Trang

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2019

VĂN HỌC SỬ: MỘT GÓC NHÌN MỚI VỀ NGUỒN GỐC CHÂN THỰC CỦA TRUYỆN KIỀU (tiếp theo) - Lê Nghị


         
                            Tác giả Lê Nghị


VĂN HỌC SỬ: MỘT GÓC NHÌN MỚI VỀ NGUỒN GỐC CHÂN THỰC CỦA TRUYỆN KIỀU (tiếp theo)
                                                                                               Lê Nghị

Nhiều người nghĩ rằng tôi bài Tàu nên đưa ra tư tưởng cực đoan: Nguyễn Du tự vẽ nên truyện Kiều! Thực ra các vị đó chưa đọc hết những gì tôi đã viết. Có tích mới dịch ra tuồng. Đó là kinh nghiệm lâu đời cha ông truyền lại, tôi làm sao quên!?
Khảo sát của tôi là xác định phần nào Nguyễn Du đã mượn để chế biến, phần nào là sáng tạo.

                                           Các bản in Truyện Kiều thời Tự Đức

Vì dễ lầm lẫn khi gọi tên Kim Vân Kiều truyện thơ của Nguyễn Du, (vốn nguyên thủy mang tên Đoạn Trường Tân Thanh sau bị đổi tên là Kim Vân Kiều truyện) với Kim Vân Kiều truyện văn xuôi của TT tài tử, nên trong bài này khi nói đến thơ là “Truyện Kiều” khi nói đến cuốn văn xuôi của Thanh Tâm tài tử là “KVKT”.

      

           
        Tiểu thuyết của Tàu (tác giả Thanh Tâm Tài Tử, dịch giả Nguyễn Duy Ngung)

Trong bài trước tôi nhắc đến mặt sử liệu, căn tích truyện Kiều được ghi chép: Minh Sử  + Mao Khôn + Từ Học Mô.
Về mặt tiểu thuyết, nếu chia truyện Kiều thành 3 phần : Phần đầu + đỉnh điểm + kết thúc thì các nhân vật có tên hoặc hành vi tương ứng với truyện Kiều, xuất hiện trong các tác phẩm trước Nguyễn Du:
Kịch Hổ Phách Chuỷ + truyện ngắn Vương Thuý Kiều + đoạn cuối truyện thơ Nôm Hoa Tiên.
Trong khi đó các Thanh Tâm Tài Tử lấy căn tích và kết cấu KVKT:
- Sử liệu: Mao Khôn.
- Tiểu thuyết: Thơ Kiều + Hổ Phách Chuỷ.

Chúng tôi phân tích vì sao các TT tài tử không biết đến sử liệu Vương Kiều Nhi của Từ Học Mô và truyện ngắn Vương Thuý Kiều của Dư Hoài.
Đây là một điểm quan trọng của việc đối chiếu văn bản để biết ai bắt chước ai.

Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du nói ngay bà Kiều họ Vương. KVKT cũng nói thế. Nhưng KVKT từ đầu đến cuối chỉ gọi nhân vật Hồ Tôn Hiến là Đốc Phủ hệt “Kỷ tiểu trừ Từ Hải bản mạt” của Mao Khôn.

Trong khi truyện Kiều gọi đích danh và chức vụ:

Có quan tổng đốc trọng thần
Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài.

Tên Hồ Tôn Hiến và chức danh tổng đốc chỉ xuất hiện trong Minh sử và Vương Kiều Nhi truyện của Từ Học Mô, Vương Thuý Kiều của Dư Hoài.
Chứng tỏ rằng nhà nho tài tử nào viết chương này chưa được thông kinh sử Tàu như Nguyễn Du. Vị này chỉ đọc Mao Khôn. Vì Mao Khôn là người dưới trướng Hồ Tôn Hiến, khi viết sử liệu về chủ mình chỉ gọi là Đốc Phủ và không thể tự tiện gọi đích danh chủ mình vì vô lễ. Cũng không thể tuỳ tiện tôn chủ mình là trọng thần và có tài kinh luân trình vua và người khác được. Sử gia luôn thận trọng xưng hô từ vị trí của mình.
Nếu là văn nhân người Hoa đời sau, họ hiểu sử và truyện họ hơn, có thể họ đã gọi như Nguyễn Du hoặc có thể chi tiết hơn vì đã đọc rộng hơn vị nhà nho tài tử này.
Vì vậy vị nhà nho tài tử Việt Nam khi diễn thơ Kiều cũng chỉ hiểu “trọng thần” và “kinh luân” Nguyễn Du dùng chắc là những từ thuận miệng và cũng để hợp vần.

Truyện Vương Thuý Kiều của Dư Hoài tuy rất ngắn cũng đề cập tới tên và chức danh: Tổng đốc Hồ Tôn Hiến. Nhưng có đọc Từ Học Mô mới thấy tổng đốc toàn quyền dẹp loạn biển có bản lĩnh và trí trá của nhà chính trị như thế nào. Hồ Tôn Hiến được vua nhà Minh giao cho toàn quyền dẹp loạn đang khi các người tiền nhiệm không giải quyết được. Chính vì vậy một mặt Hồ Tôn Hiến phải đối phó với cánh thất sủng xuyên tạc với vua chính sách chiêu hàng có vẻ không nhất quán của ông, nhằm hất ông. Mặt khác ông phải giữ bí mật tới cùng mưu đồ diệt loạn tận gốc.

Từ Hải chỉ huy một cánh quân của phong trào loạn biển có sự hỗ trợ của Nhật Bản. Nhưng dần dần với dũng lược của mình uy danh Từ Hải đã lấn những cánh khác kể cả Vương Trực là tổng chỉ huy liên minh. Do đó Từ Hải bị ngầm ganh tị. Hồ Tôn Hiến đã khai thác mâu thuẫn giữa những thủ lĩnh với Từ Hải, dụ được Từ Hải diệt lần vây cánh của Vương Trực. Từ Hải đơn thân gặp Hồ Tôn Hiến nhiều lần, nhưng Hồ Tôn Hiến không bắt giữ mà cư xử hữu hảo. Đợi cho Vương Trực cô độc ngõ ý thương lượng, lòng quân Từ Hải phân tán: “Ngọn cờ ngơ ngác trống canh trễ tràng”. Hồ Tôn Hiến mới quyết định diệt Từ Hải uy dũng trước, Vương Trực sau. Nguyễn Du chỉ tóm tính cách nhà chính trị Hồ Tôn Hiến trong hai từ kép: Trọng thần và Kinh luân.

Cho nên người Việt như các nhà nho tài tử thời Nguyễn, không đọc sử, tán theo thơ Truyện Kiều, nhắc tới Đốc Phủ là một vị tướng nào đó của triều đình nhà Minh chung chung. Nếu thật sự tác giả KVKT là một văn nhân người Hoa, ắt hiểu lịch sử nước họ hơn ta, thì tác giả sẽ kéo dài tình tiết Từ Hải và Hồ Tôn Hiến đấu trí, đấu binh lực hấp dẫn độc giả như những pha của Tam quốc Chí diễn nghĩa, Thủy Hử truyện... Nhưng khả năng hiểu biết sử Tàu của các tài tử Việt sao sánh với chánh sứ Việt Nam được. Do đó KVKT nói đến Đốc Phủ là nói theo Mao Khôn, không ghi tên thật, chức vụ thật, vì sao gọi là trọng thần, tài kinh luân chỗ nào, chỉ tán trong phạm vi lời thơ của truyện Kiều.

Tương tự ngày nay ta thấy các nhà bình truyện Kiều, dù biết đến rõ tên và chức vụ Hồ Tôn Hiến cũng chỉ biết nhấn mạnh đến câu: “Cho hay mặt sắt cũng ngây vì tình”. Chữ ngây được nhấn mạnh là mê và ngu. Thậm chí để bôi xấu các quan thời phong kiến, các nhà phê bình thường nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, xem trọng thần và kinh luân gắn với Hồ Tôn Hiến là nhằm mĩa mai, thực chất họ Hồ chỉ là một kẻ bất tài nhờ lo lót mà được việc. Các vị đó cũng chưa từng nắm chắc sử liệu. Ở đây, tôi cho rằng để hiểu đúng từng câu từng chữ của Nguyễn Du cần cân nhắc cẩn thận. Ông đã miêu tả rất chân thực về Hồ Tôn Hiến. Với tư cách trọng thần của quốc gia, Hồ Tôn Hiến là một vị quan đảm lược đáng trọng nể. Với tư cách là con người, ông cũng như 99,9% những gã đàn ông trên trần thế, trong đó có cả tôi.!

Tôi chắc rằng phần lớn các nhà Kiều học Việt Nam sau này cũng không biết đến sử liệu của Từ Học Mô. Hoặc có biết cũng không thấy có gì lạ. Cho nên sách vở VN chưa nhắc đến tên tác giả này. Chỉ nhắc tới Mao Khôn và Dư Hoài. Ta cũng không trách, vì các nho sĩ tài tử xưa còn không biết nói chi như tôi ngày nay. Quan trọng là ngày nay ta, nhất là lớp trẻ, có điều kiện cần tìm hiểu thêm và nhìn nhận lại.

Tiếp đến có một số tên nhân vật truyện Kiều trong một vở kịch, theo danh mục sách Trung Hoa, được ghi là viết ra năm 1707. Tức là có trước Nguyễn Du. Vì vậy ta kết luận Nguyễn Du đã mượn tên các nhân vật này. Đó là vở kịch Hổ Phách Chuỷ của Diệp Trĩ Phỉ.

Có lẽ nhiều học giả mới lần đầu nghe đến. Tôi chưa đọc được bài của học giả trong nước nhắc đến, trừ Nguyễn Văn Sơn có lướt qua nhưng không nêu rõ. Tôi cũng chưa được đọc kịch này, chỉ dẫn theo Benoit. Benoit nhấn mạnh trong vở Kịch này không có tên Thuý Kiều, Từ Hải và Hồ Tôn Hiến. Nó là một vở kịch về chuyện lầu xanh. Ca kịch cổ luôn ước lệ phân ra chính tà, thiện ác từ vóc dáng đến tên gọi. Nhân vật mang tên Tú Bà, cái tên ma ma thông dụng của nhà thổ: “ăn gì cao lớn đẩy đà làm sao”. Cái tên Thúc Thủ, hàm nghĩa là bó tay, sợ vợ : “Làm cho chàng Thúc ra người bó tay”. Mã Bất Tiến hàm nghĩa con ngựa què, nhảy bậy. Sở Khanh hàm nghĩa gã thô tục. Hoạn thư, tiểu thư nhà quan. (không chừng chơi chữ : bà nhà sẵn sàng thiến các đức ông chồng trăng hoa...)
Tuy Vở kịch đời kỹ nữ trắc trở này chẳng liên quan gì đến các sự kiện lịch sử, nó được lưu diễn bởi các đoàn kịch trước sau năm 1707. Cho nên nội dung của nó cũng lưu truyền. Nó cũng có dị bản thêm bớt. Nguyễn Du có xem kịch, có thể trong đợt đi sứ, hoặc có đọc kịch bản, mới lấy tên nhân vật, hư cấu tình tiết tạo ra cuộc đời luân lạc của Vương Thuý Kiều. Các tài tử ham vui của ta ắt là có biết đến vở kịch này nên khi diễn thơ Nguyễn Du đã gắn tên như Thúc Thủ, thay Thúc Sinh, Mã Bất Tiến thay Mã giám sinh trong thơ Kiều hợp lý.

Người ta có quyền suy luận ngược là vở kịch được trích từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Điều này có thể tin nếu chứng minh được có thật Thanh Tâm Tài Nhân. Nhưng hiện nay không chứng minh được. Hơn nữa trong tác phẩm chép tay này, cũng như trong thư mục đều không có ghi xuất xứ là phóng tác từ trích đoạn của bất kỳ tác phẩm nào. Vả lại, cuốn Song Kỳ Mộng Truyện khuyết danh có nội dung bổ sung cho truyện Vương Thuý Kiều. Truyện này Kiều cũng chết tại sông Tiền Đường. (Sau này năm 1981, Đổng văn Thành mạo nhận là Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân). Cuốn này lại được Nhật ghi nhận là qua Nhật năm 1754. Nghĩa là sau 1707, do đó không đủ căn cứ nói cuốn Song Kỳ Mộng có trước vở kịch trên. Vậy đây là một vở kịch sáng tác độc lập với tên tác giả cụ thể: Diệp Trỉ Phỉ.

Tiếp đến là đoạn cuối. Đối với các phóng tác xung quanh truyện Kiều của Tàu, kết thúc luôn là cái chết của Kiều trên sông Tiền Đường.
Nhưng truyện Kiều của Nguyễn Du, Kiều không chết, tái đoàn viên. Kết cấu này so với truyện thơ nôm Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, cháu rễ của Nguyễn Du thì thấy giống nhau. Cho nên tôi kết luận Nguyễn Du cũng được gợi ý từ tác phẩm ở Việt Nam.

Tóm tắt lại, Nguyễn Du có mượn tên nhân vật của truyện ngắn Vương Thuý Kiều và kịch Hổ Phách Chuỷ là đủ tạo nên Truyện Kiều. Các nhân vật khác như Đạm Tiên, Thuý Vân, Kim Trọng, Giác Duyên, Tam Hợp... hoàn toàn do ông hư cấu. Sự hư cấu tái đoàn viên của Kiều là một chủ ý cho tiểu thuyết luận đề, chứ không như Đổng Văn Thành (Trung Quốc) chê là vô lý!

Tôi lược truyện Hoa Tiên như sau:

Lương Sinh lên kinh học tình cờ gặp Dương Dao Tiên. Hai người yêu nhau và thề ước. Không ngờ ở nhà gia phụ Lương Sinh đã hứa tác thành chàng với Lưu Ngọc Khanh. Khi về thăm nhà , Chàng mới biết, đau khổ nhưng vẫn nghe lời cha. Dương Giao Tiên cũng đau khổ vì nghĩ Lương Sinh bội bạc.
Khi Dương Tướng công (cha Dương Dao Tiên) ra trận bị giặc bao vây. Lương Sinh và một người con cậu tên Diêu Sinh thi đậu làm quan. Tình cờ gặp lại Dao Tiên thì biết cha nàng bị vây. Lương Sinh và Diêu Sinh xin vua cầm quân giải vây. Không ngờ Lương Sinh thua trận lại cũng bị vây một thời gian dài.
May nhờ Diêu sinh đánh tan được quân đối phương, giải vây cho Dương tướng công và Lương sinh. Tất cả đều được nhà vua ban thưởng.
Trong khi đó ở nhà Lưu Ngọc Khanh nghe đồn Lương Sinh đã tử trận. Nàng cử tang, nhưng bị mẹ ép gã người khác nên nhảy sông tự vận. May nhờ thuyền Đốc học Long đang tiến kinh vớt được và cứu sống.
Tưởng rằng Lưu Ngọc Khanh đã mất, Lương sinh bèn dâng biểu tâu việc nàng tuẫn tiết, được nhà vua ban sắc phong cho nàng. Nhà vua lại tự đứng ra làm mối gả Dương Dao Tiên cho Lương sinh.
Đang khi đó thì Đốc học Long cùng Lưu Ngọc Khanh cũng vừa đến kinh đô. Biết Lương sinh đã có vợ, Ngọc Khanh nguyện đi tu. Nhờ Đốc học Long dâng sớ tâu việc lên nhà vua. Nhà vua lại cho Ngọc Khanh kết duyên cùng Lương sinh.
Cuối cùng, chẳng những Lương sinh cưới được Dương Dao Tiên, Lưu Ngọc Khanh; mà còn cưới cả hai người con gái trước kia đã từng giúp mình đó là Vân Hương và Bích Nguyệt. Thật là một nhà đoàn viên vui vẻ!

Trước khi có Truyện Kiều thì Hoa Tiên là truyện thơ Nôm hay nhất. Nguyễn Huy Tự (1743-1790), tuy vai cháu rễ Nguyễn Du (1765- 1820), nhưng lớn hơn Nguyễn Du 22 tuổi. Do đó khi Nguyễn Du niên thiếu đã đọc tiểu thuyết của ông, một tiểu thuyết bằng thơ lục bát dài tương đương một nửa Truyện Kiều. Đoạn kết của truyện Hoa Tiên đã gợi ý cho ông viết đoạn cuối truyện Kiều sau này.

   

Sáng tạo của Nguyễn Du với kiến thức uyên bác, để hoàn thành tiểu thuyết luận đề Đoạn Trường Tân Thanh ông đã mượn một chi tiết chính sử được tiểu thuyết hoá: truyện Vương Thuý Kiều. Ông đặt truyện ngắn này làm đỉnh điểm của thuyết tài mệnh tương đố. Ông mượn tên các nhân vật xung quanh nhà thổ đưa đẩy Kiều lên đỉnh điểm tuyệt vọng, đành buông xuôi theo mệnh số ghi trong sổ Đoạn Trường. Rồi ông đánh đổ thuyết này trên quan điểm Phật học bằng sự tái đoàn viên. Về mặt cốt truyện, ông khai thác một kẻ hở của chính sử: một là, chính sử không biết gia thế của Kiều nên ông toàn quyền hư cấu gia thế. Hai là, chính sử ghi Kiều nhảy sông không vớt được xác. Nếu vớt được chôn cất, có khi ông không thể chọn nhân vật Vương Thuý Kiều. Về hình thức hư cấu Kiều được vớt, cứu sống là không gì bất hợp lý.

Truyện Hoa Tiên là bằng chứng quan trọng. Nguyễn Du mặc dù thi tài của ông kết hợp được uyên bác của cổ thi với tinh tế của ca dao, cũng không khỏi ảnh hưởng ngôn từ người đi trước. Các nhà nho tài tử khi diễn thơ Kiều ra Kim Vân Kiều truyện cũng ảnh hưởng truyện Hoa Tiên và ca dao Việt Nam nên mới lấy ý từ ca dao: "Thân em là tấm lụa đào. Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai" và đoạn mở đầu truyện Hoa Tiên để giảng nghĩa mở đầu truyện Kiều. Nếu là văn nhân người Hoa thì không thể có việc này.

Ta thử so sánh đoạn mở đầu của cả 3 tác phẩm:

1. Hoa Tiên.

Trăm năm một sợi chỉ hồng,
Buộc người tài sắc vào trong khung trời.
Sự đời thử ngẫm mà chơi,
Tình duyên hai chữ với người hay sao?
Từng nghe trăng gió duyên nào
Bể sâu là nghĩa non cao là tình
Người dung hạnh bậc tài danh
Nghìn thu để một mốt tình làm gương.

2. Kiều

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
Cảo thơm lần giở trước đèn
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.

3. Kim Vân Kiều truyện - TT tài tử

“Thân em như vóc đại hồng. Vóc đại hồng kia có đường ngang đường dọc, mà đường ngang bộ sách này tức là chữ tình, đường dọc bộ sách này tức là chữ khổ vậy.
Người ta nhân cảnh ngộ mà sinh tình, vì gặp gỡ mà sinh khổ...”

So Hoa Tiên và Truyện Kiều thì Hoa Tiên ảnh hưởng lên truyện Kiều cách đặt vấn đề và ngôn từ.
So Hoa Tiên với Kim Vân Kiều thì Kim Vân Kiều đã lấy ý và lời của Hoa Tiên để giảng nghĩa đoạn mở đầu của Kiều. Người Hoa không thể nào lấy ý của một tác phẩm Việt để mở đầu cho tác phẩm của mình được.

Bấy nhiêu phân tích sơ bộ tưởng cũng tạm đủ để chứng minh rằng Kim Vân Kiều truyện tác giả là nhà nho tài tử người Việt rành tác phẩm Việt hơn tác phẩm Trung Hoa.

Nếu bạn đọc đi sâu đối chiếu từng đoạn hai văn bản Truyện Kiều và KVKT, các bạn sẽ chứng minh thêm rằng KVKT được ghép bởi bài viết của nhiều nhà nho tài tử đã phân công viết từng hồi. Hệt những học trò bình giảng thơ. Học trò kém chôm rất nhiều ý và lời của thơ Kiều để diễn giải. Học trò khá không chôm thơ, diễn ý có phần sâu sắc. Cũng không loại trừ có một tài tử gốc Minh Hương chen vào vài hồi. Ví dụ cảnh Kiều đền ân trả oán sặc mùi Hán tộc.

Chính vì vậy khi hợp cái kém lẫn cái khá, cái tâm lý nhân vật Ta, Tàu lẫn lộn vào trong một cuốn, tuy rằng giúp hiểu rõ câu thơ, thay cho phải chú thích điển tích, điển từ; nhưng tổng thể phải khập khiễng lôm côm. Chính vì vậy các bậc tiền bối khó tính chê KVKT xoàng xĩnh! Nói theo ngôn ngữ ngày nay : dỡ hơi, dỡ ẹc, dỡ như hạch...

                                                                                             Lê Nghị
                                                                                            13-10-19
(Còn tiếp: hậu Đoạn Trường Tân Thanh)

5 nhận xét:

  1. Nhìn giống chữ trong kinh kê của trò chơi da ga cua sat quá !

    Trả lờiXóa
  2. Thưa bác Lê Nghị và bạn đọc
    Tôi có băn khoăn rằng hình như bác chưa có trong tay cuốn sách của nhà nghiên cứu Đài Loan, GS Trần Ích Nguyên.
    Nhà nghiên cứu Đài Loan đã nghiên cứu KIM VÂN KIỀU truyện (KVKT) của Thanh Tâm Tài nhân xuất hiện ở Trung Quốc, ảnh hưởng đến Nhật Bản, Việt Nam. Ông còn truy tìm sự truyền bá của cuốn này trong Mãn văn, Mông văn, việc dịch thuật và nghiên cứu KVKT của Trung Quốc và Việt Nam ở các nước Pháp, Nga, Nhật Hàn. Từ trước đến nay, các học giả Việt Nam và Trung Quốc đều khẳng định Nguyễn Du đã dựa vào KVKT để viết Truyện Kiều. Nội dung của KVKT đã được dịch ra tiếng Việt. Khảo sát"Từ truyền thuyết trong tư liệu Lịch sử đến tiểu thuyết, hý khúc", cùng với "Từ tiểu thuyết, hý khúc đến thơ tự sự trường thiên" của học giả Đài Loan đã nói kĩ càng về mối liên quan giữa KVKT với lịch sử, với truyện của Mao Khôn, Từ Học Mô, Đới Sỹ Lâm,, Dư Hoài; các hý khúc Thu Hồ Khẩu của Vương Long, Hổ Phách Chủy của Diệp Trĩ Phỉ, Song Thúy viên của Hạ Bỉnh Hoành... Nhà nghiên cứu Đài Loan cũng nhắc đến ý kiến của cụ Phạm Quỳnh chủ trương Nguyễn Du tham khảo Truyện Vương Thúy Kiều của Dư Hoài, Tưởng Tinh Dực ( Trung Quốc) cho rằng Nguyễn Du có chịu ảnh hưởng của hý khúc Song Thúy viên của Hạ Bỉnh Hoành. Nhưng còn cần TRAO ĐỔI thêm về hai thuyết này.
    Bởi vậy mà bài viết của bác Lê Nghị tôi cảm thấy chưa đủ sức thuyết phục!

    Trả lờiXóa
  3. Kính thưa giáo sư
    Tôi có đọc Trần Ích Nguyễn do Phạm Tú Châu dịch. Không biết phải gs nhắc tới là cuốn này không ạ?
    (Ảnh kèm)
    Rất nhiều tiểu phẩm
    Xoay quanh chuyện bà Mã Kiều chính sử ở Trung Hoa. Mỗi tác giả một khác.

    Ta không biết cụ Nguyễn Du thật sự đã đọc sách nào trừ sử và Phong tình lục, có diễn đạt trong câu 7 và 8:
    Cảo thơm lần giở trước đèn
    Phong tình có lục còn truyền sử xanh.
    Tất nhiên cụ Nguyễn có thể đọc nhiều hơn, cũng như không thể đọc hết những tiểu phẩm mà Trung Hoa đã có.

    Ở đây chỉ nhấn mạnh 2 vấn đề khi so sánh Thơ Kiều của ND và KVKT của TT tài tử với những tư liệu mà các học giả Đông -Tây nêu lên thì:

    1. Nguyễn Du chỉ cần đọc Minh Sử ( trong đó có Mao Khôn+ Từ Học Mô)
    Cộng với truyện của Dư Hoài cùng kịch Hổ Phách Chuỷ đã có trước ND, là đủ hư cấu 15 năm luân lạc của Kiều đến lúc trầm mình trên sông Tiền Đường.( Đoạn tái đoàn viên được gợi ý từ Hoa Tiên truyện, mặc dù Hoa Tiên truyện cũng có nguồn gốc từ một khúc hát Trung Hoa, nhưng đã tái tiểu thuyết hoá bằng thơ Nôm thời ND )
    Nói cách khác tên các nhân vật trong truyện Kiều chỉ cần mượn trong 3 nguồn : Sử + Phong tình lục ( có tìm được trong di cảo thư viện nhà Nguyễn in 1779) + kịch Hổ Phách Chuỷ.
    2. Thanh Tâm tài tử chỉ biết sử Mao Khôn và Phong tình lục nên khi diễn thơ Kièu ra văn xuôi đã bỏ sót nhiều chi tiết đáng lẽ cần minh hoạ. Nếu TT tài tử là văn nhân người Hoa thì họ phải diễn đạt chi tiết phong phú hơn, vì văn nhân người Hoa hiểu sử, sách, tiểu phẩm hơn các nhà nho VN, thậm chí còn có thể hơn cả ND. Do đó ND không dịch KVKT của TT tài tử mà ngược lại.
    3.Độc giả cần phân biệt sự phát triển truyện bà Mã Kiều ở Trung Hoa với cuốn KVKT của TT tài tử ở VN đi sát với lời thơ ND là 2 chuyện khác nhau.
    3.Thực sự thì trước Maspero 1915, thì cả Việt- Hoa không ai nhắc tới hoặc trưng ra cuốn Kim Vân Kiều truyện nào của TT tài tử hoặc TT tài nhân nào cả. Kịch Hổ phách Chuỷ được ghi năm 1707, Trần Ích Nguyên lấy đây là năm chết của một TTTN vô hình.


    Ý kiến của gs , cần phải thận trọng trong mọi lập thuyết ( tất nhiên kể cả lập thuyết của tôi ) là tinh thần của học thuật khoa học.
    Charles Benoit từng phê phán các học giả Hoa Việt, kể cả Trần Ích Nguyên. Thay vì xem các tiểu phẩm sáng tác riêng lẽ dẫn tới hình thành một tiểu thuyết hoàn chỉnh, thì suy nghĩ ngược lại các tiểu phẩm là trích diễn phóng tác từ tiểu thuyết. Do đó đẩy lùi cuốn tiểu thuyết về quá khứ.
    Lê Nghị

    Trả lờiXóa
  4. Kính thưa giáo sư Vũ Nho
    Tôi có đọc Trần Ích Nguyễn do Phạm Tú Châu dịch. Không biết phải gs nhắc tới là cuốn này không ạ?

    https://1.bp.blogspot.com/-iIEUAVhqWkU/XbARiBr4NBI/AAAAAAAANhE/ynQb-zhnEe0BcbE59pyGqfMSzQTirP9xQCLcBGAsYHQ/s640/LE%2BNGHI%2B2.jpg

    Trả lờiXóa
  5. https://1.bp.blogspot.com/-oVJjFMyn6bI/XbARo9vnH9I/AAAAAAAANhI/04EuZkdoNOQt29PFSYpN6dGLBWfnFgbUgCLcBGAsYHQ/s640/LE%2BNGHI.jpg

    Trả lờiXóa

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ