Trang

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2020

VỀ HIỆN TƯỢNG THỜI TIẾT KINH DỊ ĐÊM CUỐI NĂM, BÁO HIỆU ĐIỀM GÌ? - Hoàng Quốc Hải

Trước dịch CORONA VIRUS từ Vũ Hán của Trung Quốc đang tác động trên đất nước chúng ta cùng những hiện tượng thiên nhiên biến động bất thường ở một số tỉnh Bắc Bộ vào thời điểm đêm giao thừa và những ngày đầu năm Canh Tý (2020) vừa qua, tạo nhiều cung bậc cảm xúc. Ông Hoàng Quốc Hải, nhà văn nổi tiếng trong lĩnh vực tiểu thuyết lịch sử viết một tạp luận…

           
                                  Nhà văn Hoàng Quốc Hải

Hoàng Quốc Hải sinh năm 1938 tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, nhà văn nổi tiếng trong lĩnh vực tiểu thuyết lịch sử. Hiện nay, ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ngoài những tác phẩm đã xuất bản. Năm 2010, ông cho xuất bản hai bộ tiểu thuyết lịch sử trường thiên “Tám triều vua Lý” và “Bão táp triều Trần”với độ dày trên 6000 trang, được đánh giá cao:
- “Đây là hai cuốn sách đồ sộ nhất mà một nhà văn Việt Nam từng viết về thời Lý và thời Trần.”
                               (Bà Mai Quỳnh Giao, Giám đốc Nhà Xuất bản Phụ Nữ)

- “Với hai bộ tiểu thuyết lịch sử ‘Tám triều vua Lý’ và ‘Bão táp triều Trần’ cùng 6.442 trang sách, tác giả Hoàng Quốc Hải đã không chỉ dựng lên bức tranh toàn cảnh về hai thời đại huy hoàng bậc nhất trong lịch sử dân tộc là thời Lý và thời Trần, hơn thế, ông đã khắc họa đậm nét bản sắc văn hóa Việt cùng các bài học lịch sử, thức dậy mạnh mẽ hồn thiêng sông núi, khí phách cùng niềm tự hào dân tộc Việt Nam.”
                                                                                                         (Chi Anh)


 VỀ HIỆN TƯỢNG THỜI TIẾT KINH DỊ ĐÊM CUỐI NĂM, BÁO HIỆU ĐIỀM GÌ?
                                                                                Hoàng Quốc Hải

Tôi sống hơn 80 tuổi chưa từng được nghe đêm trừ tịch (30 Tết) lại có sấm chớp và mưa như trút nước, mưa như thuở hồng hoang. Nhiều tỉnh có mưa đá như Lạng Sơn, Lao Kai, Yên Bái, Sơn Tây (nay là ngoại thành Hà Nôi)… mưa đá làm vỡ cả kính ô tô, mưa đá làm cả chục ngàn gia đình nhà cửa bị sập mái. Nhiều cánh đồng hoa mầu, lúa má bị mất trắng. Nhiều vườn cây ăn trái bị gẫy đổ. Ngay giữa thành phố nước ngập lút trong nhà, đường phố thành sông…

Thấy tôi là nhà văn thường viết về đề tài lịch sử, nhiều bạn đọc trong đó có cả người già, người trẻ, có cả bậc thức giả, đều chung một câu hỏi:

“-Hiện tượng thời tiết này là báo hiệu điềm lành hay điềm gở?-Trong quá khứ lịch sử đã có hiện tượng thời tiết như thế này bao giờ chưa? -Nếu có, thì người xưa xử lý như thế nào?”

Thật ra, thời tiết là hiện tượng tự nhiên của trời đất, vận hành theo qui luật và ổn định một cách tương đối theo chu kỳ. Nếu là Chu kỳ Đại niên, theo sử gia cổ đại Hy Lạp-Herodote (484-425) vào khoảng 12.000 năm. Khi Chu kỳ thay đổi, nó làm đảo lộn cả địa cầu, như Trái đất sẽ thay đổi cực, hoặc tạo ra cơn đại hồng thủy như được chép trong Kinh thánh. Hiện tượng thời tiết vừa qua chắc chắn chưa phải là dấu hiệu dẫn tới Chu kỳ Đại niên hoặc cơn Đại hồng thủy…

Những diễn biến trái qui luật này, các nhà Khí hậu học hiện đại giải thích bằng hiện tượng Nano.

Sau hiện tượng thời tiết dị thường vừa xảy ra, các nhà Thời tiết học tại trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương giải thích: “Tháng giêng, nhiều nước ( ý các vị muốn nói mưa nhiều) là hiện tượng bình thường hằng năm”.

Lời giải thích đó xem như là điều dị thường, tương tự như những trận mưa dị thường vừa qua mà mọi người đã biết.

Tôi không phải nhà khoa học về thiên văn, địa lý, cũng không phải nhà Chiêm tinh học hoặc thầy bói mù Valga vĩ đại. Nhưng tôi là nhà văn, viết tiểu thuyết lịch sử, có theo dõi những gì đã xảy ra trong quá khứ, được lịch sử ghi chép lại. Nên sẽ tường giải theo cách mà người xưa thường gặp và xử lý.

Trước hết phải khẳng định: hiện tượng thời tiết dị thường vừa qua không phải là điềm lành. Mưa lớn trái mùa kèm theo giông, lốc và mưa đá xảy ra trên nhiều tỉnh thành vùng Bắc Bộ, kể cả Thủ đô Hà Nội. Theo số liệu chưa đầy đủ mà báo chí công bố: Mưa đá khiến hơn 12.000 ngôi nhà thủng mái khiến hàng vạn người điêu đứng trong giá lạnh. Hằng trăm hec-ta hoa mầu bị mất trắng. Giữa thành phố Nam Định nước ngập lút nền nhà, đường phố biến thành sông; ngày Mùng 1 tết nhiều người bị giam hãm trong chính ngôi nhà của mình, bởi nước mưa vây bủa tứ phía.

Với tất cả những thiệt hại mang tính vật chất có thể đong đếm được như trên, thì trận mưa kèm theo gió lốc và nhiều nơi có cả mưa đá vào đêm giao thừa và ngày Mùng 1 tết vừa qua, dứt khoát là có hại, là điềm gở. Đại gở. Gở vì nó trái với bình thường, và cả trăm năm qua chưa hề có hiện tượng này. Tuy vậy, đây mới là chỉ dấu đầu tiên của hung tín, hệ lụy của nó còn ghê gớm hơn ta tưởng. Hãy bình tĩnh quan sát và lắng nghe.

Thật ra những gì ta thấy, không diễn ra ngoài vòng Nhân- Quả. Tức là gieo thứ gì thì gặt thứ đó. Tạo hóa rất công bằng. Làm gì có chuyện gieo hạt cà gai (một thứ độc dược), lại đòi hái trái vải, trái chôm chôm!?

Tôi theo dõi những tai dị xảy ra được ghi chép trong lịch sử, mưa đá và giông lốc không phải là chuyện hiếm. Nhưng xảy ra vào mùa khô, vào đúng đêm giao thừa, quả thực lịch sử nước ta chưa thấy thời nào ghi chép, và đây cũng là lần đầu tiên tôi được chứng kiến.

Vậy những gì đã hiển thị đêm giao thừa vừa qua, thị là nó báo hiệu một điềm gở. Và như người xưa quan niệm thì đó là Trời ra oai trách phạt. Vậy người xưa xử lý việc này thế nào? (Đây là nói người xưa,việc xưa. Ai đó chớ vội nổi xung mà qui chụp lung tung nhé.)

Trước hết quan Tư thiên giám - Người coi sóc về Tinh tượng (đường đi của các sao ứng với thời tiết,mùa vụ), tức là cơ quan theo dõi về Thiên văn - Địa lý phải có sớ biểu tâu lên nhà vua, nói về hiện tượng tai ương dị thường vừa xảy ra, nó hợp hoặc nó trái với qui luật thường hằng.

Một khi Tư thiên giám đã khẳng định là nó trái với qui luật thường hằng, tức là nó trái ý Trời. Lập tức nhà vua hỏi ý các quan Hữu nhai tăng thống và quan Tả nhai đạo lục (Hai chức quan đại diện cho hai tông giáo lớn trong nước là Phật giáo và Đạo giáo. Ở đây tôi lấy ví dụ thuộc về hai thời đại Lý-Trần là những thời đại huy hoàng nhất trong lịch sử nước nhà). Hai quan này lần lượt tâu về những điều bất như ý trong xã hội, như những hành vi bất công và bạo ngược của các tầng lớp quan lại, khiến dân chúng bị lầm than, cơ cực,tan cửa nát nhà; nhiều án tích mơ hồ, oan ức gây tù tội, chết chóc, ly tán, phiêu dạt… Tiếng kêu khóc, hờn căm, nguyền rủa, rên xiết tràn ngập thiên hạ, động tới Trời, nên Trời ra uy sấm sét, răn kẻ cầm quyền bạo ngược.

Sau khi nhà vua cho tra xét, các việc tàn ngược đó là có thật. (Các tội ác không chỉ do bọn quan lại trong bộ máy của triều đình gây ra, mà còn do chính sách cai trị hà khắc của chính nhà vua gây ra).

Giáo hội xin lập trai đàn cầu siêu để nhà vua sám hối, tạ lỗi với Trời. Nhà vua đích thân làm chủ lễ, quì lạy sám hối vì đã để xảy ra các việc oan sai, và các tệ nạn do bộ máy của nhà vua đã hành xử một cách tàn bạo, khiến dân chúng khổ đau.

Kết thúc trai đàn là các cuộc chẩn bần cho dân chúng trong các vùng nghèo khổ. Ngay lập tức nhà vua cho soát tù. Tức là tra xét lại việc hình án, có oan sai phải sửa ngay. Và giảm án, tha tù trên toàn cõi. Cùng với việc soát tù, nhà vua ban dụ tha tô thuế, ít nhất trong vòng 1 năm trên toàn cõi. Các vùng dân chúng nghèo đói được tha tới 3 năm. Ngoài ra nhà vua còn giao cho quan lại các lộ (tỉnh) phải săn sóc người già cả, người cô đơn không nơi nương tựa. Và nhà vua cũng xét lại các chính lệnh đã ban, có điều gì không hợp lòng dân, lập tức tu sửa.

Các việc làm trên của triều đình, là hành vi sám hối thực lòng, chứ không chỉ bằng cách quì lạy và cầu xin suông của riêng nhà vua, thì đó lại là việc làm dối Trời, lừa Dân; thể hiện lòng giả dối một cách chân thực. Tội càng nặng.

Thường ra, sau các đòn trừng phạt của thiên nhiên mà người xưa gọi là Trời ra uy, mà kẻ cầm quyền biết hối lỗi, thì tiếp đó thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu. Vì vậy sức răn đe kẻ cầm quyền là rất lớn.

Người cầm quyền thời xưa biết kính Trời, sợ Đất, trọng thần linh chứ không dám hước ngạo. Như trường hợp vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) năm 1012 tháng chạp, sử chép: “Vua thân đi đánh Châu Diễn (nay là vùng Nghệ An), khi về đến vũng Biện (vùng biển ở Biện Sơn, phía đông nam tỉnh Thanh Hóa) trời đất tối sầm, gió và sấm rất dữ. Vua đốt hương khấn trời rằng: “Tôi là kẻ ít đức, lạm ở trên nhân dân, ngơm ngớp lo sợ, như sắp sa xuống vực sâu, không dám cậy quân mạnh mà đi đánh dẹp càn bậy, chỉ vì người Châu Diễn không theo giáo hóa, ngu tối hung bạo làm càn, tàn ngược nhân dân, tội ác nhiều quá, nay không thể không đánh.  Còn như trong khi đánh nhau,hoặc có kẻ trung thần bị chết oan, hoặc có kẻ hiền lương bị giết lầm, đến nỗi hoàng thiên nổi giận, để tỏ lầm lỗi, thì tuy gặp tổn hại cũng không phàn nàn gì, đến như sáu quân thì tội còn có thể dung thứ,  lòng trời soi xét”. Vừa khấn xong thì gió sấm đều yên lặng.
                                                 (Đại Việt sử ký toàn thư tập I tr 263)

Sự kiện trên có thể chỉ là sự vận hành của thời tiết mang tính ngẫu nhiên, chứ chưa hẳn là sự linh ứng mang tính khế hợp tức thì giữa Trời và Người. Những người hiền đức một khi nắm quyền tối thượng, họ luôn thận trọng như người mặc áo cỏ khô ngồi trước đống lửa, chợt thấy điều gì bất tường đã vội thành khẩn xét mình xem có điều gì lầm lỗi, để kịp thời sửa lỗi. Điều đó hoàn toàn khác với những kẻ cầm quyền bất lương, một khi đã thâu tóm được quyền lực là chúng coi thiên hạ như của riêng mình, hành hạ dân chúng đến kiệt cùng,  chân tóc, từng lỗ chân lông chúng đều thấm máu dân lành.

Người cầm quyền nhân ái trong lịch sử nước ta có nhiều, chỉ xin kể một trường hợp thuộc về vua Lý Thái tổ (1010-1028). Khi tiếp quản một đất nước nghèo nàn, hoang rỗng từ triều Lê Long Đĩnh mà sử gọi là Ngọa triều. Nhà vua lập tức tha tô thuế 3 năm liền cho toàn dân. Những người mồ côi, góa chồng, già yếu, thiếu thuế đã lâu,đều tha cho cả.

Các sắc thuế khác chi qui về sáu loại, khai thác các sản vật cực quí từ rừng và biển như: Trầm hương, ngà voi, sừng tê giác. Ngọc trai, đồi mồi và muối.

Ba năm sau (1016), nhà vua lại xá tô thuế tiếp cho thiên hạ thêm 3 năm nữa. Sử ghi năm ấy được mùa to.

Triều quan can gián. Vì hồi quốc sơ  khi mới lập nước) dân nghèo thiếu, bệ hạ gia ân là đúng. Nay trong dân kinh tế đã hồi phục, bệ hạ nên dành phần thu tô thuế để tăng ngân khố quốc gia.

Nhà vua liền phán: “Theo ta, phải giúp người dân có bát ăn bát để, họ có vốn tích lũy, để họ mở mang việc làm ăn lâu dài. Vả lại, của cải để trong dân tốt hơn để trong kho đụn nhà nước”.

Ba năm sau nữa, triều đình lại xá một nửa số tô ruộng cho thiên hạ. Thử hỏi,trong lịch sử nhân loại, từ khi có tổ chức nhà nước ra đời tới nay, thì đã có nhà nước nào trên thế gian này dám yêu dân,  thương dân,nuôi vỗ dân và trọng dân đến như vậy? Và đó cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến cho nhà Lý cường thịnh. Trái lại, các nhà nước thiển cận, chỉ chăm chăm bịa ra các sắc thuế để đánh thuế, thu lợi về cho đầy túi tham. Họ đâu biết, đó là hội chứng của kẻ tham một bát mà bỏ cả một mâm. Nhà nước thông minh là phải biết nuôi dưỡng nguồn thu. Chỉ loại tham bẩn mới tận thu, để rồi cạn kiệt nguồn thu. Loại nhà nước này, nó đã nắm được bí quyết làm lợi cho kẻ cầm quyền, để gieo tai rắc họa cho dân, cho nước; đó còn là bí quyết nuôi mầm loạn và làm yếu suy thế nước. Chính đó cũng là cơ hội để kẻ thù nhòm ngó, và chúng sẽ tìm cách xâm lăng. Dân tộc ta nhiều phen mất nước, cũng bởi những cái cớ tầm thường này cả thôi.

Trở lại việc thời tiết khắc nghiệt tới kinh dị đêm giao thừa đã gây tai họa, vậy nó còn kéo theo hệ lụy gì nữa không?

Những gì chưa hiển lộ ta chưa bàn. Nhưng trước mắt ta đã phải hứng chịu dịch CORONA VIRUS từ Vũ Hán của Trung Quốc, hiện đang diễn biến rất phức tạp, có nguy cơ nước ta sẽ bị nặng chỉ sau Trung Quốc. Theo đó là suy giảm về kinh tế rất khó lường. Đó là chưa tính những thiệt hại đem đến ngoài ý muốn, như những chi phí mới phát sinh do chống dịch bệnh. Các trường học tạm thời đóng cửa. Các nguồn lợi thu từ ngành du lịch sút giảm nghiêm trọng. Các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế về hợp tác đầu tư phải tạm gác lại. Nhiều loại hàng hóa đã hoàn thiện mà không xuất được. Các hàng cần nhập cũng không nhập được. Nhiều lĩnh vực bị đình trệ, sinh hoạt xã hội bị xáo trộn. Trong dân thì thần kinh bị ức chế v.v…Và còn nhiều những thiệt hại vô hình khác không tính đếm được. Đó là đòn trừng phạt từ thiên nhiên và các hệ lụy kế tiếp khiến nhân dân phải hứng chịu, được giải thích theo thuyết “thiên mệnh” của người xưa. Thực tế cho biết xưa hoặc nay, mọi khổ đau người dân đều phải hứng chịu. Sự thực, có ngôi nhà quan nào bị lủng mái do mưa đá đâu, dù chỉ là quan cấp xã, phường. Còn nhà các quan lớn thì kiên cố lắm, chỉ có nã đại bác, họa may mới lủng lớp ngói dán ngoài bê tông… Hệ lụy do cú Trời ra đòn này, chắc chưa dừng ở đây.

Có người lại hỏi: Việc Trời trách phạt, thời xưa cha ông ta xử lý như vậy, thời nay ta xử lý thế nào?

Việc này chưa thấy chép hoặc chưa kịp chép, hoặc không bao giờ chép trong sử hiện đại. Vì chưa thấy chép trong chính sử, tức là chưa có tiền lệ, nên tôi không thể tự tiện giải đáp. Bởi nhà văn là người quan sát các hiện tượng xã hội rồi phản ánh qua tác phẩm văn học. Nhà văn không thể bịa tạc theo ý chủ quan của riêng mình, hoặc theo một ý đồ chính trị nào đấy, mặc dù thuộc tính của văn chương là hư cấu. Đó là sự phân biệt giữa văn chương và lịch sử. Đó còn là sự phân biệt giữa văn nô với sử nô đối với các nhà văn chân chính, các sử gia chân chính.

Để thoát khỏi tình trạng thông tin tù mù, tốt nhất quý vị không nên hỏi nhà văn hoặc các cơ quan truyền thông, mà nên trực tiếp hỏi Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ để có lời giải đáp thỏa đáng, ngõ hầu THUẬN Ý TRỜI và HỢP LÒNG DÂN chăng?

                          Pháo đài Láng, ngày 10 tháng giêng năm Canh Tý
                                         Hoàng Quốc Hải

Nguồn:
https://tambao.net/ve-hien-tuong-thoi-tiet-kinh-di-dem-cuoi-nam-bao-hieu-diem-gi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ