Trang

Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2020

KHÁM PHÁ MŨI TÊN BA CẠNH CỦA “NỎ THẦN” LIÊN CHÂU CAO LỖ


               

Trong hội thảo "Danh tướng Cao Lỗ thời dựng nước", PGS Trịnh Sinh (Viện Khảo cổ học) chia sẻ, vùng đất Cổ Loa là vùng của truyền thuyết xung quanh nước Âu Lạc và An Dương Vương. Càng ngày các nhà khoa học càng thấy rõ trong đám mây mờ tỏ của truyền thuyết đã le lói sự thật lịch sử. Những cuộc khai quật khảo cổ học gần đây đã có những minh giải khoa học về một thời đầy biến động lịch sử này.

Trong số các vòng thành Cổ Loa hiện còn, có những chứng cớ khẳng định lớp thành lõi, nằm bên dưới có niên đại trùng khớp, di vật thời Đông Sơn muộn với thời An Dương Vương được ghi trong sử sách. Về sau, người xưa qua các thời đại đã đắp thêm, bao phủ để chân thành rộng ra, cao hơn.

                                       Sơ đồ thành Cổ Loa.

Những lẫy nỏ được khảo cổ tìm thấy là bằng chứng không thể chối cãi của việc người Việt dùng nỏ sát thương cao hơn, tên bay mạnh hơn. Trong thư tịch có rất nhiều đoạn nói về người Việt xưa thạo cung nỏ mà hình trên trống đồng, thạp đồng còn cho thấy những mảng khắc sinh động về người Việt cổ đang dùng cung tên.

PGS Trịnh Sinh cho biết, sự có mặt của nỏ đồng đã cho phép suy luận ra sự tồn tại của đầu mũi tên. Trước thời An Dương Vương gần 2.000 năm, người Việt cổ đã biết làm mũi tên mài bằng đá khá sắc nét, trong nền văn hóa Phùng Nguyên. Sau đó là việc sử dụng thành thạo cung tên với mũi tên bằng đồng. Những mũi tên đồng này có mặt trong lòng đất mới được khai quật của văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn.

"Suốt hai thiên kỷ trước công nguyên, người Việt đã sử dụng mũi tên. Đấy là vũ khí lợi hại và mang tính truyền thống của dân tộc ta", PGS Trịnh Sinh nói và cho hay đến thời An Dương Vương mà các nhà khảo cổ cho là niên đại Đông Sơn muộn, mũi tên lại được tìm thấy nhiều hơn.

Đó là những loại mũi tên hình lá, mũi tên có cánh phẳng hình gần tam giác. Nhưng loại mũi tên tìm được nhiều nhất và cũng tập trung ở khu vực Cổ Loa là mũi tên có ba cạnh. Mũi tên này còn được đặt tên là mũi tên Cổ Loa, nó có chuôi dài, đầu có mũi nhọn, thân có hình gần chóp nhọn và nổi lên ba cạnh sắc ở phía ngoài.

Mũi tên ba cạnh có sức sát thương cao. Người Hà Nội xưa có những kho chứa mũi tên loại này cực lớn. Một kho như vậy được tìm thấy trong lòng đất Cầu Vực gần chân thành ngoại, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội vào năm 1959, với số lượng lên tới hơn một vạn chiếc được chôn dấu.

                            Mũi tên đồng ba cạnh được tìm thấy ở Cổ Loa. Ảnh tư liệu.

PGS Trịnh Sinh cho biết, mũi tên ba cạnh chỉ có mặt trong nền văn hóa Đông Sơn. Trước đây, một số học giả cho là mũi tên của nhà Hán, hay của một nền văn hóa Hanstat bên trời Âu đem đến. Nhưng với sự phát triển của khảo cổ học, người Việt đã đúc được mũi tên từ cách thời An Dương Vương khoảng 1.000 năm trong văn hóa Đồng Đậu.

Việc đúc mũi tên không khó khăn bởi người Việt thời đó còn đúc được cả hiện vật to và tinh mĩ hơn như trống đồng Ngọc Lũ. Bằng chứng khảo cổ học trong cuộc khai quật Đền Thượng, thành nội Cổ Loa cho thấy đã có lò đúc và khuôn đúc mũi tên ba cạnh này.

"Việc người Việt cổ tự đúc mũi tên là đúng. Tổ tiên ta đã là chủ nhân của loại tên đồng ba cạnh tìm thấy nhiều ở Cổ Loa", PGS Sinh khẳng định.

Việc tự đúc, có lò đúc, có khuôn đúc, có dấu vết ở trong thành Nội của ba vòng thành hiện nay chứng minh rằng có một công xưởng đúc mũi tên lớn ở giữa vòng thành nội, được bao bọc bởi hai vòng thành ngoại và thành trung. Xưởng ấy đã đúc ra mũi tên ba cạnh với số lượng hàng vạn chiếc. Điều lạ là kho mũi tên đồng khổng lồ lại nằm ngoài các vòng thành.

                                        Khuôn đúc mũi tên đồng bằng đá. Ảnh tư liệu.

Theo PGS Sinh, điều này có thể giải mã theo hướng kho mũi tên nằm ngoài thành Cổ Loa, bên dòng sông Hoàng Giang. Có thể người Việt cổ đã tự phòng ngự từ xa, vòng ngoài, lấy bờ hào tự nhiên là dòng sông làm nơi dùng cung tên, chống giặc ở phạm vi ngoài. Hình người chiến binh được lặp lại trên thuyền lớn khắc trên trống thạp cho thấy người Việt xưa kia không những giỏi cung nỏ mà còn thạo thủy chiến. Những chiến binh đánh thủy của ta thời đó cũng bắn nỏ rất thạo. Và kho tên đồng vạn chiếc là để phục vụ đánh bật quân Triệu Đà, không phải trên tòa thành mà từ bờ sông Hoàng.

Giải thích việc kho mũi tên đồng nằm dưới lòng đất vài nghìn năm từ khi Cổ Loa thất thủ, PGS Sinh lý giải rằng, có thể các chiến binh của ta đã không chịu giao nộp cho kẻ thù vũ khí. Đó cũng là cách chống đồng hóa, chống lại giặc phương Bắc đang tận thu trống đồng, đồ đồng để đúc cột đồng và ngựa đồng.

"Với những tư liệu lịch sử mới, chúng ta có thể khẳng định người Việt thạo đúc mũi tên, nỏ. Người đứng ra phải là thủ lĩnh lớn, mà truyền thuyết đã nói đến là tướng quân Cao Lỗ", PGS Sinh nói.

Nguồn:
https://kienthuc.net.vn/di-san/kham-pha-mui-ten-ba-canh-cua-no-than-lien-chau-185398.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ