Đền
thờ Đào Duy Từ thôn Cự Tài 1, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định
LỘC KHÊ HẦU
“Một
mình vẹn đủ ba tài
Phúc
ta gẫm ắt ý trời hậu vay”…
(Ngọa long cương vãn –
Đào Duy Từ)
Đêm đã khuya, quan nha úy nội tán Lộc Khê Hầu - Đào
Duy Từ vẫn ngồi lặng trong thư phòng, ấm trà “Trảm mã” đã nguội lạnh mà Ngài
không đụng tới. Sáng nay chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai nội giám đến ban cho Ngài
một bình ngự tửu, hai tấm lụa đào và mâm trà quý. Ngài đứng dậy, bước ra sân,
gió xuân se lạnh. Trăng hạ huyền cong như chiếc sừng trâu chơi vơi gữa mênh
mông vô tận. Ngài bồi hồi nhớ về xứ Thanh Hoa…
Nhà của Đào Duy Từ cách đình làng một cánh đồng. Từ
chân đất áo xô gai, đầu đội một vành khăn trắng, hôm nay là ngày đoạn tang của
mẫu thân. Trên chiếc ban thờ chỉ có dưa cà, dĩa lạc rang, chiếc bánh đa nướng
và bát rươi kho. Nhìn mâm cơm cúng mẫu thân nước mắt Từ trào ra thấm ướt vạt
áo. Từ gục xuống rồi thiếp đi… Mọi vật mờ ảo như khói như sương. Chung quanh Từ
bỗng sáng lòa… Từ thấy mình lâng lâng nhẹ hẩng, biến thành con cá chép khổng lồ,
bơi băng băng trên dòng sông cuộn sóng. Từ cao xa ngàn trượng, một dòng thác ào
ào đổ xuống, ẩn hiện trong mây là chiếc cổng cao vòi vọi, có rồng phục hổ chầu,
nhã nhạc du dương trầm bổng như gần như xa. Từ nghĩ, “Vũ môn” chăng, rồi bay
lên... Cá chép thoắt hóa rồng, toàn thân lóng lánh vẩy vàng vẩy bạc...
Từ bừng tỉnh, gạt nước mắt, vái lạy rồi ôm bài vị của
song thân cho vào tay nải vội vã ra đi, chân liêu xiêu trên đường làng vắng lạnh.
Ánh trăng nhạt nhòa sau màn mây che phủ. Gío từ núi Nguyền thổi tới khiến lòng
Từ se sắt, mới chỉ ba năm mà dài như hàng thế kỷ. Ngày ấy, Từ hăm hở lều chõng
ra kinh đô Thăng Long ứng thí, bà Vũ Thị Kim Chi, mẫu thân của Từ bịn rịn đưa
con đến tận chợ Còng, trong mắt người mẹ góa ánh lên một niềm tin là Từ sẽ vinh
quy bái tổ. Nhưng tai họa bổng ập xuống, Từ bị đánh tuột á nguyên, rồi bị xóa
tên, lột mũ áo vì là con nhà kép hát – “xướng ca vô loài”. Tin dữ lại bay đến, ở
quê nhà, mẫu thân vì không chịu được nỗi đau đã thắt cổ tự vẫn. Từ đau đớn vật
vã khóc đến chảy máu mắt, chết đi sống lại mấy lần. May có người bạn đồng môn
là Trần Đán đã từng làm phó đề đốc kinh thành, ngày ngày cơm cháo, thuốc thang
khuyên giải, Từ mới nguôi dần.Trong buổi tiễn Từ về quê, Đán bùi ngùi:
- Đào huynh, đâu còn cái thời oanh liệt của Đức Thái Tổ
xưa. Bây giờ vua chẳng ra vua, quyền lực đều một tay nhà Chúa, Chúa thì suốt
ngày ham mê tửu sắc, ăn chơi hưởng lạc. Bà chánh phi thì khuynh đảo triều
chính, bán quan bán tước. Ai muốn có danh, có chức cứ đến cửa sau. Bây giờ thói
xu nịnh, đút lót thành bệnh dịch mất rồi! Dưới nịnh trên, quà cáp biếu xén thôi
thì đủ cách, tùy phẩm hàm, tước vị mà định giá. Quyền chức đẻ ra lợi lộc nên khắp
nơi nhan nhản những kẻ bất tài, thất đức ra làm quan.
Ngừng một lát, Đán tiếp:
“Tài năng của huynh chẳng kém
gì Khổng Minh Gia Cát, đệ có nghe ở đằng trong, Chúa Nguyễn hùng cứ đất Thuận
Quảng, làm nhiều việc ân đức, yêu kẻ sỹ, trọng hiền tài. Nếu Đào huynh vào giúp
thì chẳng khác nào rồng về biển lớn, Ngũ Viên sang Ngô, Trương Lương về Hán, Khổng
Minh rời bỏ lều tranh, có thể tỏ rạng thanh danh mà trăm họ cũng được nhờ. Sau
này dù có mục nát cùng cỏ cây cũng không uổng phí. Bá Phụ, bá Mẫu cũng ngậm cười
nơi chín suối”.
* * *
Đất Thuận Quảng, mới tháng ba, đã xế chiều mà vẫn nóng
như rang. Mặt trời vừa lặn xuống sau dãy núi phía xa mờ xanh, hắt những tia
sáng cuối ngày lên nền trời. Từ lùa trâu về chuồng. Tư dinh phú ông Chúc Long
đêm nay thật đông vui nhộn nhịp. Cả trang viên được chăng đèn kết hoa cực kỳ lộng
lẫy, hàng trăm chiếc đèn lồng muôn màu rực rỡ, đàn sáo tưng bừng. Hôm nay là buổi
bình thơ, quan khán lý Hoài Nhân - Trần Đức Hòa ngồi ghế chủ khảo.
Văn nhân, tài tử các nơi đổ về, họ thi nhau múa bút,
câu chữ như rồng bay phượng múa, thơ tuôn sang sảng, văn chảy làu làu. Đào Duy
Từ cởi trần đóng khố, lưng giắt mo cau, vai khoác mõ trâu, bước ra trước hiên
nhà lặng lẽ đứng nghe. Những cặp mắt nhìn Từ khó chịu. Phú ông Chúc Long nét mặt
phừng phừng chỉ vào mặt Từ:
- Thằng chăn trâu khố rách kia cút mau! đây là nơi của
những bậc khoa bảng bình thơ, luận phú chứ đâu phải là chuồng trâu của ngươi?
- Thưa chủ nhân, bình thơ, luận phú sao phải phân biệt
sang hèn? Chăn trâu cũng có người quân tử, kẻ tiểu nhân.Văn nhân, khoa bảng
cũng có kẻ tiểu nhân, người quân tử.
Chúc Long mặt xám như chàm đổ, nghiến răng trèo trẹo,
thét vang như sấm:
- Gia nhân đâu, mau đem thằng cùng đinh này xuống chuồng
trâu, đánh một trăm hèo và giam lại.
Quan khán lý Trần Đức Hòa từ nãy đến giờ vẫn ngồi quan
sát, ngài thấy gã chăn trâu có tướng mạo khác thường, dáng như thư sinh, mũi
cao, trán rộng, mặt vuông chữ điền ấn đường sáng sủa, cặp mắt tinh anh sáng quắc.
Ngài khoan thai đứng dậỵ:
- Nghe ngươi nói, ta hiểu có lẽ ngươi cũng đã học chữ
thánh hiền, vậy ngươi hãy luận thế nào là “Chăn trâu quân tử, chăn trâu tiểu
nhân. Khoa bảng tiểu nhân, văn nhân quân tử”, nếu ngươi luận được, ta sẽ tha tội.
Từ vòng tay thi lễ:
- Bẩm quan lớn, Ngài là người học cao, hiểu rộng,
thông kim bác cổ, hẳn không lạ gì Ninh Thích gõ sừng trâu mà phục hưng nước Tề,
Điền Đan dùng đàn trâu tung lửa đốt giặc, Bách Lý Hề đi ở chăn trâu mà thành đại
phu, Hứa Do “ rửa tai” khi vua Thuấn định nhường ngôi báu. Họ thật biết mình biết
ta, người thì đem tài năng ra gúp nước, kẻ suốt đời thà là nông phu nơi thôn
dã, không vì hư danh mà cản bước tiến của xã hội. Đó là chăn trâu quân tử. Còn
kẻ chăn trâu tiểu nhân thì đắp mo cau vào bụng trâu dối chủ, ăn tục nói phét,
no thì bỏ mứa, đói quỳ gối xin ăn, lêu lổng chơi bời thờ ơ trước mọi sự trên đời.
Khoa bảng quân tử là người có chí lớn, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý,
gữa hiểu lòng người, trung với vua, thương dân yêu nước, giữ chính ghét tà, trọng
nghĩa vẹn tình, coi chữ tín còn hơn mạng sống, như Tử Nha, Y Doãn. Còn loại
khoa bảng tiểu nhân thì chỉ cầu danh trục lợi, bòn rút của công, đục khoét dân
đen, kết bè kéo cánh, vênh vang tự đắc, nịnh trên đè dưới. Trước thiên hạ thì
thao thao bất tuyệt, hứa hưu hứa vượn mà tâm như gỗ đá phỏng có ích gì.
Tri huyện Quảng Điền vốn dòng dõi trâm anh thế phiệt,
văn chương nức tiếng. Sinh thời chúa Nguyễn Hoàng rất yêu liền đứng lên bẻ Từ
giọng mỉa mai:
- Ngươi có ý ví mình như Tử Nha, Y Doãn. Vậy ở đất Bắc
ngươi đã học những sách gì? Sao không thi cử để giật bảng vàng mà phải vào đây
làm kẻ chăn trâu, uổng một đời đèn sách?
- Tìm từng câu, dò từng chữ thì chỉ là hủ nho mà thôi,
sao có thể gúp chủ lập nên nghiệp lớn? Y Doãn cày ở đất Sằn, Tử Nha câu trên
sông Vị, các vị ấy đem tài kinh bang tế thế ra phò vua gúp nước, làm đến công hầu,
khanh tướng. Như ở nước Nam ta, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, một lòng vì
giang sơn xã tắc mà gạt bỏ tỵ hiềm riêng. Người viết “Hịch tướng sỹ”, soạn
“Binh thư yếu lược”, đánh đuổi Nguyên Mông mấy lần tan tác, tiếng thơm để lại
muôn đời. Trương Hán Siêu, gươm sắc thơ hay, “Phú sông Bạch Đằng” của Người, từng
chữ, từng lời như châu, như ngọc, hào sảng khí “Đông A”, cả gầm trời Nam ai mà
chẳng biết. Gần đây, Nguyễn Trãi tiên sinh là bậc khai quốc công thần “Nằm gai,
nếm mật”, vạch kế tìm mưu, dâng “Bình ngô sách” giúp Bình Định Vương dựng nên
nghiệp lớn. “Quân trung từ mệnh tập” mạnh hơn cả vạn quân, sức lay động, cảm
hóa đến kẻ thù cũng phải nể phục. “Bình ngô đại cáo” – áng “Thiên cổ hùng văn”,
là báu vật để lại muôn đời cho hậu thế. Vậy có ai hỏi các vị ấy đã học những
sách gì. Làm sao mà ta bắt chước bọn ngươi, chỉ ăn no mặc ấm, quần lượt áo là,
bo bo sách vở, chải chuốt thơ văn, trêu trăng, ghẹo gió để lòe đời, mặc cho
muôn dân lầm than đói khổ, non sông nghiêng ngả, đáng hổ thẹn lắm ru?! Ta từ đất
Bắc vào đây vì bỏ nơi tối, tìm chỗ sáng. Từng nghe, phương nam có chân chúa,
trung thần người người như một. Biết nhục với nỗi buồn tha phương của chủ, (1)
biết đau trước nỗi thống khổ của nhân quần, nhưng khi gặp các ngươi, ta thất vọng
vô cùng. Rồi Từ cất giọng ngâm sang sảng:
…
Một mình vẹn đủ ba tài| Phúc ta gẫm ắt ý trời hậu vay| Điềm lành thụy lạ đã
hay| Đời này sinh, có tài này ắt nên|… Nước non khéo vẽ nên đồ| Thấp cao phương
diễu, quanh co rồng nằm…” (2 )
Cả trường văn sững sờ như chết lặng.
* * *
Quan khán lý Trần Đức Hòa hôm nay mặc triều phục, áo
lam thêu phụng, mũ cánh chuồn sắc tía, chân đi hài đen, cùng với hiền tế Đào
Duy Từ vào chầu chúa. Sau buổi bình văn hôm ấy, quan khán lý mời Từ về tư dinh,
đãi làm thượng khách. Rồi yêu vì nết, trọng vì tài, ngài bèn gả trưởng nữ là tiểu
thư Như Ngọc cho Từ. Như Ngọc tuổi chừng đôi tám, thướt tha như liễu bên hồ,
mày ngài mắt phụng thăm thẳm như sương đọng hồ thu, kiêu sa mà quyến rũ, rạng rỡ
như đóa hải đường trước gió xuân, đoan trang thùy mị nết na ít ai bì kịp.
Nhà Chúa hôm nay sắc diện không được tươi tốt, đêm qua
ngài vui vầy quá khuya với một cung nữ mới được đưa về từ miền sơn cước. Nàng
như một đóa hoa rừng sơ khai là lạ, khác hẳn với những mỹ nữ trong chốn hậu
cung mà Ngài đã nhàm chán. Da nàng không óng mượt mà nâu giòn. Bàn tay thơm như
mật, bụng phẳng, chân dài, rốn màu chu sa, cặp nhũ hoa căng tròn mây mẩy, núm
nhỏ tròn vo như hồng ngọc, mắt long lanh hoang dã như thú rừng, cặp đùi săn chắc.
Toàn thân nàng tiết ra mùi nồng nồng của đất, hương của lá rừng khiến chúa
thích thú vô cùng. Khi được bẩm có quan khán lý đưa Đào Duy Từ vào chầu, ngài mới
uể oải ngồi dậy. Chúa vận bộ nhiễu Tứ Xuyên màu mỡ gà thêu rồng, hài nhung cẩn
ngọc bích, tóc búi cao cài trâm vàng nạm ngọc minh châu. Cửa chính điện “Cần
Minh” vẫn đóng kín, ngài vật vờ bước ra cửa nách, vẫy quan khán lý lại gần. Từ
cười nhạt, bước ra bao lơn lơ đãng ngắm mấy chậu hồng. Quan khán lý chạy ra níu
áo Từ
- Hiền tế, con mau vào bái lạy chúa đi.
-Thưa nhạc phụ, con không thể vào vấn an chúa được,
con vẫn nghe nhà chúa anh minh, sáng suốt, vậy mà khi tiếp một đại thần là cha
mà như sắp đi chơi với cung nữ vậy. Đó không phải là nghi lễ của bậc quân vương
khi “tiếp hiền đãi sỹ”. Nếu con lạy chào tức là mắc tội khi quân. Cung cách như
thế, liệu chúa có làm nên nghiệp lớn hay không?
Quan khán lý gắt lên:
- Con không chịu vào lạy chào thì tội này tất phải quy
vào ta mà thôi.
Từ vẫn lặng thinh rồi quày quạy bước đi, Phúc Nguyên
nghe được, vội vào thay mũ áo. Lát sau, trống chầu nổi lên, cửa chánh điện Cần
Minh mở toang, chúa ngồi trên điện, oai nghiêm trong bộ triều phục. Nội giám bước
ra:
- Nhà chúa cho vời quan khán lý và Đào tiên sinh vào
chầu.
Từ bước vào, quỳ dưới điện:
- Khải bẩm chúa thượng, Từ tôi là kẻ tội đồ nơi đất Bắc.
Nghe ân đức của Ngài như sấm dậy bên tai. Không quản đường xa vạn dặm, chỉ mong
được gặp minh chủ như nắng hạn mong mưa…
- Xin tiên sinh lượng thứ, ta tài hèn đức mỏng, không
thể sánh cùng Lưu Bị thủa xưa, nhưng vẫn nghe tiên sinh là Ngọa Long đời nay. Đất
nước còn trong cơn bỉ cực, ta lo lắng vô cùng. Tiên sinh có kế sách gì hay hãy
gúp ta cứu vớt trăm họ.
Duy Từ lặng lẽ quan sát, chúa tướng mạo đường bệ, mắt
sáng, mặt đỏ, môi hồng mà ướt, lông mày rậm, dài và sắc như lưỡi mác, thầm
nghĩ, người này có tài, thông minh, thẳng thắn nhưng cả tin, đam mê tửu sắc. Phải
cứng mềm tùy lúc:
- Bẩm chúa, kế sách lúc này là làm sao cho dân no ấm,
muôn người một dạ tin ở bề trên thì nước mới mạnh. Vì vậy, chúa cần có chính
sách khuyến nông, khuyến điền, xét giảm thuế khoá cho những nơi mất mùa đói
kém, khai thông mương máng, bồi đắp đê điều phòng khi lũ lụt và hạn hán, khuyến
khích khai hoang, phục hóa, cấm giết mổ trâu bò để tăng sức kéo. Mở khoa thi,
tìm người có tài có đức ra làm quan, lời nói phải đi đôi với việc làm, chí công
vô tư,thưởng phạt phải nghiêm minh, quân pháp bất vị thân để giữ nghiêm kỷ
cương phép nước.
Với bên ngoài, phải chọn tướng tài ngày đêm luyện tập
quân sỹ cho thật thiện chiến và phải đắp ngay một thành lũy kiên cố, từ núi Trường
Dục đến pha Hặc Hải, phía nam sông Nhật lệ một lũy cao để ngăn quân Trịnh tiến
vào.
- Như thế thì phải tốn tiền của và sức dân nhiều lắm?
- Bẩm chúa, dẫu có tốn công sức, tiền của nhưng máu
xương của muôn dân ít phải đổ, bờ cõi vững bền, ít nạn can qua thì trăm họ sẽ
an cư lạc nghiệp. Để mất một tấc đất là có tội với tiền nhân. Muốn làm nên nghiệp
lớn thì phải tính kế lâu dài. Đừng bắt đầu bằng những lời đẹp đẽ, để rồi một
ngày kia quên những điều mình đã nói. Nếu vì nghĩa lớn, vì trăm họ thì Ngài lo
gì dân chẳng nghe theo.
Chúa Sãi lặng người. Những lời của Từ như móc vào gan
ruột. Nhưng muốn làm nên nghiệp lớn các bậc đế vương thủa xưa đều cần phải có
những trung thần nói ra những lời thẳng thắn. Từ trong sâu thẳm lòng mình, Phúc
Nguyên thấy ở Từ kiến thức uyên bác như núi cao biển rộng mà tâm sáng như trời
xanh, từng chữ từng lời như đang mở ra trước mắt Ngài một chân trời mới. Chúa cảm
khái đọc mấy câu thơ:
-
Chẳng sánh người xưa ngẫm thẹn thùng
Cầu
hiền, đợi sỹ những chờ mong…
Từ tiếp:
Đem
câu vì nước ra dò ý.
Lấy
nghĩa thương dân thử tấc lòng.
Chúa mở:
Lãnh
thổ đoái chia hai xứ sở
Biên
thuỳ vạch sẵn một dòng sông.
Từ đóng:
Ví
chăng há chẳng là Lưu Bị
Thì
mấy ai người biết Ngọa Long.
Phúc Nguyên lật đật bước xuống đỡ Từ dậy, dìu lên điện,
sai tả hữu bắc ghế mời ngồi. Chúa cầm tay Từ xúc động:
- Được gặp tiên sinh là phúc lớn cho trăm họ, tiên
sinh đã vén cho ta một đám mây mờ.
Từ dâng lên chúa bộ “Hổ tướng khu cơ”, chúa tôi đàm đạo
cả ngày không chán.
Chúa trọng Từ như thầy, rồi cho chọn ngày lành tháng tốt,
đăng đàn bái tướng, phong cho Đào Duy Từ chức Nha úy nội tán, tước Lộc Khê Hầu
coi việc quân cơ.
* * *
Quan nha úy đi thị sát biên cương phía bắc. Lũy Thầy
kiên cố sừng sững, cứ hai dặm lại có một vọng gác, mãi đến canh ba, Ngài mới về
đến lều tướng, ăn uống qua loa rồi ngả mình trên tấm da hổ. Ngoài trời, mưa vẫn
rơi, trống cầm canh lâu lâu lại điểm như xoáy vào không gian. Ngài ngồi dậy,
vén tấm màn bước ra. Đội lính canh, gươm giáo chỉnh tề đứng lặng trong gió mưa.
Một nỗi thương cảm trào dâng trong lòng. Ngài thở dài nhớ lại trung tuần tháng
trước, nhà Thanh cho sứ sang đặt bang giao làm “phên dậu” gúp Chúa Nguyễn lật đổ
họ Trịnh nơi phía Bắc. Hoàng đế nhà Thanh tặng Chúa đôi “Ngọc như ý”, một bầy
vũ nữ đẹp như tiên. Mấy chậu mẫu đơn quý đất Lạc Dương. Chúa có phần ưng thuận.
Quan nha úy chú ý đến cặp chậu sứ cổ, nước men lam trong suốt, sáng bóng như
gương, hoa văn mềm mại uyển chuyển như mây bay, vẽ cảnh “Trai cò tranh nhau…” sống
động như thực, tôn cho những đoá mẫu đơn đang mơn mởn thắm tươi, nuột nà óng ả,
hương thơm ngây ngất lan tỏa khắp cung điện thêm phần đài các cao sang. Chúa và
các quan cùng sứ Thanh đang say sưa thưởng lãm hoa quý, rượu ngon. Vũ nữ phương
Bắc xiêm y lả lướt, múa khúc “Nghê thường”, rồi chuyển điệu “Tiên nữ xuống trần”.
Đàn sáo véo von lúc khoan lúc nhặt, trầm bổng thiết tha. Đến đoạn cao trào,
thanh âm réo rắt xoắn xuýt vút cao như gió cuốn, rồi bất thần chùng xuống, sầm
sập như trời giông bão tố. Trong ánh nến lung linh huyền ảo, vũ nữ thoát xiêm
y, những bộ ngực căng tròn bốc lửa, những chiếc mông uốn éo lượn quanh, những
ánh mắt đong đưa mời gọi... Chúa và chánh sứ đang ngây ngất đê mê … bỗng sửng sốt
khi quan nha úy mắt đẫm lệ bước xuống, Ngài vuốt nhẹ những cánh hoa mỏng manh
đang lay phay trước gió rồi than:
- Hoa ơi, tươi mãi mà làm gì để người đời trục lợi?
Máu tanh không nhuộm thắm được sắc hoa. Sắc đẹp của mỹ nhân chỉ làm nghiêng
thành đổ nước. Tâm bất chính thì sao làm được điều nhân nghĩa? Hoa nở rồi tàn lụi,
hương còn thơm mãi được chăng?…
Ngài vừa nói xong, những cánh đang rực rỡ bỗng rủ xuống
héo tàn, lả tả rơi trên nền điện. Rồi từ trong những đài hoa ấy những dòng nhựa
ứa ra đỏ như máu, chảy mãi, trải dài rồi cong lại thành hình chữ S. Ngài nhặt
nhạnh những cánh hoa gói vào trong bọc. Gió ào ào nổi lên, tấm màn cẩn ngọc
bích nơi điện Cần Chánh lung lay chao đảo. Chiếc mũ của viên chánh sứ nhà Thanh
bị gió thổi rơi trên tấm thảm dưới chân, chỉ còn trơ lại miếng giấy bồi trên đầu.
Chánh sứ sởn gai ốc nhưng vẫn cố gạn hỏi:
- Hoàng đế ta vốn trọng cái tình, thương cho An Nam nhỏ
bé bị chia cắt. Hãy về với Thiên Triều, chúa ngươi sẽ được phong vương, các
ngươi cũng không mất phần tước vị, bổng lộc, dân bớt đói khổ mà An Nam sẽ quy về
một mối. Là rường cột của đằng trong, sao quan nha úy không lo việc đại sự mà lại
thương vay, khóc mướn những cánh hoa rơi?
Quan nha úy Đào Duy Từ quắc mắt nhìn chánh sứ:
- Mấy ngàn năm dân tộc tôi đã thấu hiểu cái “tình” của
Thiên Triều, sông Như Nguyệt kia vẫn cuồn cuộn sóng… Cọc gỗ Bạch Đằng vẫn nhọn
sắc… Bến Chương Dương còn vùi mảnh giáp của Toa Đô… Chúng tôi không khuất phục
trước cường quyền bạo lực, không thể có “Ngư ông đắc lợi ” trên mảnh đất này. Bẻ
một cành hoa đang khoe sắc thì có khó gì, nhưng đó là sự tàn phá. Nâng niu một cánh
hoa thì hương sẽ đọng lại trong lòng, đó là tình, là nghĩa, là kết tinh của đạo
lý ở đời. Quang minh chính đại thì không hổ thẹn với lòng mình. Cha ông chúng
tôi vẫn dạy thế. Ngài là đại quan của Thiên Triều học nhiều, biết rộng sao
không hiểu được điều sơ thiển ấy?...
Sứ nhà Thanh cứng lưỡi, mặt tái dần rồi vội vã cáo lui
quay về quán sứ.
* * *
Quan Nha úy nội tán Đào Duy Từ nằm thiêm thiếp trên sập
gụ. Ngài ngã bệnh đã gần tháng nay, chiếc đệm cỏ lót dưới lưng Ngài thỉnh thoảng
lại rung lên bởi những cơn ho dài, ngực đau thắt, thần sắc võ vàng. Phu nhân
thân hình tiều tuỵ, đôi mắt dài như lá, nàng không khóc mà mắt cứ sủng lệ, cả
tuần nay nàng thức trắng, hai mắt thâm quầng, trũng sâu, hàng mi cong chứa chất
một nỗi buồn sâu thẳm… Nàng nhớ lại mười mấy năm về trước, khi cha đưa về một
người đàn ông tuổi trạc ngoại tứ tuần, quắc thước tinh anh, thanh cao mà không
kênh kiệu, lễ độ mà không quỵ luỵ, lời nói ấm áp, nồng nàn mà không cợt nhả.
Nàng cảm phục và kính trọng rồi yêu, vì hiểu rằng đây là một chính nhân quân tử.
Khi thành vợ của Ngài, nàng thương cảm đến rơi lệ khi bữa ăn của một đại quan
mà đạm bạc như của dân thường, một chung rượu nhỏ, cá kho khô, dĩa lạc rang, mấy
quả cà muối và bát canh riêu cua. Như Ngọc sực tỉnh khi Duy Từ run run nắm bàn
tay gầy của vợ, mơ màng:
- Ước gì giang sơn liền một cõi… muôn nhà vang tiếng
âu ca, ta sẽ rời bỏ chốn quan trường, đưa nàng về quê… chiều chiều thả mình vào
con nước ròng viên mãn của biển quê hương, lắng nghe hơi thở rì rào của rừng
dương hay ngắm những cánh hải âu tự do tung cánh trong nắng chiều nồng ấm …
Nhưng mệnh ta như ngọn đèn sắp tắt, tiếc rằng không được cùng nàng đi đến cuối
chặng đường. Xin hẹn lại kiếp sau… Sau khi ta mất, nàng hãy táng ta quay đầu về
đất Bắc để hồn ta được về với cố hương, hầu hạ song thân…
Phu nhân nấc nghẹn, gục xuống bên Từ:
- Chàng ra đi! Thiếp như con thuyền không chèo, không
lái… đâu là bến đỗ… biển đời thành nhạt nhẽo… ai người tri kỉ tri âm...
Bỗng có tiếng thanh la não bạt nổi lên, ngoài cửa có
tiếng hô: “Chúa giá lâm”.
Quan nha úy cố gượng dậy nhưng không nổi, phu nhân cho
mở cửa chính. Chúa bước vào, ngồi bên gường Từ, mắt rưng rưng:
- Tiên sinh đừng bỏ ta lúc này…
- Bẩm Chúa, thần may gặp được thánh minh, chưa báo đền
ơn mưa móc, nay bệnh đã thế này, thần không thể hầu bên Ngài được nữa. Người
xưa nói: “ Con chim sắp chết tiếng kêu ai oán, người sắp mất nói lời nói khôn”.
Thần có đôi lời gan ruột muốn tâu cùng Chúa thượng.
- Xin tiên sinh cứ nói.
- Bẩm Chúa, người đời mấy ai hiểu được lòng thần. Có kẻ
cho rằng thần tham vinh hoa phú quý mà vào đây. Cái chí của thần đâu là những
thứ ấy, tước vị quyền bính cũng như áng phù vân, là giọt sương buổi sớm, hợp rồi
tan. Thần chỉ muốn đem sức học nông cạn của mình ra để đền ơn chúa, gúp muôn
dân bớt lầm than đói khổ, không còn nạn can qua. Nhưng sức thần có hạn. Trong
cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” này chỉ gây thêm tang tóc cho mụôn dân, đưa quốc
gia đến sức tàn lực kiệt. Thần cũng hiểu tấm lòng của chúa, Ngài vẫn mong gieo
mầm thiện cho trăm họ. Nhưng hạt thiện mà gieo không đúng chỗ thì sẽ mọc lên
cây ác, cái thiện có hạn, cái ác thì vô cùng. Chúa anh minh nhưng vẫn còn những
kẻ “sâu dân mọt nước”, dẫu dinh thự nguy nga lộng lẫy, ruộng đất bề bề, vàng bạc
đầy rẫy mà chúng vẫn chưa thỏa cơn khát của lòng tham. Chúng dùng mọi thủ đoạn
để bưng tai bịt mắt bề trên. Ở ngôi cao, dẫu là minh quân nhưng nhiều khi cận
thần chỉ tâu với Ngài những lời đẹp đẽ thì làm sao ngài thấu hết hiểu được mọi
nỗi oan tình, những bất công vẫn diễn ra thường ngày nơi thôn cùng xóm vắng.
Sau khi thần mất, chỉ mong Chúa hết lòng vì giang sơn, xã tắc, hết lòng vì trăm
họ là thần mãn nguyện… Sức dân như nước, nước nâng thuyền mà cũng nhấn chìm
thuyền…
Chúa nắm tay Từ khóc nói: “Quả nhân sẽ nghe theo”.
Mắt quan Nha úy nội tán Lộc Khê Hầu từ từ khép lại.
Ngài trút hơi thở cuối cùng, thọ sáu mươi ba tuổi.
* * *
Một chiều cuối đông năm Giáp tuất 1634, ở huyện Ngọc
Sơn, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoa đồn rằng, nơi đây vừa xảy ra một chuyện lạ
chưa từng có: Người ta thấy một cánh chim Phượng Hoàng từ phương Nam chấp chới
bay về đậu trên núi Nguyền, bên giếng Tiên (3 ), chim thảng thốt kêu lên ba tiếng
rồi xõa đôi cánh đẫm nước, phủ phục bên nấm mộ hai cụ Đào Tá Hán và Vũ Thị Kim
Chi. Từ trong đôi mắt chim, hai dòng lệ ứa ra thấm vào lòng đất, một luồng hào
quang bay lên… Trời đang giá lạnh bỗng bừng sáng…
Năm mươi năm sau, có thầy địa lý đi qua nói: “Hơn ba
trăm năm nữa, đất này sẽ phát tích”.
Trần Vũ Minh
1.
Chúa Nguyễn Hoàng, quê ở Hà Trung – Thanh Hoá
2.
Trích bài thơ “ Ngọa long cương vãn” của Đào Duy Từ.
3.
Giếng Tiên trên núi Nguyền ở xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia – Thanh Hóa. Tương
truyền, khi xưa Đào Duy Từ thường ra đây ôn luyện văn chương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ