Tác giả Nguyễn Thị Thu Sương
CHẠY
LOẠN NĂM 1975
Trong chiến tranh loạn lạc, con người chạy theo
đám đông, thấy người này chạy, mình cũng chạy, người này sợ giặc
chạy, người thì né tránh những vùng bom đạn. Tuy nhiên, trong đó vẫn
có nguời chạy về sum họp với gia đình. Gia đình tôi thuộc trong nhóm
người đó.
Lúc này có nhiều luồng nhận định về tính
hình chính trị khác nhau, kẻ nói này người nói nọ, không biết phải
tin ai. Ngày 19 tháng 3 năm 1975, Quảng Trị thất thủ, tình hình thấy
thật căn thẳng. Dòng người chạy vào Huế nhiều như hồi mùa hè năm
1972. Một tuần sau, ngày 26 tháng 3 năm 1975, Huế lại thất thủ, dân
chúng và lính thoái chạy vào Đà Nẵng.
Vì nghe tin có khả năng sẽ chia cắt, lấy đèo
Cả làm ranh giới. Cả đại gia đình gồm gia đình bác ruột, cô ruột và
gia đình tôi thuê xe chạy ra Nha Trang. Khi cả nhà đến Nha Trang, ngày 29
tháng 3 năm 1975, nghe tin Đà Nẵng thất thủ, quân đội và dân chúng leo
lên máy bay và xà lan di tản vào miền Nam.
Chiều ngày 30 tháng 3 năm 1975, nghe nói có
nhiều xà lan chở người chạy loạn từ Đà Nẵng cập cảng Nha Trang, mọi
người nhốn nháo chuẩn bị chạy tiếp vào Miền Nam. Gia đình tôi thuyết
phục ông ngoại và các dì theo gia đình về Miền Nam, nhưng ông ngoại
tôi không đồng ý, bảo sẽ về Cam Ranh lánh nạn ít ngày rồi trở lại
Nha Trang. Ông ngoại bảo gia đình tôi về lại Bình Tuy đi, tình hình này
coi bộ không ổn rồi.
Ngày 01 tháng 4 năm 1975, gia đình tôi quay trở
lại Bình Tuy, cả đại gia đình chúng tôi đi trên ba chiếc xe nhỏ trong
đó có chiếc xe của anh con bác tôi đi từ nhà máy Thủy điện Đa Nhim
về. Xe chạy về Cam Ranh, trên đường quốc lộ 1 một đoàn dài xe nối
đuôi nhau chạy về Miền Nam. Xe chạy nhít chậm chạp từ từ, xe đi suốt
cả đêm, cả nhà có chuẩn bị thức ăn nhanh để ăn trên xe, nhưng cũng
gần cạn rồi.
Chiều ngày 2 tháng 4 năm 1975, xe đến Phan Rang,
định nghỉ lại bên đường nấu cơm, nghe tin Nha Trang thất thủ, mẹ tôi
phải mang nồi cơm đang sôi, dập tắt củi lửa, rồi vội vã lên xe đi
tiếp. Lúc này mọi người thấy bụng đói cồn cào, nhưng không thể làm
được gì cả, thức ăn dự trữ đã hết, cả nhà phải ăn cơm sống qua
bữa. May thay, sáng hôm sau có chiếc xe chở rau quả từ trên Đà Lạt
về, chạy qua cho một vài nắm củ cà rốt, mọi người chùi đại đưa lên
miệng nhai cho đỡ đói.
Nước mang theo đã cạn, trời tháng 4 nắng rất
gắt, vào địa phận Phan Rang lại càng nắng hơn. Anh tôi lấy những chai
nước lấy từ rừng sâu ở Đa Nhim về nghiên cứu, lúc đầu anh còn cho
một vài viên thuốc bỏ vào khử trùng để mọi người uống. Nhưng rồi,
thuốc khử trùng cũng cạn, mọi người uống luôn, chẳng sợ sốt rét gì
nửa. Sau khi tiêu thụ hết mấy két nước suối của rừng sâu, cả nhà
khát quá mà chẳng có cách nào xin ai. Không thể chạy vào nhà dân hai
bên đường để xin nước, đoàn xe đang đi không thể dừng lại được!
Dọc hai bên đường, người ta ném đồ gia dụng và
điện tử rất nhiều như Tivi, tủ lạnh, quạt máy, gường tủ, bàn ghế…
đồ đạc của người dân di tản mang theo, không ai đoái hoài cả, có biết
còn sống không mà tham lam! Đến một đoạn gần Phan Thiết, coi bộ kẹt
xe lâu, ba tôi chạy xuống lỗ chân trâu múc hai bidong nước cho con cái
uống đỡ, nước đục ngầu nhưng cả nhà đành phải nhắm mắt uống cho đỡ
cơn khát hành hạ.
Đi qua Phan Thiết bắt đầu vào khu rừng tre và
lá buông, trời cũng chìm dần vào đêm, gió cũng mát dễ chịu hẳn đi.
Các xe đi trước thông tin truyền lại, đường quốc lộ 1 đoạn gần Bình
Tuy bị đắp mô (tức có đặt mìn trên đường). Các xe đi trước đã mở
một con đường mới trong rừng để đi qua đoạn đường đó. Nhưng họ thông
báo đoạn đường đó bị phục kích bằng pháo canon bắn vào, cứ khoảng
hai mươi phút hoặc một tiếng “phía bên kia” bắn vào một lần. Mọi
người biết thế, nhưng đành phải đi qua thôi, không còn lựa chọn nào
nữa. Khi đến đoạn đường đó, tôi thấy hai bên đường nhiều xe đổ ngả
nghiêng, đồ đạc lăn lóc, xác người nằm la liệt, cảnh tượng thật kinh
hoàng! Xe gia đình tôi lầm lũi đi qua, mọi người chỉ biết cầu nguyện
ơn trên che chở. Đoàn xe không thể dừng lại, xe nào bị pháo, thì được
xe sau xô hất qua một bên đường để xe tiến lên. Sau những phút giây căng
thẳng, xe của gia đình tôi vượt qua được đoạn đường tử thần đó. Đoàn
xe tiến vào khu vực tỉnh Bình Tuy, có những xe rẽ vào ngã ba Bốn
sáu của tỉnh Bình Tuy cùng gia đình tôi, có xe đi tiếp vào Long Khánh
để về Sài Gòn.
Gia đình tôi về đến Bình Tuy bình yên thật
mừng. Nhà tôi cũng chưa về lại Động Đền, còn ở lại nhà thầy Trương
Sĩ Lộc ở Bình Tuy để nghe ngóng tình hình. Mẹ tôi sợ quá rồi, nói
thôi không chạy nữa, phía bên kia có vào thì đành chịu vậy. Nhà tôi
ở lại Bình Tuy khoảng gần hai tuần.
Ngày 17 tháng 4 năm 1975 nghe tin Khmer đỏ chiếm
đóng Campuchia, bọn Khmer đỏ đuổi những người trí thức, công chức,
nghệ sĩ ra khỏi thành phố và tiến hành thảm sát. Máu đã nhuộm đỏ
Campuchia! Rùng mình sợ hải, cả nhà tôi quyết định đi vào Vũng Tàu.
Cả nhà thuê một chiếc ghe bầu to đưa cả đại gia đình vào Vũng Tàu.
Lần đầu tiên tôi đi ghe bầu trên biển, tàu đi cặp ven bờ. Những con
sóng nhấp nhô, tôi say sóng, ói đến mật xanh, nằm la liệt không ngóc
đầu dậy nổi. Tôi không còn tâm trạng nào để ngắm biển, chỉ cầu
nguyện cho tàu mau đến Vũng Tàu.
Chiều ngày 18 tháng 4 năm 1975, tàu cập bến ở
làng Long Hương, Bà Rịa thuộc thành phố Vũng Tàu. Cả gia đình tôi về
tạm trú tại một trường tiểu học của làng Long Hương, Bà Rịa. Hôm sau
ba tôi đi Sài Gòn nhận những tháng lương giáo viên mà chính phủ còn
nợ chưa trả, ba tôi đi về tay không, ngân hàng không chi trả, hẹn ngày
khác. Khi ở Sài Gòn, ông Đại tá Quân cụ, anh chồng của cô tôi, bảo ba
tôi có đi di tản qua Mỹ không?, ông cho đi. Nhưng ba tôi từ chối vì cả
gia đình tôi hiện đang kẹt ở Bà Rịa, làm sao ông thể bỏ vợ con ở
lại mà ra đi một mình. Ba tôi quay về và muốn đưa gia đình đi Sài
Gòn. Nhưng đường đi Sài gòn đã đắp mô một đoạn nào đó gần Biên Hòa,
cả nhà đành bỏ ý định đó.
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, khi tôi đang ở ngoài
cánh đồng của làng Long Hương, tôi nghe từ Radio, tổng thống Nguyễn Văn
Thiệu đọc những lời thống thiết trong nước mắt, ông chưởi Hoa Kỳ, tôi
nhận thấy tình hình không còn gì tốt đẹp nữa rồi.
Ngày hôm sau, 22 tháng 4 năm 1975 cả nhà tôi về
Vũng Tàu được vào ở nhà nghỉ mát của giáo chức Vũng Tàu. Mọi
giáo viên các nơi tập trung về ở đây rất đông. Mọi người vẫn chờ
đợi, nghe ngóng tình hình.
Tôi gặp lại cậu tôi, một đại úy bị kẹt lại ở
Vũng Tàu, cậu dẫn cả nhà đi xem phim. Cậu nói đi xem phim lần cuối,
chứ sau này biết bao giờ được xem lại. Hôm đó chúng tôi xem phim Đài
Loan “Tình yêu và bóng tối” do
tài tử Chân Trân và Đặng Quang Vinh đóng, đó cũng là lần đầu tiên tôi
được xem một phim tình cảm tại rạp chiếu bóng.
Những ngày cuối cùng mọi người mệt mỏi, tuyệt
vọng và lo sợ. Tôi không biết tương lai sẽ thế nào, những ngày tới
sẽ ra sao?
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tổng thống Dương Văn
Minh đã đọc diễn văn đầu hàng, đất nước đã nằm dưới sự kiểm soát
của Quân đội Giải Phóng Miền Nam. Quân Giải phóng đã đến tiếp quản,
họ vào nơi chúng tôi tạm trú hỏi:
- Mọi người từ đâu đến, gốc gác ở đâu?
Chúng tôi trả lời:
- Chúng tôi từ Bình Tuy tới và quê ở Quảng
Trị.
Chú Giải phóng nói:
- Chạy trời không khỏi nắng!
Chú ấy nói đúng thật: “Chạy trời không khỏi nắng!”. Trốn chạy từ năm 1972, rồi
đến năm 1975 vẫn gặp lại. Gia đình tôi thuê xe trở về Bình Tuy, kết
thúc những ngày chạy loạn. Cầu Cỏ May đã bị giật sập, các xe phải
đi tàu phà qua sông, đến khuya xe cũng chở gia đình tôi trở lại Động
Đền.
Về nhà, chỉ còn cái nhà trống không, các nhà
chung quanh đã dọn sạch đồ đạc của gia đình tôi. Sau đó, ba mạ tôi
phải đi từng nhà xin lại đồ đạc của gia đình mình như cái gường,
cái tủ, bàn ghế, soong nồi, thau xô, và các thùng phi. Cuộc sống
thiếu thốn khổ cực bắt đầu.
12/4/2020
Nguyễn Thị Thu Sương
Chạy từ 72 đến 75, rồi trở lại gặp mấy ông VC để nghe lời mĩa: Chạy trời không khỏi nắng. Chưa bằng Có hàng triệu người chạy từ Bắc vô Nam năm 54, rồi chạy từ nam sang Hoa kỳ sau năm 75. Đến già về lại quê để gởi nắm xương tàn, gặp lại anh công an TSN nhìn nhìn rồi phán một câu : Chạy trời không khỏi nắng. Buồn tủi quá chỉ muốn nhảy xuống đất tự tử chết đi cho rồi.
Trả lờiXóa