Trang

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2020

THĂM LẠI VƯỜN XƯA - Phạm Đức Nhì


   


SÀI GÒN ĐAU

Em yêu Sài Gòn, vì nơi đó có một người đau
một người mất những vàng son quá khứ…
sông cạn gió
đường cạn dần cây lá
mà mắt anh không cạn những mùa xưa!

Sài Gòn của anh
một thời Công Lý
một thời Tự Do
Sài Gòn của một thời Thương Xá
em bước qua, ngơ ngẩn mắt quê mùa

Một thời của anh – em chưa trải nắng mưa
chưa vào kho sách cũ
chưa nỗi nhớ thắt lòng
chưa vướng một niềm riêng
không có tình yêu, Sài Gòn như đất trống
như câu thơ lạc vận chẳng neo hồn (1)

Không giữ lại dáng hình xưa được nữa
Sài Gòn đau ngơ ngác buổi em về
anh ở đâu những ngày cây lá đổ
có đợi chờ bàn tay nắm sẻ chia?

Có chờ nghe em nói giữa ngàn khuya
xa xót lắm những thờ ơ đã lỡ
Sài Gòn đau … Sài Gòn đau … anh ơi, thêm một miền tiếc nhớ
thêm một lần lặng đắng để thầm thương…

                                                                    Đinh Thị Thu Vân


           
                           Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì
          

           THĂM LẠI VƯỜN XƯA

(Đây không phải là một bài bình thơ mà chỉ là vài nhận xét “xổi” của một người đọc gặp được bài thơ ưa thích.)


Lần đầu đọc Sài Gòn Đau của Đinh Thị Thu Vân, bài thơ tác giả cho biết viết đã gần 2 năm trước, ngay câu thơ đầu tiên tôi đã “bị” chị cuốn vào dòng cảm xúc của tứ thơ:

“Em yêu Sài Gòn, vì nơi đó có một người đau
một người mất những vàng son quá khứ”

Người Đó là ai? Một người thân yêu trong tâm tưởng, hay chỉ là một “bóng dáng người” chị mượn để nói đến hàng triệu người miền Nam đã đau vì “mất những vàng son quá khứ”?

Tôi không có câu trả lời. Nhưng đâu có hề gì. Đọc tiếp mấy câu sau tôi có cảm giác là chị không viết cho ai khác mà là cho riêng tôi.

“sông cạn gió
đường cạn dần cây lá
mà mắt anh không cạn những mùa xưa

Sài Gòn của anh
một thời Công Lý
một thời Tự Do
Sài Gòn của một thời Thương Xá"

thì “anh” đó chính là tôi chứ còn ai nữa! Và tôi tin là sẽ có không ít người – không cần sống ở Sài Gòn mà chỉ cần đến thăm thành phố ấy một đôi lần khi “vẫn còn dáng hình xưa cũ” - cũng có cảm giác như tôi.

Và đây là 2 đoạn hay nhất của bài thơ:

“Không giữ lại dáng hình xưa được nữa
Sài Gòn đau ngơ ngác buổi em về
anh ở đâu những ngày cây lá đổ
có đợi chờ bàn tay nắm sẻ chia?

Có chờ nghe em nói giữa ngàn khuya
xa xót lắm những thờ ơ đã lỡ
Sài Gòn đau … Sài Gòn đau … anh ơi, thêm một miền tiếc nhớ
thêm một lần lặng đắng để thầm thương”

rất lãng mạn, rất đau và rất … đẹp

Ngôn ngữ, hình ảnh trong Sài Gòn Đau đẹp, lạ và sang. Chị đã dừng lại đúng lúc để không bước qua lãnh địa của “điệu” và sến.

Những gì tôi viết nãy giờ chỉ là cái tài, cái “khéo” về kỹ thuật. Cái hay của bài thơ mà khiến tôi vẫn còn bâng khuâng xao xuyến khi viết những dòng chữ này chính là cảm xúc.

Cảm xúc đầy ắp, không phải chỉ tụ lại ở một câu, một đọạn như nhiều bài thơ khác, mà tỏa ra gần như đều khắp, bàng bạc trong mỗi chữ, mỗi câu.

Tôi có cảm giác là ngay cả giữa những hàng kẻ cũng đẫm ướt những đau thương, tiếc nhớ. Thứ cảm xúc này không thể giả mạo mà chỉ có thể đến từ một tâm hồn trĩu nặng tiếc nhớ, đau thương.

Tôi đã nói lời Chào Tạm Biệt, nhưng đọc bài thơ lại thấy vấn vương. Thôi thì bướm lại bay về thăm khu vườn xưa cũ. Chỉ xin ai đó đừng khua tay xua đuổi bướm đi.

                                                                             Phạm Đức Nhì
                                                                      nhidpham@gmail.com

.....

CHÚ THÍCH

Bài thơ có một câu rất tượng hình, rất đẹp nhưng hình như đã không còn đúng nữa:
“như câu thơ lạc vận chẳng neo hồn”
Với sự thay đổi đến chóng mặt của hình thức thơ, thơ chẳng neo hồn là vì nhiều lý do khác chứ không phải vì lạc vận; có khi nhờ lạc vận (thoát vận) mà đoạn thơ hay hơn.

Tôi không đưa nhận xét này vào bài viết vì nó làm nghẽn dòng cảm xúc, làm người đọc mất hứng khi đang thả hồn thưởng thức cái đẹp của bài thơ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ