Trang

Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019

“BINH THƯ YẾU LƯỢC” CỦA TRẦN HƯNG ĐẠO BÀN VỀ PHÉP HÀNH QUÂN - Trịnh Sinh


                   Đền thờ Trần Hưng Đạo tại Kiếp Bạc, Hải Dương. Ảnh: Trịnh  Sinh


“BINH THƯ YẾU LƯỢC” CỦA TRẦN HƯNG ĐẠO BÀN VỀ PHÉP HÀNH QUÂN 
                                                                                    Trịnh Sinh

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là vị tướng đại tài trong lịch sử dân tộc. Ông không những có công đuổi giặc Nguyên Mông ra khỏi bờ cõi nước ta, mà còn là một nhà văn kiệt xuất với áng văn bất hủ “Hịch tướng sĩ” (nguyên văn chữ Hán là Dụ Chư Tỳ tướng hịch văn) làm nức lòng quân dân Đại Việt trong lúc thế giặc mạnh như chẻ tre.

Vào năm 1284, Thoát Hoan chỉ huy quân Nguyên Mông xâm lược nước ta đã chiếm được ải Chi Lăng, quân ta phải lui binh về Vạn Kiếp. Vua Trần Nhân Tông đã phải mời Trần Hưng Đạo đến để hỏi ý kiến nên đánh hay nên hàng: “Thế giặc to như vậy, mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay là trẫm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân?”. Trần Hưng Đạo đã quyết tâm chiến đấu: “Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng tôn miếu xã tắc thì sao? Nếu bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã, rồi sau hãy hàng”. Nhờ đó mà Trần Nhân Tông cũng quyết tâm cùng quân dân đi đến cùng của cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai và thắng lợi. Cũng một phần nhờ tài năng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn mà quần tụ được 20 vạn quân sĩ ở Vạn Kiếp và khích lệ quân sĩ bằng “Hịch tướng sĩ”. Trong dịp này, Trần Hưng Đạo cũng viết sách “Binh thư yếu lược” để cho quân tướng của mình biết các binh pháp đối phó với giặc. Cuối cùng, quân ta đã đại thắng trong cuộc chiến lần thứ hai.

Mùa Xuân năm 1287, quân Nguyên Mông lại rầm rộ kéo sang nước ta với lực lượng đông hơn với quân Mông Cổ, quân Hán Nam (Nam Trung Quốc), Giang Hoài, Giang Tây, Hồ Quảng, Vân Nam, đảo Hải Nam hợp lại dưới sự chỉ huy của Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp. Vua Trần lại hỏi ý kiến Trần Hưng Đạo: “Giặc tới, liệu tình hình thế nào?”. Trần Hưng Đạo đã ung dung trả lời: “Năm nay đánh giặc nhàn” (Đại Việt sử ký toàn thư). Mà quả vậy, cuộc chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ ba lại càng oai hùng hơn với chiến thắng Bạch Đằng, trong đó, chủ tướng Thoát Hoan phải “chui ống đồng” mới có thể thoát về bên kia biên giới. Nguyên nhân thắng trận là nhờ dân ta vô cùng anh dũng, nhưng hơn hết là thiên tài quân sự của Trần Hưng Đạo. Chính “Binh thư yếu lược” là tự tay Trần Hưng Đạo viết ra trong lúc chuẩn bị đánh Nguyên Mông lần thứ? hai và lần thứ ba. Trong “Hịch tướng sĩ”, Trần Hưng Đạo nói: “Nay ta chọn lọc binh pháp các nhà hợp thành một quyển, gọi là Binh thư yếu lược. Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này, theo lời ta dạy bảo, thì trọn đời là thần tử; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời ta dạy bảo thì trọn đời là nghịch thù”.

Tuy vậy, bộ sách này hiện nay không còn nguyên bản. Một bản “Binh thư yếu lược” viết tay bằng chữ Hán, lưu trữ ở Viện Thông tin khoa học xã hội được cho là nội dung gần giống với bản gốc, nhưng cũng còn gây ra tranh luận vì nhiều đoạn khá giống với “Hổ trướng khu cơ” của Đào Duy Từ; một số đoạn lại cho thấy sách này có nói đến những sự kiện của thời đầu Nguyễn. Dẫu sao, đây cũng là di sản của binh pháp cổ đại Việt Nam, mà người viết đầu tiên chính là Trần Hưng Đạo, sau đó có sự “tam sao thất bản” hay thêm thắt vào cũng là vấn đề khoa học cần được giám định dài lâu.

Một trong những chương quan trọng có tên là “Hành quân” nằm ở quyển II trong bộ sách 4 quyển của Trần Hưng Đạo, giúp cho chúng ta hình dung được cách hành quân xưa. Trước tiên, phải có đội du binh (mà ngày nay gọi là lính trinh sát), mỗi đội phái ra mỗi đạo 9 người, chia làm 3 nhóm cách nhau ước một tầm trông (tức là vẫn còn trông được thấy nhau). Sai người lên cao mà quan sát hay leo cây mà trông thấy rõ quân địch nhiều hay ít, chuyển về kíp báo. Đến ngày xuất quân, chọn giờ lành, lấy tù và thổi 3 hồi thì quân cầm khí giới, 1 tiếng chiêng thì quân bày hàng ngồi, đánh 3 tiếng trống thì đứng dậy, đánh 3 tiếng la đồng thì dựng cờ, 3 tiếng trống lớn thì đi. Tiếng trống đánh thưa thì đi thong thả, đánh mau thì đi nhanh, đến nơi dừng nghỉ thì đánh 3 tiếng rất gấp.

Đến điểm dừng thì trống điểm 2 tiếng gấp, quân đi trước dừng lại, đánh 6 tiếng thì quân đi sau đến hết. Điều này chứng tỏ người xưa dùng âm thanh của các nhạc khí như tù và, chiêng, trống, la đồng để làm hiệu lệnh cho cuộc hành quân. Khi quân đi, mỗi toán cách nhau khoảng 1 tầm tên bắn. Quân đi theo hàng đôi mà tiến. Khi gặp địch thì dùng cờ để bày trận: Tiến quân thì cờ đỏ, tả quân cờ xanh, hữu quân cờ trắng, trung quân cờ vàng, hậu quân cờ đen. Việc dùng cờ để bày trận cũng là một đặc điểm giúp cho chỉnh tề hàng ngũ khiến ba quân như một người. Quân đi một ngày 30 dặm thì nghỉ để ngừa sự chẳng ngờ. Khi dừng thì vững như núi không thể chuyển, khi tiến thì nhanh như gió không thể theo.

Cách hành quân có trật tự như vậy đã chứng tỏ lính Đại Việt là một quân đội có kỷ cương, được học binh pháp. Cùng với sự tài giỏi cầm quân của Trần Hưng Đạo thì kinh nghiệm nhiều năm phải đối phó quân đội phương Bắc đã đúc rút được nhiều bài học quý báu, khiến cho đội quân thiện chiến Nguyên Mông phải tan tác. Binh thư giúp cho quân đội nhà Trần đánh giặc có bài bản hơn. Nhưng nhiều khi cách đánh đầy sáng tạo của quân dân ta cộng với sự quả cảm của một quân đội từ nhân dân mà ra mới là quan trọng nhất mà không một cuốn binh thư nào dạy hết nhẽ, đã làm nên các chiến công hiển hách.

 
  Tranh dân gian Đông Hồ vẽ Trần Hưng Đạo. Ảnh: Trịnh Sinh

Năm 1300, khi Trần Hưng Đạo bị bệnh nặng, vua Trần Anh Tông đến thăm ông tại Vạn Kiếp và hỏi kế sách giữ nước. Ông đã dặn dò: “Đại khái quân giặc cậy vào trường trận, quân ta cậy vào đoản binh, đem đoản binh đánh lại trường trận là việc thường trong binh pháp. Nhưng cần phải xét: Nếu thấy quân giặc tràn sang như gió, như lửa, thì thế giặc có thể dễ dàng chống cự được; nếu giặc dùng cách chiếm cứ dần, như tằm ăn dâu, không vơ vét của dân, không mong đánh được ngay, thì mình phải dùng tướng giỏi, phải xem xét tình thế biến chuyển như người đánh cờ tùy thời cơ mà ứng biến cho đúng, làm thế nào thu hút được quân lính, như cha con một nhà mới có thể chiến thắng được. Và phải khoan dùng sức dân để làm cái kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước không còn gì hơn”.

Người giỏi về binh pháp, lại biết được cách dùng sức dân làm cái kế sâu rễ bền gốc, đã là vị anh hùng được người Việt tôn vinh qua câu tục ngữ “Tháng Tám giỗ cha (Trần Hưng Đạo mất vào tháng Tám), tháng Ba giỗ mẹ” và có đền thờ ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam.

                                                                            Giáo sư Trịnh Sinh


Nguồn:
http://www.bienphong.com.vn/binh-thu-yeu-luoc-cua-tran-hung-dao-ban-ve-phep-hanh-quan/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ