Trang

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2020

HOÀNG HẬU HAI TRIỀU VÀ CUỘC CHUYỂN GIAO QUYỀN LỰC HIẾM CÓ CỦA LỊCH SỬ - Minh Châu

Được xem là gương mặt nữ kỳ lạ nhất thế kỷ 10 và cũng là gương mặt nữ tầm cỡ nhất, đáng nhớ nhất trong lịch sử Việt Nam thời trung đại, thế nhưng, sử xưa ghi chép về Dương hậu hay hay Dương Vân Nga (gọi theo dân gian) lại rất nhạt nhòa.

Không chỉ là hoàng hậu của hai vị hoàng đế Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành, Dương hậu còn có vai trò đặc biệt trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê

           Vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga. Ảnh Lê Hoàng. Nguồn: thanhnien.vn


HOÀNG HẬU HAI TRIỀU VÀ CUỘC CHUYỂN GIAO QUYỀN LỰC HIẾM CÓ CỦA LỊCH SỬ
                                                                                         Minh Châu

Người phụ nữ đầu tiên trong thế kỷ 10 lên tiếng

Theo sách Việt Nam thế kỷ X: Những mảnh vỡ lịch sử của nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương (NXB Đại học Sư phạm, năm 2019), các sử thần Nho gia chép sử theo lối gia tộc phụ hệ nên chỉ cho biết bà hoàng họ Dương, không đề cập đến xuất thân và nói rõ tên bà (lịch sử thế kỷ 10 còn có một bà Dương hậu nữa đó là vợ của Ngô Quyền, con gái của Dương Đình Nghệ, em gái Dương Tam Kha, mẹ đẻ của Ngô Xương Văn). Cũng theo lối ghi chép ấy, sử sách xưa kiến tạo bà như một hình ảnh bị cuốn theo và phụ họa cho hình bóng của đàn ông. Dẫu vậy, Dương Vân Nga vẫn là người phụ nữ đầu tiên trong thế kỷ 10 lên tiếng và được ghi vào chính sử, hoặc chí ít các sử quan lần đầu tiên cho phái nữ được lên tiếng.

Vì sử không nói rõ về Dương hậu, nên hiện có nhiều thuyết về tên gọi và xuất thân của bà, có cả thuyết cho rằng bà là vợ của 3 vua: Ngô Xương Văn, Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Thuyết này dựa vào một tình tiết sử cũ ghi lại đó là: Năm Ất Sửu (965), Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn, ông vua cuối cùng họ Ngô mất, mở ra thời kỳ 12 sứ quân cát cứ. Con vua là Ngô Nhật Khánh chiếm cứ đất Đường Lâm. Năm 976, Đinh Bộ Lĩnh bức hàng Nhật Khánh, lấy mẹ Nhật Khánh làm hoàng hậu. Tuy nhiên sử sách không ghi bà mang họ gì; khi đề cập tới Dương hậu mẹ Đinh Phế Đế sử sách cũng không ghi bà chính là mẹ Ngô Nhật Khánh. Hiện nay, phần lớn đều cho rằng bà chỉ là hoàng hậu hai triều Đinh, Lê như sử sách đã ghi.

Còn theo giai thoại dân gian, Dương hậu có tên là Dương Vân Nga, là con gái của ông Dương Thế Hiển, quê ở vùng Nho Quan, Ninh Bình. Cái tên Vân Nga là ghép từ Vân Long và Nga My là tên thôn quê cha mẹ bà. Sinh thời bà không chỉ đẹp mà còn tràn đầy sinh lực.

Theo Đại việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục, sau khi dẹp 12 sứ quân, năm Mậu Thìn 968, Đinh Bộ Lĩnh (Đinh Tiên Hoàng) lên ngôi hoàng đế, tự xưng là Đại Thắng Minh Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Năm 970, vua lập 5 hoàng hậu là Đan Gia, Trinh Minh, Kiều Quốc, Cồ Quốc và Ca Ông. Tuy nhiên, sử lại không nói Dương hậu là ai trong số 5 vị trên cả.

Năm 979, sau khi Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích ám sát, Định Quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, cùng Thập đạo tướng quân Lê Hoàn rước Vệ Vương Đinh Toàn lên ngôi Hoàng đế, tôn mẹ đẻ (vua mới) là Dương Thị làm Hoàng Thái hậu.

     Từ trái qua: Tương thờ Đinh Tiên Hoàng, Dương Vân Nga, Lê Đại Hành. Ảnh tư liệu.

Tuy nhiên, do thấy Thái hậu tư thông với Lê Hoàn, cho Hoàn nhiếp chính, làm công việc thay vua như Chu Công, lo điều bất lợi cho vua nhỏ nên Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hợp bèn cùng nhau dấy binh, xong không đánh nổi và bị Hoàn giết. Cuối năm 979, Ngô Nhật Khánh dẫn hơn nghìn thuyền Chiêm Thành vào cửa biển Đại Ác đánh thành Hoa Lư. Tháng 7 năm 980, nhà Tống nghe nói nhà Đinh có biến, bèn sai Hầu Nhân Bảo sang đánh Đại Cồ Việt.

Cuộc chuyển giao quyền lực hiếm có trong lịch sử

Trước nguy cơ quân Tống xâm lược cận kề, Dương Vân Nga đã chấp nhận tôn Lê Hoàn lên làm vua, lập ra nhà Tiền Lê và bà trở thành Hoàng hậu của triều đại này với hiệu Đại Thắng Minh hoàng hậu. Toàn thư chép việc này như sau: “Bấy giờ, nghe tin quân Tống sắp kéo sang, liền làm tờ tâu báo về. Thái hậu bèn sai Lê Hoàn chọn dũng sỹ đi đánh giặc, lấy người ở Nam Sách Giang là Phạm Cự Lượng làm Đại tướng quân.

Khi triều đình đang bàn kế hoạch xuất quân, Phạm Cự Lượng cùng các tướng khác đều mặc áo trận đi vào nội phủ nói với mọi người rằng: “Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn lập ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn”.

                 Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Ảnh tư liệu.

Quân sĩ nghe vậy đều hô “vạn tuế!”. Thái hậu thấy mọi người vui lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế. Từ đó Lê Hoàn lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Phúc vào đầu năm 980, giáng phong Đinh Toàn làm Vệ Vương”.

Sau khi đánh bại quân Tống, năm 982, Lê Hoàn lập Dương hậu làm Đại Thắng Minh Hoàng hậu. Năm 1000 bà qua đời. Chính sử không cho biết bà với Lê Hoàn có bao nhiêu người con, nhưng theo các thần tích ở cố đô Hoa Lư thì hai người có một cô con gái tên là Lê Thị Phất Ngân lấy Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn và sinh ra Lý Phật Mã (tức Lý Thái Tông).

Việc Dương Vân Nga tôn Lê Hoàn lên ngôi, sau trở thành hoàng hậu của ông đã bị các sử thần Nho gia lên án rất gay gắt. Ngô Sỹ Liên đã lên án từ góc độ đạo đức rằng: “Đạo vợ chồng là đầu của nhân luân, dây mối của vương hóa. Hạ kinh của Kinh Dịch nêu quẻ Hàm và quẻ Hằng lên đầu, là để tỏ cái ý lấy đàn bà tất phải chính đáng. Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn. Đem cái thói ấy truyền cho đời sau, con mình bắt chước mà dâm dật đến nỗi mất nước, há chẳng phải là mở đầu mối họa đó sao?”.

Ngô Thì Sỹ thì bàn rằng “Đại thắng Minh là tôn hiệu của Đinh Tiên Hoàng, Đại hành dùng tôn hiệu của vua đã mất làm tên hiệu cho hoàng hậu của mình, không còn kiên kỵ gì nữa. Thật quá quắt!”.

                          Đền vua Lê Đại Hành ở Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Ảnh tư liệu.

Theo nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương kể từ sau Toàn thư, tấm gương tày liếp về đạo vợ chồng của Dương hậu cho người soi chung tiếp tục lan tỏa trong đời sống xã hội. Hàng loạt tác phẩm diễn ca lịch sử đã tiếp diễn ngôn Nho giáo về bà hoàng này. Thế kỷ 18, tác phẩm Thiên Nam ngữ lục viết
“Chẳng ngờ Dương hậu dâm tà / Xảy chồng ra thói trăng hoa loạn thường / […] / Dương hậu ra dạ dâm ô / Vun trồng Thập đạo bây chừ cướp ngôi […]. Cuối thế kỷ 19 huyền thoại phủ khắp dân gian, rồi lại đi vào quốc chí và chính sử. Đại Nam nhất thống chí khi ghi về trấn cũ Vân Sàng có giải thích từ nguyên rằng “tục truyền là cái giường (sàng) mây nước (vân) giao nhau như vì Dương hậu đặt giường trên sống để đón Lê Hoàn…”.

Nặng nề hơn mỗi khi đến ngày kỵ Đinh Tiên Hoàng, dân làng làm lễ rước tượng Dương hậu từ đền thờ vua Lê sang đền thờ vua Đinh, cúng xong lại trả về. Có một chi tiết quan trọng của nghi lễ này là người ta đánh đít tượng mười roi trước khi cho về với chồng cũ.

Sang đến đầu thế kỷ 20, khi hệ tư tưởng thay đổi, biểu tượng Dương hậu có những chuyển biến quan trọng. Chiến thắng của quân Tống của Lê Hoàn là hiển hách và là chiêu tuyết (rửa oan hờn) cho bà. Hành động khoác áo bào của Dương hậu cho Lê Hoàn cũng như việc chủ động chuyển quyền hành của mình và con mình cho ông được đánh giá là một hành động khôn ngoan và sáng suốt. Việc giũ bỏ cái mũ “trung - trinh” của Nho giáo, giũ bỏ quan niệm chính - ngụy không chỉ là phương cách xử lý nội bộ cung đình có lợi cho dân cho nước, mà còn là phương cách củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trước thế nước gặp gian nguy.

                                                                                          Minh Châu

Nguồn:
https://news.zing.vn/hoang-hau-hai-trieu-va-cuoc-chuyen-giao-quyen-luc-hiem-co-cua-lich-su-post1051993.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ