La Gi trở thành Thị xã từ cuối năm 2005 và nay vừa được
nâng lên đô thị loại 3 của tỉnh Bình Thuận. Nếu tính theo địa bàn cũ khi chưa
thành lập huyện Hàm Tân (mới) thì La Gi là phần đất duyên hải phía cực nam miền
Trung, giáp với Xuyên Mộc, Long Khánh thuộc miền Đông Nam bộ. Địa danh La Gi/
La Di từ xa xưa gắn liền với địa danh hành chính huyện Hàm Tân sau này, đã trên
trăm năm.
Đến nay vẫn khó thuyết phục với nhiều ý kiến về nguồn
gốc địa danh La Gi và các phát âm La Gi (La
“ghi” hay La “ji/di”). Trong các nghiên cứu lịch sử tỉnh Bình Thuận đều cho
rằng đất Bình Thuận ngày xưa là phần đất cuối cùng của Champa, cho nên các địa
danh đặt theo địa hình thiên nhiên, cư dân xóm làng… là từ người Chăm, được Việt
hóa cho yêu cầu quản lý hành chính. Một phần căn cứ vào phiên âm, bằng chữ Hán
hoặc từ thuần Việt sang chữ Hán, có thể dẫn đến ngữ nghĩa khác nhau. Địa danh
La Gi được cho rằng là gốc Chăm mượn ngữ âm “Mưli”,
hay từ chữ “La-đik” hoặc là từ chữ “Ragi Ragan” theo người Chăm “gây trở ngại” - ý nói về địa hình bờ biển
có mũi đất chắn ngang, nhưng với đoạn bờ biển hình cánh cung này nằm giữa hai đầu
mũi Khe Gà và Mũi Bà (Bà Rịa) được coi là bằng phẳng. Điều này chỉ có thể phù hợp
các địa phương trong tỉnh trở ra, bởi sự hình thành cư dân ở La Gi/ Hàm Tân hầu
như là đất của cư dân “tụ nghĩa”. Đây
là một vùng đất mới chỉ bắt đầu phát triển từ cuộc Nam tiến của nhà Nguyễn sau
khi thành lập tỉnh Bình Thuận (1832) với nhiều đợt di dân và tiếp đến khi Pháp
chiếm 6 tỉnh Nam kỳ 1867 một bộ phận sĩ dân, bầu đoàn tìm đường tỵ địa đổ ra
Bình Thuận, mà La Gi là mảnh đất giàu tiềm năng, giang tay đón nhận. Địa danh “La Di” được biết đến khi có huyện Tuy
Lý (đổi từ huyện Tuy Định 1854). Huyện này có 3 tổng Đức Thắng, Hòa An, Nông
Tang và địa bàn La Di thuộc tổng Đức Thắng, phủ Hàm Thuận. Trong danh mục quản
lý điền thổ (Nghiên cứu địa bạ Nguyễn Đình Đầu) xuất hiện địa danh các thôn
Phong Điền, Phước Thắng, Tân Hải và các phường Phước Lộc, Tân Nguyên, Tân Quý
thuộc đất La Di. Riêng tổng Nông Tang (người Chăm) chỉ có thôn Hiệp Nghĩa, Phù
Trì. Đơn vị hành chính Thôn chỉ vùng quê thưa dân cư khác với Phường là địa bàn
tập trung dân đông hơn. Các phường Tân Nguyên/Ngươn, Tân Quý và thôn Tân Hải
sau này thành làng Tam Tân (kết hợp ba chữ Tân). Cư dân Hiệp Nghĩa (liền kề
Phong Điền) và Phù Trì (Pumi/Cù Mi/Phò Trì) ở Tân Thắng ngày nay là nhóm cư dân
Chăm Hàm Thuận vào đây định cư do ảnh hưởng chiến tranh…
LA DI HAY LA GI TỪ TRĂM NĂM
La Di nếu hiểu theo nghĩa Hán Việt (La là lưới bắt
chim / thiên la địa võng - Di là nước nhỏ miệt phương đông theo ám chỉ của người
Tàu, hoặc chuyển dời) thì hoàn toàn không có nghĩa gì. Nhưng trong sách Đại Nam
Nhất thống chí (biên soạn 1849) đề cập đến địa danh La Di, khi ấy là một phần đất
thuộc huyện Tuy Lý. Trong phần Sơn - Xuyên viết về đảo Thiên Y (Hòn Bà), sông
La Di (sông Dinh), cửa tấn La Di (cửa biển có đồn trấn thủ)… đều nhắc đến La Di
hay nói về đường quan báo dọc biển từ phía bắc Bình Thuận vào nam “các sông Duồng, Kỳ Xuyên, Phố Hài, Phan Thiết,
Ma Ly, La Di và Phù My cho đến giáp trạm Mộc Xuyên tỉnh Biên Hòa”. Trong Sớ
xin khẩn đồn điền của doanh điền sứ Nguyễn Thông (1877) có ghi: “…thuyền đi lúc rạng đông từ cửa tấn La Di nếu
thuận gió xuôi buồm thì đến cửa biển Phan Thiết phủ Hàm Thuận vào giờ Ngọ hoặc
giờ Mùi”- khi đề xuất mở con đường biển vận chuyển nguồn lương thực, sản vật
từ vùng núi Tánh Linh về tỉnh. Chỉ có điều phân vân, địa danh gốc Chăm trong tỉnh
khá nhiều và khi dịch ra từ chữ La Tinh, với La Di phiên âm thành tố “La” (ngữ âm Chăm) là thành tố của Di
(chữ Hán) như La Gàn (La Hàn), La Dạ, La Ngâu, La Ngà… thì cũng khó đủ nghĩa được.
Những văn bản hành chính của Tòa Công sứ Bình Thuận còn lưu lại, khá nhiều địa
danh La Di được viết thành “Lagi” có
giải thích do tiếng Pháp không có “dấu
thanh điệu” này nên đọc theo biến âm rồi viết sai chính tả, tương tự địa
danh vùng lân cận Bình Dã (đồng bằng) thành Bình Giã, Phố Hời/ Phố Hài/ Phú
Hài, Cù lao Cau/Cù Lao Câu… Như vậy vẫn còn nhiều cách giải thích khác nhau, do
hình thức ngữ âm, lỗi viết dễ dẫn đến suy đoán không đúng với ý nghĩa ban đầu. Ở
La Gi, với sông Dinh, đảo Thiên Y (Hòn Bà), làng Pu-Mi (Phò Trì)… rất dễ nghĩ
người Chăm tồn tại trên đất này nhưng thực tế không có ảnh hưởng nào vì cư dân
Việt chiếm số đông. Đặc biệt, Hòn Bà thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na/ Pô Inư Nưga
theo thần thoại của người Chăm. Huyện Hàm Tân gồm có 2 tổng, lấy sông Dinh làm
ranh: Tổng Phong Điền (từ tả ngạn đến Thạnh Mỹ, Kê Gà và Hiệp Nghĩa) và tổng Phước
Thắng (từ hữu ngạn chạy dài tới Thắng Hải). Hàm Tân trước đó thuộc phần đất phường
Phước Lộc lâu đời, được tách ra lập làng Hàm Tân. Huyện sở đặt ở đây nên mang
tên huyện. Theo con dấu của làng Hàm Tân, sau khi lập huyện có ghi theo hệ thống
hành chính: làng Hàm Tân, tổng Phước Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Trong Lược sử Giáo xứ Tân Lý, được coi là xứ đạo đầu tiên ở vùng đất La Gi/ Hàm
Tân vào năm 1895, là đất xin khẩn thuộc xóm Liên Trì (bờ tả ngạn sông Dinh),
làng Tam Tân, tổng Đức Thắng, huyện Tuy Lý, phủ Hàm Thuận.
LA GI ĐI QUA TRONG CHIẾN TRANH
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, La Gi / Hàm Tân
thuộc vùng căn cứ kháng chiến với lợi thế biển và rừng già. Một số dân từ Hàm
Thuận, Phan Thiết và các tỉnh giáp ranh Bà Rịa, Biên Hòa kéo đến đây lánh nạn,
lập nghiệp ổn định. Thời gian dài 9 năm kháng chiến, thực hiện chủ trương “vườn không nhà trống”, dân cư bỏ ruộng
vườn vào rừng sâu phát rẫy, thích nghi với cuộc sống mới đầy gian khổ, làng mạc
bị xóa sạch sau những trận càn quét của giặc Tây. Những địa danh định cư mới mọc
lên dưới tán cây rừng, bờ suối như Thị Ngọt, Suối Dứa, Bàu Ong, Giếng Thầy,
Bưng Sình, Xã Dú, Râm Ông Kiểm, Trại Hầm, Bà Đặng… Cho nên dù La Gi là một vùng
đất khá xưa ở phía nam Bình Thuận nhưng các di tích đình chùa cổ không còn gì
lưu lại. Đến tháng 7/1954, dưới chế độ VNCH trong hai năm đầu thành lập quận
Hàm Tân thuộc tỉnh Bình Thuận. Sau đó, với sắc lệnh số 143 ngày 26/10/1956 của
Tổng thống VNCH ký thành lập tỉnh Bình Tuy gồm 3 quận Hàm Tân, Tánh Linh, Hoài
Đức. Quận Hàm Tân trải rộng với các xã Tân Hiệp, Văn Mỹ (tức Phong Điền, Thạnh
Mỹ, Văn Kê, Hiệp Nghĩa, Tân Hiệp, Tân Hải, Hiệp An), Bình Tân (Tân Long, Tân
Lý), Hiệp Hòa (Tân Thắng, Thắng Hải), xã Châu thành Phước Hội (Phước Lộc, Phước
Hội, Tân Thiện, Tân An, Tân Phước) và xã Bà Giêng (Tân Xuân, Tân Hà ngày
nay). Điểm cư dân đông đảo đầu tiên lúc
này là chợ cũ La Gi từ chùa Phật Học/Quảng Đức đến làng chài Phước Lộc xưa nhất
- bên kia sông là Tân Long). Phát triển con đường Lê Lợi chạy theo dòng sông
Dinh mở ra khu dân cư mới mà người dân quen gọi là Chợ Mới. Cùng lúc Chợ Mới
khi xây ngôi chợ lớn so bấy giờ, có rạp chiếu bóng nhưng phải thuyết minh trực
tiếp, nhà máy làm cà rem và một số hiệu buôn tạp hóa, đồ gia dụng, tiệm thuốc bắc
như Cần Phong, Huê Xương, Liên Phong, Bình An, Đức Huê, Tế Thế… Phần đông là của
người Việt gốc Hoa từ Phan Thiết vào làm ăn. Đến năm 1955, một đợt dân di cư ồ ạt
từ Thanh Dạ, Vinh (Nghệ An) vào miền Nam, được các Cha đạo lần lượt đưa ra Bình
Tuy lập giáo xứ Vinh Tân và từ đó phát triển thêm các giáo xứ Thanh Xuân, Tân Lập,
Tân Tạo, Vinh Thanh, Phước An, Bình An, Hiệp An... Một thực tế dưới thời quản
lý của chế độ cũ, dù nhằm mục đích chiến tranh, nhưng La Gi là trung tâm của tỉnh
Bình Tuy nên việc mở rộng không gian đô thị, các công trình xây dựng, nhà phố,
đường sá, cảng cá… khá quy mô và thu hút cư dân các nơi đến lập nghiệp. Địa bàn
phường Tân An ngày nay nguyên là cánh rừng nguyên sinh được san ủi, hình thành
khu công sở hành chính, quân sự và có tên là Chợ Tỉnh.
Sau ngày giải phóng 23/4/1975, với quá trình phát triển
nhanh chóng, địa danh La Gi được nhắc lại với tên đặt cho thị trấn của huyện
Hàm Tân (từ xã Tân Hòa 1979) và cũng là địa danh hành chính của thị xã hiện
nay. Theo xu hướng chung các địa danh cũ gần như mất dần và các đơn vị hành
chính từ cấp thôn, xã, phường cũng thay bằng những địa danh mang tính thuần Việt
hơn. Nhưng với địa danh “La Gi” người
dân bản xứ mãi trong tâm thức có sự thân thuộc, nối tiếp từ bao đời trên mảnh đất
này. Trước những vấn đề chưa được giải mã, có lẽ với nhà nghiên cứu Huỳnh Công
Tín (*) được coi là thỏa đáng nhằm liên hệ với địa danh La Di/ La Gi “…tìm hiểu địa danh là con đường ngắn để tiếp
cận lịch sử. Nhưng ngày nay, để hiểu địa danh mà người xưa đặt, gọi tên là điều
không dễ. Không phải người trước có tư duy rắc rối; trái lại, họ có phần đơn giản
trong gọi tên, định danh vùng đất”.
Phan Chính
…………
(*)
Chuyện địa danh và chữ nghĩa Nam bộ- Nxb.Văn hóa văn nghệ, 2018.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ