Nguồn:
http://www.trankiemdoan.net/van/taptruyen/chuyenkhao/ckvh_muahue.htm
MƯA
HUẾ
Hơn hai mươi
năm tôi mới được nhìn lại một cơn mưa tầm tã đầu mùa của Sài Gòn.
Mưa Sài Gòn đến và đi hối hả với vẻ tất bật, rộn ràng
và tình cờ ghé lại. Hiền như mưa trên phố ! Cứ đi với mưa, sẽ nghe được tiếng
mưa vui trong lòng, mưa reo rào rạt bên hè phố, mưa xao xác trên mái ngói, mưa
lách tách trên mái tôn. Những sợi mưa chiều Sài Gòn chênh chếch, bạc trắng giữa
không gian, xanh mờ qua cây lá và vàng nhạt, long lanh quanh ánh đèn đường.
Bên trời Tây, mưa rớt trên dù trơn và áo khoác, mưa và
người ngỡ như gần mà xa nhau mất hút. Mưa bên Mỹ giọt trên trần xe, vỡ òa trên
quạt nước – những cái quạt nước chỉ quen xua đi mà không bao giờ níu lại những
nỗi nhớ mơ hồ trước mắt. Mưa Sài Gòn vội vàng đến hồn nhiên rơi trên tóc mướt,
đậu trên mi cong, sà trên môi ấm. Mưa Hà Nội là mưa riêu riêu, có gió lành lạnh,
có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn
xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô con gái đẹp như… những giọt mưa Ngâu của
Vũ Bằng trong “Thương nhớ mười hai”. Mưa Huế thì triền miên, khi đến cũng âm thầm
như lúc đi và khi đi cũng lặng lẽ như lúc về nên chẳng có ai nghe. Mưa như rây
hạt trên thành phố, buồn đến tím lịm.
Đi xa… xa tới những phương trời mưa khác; về lại, mới
thấy vẻ diệu kỳ của dáng mưa Việt Nam.
Mưa Nam, mưa Bắc, mưa Trung đã gắn chặt với con người
và phong thổ; có nỗi vui buồn trong lòng và cảm giác mơn man se lạnh trên da thịt.
Tôi đã về lại và ra đi trong mưa, những cơn mưa dầm của
Huế, để nghe hết cái “điệu buồn mưa nắng Nam Ai”. Điệu buồn của Huế, mùa hè,
thường xuôi mái dòng sông và mùa Đông, hay treo lơ lững trên những tầng mây màu
đục.
o0o
Theo thời gian, con người và kỷ niệm rất hồng buổi sớm
và chợt tím buổi chiều của một thời đã ngả màu rêu phong vì những cơn mưa Huế.
Tôi xa Huế biệt tăm dàng cá, rồi lửng thửng về lại trong những ngày cuối hè đầu
thu lác đác mưa Ngâu.
Những cơn mưa nho nhỏ đầu mùa của Huế làm tôi nhớ lại
một câu bình luận về thời tiết của Huế “mộng mơ” nhất từ xưa tới nay từ một nhà
sư Trung Hoa nức tiếng uyên thâm, đó là hòa thượng Thích Đại Sán, hay còn có
phương danh khác là Thạch Liêm Lão Hòa Thượng. Ông được mời đến Huế như một bậc
danh sư đại thượng khách thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Trong Hải Ngoại
Ký Sự, ông viết về thời tiết Huế : “Tứ thời
giai thị hạ, nhất vũ tiệm thành đông”, nghĩa là : “Bốn mùa đều là mùa hạ, (chỉ cần) một cơn mưa là từ từ biến thành mùa
đông”. Điều tôi cứ băn khoăn hoài không phải vì câu nhận xét chẳng trúng trật
vào đâu về mặt địa lý học, khí tượng học, cũng như về thực tế. Nhưng băn khoăn
là vì non ba thế kỷ qua, lại có quá lắm người bê nguyên nhận xét đó làm căn bản
cho kiến thức “Huế học” của mình. Điều
đáng “ớn lạnh” là biết đâu lại không
có một ông thầy ngoại quốc nổi tiếng khác ghé chơi, vui miệng, nói đại khái như
“đông ngâm bạch tuyết thi” chẳng hạn,
không lẽ bà con mình lại vác mền chiếu ra bến Thương Bạc chờ tuyết rơi lả tả mà
ngâm thơ Đỗ Phủ, quên mất thực tế có vầng trăng soi trên sông, đang chờ tiếng
ngân nga của những câu Nam Ai, Nam Bình thất lạc (!).Huế không có hiện tượng “nhất vũ” nào cả mà chỉ có mùa xuân mưa
bấc, mùa hạ mưa giông, mùa thu mưa ngâu, đầu đông mưa lũ, cuối đông mưa dầm. Huế
lại càng không có “tứ thời giai thị hạ”
mà lại có bốn mùa rõ rệt : Xuân xanh, hạ trắng, đông xám, thu vàng.
Đừng nghe nói về Huế, cứ sống một giờ với Huế. Ngôn ngữ
tuyệt vời nhất dành cho Huế là im lặng và cảm nhận. Nhìn Huế qua ống kính máy
thu hình, hiểu Huế qua chữ nghĩa sẽ chỉ thấy màu phôi pha và nghe tiếng thở dài
của thành quách rêu phong
Có lẽ đã một thời tôi dửng dưng đi trong mưa Huế như
đã vô tình bơi lội trong những giòng sông quê hương ngỡ như khi xa rồi cũng chẳng
còn chi lưu luyến, cho đến khi mất đi và tìm lại…
Mưa
Huế !
Nếu vào những buổi chiều đầu mùa Thu nào đó ở Huế, có
những đàn chim bay xao xác từ phía biển lên rừng trên bầu trời đã lãng đãng có
mây hồng lam pha sắc tím, đó là khi trời Huế đang chuyển sang mùa mưa.
Sau những cơn mưa giông hiếm hoi vào cuối mùa Hạ “mưa tháng sáu, máu rồng” là những cơn
mưa đầu mùa Thu e dè và rón rén như gió heo mây. Mưa về chiều và thường khi rả
rích qua đêm, có giọt ngắn giọt dài là cho người ta ví von với giọt nước mắt rấm
rức, chia biệt của Ngưu Lang, Chức Nữ bên bờ sông Ngân.
Thường khi sau đêm Trung Thu là đêm có ánh trăng sáng
vằng vặc với bầu trời cao và rõ nhất trong năm, Huế chuyển mình giao mùa và mưa
giông bắt đầu về với Huế.
Huế có hai nguồn nước lũ chính là nguồn Dinh và nguồn
Bồ. Nguồn Dinh từ thượng nguồn sông Hương trên dãy Trường Sơn chảy dài ra tới
biển và nguồn Bồ cũng xuất phát từ dãy Trường Sơn trùng điệp. Chảy theo sông Bồ
thuộc quận Hương Trà, rồi cuối nguồn cũng giáp với sông Hương trôi ra biển. Những
năm lụt nguồn Dinh, dáng hiền từ của sông Hương biến mất trong lớp cuồng lưu của
giòng thác lũ phù sa cuồn cuộn, bứt phá, lạnh lùng cuốn phăng tất cả những chướng
ngại trên đường băng băng trôi ra biển. Những đêm trời lụt khi gió mưa vừa tạnh,
tiếng cuồng lưu đổ ra đại dương từ cửa Thuận An vọng về theo điệu trầm hùng
nghe âm vang như lòng đất trở mình.
Có những vạt nắng riêng trong trời nắng thì cũng có những
cơn mưa riêng trong trời mưa. Ai đã từng đi dưới trời mưa dầm của Huế vào lúc
chiều tối hay về đêm mới cảm nhận được cái ớn lạnh của những cơn mưa lạ : “Mưa lá” hay “mưa rùng mình” nơi đây. Trời Đông lạnh căm căm, đang đi dưới những
tàng cây xanh sũng nước mưa, bỗng nghe tiếng gió ào qua biển lá, rồi cả một khối
mưa nặng hạt rơi ụp xuống trên đầu. Vô số mảnh nước động trên lá sẵn chờ gió
lay, ồ ạt rơi xuống phủ lấy mặt đường trong thoáng gió đi qua. Tiếng lá ướt xào
xạc kéo dài trong gió, nghe như tiếng thở dài kỳ bí của hồn mưa.
Trong nếp sống trầm trầm, êm ả quanh năm. Mưa nguồn và
nước lũ đầu mùa thường mang lại cho Huế một cảm giác mạnh, bứt phá và chia sẻ.
Trong nỗi lo “mưa sa, nước sỉa” con người
phường trên, xóm dưới dễ tìm thấy tình người gần lại và một cảm giác thuộc về,
trong mối tương cảm đồng thuyền đồng hội.
Nước lụt tràn về giúp san phẳng hay che kín một phần
những lằn ranh giai cấp.
Những dị đồng bon chen rải rác trên đường và chập chờn
đầu ngõ sẽ nằm sâu trong nước bạc. Nhìn biển nước dâng lên không phân chia ranh
giới, người ta sẽ cảm thấy cần nhau hơn nên nhìn nhau mĩm cười dễ dãi.
Với tuổi trẻ, rủ nhau đi lội nước lụt là một thú vui
không hẹn trước. Con đường đi xe đạp hôm nào, giờ chìm trong hồ nước mênh mông
sau những trận mưa ào ạt. Tiếng chân bì bõm lội nước, tiếng cười vang rộn rã của
từng nhóm mang vẻ dập dìu, làm dáng một cách hồn nhiên. Có một lần đi lửng thửng với cô em chợ Xép
trên bờ biển Atlantic ở New Jersey, nhìn những nhóm tuồi trẻ đua nhau giỡn sóng
ven bờ, tôi bỗng thấy có một vẻ gì giông giống với tuổi trẻ mình ngày xưa trong
những ngày đi lội nước lụt. Dưới nắng chói chang mà biển Đại Tây Dương sóng lớn
quá và nước lạnh như băng giống nước lụt của Huế, ít người tắm nổi. Ngày đó, mặc
cho trời cứ hành cơn lụt, tuổi trẻ cũng cứ vui, cứ cười, cứ muốn khoe cái dáng
vóc mượt mà nghìn năm tôn nữ…
Những cơn chớp bể, mưa nguồn của Huế thường nhẹ dần
cho đến cuối tháng Mười, khi mà “Bà Trời
Huế”, có lẽ lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng trong năm, lấn quyền đức
lang quân để ra uy :
Ông
tha mà Bà chẳng tha,
Bà
làm cái lụt hăm ba tháng mười.
Cái uy của người đàn bà Huế là thế đó: Giơ cao đánh sẻ.
Vì vậy, cơn lụt hăm ba tháng mười thường là cơn lụt nhẹ nhất trong năm. Tuy
cũng có mưa nguồn và nước lũ, nhưng không có cuồng lưu, mà chỉ có những cơn mưa
trên đồng vắng và những giòng nước bạc uốn éo dưới chân cầu.
Sau mùa Thu mưa Ngâu và mưa lụt, Huế đi vào mùa Đông.
Đây mới thực sự là thời gian mưa Huế.
Mưa
Huế
Mưa Huế là sự đối xử khắc nghiệt, vừa là sự cầm chân vỗ
về của bà Mẹ Thiên Nhiên dành cho Huế. Vì vậy, đối với người Huế cũng như khách
Huế, cái mưa rây hạt triền miên, man man vô tuyệt kỳ, bất tri hà xứ tận của Huế
là một cái gì vừa đáng yêu, vừa đáng
ghét một cách rất… Huế. Nó vừa là sức hãm, vừa là sức bật của đời sống tinh thần.
Mưa không nhỏ, mưa không to mà rây rây muôn ngàn sợi như từ tay của bà tiên hiền
dịu mà lạng lùng, siêng năng một cách dai dẳng đang giữ kho nước vô tận trên trời,
không ăn không ngủ đang liên tục vẫy nước xuống trần gian. Những cơn mưa có thể
vài ba ngày hay kéo dài hàng tuần, có khi non cả tháng. Mưa mọc rêu trên thành,
mưa dầm dè úng đất, mưa se da se thịt, mưa héo úa tâm hồn. Bầu trời trắng đục
sà xuống thấp ngang tầm ngọn cau. Núi đồi, sông biển, ruộng đồng, nhà cửa, vườn
tược, đường sá… đều lướt thướt trong mưa. Cùng về với mưa là cái lạnh mùa Đông,
đó là cái lạnh tê buốt của mưa dầm gió bấc. Không khí như đóng băng, chim không
dám rời tổ, lá sợ lìa cành, người tìm nhau sưởi ấm.
Cũng lạ lùng như những con chim trốn tuyết vùng Bắc Cực
xây “tình yêu và tổ ấm” bằng tuyết
ngay trên những biển tuyết bao la, Huế đã tự hiển hiện vẻ “nên thơ” riêng từ
trong cảnh trầm lắng dưới những cơn mưa dầm ngút mắt không hạn kỳ đó.
Huế trong mưa đã thu mình lại, biến thành một thế giới
nhỏ. Thế giới mà chỉ có cái tình mới đủ sự nồng nàn sưởi ấm cho nhau. Bên
ngoài, đường sá vắng hoe.
Trong căn nhà im lìm trốn lạnh giữa khu rừng lá long
lanh nước mưa, là mái ấm gia đình với những người muốn co người lại với nhau thật
nhỏ. từ trong cái vỏ mùa Đông, con người tha hồ để cho ước mơ bay xa vào những
khung trời lồng lộng nắng ấm. Tâm hồn người Huế đã thành “tha phương” từ trong những cơn mưa.
Mưa là một kho tàng kỷ niệm êm đềm của ngày mới lớn.
Dám “đội mưa mà
đi” Dù chỉ để gặp và nói bâng quơ, nhưng đôi môi tím lạnh, đôi má sủng nước
mưa, đôi mi ướt đầm bụi nước và nét cười đầy nắng trong mưa đã nói nhiều hơn một
lời tỏ tình và ẩn chưa sâu hơn một lời hò hẹn. Cái đợi tình tự thâm trầm nhất của
Huế có nghĩa là đợi trong mưa dầm; và cái hẹn da diết nhất của Huế là đợi chờ
trong tiết lạnh cắt da gió bấc. Bởi vậy, tình yêu và đam mê của Huế rất “chật
chỗ” cho nguồn tình cảm lửa rơm dễ cháy và dễ tắt mùa hè.
Mưa cũng là thử thách tình cảm cho những bước truân
chuyên.
Trong cảnh cô đơn hay giữa những tháng ngày trông tin
biền biệt của người thân, những cơn mưa bất tận của Huế dễ làm héo úa lòng người.
Rất lạ là trong cùng tận nỗi buồn theo mưa, nỗi ước mơ thường lớn hơn niềm tuyệt
vọng.
Mưa đã góp phần không nhỏ vào sự hình thành nếp sống
tình cảm, phong thái sinh hoạt, cảm quan nghệ thuật và nét văn hoá đặc thù của
Huế. Mưa như một viên trọng tài khắc nghiệt cố treo chân những cầu thủ linh hoạt,
bao sân. Mưa Huế đã bó chân những tâm hồn Huế bão nổi trong thế giới hạn hẹp của
gia đình, bằng hữu.
Mưa đã làm chậm lại hay làm lắng đọng những giai điệu
dập dồn của nguồn tình cảm sôi nổi. Mưa ngăn những phát triển bề rộng nên tình
cảm tự nhiên của Huế có khuynh hướng lắng vào bề sâu : Thầm trầm, lặng lẽ và
kín đáo. Bởi vậy, khách phương xa đến Huế thường đi từ cảm giác ngán ngẩm “Trời mưa ở Huế sao buồn thế” và dần dần
yêu cái “nên thơ” của mưa Huế lúc nào
không hay. Từ Nguyễn Du đến Nguyễn Bính, Văn Cao, Hải Bằng, Huy Cận… đều buồn;
buồn man mác hay buồn đến lịm người trong cơn mưa Huế, nhưng đều muốn cầm vài sợi
mưa Huế lúc ra đi:
Khi
ra đi có cái gì luyến tiếc
Không
được cầm mưa như hành lý để chia tay.
(Hải Bằng –
Mưa Huế)
Nguyễn Mộng Giác, từ bên kia phía đèo Hải Vân đến Huế,
“chí lớn không đầy mắt mỹ nhân” nên
đã bị tóc mai của giai nhân cột chân lại trong cái mưa dầm của Huế:
“Mưa tê tái, mưa lạnh lùng. Nhưng ngay trong
cái tê tái nhợt nhạt ấy, Huế vẫn cứ thơ…Tình yêu của Huế thật sự không cần cầu
viện đến nắng vàng, trời trong, mây xanh. Ủ dột u ám cũng có nét đẹp của nó.”
(Nhớ
Huế, 1995)
Mỗi người Huế có một mùa mưa riêng trong trí nhớ đã
thành kỷ niệm, được xếp kỷ trong đáy va-li lúc ra đi. Tôi không nhớ rõ một tác
giả nào đó đã viết rằng, quê hương có nhiều giòng sông, nhưng chỉ có một giòng
sông để thương nhớ; và mỗi người có thể có nhiều mối tình, nhưng chỉ có một mối
tình để mang theo. Có lẽ vì thế mà có những cơn mưa khó tạnh trong lòng.
Nếu có chăng mưa Huế đã tạo ra đối cực trong mỗi tâm hồn
Huế thì sự mâu thuẫn đó là hai mặt “nóng
lạnh” cần thiết tiềm ẩn trong mỗi con người. Cho nên, lãng mạn và cách mạng
không phải là hai mặt mâu thuẩn, mà trái lại, là một sự kết hợp hài hòa trong
phong cách của Huế.
Với Huế, dám lãng mạn đã là cách mạng rồi đó. Và, dám
làm cách mạng là phải cực kỳ lãng mạn mới đủ ngọn sóng trào mà bứt phá những
ràng buộc xưa như cổ thành, xây bằng hàng hàng lớp lớp những viên gạch vồ của đất
lề quê thói. Nếu cách mạng mà không lãng mạn thì không còn là Huế nữa.
“Huế
thơ”, có lẽ một phần cũng nhờ những người tiền phong khai
phá Huế đã tìm được một sự quân bình giữa hai đối cực. Xa… rất xa, Huế có Tây
là Trường Sơn và Đông là Nam Hải. giữa lưng chừng có sông Hương lưu thủy và núi
Ngự bình phong. Và, rất gần, có tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ. Bên cạnh “mưa úng đất”
có “hạn bà chằn”. Sự quân bình phong thổ đó đã xây dựng nên phong cách riêng của
Huế.
Bởi vậy, Huế cần có Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương nức
tiếng tài hoa vương giả nhưng cũng cần có Đoàn Trưng, Đoàn Trực dám nổi loạn chống
lại triều đình. Huế cần Mặc Vân Thi Xã ngâm phong vịnh nguyệt lúc thanh bình;
nhưng cũng cần Thất Thủ Kinh Đô trong cơn binh lửa. Cũng như Huế cần có nem,
tré, chả lụa “ăn chơi”, bên cạnh bánh
khô, bánh nổ, bánh tét bánh tày, bánh đúc “ăn
thiệt”. Huế có hò Nện, hò Hô, Hò Giã gạo mạnh bạo đổ mồ hôi bên cạnh những
khúc ca Nam Ai, Nam Bình sầu thương đòi đoạn. Bên chiến nón bài thơ thanh tú và
tà áo trắng thướt tha của cô nữ sinh Đồng Khánh; thì cũng cần cái nón lá phong
sương và vạt áo dài nâu lam lũ của mấy o bán gánh dạo chè khuya, cơm hến, bún
bò… mới đủ những màu sắc và mùi vị cho hồn thơ của Huế. Chỉ nhìn thoáng qua, sẽ
rất dễ thấy dáng thơ nhưng khó thấy cái hồn của Huế. Cũng thế, thoáng nhìn mưa
Huế chỉ thấy nét trầm phai và ủ rủ; nhưng đã thực sống với Huế qua những mùa
Đông, sẽ thấy từ trong bụi trắng thinh không của mưa Huế có những nụ hồng và
hơi ấm của tình yêu, không phải chỉ là tình yêu lứa đôi mà nhiều thứ tình nồng
nàn góp lại.
Nếu mưa Huế cứ rơi rơi trên vùng trời Huế thì mưa
nghìn rơi cũng chỉ là mưa thôi. Nhưng mưa Huế đã rơi vào lòng những người qua
Huế thành những khung trời nhỏ, nên mưa hoài không tạnh và những cơn mưa trong
hồn cứ rây rây nhỏ hột lan ra xa khắp muôn phương. Người Huế hay bạn Huế tha
hương vẫn quen nhìn mưa trên đất khách qua cơn mưa của phương trời cũ cứ rả
rích rây hột trong lòng. Rồi chợt bất ngờ loanh quanh lẩn quẩn trên cái quả đất
bồng bềnh nầy, vẫn còn có một nơi mưa dầm một cách rất… Huế, đó là thành phố
Portland thuộc tiểu bang Oregon ở vùng cực Tây nước Mỹ. Nếu một buổi chiều mưa
tạnh, trời trong nào đó mà lên lên đỉnh núi Ngự Bình, ngó về hướng Đông Bắc sẽ
“thấy” thành phố Portland chị em với Huế nằm trong mưa, tận bên kia bờ Thái
Bình Dương. Mùa Xuân con Cọp năm nay, tôi ở lại Portland bốn ngày mà trời chỉ
có tạnh mưa chưa đầy hai tiếng đồng hồ. Tôi toan mở lời than van một tí thì đã
có “dân làng” xứ này an ủi rằng, gần cả tháng nay trời mới hanh nắng có đôi
ngày. Xóm Huế nơi thành phố Portland này chừng vài chục nhà. Có dịp ngồi lại với
nhau các “Huế kiều” có thể không đồng ý với nhau về nét đẹp trang đài của cầu
Trường Tiền và dáng đường bệ trang trọng của cầu treo Kim Môn (Golden Gate
Bridge), nhưng ai cũng nhận rằng mưa nơi đây sao mà giống mưa Huế lạ lùng. Mưa
giống Huế mà vẫn thấy một cái gì đó “không Huế” trong mưa. Một o Huế “chay” đưa ra giả thuyết :
- Chắc vì tiếng mưa rơi cũng bằng tiếng Mỹ chứ không
tí tách như tiếng mưa Việt Nam nên mình phải “dịch” tiếng mưa rơi ra tiếng mình mới thiệt là giống…!
Một “ôn” niên trưởng xóm Huế, có đôi mắt buồn rưng
rưng như râu bạc, góp lời:
- Người mình chi cũng phải đi theo bộ mới có ý nghĩa.
Như vật chầu thì có tứ linh long, ly, quy, phụng; hoa cũng phải theo bộ như
mai, lan, cúc, trúc ; nghề cũng cần theo bộ như ngư, tiều, canh, mục… thì mưa
chắc cũng phải theo “bộ” đại khái như
vũ, lôi, phong, thuỷ hay vũ, hàn, cô, tịch. Mưa Huế phải đi theo cùng tuyết lạnh,
với sự lẻ loi trong cảnh im vắng mới thật là thấm thía.
Nghe là lạ, mấy người xin “ôn” giải thích lại. Ông cụ
cười xòa, xua tay:
- Nhìn mưa mà nhớ quê nhà nên tôi mới “kiến” chuyện
nói bậy cho vui thôi mà, có trúng trật vào đâu mà phải nói đi nói lại.
o0o
Mưa đã tạnh. Trời sắp sáng. Huế đang tỉnh dần với tiếng
chuông sớm, vọng âm xa lắc không biết của chùa nào trong những ngôi chùa cổ
đang còn lưu dấu. Sau cơn mưa, trời sớm mai mát lạnh. Tôi vẫn thức với tiếng
khuông và hớp một chút chén nước chè xanh còn sót lại trong đêm. Tôi đã say sưa
nói chuyện một mình sau nửa đêm gần sáng về những giọt mưa, những cơn mưa, những
mùa mưa, và những đời mưa… đã rơi xuống, đã khô queo không lưu vết tích hay còn
làm ướt đẫm đời mình. Một cảm giác ngây ngây say nước chè xanh có miếng gừng
đâm nhỏ làm tôi có cảm tưởng như con tàu già say sóng nhỏ trên sông. Tôi cảm thấy
một chút vật vờ trong hơi mưa đã tạnh và nỗi nhớ mơ hồ về những vùng quê hương
khói sương lau lách. Ngồi nhìn nắng quê hương sau một đêm mưa, nắng lọc vàng trong
như hổ phách và lòng tôi cũng thiu thiu trong bình lặng. Tôi được ru trong nỗi
nhớ Huế, trong niềm ấp ủ của Sài gòn, trong ước mơ về Hà nội – những vùng quê
hương thân yêu mà khi về lại cứ ngỡ là ra đi, và khi đi mới thực là trở về. Quê
hương đó, đã xa bao nhiêu năm ròng mà cứ tưởng chừng như trận mưa chiều mới tạnh
đêm qua.
Trần Kiêm Đoàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ