Trang

Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020

HAI BÀI THƠ VỀ HOÀNG HẠC LÂU CỦA NGUYỄN THUẬT - Lê Thí

Mời đọc hai bài thơ của sứ thần Nguyễn Thuật viết về lầu Hoàng Hạc, để hiểu thêm một tài năng, một tính cách Quảng!
Lầu Hoàng Hạc qua thơ của Nguyễn Thuật không chỉ với cảnh hàng phong, làn sóng, bến nước với tiếng gió, tiếng sáo… - những cảnh ước lệ vốn có của cổ thi ở hầu hết những bài thơ viết về lầu Hoàng Hạc, mà còn cả “cảnh thuyền máy chạy bằng hơi nước của người Tây phương đậu nơi cửa biển” (Doanh đắc kỳ quan viễn hải chu) đã làm cho Đăng Hoàng Hạc lâu “không rơi vào khuôn sáo, không ngại thơ đề trên đầu” (Tuy Lý Vương).

                                             Hà Đình Nguyễn Thuật.


HAI BÀI THƠ VỀ HOÀNG HẠC LÂU CỦA NGUYỄN THUẬT
                                                                                                  Lê Thí

Những sứ thần Việt Nam làm thơ về lầu Hoàng Hạc 

Lầu Hoàng Hạc là “một di chỉ văn hóa, nơi kết duyên văn tự của thi nhân mọi thời”. Đây là một trong “Tứ đại danh lâu” của Trung Quốc, được Tôn Quyền xây năm 223 dưới thời Tam quốc, nay thuộc thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, trên vực đá Xà Sơn bên bờ sông Dương Tử.

Đến đời nhà Đường từ sự tích Phí Vân Vi cưỡi hạc về đây nghỉ nên có tên là Hoàng Hạc lâu. Lầu đã bị chiến tranh qua các thời phá hủy nên đã trải qua 12 lần tu sửa và lần gần đây nhất là từ năm 1981 - 1985. Năm 1957, Trung Quốc xây cầu qua sông Dương Tử nên lầu được dời về cách vị trí cũ 1km.

Thôi Hiệu, một nhà thơ đời Đường đã làm bài Hoàng Hạc lâu nổi tiếng, được xem là bài thơ hay nhất về lầu Hoàng Hạc mọi thời đại. Tương truyền rằng Lý Bạch khi đến đây định làm thơ đã thấy thơ Thôi Hiệu đề trên vách. Đọc xong vị Thi tiên này vứt bút than rằng: “Trước mắt thấy cảnh không tả được vì Thôi Hiệu đã đề thơ trên đầu”.

Đã có 10 người Việt Nam, là những sứ thần thời phong kiến đi sứ sang Trung Hoa có thơ về lầu Hoàng Hạc. Nguyễn Trung Ngạn (1289 - 1370, quê Hưng Yên) là sứ thần đầu tiên có thơ. Năm 1314, ông đi sứ nhà Nguyên và viết bài Chơi lầu Hoàng Hạc. Phạm Sư Mạnh (1303 - 1384, quê Hải Dương), năm 1345, dưới thời nhà Trần, ông đi sứ và có bài Lên lầu Hoàng Hạc viết vội bài thơ cho Bắc sứ Thi giảng Dư Gia Tân. Lê Anh Tuấn (1671 - 1731, người Hà Nội) làm Chánh sứ sang nhà Thanh năm 1715, có bài Lên lầu Hoàng Hạc ngắm cây ở Hán Dương. Nguyễn Tông Khuê (1693 - 1767, người Thái Bình), năm 1742 làm Phó sứ, năm 1748 làm Chánh sứ sang nhà Thanh. Trong tập Sứ Trình tân truyện dài 670 câu (thơ lục bát chen lẫn với thơ Đường bằng chữ Nôm) có dành 26 câu viết về lầu Hoàng Hạc.

Lê Quý Đôn (1726 - 1784), làm Phó sứ sang nhà Thanh năm 1761, khi đi qua Vũ Xương có làm bài Hoàng Hạc lâu để tặng quan Khâm sai nhà Thanh và quan Chánh sứ Trần Huy Bật. Trong bài ông khác với Thôi Hiệu là khi nhìn thấy khói sóng trên sông lại… bớt nhớ nhà! (Yên ba giảm khước nhất phân sầu). Sứ đoàn đông đảo của Tây Sơn đi sứ sang nhà Thanh năm 1790 có hai người làm thơ về lầu Hoàng Hạc. Chánh sứ Phan Huy Ích viết hai bài với nhan đề Chơi lầu Hoàng HạcLại đến lầu Hoàng Hạc, Đoàn Nguyễn Tuấn lại viết một loạt 4 bài trong đó có một bài viết trên vách đá.

Thi hào Nguyễn Du năm 1813 đi sứ cũng viết bài Hoàng Hạc lâu trong đó có câu: “Cây cỏ trước mặt vẫn y như cũ”. Có nhà nghiên cứu cho rằng năm 1790, Nguyễn Du đã từng đi “giang hồ” qua đây. Ngô Thời Vỵ (1777 - 1821) đi sứ hai lần vào thời Gia Long (1807) và Minh Mạng (1821). Trong chuyến đi năm 1807 ông viết bài Đề Hoàng Hạc lâu. Bài này ông “chê” cả Thôi Hiệu lẫn Lý Bạch và “tự tin” với câu “Sứ thần nước Việt là Ngô Thì Vị chẳng sợ đề thơ nơi này”! Phan Thanh Giản (1796 - 1867, người Vĩnh Long) làm Chánh sứ năm 1834 có làm bài Đăng Hoàng Hạc lâu. Trong bài ông cho mình là người xa nhất ở phương Nam đến đây. Trong câu cuối bài thơ ông viết: “Du du trần mộng thập thu tâm” (nhặt chút lòng thu giấc mộng tràn). Đây là cách chơi chữ tuyệt vời vì “thu tâm” viết chung với nhau thành chữ “sầu”, để nhắc chữ “sầu” của Thôi Hiệu!

Hà Đình Nguyễn Thuật (1842 - 1912, người Hà Lam, Thăng Bình) đã hai lần đi sứ vào các năm 1880 và 1883. Đây là sứ thần cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam sang Trung Hoa. Ông cũng là sứ thần duy nhất người Quảng Nam, có thơ về ngôi lầu nổi tiếng này.

Hai bài thơ của Nguyễn Thuật

Đăng Hoàng Hạc lâuĐề Hoàng Hạc lâu (trong Mỗi hoài ngâm thảo) là hai bài thơ tiêu biểu cho chùm thơ du lãm, du ký của Hà Đình Nguyễn Thuật.

ĐĂNG HOÀNG HẠC LÂU

Trần cảnh mang mang bất ký thu
Thiên hoang địa lão thặng tư lâu
Tiên ông hà xứ thừa vân hạc
Tra khách kim triêu thướng đẩu ngưu
Giang khoát ngư long ba tiệm noãn
Xuân thâm anh vũ thảo do sầu
Đăng lâm khước lạc Đường nhân hậu
Doanh đắc kỳ quan viễn hải chu.

Dịch:

Trần thế mênh mang chẳng nhận biết được thời gian
Trải qua thiên trường địa cửu, ngôi lầu vẫn còn đây
Ông tiên đã cưỡi hạc bay về nơi xa khuất
Khách dạo thiên hà nay tìm tới sao đẩu sao ngưu
Ngư long dưới sông sâu, song nước dần ấm lại
Anh vũ hót giữa xuân già, cỏ cây vẫn đang sầu muộn
Mặc dù lên đây sau người đời Đường
Nhưng được ngắm kỳ quan cảnh thuyền ngoài biển xa.

ĐỀ HOÀNG HẠC LÂU

Ngọc địch thanh tàn nhất hạc phi
Giang phong vô dạng nhập song xuy
Linh hòa lại hưởng thiên gian ngữ
Ba tịnh yên phù địa tản si
Cảnh đáo tình dư kham nhập họa
Bút tùng các hậu cánh vô thi
Bạch Vân dao chỉ tây nam ngoại
Thủy biện nga phân khả đáng quy.

Dịch:

Tiếng sáo ngọc đã dứt, một cánh nhạn vút lên cao
Hàng phong nhàn rỗi đưa gió vào cửa sổ
Điệu chuông điệu sáo vào như lời nói giữa khoảng không
Làn sóng làn khói quyện mình nũng nịu cùng bến nước
Cảnh vật đến khi quang đãng vẽ thành một bức tranh
Chỉ đám mây trắng bay xa ngoài cõi Tây Nam
Mới nhớ ra rằng phải sớm trở về.

“Hoàng Hạc lâu dưới ngòi bút của Hà Đình đã hiện ra như một bức tranh thủy mặc thơ mộng. Người đọc có cảm giác rợn ngợp trước sự mênh mông của trời đất, sự trơ vắng của lầu Hoàng Hạc trước biến dịch của thời gian, sự cô đơn của con người trước kiếp sống hữu hạn” (Phạm Mạnh Hùng - Nguyễn Đông Triều - Theo dấu người xưa, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, trang 143). Lầu Hoàng Hạc qua thơ của Nguyễn Thuật không chỉ với cảnh hàng phong, làn sóng, bến nước với tiếng gió, tiếng sáo… - những cảnh ước lệ vốn có của cổ thi ở hầu hết những bài thơ viết về lầu Hoàng Hạc, mà còn cả “cảnh thuyền máy chạy bằng hơi nước của người Tây phương đậu nơi cửa biển” (Doanh đắc kỳ quan viễn hải chu) đã làm cho Đăng Hoàng Hạc lâu “không rơi vào khuôn sáo, không ngại thơ đề trên đầu” (Tuy Lý Vương).

Thôi Hiệu viết “Nhật mộ hương quan hà xứ thị. Yên ba giang thượng sử nhân sầu” (Quê hương khuất bóng hoàng hôn. Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai) thì trong bài Đề Hoàng Hạc lâu, Nguyễn Thuật lại viết: “Bạch Vân dao chỉ Tây Nam ngoại. Thủy biện nga phân khả đáng quy” (Chỉ đám mây trắng bay xa ngoài cõi Tây Nam. Mới nhớ ra rằng phải sớm trở về). Câu thơ cho thấy Nguyễn Thuật vừa “chìm” trong cảnh vừa “thức tỉnh” trước cảnh. Trong hoàn cảnh nào ông cũng luôn ý thức về trách nhiệm và hoàn cảnh của mình: một sứ thần, một người con của nước Việt!

Chính vì vậy, dù có nhiều người nổi tiếng viết về lầu Hoàng Hạc trước Nguyễn Thuật như vừa kể nhưng Nguyễn Thuật xứng đáng được khen ngợi “Sau Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu, nào có mấy bài về lầu Hoàng Hạc không thẹn với thi tài Thôi Hiệu như bài này” (Mai Quốc Liên, Hai danh sĩ đất Quảng - Tạp chí Đất Quảng số 55 ngày 1.12.1988).

Đọc Đăng Hoàng Hạc lâuĐề Hoàng Hạc lâu để thấy thơ Nguyễn Thuật vừa cũ vừa mới, vừa quen vừa lạ, thể hiện một tính cách Quảng đặc biệt.

                                                                                              Lê Thí
Nguồn:
https://baoquangnam.vn/dat-va-nguoi-xu-quang/hai-bai-tho-ve-hoang-hac-lau-cua-nguyen-thuat-88308.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ