Tác giả bài viết Nguyễn Thị Thu Sương
NHỚ VỀ KỶ NIỆM HỌC SINH TRƯỜNG TRUNG HỌC NGUYỄN HOÀNG
Năm 2017, gia đình tôi tổ chức một chuyến du
lịch về Đà Nẵng. Chúng tôi nghĩ dưỡng tại Vinpearl resort &villas
Đà Nẵng. Sáng hôm sau dậy sớm tôi cùng ba mạ và em gái ra bờ biển.
Resort này nằm bên cạnh bờ biển Mỹ Thị, kéo dài đến gần núi Ngũ
Hành Sơn. Đứng trên bờ biển, nhìn về hướng Sơn Trà, ngọn núi vẫn
nằm hiên ngang hướng ra biển, mây vẫn bay lững lờ qua đỉnh núi. Sóng
vẫn vỗ tung từng đợt trắng xóa vào bờ, mặt trời từ từ lên cao, mây
ửng hồng cam trên bầu trời. Ánh nắng dần tỏa sáng trên khắp bãi
biển, những ánh sáng chiếu lung linh trên mặt biển như những viên kim
cương, mà có thời bạn tôi gọi là “chùm hoa nắng”. Thiên nhiên hình như
vĩnh cữu, không hề thay đổi. Cảnh vật có nhiều khác lạ: những căn
nhà gỗ ngày xưa của trại lính Mỹ để lại nay không còn, thay bằng
những resort và vila sang trọng của các tổ chức du lịch trong nước và
nước ngoài đầu tư. Nơi đây không còn là quang cảnh công cộng, ai cũng
có thể đến thưởng ngoạn được như ngày xưa. Muốn vào đây, chúng ta
phải bỏ ra rất nhiều tiền mới tìm lại cảm giác thưởng ngoạn như
trước đây. Con người và thời thế đã làm thay đổi tất cả cảnh quan
nơi đây. Tôi bùi ngùi thương tiếc và nhớ về dĩ vẵng của bốn mươi bốn
năm về trước.
Sau một thời gian ổn định, Trường Trung học
Nguyễn Hoàng Quảng Trị đã tổ chức học lại. Trường Trung học Nguyễn
Hoàng đóng tại trại 5 Non Nước. Trường tạm thời mở tại một hội
trường lớn của Mỹ để lại. Lớp học được ngăn vách bằng cót ép, để
trống phần trên và phần dưới, ngồi bên lớp này có thể nghe thầy bên
lớp kia giảng bài. Những ngày đầu chưa có bàn ghế, học sinh mỗi
người còn phải mang theo một ghế nhỏ để ngồi. Sau một thời gian
ngắn, trường đã trang bị được bàn ghế, chúng tôi được một lớp học
tương đối ra lớp học.
Những ngày nhập học chúng tôi thật vui mừng,
gặp lại được bạn bè sau một thời gian xa cách, hỏi han nhau mới biết
bạn nào còn, bạn nào mất, bạn nào đã bỏ mình lại Đại lộ Kinh
hoàng. Lớp 6, 7/8 của tôi có nhiều bạn đi vào Miền Nam như Đinh thị
Hiệp về Mỹ Tho, Công Huyền Tôn Nữ Anh Đào, Vũ Phương Mai, Lý Thị Nhơn
vào Sài Gòn. Trần Thị Lai về Bình Định, …
Vào lớp mới tôi làm quen thêm nhiều bạn mới: Lê
Thị Hoa, Nguyễn Thị Phục, Trần Thị Mai Anh, Tôn Nữ Thanh Hương, Lê thị
Ngọc Ánh, Trần Thị Vượng, Nguyễn Thị Thanh Hà, Trần Thị Bích Huệ,
Nguyễn Thị Ty, Phạm Thị Lê, Lê Thị Hiền, Cao Thị Kim Thu, Phan Ái
Hồng, Trần Thị Quyên, Trần Thị Việt Anh,… Còn các bạn cũ là Đặng
Thị Kim Anh, Lê Thị Bê, Lê Thị Quảng,…
Tôi được vào lớp 8/1, học Văn với thầy Trần Văn
Lữ (bút hiệu Trần Văn Lãng Tử (tức Thạch). Thầy có mái tóc muối
tiêu rất đặc biệt, vì thế Thầy Phan Phụng Thạch mới có mấy câu thơ:
“Thằng
bạn chưa già tóc đã bạc,
Bụng
đầy Kinh Lễ với Kinh Thi.
Chuyện
đời hư ảo xin mày gác,
Không
lẽ mày là Ngủ Tử Tư?”
Thầy Lữ dạy Văn cho chúng tôi rất hay và tận
tâm, thầy dạy kỹ các điển tích trong các bài thơ. Thầy khuyến khích
chúng tôi viết nhật ký, xem như đó là tập viết văn xuôi. Thầy hay gợi
ý những đế tài rất hay như Thiên nhiên, Xuân, Hạ, Thu, Đông, … để cho
chúng tôi viết cảm nhận về các hiện tượng đất trời. Tôi, Mai Anh,
Ánh Hồng, Hoa, Quảng và Phục đến nhà thầy học thêm Anh Ngữ. Trại
tạm cư chật chội, thầy trò học quanh cái phản gỗ ở nhà thầy. Thầy
dạy các từ ngữ, với đầy đủ gốc rễ của từ ngữ, các ví dụ minh
họa. Thầy dạy thêm cho chúng tôi vì thầy yêu quý các học trò như con
cái của mình.
Tôi cũng bắt đầu yêu quý và học hành chăm chỉ
Môn Văn và Anh ngữ từ ấy. Chiều nào, Hoa và Ái Hồng cũng đến nhà
rủ tôi đi học, đến ngã ba Hòa Long và Trại 1 có Mai Anh, Quảng , Thanh
Hương và Phục nhập bọn đi cùng. Chúng tôi đi lên đường phi đạo, áo
dài trắng tung bay, tay giữ cặp và tà áo, tay níu giữ cái nón, biết
đường trên cao lộng gió, nhưng đứa nào cũng thích như thế. Đường rộng
thênh thang, vắng bóng người, tha hồ nói chuyện và đùa giỡn với nhau.
Trong giờ dạy Văn, thầy ra bài viết về Thiên
Nhiên, đến khi phát bài, tôi hạnh phúc được thầy đọc bài của mình
trước lớp. Tôi trích lại bài văn hôm đó như sau:
“THIÊN
NHIÊN
Theo
em, thiên nhiên rất đẹp, khi người ta ca ngợi cái gì đẹp, người ta thường nói :
Đẹp như Sơn như Thủy”
Thiên
nhiên đẹp, cái đẹp của nó trường tồn, không có cái gì thay thế được và rất vĩnh
cữu.
Khi
nhìn cảnh mưa phùn gió bấc, cảnh tuyết rơi, cảnh bình minh trên biển cả, cảnh
hoàng hôn trên sông,… người ta thấy đẹp với ý nghĩa của nó. Riêng em, em chỉ
thích cảnh mây bay, những đám mây bay lơ lững trên nền trời xanh lơ, nó thường
tạo ra những hình ảnh rất đáng yêu: một ông già, một thủa ruộng, hình một cậu
bé đang chạy,… những hình ảnh ấy làm em say mê ngắm không chán mắt. Các nhỏ bạn
thường đặt cho em một cái tên vui vui làm sao ấy: cô bé mộng mơ!.
Qua
sách báo cũng như các văn gia và thi gia, em thấy họ thường ca ngợi cảnh đẹp
thiên nhiên: nào là núi Phú Sĩ của xứ bồng đảo, các vịnh đẹp ở Na Uy, đó là ở
ngoại quốc. Trong nước nhà có cảnh đẹp êm đềm thơ mộng của xứ Huế, nó tuy mộc mạc
trầm lặng đầy vẻ thê lương như một người nhìn quê hương mình bị bom đạn giày
xéo, ở đó rất hợp với những người buồn và bi quan. Đà Lạt xứ sương mù có cành
thông đùa trước cơn gió nhẹ, có hoa anh đào màu trong trắng tinh khiết, có thác
Cam Ly nước chảy liên tiếp ngày đêm, có hồ Than Thở với dòng nước xanh phẳng lặng,
cảnh đó dành riêng cho những người diễm phúc có tâm hồn vui vẻ yêu đời. Cũng có
khi buồn người ta thường trở về với biển, bây giờ họ quên tất cả những ê chề,
chán nản mà đời đã “ban thưởng” cho họ. Ở đây họ chỉ còn nghe dư âm của sóng,
những làn gió ngập mùi biển cả, bãi cát trắng phẳng lì. Họ cảm thấy mình hoàn
toàn là của đại dương, của biển cả.
Thiên
nhiên đẹp với ý nghĩa của nó và hoàn cảnh riêng của mỗi người.”
Mặc dù đã bốn mươi bảy năm trôi qua, tôi vẫn
giữ gìn nó như là một kỷ niệm đẹp của thời học sinh, bắt đầu tập
tễnh viết những bài văn xuôi theo ý của thầy giáo dạy Văn yêu quý:
thầy Trần Văn Lữ.
Trong nhóm bạn, đứa nào cũng có quyển nhật
ký, ghi nhận hoạt động trong ngày cũng như viết về một đề tài nào
mà mình yêu thích. Chúng tôi thường viết về biển, nắng, gió,… Những
cô bé mơ mộng và hồn nhiên. Cuối năm đó, lớp tôi có nhiều bạn đi di
cư vào Miền Nam, Phục vào Ninh Thuận theo đoàn di cư của Cha Ái, Vượng
đi di cư vào Cam Ranh, gia đình tôi đi di cư theo Chương trình Khẩn hoang
lập ấp Bình Tuy. Chúng tôi viết lưu bút và bịn rịn chia tay nhau.
Chiều đó, chúng tôi rủ nhau xuống biển Hòa
Long, đi dạo biển với nhau lần cuối. Hoa, Ái Hồng, Quảng và Phục nhảy
xuống tắm biển, đùa giỡn với những con sóng, chạy nhảy trên bờ. Tôi
không tắm biển, ngồi nhìn các bạn và ngắm biển. Biển vẫn hiền hòa
bình yên, từng đợt sóng nhẹ vổ vào bờ trắng xóa như an ủi chúng tôi.
Biển xanh trải rộng đến chân trời, xanh ngắt một màu, mây trắng bay
lờ lững trên cao, gió từ đại dương thổi mát rượi vào bờ, thổi vào
rừng dương đằng sau, tạo thành âm thanh vun vút êm tai. Tôi chạy đến
cùng các bạn chơi trò xây lâu đài cát. Càng về chiều, sóng càng
mạnh hơn, các lâu dài cát của chúng tôi bị các con sóng phá nát.
Các đám mây chuyển sang màu hồng cam, quả cầu đỏ đang dần dần chìm
xuống biển. Bầu trời chuyển dần sang màu tím nhạt, các áng mây màu
cam đang chuyển dần sang màu tím, hoàng hôn từ từ buông xuống. Chúng
tôi buồn bã chia tay nhau trở về.
Hôm sau, chúng tôi đến nhà Phục lần cuối, ngồi
nghe anh Phục đàn và Quảng hát. Quảng có giọng hát trầm ấm rất hay,
Quảng hay hát các bài hát của Trịnh Công Sơn và hát nhạc ngoại qua
lời dịch của Phạm Duy. Tôi nhớ mãi giọng hát của Quảng ngày ấy.
Ngày ấy! Đâu rồi! Các bạn của tôi ơi!
Tôi được ba mạ cho ở lại học tiếp lớp 9 tại
trường Trung học Nguyễn Hoàng vì trường lớp ở khu định cư chưa có
đầy đủ. Tôi lên trại 5 Non Nước ở với ông ngoại đi học.
Lên lớp 9, chúng tôi học Văn với thầy Nguyễn Đức
Liệu, thầy giáo trẻ mới ra trường. Năm ấy niên khóa 1973-1974 có
nhiều thầy cô trẻ ra trường. Thầy Lê Thanh Trí dạy Toán, thầy Tôn
Thất Cẩm Đăng dạy Sử địa.
Thầy Đức Liệu dạy Văn cho chúng tôi với phong
cách mới. Thầy giảng bài rất hay, mắt thầy mơ màng nhìn xa xuôi, đặc
biệt cuối giờ dạy hay chiêu đãi học trò một bài hát hay. Thỉnh
thoảng thầy ngâm thơ cho học trò nghe. Bài thơ tôi nhớ nhất là bài
Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan, với giọng buồn thầy ngâm bài
này thật hay, chứa đầy tâm sự. Học trò chúng tôi hay đoán già đoán
non về đôi mắt buồn xa xuôi của thầy. Thầy yêu cầu chúng tôi phải
luyện câu chữ, để ý dấu chấm, dấu phẩy. Thầy nói thật thất vọng
khi các anh chị viết văn phạm Anh ngữ đúng mà viết văn phạm Tiếng
Việt sai. Thầy khuyến khích chúng tôi đọc thêm sách về Đạo giáo,
Phật giáo. Thầy còn dự đoán tương lai qua bài văn của học trò, kỳ
vọng các học trò thành công trong cuộc đời. Đó là những thành tâm,
hướng dẫn học trò trong tương lai.
Dưới sự hướng dẫn của thầy Liệu, sự nổ lực của các bạn
trong lớp và bàn tay tài hoa của bạn Thanh Hà, lớp 9/1 đã ra tờ báo tường bằng
vải tên “Dấu Ái”. Tờ báo đã đoạt giải nhất về Bích báo của trường niên khoá
1973-1974.
Tờ bích báo “Dấu Ái” của lớp 9/1 đoạt giải nhất về
Bích báo trường Nguyễn Hoàng, niên khoá 1973-1974.
Từ phải sang: thầy Trần Văn Lữ, thầy Chỉnh, thầy Nguyễn Đức Liệu, Thu Sương, Nguyễn Thị Vượng, Thanh Hà, Quyên, Thuý Hương, Mỹ Hạnh, Phạm Thị Lê, Quảng, Lê Thị Hoa.
Từ phải sang: thầy Trần Văn Lữ, thầy Chỉnh, thầy Nguyễn Đức Liệu, Thu Sương, Nguyễn Thị Vượng, Thanh Hà, Quyên, Thuý Hương, Mỹ Hạnh, Phạm Thị Lê, Quảng, Lê Thị Hoa.
Thầy Lê Thanh Trí dạy Toán, thầy có thành tích
đáng nể, đạt Á khoa khi tốt nghiệp. Thầy dạy toán hay và dễ hiểu.
Thầy hay đỏ mặt, đó là yếu điểm nên hay bị học trò kiếm cớ để
chọc nghẹo thầy, nhưng cũng hãy coi chừng khi lên trả bài Toán của
thầy! Nhờ học Toán thầy, tôi dần thích môn Toán và sau này tự tin
chuyển qua ban B.
Thầy Tôn Thất Cẩm Đăng dạy môn Sử địa, với
dáng vẻ thanh lịch nho nhã của người Tôn thất xứ Huế, thầy đã làm
xao xuyến nhiều trái tim của học trò, tôi đã có một bài viết riêng
về thầy, nên trong bài này tôi không viết lại những điều đó.
Thầy Nguyễn Huy Vỹ dạy Anh Văn cho bốn lớp 9,
trong đó ba lớp 9/1, 9/2, 9/3 (nữ) và lớp 9/4 (nam). Thầy dạy Anh ngữ
rất hay và tận tâm với học trò. Thầy khuyến khích chúng tôi học
hành và ganh đua với nhau. Khi vào lớp con gái, thầy lúc nào cũng
khen lớp con trai học rất giỏi và cứ nói: “sao con gái lại thua con
trai hè!”. Vào lớp con trai thầy cũng dùng chiêu thức đó, các lớp
cạnh tranh nhau học hành. Cuối học kỳ 1 thầy nói: “kỳ này thầy sẽ ra
đề thi chung bốn lớp, ai đạt điểm cao nhất, thầy sẽ có phần thưởng!”.
Chúng tôi ganh đua nhau học. Kết quả học kỳ 1, điểm Anh ngữ của tôi
là 19 ¼
Tôi được một quyển tự điển Anh ngữ, đó là
phần thưởng của thầy Vỹ. Nhưng đây mới là duyên cớ cho câu chuyện bắt
đầu. Tôi có em trai học dưới tôi hai lớp cũng tại trường trung học
Nguyễn Hoàng. Vui mừng vì chị đạt giải thưởng của thầy, em tôi đem ra
khoe với bạn ngồi cùng bàn. Cậu bạn đó về kể lại cho anh trai mình.
Hôm sau, bạn của em tôi nói: “anh trai mình thua chị bạn ¼ đó, anh mình
19 điểm”. Nhưng anh của bạn ấy không đành lòng, đưa ra câu đố: “To be or not to be” là gì?, đề nghị
chuyển về cho tôi trả lời.
Thực tình, tôi không biết câu này, tôi tra tự
điển mà không thấy. Tôi đành đến hỏi thầy Lữ, thầy giải đáp cho tôi.
Đó là phrase bắt đầu của một lời độc thoại (soliloquy) của nhân vật
Hamlet, hoàng tử xứ Đan Mạch (Denmark) trong hồi 3, cảnh 1 vở kịch
Hamlet của đại văn hào và nhà viết kịch William Shakespeare nước Anh,
thời Phục hưng:
“To
be, or not to be – that is the question:
Whether ‘tis nobler in the mind to suffer”
……………….
“To
be or not to be” có nghĩa là: “sống hay chết, tồn tại hay không tồn tại: đó là một vấn đề
nan giải” và nó trở thành câu châm ngôn bất hủ (famous quotation)
của William Shakespear.
Khi có câu trả lời, tôi viết gửi lại cho người
bạn ấy và không quên ghi chú: “Đồ
con nít!”
Tôi đem câu chuyện này nói với nhóm bạn của
tôi. Chúng tôi chỉ biết tên bạn ấy, nhưng không biết mặt. Hai lớp học
cách buổi nên hoàn toàn không biết mặt nhau. Chúng tôi quyết định
phải tìm cho biết mặt người thách đố ấy.
Chuẩn bị cho văn nghệ Tết của trường, liên lớp
9 họp lại ban văn nghệ. Chúng tôi vào họp nhóm văn nghệ, tôi nói với
nhóm bạn: “phải tìm xem mặt chàng
kia, xem mặt mũi ra sao, mà phách lối thế!” Trong lúc đó, thật
bất ngờ “hắn ta” lại ngồi trước
mặt chúng tôi, ôm đàn lặng lẽ cười!
Sau này, khi xong chương trình văn nghệ, tôi mới
biết mặt chàng ta. Ngày liên hoan Tết cuối năm của trường, tôi nhận
một thiếp chúc tết xinh xinh, ghi trong đó lời chúc tết và kèm theo
câu: “Giọt sương xuân thấm lạnh lòng
núi non”. Cả nhóm bạn tôi làm quen với bạn ấy và Mai Anh rất
nghịch ngợm gặp người ấy đều đọc to câu đó.
Một hôm, Quảng phát hiện ngay chỗ ngồi của tôi,
có một lỗ tròn nhỏ, đặt mắt vào có thể nhìn sang bên kia. Quảng đi
điều tra mới biết: phòng học của lớp tôi lại sát phòng nhà bạn ấy.
(Ba bạn ấy là nhân viên của trường trung học Nguyễn Hoàng nên nhà bạn
ấy ở trong trường!).
Buổi học Anh văn, học mệnh đề IF (Conditional
sentences), các bạn có dịp chọc bạn ấy. Ở bên lớp, Quảng và Mai Anh
đọc to. “If you are Mountain, I will be
Dew”. Không biết ngồi bên nhà, bạn ấy có nghe rõ không? Cái nhóm
bạn nghịch như quỷ này luôn gây áp đảo bạn ấy. Bạn ấy chỉ cười mà
không nói gì.
Cả nhóm tổ chức buổi họp mặt tại bãi biển
Sơn Trà. Chúng tôi đi xe lam từ Non Nước qua Sơn Trà. Cả nhóm ngồi chơi
đùa đến gần chiều giải tán, lúc về chúng tôi quyết định không đi xe
mà đi bộ dọc bờ biển. Chúng tôi đi bộ từ bãi biển Sơn Trà về đến
Mỹ Thị, đến bãi biển trại Hòa Long, Hoa, Mai Anh, Ái Hồng và Quảng
đi tiếp về nhà. Tôi và bạn ấy đi bộ dọc bờ biển đến trại 5 Non
Nước. Áo dài trắng bay quấn quýt theo bước chân, tóc dài bay tung
trong ánh trời chiều. Ánh nắng trên biển bắt đầu dịu lại, dễ chịu
hơn hẳn. Chúng tôi vẫn lặng lẽ bước bên nhau, nói chuyện vu vơ về bài
học này nọ. Bỗng nhiên, bạn ấy dừng lại, ngập ngừng hỏi tôi :
- S có cảm nhận một tình cảm nào đó về mình
không?
Tôi thẹn thùng bối rối trả lời:
- Mình cũng không biết nữa!
Rồi chúng tôi tiếp tục bước, mỗi người đeo
đuổi mỗi ý nghĩ riêng. Tôi không thể trả lời câu hỏi của bạn ấy, tôi
mơ hồ cảm nhận về nó, nhưng không thể diễn tả nó như thế nào.
Ông ngoại tôi nổi tiếng là người khó tính. Hồi
ở Quảng Trị, các bạn trai của các dì đến nhà chơi, ông ngồi quan
sát và nhìn đồng hồ. Thấy không thích anh chàng nào ông lên tiếng
hết giờ đến chơi. Không biết bạn ấy lấy cam đảm như thế nào mà dám
bước vào nhà tôi. Ông ngoại tôi nằm trên gường, kế bàn học của tôi
lắng nghe hai đứa nói chuyện. Lúc đầu tôi sợ thật tình, nhưng khi nói
chuyện về học hành, chuyện sách vở, tôi quên mất cảm giác sợ hãi.
Hai đứa trao đổi nhiều đề tài từ học hành, văn học, đến chuyện khoa
học… Ông ngoại vẫn lắng nghe chúng tôi nói chuyện. Khoảng gần một
giờ sau, bạn ấy cúi chào và xin phép ra về. Khi bạn ấy ra đi khỏi
nhà, ông ngoại tôi khen: “thằng nhỏ
học hành được đó, nói chuyện khá, nghe được”. Từ đó, sau mỗi
tối học bài xong, bạn ấy hay qua nhà tôi nói chuyện, dưới sự cho
phép của ông ngoại. Nhà tạm cư không gian chật hẹp, chỉ có căn phòng
nhỏ, nhất cử nhất động đều nằm dưới sự kiểm soát của ông ngoại.
Chúng tôi vô tư nói chuyện, tôi cũng hóm hỉnh đối đáp với kiến thức
có được, mang đến nhiều tiếng cười góp vui cho ông ngoại.
Dì Út tôi từ Đà lạt về thăm ông ngoại, tổ
chức chuyến đi chơi Ngũ Hành Sơn. Vài người bạn của bạn ấy, ba
người hàng xóm và hai dì cháu tôi đã thành một nhóm tham quan Ngũ
Hành Sơn.
Chúng tôi đi Ngũ Hành Sơn, nhưng chủ yếu tham
quan Thủy Sơn. Tham quan nhiều đền chùa và hang động. Phong cảnh Ngũ
Hành Sơn lúc nào vẫn đẹp, dù đi bao nhiêu lần, lúc nào tôi vẫn thấy
khám phá ra nhiều điều mới lạ. Chúng tôi leo lên Vọng Hải Đài. Đứng
trên ngọn núi cao, ngắm nhìn bao quát thành phố biển Đà Nẵng, ngắm
bãi biển cát vàng vòng cung từ Sơn Trà đến Non Nước. Trời xanh và
biển xanh, xanh ngắt một màu, mây trắng lững lờ trôi, ngọn núi Sơn
Trà vươn dài ra biển, quang cảnh Vịnh Đà Nẵng thật đẹp như tranh.
Nhìn về hướng đông nam là đảo Cù Lao Chàm, những đàm chim hải yến
bay lượn dưới bầu trời xanh trong. Chúng tôi đến thắp nhang ở chùa
Linh Ứng và chùa Tam Thai. Chúng tôi đến động Huyền Không, đây là động
lớn nhất của Ngũ Hành Sơn. Động nằm lộ thiên và có cấu trúc độc đáo
ấn tượng với máy vòm bình tròn thông qua bên ngoài nên luôn tràn ngập
ánh sáng.
Bạn ấy quỳ cầu nguyện trước tượng Phật Quan Âm Bồ tát
rất lâu. Tôi hỏi:
- S cầu nguyện xin gì mà lâu quá vậy?
Bạn ấy cười bảo:
- Bí mật.
Theo truyền thuyết, chúng tôi hứng nước trong
thạch nhủ uống, với hy vọng mang nhiều may mắn trong cuộc đời.
Dù đến Ngũ Hành Sơn nhiều lần, nhưng không lần
nào tôi dám xuống tham quan Động Âm phủ, nghe nói có con đường tối om
và những hình dáng tượng đáng sợ dẫn xuống, tôi sợ không dám bước
vào. Chúng tôi đã chụp rất nhiều hình, có một vài tấm hình tôi còn
giữ đến ngày nay.
Chúng tôi ngày càng thân thiết nhau hơn, thỉnh
thoảng bạn ấy nhờ em trai mang qua một bài thơ nhỏ hay một lá thư cho
tôi. Bạn ấy viết lưu bút cho tôi, với những tình cảm thân thương của
tuổi học trò, những mơ ước tương lai của chàng trai nhiều hoài bảo.
Thời gian chia ly cũng đang đến gần. Bạn ấy và gia đình quay về lại
Quảng Trị, tôi cùng ông ngoại vào định cư Nha Trang. Trước khi chia tay,
bạn ấy tặng tôi một tấm thiệp có hình hoa Pensée (Pansy) màu tím
với những tình cảm thiết tha.
Ngày chia tay đã đến. Sáng sớm hôm ấy, nhà bạn
ấy trở về Quảng Trị. Cả nhà gói ghém đồ đạc và di chuyển trên một
chiếc xe tải lớn. Trời còn tối, tôi và dì Út ra bên hiên nhà tiễn
bạn ấy, bạn ấy ngồi trên xe tải pha đèn pin đến chổ tôi đang đứng. Tôi
đứng đó vẫy tay chào tạm biệt bạn ấy và gia đình. Bạn ấy pha đèn
pin và nhá đèn pin nhiều lần để chào tạm biệt tôi và dì Út. Chiếc
xe chạy xa dần và mất hút trong bóng đêm. Tôi nhận thấy một cái gì
đó vỡ vụn trong tôi, tôi không cầm được nước mắt. Tôi sẽ khó gặp lại
bạn ấy. Bạn về quê Quảng Trị, còn tôi vào Nha Trang, địa chỉ không
rõ ràng, có thể nói là chưa có, không có manh mối nào để có thể
liên lạc cho nhau. Sống trong thời buổi loạn lạc, đầy bất trắc và
tạm bợ này, xa nhau xem như là mất nhau, khó mà gặp lại.
“Nàng
đứng ngóng, vẫy tay buồn thê thảm
Ánh
đèn pin tôi viết chữ phân ly
Lòng
nghẹn ngào, mắt ứa lệ hoen mi
Tình
trong trắng như pha lê tan vỡ”
(Nam Hải Trường
Sơn)
Năm 1977, bạn ấy đến thăm tôi tại Ký túc xá
trường Đại học Kinh Tế TP. HCM. Dáng vóc bạn ấy vẫn như ngày nào, vẫn
vui tính và dí dỏm, tôi và bạn ấy ngồi nhắc chuyện ngày xưa. Nhưng
tôi biết bạn ấy bây giờ đã khác xưa, bạn ấy đã có người yêu mới.
Chúng tôi bấy giờ xem nhau như những người bạn thân của ngày xưa còn
bé. Tôi trân trọng tình cảm của bạn ấy, giữ gìn những kỷ niệm,
những ngày tháng xưa tươi đẹp và trong sáng. Thời gian không dừng lại,
như nước trôi qua cầu, đi đi mãi không bao giờ trở lại. Con người đã
thay đổi, nhưng kỷ niệm xưa vẫn còn đó, nó đánh dấu một khoảng đời
mà chúng tôi đã có nhau. Tôi mượn tạm mấy câu thơ của một nhà thơ để
kết thúc.
“Duyên
dang dở để ngàn thu nhung nhớ
Mộng
trinh nguyên trôi vạn kiếp tồn lưu
Hạnh
phúc tuổi thơ thiên trường địa cữu
Xin
giữ gìn năm tháng đã có nhau!”
(Nam Hải Trường
Sơn)
Nguyễn Thị Thu Sương
12/6/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ