TÔI CHO TÔI
Trời cho nắng, trời
cho mưa
Tôi cho tôi nhớ ngày
xưa của mình.
Ngày xưa tóc mây hoe
vàng
Trắng đôi tà áo, chân
ngoan đến trường.
Có ai níu giữ mùi
hương
Sầu đông tim tím ngát
đường tuổi hoa.
Có ai đếm bước chân
thơ,
Cột từng sợi gió cho
mưa thưa về.
Hạt mưa bụi, vạt tóc
thề,
Nhẹ nâng guốc gỗ bên
lề phố xưa.
Ngày xưa, Quảng Trị
ngày xưa
Mộng đời yên ả trong
mùa chiến chinh.
Đường phượng hồng,
dòng sông xanh,
Hàng dương gọi gió ru
tình hồn nhiên.
Bến xưa bờ cỏ non
hiền,
Bước cao bước thấp... một
miền tuổi thơ.
Trời cho nắng, trời
cho mưa,
Tôi cho tôi nhớ... ngày
xưa của mình.
Võ Thị Nguyên
Nhà bình thơ Châu Thạch
“TÔI CHO TÔI” THƠ VÕ THỊ NGUYÊN: NẮNG MƯA VÀ NỖI NHỚ ÊM ĐỀM!
Châu Thạch
Võ Thị Nguyên là đồng môn, là bạn facebook của tôi.
Tôi chưa gặp Võ Thị Nguyên lần nào, nhưng có lẽ chúng tôi đã xem nhau là anh em
thân tình.
Đọc bài thơ “Tôi Cho Tôi” của Võ Thi Nguyên có lẽ ít
người tâm đắc nếu chưa từng sống trong một thị xã mà chúng tôi đã sống, thị xã
Quảng Tri trước ngày bão lửa năm 1972. Chiến tranh đã tàn phá thị xã thành ra
bình địa. Chúng tôi thương nhớ ngôi trường đã học, thương nhớ ngôi nhà đã ở,
thương nhớ con phố đã đi và thương nhớ những kỷ niệm còn trong ký ức. Thế nhưng
sự thương nhớ trong thơ Võ Thị Nguyên không làm rơi nước mắt. không co thắt con
tim, mà nó như một cơn gió thoảng, mang hương thơm từ qua khứ bay về, tỏa ra
ngào ngạt trong không gian cao rộng. Mùi hương kỷ niệm khiến ta ngây ngất, cho
tâm hồn êm đềm bay về quá khứ, như đi trong một giấc thụy du!
“Trời
cho nắng trời cho mưa /Tôi cho tôi nhớ ngày xưa của mình”
nghĩa là Võ Thị Nguyên nhớ về quá khứ luôn luôn, trong tất cả thời tiết và
trong cả bốn mùa.
Chỉ đọc hai câu thơ nầy ta đã cảm nhận nỗi nhớ trong
lòng tác giả luôn luôn có, tràn ra không gian, tỏa trong thời gian và thời tiết
dầu nắng mưa hay gió bão đều trở nên đẹp tất cả vì nó đều mang hình bóng ngày
xưa, phản ảnh tháng ngày qua trong quá khứ. Thế rồi:
Ngày
xưa tóc mây hoe vàng
Trắng
đôi tà áo, chân ngoan đến trường
“Tóc
hoe vàng” vì được biết cả nhà tác giả đều có màu tóc hoe vàng.
Cô nữ sinh có mái tóc hoe vàng đó học trường Nguyễn Hoàng, mặc áo trắng, đi về
ngày hai buổi dưới chân bóng cổ thành. Câu thơ làm tôi nhớ đến bài thơ “Quê Hương Điêu Tàn” của Nguyễn Đức
Quang có mấy câu sau đây:
“Quê
Hương anh là Quảng Trị
Nhà
của anh bên dòng sông Thạch Hãn
Và
xưa đó anh học trường Nguyễn Hoàng
Ngày
hai buổi đi về đường Quang Trung
Và
chiều chiều trên con phố buồn hiu
Cùng
người yêu anh buông lời hẹn hò”
Bây giờ nếu ta đổi nhân vật, anh thành em, thì cuốn
phim ngày xưa với mái tóc hoe vàng, với áo trắng, với guốc mộc mà tác giả dựng
lại trong những câu thơ sau đây thật vô cùng diễm xưa và vô cùng thắm thiết:
Có
ai níu giữ mùi hương
Sầu
đông tim tím ngát đường tuổi hoa.
Có
ai đếm bước chân thơ,
Cột
từng sợi gió cho mưa thưa về.
Hạt
mưa bụi, vạt tóc thề,
Nhẹ
nâng guốc gỗ bên lề phố xưa.
Tác giả hỏi “Có
ai níu giữ mùi hương” nghĩa là không có ai cả, vì mùi hương là vô hình
không ai giữ được. Thế nhưng khi tác giả hỏi “Có ai níu giữ thời gian” thì ta hiểu chính tác giả đã níu giữ được
cả mùi hương, cả thời gian tâm lý trong tâm hồn mình nhiều năm tháng đã qua. Bởi
thế tác giả tiếp tục nhắc lại những kỷ niệm của một thời đi học: Con đường có
hoa sầu đông màu tím, mưa bụi, tóc thề và guốc gỗ.
Hai câu thơ “Có
ai đếm bước chân thơ/Cột từng sợi gió cho mưa thưa về” cho ta hình ảnh ảnh
những chàng trai lẻo đẻo theo gót chân nàng trong những buổi chiều mưa bụi trên
tóc thề em. Chắc chắn chàng sẽ vái trời đừng mưa lớn để có thể theo em cho đến
tận nhà. Vậy là chàng “cột gió” bằng sự
van vái trong lòng mình. Chàng đi theo sau, nhìn từng sợi tóc nàng bay lất phất
trên đôi bờ vai thon, trên cổ trên gáy nỏn nà, lòng mong ước gió đẩy mưa đi, để
từng sợi tóc kia đừng ướt. Biết đâu trời sẽ thương chàng không mưa lớn, và
chàng đã “cột được” “từng sợi gió” bằng
tình yêu của mình.
Bằng sáu câu thơ súc tích ở trên, Võ Thị Nguyên đã hiển
thị trong mắt ta quá khứ bằng phim đen trắng, mơ hồ mà lung linh, khiến ta cảm
nhận được tất cả chính mình trong đó.
Bây giờ, qua khổ thơ tiếp, tác giả mới nói rõ địa
danh, không gian, thời gian nơi mình đã sống, nơi tuổi thơ êm ái và nơi để lại
cho mình nỗi nhớ êm đềm:
Ngày
xưa, Quảng Trị ngày xưa
Mộng
đời yên ả trong mùa chiến chinh.
Đường
phượng hồng, dòng sông xanh,
Hàng
dương gọi gió ru tình hồn nhiên.
Bến
xưa bờ cỏ non hiền,
Bước
cao bước thấp... một miền tuổi thơ.
Hai câu thơ mà tôi thích nhất trong khổ thơ nầy là hai
câu “Đường phượng hồng, dòng sông xanh /
Hàng dương gọi gió ru tình hồn nhiên” cho tôi nhớ lại trọn ven con đường
Gia Long ngày xưa chạy dọc theo bờ sông Thạch Hãn.
Tứ thơ hay nhất trong khổ thơ nầy là tứ thơ “Mộng đời yên ả trong mùa chiến chinh”,
một tứ thơ nghịch lý nhưng là sự thật mà ai cũng cảm nhận được nhưng không ai
đưa vào thơ cả.
Cuối cùng nhà thơ nhấn mạnh lại bằng hai câu thơ vào
bài để người đọc cảm nhận hoàn toàn nỗi nhớ thương triền miên nhưng êm ái trong
lòng tác giả. Nỗi nhớ đó phát xuất từ tình yêu một quá khứ vàng son, hằng hữu
trong tâm hồn, vĩnh viễn không quên:
Trời
cho nắng, trời cho mưa,
Tôi
cho tôi nhớ... ngày xưa của mình
Mỗi lần nhìn ảnh Võ thị Nguyên ngồi trên chiếc xe lăn,
chung quanh là hoa, chung quanh là bạn bè, người thân, đồng môn, đồng nghiệp,
văn thi sĩ từ phương xa về thăm, lòng tôi lại nao nao như thấy một phụ nữ ngồi giữa
“Vườn trong trẻo vô biên và quyến luyến”
như Hàn Mạc Tử đã nói về người thơ vậy. Mà thật thế, thơ của Võ Thị Nguyên là
tiếng thơ trong trẻo vô biên và quyến xuyến vì nó phát từ con tim quyến luyến,
từ tâm hồn trong trẻo và từ sự vô biên của đất trời mà thành thơ. Thơ ấy chỉ có
hương của hoa thiên nhiên, chỉ có vị của mật từ loài ong tinh khiết, và cho ta
thụ hưởng thanh âm êm đềm qua tiếng thơ êm ái!!!
Châu Thạch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ