NỖI NIỀM MẤT TÊN
Trần Kiêm Đoàn
(Viết
tặng Thầy, Trò... Nguyễn Hoàng và những ngôi trường đã mất dạng hay mất tên).
Sau 1975, nhiều ngôi trường từ Cà Mau ra Quảng Trị đã
bị mất dạng hay mất tên. Thầy cô, bạn cũ một thời vẫn còn đó. Nhưng trường xưa
đâu rồi. Những nhân vật lịch sử đứng tên trường như Nguyễn Hoàng, Đồng Khánh,
Hàm Nghi, Gia Long, Petrus Ký... không còn mang giá trị cũ. Buổi giao thời, những
nhân vật mới có khi chưa xanh mồ lịch sử đã vội lên thay. Tuy lịch sử sẽ có sự
phán xét riêng và cuối cùng rất công bằng của nó, nhưng hiện tại, tên gọi ngôi
trường cũ chẳng có mặt mày làm chứng, nên tất cả chỉ còn là tín hiệu của trái
tim.
Với người Việt Nam, Nguyễn Hoàng là một tên gọi vượt
lên trên danh tính nhất định thường tình của một con người. Tính cá nhân đã nhường
lại cho tính đại chúng; hình ảnh nhân vật đơn lẻ đã chìm khuất sau bóng dáng của
cộng đồng dân tộc. Nguyễn Hoàng được nhắc đến như một tín hiệu đến từ dòng lịch
sử dựng nước hào hùng tiến về Nam.
Với người dân Quảng Trị, Đông Hà, Gio Linh, Cam Lộ… ,
kể từ khi ngôi trường trung học đầu tiên của toàn vùng Quảng Trị và phụ cận được
thành lập lấy tên là Nguyễn Hoàng, người dân bình thường, giới có học thức khoa
bảng cũng như thế hệ trẻ Quảng Trị có thêm niềm tự hào về một “cơ sở văn hiến”
ngay trên quê hương mình. Trước đó, học trò Quảng Trị sau khi học hết bậc tiểu
học phải vào Huế học tiếp bậc trung học. Chỉ có những gia đình tương đối giàu
có mới đủ sức lo cho con vào Huế học. Ngoài ra, đại đa số học sinh Quảng Trị ưu
tú, không đủ điều kiện tài trợ “du học Huế”
đành bó tay với cấp lớp tiểu học chỉ có trên quê hương mình, ấm ức nhận một “sở học” sơ đẳng vì hoàn cảnh bắt buộc !
Bao nhiêu thế hệ học trò đi qua, Nguyễn Hoàng không
còn là một danh xưng, một tên gọi bình thường hay “đại húy” của một nhân vật lịch
sử đầu nguồn triều Nguyễn…, mà là một tín hiệu đến từ trái tim. Nguyễn Hoàng đối
với Quảng Trị mang cùng ý nghĩa với Sorbonne ở Pháp, Cambridge ở Anh, Havard,
Berkeley, Stanford ở Mỹ. Đấy là danh vang của nhũng cơ sở giáo dục của địa
phương đã đào tạo nhiều nhân tài làm mọi người tự hào và hãnh diện.
Sau năm 1975, trường Nguyễn Hoàng bị xóa tên. Đấy là một
sự “phí phạm” dáng vẻ cao đẹp của bề
dày lịch sử. Người Âu Tây, nhất là người Mỹ “tiết
kiệm” những tên gọi đã thành lịch sử, dẫu cho đấy là tên của những nhân vật
một thời đã từng xông pha đánh trả, chống lại họ.
Trên bình diện lịch sử, chúng ta thử nhận diện Nguyễn
Hoàng là nhân vật có công hay có tội với thế đứng ở đâu và như thế nào trong
dòng sử Việt.
Nguyễn Hoàng là con trai thứ nhì của Nguyễn Kim. Nguyễn
Kim nguyên là Tả vệ Ðiện tiền Tướng quân, tước An Thanh Hầu, trông coi đạo
Thanh Hóa. Sau khi Mạc Ðăng Dung chiếm ngôi nhà Lê năm 1527, Nguyễn Kim trốn
sang Ai Lao. Vua Ai Lao là Sạ Ðẩu cho ở đất Sầm Châu. Nguyễn Kim xây dựng Sầm
Châu làm căn cứ địa, chiêu mộ quân sĩ, tìm cách khôi phục nhà Lê.
Vào tháng giêng năm quý tỵ (1533), Nguyễn Kim tìm được
người con út của Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh, lúc đó 18 tuổi, lập lên làm vua
tức vua Lê Trang Tông, mở đầu cuộc trung hưng nhà Lê. Lê Trang Tông phong Nguyễn
Kim làm Thượng phụ thái sư, tước Hưng Quốc Công, trông coi mọi việc trong triều
về mặt đối nội cững như đối ngoại. Trịnh Kiểm là một tướng tài đã theo Nguyễn
Kim. Nguyễn Kim gả con gái là Ngọc Bảo cho Trịnh Kiểm và được vua Lê phong làm
Dực Quận Công. Sau khi Nguyễn Kim từ trần, Trịnh Kiểm lên nắm quyền thay Nguyễn
Kim và được vua Lê phong làm Ðô tướng, tiết chế thủy bộ quân, kiêm tổng nội ngoại
bình chương quân quốc trọng sự, rồi gia phong Thái sư, tước Lạng Quốc Công.
Nguyễn Kim có hai con trai: con trưởng là Nguyễn Uông
được phong Lãng Quận Công, con thứ là Nguyễn Hoàng được phong Ðoan Quận Công,
cùng giữ binh quyền đi đánh giặc. Trịnh Kiểm nghi kỵ và sợ Nguyễn Uông cùng
Nguyễn Hoàng tranh quyền với mình, quyết định ra tay trước và giết Nguyễn Uông.
Nguyễn Hoàng dự đoán trước sau ông cũng bị hại, ông nhờ chị là Ngọc Bảo, vợ Trịnh
Kiểm xin cho em vào trấn thủ Thuận Hoá, lại ngầm sai người đến vấn kế Trạng
Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì Trạng chỉ vào hòn non bộ, nói: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (một giải Hoành Sơn dung
thân muôn đời). Hiểu được nghĩa lý thâm sâu ở đằng sau câu nói đầy ẩn dụ, Nguyễn
Hoàng xin vua Lê vào Nam và được Vua Lê thuận cho vào phương Nam trấn thủ miền
địa đầu của đất nước. Trở về Thanh Hóa, ông đem theo các thủ hạ thân tín, đồng
hương và các đồng tộc vào Quảng Trị, lập Dinh ở Ái Tử sau gọi là Chính Dinh, thủ
phủ của phương Nam.
Có thể nói Quảng Trị là “Quê Hương Ân Nghĩa” với Nguyễn Hoàng; và ngược lại thì nhân vật lịch
sử Nguyễn Hoàng cũng là ân tổ khai canh ra đất Quảng Trị. Theo Đại Việt Sử Ký
Toàn Thư thì kể từ khi đặt chân lên dải đất phía Nam của dãi Hoành Sơn, Nguyễn
Hoàng chăm lo mở mang và phát triển về mọi mặt của vùng đất nầy. Đặc biệt là
hai trấn Thuận, Quảng có một sự vươn lên về nhiều mặt mà cao nhất là pháp lý và
đạo lý: “Luật lệ nghiêm tế mà khoan dung, ân huệ nhiều hơn hơn hình phạt. Bậc
chăn dân xử phạt công bằng, phát huy và giáo hoá điều tốt, trấn áp kẻ hung ác.
Dân trong hai trấn Thuận Quảng người người đều cảm tình, quý đức. Phong tục được
đổi từ hủ tục thành mỹ tục; chợ đò không giành dựt, nói thách; nạn trộm cướp tiệt
trừ, cổng ngoài không cần đóng. Khách thương nước ngoài đến buôn bán đông đảo,
giá cả phải chăng, thuận mua vừa bán. Quân lệnh nghiêm túc, mọi người dân đều
được hưởng an vui, hạnh phúc nên ra sức làm việc, chung lo xây dựng”.
***
Lịch sử con người và thế giới là một dòng thay đổi
liên tục: Đổi đất, đổi đời và đổi tên. Sự đổi tên công cộng thường xẩy ra khi
hoàn cảnh chính trị và địa lý thay đổi. Thông thường, có ba mô thức thay đổi
danh xưng: (1) Hiện đại hóa cho thích hợp với nhu cầu và hoàn cảnh; (2) Xoá tên
như một sự phủ nhận, trừng phạt; và (3) ghi tên như một sự ghi nhận, vinh danh.
Thế nhưng, trong lịch sử thay tên đổi họ xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới xưa
nay được thể hiện mạnh mẽ và quyết liệt nhất trong hai trường hợp: Vứt bỏ để trừng
phạt hay nêu lên để vinh danh! Trường hợp không có sự bó buộc của hai nhu cầu “bỏ” hay “chọn” vì bị xung đột hiển nhiên về mặt chính trị, tôn giáo hay xã
hội, giới cầm quyền xã hội khôn ngoan và các nhà lãnh đạo chính trị bản lĩnh sẽ
nêu cao tính lịch sử và truyền thống lâu dài lên trên nhu cầu chính trị nhất thời.
Thái độ chọn lựa và hành xử của người Mỹ về việc đổi tên trong lịch sử 300 năm
lập quốc của họ là một thí dụ điển hình đáng làm cho người dân và giới lãnh đạo
nói chung suy nghĩ.
Ham thay đổi như người Mỹ, khoái bắn súng như cao bồi
Texas, đại ngôn và thích dùng danh từ đao to búa lớn quảng cáo như giới chính
trị và kinh doanh tài nguyên ở California thế mà vẫn hành xử rất hài hòa và mã
thượng khi thắng trận. Sau khi chiếm được đất đai từ tay người Pháp, người Mễ
Tây Cơ, người Da Đỏ rồi, họ vẫn để nguyên tên những thành phố, dòng sông, rặng
núi, di tích, trường học mang tên Tây, tên Mễ, tên người Da Đỏ vốn có từ muôn
năm cũ. Thậm chí, có nhiều khi đấy lại là tên của kẻ cựu thù cũng chẳng phải là
điều đáng quan ngại vì lịch sử đã sang trang và phán xét công bằng. Trường hợp
tướng Robert E. Lee của Mỹ trong thời kỳ Nội Chiến (1861-65) là một thí dụ. Lee
bị nhiều sử gia phê phán là “xâm lược”
miền Bắc, là kẻ ly khai. Nhưng tên ông vẫn được giữ trên các cơ sở và con đường
xứ Mỹ. Đi từ thành phố Baton Rouge (tiếng Pháp), Del Paso, Los Angeles, San
Francisco (tiếng Mễ Tây Cơ); qua những vùng Cheyennes, Apache, Chippewas (tiếng
Da Đỏ) người ta sẽ thấy ngay sự mềm dẽo “giữ
tên như giữ chứng tích lịch sử” của giới cầm quyền Mỹ. Chính nội dung và lịch
sử làm vinh danh cho cái tên chứ không phải điều ngược lại! Bởi vậy, trả lại
tên NGUYỄN HOÀNG và những tên thân yêu cho ngôi trường xưa sẽ là một việc làm rất
có ý nghĩa mang đậm tính văn hóa, phát huy tinh thần giáo dục và kết hợp hài
hòa về tâm lý.
Một thế hệ đàn anh – thế hệ Chiến Tranh Việt Nam… tri
thiên mệnh, cổ lai hy đủ cả – đang rủ nhau về đất và sẽ đi hết chặng đường đời
không còn xa lắm. Thế hệ đàn em, thế hệ Hậu Chiến Tranh Việt Nam, đang vươn lên
lãnh đạo xã hội. Bên cạnh của cải vật chất mà xã hội và đất nước đang có trước
mắt, tuổi trẻ Việt Nam cũng tha thiết cần những sức mạnh và gia tài phi vật thể.
Đó là truyền thống lâu dài, là di sản truyền đời, là lịch sử kế thừa liên tục của
nhiều thế hệ. Mong rằng, sẽ có một ngày, thế hệ đàn anh được dự “lịch sử 100... năm của trường Nguyễn Hoàng
và những mái trường xưa” đã mất tên. Trước khi trao lại một bầu trời xanh,
một vầng mây ấm và dòng lịch sử luân lưu cho thế hệ đàn em, sẽ còn có một sự đền
bù trở lại cho… nỗi niềm mất tên.
Sacramento, Father’s Day - 2008
Trần
Kiêm Đoàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ