Trang

Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2020

BÌNH THUẬN, MỘT THỜI CÁC LÁI GHE BẦU ! - Phan Chính





       BÌNH THUẬN, MỘT THỜI CÁC LÁI GHE BẦU !
                                                                                   Phan Chính

        Đất nước ta có lợi thế bờ biển dọc dài từ Bắc vào Nam. Trong đó Bình Thuận cũng có chiều dài 192km. Lịch sử hình thành cư dân, khai khẩn đất hoang cũng khởi đầu từ đầu thế kỷ 18 với những chiếc ghe bầu đưa lưu dân xuôi nam làm nên xóm làng và ngược lại cung cấp hàng hóa, thực phẩm cho đất kinh đô. Nhưng được biết đến vai trò ghe bầu đắc dụng hơn là dưới thời Nguyễn Ánh đã có trong tay 235 ghe bầu và khoảng 500 chiến thuyền, lập ra những đội “trường đà” hùng hậu có mặt trên biển đông giáp với Hoàng Sa, Trường Sa và hoạt động chài lưới xa bờ dài ngày. Không những riêng cho khả năng quân sự mà trong thương mại ghe bầu còn là phương tiện vận chuyển, chuyên chở hàng hóa, lương thực hiệu quả nhất. Ghe bầu ở nước ta có lai lịch của thuyền buồm gốc Chăm- Mã Lai, cách đọc do biến âm từ “gay” (ghe thuyền) và “prau” (thuyền buồm), rồi người Việt đọc từ pràu thành bầu. Người dân miền Trung thiết kế ghe bầu theo kiểu dáng ghe prau với loại lâm đặc sản thích hợp và nguyên liệu mủ chai, dầu rái… khá phổ biến ở địa phương. Bởi ảnh hưởng đó mà dễ phân biệt thuyền miền Bắc khác với ghe phía Nam qua cánh buồm.



            Cùng với sự phát triển thông thương bằng đường biển từ bắc vô nam, giới chủ ghe bầu mở rộng thương trường mua bán sản vật miền rừng núi như gỗ quý, dầu rái, song mây, mật ong, ngà voi, nhung nai và thổ sản lúa gạo, dừa, cá mắm, hàng hóa trao đổi giữa các vùng, gọi là “các lái”… Dấu tích một thời còn lưu lại ở bên cạnh một số dinh vạn thờ phượng ông Nam Hải, có nơi từng lập hội và dựng miếu thờ  bài vị “các lái” tức người lâm nạn mất xác trên hải trình. Ở quận 2 thành phố Hồ Chí Minh, có địa danh cảng Cát Lái (thay vì viết Các Lái) thực sự là thương cảng ghe bầu sầm uất ngày xưa, ghe buôn Bình Thuận cũng vào đó. Các cửa sông lớn từ Huế đỗ vào Lục tỉnh chỉ có ít nơi đón nhận được ghe bầu có trọng tải lớn từ 70 -120 tấn và sau này có ghe đạt mức 300 tấn với chiều dài đến 25 thước, phần bụng rộng 5 thước. Ghe bầu chạy nhờ sức gió đẩy theo mùa bằng cánh buồm ngang, buồm lòng và khi trái mùa phải khéo léo với kỹ thuật lái buồm xiên để nương theo chiều gió thổi.


                                     Ghe bầu Phan Thiết chở nước mắm

 Nếu trời yên biển lặng, ghe bầu từ Phan Thiết chở nước mắm, cá, sản vật rừng vào đến Vũng Tàu tính ra chừng 60 cây số trên biển nhưng phải mất gần một ngày đêm. Theo tài liệu cũ, trước năm 1945, Bình Thuận đã có nhiều ghe bầu sử dụng trong buôn bán, chở thuê vì là nơi có nguồn hải sản chế biến phong phú về nước mắm, cá muối, cá khô… Riêng công ty Liên Thành (Phan Thiết) có ba chiếc ghe bầu cỡ lớn chuyên chở nước mắm đi bán tận Sài Gòn, Lục tỉnh mỗi chuyến chở trên một vạn tỉn, mặc dù lúc ấy đã có đường xe lửa nhưng giá thành cao hơn nhiều. Ghe bầu từ Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên cũng vào cặp bến Phan Rí, Mũi Né, Phú Hài để mua hàng, mà sách xưa gọi là nơi đô hội hoặc “đất cá mắm”.


                                                           Ghe bầu Phan Thiết

          Từ khoảng thế kỷ 19, cũng liên quan đến nghề các lái ghe bầu, ngư dân miền Trung truyền miệng nhau những câu hò vè về hải trình từ  bắc vào nam với thể thơ lục bát, mô tả những địa danh xóm làng, hòn rạn… ven biển như lời căn dặn với nhau những nơi kiêng kị, hiểm nguy. Bài vè thủy trình từ Huế vô Sài Gòn, đoạn bờ biển thuộc tỉnh Bình Thuận đến tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ có 24 câu nhưng có trên 31 địa danh trên bờ dưới biển được nhắc đến.

           Mở đầu bài vè với câu: “Ngồi buồn nói chuyện đi buôn/ Nói cho giải buồn là sự ngâm nga”, tưởng chỉ nhằm để bạn ghe giải khuây trong cảnh lênh đênh trên biển nhưng tìm hiểu kỹ về những câu hò tuy bằng ngôn từ chân chất, mộc mạc lại có giá trị như một bức hải đồ và thể hiện tình cảm thắm thiết của giới các lái đối với cái nghiệp biển cả. Ghe vào vùng biển Tuy Phong, khi qua khỏi “Lao Cao, Cà Ná, Lòng Sông, La Gàn” thì đã: “Ngó vô thuyền đậu nghênh ngang/ Gành Son, Trại Lưới xênh xang làm nghề/ Cửa Dường (Duồng) nay đã gần kề/ Lạch kia Phan Rí ghe nghề xôn xao”… Có phần do ghi chép theo lời kể, do trại âm hoặc lỗi chánh tả nên nhiều địa danh dù viết sai nhưng cũng dễ nhận ra. Tiếp đó là các địa danh: Mũi Nhỏ, Vũng Môn, Đá Dựng, Hòn Hường (đoạn Bắc Bình), rồi Bãi Rạng, Gành Trọc, Hòn Rơm, Mũi Né, Phú Hài, Phan Thiết, Gành Thông thuộc bờ biển Phan Thiết. Đến phần biển phía nam của tỉnh có: “Ghe Gà (Khe Gà) nay đã đến nơi/ Anh em làm lễ một hồi ta qua/ Nới lèo xây lái trở ra/ Hòn Lan, Cửa Cạn ấy là Tam Tân”. Nằm trong phần biển La Gi có Hòn Bà và các rạn đá ngầm như Rạn Gõ, Rạn Đập, kế đó là Rạn Hồ giáp với Mũi Bà (Bình Châu- Xuyên Mộc)…


                                         Hòn Bà, La Gi, Bình Thuận              

           Với sự phát triển hiện nay thì những làng chài xóm biển và bóng dáng chiếc ghe buồm ngày xưa chỉ còn trong ký ức. Bình Thuận là mảnh đất hội tụ cư dân từ các vùng miền nhưng với một bộ phận lớn có quá trình gắn bó với nghề biển truyền thống, chiếm một vị trí không nhỏ trong lịch sử hình thành những địa danh đô thị nổi tiếng ở địa phương ngày nay

                                                                                         Phan Chính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ