Trang

Thứ Năm, 19 tháng 12, 2019

ĐỌC “NHỚ CÂY ĐA CHÙA VIÊN GIÁC” THƠ TRẦN TRUNG ĐẠO - Châu Thạch


               
                          Nhà bình thơ Châu Thạch


ĐỌC “NHỚ CÂY ĐA CHÙA VIÊN GIÁC” THƠ TRẦN TRUNG ĐẠO
                                                                                         Châu Thạch

Có ai làm cho cây có linh hồn được không nhỉ? Chúa Trời thì không làm rồi. Trong Phật Giáo hình như có kinh nào đó nói đến linh hồn cúa đá, của cây nhưng ở thể rất đơn sơ. Thế nhưng có một giới người đầy quyền  phép, có thể làm cho muôn vật  đều có linh hồn. Đó là giới làm văn chương vậy. Họ sáng tạo linh hồn cho cả động vật, thực vật, và họ gọi sự sáng tạo đó là “nhân cách hóa” trong văn thơ nhạc của mình.
Ví dụ như hôm nay, nhà thơ Trần Trung Đạo đã nhân cách hóa cho cây đa ở chùa Viên Giác thành người tri kỷ năm xưa. Phải chăng cây đa ấy phải có linh hồn mới “làm bạn vỗ về giấc ngủ”, mới “vàng thương nhớ” khi Trần Trung Đạo ra đi, xa nhau mười hai năm chẵn không về.

Bài thơ “Nhớ cây Đa Chùa Viên Giác” đã dựng cây đa lên thành một hình tượng, biểu hiện hình ảnh song thân mình trong lòng người thi sĩ. Thi sĩ thương nhớ đa chẳng khác chi Kiều đã  khóc trên “lầu Ngưng Bích khóa xuân” vì nhớ mẹ nhớ cha: Sân lai cách mấy nắng mưa/ Có khi gốc tử đã vừa người ôm.

Hãy đọc hai khổ thơ đầu cúa bài thơ để thấy cây đa có linh hồn cúa nó, có tình yêu thương của nó, làm động lòng một cậu bé sống trong chùa:

Tôi chưa kịp trở về thăm Viên Giác
Mười hai năm bèo dạt bến sông đời
Cây đa cũ chắc đã già hơn trước
Biết có còn rụng lá xuống sân tôi

Ðời lưu lạc tôi đi hoài không nghỉ
Ðể niềm đau chảy suốt những mùa thu
Thời thơ ấu cây đa già tri kỷ
Vẫn còn đây trong ký ức xa mù

Chỉ đọc hai khổ thơ trên, ta đủ thấy một cuộc chia ly đã xảy ra trong nghẹn ngào, trong nước mắt. Người ra đi nhớ cây đa như nhớ đến những người thân yêu nhất đời mình.

Người ra đi nhắc dến cây đa rụng lá, như gián tiếp vẽ trong hồn ta hai hình ảnh: Một hình ảnh thân thương biết bao nhiêu khi cây đa “rụng lá xuống sân tôi” và có tôi ở đó. Một hình ảnh ảm đạm buồn hiu hắt biết bao nhiêu khi cây đa “Rụng lá xuống sân tôi”  mà tôi đã “Bèo dạt bến sông đời”.

Nhà thơ còn cho biết “Thời thơ ấu cây đa già tri kỷ” khơi gợi trong lòng ta sự yêu thích lắng nghe, lắng nghe những kỷ niệm êm đềm  giữa người và đa mà thi nhân sẽ kể:

Tôi khổ cực từ khi cha mất sớm
Nên bà con thân thuộc cũng xa dần
Khi tôi khóc, đa đau từng cuống lá
Khi tôi cười, xào xạc tiếng quen thân

Ða làm mẹ vỗ về tôi giấc ngủ
Ða làm cha che mát những trưa hè
Ða làm bạn quây quần khi rảnh rỗi
Ða làm người chơn thật chẳng khen chê

Đa không chỉ làm cha, làm mẹ của thi nhân, mà niềm đau của đa còn cao hơn niềm đau của cha mẹ khi thi nhân buồn: “Khi tôi khóc, đa đau từng cuống lá”. Ngược lại, miềm vui của đa còn cao hơn niềm vui của cha mẹ khi thi nhân cười: “Khi tôi cười, xào xạc tiếng thân quen”.

Cây đa của Trần Trung Đạo trở thành cây nhân cách trong thơ, đã cho đứa trẻ nương bóng cửa chùa học được một nhân cách sống ung dung, tự tại và vị tha vô cùng: “Đa làm bạn quây quần khi rảnh rổi/ Đa làm người chơn thật chẳng khen chê”

Hai khổ thơ tràn đầy sự thân ái, sự thắm thiết giữa đa và người. Đọc thơ ta thấy bóng mát đa trùm lên cả cuộc đời bình an của đứa trẻ cho đưa trẻ từ cái lớn nhất là tình thương vô đối đến cái nhỏ nhất là từng chiếc lá rơi vào lòng êm ái.

Thế nhưng đọc khổ thơ sau, khó ai mà không rơi nước mắt. Đứa trẻ trong chùa không có thứ tình yêu cha mẹ, nên dùng đa để bù đắp thứ tình kia. Cô đơn biết bao khi mỗi buổi sáng đứa trẻ phải một mình ôm chổi quét nỗi cô đơn của đời mình. Điều đó có khác chi ôm hình nộm vào lòng để thương tưởng người thân:

Mỗi buổi sáng tôi một mình ôm chổi
Quét lá vàng như quét nỗi cô đơn
Lá vẫn rụng khi mỗi mùa thu tới
Như đời tôi tiếp nối chuyện đau buồn

Mùa thu thì buồn. Hình như đời tác giả có nhiều mùa thu buồn lắm. Hay tâm hồn tác giả luôn là mùa thu? Cho nên tác giả đã than “Để niềm đau chảy suốt những mùa thu” nghe buồn não nuột. Đau thay. nhà thơ thiếu mọi tình thương yêu, chỉ có cây đa nhận làm người thân ái, mà cũng phải chia ly trong “Một chiều thu tôi lạy Phật ra đi”:

Chùa thanh tịnh chẳng dung hồn lữ thứ
Một chiều thu tôi lạy Phật ra đi
Bỏ lại tiếng chuông chùa vang khuya sớm
Cây đa già đứng lặng khóc chia ly

Ðường tôi qua đã không còn bóng mát
Ngày nhọc nhằn mưa lũ xuống đêm khuya
Ða ở lại âm thầm ru khúc hát
Ngậm ngùi buông theo mỗi tiếng chuông chiều

Nhà thơ ra đi, vụt khỏi bóng mát đa như vụt khỏi tay cha mẹ.
Tiếng khóc của người thành thơ và tiếng khóc của đa thành khúc hát âm thầm “ngậm ngùi buông theo mỗi tiếng chuông chiều”
Hai khổ thơ thẩm thấu vào lòng nỗi hiu quạnh cô đơn của đa và người. Người cô dơn, lang thang nơi viễn xứ, đa âm thầm rơi lá, hát ru hời trong sân chùa vắng vẻ đã 12 năm qua trong nỗi đợi chờ.

Rồi thì Trần Trung Đạo hứa hẹn một ngày về lại với đa. Nghe lời hứa càng thêm buồn. Người về đâu ở lại cùng đa, chỉ để kể cho đa nghe “Chuyện trầm luân của kiếp người” rồi lại ra đi. Đa sẽ ở lại, sẽ không còn hy vọng bên nhau, sẽ cô đơn, sẽ “hát bài đồng dao muôn thuở” để cho “Nhạc thu buồn nước mắt chảy trong đêm”

Ða thân mến dẫu có vàng thương nhớ
Cũng xin đừng gục xuống dưới sân tôi
Xin cố đứng để chờ nghe tôi kể
Chuyện trầm luân của một kiếp con người

Tôi sẽ đến ngôi chùa xưa Viên Giác
Nhặt mảnh đời rơi rớt ở đâu đây
Ôi thằng bé nghèo nàn xưa đã lớn
Ði làm người du thực ở phương tây

Tôi viết nốt những bài thơ dang dở
Vá tình người rách nát thuở hoa niên
Ða sẽ hát bài đồng dao muôn thuở
Nhạc thu buồn nước mắt chảy trong đêm

Cây đa là hình ảnh thân yêu mang kỷ niệm đẹp được vào thơ rất nhiều. Bài thơ “Nhớ Cây Đa ở Chùa Viên Giác” cũng nói về kỷ niệm tuổi thơ, nhưng hình như, trong kỷ niệm êm đềm đó luôn mang theo cùng nó một nỗi đau âm ỉ trong lòng. Cây đa có linh hồn mẹ cha che chở cho con, nhưng cái linh hồn đó chỉ nằm trong ảo giác của thi nhân.

Chính vì điều đó bài thơ “Cây Đa ở Chùa Viên Giác” không cho ta những cảm xúc êm ái, mà cho ta cảm nhận hết sự cô đơn của một đời người, làm cho con tim ta rung động bởi sự xót xa của chia ly, nỗi đắng cay của một  kiếp người. Kiếp người ấy là chính Trần Trung Đạo có “Niềm đau chạy suốt những mùa thu”.

                                                                                       Châu Thạch


   
                        Nhà thơ Trần Trung Ðạo


NHỚ CÂY ÐA CHÙA VIÊN GIÁC

Tôi chưa kịp trở về thăm Viên Giác
Mười hai năm bèo dạt bến sông đời
Cây đa cũ chắc đã già hơn trước
Biết có còn rụng lá xuống sân tôi

Ðời lưu lạc tôi đi hoài không nghỉ
Ðể niềm đau chảy suốt những mùa thu
Thời thơ ấu cây đa già tri kỷ
Vẫn còn đây trong ký ức xa mù

Tôi khổ cực từ khi cha mất sớm
Nên bà con thân thuộc cũng xa dần
Khi tôi khóc, đa đau từng cuống lá
Khi tôi cười, xào xạc tiếng quen thân

Ða làm mẹ vỗ về tôi giấc ngủ
Ða làm cha che mát những trưa hè
Ða làm bạn quây quần khi rảnh rỗi
Ða làm người chơn thật chẳng khen chê

Mỗi buổi sáng tôi một mình ôm chổi
Quét lá vàng như quét nỗi cô đơn
Lá vẫn rụng khi mỗi mùa thu tới
Như đời tôi tiếp nối chuyện đau buồn

Chùa thanh tịnh chẳng dung hồn lữ thứ
Một chiều thu tôi lạy Phật ra đi
Bỏ lại tiếng chuông chùa vang khuya sớm
Cây đa già đứng lặng khóc chia ly

Ðường tôi qua đã không còn bóng mát
Ngày nhọc nhằn mưa lũ xuống đêm khuya
Ða ở lại âm thầm ru khúc hát
Ngậm ngùi buông theo mỗi tiếng chuông chiều

Ða thân mến dẫu có vàng thương nhớ
Cũng xin đừng gục xuống dưới sân tôi
Xin cố đứng để chờ nghe tôi kể
Chuyện trầm luân của một kiếp con người

Tôi sẽ đến ngôi chùa xưa Viên Giác
Nhặt mảnh đời rơi rớt ở đâu đây
Ôi thằng bé nghèo nàn xưa đã lớn
Ði làm người du thực ở phương tây

Tôi viết nốt những bài thơ dang dở
Vá tình người rách nát thuở hoa niên
Ða sẽ hát bài đồng dao muôn thuở
Nhạc thu buồn nước mắt chảy trong đêm.

                                      Trần Trung Ðạo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ