Trang

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

PHIẾM LUẬN SUI GIA, THÔNG GIA, THÂN GIA… - Lê Minh Quốc




“Ví dầu chẳng kết đặng đôi
Ngày sau ta sẽ làm sui một nhà”.

“Ông sui mà lấy bà gia
 Thêm dâu, thêm rể, trong nhà thêm vui
Ông gia mà lấy bà sui
Thêm dâu, thêm rể, thêm vui trong nhà”

                                                    Ca dao

     
           Nhà thơ Lê Minh Quốc (áo đen) và vợ ra mắt hai họ


         PHIẾM LUẬN SUI GIA, THÔNG GIA, THÂN GIA…
                                                                              Lê Minh Quốc                                                             
Sui là nói tắt của “sui gia” - gia đình có con cái cưới nhau. Nếu “nói chữ” ắt người ta sử dụng từ “thân gia”. Hán Việt tân từ điển của Nguyễn Quốc Hùng, Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh đều giải thích: “Thân gia: Hai nhà có liên lạc/quan hệ hôn nhân với nhau”.

Ngoài ra, còn có từ “thành thân”.

“Sui gia đã xứng sui gia
Rày mừng hai họ một nhà thành thân”
                                    (Lục Vân Tiên)

Với từ này nhiều người cho rằng: “Đây là nói chuyện hai tấm thân xáp lại với nhau để thành cuộc sống chung nên chữ ‘thân’ ở đây hẳn là ‘thân’ trong ‘thân thể’, chứ không phải là ‘thân’ trong ‘thân thích’.”

Cách giải thích này, liệu có đúng?

Nhà nghiên cứu An Chi cho rằng: “Đây không phải chữ ‘thân’ trong ‘thân thể’ mà là chữ ‘thân’ trong ‘thân thích’. Chữ ‘thân’ này có nhiều nghĩa liên quan đến hai tiếng ‘thành thân’ thì từ điển giảng là ‘chỉ việc hôn nhân của hai họ nhất định’.”

Chính vì vậy nên tiếng Hán mới dùng chữ ‘thân gia’ để chỉ mối quan hệ mà tiếng Việt trong Nam gọi là ‘sui gia’, còn tiếng Việt ngoài Bắc gọi là ‘thông gia’
       (Chuyện Đông chuyện Tây tập VI, NXB Trẻ - 2006, tr.356).

Chưa hết, với từ ‘gia’ ấy, ta còn thấy xuất hiện trong ngữ cảnh, chẳng hạn, cô gái nọ khoe: ‘Gia đình bên chồng tốt lắm, bà gia thương tớ như con ruột’. Bà gia là mẹ chồng. Đã có ‘bà gia’ ắt có ‘ông gia’.

Lại nữa, chàng trai kia bảo: ‘Chiều nay, không thể bù khú được đâu, tớ còn phải vào bệnh viện thăm bà nhạc’. Bà nhạc là mẹ vợ. Đã có ‘bà nhạc’ ắt có ‘ông nhạc’.
Thơ Lục Vân Tiên có câu:

Tiên rằng: Nhờ lượng nhạc gia
Đại khoa dầu đặng, tiểu khoa lo gì

Thì ‘nhạc gia’ lại là bên nhà vợ, cha vợ.

Trong quan hệ thông gia/sui gia ấy, các đấng phụ huynh lúc trò chuyện thường gọi nhau ‘anh sui/chị sui’; có điều lạ, chẳng ai gọi ‘anh thông/chị thông’.

Nhân đây nói luôn, ai cũng biết chánh/chính, đàn/đờn cùng nghĩa, tùy vùng miền mà người ta chọn cách phát âm. Tuy nhiên, từ Nam chí Bắc chỉ có chức danh Chánh văn phòng, chỉ gọi vườn Tao đàn, chứ từ "chính"/"đờn" hoàn toàn không ‘có cửa’ (không có ‘chính văn phòng, vườn tao đờn’). Tại sao lại tréo ngoe thế nhỉ?

Ca dao có câu đùa tếu táo:

“Ông sui mà lấy bà gia
 Thêm dâu, thêm rể, trong nhà thêm vui
Ông gia mà lấy bà sui
Thêm dâu, thêm rể, thêm vui trong nhà”

  Với hai từ ‘sui’ và "gia’, ta có thêm nhận xét gì không?

Rằng, sui đồng âm với xui, chẳng hạn, xui dại/xúi dại, xui giục/xúi giục; trong khi đó, trong tiếng Việt không có từ ‘súi’. Lại nữa, gia đồng âm với da, thế nhưng lại không có giá đồng âm với . Tại sao? Chỉ vì trong tiếng Việt hoàn toàn không có từ ‘dá’. Nói cách khác, súi chẳng có nghĩa gì cả.

Thử đặt câu hỏi vu vơ rằng, cách đây hơn 460 năm trước, ngoài từ sui gia/thông gia, người Việt còn sử dụng từ nào? Nói có sách mách có chứng, thật bất ngờ, khi tra Từ điển Việt Bồ La, ta thấy A. de Rhodes giải thích: ‘Sui gia: Bố chồng, bố vợ, mẹ chồng vợ. Tốt hơn, sui gia. Có người nói: ‘gùn ghè’.
A.de Rhodes giải thích: ‘Ghè, ngồi ghè: Ngồi sát, ngồi ghé bên ai’.
Còn ‘gùn’ là gì? Việt Nam tân từ điển (1965) của Thanh Nghị cho biết: ‘Gùn: Đầu mối nổi lên của mặt hàng tơ lụa. Hàng nhiều gùn’.
Sở dĩ, ‘gùn ghè’ được sử dụng thay cho thông gia/sui gia có phải do nghĩa của cả hai từ gùn ghè ghép lại chăng?

Trải qua năm tháng, từ ‘gùn ghè’ này đã được hiểu qua nghĩa khác. Từ điển Việt Pháp của J.F.M Génibrel (1898) giải thích là nhìn chằm chằm.

‘Gùn ghè nhưng hãy còn e ấp
 E ấp cho nên phải rụt rè’
(Thơ Chiêu Hổ đùa bà Hồ Xuân Hương)

Việt Nam tự điển (1931) ở ngoài Bắc giải thích: ‘Gùn ghè: Mon men, ve vãn’.

Trong khi đó, với người xứ Nghệ lại gọi ‘gập ghè’, dấu vết ấy còn ghi nhận trong Từ điển tiếng Nghệ qua câu vè: ‘Em đã có nơi rồi/ Đừng gập ghè chi nữa’.

Cùng hàm nghĩa tương tự nhưng Việt Nam từ điển (1971) ở miền Nam lại ghi nhận ‘Gầm ghè: Gò, tán tỉnh, o bế’. Nay, chẳng mấy ai còn sử dụng ‘gùn ghè’ theo nghĩa cua ghẹ, tán gái, o mèo nữa.

Hãy nghe câu ca dao:

Đi đâu bỏ mõ bỏ chuông
Bỏ ghè tương lạt, bỏ buồng chuối non.

Ghè ở đây lại là chum, lu, vại, vò, lọ nhỏ bằng sành, bằng đất nung. Nếu đập khe khẽ (hoặc cạy) vào một vật rắn cho nó mẻ dần dần theo ý muốn cũng gọi ‘ghè’.

Thế nhưng hiểu theo nghĩa là tẩn/đánh/nện cho ‘ra môn ra khoai’ thì từ ‘ghè’ lại xuất hiện ngon ơ, chẳng hạn, ‘Đã cảnh báo nhiều lần mà chúng cứ cứng đầu cứng cổ, chi bằng anh em mình ghè một trận cho chừa thói’.

ghè cũng là đè/đè ra, một người sau khi đọc câu thơ của Tú Xương: “Chữ ‘y’ chữ ‘chiểu’ không phê đến/ Ông chỉ quen phê một chữ tiền”, bèn mỉa mai: “Quan nhà ta cứ ghè đầu dân mãi thế này thì đúng là ‘thanh liêm’ thật”.

Trở lại với chuyện anh sui, chị sui. Sực nhớ, thời kháng chiến trước đây, nhà văn, nhà báo Nguyễn Hải Tùng - nguyên ủy viên Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu Tây Nam bộ, có bài ca dao cực kỳ dí dỏm: ‘Máy bay Mỹ bỏ bom gần/ Anh sui lính quýnh xuống hầm chị sui/ Máy bay bay mất lâu rồi/ Mà anh sui vẫn còn ngồi tránh bom’.

Cớ sự tại làm sao?
Tác giả không giải thích gì thêm.

                                                                                   Lê Minh Quốc

Nguồn:
https://tuoitre.vn/anh-sui-linh-quynh-xuong-ham-chi-sui-20171018175532695.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ