SAY
CỐ NHÂN
Rót một ly gọi nhau cố
nhân
Một ly xin lỗi hết ân cần
Con đường thẳng tắp xa
nhau mãi
Mùa hạ cháy nồng hay xuân
phai
Rót một ly ta say, ta say
Bóng em trong đáy cốc hay
ai
Chiều nay giăng tím chiều
hôm ấy
Em đến bên trời ta mơ hoa
Rót một ly xin lỗi nhạt
nhoà
Ký ức bây giờ như vệt tro
Rải trên sông lạnh làm
tang chế
Khóc một thời yêu
"dáng hoa" xưa...
Rót một ly uống hết không
chừa
Nỗi đau, nỗi nghẹn bình
rượu đắng
Khứa nát linh hồn ta như
dao
Nhớ em ta uống cạn nghìn
sau...
Cứ thế ta uống cùng gió
sương
Tình em... xin nợ một vết
thuơng
Rót thêm ly nữa sầu cô quạnh
Em biết gì không... sao
xa nhau !
Em biết vì sao ta xa nhau
Em biết gì không sao xa
nhau !
Trần Mai Ngân
9-3-2019
Không ngờ một
phụ nữ lại làm thơ như một hảo hán. Đọc bài thơ tôi lại nhớ đến những nhà thơ
mà tôi có diễm phúc được ngồi uống rượu với họ như Kha Tiệm Ly, Lê Giao Văn, Lê
Đình Hạnh, Lê Thiên Minh khoa, Nguyên Bình, Ngã Du Tử, Hải Thụy, Du Phong, Lang
Trương…vv.
Ngồi với những
nhà thơ say nầy, tôi thấy mình nhỏ bé lại, nhưng cũng ngập tràn trong lòng sự
thích thú. Nhìn họ cụng ly say sưa, đọc thơ nghiêng ngã, mình cảm tưởng như được
nhìn những cơn phong ba bão táp đang dậy lên, vừa cuồng nhiệt vừa ướt át làm mê
say con mắt ái mộ của mình. Nhìn họ, như đang nhìn những sự kiện ghi lại trong
lòng dấu ấn hạnh phúc. Nhìn họ, như được ngắm những hình tượng nghệ thuật hóa
thân thành người trước mắt. Nói như thế có quá không? nhưng thật thì trong lòng
tôi như vậy.
Thật tình,
tôi thích ngồi với những nhà thơ hơn là đọc thơ của họ. Đọc thơ thì chỉ là nhìn
cái bóng của tác giả. Ngồi với nhà thơ, tức là tiếp xúc trực tiếp đến tận nguồn
thơ, vì người thơ chính là nguồn thơ vậy.
Tôi có may
mắn gặp nhà thơ Trần Mai Ngân một lần, nhưng chỉ được đưa đi thăm sông nước
Vĩnh Long, ăn trưa cùng các bạn tại nhà hàng trong khu vườn sinh thái, nhưng
chưa có cơ hội được ngồi uống rượu cùng bạn ấy. Hôm nay đọc bài thơ “Say Cố Nhân” của Trần Mai Ngân viết cho
một chàng trai nào đó, nhưng biết đâu có thể viết cho chính mình vì nhà thơ thường
dấu tâm tư dưới những điều hư cấu hay gởi nỗi niềm mình vào những ẩn dụ chứa trong thơ.
Bây giờ thử
đi vào khổ thơ đầu tiên:
Rót
một ly gọi nhau cố nhân
Một
ly xin lỗi hết ân cần
Con
đường thẳng tắp xa nhau mãi
Mùa
hạ cháy nồng hay xuân phai
Đây là ly
rượu quyết định số phận của cuộc tình. Ly rượu đầu tiên như một lưỡi đao oan
nghiệt cắt đức ngàn sợi chỉ hồng bện thành sợi dây quyến luyến, sợi dây cột chặc
hai tâm hồn đam mê lại với nhau.
Rồi thì mắt
ta nhìn thấy một con đường vắng tanh ngun ngút, không mưa sa, không giá lạnh
nhưng sầu đến não nuột: “Con đường thẳng
tắp xa nhau mãi/ Mùa hạ cháy nồng hay xuân phai”
Ít khi tôi đọc
được một bài thơ thất tình mà ý thơ lạ lùng như vậy. Con đường thất tình thì phải
hiu hắt gió sương, mưa rơi và lá rụng, chớ sao con dường đẹp quá, mà lại nồng
nàn nắng hạ và hương hoa còn phản phất buổi xuân phai. Thế nhưng đọc bốn câu
thơ, lòng tôi lại cảm nhận thấy mối tình đẹp quá, nó sưởi ấm cả cuộcđời, dầu
cho cuộc đời ấy cô đơn và vắng lặng như con đường dài kía kéo đến cuối chân trời.
Thế rồi nhà
thơ chỉ rót thêm một ly thứ hai đã nói “ta say, ta say”:
Rót
một ly ta say, ta say
Bóng
em trong đáy cốc hay ai
Chiều
nay giăng tím chiều hôm ấy
Em
đến bên trời ta mơ hoa
Đúng rồi, vậy
cho nên cái đầu đề bài thơ là “Say Cố
Nhân” nghĩa là tác giả say hình bóng người xưa chớ không phải say rượu. Chỉ
mới ly thứ hai mà bóng em đã hiện trong đáy cốc, nghĩa là tác giả đã nhớ em mà
đi uống rượu chớ chẳng phải rượu vào làm
cho nhớ em. Nhà thơ đi uống rượu vì “Chiều
nay giăng tím chiều hôm ấy” tức là chiều nay tâm trạng nhà thơ đang tím,
tím cả cõi lòng vì nhớ đến chiều tím nào đó đã tiễn em đi “đến bên trời”. “Bên trời”
có thể là bên kia đại dương, cũng có thể
là bên kia thé giới.
Khổ thơ cho
ta nhìn thấy nhà thơ chưa say, nhưng khổ thơ cũng cho ta nhìn thấy nhà thơ buồn
đến cực độ. Tôi dùng chữ “buồn” chớ
không dùng chữ “sầu” vì với tôi, buồn thì còn cảm giác, nhận biết được chung
quanh, còn sầu là tê cứng mọi cảm giác của mình.
Thê rồi qua
khổ thơ sau, Trần Mai Ngân hỏa thiêu tình yêu của mình, rải tro tình yêu trên
dòng sông định mệnh:
Rót
một ly xin lỗi nhạt nhoà
Ký
ức bây giờ như vệt tro
Rải
trên sông lạnh làm tang chế
Khóc
một thời yêu “dáng hoa” xưa...
Hai câu thơ
“Ký ức bây giờ như vệt tro / Rải trên
sông lạnh làm tang chế” phác họa một hình ảnh sống động, ảm đạm và kéo dài
nỗi buồn thâm nhập vào tâm hồn ta miên man. Đọc thơ, không ai không nghĩ đến
con thuyền trên dòng sông và những vệt tro cốt nổi bồng bềnh trôi dài trên sóng
nước. Vệt tro rải trên sông lạnh có thể chỉ là biểu tượng của mối tình ly biết,
cũng có thể là tro cốt của nàng đã vĩnh viễn ra đi.
Nhà thơ uống
đến ly thứ tư thì bây giờ nỗi đau ùa đến ngập tràn tâm khảm. Từ đây nhà thơ uống
liên tiếp và uống đến ngàn ly:
Rót
một ly uống hết không chừa
Nỗi
đau, nỗi nghẹn bình rượu đắng
Khứa
nát linh hồn ta như dao
Nhớ
em ta uống cạn nghìn sau...
Đọc cái say
của Trần Mai Ngân đến đây, tôi lại nhớ đến cái say của Kha Tiệm Ly. Hai cái say
dồng điệu nhau ở lúc nầy. Hãy đọc Kha Tiệm Ly:
“Ta
bước chân đi vương sợi tóc
Đủ
làm choáng váng giấc mê say
Tàn
đêm rượu cạn bao nhiêu cốc
Mà
ảnh người, như khói thuốc bay!
Réo
rắt đàn xưa cung lỗi nhịp
Bâng
khuâng hồ rượu biết vơi đầy?
Ta
thèm một chút hương thừa cũ
Sao
cứ mơ màng như bóng mây?
Phật
thệ khói sương mờ bốn nẻo
Huyền
Trân nào lạc bước nơi đây!
Bồng
bềnh tóc rối bời năm cũ
Mãi
quyện hồn ta bao ngất ngây!
Rượu
đắng lung linh mờ dáng ngọc
Cho
ngàn đêm nhớ, với đêm nay.
(Tình Say Kha Tiệm Ly)
Nhà thơ Kha
Tiệm Ly thì “Cho ngàn đêm nhớ với đêm
nay”, còn Trần Mai Ngân thì “Nhớ em
ta uống cạn nghìn sau…”. Hai câu thơ đều nhớ tất cả nhưng Trần Mai Ngân đến
bây giờ mới thật sự uống, Ta cứ thử tưởng tượng họ ngồi đối ẩm với nhau đi, mới
thấy “uống cạn nghìn sau” và uống “cho ngàn đêm nhớ” nó túy lúy làm sao và
nó thi vị biết bao!
Cuối cùng rồi
Trần Mai Ngân cũng phải khóc, cuối cùng rồi cũng thổn thức, cuối cùng rồi cũng
bật lên thành lời cay đắng. Đó là lúc hỏi. Hỏi nhưng mà không cần câu trả lời,
vì đã say quá đổi, đã đem cơn nhớ đi vào giấc ngủ miên man:
Cứ
thế ta uống cùng gió sương
Tình
em... xin nợ một vết thuơng
Rót
thêm ly nữa sầu cô quạnh
Em
biết gì không... sao xa nhau !
Em
biết vì sao ta xa nhau
Em
biết gì không sao xa nhau !
“Em biết gì không ta xa nhau” lặp đi lặp
lại nhiều lần là lúc chìm vào trong hôn mê, rượu đã nói thay lời!
Chiều nay
Châu Thạch tôi trốn dịch Covid, đi tìm thơ giãi khuây trên trang facebook. Gặp
lại bài thơ của cô em bạn thơ kết nghĩa, cảm động thì viết tản mạn, vì bài thơ
cho tôi và những ai đọc thơ, chắc cũng thích có một cơn “Say Cố Nhân” như thế!
Châu Thạch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ