Trang

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

LA GI, PHƯỚC HỘI XƯA - Phan Chính


           

           LA GI, PHƯỚC HỘI XƯA  
                                                                  Phan Chính

           Là một địa danh tồn tại khá lâu trước năm 1975 - xã Châu thành Phước Hội gồm 9 ấp thuộc quận Hàm Tân (Bình Tuy). Lúc ấy bao trùm các phần đất của các phường Phước Hội, Phước Lộc, Tân Thiện, Tân An và xã Tân Phước thuộc thị xã La Gi ngày nay với dân số gần 11 ngàn người. Sau năm 1975, Phước Hội, Phước Lộc là xã Tân Hòa và từ cuối 1979 là thị trấn La Gi (huyện Hàm Tân). Phước Hội trở lại với tên cũ từ cuối năm 2005 khi chia tách huyện Hàm Tân và thành lập thị xã La Gi, trên địa giới mới có diện tích 177 ha, dân số gần 17 ngàn người.


                                    Phường Phước Hội, thị xã La Gi

          Không những như hiện nay mà trước năm 1975, Phước Hội đã là trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa của tỉnh Bình Tuy. Xa hơn nữa, ban đầu có tên ấp Hàm lý rồi thành làng Hàm Tân nơi đặt huyện sở khi thành lập đơn vị hành chính huyện Hàm Tân vào năm 1916 dưới triều Nguyễn. Lúc đó địa danh vùng đất này được gọi là La Gi và trở thành địa chỉ quen thuộc trong quan hệ hành chính, thương mại cho vùng đất mới này. Nhân vật được người dân địa phương coi như có công mở đất lập làng là Phan Văn Kỳ, về sau mua được chức cửu phẩm và được mang họ Nguyễn của vua, từ đó được gọi là Cổ Kỳ (là chức Cổ làng Hàm Tân) và dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa được đặt tên cho một con đường dài trên 1 km. Người ta kể ông có sức khỏe phi thường, bằng tay không có thể hạ cả cọp beo. Nằm ngay trung tâm huyện hạt, cho nên các hoạt động văn hóa tiến bộ ở La Gi ra đời khá sớm như nhóm thơ “thi xã”, câu lạc bộ đọc sách, tổ chức thanh niên hướng đạo, hội đá banh…

          Từ sau năm 1945, đất này thuộc vùng căn cứ kháng chiến chống Pháp, các cơ sở đình chùa, nhà ở phải tháo dỡ thực hiện chủ trương “vườn không nhà trống”. Cho nên dù là đất xưa nhưng không lưu giữ được những di tích có giá trị lịch sử. Dười chế độ cũ tại đây tập trung nhiều cơ sở quản lý quan trọng của tỉnh mới Bình Tuy. Có hai khu vực gọi là Chợ Cũ (Phước Lộc), Chợ Mới (Phước Hội).Trụ sở quận lỵ Hàm Tân và Tòa hành chính tỉnh Bình Tuy tồn tại được vài năm rồi dời đi về khu vực quy hoạch cùng các cơ sở của bộ máy hành chính tỉnh (Tân An). Nhưng ngôi chợ Phước Hội vẫn là chợ trung tâm của thị xã ngày nay. Cạnh đó là rạp xi-nê Dân Tiến, chiếu phim nhựa phải có người thuyết minh trực tiếp.

        Ngôi chùa Quảng Đức có lịch sử truyền thống lâu đời nhất của người theo đạo Phật và là tổ đình của Phật giáo địa phương. Trước đó, chùa nằm trong hệ thống An Nam Phật học hội Nam phần- thuộc hội Phật học Bình Thuận. Đại sư Thích Quảng Nhơn khai sơn từ một ngôi thảo am cạnh con rạch nối với sông Dinh, đến năm 1956 dựng chùa mới với tên chùa Phật học Bình Tuy. Kế tục từ năm 1962-1975, trụ trì ĐĐ.Thích Quảng Thành vận động xây dựng mới và được Viện hoá đạo GHPGVNTN công nhận là cơ sở đại diện Phật giáo tỉnh Bình Tuy. Từ năm 1965 đổi tên là chùa Quảng Đức trên phần đất chùa ngày nay. 



         Có ba giáo xứ Thiên chúa giáo lớn là Vinh Thanh, Vinh Tân và Thanh Xuân. Từ năm 1955 một số nhóm dân quê Thanh Dã, Yên Đại thuộc giáo xứ Vinh di cư vào Nam, tách ra từ giáo xứ Vinh Tân, lập họ đạo Thanh Xuân và xây dựng nhà thờ vào năm 1957. Đến năm 1960 được công nhận là giáo xứ Thanh Xuân, thuộc giáo phận Nha Trang. Phần đất này ngày xưa có một sân banh (sân bóng đá) và cạnh đó là đầm nước rậm rạp cây đước, tre gai với con rạch chảy thông ra sông Dinh.

                         Đài Kitô Vua trước mặt nhà thờ giáo xứ Thanh Xuân (La Gi)

        Đánh dấu sự phát triển cư dân qua các thời kỳ có thể thấy những xóm nhà, khu vườn cây dài gần 1 km bờ hữu ngạn sông Dinh và gò nghĩa địa Thanh Minh phía nam của phường. Những địa danh Chợ Cũ, Chợ Mới, Cầu Chợ, Sân Banh, Lò Vôi, Gò Thanh Minh… chỉ còn trong ký ức bởi sự đổi thay của những con đường đô thị nhộn nhịp với nhà tầng nguy nga, khang trang. Có thể nói phường Phước Hội là “đặc trưng” của thị xã La Gi về đời sống xã hội, văn hóa và con người. Rất khó mà phân biệt nét riêng biệt về cư dân ở đây bởi mỗi một thời kỳ có những đợt di cư từ nơi khác đến sinh sống và hoà nhập. Là nơi thị tứ ngay buổi đầu lập huyện rồi lên tỉnh, môi trường thương mại sôi động nhưng người Hoa cũng chỉ chiếm số ít và “lai” dần khi lấy vợ, lấy chồng không còn giữ quốc tịch gốc. Có còn chăng ở những bảng hiệu buôn ngày trước như Cần Phong, Liên Phong, Diệu Ký, Bình An, Bành Văn Thành, Đại Đồng… trong hoạt động kinh doanh tạp hóa, thuốc bắc. Lớp người có mặt thời khai phá vùng đất lập làng từ miền Trung đất Quảng đến đây lập nghiệp được coi là dân bản địa. Nhưng đến sau năm 1957, khi lập tỉnh Bình Tuy mới có đợt di cư khá đông từ vùng biển Nghệ An vào hình thành hai xứ đạo Vinh Tân và Thanh Xuân.

        Trên một địa bàn chưa đến 2 km2, tưởng chỉ sống bằng nghề kinh doanh, dịch vụ nhưng lại có một bộ phận khá lớn làm nghề khai thác, chế biến hải sản, số lượng tàu thuyền gần 450 chiếc với năng suất khai thác hàng năm chiếm khoảng 30% sản lượng của thị xã. Tuy nay địa giới được xác lập theo tổ chức quản lý hành chính xã, phường nhưng cư dân Phước Hội vẫn có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng qua các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian và tập tục, thờ cúng vùng biển, đình làng như lễ hội Cầu ngư, ngày Thanh minh hàng năm mà trở thành nét văn hóa của vùng biển La Gi. 
                                                                                        Phan Chính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ