Trang

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

PHÁT LỘC - Truyện ngắn của Trần Vũ Minh

Trần Vũ Minh từng sinh hoạt ở Hội Văn Học Nghệ Thuật Bình Thuận. Trong cuộc thi truyện ngắn  2011 – 2012 do tạp chí Văn Nghệ Bình Thuận tổ chức, anh đã gửi tác phẩm PHÁT LỘC dự thi và đã đoạt giải C (cuộc thi không có giải A)

         
                                Nhà văn Trần Vũ Minh


            PHÁT LỘC

Không phải trong mơ, cũng không phải là ảo ảnh vì nó đang lồ lộ, rờ rỡ hiện ra trước mắt ông và bởi đây là buổi sáng, một buổi sáng rất đẹp, trời trong xanh thăm thẳm vút cao ngập nắng, những mảng mây bập bềnh nhẹ xốp trôi trôi. Ba Hân như nghẹt thở vì xúc động, ông lâng lâng chếnh choáng mắt dán chặt vào cặp “Long giáng” mà ông quý như báu vật lại phát lộc sau thời gian dài chờ đợi đến mòn mỏi tưởng như vô vọng. Từ khắp thân cây, hàng trăm chồi non tơ căng mẫm  đang nhú lên tua tủa. Ông nghe tim mình đập rộn rã như trống làng ngày hội. Nó thon thót nhoi nhói, chênh chao khắc khoải, nhưng đây là cái cảm giác hồi hộp sung sướng của sự đợi chờ và hy vọng chứ không phải là cái buồn rầu lo lắng mà gần hai tháng nay ông phải chịu. Ông bị cấp trên kiểm điểm vì “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong công tác quản lý”. Bệnh cao huyết áp của ông lại tái phát.

Là một cán bộ chủ chốt của địa phương, Ba Hân rất cần mẫn trong công việc, ông chịu khó đọc công văn, nghị quyết và lắng nghe, nắm bắt những ý kiến chỉ đạo của trên để triển khai đến các nơi kịp thời. Với cấp dưới, ông bình dân hòa đồng, tính tình dễ chịu nên ai cũng quý. Có điều đôi lúc ông lại bị mắc cái tật đãng trí đến kỳ cục. Có lần một nhân viên lên gặp lãnh đạo xin được nghỉ phép và ứng trước vài tháng lương để lo cho người vợ đang nằm chờ “xạ trị” hóa chất ở bệnh viện ung bứu vì có khối u ác tính tử cung gần đến giai đoạn cuối.Thay vì an ủi động viên thuộc cấp thì ông lại chìa tay ra: “Xin chúc mừng với cậu và gia quyến nhé!”. Người phó văn phòng mặt tái ngắt, miệng méo xệch, mếu máo rồi vội vã rút lui.

Cuộc đời Ba Hân kể ra cũng khá suôn sẻ. Ba mươi tám tuổi, ông đã là giám đốc sở kế hoạch đầu tư nhưng hơn nửa đời, ông mới cất được căn nhà ưng ý. Với khuôn viên chừng hai sào, tuy không nằm ở trục đường chính nhưng đây là khu đất có vị trí đắc địa nằm ở trung tâm thị xã. Việc này vợ ông phải nhờ đến một thầy địa lý cao tay chọn cho. Ba Hân làm nhà mới cũng là do bạn bè, anh em thân quen thúc giục động viên và giúp đỡ. Người tặng xi măng sắt thép, kẻ biếu gạch đá cửa nẻo công sá và trang trí nội thất. Hôm ăn tân gia, khách mời khoảng trăm người, toàn là chỗ thân quen, ông mang ơn họ và có người mang ơn ông. Đúng giờ hoàng đạo, đồ ăn đã được đặt trước ở nhà hàng mang tới, rượu tây, bia lon chảy tràn. Ông đứ đự bải hoải cả người vì phải tiếp khách nhưng vợ ông rất vui, bì thư quà mừng tới tấp. Người em kết nghĩa Trịnh Huy, trưởng phòng kinh doanh sở kế hoạch đầu tư tặng ông cặp cây cảnh mai chiếu thủy cổ thụ thế long giáng đẹp mê hồn. Ban đầu ông cũng chẳng để ý bởi tính ông mộc mạc chân chất. Là cán bộ đầu ngành quan trọng của tỉnh, công việc ngập đầu lút cổ, có thời gian đâu mà ông tìm hiểu cây cảnh với nghệ thuật. Sau bữa tiệc, vợ ông mát mẻ với Huy:
- Anh chị cảm ơn, nhưng nhà chị có ai rảnh đâu, chú đem về mà chơi!…

Ba Hân quen Trịnh Huy cũng là cái sự tình cờ. Hơn mười năm trước, một lần  đi công tác ở một huyện miền núi, khi chiếc toyota camry 2.5, bốn chỗ ngồi chở ông đi hơn hai trăm cây số dưới trời nóng như đổ lửa. Xe có máy lạnh nhưng vì đường quá xấu, toàn những ổ trâu ổ voi. Ngồi trên xe, Ba Hân ngắc ngư như say sóng, mệt bả người. Trước mặt một con suối đẹp như dãi lụa vắt ngang hiện ra, nước trong vắt, chỉ xăm xắp ngang lưng. Những tảng đá mầu gan gà nhẵn bóng như những chú voi con phủ phục giữa dòng suối, nước vờn quanh diệu ảo. Trong hoang sơ tĩnh lặng chỉ có tiếng chim rừng ríu rít, đó đây những khóm hoa dại rập rờn như đàn bướm lượn, thả những chùm hoa đỏ rực, tim tím  chao nghiêng trong gió. Trong cái hoang sơ vô tận ấy ông thấy mình trẻ lại, Ba Hân dừng xe, cởi quần, háo hức lội xuống con suối mát lạnh.
Trời bỗng sầm sập, nặng như chì, mưa ập xuống như trời vỡ, nước trên nguồn ầm ầm đổ về cuộn xoáy điên cuồng, cây cối ngã nghiêng oằn oại, gãy răng rắc cuốn theo những cành khô và đất đá. Ba Hân run rẩy hoảng loạn... Những người ở trên bờ gào thét chỉ trỏ nhưng không ai có cách gì cứu được ông, Ba Hân nhắm nghiền hai mắt run rẩy... Bỗng từ xa, một thanh niên xồng xộc chạy đến, trên vai khoác cuộn dây thừng. Anh ta nói gì đó với đám người đang lo lắng trê  bờ  rồi buộc một đầu dây ngang lưng, lao xuống, chìm nghỉm. Nước đã ngập đến cổ, ông chới với. Người thanh niên trồi lên rồi đưa hai cánh tay ôm chặt lấy Ba Hân và ra hiệu cho mọi người. Sợi dây thừng căng ra, hai người trồi lên ngụp xuống, ông nghẹt thở, ngất đi… Khi tỉnh lại ông nôn thốc tháo vì uống nhiều nước, người đau ê ẩm nhưng chỉ bị xây xát nhẹ. Người thanh niên thì bị gãy xương vai nằm thiêm thiếp trên bãi cỏ. Nhìn người vừa cứu mình, ông Ba Hân bật khóc, gò má giật giật, những giọt nước mắt cứ ứa ra, lăn dài trên khuôn mặt phề phệ, nhưng là những giọt nước mắt của sự chân thành tự đáy lòng ông.

*   *    *

  

Mấy hôm nay cứ khoảng năm giờ chiều, có một người đàn ông tuổi trên sáu mươi cứ lượn lờ trước nhà Ba Hân, lúc đứng ngoài cửa sắt tần ngần nhìn vào. Có lần xe cơ quan đưa ông về tới cổng, cậu lái xe bấm còi inh ỏi mà lão ta vẫn như điếc, Ba Hân bước xuống xe nghiêm mặt:
- Có việc gì mà anh tới đây?
- Dạ, thấy cặp cảnh nên tôi mê quá, mong ông cảm phiền.

Nhìn người đàn ông đứng lặng, hai tay buông thỏng, có vẻ như rất khẩn khoản, Ba Hân nhẹ nhàng:
- Nếu thích thì mời anh vào xem.

Người khách lạ có cặp mày rậm, xênh xếch, cằm nhọn, hai má hom hõm, mắt sâu thỉnh thoảng đảo rất nhanh, chớp nhẹ, nét mặt thuỗn ra thẩn thờ ngờ nghệt đăm đắm nhìn vào cặp kiểng như bị thôi miên. Có lúc ông ta đứng dậy lùi ra xa, xích lại gần, ngó nghiêng ngắm nghía rồi ngồi xuống vuốt ve, sờ nắn từ bộ rễ đến các đường cong và những vết u sần lồi lõm trên thân cây, miệng không ngớt thều thào: “Qúa độc! Trời ơi sao lại có cặp bon sai vương giả đến thế này? ”. Quay về phía Ba Hân, người khách xúc động:
- Bộ gốc rễ này chắc chắn phải trên trăm tuổi.
- Anh có vẻ đam mê và rành cây cảnh lắm nhỉ?
- Dạ, gần ba mươi năm tôi chơi bon sai, đã đi nhiều nơi, nhiều chỗ nhưng chưa bao giờ thấy ở đâu có cặp cảnh quý như vậy.

Rồi ông ta say sưa giảng giải cho Ba Hân nghe các kiểu dáng thế cây,  nào là:  Mẫu tử, xuy phong, long thăng, thác đổ, tam tòng tứ đức… Ở mỗi thế, mỗi loại đều thể hiện một vẻ đẹp riêng và thú chơi tao nhã cao sang của nghề chơi cảnh. Ba Hân nghe mà đầu óc cứ lùng bùng.
- Ông có định bán cặp cây này không ạ?

Ba Hân hơi bực nhưng nhìn nét mặt người khách trông có vẻ hoàn toàn nghiêm túc, Ba Hân ngập ngừng:
- Ông trả được bao nhiêu?
- Nếu ông đồng ý, tôi xin mua với giá năm trăm triệu.

Mắt trợn tròn, miệng há hốc, Ba Hân chăm chắm nhìn vào người đàn ông đang đứng trước mặt mình như nhìn một sinh vật lạ ở hành tinh khác vừa rơi xuống, thầm nghĩ: “Lão ta có bị thần kinh không nhỉ, chỉ với hai cái cây vớ vẫn mà lão ta trả tới nửa tỉ?”

Vợ Ba Hân cũng đã đứng đó tự hồi nào, bà bấm nhẹ vào tay chồng, hiểu ý vợ, Ba Hân đặt tay lên vai khách:
- Cảm ơn, nhưng đây là kỷ niệm của một người bạn, nghĩa tình là vô giá đúng vậy không anh? Nhưng nếu muốn, khi nào rảnh rỗi anh vẫn có thể lại chơi, ta coi nhau như bạn vong niên vậy!

*  *   *

Tin đồn giám đốc sở kế hoạch đầu tư tỉnh H có cặp mai chiếu thủy cổ thụ thế long giáng độc nhất vô nhị ngày càng lan rộng. Dân chơi cây cảnh gần xa kéo về, họ đứng ngoài hàng rào sắt trước nhà chiêm ngưỡng, bình phẩm và trầm trồ thán phục, mê mẫn như bị hớp hồn. Cặp long giáng đầu voi đuôi chuột thật kỳ thú, mang cốt cách của người quân tử, cách điệu, không theo một khuôn mẫu sách vở nhất định nào mà vẫn giữ được các đường nét tinh tế duyên dáng cổ điển truyền thống. Có lẽ trong giây phút xuất thần, người nghệ nhân tài hoa nào đó, bằng tình yêu và sự đam mê đã gởi gắm tất cả hồn cốt của mình vào tác phẩm để kim cổ pha trộn hài hòa đến mức nghệ thuật. Tất cả đều hoàn hảo đến tuyệt đối, không một cành thô thiển, không một chiếc lá thừa. Chín tầng lá thon dần từ gốc đến ngọn bay bay như thoát tục trong khoảng không gian ngập nắng. Những chùm hoa tinh khiết nuột nà trắng muốt hơi chúc xuống như thẹn thùng e ấp ẩn sau tàng lá xanh rì thầm lặng tỏa hương. Bộ rễ gồ ghề vòng cong xoắn bện vào nhau, cuồn cuộn uyển chuyển tạo nên hình đầu rồng. Thân cây uốn lượn u nần lồi lõm càng nổi bật trong cặp chậu sứ Giang Tây cổ men xanh, họa tiết hoa văn như bức phù điêu thu nhỏ được đặt trước bậc tam cấp ốp đá hoa cương màu huyết dụ trên thảm cỏ được cắt xén trước sân nhà.
Nhìn khu biệt thự hình chữ nhật có tường đá bao quanh, phía trên cắm chông sắt hình lưỡi mác sơn xanh, bên trong là vườn cây ăn trái, hồ bơi, phòng ăn ngoài trời lợp kính phản quang dưới gốc si cổ thụ được uốn tỉa công phu, ông bạn vong niên trầm trồ:
- Thật là quý, anh chị có thế đất quá tuyệt vời, được cả “Tứ tượng”.
- Tứ tượng là cái gì vậy?
- Anh tuổi thìn, chị tuổi tý là nằm ở cung phu thê tam hợp, tương sinh tương đắc. Chị lại có tướng “Vượng phu ích tử”, anh chị gặp nhau là duyên tiền định. Mặt tiền chính đông hợp hướng nên có quý nhân phù trợ. Phía sau có dãy “Huyền vũ” nâng đỡ, mặt trước có cặp long giáng là “Chu tước”, “Bạch hổ ” bên tả, “Thanh long” bên hữu bảo vệ chở che. Nhân duyên hòa hợp nên vượng khí sinh tài, sự nghiệp công danh sẽ vững như bàn thạch. Trong thuật phong thủy gọi là tứ tượng. Ai có được thế đất này là “Đại lộc thiên kim”, phú quý như diều gặp gió. Có phúc trời mới cho như vậy. Âu cũng là cái đức của tổ tiên để lại!

Vợ chồng Ba Hân cùng người bạn vong niên ngồi bên chai Chivas nhấm nháp với vây cá ướp sâm ở sân trước. Mắt Ba Hân long lanh, ông ngửa cổ dốc cả ly rượu sóng sánh mầu hổ phách vào miệng. Ba Hân ngất ngây chếnh choáng, ông cũng không hiểu là mình đang uống rượu, uống những lời của anh bạn vong niên, hay uống những cảm xúc đang trào dâng trong lòng...

Cặp long giáng ngày càng gắn bó với Ba Hân, trong mắt ông, nó như có linh hồn. Đi làm về là ông ngắm hàng giờ không biết chán, ông bón phân xịt thuốc, chăm sóc rất kỹ lưỡng. Nghe ở đâu có thuốc tốt là ông sai người tìm mua cho bằng được nên cặp kiểng ngày càng bề thế, những cành, những lá cứ bung ra, vươn lên lòa xòa như muốn phá thế. Dưới ánh chiều tà, hoàng hôn đỏ rực đang xám dần nhưng cũng kịp hắt những tia nắng cuối ngày chênh chếch chiếu phớt qua những cánh hoa nuột nà sáng lóa.
Một sáng chủ nhật, người bạn vong niên đến thăm, mắt bổng sáng rỡ, từ thân cây uy nghi ngạo nghễ, những mầm xanh tròn căng đang nhú lên tua tủa: “Phát lộc” -  ông khách reo lên nhưng rồi im lặng bấm đốt ngón tay, ngẩn ngơ, ánh mắt xa xăm…

Nhìn cử chỉ của người bạn, Ba Hân thấy như có điều gì không ổn, ông khẩn khoản:
- Anh nói đi đừng ngại, chúng ta là bạn mà.
- Cái gì cũng có quy luật nhất định, vạn vật đều vậy. Cặp long giáng của anh đã sống cả trăm năm với bao buồn vui thăng trầm của một đời cây, nó cũng có linh hồn, tình cảm như con người, đó là cái quý mà không phải cây bon sai nào cũng có và ai cũng được như vậy. Nhưng mau nở thì chóng tàn, mới đến với anh vài tháng mà nó đã phát lộc, “Tinh anh phát tiết ra ngoài” hết thì chưa hẳn đã là hay đâu! Dục tốc bất đạt. Phúc hay họa đây?
- Bây giờ phải làm sao hả anh?
- Thôi được. Đã là bạn của nhau, hàng tuần tôi sẽ đến chăm sóc uốn tỉa giúp anh. Phải lấy lại cái dáng vẻ uy nghi của nó. Chừng nào nó lại phát lộc thì sẽ còn nhiều điều thú vị…

*   *     *

Tiếng là ở tỉnh lẻ nhưng cũng không phải nơi đây không có người tài. Trưởng ban tuyên giáo Nguyễn Hoàng còn khá trẻ, là thạc sỹ chính trị, tiến sỹ kinh tế, có năng lực, lập trường quan điểm chính trị vững vàng, nhưng điều đáng tiếc là Hoàng cứ muốn xới tung cái nề nếp đã có sẵn ở tỉnh này lên. Đành rằng xã hội đang trên đà phát triển là phải tiếp thu cái mới cái hay cho kịp với xu hướng thời đại nhưng cũng phải biết đến những “Cây đa cây đề ” đang tỏa bóng ở đất này. Vuốt mặt phải nể mũi, học cao thì phải hiểu rộng, lẽ đời là vậy! Thế mà anh ta cứ đòi thay cái này đổi cái kia thử hỏi, còn đâu là đạo lý, còn đâu là tôn sư trọng đạo, còn đâu là sự kế thừa?...
Ban đầu trên dự kiến sẽ bầu tròn, Nguyễn Hoàng có năng lực, có trình độ sẽ làm phó chủ tịch tỉnh rồi tương lai còn vươn cao hơn nữa nhưng với tính khí như vậy thì người cầm lái sẽ đưa con thuyền địa phương này về đâu?...

Nhiều cuộc họp diễn ra, những tranh cãi quyết liệt, cuối cùng trưởng ban tuyên giáo Nguyễn Hoàng về làm chủ tịch ở một huyện miền núi, còn Ba Hân được bổ nhiệm làm phó chủ tịch tỉnh. Vận may đến với ông thật bất ngờ. Từ trước đến nay, ông vẫn bằng lòng với cương vị hiện tại, ông nhịn trên, nhường dưới không mất lòng ai, không tranh giành đấu đá, “Dĩ hòa vi quý” là phương châm, là tính cách của ông. Ba Hân luôn tâm niệm, làm cách mạng là đấu tranh với kẻ thù, còn với đồng chí mình thì phải đoàn kết, tin tưởng và bảo vệ lẫn nhau… Ba Hân có hai bằng đại học, một kinh tế tại chức, một cử nhân chính trị chuyên tu. Lý là thế nhưng biết trình độ của mình còn hạn chế nên ông rất ham học hỏi. Được bày trang trọng trên tủ sách ở phòng khách nhà ông không bao giờ thiếu các bộ sách kinh điển quý giá như: “Nền tảng của chủ nghĩa Marx – Lenin, Triết học Marx – Lenin, Kinh tế chính trị chủ nghĩa Marx – Lenin và Hồ Chí Minh toàn tập”… Quý sách, ông rất biết giữ gìn sách, nhiều quyển đã mua dăm bảy năm vẫn còn mới nguyên, đôi khi khách tình cờ lật ra xem vẫn còn vài trang chưa rọc giấy…

Từ khi Ba Hân được đề bạt lên phó chủ tịch tỉnh, Trịnh Huy cũng dần dần được cất nhắc rồi làm giám đốc sở kế hoạch đầu tư thay ông. Ông tin tưởng ở người em kết nghĩa. Có lẽ trên đời này chỉ có Trịnh Huy là người hiểu và yêu thương ông nhất, Huy như đọc được suy nghĩ tâm tư, tình cảm và những buồn vui trong ông, ông quý Huy là ở chỗ đó.  Huy còn trẻ, lại thông minh, dám nghĩ dám làm nhưng cũng có lúc Huy làm ông phiền lòng. Lần ấy, Trịnh Huy trình ông ký duyệt xin khai thác mấy trăm mét khối gỗ và xin kinh phí để làm cầu cho dân vùng sâu vùng xa. Sau này báo chí khui ra là chiếc cầu đã được làm bằng bê tông từ trước. Rồi các dự án được đầu tư không minh bạch, thất thoát tiền công quỹ, bị trên kiểm điểm, ông điên tiết cho gọi Trịnh Huy lên xạc cho một trận ra trò. 

Huy cúi đầu lắng nghe, rơm rớm nước mắt:
- Dạ thưa anh Ba, em có lỗi với anh Ba, nhưng cũng tại ngày ấy em còn nợ…
- Chú nợ ai, nợ cái gì?
- Dạ thưa anh, chủ của cặp long giáng đang cần mấy chục mét khối gỗ để đóng ghe và làm nhà. Khi nhìn thấy, em biết ngay là của “độc”, hỏi ra thì biết đây là cặp kiểng gia bảo đã có ở nhà này từ ba đời, hỏi mua họ không bán chỉ đổi gỗ thôi ạ. Thấy anh chị làm nhà mới, cặp cảnh này xứng đáng quá nên em đã mạn phép anh. Kính mong anh thương cho em út được nhờ.

*   *  *

Mắt Ba Hân bừng sáng dõi vào cặp long giáng, ông bật reo lên: “Nó lại phát lộc”. Trong nỗi lo lắng đến mất ăn mất ngủ, bị xa lánh cả tháng trời, thì với Ba Hân, đây là tin mừng lớn. Theo như người bạn vong niên thì đây là điềm lành báo hiệu ông sẽ lấy lại những gì đã mất, hoặc còn huy hoàng hơn nữa…Bỗng ông sửng người: “Nhưng sao lạ thế này?”  ông hoang mang tự hỏi khi nhìn kỹ cặp cảnh, trên các nách mầm, những chiếc lá to bằng bàn tay trẻ con, non tơ mơn mởn hình trái tim đang bật ra đung đưa theo gió, có cái gì đó khiến ông ngờ ngợ. Ba Hân thò tay vào túi móc di động lập cập gọi cho Trịnh Huy, giai điệu của bản nhạc chờ “Một đời người, một rừng cây ” vang lên, chủ nhân không bắt máy. Ông bực mình bấm số gọi cho ông bạn vong niên, ở đầu dây bên kia gọng phụ nữ đều đều, nhẹ như gió thoảng: “Số máy quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau”.

Tay run run, mân mê từng chiếc lá hình trái tim rồi nhìn lên những tầng lá, như phát hiện ra điều gì, Ba Hân lao vào nhà, quát vợ:
- Bằng mọi giá, bà đi tìm một người thợ trồng cây cảnh về đây, tôi có việc!

Hoàng Lương không ngờ gặp lại cố nhân…
Gần mười năm trước, anh xin gặp phó chủ tịch tỉnh trình bầy về việc khu rừng đầu nguồn sông Hinh đang bị tàn phá nặng nề. Khi ấy, Lương là đội trưởng kiểm lâm huyện Hà An. Hàng ngày phải chứng kiến cảnh khu rừng già nguyên sơ đang gục xuống trong tiếng cưa búa xoèn xoẹt suốt ngày đêm. Âm thanh khô khốc của cây non giục gãy bởi những súc gỗ đang lao từ núi xuống. Đêm thì lâm tặc, ngày là những người có giấy phép, họ khai thác vô tội vạ. Rừng núi vật vã quằn quại đau đớn trong tiếng gãy đổ xoắn vặn như dây chão nát len cả vào giấc ngủ chập chờn của Lương. Đã nhiều lần trong các cuộc họp chuyên ngành, Hoàng Lương đưa việc này ra nhưng đều bị gạt đi, anh bán chiếc xe máy, mua một chiếc camera. Anh đã có những thước phim làm bằng chứng nhưng chỉ hai tháng sau anh nhận được quyết định Buộc thôi việc với lý do “Không hoàn thành nhiệm vụ và có dấu hiệu vu khống lãnh đạo” do Ba Hân ký.

Rồi cuộc sống cũng trở lại thăng bằng sau những vụn vỡ mất mát. Lương trở về học nghề trồng cây cảnh, anh đam mê môn nghệ thuật này như đã có duyên với nó từ kiếp trước. Anh nhớ rừng, khát khao được thấy lại cái nguyên sơ ngút ngát những mầu xanh dù chỉ trong không gian bó hẹp của những chậu bon sai. Bây giờ Lương đã có một vườn cảnh lớn bậc nhất tỉnh.
Đã từ lâu anh nghe tin ở thị xã này có cặp mai chiếu thủy cổ thụ độc nhất vô nhị, thực tình anh cũng rất muốn xem cho biết nhưng công việc hàng ngày đã cuốn hút và chiếm hết thời gian của Lương. Lần này nhân được mời đến, Lương háo hức muốn xem để chiêm ngưỡng và học hỏi. Khi bước vào, anh nhận ra Ba Hân, ông ta vẫn vậy, vẫn ánh mắt bàng bạc, chậm chạp, khệnh khạng, đó là mẫu của loại người sống đầy đủ về vật chất nhưng giản đơn, ít suy tư trăn trở.
Nhìn cặp long giáng, Lương như không tin ở mắt mình và anh đã hiểu… Sự thức tỉnh của lương tâm không phải dễ dàng, có người chỉ một lần đã ngộ, nhưng cũng có kẻ đi gần hết kiếp người mà vẫn quẩn quanh trong vũng lầy của u mê tội lỗi. Nỗi oan ức ngày xưa không còn đau đớn uất nghẹn quặn thắt trong tim Lương nữa như đã vón thành sạn, thay vào đó là sự thương hại đến tội nghiệp, trong lòng anh chỉ còn những trống rổng và buồn đến nao lòng. 

Anh nói với Ba Hân:
- Ở đời cái đẹp chính là ĐẠO! Đạo từ tâm mà ra và cũng từ tâm mà mất. Bon sai cũng là một cái đạo, đó là sự gọt gũa chỉnh sửa và loại bỏ những cái vô hồn lệch lạc. Ở mỗi thế, giáng là thể hiện những cung bậc khác nhau chứa đựng cái triết lý của chân - thiện - mỹ, cũng chính là hướng con người vào những giá trị thiêng liêng đưa ta đến cái đẹp toàn bích trong tiếng nói thầm lặng, trong vô cùng vô tận của thế giới tự nhiên. Để nhận biết được vẻ đẹp tiềm ẩn này, nhiều khi ta phải đi qua những con đường rất vất vả nhọc nhằn bằng tình yêu, niềm tin và sự đam mê sâu sắc với trái tim hướng thiện. Trong nghệ thuật chân chính, tuyệt nhiên không có chỗ cho sự dối trá và những pha trộn lố bịch kệnh cỡm. Cặp long giáng của ông là những cành mai chiếu thủy được cấy ghép vào thân cây bình bát. Loại cây này thân mềm dễ uốn, sống dai và thích nghi với mọi hoàn cảnh nhưng là loài vô dụng, bộ rễ của chúng rất khỏe,  sống ở đâu chúng cũng hút hết màu mỡ của đất.

Ngừng một lát Hoàng Lương tiếp: “Nhưng rất may, ông còn được cặp chậu cổ này là thứ thật”.

Mặt Ba Hân xám lại, ông choáng váng, lảo đảo ngồi phịch xuống chiếc ghế đá hoa cương, hoang mang tuyệt vọng, thều thào như rên:
- Anh… anh nói…cái gì, đây là cặp bon sai vương giả, độc nhất vô nhị, nó … nó đã sống cả thế kỷ, người ta đã trả tới năm trăm triệu cơ mà, anh… anh có lầm không vậy?
- Thật tiếc! Người lầm lẫn ở đây không phải là tôi! Nhiều khi người ta không phân biệt được đâu là thật giả, hay cố tình lộng giả thành chân? Họ mặc nhiên bỏ đi những giá trị đích thực, tôn thờ cái giả tạo hời hợt hào nhoáng bên ngoài vì mục đích nào đó… Còn những cong vênh u sần lồi lõm này ư? Dễ thôi! Với bàn tay của một người thợ cây cảnh thì chỉ cần một thời gian uốn nắn, đục đẽo và ít hóa chất, thuốc kích thích thì chỉ một vài năm là sẽ thành “Bon sai cổ thụ”. Nếu ông cần, tôi sẽ ghép dùm ông một cành cam lên thân cây này, chỉ sang năm là ông có trái để ăn…

*

Ba Hân gục xuống chơi vơi nửa mê nửa tỉnh… Xen lẫn trong tiếng còi hụ của xe cấp cứu là những hồi ức thực hư cứ đan xen, đứt quãng, chéo chồng… Trong mơ, Ba Hân thấy người em kết nghĩa Trịnh Huy, người bạn vong niên và một nhóm người kéo ông đi… Rồi tất cả biến thành những con mọt khổng lồ, chúng nhe những hàm răng nhọn hoắt, sắc lẻm cứ kèn kẹt gặm nhấm, đục khoét, cắt nghiến rồi ngoạm vào một cái gì rất thiêng liêng tưởng chừng như vững bền đang bị bào mòn chao đảo lung lay.

                                                                Bình Thuận tháng 6 - 2011
                                                                        Trần Vũ Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ