Cuộc
đời đầy giông bão của nữ hoàng đế nhỏ tuổi duy nhất ở Việt Nam – người có số phận
lạ lùng nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với 7 lần ở những danh vị khác
nhau: Công chúa triều Lý, Hoàng Thái tử nhà Lý, Nữ Hoàng đế nhà Lý, Hoàng hậu
nhà Trần, Công chúa nhà Trần, Sư cô (thời Trần) và Phu nhân tướng quân nhà Trần.
Tượng thờ vua bà Lý Chiêu Hoàng đầu đội miện Kim Khôi,
mình khoác áo long bào ở đền Rồng. Ảnh tư liệu.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lý Chiêu Hoàng sinh năm
Mậu Dần (1218), là con gái vua Lý Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung. Khi bà
chào đời, nhà Lý (1010-1225) đã vào thời kỳ suy tàn. Ông nội của bà, tức Lý Cao
Tông được biết đến là ông vua "chơi bời vô độ, chính sự hình pháp không rõ
ràng, giặc cướp nổi lên như ong, đói kém liền năm" nên cơ nghiệp nhà Lý từ
đấy suy.
Tượng thờ vua bà Lý Chiêu Hoàng đầu đội miện Kim Khôi,
mình khoác áo long bào ở đền Rồng. Ảnh tư liệu.
SỐ
PHẬN LẠ LÙNG CỦA NỮ HOÀNG ĐẾ DUY NHẤT Ở VIỆT NAM
Với 7 chức vị trong đời, Lý Chiêu Hoàng có số phận lạ
lùng nhất trong lịch sử Việt Nam và vai trò của bà với vận mệnh quốc gia khá mờ
nhạt.
Là nữ hoàng đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử
vương triều phong kiến Việt Nam, song Lý Chiêu Hoàng (Chiêu Thánh) ở ngôi báu
chỉ hơn một năm nên sách sử khi viết về bà chỉ đề cập đến với những dòng sơ lược
khiến hậu thế ít biết về cuộc đời lắm nỗi truân chuyên của bà.
Tới đời Lý Huệ Tông đất nước càng bi đát hơn. Sử viết:
“Bấy giờ thừa hưởng thái bình đã lâu ngày, giường mối dần bỏ, dân không biết việc
binh, giặc cướp nổi lên không ngăn cấm được. Vua mới lên ngôi, đem việc nước
giao cho Thái uý Đàm Dĩ Mông. Dĩ Mông là người không có học thức, không có mưu
thuật, lại nhu nhược không quyết đoán, chính sự ngày một đổ nát".
Huệ Tông vào cuối đời thường hay rượu chè, lâm bệnh gần
như điên loạn, không thể cáng đáng nổi việc triều chính. Tháng 10 năm Giáp Thân
(1224) Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ (anh họ Trần Thị Dung) - người nắm quyền
lực lớn nhất trong triều đình thời bấy giờ - đã buộc vua xuống chiếu lập Chiêu
Thánh làm Hoàng Thái tử, nhường ngôi cho cô công chúa mới 6 tuổi, niên hiệu là
Thiên Chương Hữu Đạo. Từ đây sóng gió đã phủ lên cuộc đời vị nữ hoàng nhỏ tuổi
này.
Năm 1225, Trần Thủ Độ dàn xếp cho cháu của mình là Trần
Cảnh (vua Trần Thái Tông sau này) vào cung hầu hạ Chiêu Hoàng. Trần Cảnh được
Chiêu Hoàng gần gũi, yêu mến, hay trêu đùa. Trần Thủ Độ lấy dịp đó dựng nên cuộc
hôn nhân giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh rồi chuyển giao triều chính bằng cách
để Lý Chiêu Hoàng nhường (thực chất là ép) ngôi cho chồng.
Tháng 11 năm Ất Dậu (1225), Lý Chiêu Hoàng xuống chiếu
nhường ngôi cho Trần Cảnh. Một tháng sau, triều đình mở hội lớn ở điện Thiên
An, Chiêu Hoàng ngự trên sập báu, các quan mặc triều phục vào chầu, lạy ở dưới
sân. Chiêu Hoàng trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế và trở thành vị
vua đầu tiên của nhà Trần.
Chiêu Hoàng lúc đó mới 7 tuổi, được sắc phong làm
hoàng hậu, gọi là Chiêu Thánh. Bảy năm sau (1232), khi 14 tuổi bà sinh con trai
nhưng không may thái tử mất ngay sau đó.
Hoàng hậu đau ốm liên miên suốt 5 năm. Lúc này Trần Thủ
Độ và mẹ ruột của bà là Trần Thị Dung (đã lấy Trần Thủ Độ và được gọi là công
chúa Thiên Cực), lại bàn mưu phải giữ được ngai báu cho dòng họ nhà Trần nên đã
ép Trần Cảnh lấy Thuận Thiên công chúa (lúc này đang là vợ của Trần Liễu, anh
trai của nhà vua) và giáng Chiêu Thánh xuống làm công chúa.
Quá buồn và chán nản, Chiêu Thánh xuất gia đi tu. Sau
21 năm sống cuộc đời cô độc và buồn thảm, một biến cố lớn đến trong cuộc đời
nhưng cũng là niềm an ủi, hạnh phúc những năm tháng cuối đời bà.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược
lần thứ nhất (1257- 1258) tướng Lê Tần lập được nhiều chiến công, đặc biệt là
công cứu Trần Thái Tông trong một trận đánh khốc liệt nên được vua đổi tên là
Lê Phụ Trần. Sau khi đánh đuổi quân Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi, Trần Thái Tông
không chỉ phong tước cho Lê Tần mà còn gả vợ cũ của mình cho ông.
20 năm sống với Lê Phụ Trần, Chiêu Thánh sinh được 2
người con. Con trai là Thượng vị hầu Tông (có nghiên cứu cho rằng người này là
danh tướng Trần Bình Trọng nổi tiếng với câu nói: Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ
không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi, can gì mà
phải hỏi lôi thôi). Còn con gái của bà là Ứng Thụy công chúa Khuê. Theo chính sử,
trong lần về thăm quê hương Cổ Pháp (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh), bà đã qua đời
ở tuổi 60 và được thờ ở đền Rồng.
Tuy là vua chính thức của vương triều nhà Lý - vương
triều rực rỡ của nước Đại Việt, đặt nền móng cho sự thịnh trị của các triều đại
sau này - nhưng Lý Chiêu Hoàng không được sử sách công nhận một cách công bằng.
Nhà Lý có 9 vị vua nhưng chỉ có 8 vị trước bà (từ Lý Thái Tổ tới Lý Huệ Tông)
được thờ tại Đền Đô, riêng bà lại thờ tại khu vực khác, gọi là Đền Rồng.
Đền
Rồng thờ vua bà Lý Chiêu Hoàng ở Bắc Ninh. Ảnh: Wikimapia
Một số nhà nghiên cứu cho rằng vì Lý Chiêu Hoàng đã để
mất ngôi nhà Lý nên bị coi là mang tội với dòng họ, không được thừa nhận và phải
thờ riêng. Còn theo Giáo sư Sử học Vũ Văn Ninh, có thể vì bà làm vua trong 2
năm nhưng do còn nhỏ nên không có công lao gì với đất nước. Hơn nữa, về sau bà
đã nhường ngôi vua, rồi lại bị phế ngôi hoàng hậu, trở thành công chúa và cuối
cùng "xuất giá tòng phu" không còn là người trong cung thất nhà Lý.
Từ khi sinh ra cho đến khi từ biệt cõi đời, với bao biến
cố đã khiến bà trở thành một người có số phận lạ lùng nhất trong lịch sử phong
kiến Việt Nam với 7 lần ở những danh vị khác nhau: Công chúa triều Lý, Hoàng
Thái tử nhà Lý, Nữ Hoàng đế nhà Lý, Hoàng hậu nhà Trần, Công chúa nhà Trần, Sư
cô (thời Trần) và Phu nhân tướng quân nhà Trần.
Trung Sơn
Nguồn:
https://vnexpress.net/thoi-su/chuyen-it-biet-ve-nu-hoang-duy-nhat-o-viet-nam-3343070.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ