Tác
giả Đoàn Thuận
TRƯỜNG
TRUNG HỌC BÌNH TUY VÀ TÔI
Đoàn Thuận
Về lại Quê Nhà,
nhưng với tôi, Lagi còn nhiều điều lạ lẫm, vì tôi đã xa quê lưu lạc từ ngày bé
thơ, dù có đôi lần đi về.
Sau đình chiến 1954,
tôi về thăm Mẹ, và ở lại chăn trâu gần hai năm, nhưng chỉ quanh quẩn nơi cánh đồng
Tân Lý. Năm 1960, khi Má tôi chuyển gia đình từ Bình Châu về xã Phước Hội, huyện
Hàm Tân, tôi chỉ về thăm nhà vào dịp Tết, hoặc nghỉ hè...
Cuối năm 1972,
từ Hà Tiên, tôi chính thức chuyển nhiệm sở về Trung học Bình Tuy, gần như trong
ngành giáo dục, mọi người xa lạ với tôi. Thường ngày, tôi đến thẳng lớp, dạy
xong về nhà, ngại giao tiếp trừ khi cần thiết.
Chúng tôi thường gặp nhau tại nhà Tráng, ở Xóm Lưới,
dưới chân động Tiên Sa. Một ly bia, một miếng cá đuối nướng, một điệu boléro
hòa theo tiếng sóng rì rào nơi bờ cát, như gợi lại bao điều của thời thơ dại.
Tư hay nhắc đến mái ngói của trường Bình Tuy, ngày Tư học đệ thất, khác xa bao
mái tranh lụp xụp. Chiếc áo dài trắng của nữ sinh không giống chiếc áo vá đầy bụi
của chị Đổ, dạy lớp “bỏ túi” Láng Đá.
Tư cũng có một cuốn “Lưu bút ngày xanh”
của thời đi học, nhưng bìa là hai tấm mo cau rừng, trên khắc đầy tên bạn chăn
trâu, có cả tên tôi và Tráng. Sau này, trường Bình Tuy có thêm một dãy lầu,
nhưng bốn “lớp mái ngói” xưa vẫn còn
nguyên, như ngày mới thành lâp. Ngày ấy, chúng tôi, đôi khi, nhìn mái ngói đỏ
trên nền đá cao, nhìn những thư sinh áo trắng, thầm mơ ước được cắp sách vào
Trung học Bình Tuy…
Dường như, chỉ có Tư được ngồi học trong “lớp mái ngói trường Bình Tuy” như ước
mơ, còn bạn trong nhóm Láng Đá lưu lạc, xa dần quê hương. Riêng Tráng sớm rời “lớp học bỏ túi” đi lính, rồi bị thương
nặng, được giải ngủ trở về, tiếp tục học “lớp
tráng niên” trường tư. Khi đỗ tú tài một, Tráng xin việc làm, nhưng không
nơi nào nhận vì từng bị thương. Thấy vậy, nhiều nhà khá giả nhờ Tráng “dạy tư gia”, luyện thi Trung học đệ nhất
cấp. Còn tôi, ngày từ giã các bạn ra đi, chỉ mong có bằng tiểu học, nhưng nhờ
người thiện tâm giúp đỡ, đã học “đến nơi
đến chốn” và đi dạy ở Hà Tiên. Nơi quê hương Đông Hồ, tôi được hưởng “thâm niên nước độc”, chỉ chờ qua bốn
năm sẽ có quyền xin về quê nhà La Gi, dạy nơi nào cũng được. Bất ngờ, Nha Trung
Học điều động tôi về Trung học Bình Tuy dạy Anh văn. Bất ngờ, ở chỗ dạy Anh văn
không phải Việt văn, ở chỗ chưa hết thời hạn bốn năm, ở chỗ về Trường Trung học
Bình Tuy chứ không phải “một trường làng”.
Mới về, tôi ở nhà Ba tôi gần trường Bồ Đề Quảng Đức.
Ban ngày tôi qua trường dạy vài giờ Anh văn, ban đêm tôi tham gia cours Pascal.
Tại đây, thầy Nguyễn Phát Minh giới thiệu tôi với thầy Nguyễn Tấn Hưng dạy
Toán, thầy Đào Văn Lộc dạy Lý, cô Trịnh thị Nghĩa dạy Sinh vật. Dân dà, chúng
tôi thành nhóm “thân hữu Pascal”,
giúp đỡ nhau trong giảng dạy cũng như ngoài cuộc sống. Khi thầy Nguyễn Tấn Hưng
chuyển về Sài Gòn, Cours Pascal dừng lại, nhưng nhóm vẫn duy trì tình thân hữu
mãi về sau này. Cô Nghĩa và thầy Lộc là giáo sư tư nhân dạy giờ, chẳng những dạy
ở Trung học Bình Tuy, mà còn ở nhiều tư thục trong tỉnh. Thầy Đào văn Lộc như
trung tâm nối kết giáo sư cũ và mới, tư nhân và chính ngạch, trong ngành và
ngoài ngành. Chính nhóm thân hữu này giúp tôi khắc phục thói xấu sống khép kín
và mặc cảm. Đặc biệt, cô Nghĩa thường “chọc
quê”, gọi tôi “anh không lời”,
khi hỏi đôi điều tôi không thể trả lời được, hay nín thinh khi nhóm gặp nhau…
Đầu năm 1973, vì nhà Ba tôi chuẩn bị lên lầu, nên tôi
thuê lại một căn nhà của thầy Lượng trong làng Thương Phế Binh, để ở tạm. Tại
đây, tôi nhận ra trên Dốc Tỉnh có vài Xóm Học. Học sinh nơi xa về tỉnh học, thường
xin ở nhờ nhà bà con, hay thuê tạm một phòng trống trong nhà dân. Đây không phải
nhà trọ hay gác trọ, mà là một nơi ở bình thường, dưới mái nhà của phụ huynh
bình thường. Đông nhất là Xóm Học Đồng Tiến quanh trường Trung học Bình Tuy và
Xóm Học Đồi Sim gần Suối Đó. Vào mùa học, sau khung cửa, nghiêng nghiêng những
mái đầu trên trang vở, bên ánh đèn khuya. Đôi khi, tiếng học bài theo gió ru
qua bờ hoa, bay vào bao la. Vào hạ, xóm học khuất màu áo trắng, tắt ánh đèn
đêm, chỉ còn trong tôi nỗi mong ngóng mùa học mới...
Nghỉ hè, tôi tìm gặp các bác phụ huynh cao tuổi, lão
ông bản địa, để hỏi han về cội nguồn của La Gi. Nhờ đó, tôi dò dẫm đi thăm những
nơi tổ tiên ông bà cha mẹ chúng tôi đã từng sinh sống. Đến đâu, thấy gì, nghe
gì, tôi ghi lại những điều tiêu biểu về phong cảnh, về tình làng nghĩa xóm…nơi
Đất Mẹ. Cuối hạ 1974, tôi có 4 tập bản thảo “Trường
ca Lagi”, “Lagi ngàn xanh”, “Huyền thoại Hòn Bà Núi Ông”, “Mái trường quê hương”. Tôi dự định vào
mùa hạ 1975, về thăm Núi Ông, sông La Ngà, rừng La Dạ, để bổ sung cho “huyền thoại Hòn Bà Núi Ông”.
Cuối 1974, thời cuộc lắm biến động, nhiều Thầy Cô rời
Trung học Bình Tuy ra đi, tôi cũng trả nhà lại cho thầy Lượng dọn về nhà Ba
tôi, trong tâm trạng bất an…
Đầu năm 1975, Trung học Bình Tuy gần như đóng cửa. Dãy
“lớp học mái ngói”, tượng trưng cho
ngôi trường ngày mới thành lập, là nơi tạm trú cho người chạy loạn.
Hè 1975, bảng hiệu Trung học Bình Tuy thay bằng Trường
Cấp 3 Hàm Tân. Tôi đâu còn là “giáo sư
trung học”, chỉ là một “phu chữ”
không ngừng nuối tiếc về ngôi trường xưa…
THÁNG TÁM VỀ XÓM HỌC
Người
về Xóm Học đã thưa
Những
trang vở khép vào xưa cũ dần
Hàng
dương liễu đứng bâng khuâng
Khung
trời tháng tám mưa ngần ngại bay.
Bước
chân gõ guốc phố này
Áo
em trắng, với tháng ngày thư sinh
Sân
trường giờ lại vắng thinh
Thềm
ngoài lớp học rêu in sắc chiều.
Thuyền
xa, bờ chợt cô liêu
Đàn
chim bay khuất, quạnh hiu núi đồi
Nghỉ
hè, em lại xa xôi
Mình
tôi giữa cõi muôn lời cổ thi.
Lá
thu xanh gọi ngày đi
Ngoài
ô cửa lớp mùa thi qua rồi
Đường
về Xóm Học chia đôi
Đèn
khuya bụi phủ, chỗ ngồi lặng yên.
Những
chiều ru gió sau hiên
Tiếng
ve buồn vọng cuối miền quê xa
Mong
ngày hạ trắng mau qua
Em
về bước nhỏ lối hoa mộng này.
Lagi,1973
CÁT SỸ
(Đoàn Thuận)
Những thầy cô được nhắc tên trong bài viết này là những thầy cô dạy tôi những năm học lớp 11&12 . Tôi còn giữ được những Thành tích biểu và chứng chỉ học trình của những năm ấy và kèm theo lời phê, chữ ký của các thầy cô . Ôi ! Một thời để nhớ và nhớ mãi !!!
Trả lờiXóa