa là khoảng đầu những năm 1980 trở về trước, đấu tranh
cho sự khẳng định cái tôi cá nhân và thơ tình là cả một thái độ dũng cảm. Tôi
nhớ thời chống Mỹ, có lần anh nói với tôi: “Mỗi
lần in một tập thơ, mình phải đưa ra trước hàng loạt bài chống Mỹ như một cái đầu
tầu xe lửa, sau đó, xen vào những “toa” thơ chiến đấu, lén lút mắc vào một cái
“toa” thơ tình cho nó kéo ào đi”. Nhưng thơ tình của anh lúc bấy giờ nhiều
khi không hẳn là thơ tình, không dám là thơ tình thật sự. Đó nhiều khi chỉ là
thơ của cái nghĩa vợ chồng (Anh chờ em về
ăn cơm, Đứa con của tình yêu, Em làm bếp… Tôi gọi thế là thơ về “giai đoạn văn xuôi” của tình yêu) hoặc
phải gò theo khẩu hiệu “vui duyên mới
không quên nhiệm vụ” thường thấy giăng lên ở những phòng cưới thời chiến
tranh…
Ngoài ra, về tình yêu, trái tim anh cũng không còn cái
cuồng nhiệt, cái mãnh liệt như thời trước. Mà không say đắm cuồng nhiệt thì làm
sao tạo được thơ tình thật sự!
Vào những năm 60, 70, 80 của thế kỉ trước, Xuân Diệu bỗng
làm rất nhiều thơ tình. Số lượng gấp bội so với thơ tình trước cách mạng. Vào
năm 1961, ở anh dường như có một sự thức tỉnh trở lại về tình yêu. Anh nói: “Năm 1961, do một mối tình đến với mình mà
mình cảm thấy tình yêu thật sự sống lại mạnh mẽ. Hoá ra “Đáy chĩnh vét rồi, hãy
còn hạt gạo” – giống như như câu thơ của Baudelaire “Un brin de paille brille encore dans l’étable”. Anh định làm một cuốn
từ điển về đủ các trạng thái của tình yêu: nhớ, ghen, hờn – dỗi, rồi lúc thức,
lúc ngủ, khi ăn, khi uống…
Nhưng dư luận không đánh giá cao thơ tình của anh sau
cách mạng. Tôi cũng thấy như vậy. Nguyễn Kiên nói đúng, thơ tình Xuân Diệu sau
cách mạng dùng kỹ thuật nhiều hơn là có tình yêu thật với một đối tượng có thật.
Cách làm thường là thế này: dựa vào một chi tiết có thể có rồi phóng đại lên,
ngoa ngôn lên cho thành say đắm. Chẳng hạn, em gửi cho anh một bức thư, nói nhớ
anh. Thế là như đang đi giữa sa mạc bỗng thấy nhân loại quanh mình. Hoặc là, em
có vẻ lạnh nhạt, anh buồn quá. Nhưng một bữa cơm, em gắp cho anh một miếng thịt
bằng ngón tay, thế là:
Anh
ăn như miếng ngọc
Dạ vui sướng nghẹn ngào
Nghĩ tình em vô tận
Khi bỏ vào bát anh…
Dạ vui sướng nghẹn ngào
Nghĩ tình em vô tận
Khi bỏ vào bát anh…
Đúng thế, bản thân kỹ thuật không bao giờ tạo ra thơ.
Trước cách mạng, anh có dùng kỹ thuật gì đâu mà đúng là thơ tình:
Anh
nhớ bóng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh,
Anh nhớ em, anh nhớ lắm em ơi!
Anh nhớ em, anh nhớ lắm em ơi!
Dù sao thì cũng có một thời, Xuân Diệu cũng đã từng là
nhà thơ tình số một ở nước mình. Và đến bây giờ, liệu đã có ai vượt được?
Có một hồi, người ta cứ đồn Xuân Diệu ái nam ái nữ.
Không rõ hư thực thế nào. Rồi anh cưới Bạch Diệp. ái nam ái nữ sao lại lấy vợ?
Nhưng được mấy tháng, Bạch Diệp bỏ luôn. Vậy là sao?
Thực ra Xuân Diệu chỉ mắc chứng đồng tính luyến ái và
bất lực trong quan hệ tình dục, chứ không ái nam ái nữ.
Hồi kháng chiến chống Pháp, tôi công tác với anh Lã Hữu
Quỳnh ở Sở Giáo dục Liên khu Việt Bắc (Anh Quỳnh là một nhạc sĩ, sau 1954, về
Hà Nội làm Hiệu phó trường nhạc trung cấp). Anh quê ở Bắc Giang. Trong thời
gian kháng chiến, các văn nghệ sĩ đi công tác qua, thường ghé vào nhà anh ngủ
nhờ. Một lần, Xuân Diệu và Trần Văn Cẩn vào ngủ nhờ. Nửa đêm, anh thấy Cẩn đùng
đùng dậy chửi mắng Xuân Diệu thậm tệ.
Anh Xuân Tửu một lần cùng Xuân Diệu ở trong một đoàn
văn nghệ sĩ đi thăm đảo Cô Tô. Chiều hôm trước họ nghỉ lại ở Móng Cái để hôm
sau đáp tàu ra đảo. Xuân Tửu muốn tắm truồng nên một mình lang thang ra biển
tìm chỗ vắng người. Nhưng rất phiền là cứ thấy Xuân Diệu lẽo đẽo đi đằng sau.
Đi một chập, Xuân Diệu biết ý Xuân Tửu, nói: “muốn tắm truồng phải không? Thì cùng tắm”. Xuân Tửu mừng quá không
phải vì được tắm, mà vì nhân dịp này, biết đích xác Xuân Diệu có ái nam ái nữ
hay không. Anh giương mục kỉnh để nhìn cho rõ – Té ra rất đẹp! – Xuân Tửu nói với
tôi như vậy.
Sau khi Bạch Diệp bỏ Xuân Diệu, anh Huỳnh Lý có một lần
cùng ăn với Xuân Diệu ở khách sạn Phú Gia. Huỳnh Lý gạ chuyện: “Mình có học với cậu từ nhỏ (cấp II Quy
Nhơn), mình biết chứ. Người ta cứ nói cậu ái nam ái nữ, nhưng có phải đâu” (trẻ con thằng nào ái nam ái nữ, nó vật ra
khám ngay, dấu sao được)
Xuân Diệu im lặng một lúc rồi nói: “Cái con Bạch Diệp trắng trợn! Để rồi mình uống
thuốc, sẽ khá lên dần. Nó bỏ luôn”.
Người làm mối Bạch Diệp cho Xuân Diệu là Nguyễn Đình
Thi và Hằng Phương. Hôm cùng đi vào Đà Nẵng, Nguyễn Đình Thi nói với tôi: “Tôi cứ bị cô Bạch Diệp chửi mãi”
Thực ra, chuyện Xuân Diệu có vấn đề về sinh lý, Bạch
Diệp cũng có ngờ ngợ trước khi nhận lấy Xuân Diệu- Chị cẩn thận đi hỏi Tô Hoài
là bí thư Đảng đoàn văn nghệ – Tô Hoài nói, không biết và mách đi hỏi Huy Cận.
Huy Cận nói không có chuyện gì. Nhưng Bạch Diệp vẫn cảnh giác: Cưới rất to
nhưng không đăng kí kết hôn. Thành ra khi biết chuyện, bỏ luôn, không phải ra
toà lôi thôi.
Khi Xuân Diệu mất, Bạch Diệp viếng một vòng hoa trắng.
Hôm giỗ đầu Xuân Diệu (tháng 12 – 1986), người ta tổ
chức một cuộc hội thảo khoa học lớn ở câu lạc bộ lao động. Tôi được mời đọc báo
cáo. Tôi đọc bài: “Tư tưởng và phong cách
một nhà thơ lớn: Xuân Diệu”. ở bài này, lần đầu tiên tôi đưa ra mấy ý được
hoan nghênh: tư tưởng nghệ thuật (idée poétique) của Xuân Diệu là niềm khát
khao giao cảm hết mình với cuộc đời trần tục, trần thế này; Xuân Diệu là người
đầu tiên đưa vào thơ ca Việt Nam, tình yêu thật sự là tình yêu, nghĩa là sự
giao cảm tuyệt đối từ nhục thể đến tâm hồn (khác với thơ tình của Huy Cận, chỉ
là tình yêu platonique); một cách tân quan trọng của Xuân Diệu về thi pháp: coi
con người giữa tuổi trẻ và tình yêu là chuẩn mực của cái đẹp.
Chị Xuân Như, em Xuân Diệu, có mặt hôm ấy, đến gặp
tôi, nói: “Anh viết rất đúng về anh tôi”
Rất tiếc, giá mà Xuân Diệu đọc được!
***
Nhớ lại, lần đầu tiên tôi đến Xuân Diệu ở 24 Điện Biên
là vào năm 1966. Cuối năm 1985 thì Xuân Diệu qua đời. Hai mươi năm quan hệ mật
thiết với anh, tôi được tiếp chuyện anh không biết bao nhiêu lần. Đối với tôi,
anh không dấu điều gì. Từ chuyện đời, chuyện văn, chuyện yêu ghét người này,
người khác, chuyện ăn uống sao cho có sức khoẻ và sống lâu để viết, rồi chuyện
kinh nghiệm viết với đủ ngón nghề cụ thể. Cả chuyện khôn khéo luồn lách nữa để
có thể đối phó với đời… Anh đã cấp cho tôi biết bao tri thức và kinh nghiệm, và
đã khuyến khích tôi rất nhiều. Anh muốn tôi hiểu thật rõ, thật kĩ về anh để viết
thật tốt về anh. Và về phần mình, tôi cũng muốn như vậy.
Những lần trò chuyện với anh, nói chung, tôi đều có
ghi lại. Giờ tôi muốn chép ra đây một ít, cố truyền đạt lại chính xác từ ý tứ tới
giọng điệu của anh, mong muốn nhớ lại được con người cụ thể của anh, cá tính,
tính cách cụ thể của anh. Nhân tiện, qua cái cuộc trò chuyện, cũng thấy được
tâm lí xã hội cụ thể của giới cầm bút một thời và không khí lịch sử cụ thể của
nền văn học ta mấy chục năm về trước.
Tối 8 – 6 – 1966, tại 24 Điện Biên.
Tôi đề cập đến Thơ mới.
Xuân Diệu nói, không muốn nói chuyện Thơ mới. Mệt – Ngại
lắm.
Hãy dồn tinh lực cho hiện tại, làm thơ chống Mỹ. Nhưng
rồi anh lại nói sôi nổi về Thơ mới.
Anh rất tự hào vì người ta vẫn chép thơ của anh. Đi
bơm xe đạp, có một anh bơm cho rất kỹ, rồi gạ chép Thơ thơ. Năm 1954, gặp anh
Lê Duẩn ở bến phà Ròn, Quảng Bình. Lê Duẩn nói: “Thơ trước cách mạng của anh, tôi mê, thơ sau cách mạng của anh tôi
chưa mê”.
Xuân Diệu cho vấn đề quyết định là vấn đề trái tim.
Chúng tôi chỉ cần trái tim. Trái tim là “chép
thơ”. Có hai hệ thống tiếp nhận thơ mới: giảng officiel trong nhà trường và
việc chép thơ của thanh niên. Một điều rất bực là ở trường phổ thông người ta cứ
cho lãng mạn là xấu (Huy Cận có mặt lúc ấy, nói xen vào “quần chúng công nông rộng rãi hơn các nhà nghiên cứu”). Tố Hữu đã
từng ngâm Vạn lý tình và Tương tư chiều… Thời gian sẽ ủng hộ những phần tích cực
của Thơ mới. ở Liên Xô, người ta công nhận cả ba nhà thơ: Blốc, Êxênhin và
Maiakôpxki. Nhưng quan điểm của ông anh thứ hai (Trung Quốc) thì ghê quá! Tả
còn hơn hữu, sợ quá! Nhưng mà thôi, chả cần bàn bạc làm gì, chỉ cần người ta
chép thơ tôi. Còn thầy giáo, đánh giá hay dở, tốt xấu, học sinh nó không nghe
đâu!
Xuân Diệu rất ghét người ta cho thơ tình của anh là
truỵ lạc. Anh nói: “Mình thuốc lá cũng
không biết hút, có thể nói là nhà quê”. Anh cũng rất ghét người ta cho anh
là chịu ảnh hưởng symbolisme và André Gide. Anh nói: “Đây là sự bắt gặp chứ không phải chịu ảnh hưởng. Khi tôi làm thơ, tôi
chưa đọc Gide, mãi đến khi ra Hà Nội, học lycée mới đọc”.
Xuân Diệu cho khẳng định ý nghĩa tích cực của sự ra đời của cái tôi cá nhân là đúng. Còn mâu thuẫn giữa cái tôi và cộng đồng là mãi mãi. Cần hiểu ý thức cá nhân khác với chủ nghĩa cá nhân.
Khi Xuân Diệu xuất hiện, Thế Lữ trở thành démodé, rồi
người ta không đọc anh nữa. Cái mốt lên tiên của Thế Lữ là évasion nặng: Phải
hiểu Xuân Diệu không phải tìm tòi về nghệ thuật mà là cố tìm cách nói cho chân
thật, có khi lời thơ sống sượng, Tây quá. Lúc đầu người ta không thừa nhận là
thơ, là có âm điệu, vì quen với cái du dương Thế Lữ rồi. Xuân Diệu muốn giao
hoà với mọi người mà không được. Cô độc. Buồn. Nhưng không thoả hiệp. Muốn quẫy
ra khỏi cái sầu, cưỡng lại cái sầu mà không được. Nhưng lòng yêu đời vẫn mạnh
hơn cái buồn.
Anh đồng ý với tôi: “Đúng là thơ Xuân Diệu có cái mâu thuẫn: mùa xuân và tình yêu mâu thuẫn
với chiều thu và đêm lạnh. Nhưng tuy không đi với quần chúng, mình vẫn ghét bọn
giầu sang và xã hội kim tiền. Mình đi tìm lối thoát mà bế tắc. Nhưng nếu không
cô đơn thì thoả hiệp, thoả mãn với xã hội sao!”
Bỗng Xuân Diệu xoay ra nói đến cái chết của Nguyễn
Bính. “Nguyễn Bính chết hồi Tết. Bất ngờ
quá! Có lẽ do thiếu bồi dưỡng”. Anh tỏ ra rất lo lắng.
Tối 10 – 8 – 1966, tại 24 Điện Biên.
Xuân Diệu nói về tiểu sử của mình. Anh cũng nói nhiều
về cái tôi cá nhân cá thể (individu) và về Thơ mới.
“Đời
ông tôi ở trong tứ hộ nổi tiếng hay chữ ở Hà Tĩnh. Bố tôi là một ông tú kép, có
vợ, vào Bình Định lấy bà hai làm nước mắm ở Gò Bồi. Ông cụ học chữ Tây, đỗ
primaire. Chỉ dạy học, không thích ra làm việc nhà nước và không thích phải luồn
cúi. Có học nghề thuốc bắc.
Mình
học ở cha tính cần cù, lòng thương người, không thèm khát vươn lên xã hội quyền
quý.
1934
đỗ diplôme. 1935 ra Hà Nội học tú tài. Đỗ tú tài, học một năm luật. Năm 1941
thi tham tá đoan. 1943 thôi làm đoan. 1944 tham gia Việt Minh. Tuy có chân
trong ‘Tự lực văn đoàn’, nhưng không tham gia tổ chức kinh tế với cánh ‘Ngày
nay’. Rất yêu quốc văn – Yêu quốc văn là có bao hàm lòng yêu nước – vì tiếng Việt
đương thời bị coi là tiếng vợ lẽ. ở trường học hồi ấy có ba môn bị khinh bỉ: chữ
Hán, tiếng Việt và Vẽ.
Rất
thích làm thơ. Nhưng không évasion như Thế Lữ (tiên), Hàn Mạc Tử (điên), Chế
Lan Viên (ma), Huy Cận (siêu hình), Vũ Hoàng Chương (thuốc phiện), Nguyễn Xuân
Sanh, Đoàn Phú Thứ (kín mít, cho chữ vào hũ, lắc rồi xếp ra).
Nói
Xuân Diệu là nói individu. Phạm trù individu tư sản thoát khỏi ý thức hệ phong
kiến là một tiến bộ, là dân chủ hơn so với tư tưởng trượng phu, quân tử. Tất
nhiên đói nghèo thì không đòi hỏi ý thức cá nhân được. Khi cá nhân tách ra, tự
riêng, tự phân biệt với đại gia đình phong kiến thì có vui nhưng cũng có buồn.
Tự biết mình, tự phân biệt mình với người thì cảm thấy cô đơn. Ngày nay cũng thế
thôi. Nhưng Xuân Diệu dừng lại ở đấy, không thoát ly và vẫn lạc quan yêu đời,
tuy cô độc. Vì vẫn bám lấy cuộc đời, không thoát ly nên gặp cách mạng, theo
cách mạng và làm thơ ngay.
Cái
tôi Thơ mới như con bướm thoát xác. Lần đầu nó khám phá thiên nhiên bằng con mắt
tươi mới, không nhìn bằng ước lệ nữa – Thế Lữ vẫn chưa thoát ước lệ.
Cơ
sở xã hội của Thơ mới là tiểu tư sản, không phải tư sản.
Ông
Trường Chinh nói với hoạ sĩ Lê Lam: ‘Đi qua sông Hồng, tôi nhớ bài Tràng Giang
của Huy Cận. Ông nói với Huy Cận, khi làm bài Là thi sĩ, tuy có nói đến bài ‘Cảm
xúc' của Xuân Diệu, nhưng không phải để đả Xuân Diệu mà để vận động giác ngộ một
người lúc đó là cai khố đỏ. Anh này mê thơ lãng mạn. Có ba yếu tố tạo nên thơ Tố
Hữu: Tố Hữu, cách mạng và Thơ mới. Tố Hữu chịu ảnh hưởng thơ Xuân Diệu rất rõ ‘Ôi
cô đơn thấm lạnh tâm tình!’, ‘Xuân bước nhẹ trên cành non lá mới’…v.v…
Xuân
Diệu khi tìm thấy cái tôi của mình thì đâm sợ, muốn thoát mình. Bài ‘Viễn khách’,
‘Lời kỹ nữ’ là thế. Kỹ nữ là Xuân Diệu. Xuân Diệu tự đặt mình vào thân phận người
bị dập vùi. Người con gái khổ mà không gào to như anh đàn ông, tuy ít bị tình
phụ hơn mà gào rất to, như Musset.
Tình
yêu là cái tuyệt đích nên không bao giờ thoả mãn. ‘Nous mettons l’infini dans
l’ amour. Ce n’est pas la faute des femmes” Anatole France nói thế. Vì thế nous
souffrons. Đó là Xa cách, là Hi mã lạp sơn…
Thế
Lữ nói được cái buồn “Buồn ơi xa vắng mênh mông là buồn’. Huy Thông thì
romantique rất rõ: quay về quá khứ, về cái orient. Có hình ảnh cái lầu La mã,
cái rèm La mã. Mấy câu đầu của ‘Tiếng địch sông Ô’, ‘Con voi già’… mở rất rộng,
hay… Thơ Xuân Diệu cũ mà mới. Bài Viễn khách: ‘Đang lúc hoàng hôn xuống, là giờ
viễn khách đi’, có hơi hướng câu thơ cổ ‘Đương quân hoài quy nhật, Thị thiếp đoạn
trường thì’. Bài Nhị hồ, Vội vàng, Đây mùa thu tới cũng thế, vừa cổ vừa kim. Tả
mùa thu mà không hoàn toàn tàn lụi. Mùa thu tropical, nhiệt đới. Baudelaire ca
ngợi Phi Châu nhiệt đới. Mình ở vùng nhiệt đới sao không ca ngợi cây cỏ
tropical của mình. Còn cái cô đúc của thơ Xuân Diệu thì bắt gặp Đường thi và
Baudelaire, bắt gặp Symbolisme.
Cái
quẫy của cá nhân thực ra có từ Hồ Xuân Hương, Lâm Đại Ngọc, bắt đầu biết yêu
theo kiểu cá nhân (mình – ta) nên buồn. Lâm Đại Ngọc chôn hoa tức là chôn mình.
L’Isolement của Lamartine, René của Chateaubriand là thế…
Hàn
Mạc Tử gắn với đời hơn Chế Lan Viên. Chế Lan Viên không được độc giả chú ý lắm
vì không nói gì liên quan đến họ.
Tình
yêu phải là một phạm trù riêng. Không cứ phải nói tình yêu gắn với sản xuất,
chiến đấu. Cứ nói riêng nó thôi cũng được, miễn là lành mạnh. Phải nâng tình
yêu lên thành khái niệm. Hiện ta vẫn là giai cấp tự tại, tự nó, chưa có ý thức
về tình yêu. Ta lấy vợ mà chưa yêu. Chung thuỷ là vĩ đại thật, song chưa có
khái niệm về yêu thật sự. Yêu thật sự là mình với ta”.
Xuân Diệu xoay ra nói kinh nghiệm làm thơ.
“Làm
thơ không chỉ có ý là được. Phải có xương thịt vật chất. Như cứ lấy giọng rê rê
rê rồi bắt gặp một nét nhạc thật sự. Có khi vì tìm được một câu thơ, một điệu
thơ nào đó mà làm thành cả một bài thơ. Khi nẩy ra một điệu nào đó thì nhất định
phải làm theo cái điệu ấy. Y như yêu mà chỉ có khái niệm trừu tượng thì không
phải là yêu thật. Phải trông thấy một người con gái, có cái mũi, cái tai như thế
nào đó rồi mới hình thành tình yêu…”
Ngày 4 – 7 – 1967. 24 Điện Biên
Xuân Diệu nói say sưa về cái anh gọi là “chiến thuật” nói chuyện với quần chúng
sao cho hấp dẫn. Từ bố trí nơi nói chuyện, ánh sáng thế nào, cửa đóng cửa mở, đến
xếp ghế ngồi, cự ly mùa hè, mừa rét… Và đối với người nghe thì phải làm cho họ
không chán. Anh nói: Phải “chim” quần
chúng. Họ mê rồi thì tha hồ kéo họ đi, đi Tây Bắc, Tây Nguyên, đâu cũng được.
Khi trời tối, phải nói ngầm, thì ví với vợ chồng ban
đêm nói chuyện với nhau, vợ nói anh chồng thỉnh thoảng phải ờ ờ lên để chứng tỏ
chưa ngủ, vẫn nghe. Khi nói một chập, quần chúng tỏ vẻ chán, thì lại hỏi: “Phành phạch trong lòng đã chán chưa?”.
Khi nói muộn quá thì ví cái tình của người ngoài 40 tuổi như nắng quái chiều
hôm còn mạnh hơn ban trưa, “vì yêu một
cách truy lĩnh…”
Nhưng mở đầu thế thôi, chủ yếu vẫn nói về kinh nghiệm
làm thơ. Anh nói có yếu tố vô hình trong đời sống và trong thơ: “Nhìn một người yêu cụ thể có mặt mũi, tóc
tai, song khi yêu thì cảm thấy được một cái gì đấy khái quát và vô hình, thí dụ
một tâm hồn trong trẻo, tươi mát. Nhà thơ có khi tả một buổi sáng mùa xuân, đi
hái một bông hoa. Nhưng cái hữu hình đó lại cốt để diễn đạt cái vô hình: chẳng
hạn cái cảm giác thoải mái tươi mát của tâm hồn…
Cái
vô hình còn là cái nhân tố không thú nhận inavoué. Trên đời, có anh cứ nói
loanh quanh mãi, thực ra có khi chỉ cốt đến để xin một bữa cơm. Cái inavoué có
khi rất tầm thường, có khi rất cao cả. Giảng thơ phải biết cái inavoué, cái vô
hình đó và căn cứ vào cái cái hữu hình mà phân tích ra.
Làm
thơ cốt cho hay, phải có tài có sắc mới tồn tại được. Cần gì những thành kiến
lung tung. Cốt quần chúng đọc thơ, cốt hai trẻ yêu nhau, còn cô, dì, chú, bác
nói ra nói vào thì cần gì!
Nghiên
cứu Xuân Diệu, phải nghiên cứu yếu tố thời gian. Xuân Diệu luôn luôn băn khoăn
về thời gian. Yêu cuộc sống, tất băn khăn về thời gian. Con người sinh ra từ thời
gian. Mà thời gian có không gian của nó. Tính toán, cân nhắc điều gì, Xuân Diệu
đều nghĩ đến cái chết. Sợ chết thì phải làm thơ cho nhanh. Mẹ tôi mất, mẹ Huy Cận
mất. Các bà ấy từng có lúc sống thật trên đời không nhỉ? Nếu không tập hợp, giữ
gìn di vật còn lại thì có thể là chưa bao giờ từng sống.
Trong
đời người ta có những phút giao cảm – gọi là giao cảm mới thật đầy đủ, đầy đủ
hơn là nói yêu. Có khi giao hợp, hôn nhau mà không giao cảm. Có những lúc giao
cảm thế mà sau thôi không yêu nữa. Là vợ chồng rồi có khi mất cái phút ấy, thậm
chí không lấy nhau, có khi trông thấy nhau cứ lạnh như tiền. Lạ lắm ! Tình yêu
muốn vô biên song cuộc đời, lòng người nó hữu hạn. Và chết là hết cả. Như là
cái tangente giữa plus infini và moins infini. Đó là nói tình yêu bách niên
giai lão. Có nhiều khi thay đổi người yêu. Vậy thì phải hồi tưởng lại cái phút
giao cảm ấy. Vợ chồng sở dĩ gắn bó với nhau là do họ nhớ lại những phút giao cảm
của tâm hồn ngày xưa. Kỷ niệm do đó rất quan trọng trong đời sống tinh thần. Hiện
nay, nhiều khi người ta sống chỉ để ăn uống thôi, họ không có đời sống tinh thần.
Tôi làm thơ để đem đến cho họ cái khoái lạc tinh thần.
Thơ
tình của tôi luôn là sự hồi tưởng lại cái phút giao cảm ấy, trong thời điểm ấy,
ngày ấy, buổi chiều ấy, con đường ấy, cái chỗ cong cong ấy ta đã ngồi bên nhau
(không gian có tính thời gian). Bây giờ đi qua một mình, muốn dựng bia kỉ niệm ở
chỗ ấy của cái tình đôi ta.
Pháp
có ba bài thơ nói về kỉ niệm cũng nói đến cái không gian rất cụ thể:
Tristesse
d’ Olympio (V. Hugo)
Le premier regret (Lamartine)
Premier souvernir (Musset)
Le premier regret (Lamartine)
Premier souvernir (Musset)
Có
lúc mình muốn để dành tiền, nhưng nghĩ lúc chết thì có ý nghĩa gì. Có lúc muốn
ăn thêm một miếng thịt, nhưng ăn thêm rồi cũng chết. Để miếng thịt ấy cho đứa
em ở xa, gọi về cho nó ăn.
Tôi
định lúc sắp chết sẽ viết tất cả những mémoires xấu của mình, những cái tầm thường
của mình. Hiện nay người ta ít viết về cái đó.
Làm
thơ, mỗi bài thơ nó có cái vị riêng của nó như thịt bò thì phải làm món ấy, cái
đó phải cho vào nước chấm thịt vịt chứ cho vào nước chấm thịt gà thì hỏng. Cho
nên có tứ thơ nghĩ ra mà phải để dành đó đến lúc làm bài thơ đúng món mới đưa
vào được”.
Ngày 1- 12- 1981, 24 Điện Biên
Tôi đến thăm Xuân Diệu, anh mừng lắm: “Tưởng Mạnh giận mình không đến nữa. Hôm ấy
mình nóng, nói sẵng. Tưởng Mạnh giận”.
Thì ra anh hối hận vì bữa ấy tôi đến mời anh tới dự một
cuộc hội thảo về giảng thơ Hồ Chủ Tịch (anh Hoàng Dung tổ chức, nhờ tôi đến mời
Xuân Diệu), anh đã trả lời một cách thẳng thắn và gay gắt: “Còn có gì mà nói nữa về thơ Cụ Hồ? Mình không đi đâu! Bây giờ mà còn
bình với giảng về thơ Cụ Hồ là nhảm nhí! nhảm nhí!”
Giờ thì anh rất niềm nở tiếp tôi.
Lần này anh nói nhiều về sự hình thành hồn thơ anh.
“Ông
bố tôi sớm giác ngộ tân học. Ông tự học tiếng Pháp. Mua từ điển học, ông còn tự
học làm thuốc nữa. Sau ông xin được một chân dạy chứ Hán ở Collège Quy Nhơn,
lương 18 đồng. Một loại chargé de cours thôi. Mình học bố đến hết cấp I, đỗ
Certificat còn thiếu một tuổi, phải học lại. Sau lên học collège. Đỗ diplôme
năm 1934. Đúng lúc khủng hoảng kinh tế. Định đi thi làm thừa phái nhưng không
có điều kiện. May sao được gọi ra Bắc kỳ học trường Bưởi.
Biết
Hà Nội. Biết Bắc Kỳ. Thấy được mùa thu và cái lạnh Hà Nội. Rất thích, rất mê
thiên nhiên Bắc kỳ. Mình dường như được bừng tỉnh trước vẻ đẹp của đất trời, sững
sờ trước những cành đào nở hoa ở chùa Sinh Từ… Theo tôi romantisme chỉ có thể
phát sinh, phát triển ở Bắc kỳ với tác động của thiên nhiên bốn mùa phong phú.
Hoa, hoa rất đẹp. Trại hoa Thuỵ Khuê, gần Bưởi. Mùa thu Hà Nội tuyệt đẹp, lạnh
hơn bây giờ. Trời trong, cao, nắng vàng… Thiên nhiên Bắc kỳ, hoa Bắc kỳ đã đẻ
ra văn Khái Hưng, Nhất Linh và thơ Thế Lữ.
Thiên
nhiên đi vào thơ tôi, có cảnh mùa thu, mùa đông, mùa xuân của Bắc kỳ. Còn mùa hạ
thì có trăng và biển Quy Nhơn. Gió nồm Quy Nhơn có một cái gì rất sắc dục, rất
charnel.
Mình
học hết 2 ème secondaire thì Huế mở ban tú tài. Bèn vào học 2ème secondaire ở
Huế. Thế là lại biết Huế. Mình ra Hà Nội đúng vào cái tuổi l’âge de puberté, thấy
có một cái gì rất sắc dục trong thiên nhiên và ở con người. Huế cũng rất đẹp,
cũng rất tình. Đặc biệt có cái lassif sắc dục rất Huế, nhưng kín hơn. Giọng hò
Huế mê ly…
Năm
1940 mình thi tham tá đoan và vào làm việc ở Mỹ Tho. 1943 Huy Cận đỗ kỹ sư canh
nông, mình xin thôi việc ra Hà Nội, học luật, ở với Huy Cận ở 61 Hàng Bông.
Phong trào Việt Minh phát triển. Huy Cận gặp Nguyễn Thành Lê. Lê đưa Huy Cận
vào Đảng Dân Chủ (Dương Đức Hiền lãnh đạo). Đảo chính Nhật. Huy Cận gặp Dương Đức
Hiền ở Hà Đông, được đưa lên chiến khu hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Khoảng
17- 8 gì đó mình vào Hà Tĩnh lo thu xếp hai bên gia đình (của mình và Huy Cận)
để Huy Cận yên tâm đi chiến khu – nếu cách mạng không thành công thì có thể phải
đi xa (sang Tầu chẳng hạn). Ngày 20 – 8, mình trở ra Hà Nội giữa cảnh cờ đỏ sao
vàng bay trên các mái nhà…
Mình
lúc đầu ở đảng Dân chủ và tham gia quốc hội. Huy Cận làm bộ trưởng. Lúc ấy mình
không ưa Nguyễn Tuân và Nguyễn Tuân cũng không thích mình. Anh ấy vẫn khăn xếp,
áo gấm, rất chướng. In Nguyễn, đề “Kính tặng Tôi”. Mình viết bài trên Tiên
phong (kí tên Triều Mai) chế giễu: Nguyễn Tuân tự đặt mình lên bàn thờ rồi sì sụp
lễ bái mình. Kể cũng hơi hẹp hòi. Mình còn viết bài phê phán Nguyễn Hải Thần là
đứa con đi xa về chửi mẹ nó, không nhận mẹ nó. Rồi làm thơ đả bọn Quốc dân đảng.
Khi bọn Quốc dân đảng tổ chức biểu tình “tổng đình công” chống tổng tuyển cử,
mình dắt cái xe đạp Hirondelle đi ở phía sau. Mình bảo đồng bào đừng đi theo bọn
phản động. Chúng nó thấy thế định bắt mình, mình vội bỏ xe đạp lẩn đi. Sau có
người đem xe đạp trả cho. Mình còn bảo đồng bào tập trung ở Bắc Bộ phủ để hoan
nghênh chính phủ lâm thời. Mình lúc ấy chỉ là Việt Minh, ở Văn hoá cứu quốc, chẳng
phải đảng viên. Cứ tự động, tự phát thế thôi”.
Rồi
mình làm bài Ngọn quốc kì, ca ngợi cờ đỏ sao vàng. Nguyễn Huy Tưởng ở văn hoá cứu
quốc (đóng ở trụ sở Hội khai trí tiến đức, nay là Cục Hàng không) commăng làm để
đối lại với bọn phản động tung ra đủ thứ cờ táp nham: sao trắng, ba gạch…
Có
người cho mình là cơ hội chủ nghĩa. Báo Thiết thực của Quốc dân Đảng (cánh Ngày
nay) vẽ hình chế giễu: Cụ Hồ đứng như con cò câu cá ở suối. Xa xa, Huy Cận tắm.
Còn mình là con chim đầu xù ngồi trên cây hót. Mình lấy làm tự hào về bức tranh
này.
“Năm
1946, mình ở trong một đoàn văn nghệ đi vào Buôn Ma Thiêng, Củng Sơn, đi sau
đoàn Nguyễn Tuân. Trở ra Thanh Hoá, lúc Hồ Chủ Tịch đang ở đó. Bác định lập một
chiến khu ở Thanh Hoá. Bác ở một cái nhà Xéc (câu lạc bộ) gì đó. Hôm sau bọn
Pháp bắn súng vào cái nhà ấy. Hôm trước Bác nói chuyện với đồng bào. Người ta
chen nhau xem Hồ Chủ Tịch, có người bị gẫy tay mà vẫn phấn khởi.
“Huy
Cận thì theo chính phủ đi Hà Đông. Mặt trận Trúc Sơn vỡ, lại đi Sơn Tây rồi lên
Việt Bắc, ở Bắc Cạn thì phải. Mình cũng đi Bắc Cạn. Nó nhẩy dù Bắc Cạn. Mình về
Đại Từ. Rồi đi Phú Thọ, qua Bắc Giang, từng ở chỗ Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố.
Nhưng sau lên ATK làm đài phát thanh, trong khi Tố Hữu, Nam Cao làm báo Cứu quốc”.
Nói đến đấy, Xuân Diệu dừng lại uống nước. Anh nghỉ
hơi một lúc. Tôi nhân đấy gợi ý anh chuyển hướng sang nói về thơ của anh.
Nói chuyện thơ, anh càng tỏ ra sôi nổi hơn:
“Huy
Cận là xúc giác
Xuân
Diệu là mũi: khứu giác: “Hoa bưởi thơm rồi đêm đã khuya” – Mình học Baudelaire.
Chế
Lan Viên không có da, không có mũi.
Bài
“Mông lung” rất Xuân Diệu. Có cái không thể xác định rõ ràng là linh hồn hay
xác thịt. Đằng sau linh hồn là cái nền xác thịt, sắc dục. Hít thở xác thịt của
vũ trụ, cảm thấy mùi da thịt của…, không biết của ai, song rõ ràng là cảm thấy
cái mùi vật chất da thịt của những Dương Quý Phi, của những người đẹp tự thuở
nào. Hương da thịt tẩm trong vũ trụ. Và nhớ, không biết nhớ ai, nhưng nhớ da diết.
Thơ Xuân Diệu cảm và diễn tả được cái không rõ mà rất rõ, cái nửa linh hồn, nửa
xác thịt, dâm mà trong sạch, trong sáng. Nó là cái rạo rực, cái uể oải của Huế,
cái hồng hào của Hà Nội, cái charnel trong gió nồm, trong gió biển Quy Nhơn…
Thơ
Xuân Diệu tả rất giỏi cái nước đôi:
Mưa
trưa và chiều tà
Suy
và thịnh Lặng lẽ và động.
Có
một cái gì đấy mà Thế Lữ không cảm nhận được. Chỉ Xuân Diệu, Huy Cận mới có cái
antenne ấy để bắt được những sợi giây vô hình của thiên nhiên. Thơ Xuân Diệu là
vũ trụ sắc dục, charnel. Là cái mê ly, là tạo atmosphère chỉ bằng vài câu, vài
chữ.
Thơ
Xuân Diệu mở đầu đột phá ngay, ào ra ngay. Nhiều vần sắc. Mãnh liệt. Đột xuất.
ào ào.
Bài
Xuân không mùa. Sentir được phong cảnh. Ngồi ở hồ Tĩnh Tâm, Huế. Có âm vang của
Huế, đẹp, kín, không sắc dục lộ liễu như thơ làm ở Hà Nội.
Mình
có một bài inédit nói về vũ trụ là xác thịt: thịt là hoa hồng, máu là hoa nhài,
xương – liễu, mày – lau, mắt – hồ.
Thế
đấy, thơ Xuân Diệu là thế. Frisson da thịt, sensation, antenne cảm nhận vũ trụ
da thịt, hít thở da thịt thiên nhiên. Thơ có mũi.”
Anh ngừng nói, và bỗng chuyển sang phàn nàn về đời sống.
Hôm ấy là mồng một tháng chạp năm 1981. Ôi những năm 80 của thế kỉ trước! Đời sống
quá khổ cực. Mà Xuân Diệu thì quan niệm cuộc đời rất cụ thể: Đối với anh, cuộc
đời là bán một cuốn sách cũ cho đồng nát, phải giữ lại cái bìa cứng và mấy
trang giấy trắng; là ăn món gì phải tính toán vừa bổ vừa rẻ, là thịt chó, thịt
lẫn xương 4 đồng rưỡi một lạng, thịt nầm 6 đồng một lạng; là ngồi nói chuyện
thơ mà vẫn phải chú ý theo dõi con gà mái đẻ. Nó có tật ăn trứng. Thành ra nó đẻ,
nhà thơ phải nhanh tay vồ lấy…
Vì thế anh rất bực bội: “Xã hội bây giờ cứ bắt người ta làm thiên thần, nên giờ người ta làm
con vật. Bắt làm ange mãi, giờ người ta làm bête. Cách mạng chỉ tạo ra vinh
quang thôi ư? Phải ăn nữa chứ! Vinh quang trong đói khát mãi sao!”.
Ba giờ chiều, ngày 12 – 12 – 1981, 24 Điện Biên
Trời rét. Khô ráo. Cổng ngoài nhà anh (và Huy Cận) dạo
này có thêm liếp che bên trong song sắt cho kín đáo hơn. Chỉ khoét một lỗ
vuông. Cửa sổ phía trước thấy đóng. Tưởng Xuân Diệu không có nhà, tôi bỏ đi,
nhưng tính toán thế nào lại quay lại và cứ đẩy cửa vào. Cửa sổ phía đông mở,
nhìn vào thấy cửa buồng không khép, biết có người ở nhà.
Tôi vào phòng, thấy Xuân Diệu đang nằm ngủ, đắp chiếc
chăn len hoa. Tôi cảm thấy phiền, muốn quay ra. Hà Vũ gọi. Xuân Diệu trả lời,
giọng hơi gắt: “Cái gì thế? Ai thế?”.
Sau thấy tôi, anh vội mời vào.
Tôi nói: “Chết,
anh đang ngủ, tôi không biết”
Anh nói: “Không
sao, chả mấy khi Mạnh đến”
Có lẽ anh nghĩ, từ ngày anh đi Paris về, bây giờ tôi mới
đến, phải có chút gì của Paris để đãi tôi. Anh cho ăn phomát, uống rượu vang đỏ,
hút thuốc lá Mỹ, lại cà phê nữa.
Anh phàn nàn: “Cuộc
sống giờ khổ cực quá. Xã hội bây giờ như nhà không có chủ” – Anh lè lưỡi,
nhắm mắt, lại lè lưỡi – “Sợ quá!”
Anh khoe tập giấy ghi lời cảm ơn của những nơi anh vừa
làm việc ở Pháp, và đưa tôi xem bản chương trình làm việc ở Paris 7, Sorbonne,
Nice và một tờ báo Đoàn kết của Việt kiều.
Anh nói có một người đàn bà Pháp ở Alger tên là
Francoise Roger tập thơ Xuân Diệu như là tập Kiều. Đàn bà Pháp mà rất giỏi tiếng
Việt. Bà ta lấy một người Brasil. Bà ta cóp nhặt bốn câu thơ Xuân Diệu ở bốn
bài thơ khác nhau, rồi ghép lại thành một bài tứ tuyệt. Và vận dụng thơ Xuân Diệu
vào cuộc sống. Thí dụ: chạy vội theo tầu điện: “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ!”. Bà ta theo hồi giáo, hôm nay
ăn thịt, ngày mai ăn chay: “Anh ơi anh,
em rất sợ ngày mai”… Francoise Roger coi thơ tình Xuân Diệu hay hơn cả thơ
tình Musset.
Anh chê tập tiểu luận của Lê Đình Kỵ viết về Tố Hữu: “Huy Cận đọc cho biết chứ tôi chưa đọc. Khen
Tố Hữu thì cứ khen, việc gì phải chê Thơ mới. Làm gì mà phải hạ nhân cách. Hàn
Tín luồn khố để làm đại tướng, để làm vương sau này. Lê Đình Kỵ buồn khố để nó
cho vào Sài Gòn gần vợ à? Hay nó không in sách cho? Anh Lý hải Châu rất tốt .
Anh ấy bảo Trương Chính, trong bài giới thiệu Tuyển tập Hoài Thanh, đã tán
thành Hoài Thanh phê phán Thơ mới. Anh ấy cắt bỏ đi. Tôi bảo anh Châu, sao anh
không cứ để nguyên như thế. Anh làm thế là anh cứu Trương Chính đấy chứ! Thơ mới
không cần thế đâu. Tôi chả dại đi bênh Thơ mới làm gì, nhưng mà tôi cứ đi bình
những bài Thơ mới hay!”
Rồi anh nói tiếp vẻ bực bội: “Ta cứ có cái lối bế quan toả cảng, không cho ai đi ra nước ngoài. Như
đứa trẻ cứ bịt mãi, che mãi, da thịt nó vẫn cứ lòi ra. Tôi còn đánh du kích Khổng
Tử nhiều. Không biết nếu chỉ có nước mình mà không có các nước khác thì ra sao?
Nguy thật! Không qua tư bản chủ nghĩa, thiệt nhiều quá! Không cho nói yêu, nói
hoa lá thì đợi đến thế giới đại đồng mới nói à? Thế trước cách mạng tháng Tám,
ai nói yêu, nói hoa lá đều là sai cả à? Là cản trở cách mạng à?”
Tôi cứ cặm cụi chép mấy bản nháp thơ của anh thời Thơ
mới, anh nói: “Mạnh hãy tạm xếp cái này lại
để viết bài văn xuôi cho Tuyển tập Xuân Diệu đã. Mà phải vay tiền Tuyển tập
Nguyễn Tuân đi mà bồi dưỡng để viết – lấy ngắn nuôi dài”.
Rồi anh xoay ra nói về lớp thơ trẻ: “Bọn làm thơ trẻ bây giờ ngu dốt quá! Nó như
cái ôtô lên giây cót. Hết giây cót là không chạy được nữa. Như những cô gái tuổi
dậy thì, ra vẻ lắm, oai lắm – anh khuỳnh tay, vênh mặt, làm bộ kiêu ngạo – đến
lúc có chồng, có con là thôi hết”.
Trưa ngày thứ sáu 25- 12 – 1981, 24 Điện Biên
Tôi đến Xuân Diệu để báo hoãn cuộc gặp mặt với anh vào
sáng thứ bẩy 26 – 12. Cổng ngoài đóng. Nghe tiếng, anh chạy ra. Không có việc
gì phải vào, sợ mở khoá lôi thôi, tôi nói với anh một câu rồi từ biệt. Anh thò
tay qua lỗ vuông khoét vào cái phên nứa che ngoài chấn song cửa, bắt tay tôi.
Anh nói: Ca dao Khu Năm có câu:
Thương
em, anh đút cái ấy qua rào,
Đút qua đút lại gai nó cào rách da
Đút qua đút lại gai nó cào rách da
Nói xong anh cười ha hả.
Chủ nhật, ngày 31 – 1 – 1982, 24 Điện Biên.
Tôi đến khoảng 4 giờ chiều. Xuân Diệu đang làm việc
ngoài sân sát cửa sổ, trông ra cổng, dưới bóng hoàng lan. Bàn ghế làm việc bằng
trúc.
Như mọi lần, anh tiếp tôi vồn vã. Tôi nói: “Anh đang làm việc, bận”. Anh gạt đi: “Làm
việc thì bao giờ mình chả làm việc”.
Tôi vào nhà. Huy Cận đang nói chuyện điện thoại ở
phòng ngoài, một lúc vào nói chuyện vụ đắm tàu chết người ở Quảng Ninh. Vớt xác
khó khăn. Người ta vớt đồ đạc, quần áo, hành lý chứ không vớt người: “Mình quá tin ở tư tưởng thì thành thế đấy.
Mình là Mácxít, coi ý thức do tồn tại quyết định, vậy mà lại duy tâm. Duy tâm
nên bây giờ chịu hậu quả, quy luật nó quật lại. Nhưng thôi không nói chuyện buồn
làm gì. Ta nói chuyện khác”.
Huy Cận đọc cho tôi nghe hai bài thơ anh mới làm.
Xuân Diệu giục tôi viết bài về văn xuôi của anh. Anh
nói: “Mệt quá! Viết khó lắm!, mệt lắm!
Nhưng phải cố gắng thôi. Thời gian! Mình 67 tuổi rồi! Trong ta có vàng, nhưng
không viết thì vàng cũng không có thể khai thác được”.
Anh lại nói kinh nghiệm rất cụ thể: “Viết mỗi trang phải chừa lề rộng. Viết một
mặt giấy thôi. Chừa lại một nửa để sau bổ sung. Không phải cứ viết tuần tự từ đầu
đến cuối. Cứ viết từng đoạn rồi lắp ráp, như chuyện cây tre trăm đốt. Có khi cứ
viết bừa đi rồi chế biến sau. Đánh thọc sâu vào hầm Đờ Cát. Một mũi thọc sâu, bắt
lấy Đờ Cát đã, rồi quay ra giải quyết bọn còn lại không khó gì lắm”.
Anh mời tôi uống hai ba thứ rượu vang của Pháp, Hung,
Bungari và hút thuốc lá ngoại.
Anh phàn nàn có nhiều việc không đáng phải làm mà cứ
phải làm, mất bao nhiêu thì giờ – những việc linh tinh về sinh hoạt.
Anh lại nhắc tôi phải ăn uống cho tốt. Và động viên: “Chúng mình còn được người ta giao việc cho
mà làm, thế là còn hơn nhiều người không có việc gì mà làm”.
Anh chê cuốn sách của tôi viết về thơ Hồ Chủ Tịch, bữa
trước tặng anh: “Bám vào Sóng Hồng nhiều
quá và sao cứ phải gò thơ Bác vào hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gì! Thế chỉ hiện
thực xã hội chủ nghĩa mới có giá trị sao? Đã đến lúc ai cũng phải lột trần truồng
cả ra mà xem xét bình đẳng như nhau”.
Không hiểu sao câu chuyện lại xoay sang Chế Lan Viên
lúc nào không biết. Anh nói: “Nhà văn có
tri thức, có văn hoá cao là Nguyễn Đình Thi và Huy Cận. Chế Lan Viên chỉ tài chế
biến ngay những sách vở đọc được, dùng trí thông minh mà vận dụng ngay. Chỉ có
ngọn, chưa có gốc, có nền. Cứ phân tích, xé chẻ ra, thiếu tổng hợp. Chỉ có cái
gì là tổng hợp mới còn lại lâu dài.
Lối
viết của Chế Lan Viên là phải dựa, phải tựa vào một cái gì đối lập, phải phê
phán, đả kích nó thì mới đưa ra cái chính diện. Không có cái gì để mà đả thì
không viết nổi.”
Anh tán thành ý kiến của tôi là cần biết thật tỉ mỉ về
tiểu sử của anh. Và anh bắt đầu thuật kể. Anh nói, bà má của anh đã có một đời
chồng trước khi lấy ông thân sinh anh. Bà là người không chịu khó làm ăn. Khi
anh lên hai tuổi thì bà cả vào. Bà cả (anh gọi là mẹ già) chịu khó làm ăn tần tảo.
Má anh không ở được, phải đưa anh về với bà ngoại ở Gò Bồi. Năm anh sáu, bẩy tuổi
gì đó, bố anh đưa anh về Quy Nhơn ở với ông và bà cả “cho khỏi hư hỏng”. Anh phải xa má từ đó. Má anh sau tập kết ra Bắc
ở với anh. Bà mất năm 1966. Bà cả sinh con trai. Nó kém tuổi anh nhưng anh vẫn
phải gọi nó là anh. Thằng “anh” nhỏ này hơi một tý là mách mẹ nó. Nó còn đánh
anh nữa. Hồi sang Pháp, phát biểu ở Paris 7, anh nói: “Nhờ bị thằng em (thằng “anh” nhỏ) đánh mà tôi biết thông cảm với những
người bị áp bức”. Anh còn phải xách giỏ đi chợ, rất sợ gặp bọn bạn học, nhất
là con gái, con những ông Ký, ông Phán. Nhiều khi phải nép vào hàng rào, chui
vào bụi cây, nhưng không tránh thoát.
Cách mạng tháng Tám, Xuân Diệu được đưa vào Quốc hội.
Tháng 5 – 1946, được cử vào phái đoàn Phạm Văn Đồng – đi Paris (hội nghị
Fontainebleau) kháng chiến toàn quốc, anh lên Việt Bắc, vào Ban chấp hành Hội
văn nghệ. Anh tự thấy có một cuộc thức tỉnh về quần chúng. Anh nói: “Bài Bầm ơi! của Tố Hữu ảnh hưởng lớn tới hướng
đi về thơ của mình. Bài Bầm ơi! là một sự phát hiện về nhân dân, được viết một
cách nhuần nhị. Một sự chuyển hướng về tình cảm và về ngôn ngữ thơ. Rồi mình đi
nói chuyện. Cũng là một cách quần chúng hoá, vì phải nói sao cho quần chúng hiểu.
Rồi tham gia phát động quần chúng giảm tô ở làng Còng, Vĩnh Lộc, Thanh Hoá và
làm thơ về bần cố nông”.
Sau cách mạng tháng Tám, Xuân Diệu sáng tác nhiều.
Riêng thơ tình của anh, tính cho đến lúc này là 450 bài, cộng với các loại thơ
khác, phải ngót 1000 bài. Anh nói: “Nếu cần
chọn một bài tâm đắc nhất, mình chọn bài Biển. Hình ảnh biển từ nhỏ đã đi vào
mình. Biển đau thương, bể khổ trong thơ ca truyền thống và thơ Xuân Diệu. Vậy
mà nay biển vui, đầy sức sống. Cách mạng và cuộc đời đã đem lại cho mình một
tâm hồn tươi mới”.
Xuân Diệu nói tiếp về những nhân tố tạo nên hồn thơ
anh: “Có lý do năng khiếu bẩm sinh. Có lý
do ở sức yêu mến cuộc đời. Sống hết mình, toàn thân, toàn trí, toàn tâm, toàn
giác quan. Mình cảm thụ đời rất cụ thể, bằng cả xương thịt, da, mũi, mắt, tai
và hồn. Mình nói chuyện, điệu bộ, nét mặt nhăn nhó buồn cười lắm, chụp ảnh mới
biết. Nghĩa là rất cụ thể. Cả con người nói. Toàn thân tham gia vào câu văn,
không phải chỉ có ý mà cả luồng cảm xúc tràn vào bài văn. Cho nên sáng tác là sống
cao độ nhất cá nhân mình. Vì thế mình ham sáng tác nhất, dành nhiều thì giờ cho
sáng tác.
Còn
có lý do cần cù học tập nữa. Mình như là bà già, cái gì cũng nhặt nhạnh, tích
luỹ. Đứa cháu đi đâu về kêu đói, bà đã có ngay cái cho cháu ăn rồi.
Do
viết thư nhiều, tự phân tích mình, dần dần mình viết được văn xuôi. Do nói chuyện
nhiều, phải lập luận, phải thuyết phục, phải làm cho người ta đồng cảm, mình viết
được phê bình văn học.”
Xuân Diệu tự cho là mình dại – dại mà lại thành khôn.
Anh nói: “Do yêu cuộc sống nên tôi dại. Dại
mà khôn. Nghĩa là được sống có ích cho đời, cho mình, được sống đầy đủ từng
giây, từng phút của mình. Tôi ít đi tán chuyện, tán chuyện rồi nói xấu người
này, người khác. Mình cũng chẳng cao đạo gì. Để thì giờ đọc và viết”.
Anh phàn nàn: “Cuộc
sống của ta chật hẹp, gò bó quá! Con người ta bao giờ cũng sống một cách toàn
diện, họ vẫn phải ăn, ngủ, giao hợp. Mình thu hẹp thơ tình yêu lại thì người ta
sẽ chỉ có giao hợp, giao hợp, giao hợp mà không có tinh thần nữa. Không có tình
yêu giữa hai con người thì chỉ còn là quan hệ giữa hai con vật”.
Thấy trời đã xâm xẩm, tuy muốn tiếp tục nói nữa, nhưng
thông cảm với tôi đi đường xa, anh giục tôi về kẻo muộn.
Ngày 14 – 2 – 1982, 24 Điện Biên
Trong lần gặp này, Xuân Diệu nói nhiều chuyện rất tỉ mỉ
về thời thơ ấu, thời học sinh của anh.
Anh nói: “Về tuổi
thơ ấu, tôi chỉ mới nói một chút. Cần lắm. Phong phú lắm. Tôi chưa viết hồi kí.
Rất cần tự mình phân tích những kỉ niệm tuổi thơ, rất có ích cho những thế hệ
sau. Người ta sống hời hợt lắm, không sống sâu bản thân mình, sống không có ý
thức gì. Ta chỉ lo giáo dục tư tưởng. Tư tưởng là lí trí thôi. Phải giáo dục
tâm hồn, giáo dục tinh thần nhân văn, nhân bản, humain. Tại sao chỉ nói bình
thường mà vĩ đại mới quý, bình thường mà sâu cũng quý chứ! Tôi mà chỉ được giáo
dục về tư tưởng thì tôi sẽ là anh hùng, không phải là Xuân Diệu, nhà thơ nữa.
Thời
thơ ấu của tôi có biết bao nhiêu chuyện nó luyện cho cái vốn nhân đạo, vốn yêu
đời, yêu người, yêu hoa lá, biển, thiên nhiên…
Thuở
bé tôi hiền lắm, chả bao giờ dám vùng lên. Cứ bị cái thằng anh kém hai tuổi nó
bắt nạt mà chịu. Tôi có thằng em ruột rất khổ, tôi đã viết trong Phấn thông
vàng. Nó lêu lổng, vagabond, bỏ nhà đi lang thang. Có một hồi đi phu ở Tây
Nguyên. Giờ nó làm báo ở Sài Gòn. Nó viết hồi ký. Giá Mạnh đọc được thì tốt lắm,
hiểu thêm thời thơ ấu của tôi. Nó sống lang thang, rách rưới như ăn mày, nay gọi
là “bụi đời”. Nó đặt tên tập hồi ký là “Gió cuốn bụi đời”, ngờ đâu lại thành
đúng nghĩa bụi đời ta vẫn dùng ngày nay.
Lúc
nhỏ tôi ở với má ở Gò Bồi là chỗ làm nước mắm, trại làm nước mắm của bà ngoại
tôi. Sau ở với bố ở Văn Quang, cách Gò Bồi độ 10 cây số. Thỉnh thoảng tôi có về
bà ngoại. Tôi nhớ dì Bốn. Dì ấy thương tôi lắm. Trông thấy dì ấy chắp nối những
vụn nhiễu làm cái gối mà tôi thấy phong phú màu sắc quá, rất thích.
Về
sau khoảng 1939, tôi và Huy Cận có đến nhà anh Nguyễn Xuân Khoát bói bài Tây.
Anh Khoát bói cho tôi, nói số tôi luôn có “protection des femmes” (được phụ nữ
bảo hộ, bảo trợ) . Giờ tôi muốn tán phụ nữ, nịnh phụ nữ, tôi cứ nói số tôi có
“protection des femmes” .
Vì
thế tôi được dì Bốn thương. Lúc dì ấy đi làm giúp cho mợ Mười tôi, xuống đò qua
sông, tôi cứ khóc gọi theo: “Dì đừng bỏ cháu đi lấy chồng!” Thực ra có phải dì ấy
đi lấy chồng đâu.
Tôi
có một bà mợ, mợ Năm gì đấy cũng rất khổ. Một buổi nhà có khách, mợ Năm ra
ngoài uống nước hay ăn gì đó, thế mà bị cậu Năm mắng đuổi vào. Mợ ấy buồn vì bị
mọi người hắt hủi. Một mợ khác đẻ non rồi chết. Người ta nói tại mợ ấy trông thấy
một cái hoa chuối có trái nhưng cây lại chết nên không thành được buồng chuối.
Mợ ấy đẻ non và chết là vì thế.
Những
người phụ nữ ấy gây ra ở tôi ấn tượng rất tội về nỗi khổ của người đàn bà. Người
đàn bà Việt Nam thời trước khổ lắm. Cái gương mặt của họ nhìn thấy khó, thấy tối
thế nào. Sau ngày giải phóng, tôi có về Plâycu, dì Bốn tôi ở đó. Tôi có làm bài
thơ về dì Bốn in trong Hồn tôi đôi cánh. Tôi định làm một bài về mợ Năm, nhưng
chưa làm xong.
Học
xong cấp I, tôi lên Quy Nhơn học, ở nhà chú tôi. Chú tôi làm thư kí đoan, thuê
nhà ông Chín Cược. Ông Chín Cược giầu lắm. Nhà có vườn rộng. Có cái giếng rất
sâu. Có trồng thựơc dược, hoa to, cánh xoà – “Vàng tươi, thược dược cánh hơi
xoà”. Có hoa nhài bờ giếng. Đêm trăng hoa nhài rất đẹp và thơm. Tôi như sống với
những bông nhài. Tôi cũng thích hoa huệ. Huệ trong Bình Định gọi là lan. Tôi
làm thơ về hoa lan, nhành lan như vút cao, bông hoa như chóng mặt vì ngợp. Sau
vì muốn cả nước mọi miền đều thông cảm được, tôi đổi thành hoa huệ “Nhánh vút
làm cho bông huệ ngợp”. Huệ trong kia không trồng ruộng hàng sào, bán hàng chục
dò như ở Bắc.
Tôi
thuở bé giỏi trèo cây lắm. Trong vườn ông Chín Cược có cây ổi, mọc sau cái miếu,
bên bờ tường đầy rêu trơn. Thế mà tôi theo một thằng bạn tập trèo và trèo được.
Trèo lên cao thấy cả một thế giới mới lạ. Có một cành ở xa, có quả, tôi bò ra
hái. Cả một thế giới mở ra với đứa trẻ. Tôi còn trèo me, lấy được trùm me chín
cho thím tôi muối và kho cá trầu, thú vị lắm.
Tôi
rất mê cải lương. Hồi vào làm việc ở Mỹ Tho, tôi ở chính quê hương của cải
lương, quê của Phùng Há, Năm Phỉ. Năm 1932, cải lương ra Bắc. Một gánh cải
lương thỉnh thoảng ra diễn ở Gò Bồi, tại một cái chợ nhỏ. Mê lắm! Có một thằng
bạn, nhà hiếm, gọi là thằng Chó (tên thật của nó là Đức) rất có duyên, hát cải
lương rất hay. ở Gò Bồi, mỗi nhà có ghe bầu riêng, bán cá, bán nước mắm. Hàng đắt
là do người bán có duyên, khéo nói. Mẹ thằng Chó là người rất có duyên.
Tôi
cũng học hát cải lương. Có một cái gì ở trong linh hồn của điệu hát nó rất trữ
tình, rất lãng mạn. Hành vân, vọng cổ, tứ đại oán… mê lắm (Anh dừng lại hát cho
tôi nghe mấy câu tứ đại oán). Cải lương là tiếng nói của individu, khi mới ra đời
nó có cái mélancolie, một cái buồn khác cái buồn cũ. Nó là lãng mạn chủ nghĩa,
đi trước Thơ mới, Tự lực văn đoàn. Có cái đau xé. Cái đau đúc lại, cô lại rồi
xé ra. Cải lương có ảnh hưởng đến thơ tôi. Có cái xé lòng. Đúc lại, không thèm
buồn. Đúc lại trước khi nổ ra, vỡ ra.
Hồi
đi học, tôi là một cây hát trong lớp. Thích hát. Ai bảo là hát ngay: cải lương,
ca Huế, sa mạc, cả hát Tây “J’ai deux amours”. Nhạc vào thơ tôi ghê lắm. Nhạc
mà vẫn giữ ý, giữ lời nói, không âm nhạc chủ nghĩa.
Tôi
có một ông chú người Nghệ Tĩnh – trong Nam cũng gọi là người Bắc – hát sa mạc,
kể sa mạc, tôi mê lắm. Cứ phải lấy hai hạt thóc nhổ cho ông năm cái râu hay năm
sợi tóc sâu mới được ông hát cho nghe mấy câu sa mạc.”
Nói đến đây Xuân Diệu chuyển giọng nói với tôi như là
kết luận cho câu chuyện của mình hôm ấy: “Mạnh
phải tích luỹ cho mình cái vốn nhân bản. Cái đó quyết định nội dung viết của
mình. Còn kiến thức thì cứ tích luỹ, thu nhận dần dần. Cái chính là phải có vốn
nhân bản, cái humanisme, thì sẽ làm ăn được nhiều. Đó là cái vốn để viết lâu
dài.
Tôi
không thích giải thích nhà văn, nhà thơ bằng môi trường. Môi trường không quan
trọng gì lắm. Cái quan trọng là khiếu bẩm sinh, cái chất người của nhà thơ, có
cần gì môi trường. Tại sao bao nhiêu người cùng môi trường mà không phải ai
cũng thành nhà thơ?”
Anh tiễn tôi ra cửa. Vừa đi vừa than phiền: “Bán óc giờ rẻ quá! Mà không ai có tiền mua.
Mà mình cũng chả có gì bán ngoài cái đó. Nhưng thôi, mỗi người sinh ra thế nào,
bản chất thế nào thì cứ thế mà sống thôi. Còn chuyện đời, chuyện chính trị chẳng
biết thế nào, mặc!”.
Ngày 24 – 5 – 1982, 24 Điện Biên
Tôi đến Xuân Diệu đúng lúc anh tiễn khách ra cổng. Anh
nói với tôi: “Nào vào mà nghe người ta
khen! Nguyễn Cao Luyện khen lắm” (bài ‘Thương tiếc nhà văn Nguyên Hồng’, đăng
trên báo Nhân dân).
Anh vội đưa tôi vào nhà. Anh bóc bánh bích quy. Pha cà
phê. Mời thuốc lá đầu lọc: “Người ta đến
tuổi nào đấy cũng phải có lúc ung dung mà hưởng lạc một chút chứ, ăn miếng
ngon, ngắm bông hoa đẹp. Đời Nguyên Hồng chỉ là một rêve (C’est un mauvais
rêve, một ác mộng!).
Nguyên
Hồng là tài và tâm. Trí thì yếu. Tác phẩm hay hơn cả là gì nhỉ? Những ngày thơ ấu?
Nguyên Hồng chết đột ngột quá – Xuân Diệu lắc đầu, lè lưỡi.
Anh chỉ tập bản thảo viết dở trên bàn: “Mình viết văn như người bị đòi nợ. Đến hẹn
mà không có xu nào trả. Bụng rỗng không! ấy thế mà rồi cũng viết được đấy. Tập
trung suy nghĩ mãi vào một điểm rồi nó bật ra. Lúc đầu tản mạn linh tinh, tưởng
không sao viết được. Sau tập trung vào một điểm thì viết được.”
Bỗng anh chuyển sang nhận xét mấy nhà thơ đương thời
như Tế Hanh, Lưu Trọng Lư, Giang Nam: “Tế
Hanh cái gì cũng có cả, nhưng chả đọng lại cái gì. Như giao hợp đánh xoạch một
cái, chưa kịp thấy gì, đã mặc quần áo rồi (anh cười to). Lưu Trọng Lư tản mạn
quá, rồi chạy theo tiền để nuôi vợ con. Đời có những nhân tố rất tầm thường mà
hoá ra chi phối. Do thế mà viết ẩu. Lư yếu vì vợ đẹp, yêu cầu sinh lý cao. Lư
còn sống được như thế là giỏi rồi đấy. Lư quanh quẩn rút lại chỉ có một mô
hình: hát giặm, năm tiếng có vần giữa xen vào. Thế thôi! Khi làm thơ thất ngôn
thì có thay đổi tí chút. Tế Hanh, thơ như là cuộc đời sẵn có cái gì thì lấy
luôn làm câu thơ. Thơ không có xác, có chất, không có gia công sáng tạo gì cho
sâu sắc. Paul Valéry, câu thơ có xương cốt, đứng vững lắm. Anna de Noailles là
giande poétesse, vậy mà câu thơ cũng dàn trải, không vững chãi. Lamartine cũng
thế. Nhà thơ lớn thế mà câu thơ chưa thật kiên cố. Thơ Verlaine vững lắm. Câu
chữ không sao thay thế được, không bỏ được chữ nào. Nhà văn phải đẻ ra chữ.
Câu, chữ là của mình. Mình đẻ ra câu chữ mới là nhà văn thật sự”.
Thơ
Thanh Hải còn kém hơn thơ Giang Nam. Nhưng Giang Nam ngay ở bài hay nhất là bài
Quê hương cũng không có xác. Tình yêu không có xác. Như câu chuyện kể ra thế
thôi.
Hàn
Mạc Tử đúng là đẻ ra chữ. Chữ của Hàn Mạc Tử vững chắc lắm, cứ vọt ra. Thơ Tế
Hanh như thứ trạm nổi nông, loại phù điêu. Cái gì cũng có nhưng không sâu sắc,
không nổi góc cạnh, hời hợt, nông choèn, tự nhiên nhĩ nhiên, trời đất, đời sống
cho thế nào thì nói thế, không gia công đào xới, nhào nặn.”
Anh lại trở lại chuyện đời sống và phàn nàn:
“Mình
cứ viết hết bài nọ đến bài kia, luôn luôn phải ở tình trạng phải cố sức. Như
hòn bi phải có sức tác động vào mới viết được. Thành ra lại phải quay ra lo
chuyện ăn. Rất mệt!
Nhưng
mà rất mừng là có một số người hiểu mình: Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung
Thông, Nguyễn Đăng Mạnh. Phải tăng cường tìm hiểu nhau, tăng cường tri âm tri kỷ.”
Anh mời tôi uống nước, hút thuốc lá. Anh nói: “Không phải ai mình cũng mời thế đâu!”.
Anh hạ giọng: “Này chuyện tình với bạn
trai ngày xưa của mình, Mạnh có nhận xét đấy, đừng viết ra làm gì, người ta hiểu
sai đi không lợi. Mạnh thân với Hoàng Ngọc Hiến, lúc nào nói với Hiến phải giữ
mồm giữ miệng. Người ta phản ánh đến anh Tố Hữu rồi đấy. Anh Lành anh ấy biết rồi
đấy. Khéo rồi họ lại thắt lại thì chết. Bây giờ đang có chiều hướng mở ra, khá.
Trường hợp Tuyển tập Nguyễn Tuân là thế. Ta cứ lặng lẽ mà ăn, mà ngoạm từng miếng,
nhưng đừng có nhai rau ráu ồn lên làm gì. Không phải sợ, không phải hèn đâu,
nhưng mà không cần phải thế”.
Xuân Diệu lại mời tôi hút thuốc lá: “Cứ hút đi! Biết rồi đến lúc nào mình không
còn nữa để đưa thuốc lá cho mà hút”.
Anh lại giục làm việc khẩn trương lên. Cái chết nó
thúc đẩy mình.
Tôi ra về. Trời mưa. Thấy tôi không có mũ, anh cho mượn
cái mũ lá cũ: “Mũ cũ nhưng đừng vất đi đấy”.
Anh lại lấy cái cặp nhựa, cặp mép cái túi xách của tôi
cho khỏi ướt sách vở bên trong: “Mình như
người vợ chăm sóc chồng. Thế mới biết người đàn bà là cần”.
Ngày 8 – 4 – 1983, 24 Điện Biên.
Xuân Diệu mở cổng. Tôi nói, lâu quá không gặp anh.
Xuân Diệu nói: “Mạnh mà cũng biết sốt ruột
kia à? Tưởng bây giờ đang lên, không thích mình nữa?”. Anh cười: “ấy người ta có cái ghen chẳng có fondement
gì cả như thế đấy!”.
Tôi đến Xuân Diệu sau khi gặp Lưu Công Nhân ở Sài Gòn.
Tôi hỏi: “Anh có biết Lưu Công Nhân?”.
Xuân Diệu: “Có
biết, nhưng không thân thiết lắm. Thế hắn sống bằng gì? Có mấy con?”. Tôi
nói, không biết, chỉ thấy giầu lắm. Xuân Diệu: “Cậu đúng là nhà văn lớn, không để ý cái gì cụ thể cả”.
Tôi lại nói về chuyện vừa gặp Chế Lan Viên ở Sài Gòn.
Xuân Diệu nói: “Chế Lan Viên giờ buồn lắm.
Sắc sảo, thông minh, song trong quan hệ với nhau còn phải có tình người, chứ
đâu chỉ chuyện tìm tòi chân lý. Chế Lan Viên hay lấy lý át người ta, dồn người
ta vào thế bí. Người ta ít gần. Sợ. Văn tiểu luận của Chế Lan Viên có từng đoạn
sắc sảo, hay. Nhưng nhìn toàn bộ thì không vững, xộc xệch lắm”.
Anh lại quay ra nói về Thơ mới. Anh cho rằng:
“Nói
Thơ mới thoát thai từ hát nói là ngu. Thơ mới đến độ kết tinh ổn định nào đấy
thì gặp hát nói. Vả lại câu tám tiếng, câu mở rộng của hát nói vẫn khác câu tám
tiếng của Thơ mới.
Còn
song thất lục bát thì là thể ngâm, réo rắt, không hợp với Thơ mới. Thơ mới có
nhu cầu kéo dài câu thơ, vì nó phong phú, tràn đầy, nó cần nói nhiều.”
Bỗng anh quay ra phê phán Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức:
“Hết thời Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức rồi. Họ làm xong nhiệm vụ lịch sử rồi. Đệ viết về Thơ mới, ca ngợi Thơ mới xong, bảo nó là con đĩ. Chơi gái mãi rồi bảo nó là con đĩ. Đệ cứ dẫn ra những câu tương tự của Thơ Pháp và Thơ mới để tỏ ra là đọc nhiều. Kỳ thực có sự gặp gỡ tự nhiên chứ không phải bao giờ cũng là mô phỏng – Đối chiếu thơ Bác với thơ xưa nhiều khi cũng thế.”
Huy Cận đi làm về. Anh nói với tôi: “Ta phải gặp nhau nữa chứ. Tôi mới nói sơ sơ
thôi, còn nhiều điều chưa nói (trước đây ít lâu, tôi có một cuộc trò chuyện với
Huy Cận). Anh Đệ, anh Đức là nhà phê bình officiels. Tôi đã đọc anh viết về
Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, thấy có cái gọi là suy nghĩ. Còn nhiều người viết chẳng
có giá trị gì”.
Xuân Diệu tiếp tục nói về thơ mình. Càng nói càng sôi
nổi: “Xuân Diệu là individu. Cái day dứt
nhất ở Xuân Diệu là cái “moi” và “non – moi”. Và căng cho hết mình. Làm thơ để
thực hiện cái le moi của mình là Xuân Diệu.
Tình
yêu thực hiện được sâu sắc nhất cái cá nhân. Tình yêu gắn với cuộc sống vật chất,
trần gian, bản năng, lại rất cá nhân trong conscience.
Xuân
Diệu không làm thơ “anh anh em em”, mà thực sự làm thơ trong phạm trù tình yêu.
Xuân Diệu thách với cả thế giới về thơ tình yêu. Xưa sôi nổi thanh niên, nay
sâu lắng, suy nghĩ hơn.
Vấn
đề thời gian trong thơ Xuân Diệu lớn lắm: day dứt nhớ lại cái phút ấy, phút thần
tiên ấy, cái chỗ ấy, cái lúc ấy trong cả cuộc đời – cái phút thật là yêu, của
phạm trù tình yêu. Về sau chỉ là nghĩa, có nhiều cái ân tình khác, nhưng thật sự
là yêu chỉ có cái phút ấy. Thơ tình là vĩnh cửu hoá cái phút ấy.”
Anh chuyển sang giọng tâm tình thân mật: “Thơ tình Xuân Diệu có một sự trỗi dậy, sống
dậy vào khoảng sau Riêng chung, tức khoảng 1961 gì đó”. Bỗng anh xoè bàn
tay ra khoe: “Đấy, mont de Vénus của mình
cao thế này” (anh chỉ chỗ bàn tay gồ lên gần ngón cái). Mont de lune của mình cũng rõ, giầu mơ mộng,
rất lãng mạn (anh chỉ phía gần ngón út), còn mont de soleil là danh vọng cũng rất nổi (anh chỉ khoảng giữa
bàn tay phía giáp các ngón).
Thực ra anh người mập, bàn tay múp míp, chỗ nào chả đầy,
chả mọng lên.
Anh lại khoe nhận được một lá thư nhờ làm hộ một bài
thơ tình để tặng người yêu. Anh cười: “Làm
thơ tình thuê! Giá mấy hào một bài đây! Đấy, nhu cầu thực tế của đời sống về
thơ tình là thế đấy”
Tôi nói: “Anh Tố
Hữu nói làm thơ tình rất khó”.
Xuân Diệu: “Khó ở chỗ phải chân thật, phải yêu thật”.
Chiều ngày 12 – 4 – 1985, 24 Điện Biên
Thấy tôi, Xuân Diệu mừng lắm: “Vài ba tháng gặp nhau một lần là quý rồi. Cứ đi dép cho đỡ lạnh chân”.
Anh mời tôi uống cà phê, hút thuốc lá như thường lệ. Anh nói Như Phong chết làm anh hoảng quá. Như Phong
chủ quan, tự cho là khoẻ lắm. Cái chết! Thế là từ plus infini thành moins
infini.
Tôi nói Nguyên Hồng chết sớm hơn và cũng đột ngột.
Xuân Diệu nói: “Nhưng mà Nguyên Hồng chết
rồi, cái văn của anh ấy vẫn còn rên rỉ. Còn Như Phong mất là không thấy dấu vết
gì nữa”.
Anh xoay ra nói về giá cả đắt đỏ mà nhuận bút thấp
quá: “Nhuận bút tập sách viết 10 năm chỉ
bằng một chỉ vàng. Nhận nhuận bút mà buồn. Đi một chuyến lại hơn là nhuận bút.
Quãng Ngãi chỉ có 180 đồng một cân thịt bò. Đời sống hơn ngoài Bắc. Trong Nam đời
sống cao hơn, khí hậu dễ chịu hơn. Nhưng mà không được quên cái gốc. Trong Nam
họ suốt ngày lo kiếm tiền thôi. Sống ở Sài Gòn không chịu nổi. Không ai biết
anh là ai. Con người lọt thỏm mất hút đi trong cái biển người mênh mông”.
Anh lại xoay ra tính toán cụ thể giá thực phẩm: 3 quả trứng gà 33 đồng, 2 quả trứng vịt lộn
18 đồng một quả, nhân 3 là 36 đồng…
Bỗng anh ngắm nhìn tôi, nhận xét: “Mạnh để tóc thế này hay hơn. Mặt Mạnh nhỏ, để tóc thế này nó ôm lấy mặt,
đỡ gầy.” Tôi nói, nhiều người cũng khen như thế. Xuân Diệu cười: “Hoá ra mình
nhận xét thế mà đúng với ý kiến mọi người, “chúng khẩu đồng từ”.
Tôi nói, hình như Nguyễn Tuân vào Quảng Nam viết một
bài được trả nhuận bút cao lắm. Xuân Diệu nói: “Đúng là Quảng Nam Đà Nẵng nó trả Nguyễn Tuân 10.000 đồng một bài. Bài
có hai trang. Không hay lắm. Nguyễn Tuân viết khó. Bây giờ viết khó hay lắm!”
Tôi hỏi anh có nghĩ gì về khái niệm phong cách.
Xuân Diệu nói: “Style
là bút pháp và cũng là phong cách. “Khen rằng bút pháp đã tinh. Nghe bút pháp
có vẻ nặng hơn”.
Tôi nói, phong cách có lẽ rộng nghĩa hơn, toàn diện
hơn, sâu hơn. Anh đi tra từ điển: “Style:
manière. Manière d’ exprimer sa pensée. ừ, phong cách đúng hơn”.
Anh chê Nguyễn Xuân Nam, cho là không thật, không tốt.
Tôi nghĩ bụng chắc lại là cái chuyện Xuân Nam viết về Huy Cận. Xuân Nam bị ngờ
là bới móc Huy Cận. Xuân Diệu đã nói với tôi một lần rồi. (Xuân Nam viết một bài về Huy Cận, anh ca ngợi sự chuyển biến tiến bộ về
tư tưởng của Huy Cận, đại ý: ngày xưa Huy Cận làm thơ thường đề tặng các nhà
văn trong Tự lực văn đoàn và cả con cái họ, nay anh làm thơ tặng nhân dân lao động,
như tặng một cô thợ mỏ, một anh thợ hàn chẳng hạn… Nhưng Xuân Diệu lại hiểu là
Xuân Nam có ý nói móc, xỏ xiên người bạn của anh ngày xưa từng nịnh hót cánh Tự
lực văn đoàn (Thực ra hồi ấy, Huy Cận từng tha thiết xin vào Tự lực văn đoàn mà
không được chấp nhận).
Anh chê Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức viết không có nội
dung: “Nội dung là tình cảm. Không có
tình cảm, không có nội dung. Tôi cứ ném thia lia, bắn tin về Phan Cự Đệ. Tôi
nói với Hà Xuân Trường: Đệ làm tổng biên tập Nhà xuất bản Văn học thì chúng tôi
sẽ đánh du kích 5 năm cho phải đổ. Nói với Việt cộng phải nói bằng cách nói của
Việt cộng họ mới sợ”.
Anh đọc tôi nghe bài thơ: “Nếu anh cứ thương nhớ em thì sao”. Bài thơ ba khổ. Khổ đầu hay.
Tôi khen bài thơ hay.
Xuân Diệu nói: “Những câu thơ như thế phải đọc cho Mạnh
nghe. Mình đọc được cho Mạnh nghe cũng thấy thích. Bài “Hoa anh ơi!” là một lời thơ đi suốt. Cả bài thơ là một lời đi suốt”.
Anh nhắc tôi về kẻo muộn. Đi về, ra ngoại thành, sương
xuống, chắc là thấy cô đơn, buồn. Tôi nói, có lần ở nông trường 1 – 5 Nghệ An,
thấy con bò đi một mình buổi chiều, buồn quá! Anh nói: “Con bò nó cũng thấy buồn – và thế là nó trở thành thi sĩ, trở thành
người”.
Anh tiễn tôi ra cửa, nhắc thỉnh thoảng gặp nhau. ít ra
một quý một lần, hai tháng một lần càng tốt.
Tôi nói, có lúc ngửi một mùi hương, thấy nhớ một cái
gì ghê quá. Anh nói, thế là Marcel Proust.
Hương và vị nữa.
Anh hỏi tôi về kết quả cuộc chấm thi truyện ngắn tôi
có tham gia. Tôi nói không có bài thật trội. Sàn sàn cả. Anh nói chủ nghĩa xã hội chỉ tạo ra cái moyenne
trung bình, bonne moyenne, không có bon talent.
Anh nói, trong
cuộc thi thơ, Lâm Thị Mỹ Dạ thắc mắc sao không có giải A. Tôi viết một bài lôi
ra có bài loại B cũng không đáng. Lạm phát thơ. 150 nhà thơ! Sao nhiều thế! Phải
dọn bớt lại.
Anh động viên tôi: “Dù
sao chúng mình còn có chỗ họ mời. Có người không được thế. Mạnh và mình giữ được
vị trí do thực lực. Cần gì giám đốc, phó giám đốc. Rồi đổ ngay ấy mà! Cứ viết
cho tốt. Nghệ Tĩnh Tết vừa qua Tỉnh uỷ đi thăm Minh Huệ tuy Minh Huệ chưa bằng
Trần Hữu Thung. Song biết thăm ai? Thế là họ có chuyển”.
***
Từ 1966 đến 1985, năm Xuân Diệu qua đời, tính ra tôi
có tới vài chục lần được trò chuyện với Xuân Diệu. Càng tiếp xúc càng thân, và
anh càng cởi mở hơn.
Chỉ riêng năm 1985, tôi gặp anh tới 5, 6 lần. Nhưng
tôi nhớ nhất ba lần sau đây:
Đầu năm 1985 cũng đi với anh lên Tuyên Quang bồi dưỡng
những cây bút trẻ ở vùng núi phía Bắc. Tôi nhớ đi qua đền Hùng đúng vào dịp hội.
Xe dừng lại, các anh trong đoàn (Chính Hữu, Lê Lựu, Nguyễn Thành Long, Hữu Thỉnh,
Vương Trí Nhàn và tôi) đều có đảo lên đồi xem một lát. Riêng Xuân Diệu không
lên. Anh ngồi lại trong xe. Chắc mệt, ngại leo dốc. Ở Tuyên Quang, chúng tôi
nghỉ ở nhà khách của Tỉnh uỷ. Đêm, tôi để ý thấy Xuân Diệu thở rất nặng nhọc, lắm
lúc như hộc lên. Tim có vấn đề.
Lần thứ hai là ngày 5 – 10 – 1985. Tôi đến mời anh nói chuyện với lớp sinh viên đặc biệt (gọi là lớp 5C) do tôi làm chủ nhiệm. Anh giữ tôi lại, tặng tôi cái đồng hồ.
Lần thứ ba là ngày 10 – 10 1985. Tôi đưa 14 sinh viên đến phòng anh ở 24 Điện Biên để nghe anh giảng thơ.
Đây là cuộc gặp cuối cùng với anh. Hai tháng sau, anh qua đời (ngày 18- 12 – 1985)
Cả ba cuộc gặp này, tôi đều đã đưa vào mấy bài chân
dung viết về anh nên không thuật lại nữa.
Quan
Hoa,5 -12 - 2006.
Nguyễn Đăng Mạnh
“Hết thời Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức rồi. Họ làm xong nhiệm vụ lịch sử rồi. Đệ viết về Thơ mới, ca ngợi Thơ mới xong, bảo nó là con đĩ. Chơi gái mãi rồi bảo nó là con đĩ. Đệ cứ dẫn ra những câu tương tự của Thơ Pháp và Thơ mới để tỏ ra là đọc nhiều. Kỳ thực có sự gặp gỡ tự nhiên chứ không phải bao giờ cũng là mô phỏng – Đối chiếu thơ Bác với thơ xưa nhiều khi cũng thế.”
Xuân Diệu: “Khó ở chỗ phải chân thật, phải yêu thật”.
Lần thứ hai là ngày 5 – 10 – 1985. Tôi đến mời anh nói chuyện với lớp sinh viên đặc biệt (gọi là lớp 5C) do tôi làm chủ nhiệm. Anh giữ tôi lại, tặng tôi cái đồng hồ.
Lần thứ ba là ngày 10 – 10 1985. Tôi đưa 14 sinh viên đến phòng anh ở 24 Điện Biên để nghe anh giảng thơ.
Đây là cuộc gặp cuối cùng với anh. Hai tháng sau, anh qua đời (ngày 18- 12 – 1985)
Nguyễn Đăng Mạnh
Hay, bổ ích.
Trả lờiXóaCám ơn Phú Đoàn.