Trang

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

VÀI NHẬN XÉT VỀ VẦN TRONG THƠ LỤC BÁT - Phạm Đức Nhì


               
                         Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì

Vần Thơ Lục Bát Liên Tục Không Ngừng.

Thể thơ lục bát có lối gieo vần bài bản, nguyên tắc, vừa yêu vận, vừa cước vận. Tất cả những chữ vần với nhau đều là thanh bằng. Chữ thứ 6 câu lục vần với chữ thứ 6 câu bát, rồi chữ thứ 8 câu bát vần với chữ thứ 6 câu lục kế tiếp - cứ thế cho đến hết bài (1).

Thí dụ:

TRE VIỆT NAM

Tre xanh xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu

Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều

…………………………………………….
(Nguyễn Duy)

Các Loại Vần

Chính vận: Phần âm giống nhau, khác phụ âm đầu (xanh manh thành)
Thông vận: Phần âm na ná, gần giống, phụ âm đầu bất kể (ơi tươi vôi)
Chính tự vận: Nguyên chữ giống nhau (tràng tràng, ru ru)
Lạc vận: Khác biệt hoàn toàn (cười loan)

Lục Bát Nhiều Vần

Có thể nói thơ lục bát có vần dầy đặc – giống song thất lục bát - nhiều vần hơn hẳn các thể thơ khác.

Lượng vần của thơ lục bát được tính theo công thức:
Số cặp vần = Số câu – 1

Như thí dụ trên, 8 câu đầu của bài Tre Việt Nam có 8 – 1 = 7 cặp vần (giờ bờ, xanh manh, manh thành, ơi tươi, tươi vôi, màu đâu, đâu lâu).

Trong khi Thơ Mới liền mạch, vần liên tiếp như 8 câu đầu của bài Áo Lụa Hà Đông dưới đây

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng

Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa
……………………………………..

(Nguyên Sa)

chỉ có 3 cặp vần (Đông cùng, trắng ngắn, quanh dung) được tính theo công thức: Số cặp vần = (số câu/2) - 1 = 3

Lạc Vận

Với thơ lục bát không nên lơ là với vần - nhất là đừng để lạc vận vì lạc vận là phạm luật. Một câu lạc vận là cả bài thơ “xấu mặt”.

Thí dụ 1:

TÂM ĐỨC LÒNG NGƯỜI
……………………………

Về nơi đoàn tụ trong lành
Gia đình vui sướng nụ cười tuơi duyên.

(Ghi Nguyen Duc, FB Lục Bát Việt Nam)

Hai câu cuối của bài thơ lạc vận – “lành” không vần với “cười”.

Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có một số câu lạc vận như 2 thí dụ dưới đây.

Một vùng cỏ áy bóng tà
Gió hiu hiu thổi một vài bông lau
(Câu 97 – 98)

“Tà” và “vài” lạc vận.

Sượng sùng đánh dạn ra chào
Lạy thôi, nàng mới rỉ tai ân cần
(Câu 1095 – 1096)

“Chào” với “tai” lạc vận.

“Không Khéo” Nhưng Không Phạm Luật

Đối với thơ lục bát thì chỉ có lạc vận là phạm luật về vần. Còn những sơ sót như sau đây chỉ là sự “không khéo” của tác giả. Thi sĩ tuân thủ đúng luật đàng hoàng nhưng vì “không khéo” nên có hậu quả không hay cho âm điệu, nhạc điệu của thơ.

1/ Chính Tự Vận

KHÔNG LÀ GIẤC MƠ
……………………..

Yêu nhau thì phải nồng say
Trọn đời suốt kiếp không thay đổi lòng
Cũng không một dạ hai lòng
Đồng cam cộng khổ vợ chồng bên nhau
……………………

Nguyễn Thanh Phong, FB Lục Bát Việt Nam)

Thi sĩ Nguyễn Thanh Phong đã gieo vần “chính tự” (lòng lòng) – hai chữ giống nhau như đúc. Gieo vần như vậy không sai luật nhưng nghe có “cái gì đó” không thuận tai. Hơn nữa, vừa trùng vận lại vừa trùng ý nên làm dở đoạn thơ.

Mấy câu Kiều sau đây của Nguyễn Du tuy không trùng ý nhưng cũng là kiểu vần “chính tự” (chữ giống chữ). Tuy không phạm luật nhưng cho thấy thi sĩ lúc ấy đang ở “thế kẹt”, không tìm được chữ hay hơn. Dù sao đi nữa cũng giảm giá trị nghệ thuật của thơ.

Sụt sùi giở nỗi đoạn tràng
Giọt châu tầm tã đẫm tràng áo xanh
(Câu 1943 – 1944)

Mừng thầm được mối bán buôn có lời
Hư không đặt để nên lời
(Câu 2090 – 2091)

2/ Quay Lại Vần Cũ Chỉ Sau Một Lần Chuyển Vận

Dưới đây là bài thơ của Nguyễn Quỳnh.

LẠC GIỮA HỒN QUÊ

Hạ nồng thêm nỗi nhớ quê
Chiều nghiêng giọt nắng đường về trông theo
Lớn lên từ mảnh đất nghèo
Phồn hoa bỏ lại nặng đeo lối lề

Đồng trong gạo trắng cơm quê
Thành danh đến mấy cũng về chốn xưa

 (FB Lục Bát Việt Nam)

Từ bộ vần (quê về) mới chuyển qua (theo nghèo đeo) đã quay lại (lề quê về). “Hội chứng nhàm chán vần” ở đây không nặng lắm nhưng cũng làm người đọc có cảm giác khó chịu. Thật phí hoài mấy câu thơ hay.

Bởi vậy, nếu không có nhu cầu cho một thi ảnh đặc biệt hoặc một biện pháp tu từ nào đó hãy để dòng chảy của tứ thơ chảy thêm một đoạn nữa rồi hãy quay lại vần cũ cho an toàn.

Đoạn Kiều của Nguyễn Du sau đây cũng “không khéo” tương tự như vậy.

Vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa
Trải bao thỏ lặn ác tà
Ấy mồ vô chủ, ai mà viếng thăm!
Lòng đâu sẵn mối thương tâm
Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa.
 Đau đớn thay phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
(Câu 78 – 84)

3/ Cặp Vần Tai Hại Từ Câu Bát

Chúng ta thử đọc bài thơ của Trần Trọng Giá dưới đây:

ĐỜI

Đắng cay này gửi vào thơ
Để đêm chia bóng, ngày chờ ước mơ
Tằm ơi! Sao chẳng nhả tơ
Cho ta vá lại hồn thơ nát nhàu!

(FB Lục Bát Việt Nam)

Có người gọi đây là lỗi “phong yêu” nhưng tôi không thích cái tên này vì nó dùng cho Đường Luật mà cấu trúc câu của Đường Luật và lục bát khác nhau. Tôi cũng không cho đây là “lỗi” hay phạm luật vì tác giả Trần Trọng Giá cho chữ thứ 6 câu lục vần với chữ thứ 6 câu bát; rồi chữ chữ thứ 8 câu bát vần vói chữ thứ 6 câu lục kế tiếp…. rất bài bản và đúng luật.

Nhưng ông đã không khéo cho chữ thứ 6 (chờ) và chữ thứ 8 câu bát (mơ) vần với nhau. Hậu quả là độc giả phải nghe âm điệu của một chuỗi 5 chữ (thơ chờ mơ tơ thơ) từ 4 câu thơ liên tiếp trùng vần – mà lại toàn là chính vận mới đáng sợ. Vần quá ngọt. Có một tô chè mà nêm đến mấy lạng đường, ngọt lợ đến gắt cổ.

Tương tự như vậy là bài thơ của thi sĩ Đào Việt Đức:

GIẤC MƠ QUÊ

Đêm thu lá rụng bên hè
Bồn chồn giữa nỗi bộn bề mơ quê.
Chăn bò thơ thẩn bờ đê                 
Nghe con chim cuốc gọi hè lao xao.
……………………………………

(FB Lục Bát Việt Nam)

Cặp vần “bề quê” của câu bát đã đẻ ra một chuỗi 5 chữ cùng vần (hè bề quê đê hè) tạo thành 4 cặp trùng vận (hè bề, bề quê, quê đê, đê hè) đọc lên âm điệu ầu ơ, rất ngán.

Thi sĩ Đào Việt Đức cũng lạc vào bếp của ông Trần Trọng Giá để nấu ra nồi chè Giấc Mơ Quê quá ngọt, khách ăn chè vừa nhấp môi đã lắc đầu ngao ngán.

Đoạn Kiều dưới đây còn “khủng khiếp” hơn.

Đinh ninh hai mặt một lời song song
Tóc tơ căn vặn tấc lòng
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương
Chén hà sánh giọng quỳnh tương
Dải là hương lộn bình gương bóng lồng
Sinh rằng: Gió mát trăng trong                                                 
Bấy lâu nay một chút lòng chưa cam
(Câu 450 – 456)

Trong 7 câu thơ có đến 2 cặp vần từ câu bát, tạo ra ngang dọc 8 cặp trùng vận (song lòng, lòng đồng, đồng xương, xương tương, tương gương, gương lồng, lồng trong, trong lòng). Tuy có mấy vần “xương”, “tương”, “gương” lạng xa đi một chút nhưng độ ngọt cũng quá nhiều.

Về luật vần thì Nguyễn Du không sai nhưng ông đã “không khéo” tạo ra một đoạn thơ điệp vận quá đáng không cần thiết; “hội chứng nhàm chán vần” rất nặng, giảm giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

Tóm Tắt

Vần trong thơ lục bát có thể tóm tắt như sau:

1/ Toàn vần bằng.
2/ Chữ thứ 6 câu lục vần với chữ thứ 6 câu bát.
3/ Chữ thứ 8 câu bát vần với chữ thứ 6 câu lục kế tiếp.
4/ Luật duy nhất có thể phạm lỗi là Lạc Vận.
5/ Để ý tránh:
     a/ Chính tự vận (hai chữ giống nhau)
     b/ Quay lại vần cũ chỉ sau một lần chuyển vận
     c/ Cặp vần tai hại từ câu bát

Kết Luận

Bài viết này chỉ chú trọng khía cạnh kỹ thuật, trình bày hết sức đơn giản để độc giả thấy được bức tranh toàn cảnh và mấy điểm thực tiễn về vần. Hy vọng rằng có được chút vốn liếng ấy các bạn trẻ sẽ tự tin hơn khi cầm bút làm thơ lục bát.

Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com


CHÚ THÍCH:

1/
Có một loại “lục bát biến thể” như 2 bài dưới đây:

Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi, ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.

(Ca dao, khuyết danh)

Bão lặng mà gió còn lay
Khiến dạ bao ngày ảo não sầu ĐAU
Chỉ ước rạng rỡ về sau
Cho trúc xanh màu để thắm nhành mai.

(Tấn Phước Lê, FB Luật Thơ Tổng Hợp)

Vần ở câu lục vẫn như thường lệ. Câu bát gieo vần ở chữ thứ tư. Tuy nhiên, loại “lục bát biến thể” này rất ít gặp.

Ngoài ra có người còn tách riêng 2 câu đầu của đoạn thơ dưới đây và tặng cho nó danh hiệu “lục bát vần trắc”.

Tò vò mà nuôi con nhện
Ngày sau nó lớn nó quện nhau đi
Tò vò ngồi khóc tỉ ti
Nhện ơi nhận hỡi nhện đi đàng nào?
(Ca dao)

Theo tôi đây chỉ là một sự phá cách đột hứng trong ca dao tục ngữ. Cũng có thể là một kiểu biến thể của song thất lục bát. Sau đó, vì không có nhiều người hưởng ứng sáng tác nên tôi chỉ xem nó như một trong vài trường hợp cá biệt, chưa thể nâng lên hàng “thể thơ”.

Do đó, cho đến thời điểm này, lục bát chỉ gieo toàn vần bằng, không có vần trắc.

2/
Tôi có gởi bài viết cho bác Vũ Nho, chủ trang web Vũ Nho Ninh Bình thì được bác cho biết qua email rằng có 2 bản Kiều - bản do TS Phan Từ Phùng và bản bản do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo - đều viết rằng:

Câu 97-9
Một vùng cỏ áy bóng tà
Gió hiu hiu thổi một và bông lau

Câu 1095-1096
Sượng sùng đánh dạn ra chào
Lạy thôi, nàng mới rỉ trao ân cần

Và dĩ nhiên, cả 2 đoạn 4 câu đều không lạc vận

Tôi xin đưa thông báo của bác Vũ Nho và câu trả lời của tôi vào phần CHÚ THÍCH của bài viết.

Kính bác Vũ Nho
Tôi cũng dựa vào những trang web sau đây:

1/
TRUYỆN KIỀU BẢN 1866
Bản Nôm cổ nhất 1866 mới phát hiện / Nguyễn Quảng Tuân phiên âm - khảo dị và chú giải
Bản Liễu Văn Ðường—Nghệ An
by Nguyễn Quảng Tuân—Phiên âm - khảo dị
Published by Văn học & Trung tâm Nghiên cứu Quốc học (2004)

Câu 97-98
𦹵䏾斜
Một vùng cỏ áy bóng tà,
󰊄囂囂𠺙𢽼𦰟𦰤
Gió hiu hiu thổi một vài ngọn lau.


Theo tôi chữ “vài” ở đây là rất đáng tin bởi nó được đi kèm một chữ Nôm tương ứng “𢽼, phải đọc đúng, viết đúng chứ không thể chú giải tùy tiện được.

2/
Truyên Kiều Trọn Bộ

Câu 97-98
Một vùng cỏ áy bóng tà
Gió hiu hiu thổi một vài bông lau

Câu 1095-1096
Sượng sùng đánh dạn ra chào
Lạy thôi, nàng mới rỉ tai ân cần


3/
3254 Câu Thơ Lục Bát Truyện Kiều Nguyễn Du Trọn Bộ

Câu 97-98
Một vùng cỏ áy bóng tà
Gió hiu hiu thổi một vài bông lau
Câu 1095-1096
Sượng sùng đánh dạn ra chào
Lạy thôi, nàng mới rỉ tai ân cần


4/
Truyện Kiều Của Nguyễn Du

Câu 97-98
Một vùng cỏ áy bóng tà
Gió hiu hiu thổi một vài bông lau

Câu 1095-1096

Sượng sùng đánh dạn ra chào
Lạy thôi, nàng mới rỉ tai ân cần


5/
Đọc truyện/ Truyện Kiều

Câu 97-98
Một vùng cỏ áy bóng tà
Gió hiu hiu thổi một vài bông lau


Nguyễn Du có tiếng là ngôn ngữ thơ trác tuyệt.
Tôi thấy ngôn ngữ thơ trong “một và bông lau” cũng như  “rỉ trao ân cần” không “Nguyễn Du” tí nào.
Dù sao cũng cám ơn bác đã giúp tôi thấy được những cái (với tôi) là mới lạ.

3 nhận xét:


  1. Từ lâu, thơ Lục bát hầu như tất cả đều là vần bằng.
    Tuy vậy, vẫn có thể tìm thấy những thí dụ về "Lục bát trắc vận" trong kho tàng ca dao Việt Nam, đặc biệt là ca dao phương Nam. Mới nghe qua thấy có vẻ kỳ kỳ, nhưng có lẽ là Lục bát vần Trắc thật :

    *Thí dụ 1 :
    Tò vò mà nuôi con NHỆN
    Ngày sau nó lớn nó QUẾN nhau đi
    Tò vò ngồi khóc tỉ ti
    Nhện ơi nhận hỡi nhện đi đàng nào?
    (Ca dao)

    *Thí dụ 2: Thơ dân gian
    Môi xẻ, mũi lân, mắt LỘ
    Khắp xứ này không ai NGỘ bằng em

    "Lục bát More" Trắc vận :
    Môi thò lõ, lỗ mũi lân, con mắt LỘ
    Khắp xứ này không ai NGỘ bằng em

    "Lục bát More", Ngắt câu, Trắc vận :
    Môi thò lõ
    Lỗ mũi lân
    Con mắt LỘ
    Khắp xứ này, không ai NGỘ bằng em

    *Thí dụ 3 : Thơ dân gian
    -Lục bát chính thể:
    Mũi xúc xích, miệng chèm BÈM
    Làng trên xóm dưới ai THÈM cưới cô !

    -Lục bát Trắc vận:
    Miệng chèm bèm, mũi xúc XÍCH
    Có thằng khùng nó rục RỊCH cưới cô !!!

    Lục bát trắc vận trong ca dao chỉ là "của hiếm", và thường dùng để đùa bỡn thôi, nhưng dù sao vẫn tồn tại thể loại này trong thi ca, đặc biệt là thi ca truyền khẩu Nam bộ. Có người cho rằng không có cái gọi là “Lục bát trắc vận”, đó chỉ là một biến thái thêm bớt chữ của thể “Song thất” mà thôi.

    Thí dụ:
    Miệng chèm bèm, mũi như xúc XÍCH
    Có thằng khùng nó rục RỊCH cưới cô
    Con nước lớn mênh mông có hồi con nước rặt
    Phận anh nghèo như c... nứng nửa con
    (Ca dao Nam kì)

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn Phú Đoàn và Lac Nguyen đã bổ túc nhiều điểm cho bài viết của tôi.

    Thật ra chính tôi đã loại bỏ những chi tiết đó – quy luật tiến hóa của thi ca - để bài viết ngắn gọn dễ hiểu.

    Về luật, giờ chỉ còn 4 chữ (trong 14 chữ của 2 câu lục bát) là phải tuân thủ, 10 chữ còn lại thi sĩ có quyền “bằng trắc tự do”.

    Bốn chữ đó là:

    1/ Chữ thứ 6 câu lục, chữ thứ 6 và chữ thứ 8 câu bát vần bằng.
    2/ Chữ thứ 4 câu bát vần trắc

    Thí dụ 1:

    Ba đi Hà Giang mua CHÈ
    Kêu con lên GIÚP đem VỀ Hà NAM

    Trong thí dụ này tôi sắp xếp để 10 chữ còn lại toàn là thanh bằng.

    Thí dụ 2:

    Bác Cả bán sáu mẫu VƯỜN
    Để lại một MẪU chú HƯƠNG cất NHÀ

    Ở thí dụ 2 tôi sắp xếp để 10 chữ còn lại đều là thanh trắc.

    Kết hợp cả 2 thí dụ độc giả sẽ rút ra kết luận: Mười chữ còn lại đó thi sĩ muốn thanh gì cũng được.

    Trả lờiXóa

  3. Để thu hút sự chú ý của độc giả vào lục bát “chính thống” tôi đã đưa lục bát biến thể (gieo vần bằng ở chữ thứ 4 câu bát) vào phần CHÚ THÍCH.

    Riêng “lục bát vần trắc” như mấy câu:

    Tò vò mà nuôi con NHỆN
    Ngày sau nó lớn nó QUỆN nhau đi
    Tò vò ngồi khóc tỉ ti
    Nhện ơi nhận hỡi nhện đi đàng nào?
    (Ca dao)

    theo tôi, có lẽ biến thể từ song thất lục bát.

    Chẳng hạn:

    Thân tò vò mà nuôi con NHỆN
    Khi nó lớn nó QUỆN nhau đi
    Tò vò ngồi khóc tỉ ti
    Nhện ơi nhện hỡi nhện đi đàng nào.

    Hơn nữa, sự xuất hiện của nó còn quá hiếm hoi và chỉ loanh quanh vài câu trong ca dao, chưa được các thi sĩ sáng tác bài bản như một tác phẩm hoàn chỉnh một cách phổ quát nên tôi nghĩ nó chưa đủ tầm vóc để được coi như một thể thơ riêng biệt.

    Dẫu sao cũng cám ơn các bạn đã góp ý, đặc biệt PĐ đã bỏ công tra cứu kỹ lưỡng - mạch lạc, đầy đủ - cho bình luận của mình.

    Trả lờiXóa

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ