Nghiêng bậc cửa đêm là tập thơ in cùng năm với tập Nắng trao mùa (2017), sau tập Hoa cau (2015) của nhà thơ nữ Ngọc Tình,
Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh.
Điều làm tôi chăm chú trước hết là cái tựa của tập
thơ: Nghiêng bậc cửa đêm. Sao không đặt
là Bậc cửa nghiêng đêm? Nghe thuận
tai, dễ hiểu, dễ cảm, mà có chất thơ nữa. Việc đặt tên cho một tác phẩm đã khó,
đặt tên cho một tập thơ, một tập truyện ngắn, một tập ký,… khó hơn nhiều, vì
cái tựa, cái tên phải mang nội dung thông báo với độc giả về giá trị trọng tâm-
gọi là giới thiệu, tạo cảm xúc ban đầu. Cách đặt tên nghe trúc trắc như vậy liệu
có dụng ý gì? Phải chăng tác giả lấy từ câu thơ thứ tư của bài thơ Giọt tình
quê. Có điều bài thơ chỉ vỏn vẹn 4 câu: “Giọt
sương lá đọng đầy vơi/ Giọt nắng em cõng ngược xuôi bến đời/ Giọt quê đẫm nhớ
lưng trời/ Giọt nghiêng bậc cửa đêm vời vợi trăng”? Tôi còn tìm thấy một
câu thơ khác, ý tứ được mô tả cụ thể hơn: “Em
lặng thinh bậc cửa cũ mòn nghiêng” (Mùa sen). Hoặc có thề với khối lượng từ
nghiêng của 13 trong số 77 bài thơ mà Ngọc Tình đã dùng: Để em đi, Giọt tình quê, Mùa sen, Tháng sáu cánh phượng bay, Cành sen
năm cũ, Khát mưa, Trăng nghiêng, Táo chua, Tha hương, Đêm và gió, Hóa đá tình
thu, Trăng ru, Tần ngần. Những từ nghiêng của 13 bải thơ trên đã mô tả hiện
thực tự nhiên “Đẫm sương nghiêng thì thầm
đêm trăng hát”. (Để em đi), một thoáng chao nghiêng: “Nhớ ngõ cũ hồn em tôi nghiêng ngã.” (Khát mưa), hoặc sự lay động
tâm cảm: “Em lặng thinh bậc cửa cũ mòn
nghiêng.” (Mùa sen), cảm xúc đổi trao: “Se
se thu - gió lỡ làng/ Lá nghiêng mỏng mảnh- khẽ khàng nói trêu”. (Tần ngần)…
Đó là sự chính thực bởi cái nhìn đầy thơ của Ngọc Tình. Nhà thơ Phạm Tiến Duật
cũng có lần rất tinh dùng từ nghiêng để diễn đạt nỗi nhớ: “Nằm ngửa nhớ trăng nằm nghiêng nhớ bến/ Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng
đèo.” (Nhớ). Có lẽ vì vậy mà tên tập thơ có từ nghiêng chăng? Khi gặp Ngọc
Tình thì được nhà thơ giãi bày thêm về cách chọn tựa tập thơ: “…là những lát cắt nghiêng bậc cửa về đêm.
Chỉ nghiêng thôi cũng ngỡ giọt trăng đang run rẩy, chỉ nghiêng thôi người làm
thơ cũng ngác ngơ khi lá rụng đêm về. Để cho đêm từng chín. Tựa đề tập thơ của
Ngọc Tình lấy chủ đạo từ bài : Đêm và gió.”
Nổi lên toàn tập thơ, người đọc cảm được ngay niềm xa
quê của Ngọc Tình, cô gái vùng đất Hà Nam vào ngụ cư miền đất thánh - Tây Ninh
từ năm 1977, làm việc tại một đơn vị thuộc ngành giáo dục.
Hà Nam, xưa là một vùng đất cổ ở phía Nam Thăng Long -
Đông Đô - Hà Nội, một vùng chiêm trũng, đồng trắng nước trong: “Chiêm khê, mùa thối”, “Sống ngâm da, chết ngâm xương”. Cuộc sống
cơ cực của vùng đồng chiêm trũng đã đi vào câu ca dao cổ: “Nam Xang đồng hẹp, bãi dài/ Ăn cơm thì ít, ăn khoai thì nhiều”. Hà
Nam, là quê hương của những anh hùng dân tộc: các nữ tướng của Hai Bà Trưng,
như Nguyệt Nga, Lê Chân…, các anh hùng dân tộc kiệt xuất: Lê Hoàn (Lê Đại Hành
hoàng đế), Trần Bình Trọng, Đinh Công Tráng,… những văn sĩ như Tam nguyên Yên Đổ
- Thi bá nổi tiếng Nguyễn Khuyến, nhà văn - Liệt sĩ Nam Cao, .v.v… Ngày nay,
vùng đất mênh mông này đã phì nhiêu, màu mỡ, mỗi năm từ hai vụ, có nơi ba bốn vụ,
lúa, màu xen kẽ. Những đặc sản nổi tiếng như: Mơ hồng Kim Bảng, Chuối ngự Đại
Hoàng... Thoảng vọng giọng hát trìu mến của nữ ca sĩ Tân Nhàn: “Hà Nam ơi hôm nay /Đàn chim én ngang trời,
chao trong mùa lúa mới /Trăng sáng nhẹ rơi /Quê hương mình, thương quá Hà Nam
ơi.” (Hà Nam quê hương tôi).
Tình quê của kẻ tha hương trong tập thơ hiển hiện từ
những nỗi nhớ về con sông, phiên chợ, ánh nắng chiều hôm, tiếng chuông chùa
ngân nga, đến những phẩm vật: cà pháo- rau muống, bánh đúc- bánh đa, rau sắng
Hà Nam v.v… Nhưng cảm xúc lãng mạn nhất, thơ nhất là nỗi nhớ quê hòa quyện với
ánh trăng thu. Tình quê trải rộng ra ở 3 mùa (hạ, thu, đông), còn mùa xuân thì
hời nhạt. Đặc biệt Ngọc Tình ưu ái một cách sâu lắng sự tình ấy qua 30 ánh
trăng ẩn hiện trong tập thơ, kết tụ trong 9 bài thơ thu, hoặc có lúc mùa thu được
“vắt” qua những bài thơ khác (Để em
đi, Bất chợt, Cà pháo và rau muống, Trần gian, Tần ngần, Tháng mười mùa lúa
chín,…): “Khoảng cách nào ta ngắm tóc em
bay/ Thu đắm đuối thu hôn vàng ký ức”. (Ngắm tóc em bay), “Phai thu rừng vẫn vàng ươm/ Tàn thu- lá cũ
dịu mềm hóa xanh”.(Ẩn dòng). Sẽ thiếu đi nếu không để tâm đến một dấu ấn “tình yêu” thời con gái của nhà thơ. Nhà
thơ không xô bồ, không đàn điệu về nỗi niềm riêng tư, mà rất mỏng mảnh, kín
đáo, trân trọng khi thoáng nhớ về người xưa ở chốn quê với một xúc cảm đè nén: “Này trăng/ dắt ta về/Thăm bà mẹ anh ngoài
chín mươi còn nhớ/ …Mắt lòa cứ ngóng hỏi P nó đã về chưa?”,…, nhưng đau
lòng thay: “Sân ga cũ chứng minh trong thầm
lặng/…Cho mộ người nay rắc trắng đầy hoa”. (Trăng dắt ta về). Tình xưa giờ
chỉ còn lồng khép trong nỗi nhớ quê: “Đêm từng chín nhuộm muôn ngàn thảm lá/ Đêm
mơ chìm ai thoang thoảng mùi hương”. (Đêm và gió). Khi “nắng thu trải khắp cánh đồng”, khi “Từng đàn chim ríu ra ríu rít”, nhà thơ chợt ánh lên một giây phút
lãng mạn: “Anh có về gặt lúa với em
không?”. (Tháng mười mùa lúa chín). Trái tim người con gái năm xưa rộn rã
trong miền ký ức: “Thu đủng đỉnh chờ
trăng thanh có phải.”… Rồi thoang thoảng đâu đây lời dặn, cũng là lời hẹn: “Lắng bến xưa tiếng mùa thu lay hỏi/ Thì thầm
em- đừng lạc lúc quay về.” (Mùa thu và nỗi nhớ). Nhưng người con gái lại
bâng quơ: “Gió xe mây/ mây có hẹn trở về?”
(Đêm và gió). Cho nên tâm trạng mới dùng dằng đi - ở thật khó tả: “Nửa chừng muốn ở- muốn đi”. (Giấc thơ),
lại có lúc người con gái quyết ra đi: “Để
em đi”…thương cả đời rau ế”, bởi vì: “Khúc
sông quê con thuyền cũ không còn”. (Để em đi). Một lẽ rất rõ là ở đó còn gì
kéo níu nữa đâu! Tự trong sâu thẳm, cô gái phải bật lên: Cố hương ơi!/Cố hươngơi!. (Cố hương II). Tình tiết này rất giàu cảm
xúc và đa nghĩa.
Đến đây, với những luận giải, cảm xúc chủ đạo của tập
thơ chính là NỖI NHỚ. Nỗi nhớ quê trong toàn tập thơ được diễn trình vào một
đêm thu, khi ánh trăng nghiêng chiếu lên bậc cửa. Bậc cửa nghiêng cùng với ánh
trăng nghiêng đã khảy lên tiếng lòng và khe khẽ rung rinh với làn gió thu.
Tuy tập thơ thiếu sự chỉnh chu về diễn đạt, có lúc
lúng túng, còn nhiều điểm (từ ngữ, mạch thơ,) chưa làm hài lòng người đọc,
nhưng chúng ta vẫn đón nhận nỗi nhớ hòa quyện dưới ánh trăng thu của một người
xa quê chan chứa bao sự tình. Âm hưởng của tập thơ cũng thật lãng mạn!
Cuối Thu, 01/11/2020
VŨ HỒNG
(Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Tây Ninh)
Lê Văn Hồng, Tel: 0908.612.456
Đ/c: Số nhà 14/1, Khu phố 6, Phường 3, đường Nguyễn Chí Thanh, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.
VŨ HỒNG
(Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Tây Ninh)
Lê Văn Hồng, Tel: 0908.612.456
Đ/c: Số nhà 14/1, Khu phố 6, Phường 3, đường Nguyễn Chí Thanh, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ