Trang

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2020

GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG: THI NÔ GIẢ ĐẢO - Đỗ Chiêu Đức

Đời Đường có những tài thơ được xưng tụng là : Thi Tiên Lý Bạch, Thi Thánh Đỗ Phủ, Thi Phật Vương Duy, Thi Quỉ Lý Hạ, Thi Thiên Tử Vương Chi Hoán... nhưng riêng Giả Đảo lại có biệt danh là Thi Nô (Nô Lệ Của Thơ). Sao lạ lùng vậy ? Mời quý bạn đọc bài viết của học giả Đỗ Chiêu Đức.

                     Ã„á»— Chiêu Đức
                                          Học giả Đỗ Chiêu Đức


GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG: THI NÔ GIẢ ĐẢO

Lưỡng cú tam niên đắc,
两句三年得,                                      
Nhất ngâm song lệ lưu. 一吟双淚流.

Hai câu thơ trên có nghĩa :

“Ba năm làm được hai câu,
Ngâm lên một tiếng lệ châu hai hàng”.

Đó là hai câu thơ tiêu biểu nhất cho người “Nô Lệ Của Thơ” : THI NÔ GIẢ ĐẢO 詩奴賈島. Sau đây, ta sẽ lần lượt tìm hiểu về cuộc đời và quá trình làm thơ của “Nhà Nô Lệ cho Thơ” nầy.


         

GIẢ ĐẢO 賈島 (779-843), tự là Lãng Tiên 浪仙. Người đất Phạm Dương (Hà Bắc). Ông là thi nhân nổi tiếng đời Đường, cùng thời với Hàn Dũ 韓愈, được người đời gọi là THI NÔ 詩奴, ông lại tự lấy hiệu là Kiệt Thạch Sơn Nhân 碣石山人.

Giả Đảo xuất thân bần hàn, từng xuất gia làm hòa thượng, pháp danh là Vô Bổn. Mùa đông năm Nguyên Hòa thứ năm (810) đến Trường An gặp Trương Tịch để ứng thí. Trước đó, khi ở Lạc Dương, vì thành Lạc Dương có lệ cấm hòa thượng ra ngoài sau giờ ngọ, mà Giả Đảo lại đang lúc gặp khó khăn khi làm thơ, nên cởi lừa ra ngoài đụng phải đoàn nghi trượng của Hàn Dũ trên đường. Hàn Dũ biết Giả Đảo có tài, bèn khuyến khích hoàn tục để tham gia khoa cử. Nhưng Giả Đảo thi mãi mấy khoa mà vẫn không đậu. Năm Nguyên Hòa thứ 14 (819) khi Hàn Dũ bị đày đến đất Triều Châu, gặp lại Giả Đảo, lại tiến cử đi thi. Năm Trường Khánh thứ hai (822) Giả Đảo mới đậu Tiến sĩ. Đời Đường Văn Tông bị biếm làm Chủ Bộ ở Trường Giang, nên còn có hiệu là Giả Trường Giang, năm Hội Xương đầu tiên đời Đường Võ Tông từ chức Tham Quân Tư Thương cải nhậm chức Tư Hộ, nhưng chưa kịp nhậm chức thì bệnh mất lúc 65 tuổi. Ông để lại 10 quyển Trường Giang Tập, gồm hơn 370 bài thơ.

Tương truyền, một hôm Giả Đảo đi thăm một người bạn ở ẩn tên Lý Ngưng. Khi đến nơi thì trời đã tối, dưới ánh trăng sáng, chim chóc đã ngủ yên trên cành. Ông bèn đưa tay lên đẩy cửa, cửa khóa, nên ông lại chuyển sang gõ cửa. Nào ngờ người bạn đi vắng, ông bèn để lại bài thơ “Đề Lý Ngưng U Cư 題李凝幽居 như sau :
           
       題李凝幽居》      ĐỀ LÝ NGƯNG U CƯ
             
閒居少鄰並,    Nhàn cư thiểu lân tịnh,              
草徑入荒園。    Thảo kính nhập hoang viên.               
鳥宿池邊樹,    Điểu túc trì biên thọ,              
僧敲月下門。    Tăng xao nguyệt hạ môn.              
過橋分野色,    Quá kiều phân dã sắc,              
移石動雲根。    Di thạch động vân căn.              
暫去還來此,    Tạm khứ hoàn lai thử,              
幽期不負言。    U kỳ bất phụ ngôn.

Diễn Nôm:                   

Nhàn cư hàng xóm vắng hoe,                   
Cỏ xanh phủ ngập lối về vườn hoang.                   
Trên cành chim chóc ngủ an,                   
Cửa sài hòa thượng đẩy (gõ) toan đi vào.                   
Qua cầu nước chảy lao xao,                   
Đá trôi mây động trời cao muôn trùng.                   
Tạm rời lại trở lại cùng,                   
Ẩn cư đã hẹn quyết không sai lời.

 Bài thơ trên có hai câu :

鳥宿池邊樹   Điểu túc trì biên thọ,
僧敲月下門   Tăng XAO nguyệt hạ môn.

Có nghĩa :

Chim thì ngủ trên cây bên ao nước,
còn Thầy tăng thì đang GÕ cửa ở dưới ánh trăng.

Khi viết đến câu nầy, Giả Đảo không biết là nên dùng chữ XAO là GÕ, hay dùng chữ THÔI là ĐẨY cho câu thơ nghe hay hơn, nên…

Hôm sau cởi lừa về Tràng An. Trên đường đọc lại bài thơ đêm hôm qua, đến hai câu : 

“Điểu túc trì biên thọ, Tăng xao nguyệt hạ môn”
鳥宿池邊樹,           僧敲月下門,

Giả Đảo cứ do dự mãi, không biết là nên dùng chữ XAO hay là dùng chữ THÔI Đẩy cho câu thơ hay hơn, nên ngồi trên lưng lừa mà hai tay cứ làm động tác ĐẨY hoặc GÕ trông rất buồn cười, và ngẩn ngơ đến nỗi con lừa xuýt chút nữa thì đâm vào đầu ngựa của Lại Bộ Thượng Thơ Hàn Dũ. Bị quân hầu níu lại, Hàn Dũ hỏi rõ nguồn cơn, mới cả cười và khuyên ông nên chọn từ XAO cho câu thơ trên. Vì XAO vừa tượng hình tượng thanh hơn THÔI , lại vừa hợp lý hơn vì đến nhà thăm bạn thì phải cửa chớ sao lại ĐẨY cửa cho được ! Vì cái duyên chữ nghĩa nầy mà mấy lần Hàn Dũ đã giới thiệu và khuyến khích Giả Đảo hoàn tục để tiếp tục lai kinh ứng thí. Và…

Vì sự tích trên mà thành ngữ Trung Hoa có câu “Hà Tất THÔI XAO  何必推敲 nghĩa là: “Sao lại phải Thôi Xao như thế !” Câu nầy có nghĩa là : “Sao lại phải ĐẼO GỌT lời văn như thế”. Thường để chỉ những người ĐẼO GỌT lời văn một cách quá đáng, thì sử dụng thành ngữ nêu trên. Sau này dùng rộng ra thì THÔI XAO có nghĩa là : “Cân Nhắc thật cẩn thận một sự việc nào đó trước khi làm”.

Trong một lần, sau khi ứng thí lạc đệ, Giả Đảo đang ở trọ Thảo Đường Tự của Khuê Phong, lại phải đưa nhà sư Vô Khả nam du về hướng Lư Sơn, nên làm bài thơ Tống Vô Khả Thượng Nhân 送無可上人 như sau :                     

圭峰霽色新,    Khuê Phong tễ sắc tân,                      
送此草堂人。    Tống thử thảo đường nhân.                      
麈尾同離寺,    Chủ vĩ đồng ly tự,                      
蛩鳴暫別親。    Cùng minh tạm biệt thân.                      
獨行潭底影,    Độc hành đàm để ảnh,                      
數息樹邊身。    Sổ tức thọ biên thân.                      
終有煙霞約,    Chung hữu yên hà ước,                      
天台作近鄰。    Thiên Thai tác cận lân.

Diễn Nôm :                      

Khuê Phong mưa vừa tạnh,                      
Thảo Đường lại tiễn chân,                      
Phất trần rời chùa cũ,                      
Tiếng dế biệt người thân.                      
Bóng in đàm nước lạnh,                      
Người nghỉ cội cây xanh.                      
Đã hẹn cùng mây nước,                      
Thiên Thai ấy xóm gần.
                 
Hai câu 獨行潭底影, Độc hành đàm để ảnh, 數息樹邊身. Sổ tức thọ biên thân, là “Cái bóng người đi cô độc lẻ loi in dưới đầm nước, thỉnh thoảng dừng chân đứng nghỉ dưới bóng cây bên đường”.
Hình ảnh thật độc đáo như trong điện ảnh, Giả Đảo nhìn người đi bằng hình bóng đảo ngược dưới đầm nước xa xa. Nên sau bài thơ đưa tiễn độc đáo nầy, Giả Đảo còn viết kèm theo một bài Ngũ ngôn Tứ tuyệt nữa để nói về 2 câu thơ nêu trên là                       

两句三年得,   Lưỡng cú tam niên đắc,                     
一吟雙淚流。   Nhất ngâm song lệ lưu.                     
知音如不賞,   Tri âm như bất thưởng,                     
歸臥故山秋。   Quy ngọa cố sơn thu !

Có nghĩa :                     

Ba năm mới được hai câu,                     
Ngâm xong xúc động lệ sầu chứa chan,                     
Tri âm hờ hững chẳng màng,                     
Thì thôi núi cũ thu vàng nằm trơ !

 Quả là một Thi Nô Khổ Ngâm hiếm thấy trong thi ca. Thi Nô Giả Đảo cùng với Thi Tù Mạnh Giao hợp thành một cặp bài trùng GIAO HÀN ĐẢO SẤU  郊寒島瘦, có nghĩa: “Mạnh Giao làm thơ trong đói lạnh, còn Giả Đảo thì vì làm thơ mà gầy còm”. Một người là “Tù nhân” của thơ, còn một người là “Nô lệ” của thơ mà. Ta hãy nghe cái ông “nô lệ của thơ” nầy thương tiếc và tiễn đưa mùa xuân đến giây phút cuối cùng như thế nào qua bài Thất ngôn Tứ tuyệt

TAM NGUYỆT HỐI NHẬT TỐNG XUÂN  三月晦日送春
(Đưa tiễn mùa xuân ngày ba mươi tháng ba) sau đây:              

三月正當三十日,  Tam nguyệt chính đương tam thập nhật,     
春光別我苦吟身.  Xuân quang biệt ngã khổ ngâm thân.      
共君今夜不須睡,  Cộng quân kim dạ bất tu thụy,                 
未到曉鐘猶是春.  Vị đáo hiểu chung do thị xuân.

Có nghĩa:      
Hôm nay vừa đúng ngày 30 tháng 3 (ngày cuối cùng của mùa xuân).
(Rồi) nắng xuân sẽ từ bỏ ta-cái thân khổ ngâm này mà đi (bạn ạ).
(Vậy) đêm nay, mời bạn hãy cùng tôi không ngủ (thức trắng đêm để tiễn xuân đi).
Nếu còn chưa nghe thấy tiếng chuông chùa công phu buổi sáng thì vẫn hãy còn là mùa xuân mà.                      

Tháng ba vừa vặn ba mươi đúng,                      
Giã biệt xuân hồng thân khổ ngâm.                      
Cùng bạn đêm nay ta thức trắng                      
Chuông chưa điểm sáng hãy còn XUÂN !

 Quả là cùng nàng xuân lưu luyến nắm níu nhau đến giây phút cuối cùng ! Đối với cảnh vật mùa xuân thì là thế, còn đối với con người, cách đối nhân xử thế của Giả Đảo lại lạnh nhạt và cao ngạo vô cùng, đã ít nói lại không thân thiện, nên chi rất dễ làm mất lòng người khác. Hãy nghe thêm một giai thoại về tánh khí cô  độc cộc cằn nầy của Giả Đảo đã xém chút nữa đem đến họa sát thân.

Tương truyền, một hôm sau khi thi đậu Tiến sĩ, Giả Đảo mới hẹn cùng vài người bạn đi du ngoạn Thanh Long Tự. Ngồi trong quán rượu, đợi mãi mà vẫn không thấy bạn đến, Giả Đảo bèn rút tập thơ mang theo bên mình ra để đọc và nghiền ngẫm xem có “sửa đổi thôi xao” gì được nữa hay không. Một lúc sau mõi mệt mới gục xuống bàn ngủ quên đi. Đang ngon giấc bỗng thấy như có ai đó đang thò tay rút tập thơ của mình ra. Giật mình tỉnh dậy, thấy trời đã tối, trước mặt là một người ăn mặc sang trọng đang cầm tập thơ của mình mà xem. Giả Đảo nghĩ rằng đây là tâm huyết của mình, sao lại có thể để cho người khác lấy đi được, bèn đứng ngay dậy, đưa tay giật phắt tập thơ lại, giận dữ nói rằng : “Đây là tập thơ của tôi mà ! Thấy nhà ngươi ăn mặc đẹp đẽ, lại ra dáng tai to mặt lớn thế kia, chắc chẳng biết gì là thi thơ đâu mà đọc !”. Đột nhiên bị giựt lại tập thơ, còn bị mắng cho một trận, người kia lườm mắt nhìn Giả Đảo một cái, rồi lặng lẽ bỏ đi xuống lầu.

Cái người lạ bị Giả Đảo mắng đó chính là Đường Tuyên Tông Lý Thầm. Xưa nay nhà vua vốn có thói quen vi phục xuất hành, mặc đồ thường dân đi dạo chơi khắp kinh thành. Hôm đó, đi ngang qua quán rượu, nghe có tiếng người đang ngâm thơ trên lầu, bèn vào quán ngồi uống rượu để nghe. Một lát sau không nghe ngâm nữa, nên mới hỏi thăm rồi đi lên lầu, và… đã bị Giả Đảo mắng cho một trận. Sau khi nghe biết người bị mình mắng chính là đương kim hoàng đế, Giả Đảo sợ đến không còn hồn vía nào nữa. Ngày hôm sau vào chầu bèn quỳ xuống xin tội, may mà nhà vua tha cho tội chết, chỉ đày đi làm Chủ Bộ ở tận huyện Trường Giang, nên Giả Đảo còn có tự hiệu là GIẢ TRƯỜNG GIANG là vì thế.

Lại một lần, từ đất Trường An Giả Đảo đưa tiễn ông bạn Ngô Xử Sĩ về miền nam ẩn cư. Nhớ lại cảnh lúc chia tay đưa bạn lên thuyền về vùng sông nước, Giả Đảo đã làm một bài thơ
Ức Giang Thượng Ngô Xử Sĩ  憶江上吳處士
Để nhớ đến bạn trên bến sông như sau :                 

閩國揚帆去,   Mân quốc dương phàm khứ,                
蟾蜍虧復團。   Thiềm thừ khuy phục đoàn.                
秋風生渭水,   Thu phong sanh Vị Thủy,                
落葉滿長安。   Lạc diệp mãn Trường An.                
此地聚會夕,   Thử địa tụ hội tịch,                
當時雷雨寒。   Đương thời lôi vũ hàn.                
蘭橈殊未返,   Lan nhiêu thù vị phản,                
消息海云端。   Tiêu tức hải vân đoan.

Có nghĩa :                

Giương buồm bạn đến đất Mân,                
Trăng tròn rồi khuyết mấy lần nhớ nhau.                
Gió thu Sông Vị thổi ào,                
Trường An lá rụng rạt rào khắp nơi.                
Nơi đây họp mặt chia phôi,                
Gió mưa sấm chớp bên trời lạnh căm.                
Chèo lan giờ vẫn xa xăm,                 
Mịt mù tin nhạn bặt tăm mây trời !

Bài thơ có cặp thừa rất độc đáo là

秋風生渭水,Thu phong sanh Vị Thủy,
落葉滿長安。Lạc diệp mãn Trường An.

Vừa gợi hình vừa nên thơ với nước sông Vị Thủy gợn sóng lăn tăn tạo nên gió thu hiu hắt, chớ không phải là tại gió thu hiu hắt thổi nên những đợt sóng mới lăn tăn, và lá vàng rụng rạt rào tràn ngập đầy rẫy cả thành Trường An tạo nên một cảnh thu bao trùm cả trời đất. Đắc ý với hai câu thơ trên, nên khi đang cởi lừa đi trên đường Trường An, đọc lại hai câu thơ tiễn bạn nầy Giả Đảo đã ngơ ngẩn đến nỗi đâm vào đầu ngựa của quan Kinh Triệu Doãn Lưu Thê Sở, bị lính đi hầu hai bên bắt lại nhốt hết một đêm trong tù. Sáng ngày quan Lệnh Doãn biết là nhà thơ Giả Đảo nên mới được thả ra.

Vì tích nầy và tích mắng vua mà nhà thơ An Kỳ lúc bấy giờ đã làm hai câu thơ như sau : 

         騎驢沖大尹,   Kỵ Lư xung Đại Doãn,                     
奪卷忤宣宗。   Đoạt quyển ngỗ Tuyên Tông.

Có nghĩa :                            

Cởi lừa đụng phải doãn quan,                       
Tuyên Tông chẳng biết đoạt ngang thơ về.                                        
Còn nhà thơ Lý Khắc Cung thì viết rằng:                   

宣宗謫去為閒事,  Tuyên Tông trích khứ vi nhàn sự,         
韓愈知來已振名。  Hàn Dũ tri lai dĩ chấn danh.

Có nghĩa:                              

Vua đày là chuyện thường tình,                          
Hàn Dũ biết đến nổi danh vang rền !

Chuyện về THI NÔ GIẢ ĐẢO còn rất nhiều, hẹn dịp khác sẽ kể thêm về “Thi nhân Nô lệ của Thơ” nầy.

                                                                                  Đỗ Chiêu Đức

Nguồn:
https://tongphuochiep-vinhlong.com/2020/08/giai-thoai-van-chuong-thi-no-gia-dao/

1 nhận xét:

  1. Các thi nhân thời Đường, ngoài Giả Đảo có biệt danh là Thi Nô (Nô Lệ Của Thơ), Mạnh Giao có biệt danh là Thi Tù (Tù Nhân Của Thơ) còn có Trần Tử Ngang có biệt danh là Thi Cốt (do ông đã đề xướng ra lối văn có tinh thần “phong nhã” và “phong cốt Hán-Ngụy” bao hàm một nội dung tư tưởng lành mạnh, cứng cỏi. Ngoài ra, theo Dịch Quân Tả, thì Trần Tử Ngang là người có “tính tình hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài, ưa giúp người, có khí cốt của một hiệp sĩ”, nên được gọi là Thi Cốt).

    Trả lờiXóa

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ