Trang

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2019

TRẬN CHIẾN CHƯA NGƯNG: ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH VÀ KIM VÂN KIỀU TRUYỆN # 3 - Nguyên Lạc


     

TRẬN CHIẾN CHƯA NGƯNG: ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH VÀ KIM VÂN KIỀU TRUYỆN # 3
                                                                                      Nguyên Lạc

Phần 3

KIM VÂN KIỀU TRUYỆN THANH TÂM TÀI NHÂN

Như đã biết ở phần 2, từ thời vua Minh Mạng đến đầu thế kỷ 20 cuốn văn xuôi Kim Vân Kiều Truyện ghi tên Thanh Tâm Tài Tử, và ta đã thấy rõ 4 chữ này ở bản chụp bìa lưu tại Paris. Đó là bản ông Trương Minh Ký trao cho Abel des Michels 1884. Cuốn Kim Vân Kiều này, 478 trang, bảo quản tại Paris, được sao chép bởi Đại học Yale, và lưu trử tại thư viện QG mã số A 953 do Viện Viễn Đông Bác cổ chụp từ Pháp, thời Pháp thuộc.
Tựa đề ghi tên Thanh Tâm Tài Tử (4 chữ nhỏ ở giữa). Không biểt vì sao ai đã đổi chữ Tử thành chữ Nhân sau này? Chữ tử: làm sao viết ra thành chữ nhân: ? (Xem hình chụp bìa lưu tại Paris: Kim Vân Kiều – Thanh Tâm Tài Tử- quyển 1 ở dưới)

Chính sự thay đổi chữ tử: thành chữ nhân: này mới đưa đến vấn đề quan trọng: “Ai đó” lợi dụng nó nhầm hạ uy tín Nguyễn Du, từng bước muốn xoá tên Đoạn Trường Tân Thanh, muốn hạ gục “Tượng đài văn hoá Nguyễn Du của VN”.
Chính vì sự thay đổi chữ này nên ông Dương Quảng Hàm tin đã nói trong Chương thứ mười tám – Truyện Kim Vân Kiều của Nguyễn Du – Việt Nam Văn Học Sử Yếu: “Chữ nhân này trong nhiều bản chép tay viết sai ra chữ tử. Bốn chữ “Thanh tâm tài nhân” ý hẳn là hiệu của tác giả theo như thói thường của các văn sĩ Tàu và hay ký tác phẩm bằng hiệu”. Điều này chúng tôi đã phản biện ở phần trên. Cũng nên thông cảm cho các cụ, tại các thời điểm đó, đầu thế kỷ 20 các cụ không có điều kiện qua Tàu thẩm tra xem có cuốn tiểu thuyết Thanh Tâm Tài Nhân nào không và Internet chưa phát triển, khó truy cứu các nguồn nên các cụ nghĩ rằng bên Tàu có cuốn ấy thật. Điều dáng nói là các Tiến sĩ, Giáo sư, Học giả thời nay, cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, với thông tin “nở rộ” qua Internet mà vẫn còn tin “Mặt trời quay quanh trái đất”.

KIM VÂN KIỀU TRUYỆN CỦA THANH TÂM TÀI NHÂN

Xin tiếp tục ghi lại diễn tiến đã nói ở các phần trên:
– Từ việc Trương Minh Ký 1884 gởi cho Abel des Michels bản chép tay chữ Hán dày 478 trang, 20 hồi. Cuốn đó có thật, ghi là Thanh Tâm Tài Tử. Bản 1884 này lưu trữ ở Thư Viện quốc gia Hà Nội với mã số A953 (chụp microfilm, ghi Thanh Tâm Tài Tử. Viện Viễn Đông Bác cổ chụp từ Paris Pháp, thời Pháp thuộc).

Xin nói rõ lại về cuốn văn xuôi tiểu thuyết Thanh Tâm Tài Tử này:
Tổng thuyết 1830 của Minh Mạng đã hình thành cuốn Kim Vân Kiều truyện: Vua Minh Mạng duyệt các bản văn xuôi bình giảng thơ Đoạn Trường Tân Thanh và chọn 20 hồi bình giảng, ghép thành một tiểu thuyết gọi chung là của Thanh Tâm Tài Tử. (Thanh Tâm Tài tử cổ kim minh lương đề tập biên – nghĩa là : Các bài của các tài tử vô tư xưa viết, nay nhân vua sáng tôi hiền tập hợp lại)
Chính là cuốn Trương Minh Ký gởi cho Abel des Michels năm 1884. Abel des Michels là một học giả người Pháp, chuyên về ngôn ngữ Đông phương do toàn quyền Đông dương mời sang khi học giả Trương Vĩnh Ký ngồi chuyển chữ nôm ra bản văn chữ quốc ngữ, mang tên là Kim Vân Kiều vào năm 1872 tại Nam kỳ. Năm 1884 là năm mà Abel Des Michel đến nhà in để in bản nháp “Lời tưạ của bản báo cáo”, Abel nói là đang hoài công tìm kiếm cuốn tiểu thuyết mà người ta gắn với tập thơ Nguyễn Du. Ông Trương Minh Ký hứa sẽ giúp đỡ. Ngày hôm sau, Trương Minh Ký gởi cho ông bản văn tiểu thuyểt đề cập trên, nói là tìm thấy ở Sài Gòn được chép lại bởi nho sĩ tên Phước Bình Lê.
Bản văn các bài bình giảng này chắc phải lưu ở Quốc sử quán hoặc Hàn Lâm viện triều Nguyễn. Ông nội chú của Trương Minh Ký là Trương Minh Giảng, từng làm Tổng Tài Quốc sử quán thời Minh Mạng nên Trương Minh Ký có bản chép tay cuốn này là điều khả thi.
Theo tôi nghĩ, như đã ghi ở phần 1, Trương Minh Ký chắc cũng biết rõ truyện tiểu thuyết này do đâu mà có, qua kể của ông nội chú với người nhà khi họ đọc truyện. Tiếc rằng ông không nói rõ với Abel des Michels. Có thể ông quên hay nghĩ rằng không cần thiết.

         
                                Hình trang sách của Abel des Michels

(Xem hình chụp bìa lưu bản tiểu thuyết tại Paris: Kim Vân Kiều – Thanh Tâm Tài Tử- quyển 1- bên dưới)

Bản 1884 này lưu trữ ở Thư Viện quốc gia Hà Nội với mã số A953 (chụp microfilm, ghi Thanh Tâm Tài Tử. Viện Viễn Đông Bác cổ chụp từ Pháp, thời Pháp thuộc).

Điều đáng chú ý nhất và cũng bí ẩn nhất là ở ông Nguyễn Duy Ngung, sẽ nói tiếp phần dưới.
– Cho đến năm 1920, Tàu không chú ý gì tới truyện Kiều, dù nó phổ biến đến mọi tầng lớp Việt Nam. Sách văn học sử Trung quốc, do Lỗ Tấn (1881-1936) soạn không nhắc gì đến tên tác phẩm Kim Vân Kiều và tác giả Thanh Tâm Tài Nhân. Văn học Trung Quốc không có một bài thơ vịnh tác phẩm Kim Vân Kiều truyện và vịnh Kiều.
– Năm 1923 truyện Kiều nổi tiếng nhiều nơi trên thế giới. Năm này Nguyễn Văn Vĩnh và Famechon soạn kịch bản điện ảnh Việt- Pháp từ thơ Nguyễn Du, làm phim Kim Vân Kiều công chiếu tại Hà Nội và Pháp 1924.
– Năm 1925, Nguyễn Duy Ngung, không rõ lý lịch biên dịch cuốn Kim Vân Kiều Truyện, bản của Trương Minh Ký nói trên, tự động đổi tên Thanh Tâm Tài Tử thành Thanh Tâm Tài Nhân. Đồng thời ông ghi thêm lời bình của Kim Thánh Thán và đưa 20 bài thơ vịnh Kiều của Chu Mạnh Trình lên đầu 20 hồi như đã nói ở phần 1. Khi sách truyện tái bản, có Nguyễn Đỗ Mục người dịch lời bình gọi là của Kim Thánh Thán ngoại thư .
Thực chất cuốn mà ngày nay bạn đọc thấy ghi: Kim Vân Kiều Truyện -Thanh Tâm Tài Nhân – Nguyễn Duy Ngung và Nguyễn Đỗ Mục biên dịch (từ bản Trương Minh Ký giao cho Abel des Michels được in tại Paris) là kết hợp ba tác phẩm khác nhau: thơ vịnh của Chu Mạnh Trinh để đầu hồi + dịch văn xuôi Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Tử + lời bình của Kim Thánh Thán (không hề tìm ra cuốn lời bình Kim Thánh Thán ở đâu!).
                                                                                   [Theo Lê Nghị]

   
              Hình cuốn Kim Vân Kiều Truyện của Nguyễn Duy Ngung

- Nguyễn Duy Ngung là ai đến nay chưa rõ tung tích. Liệu đó cũng là tên ảo không?
- Điều đáng nói là Nguyễn Đỗ Mục, người dịch lời bình gọi là của Kim Thánh Thán trong sách của Nguyễn Duy Ngung. Cuốn ngoại thư Kim Thánh Thán mà các đời vua không tìm ra, đến nay cũng không hề thấy ở China.
Ông Nguyễn Đỗ Mục vốn trong gia đình nho học, viết báo, dịch nhiều sách Tàu. Ông theo kháng chiến làm việc trong bộ quốc phòng, chuyên dịch thuật; chết bí ẩn không rõ năm 1946 hay 1951? (theo các nguồn trên Wikipedia). Vậy mà ông không có một bài viết nào liên quan tới nguồn gốc truyện Kiều giữa bao cuộc tranh luận từ 1925 về sau. Một hiện tượng không kỳ lạ?
– Năm 1926, một năm sau khi ông Nguyễn Duy Ngung tung bản biên dịch thì lập tức có Cổ Thực bên China tung một bản văn mang tên Trung Quốc Văn Học Sử Đại Cương, Thượng Hải xuất bản năm 1926 . Và tiếp đó 1936 là quyển Tân Biên Trung Quốc Văn Học Sử do Đàm Chính Bích soạn, cũng tại Thượng Hải – Cụ Dương Quảng Hàm và Đào Duy Anh viện dẫn cuốn này năm 1944 và 1947. (Theo nhà nghiên cứu Lai QuangNam)

Tại sao có sự tình cờ này?

Phải chăng họ thấy ở Việt Nam có bản dịch Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Duy Ngung năm 1925 ghi tác giả là Thanh Tâm Tài Nhân, nên năm sau vội ghi vào sách họ? Nguyễn Duy Ngung là ai, không thấy bài viết nào khác của bút danh này?

Mời các bạn đọc thêm trích đoạn sau:

[… Nguyên do là Truyện Kiều của Việt Nam quá nổi tiếng được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Trong giáo trình văn học nước ngoài dạy cho sinh viên Trung Quốc, Truyện Kiều của Nguyễn Du được coi là “viên ngọc sáng” của văn học phương Đông. Giới nghiên cứu Trung Quốc đánh giá Truyện Kiều của Nguyễn Du là “tác phẩm lớn vạch thời đại”, là “toàn vẹn không khuyết”. Và khi biết rằng cái truyện đó có nguồn gốc từ Trung Quốc, họ bắt đầu “nóng mặt” lao đi tìm kiếm. Năm 1981, một nhà nghiên cứu nước này tên là Đổng Văn Thành bất ngờ phát hiện một bản Kim Vân Kiều truyện tại Thư viện Đại Liên. Năm 1983, Nhà xuất bản Xuân Phong văn nghệ ấn hành tác phẩm này, từ đó nó mới được biết đến ở Trung Quốc. Giáo sư Đổng Văn Thành đã tiến hành một loạt các nghiên cứu chuyên sâu về Kim Vân Kiều truyện, trong đó có nghiên cứu “So sánh truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam”. Bài so sánh này được nhà nghiên cứu Phạm Tú Châu dịch, sau 10 năm “lưu hành nội bộ”, đã in trong cuốn “200 năm nghiên cứu bàn luận truyện Kiều” (NXB Giáo dục, 2005)…] 
[Cần công bằng với Thanh Tâm Tài Nhân – Hoàng Hải Vân] [*]

- Năm 1983 ông Lý Chí Trung – China- công bố cuốn Kim Vân Kiều ghi tên Thanh Tâm Tài Nhân, dài khoảng 208 trang, 20 hồi, cho là viết từ đời Khang Hi (Khang Hi năm thứ nhất là 1667), văn phong hiện đại, kiểu chữ “giản thể” đã được phát hiện tại thư viện đại học Đại Liên.

Ông Đổng Văn Thành, China vội vàng ca ngợi ngất trời:

“… Những năm 60, hồi học khoa Trung văn trường đại học, qua giáo trình văn học nước ngoài, tôi được biết ở Việt Nam có một truyện thơ nổi tiếng thế giới gọi là truyện Kim Vân Kiều. Từ đó tên truyện Kim Vân Kiều – viên ngọc sáng của văn học phương Đông, in vào ký ức tôi. […] Vì truyện thơ đó có quan hệ máu thịt với văn học của tổ quốc cho nên tôi rất hứng thú. […] Chúng ta cần phải học tập và tham khảo di sản ưu tú của nước ngoài, nhưng cũng không nên lãng quên gốc gác mà nên tôn trọng và kế thừa di sản văn học ưu tú của dân tộc mình. Dựa trên tinh thần đó, từ lâu tôi đã mong có ngày nhìn thấy truyện “Kim Vân Kiều”, cuốn tiểu thuyết Trung Quốc nghe nói đã thất truyền ở trong nước.
Năm 1981 bất ngờ phát hiện ra cuốn sách đó ở thư viện Đại Liên, nỗi vui mừng của tôi thật không sao hình dung nổi. Tôi đọc một hơi hết cả cuốn sách …”
 (Phạm Tú Châu “So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam”; 200 năm nghiên cứu bàn luận “Truyện Kiều”, Nxb. Giáo dục, Hà Nội 2005).

Và ông Đổng bắt đầu hạ uy tín Nguyễn Du, cho rằng xét toàn diện thì hình thức và nội dung Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân hơn hẳn Truyện Kiều.

Đây là lời của ông Đổng:

“Nhìn tổng thể, tôi thấy Truyện Kiều của Nguyễn Du bất luận về nội dung hay về nghệ thuật đều không vượt được bản gốc mà nó mô phỏng, tức – Truyện Kiều của Trung Quốc –
Ông còn nói: “Nguyễn Du còn thêm chân cho rắn khiến chúng mâu thuẫn với hoàn cảnh và tình tiết trong toàn bộ nguyên tác” 
[Nguồn: Nguyễn Huệ Chi -Trở lại câu chuyện so sánh Kim Vân Kiều truyện với Truyện Kiều của ông Đổng Văn Thành]

Trung Quốc mở chiến dịch ca ngợi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, tung khắp thế giới.

@ Chú ý của tôi:

– Thư viện đại học Đại Liên (Đại học Đại Liên, China thành lập tháng 4 năm 1949), là một thư viện có tiếng. Chữ “giản thể” áp dụng sau cách mạng Tân Hợi 1914. Nhà nước Trung Hoa Dân quốc chuẩn hoá trên toàn quốc, sách báo phải in theo chữ này.
- Năm 1981 Lý Chí Trung tuyên bố tìm ra và in ra một cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân như đã nói trên. Sao ông không đưa ra bản gốc, chỉ đưa ra bản in với văn phong hiện đại?
- Tôi thắc mắc: Trung quốc mãi đến năm 1981 mới tìm ra cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, qua Lý Chí Trung mà sao năm 1926 và 1936 căn cứ vào đâu họ lại ghi nó vào 2 sách Văn học sử, khi cả trước đó Lỗ Tấn không có nửa lời nói đến?
Phải chăng họ thấy ở Việt Nam có bản dịch Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Duy Ngung năm 1925 ghi tác giả là Thanh Tâm Tài Nhân, nên năm sau vội ghi vào sách như đã nói trên?

@. Xin các bạn đọc những lời này cúa nhà nghiên cứu Lê Nghị:

[… Chúng tôi so sánh hai bản dịch của nhà Hán Nôm Lâm Thanh Sơn, (cùng so với bản dịch của Nguyễn Duy Ngung ) thì nội dung của cuốn Lý Chí Trung giống hệt cuốn A953, cuốn của Nguyễn Duy Ngung – Việt Nam đến 99% . Chỉ có lối hành văn hiện đại và rút ngắn gọn hơn khoảng 208 trang. Lối hành văn cuối thế kỷ 20 thì có giá trị gì để được gọi là Cổ văn, để mà so với sánh?]

        
        (Bản Kim Vân Kiều Truyện của Lý Chí Trung, lối hành văn hiện đại)


       
                   Bản cổ văn Kim Vân Kiều truyện VN- A953


       
           Bản dịch KVK truyện TTTN - TQ. Lý Chí Trung của Lâm Thanh Sơn


     
               Bản dịch KVK truyện TTTT- VN A 953 của Lâm Thanh Sơn

Và:

[… Việt Nam là thế, còn Trần ích Nguyên, Đài Loan lại tỏ ý nghi ngờ, cho rằng ai đó đã tóm lược cuốn Kim Vân Kiều 478 trang. Riêng Charles Benoit, một học giả Mỹ, có vợ Việt, ở Việt Nam trên 10 năm thì khẳng định Nguyễn Du chỉ dựa vào sử liệu mờ nhạt tính cách nhân vật để xây dựng nên một tiểu thuyết thơ vĩ đại.
Báo cáo tên: ” Les Poèmes de L’Annam Kim Vân Kiều Tân Truyện, 3 tomes, Paris: Ernest Leroux, 1884-1885″
(Thơ Truyện mới Kim Vân Kiều của Annam , 3 tập, xuất bản tại Paris, nhà in Ernest Leroux 1884-1885). Trong khi đó thì kèm chú thích rằng:
Cuốn Kim Vân Kiều truyện do giáo sư Trương Minh Ký giao là bản chép tay từ một nho sĩ tên Phước Bình Lê. Theo lời nho sĩ này, mình đã chép theo bản in tại Hà Nội năm Bính Tí, thời Tự Đức, tức năm 1878. Trang bìa ghi là Thanh Tâm Tài Tử. Bản này Michels nhận từ Trương Minh Ký ngay sau một ngày ông tuyên bố trước viện Hàn Lâm Pháp rằng ông không tìm thấy một sách nào liên quan đến Truyện này có nguồn gốc Trung Hoa. Vậy tiêu đề Kim Vân Kiều tân truyện trước đó từ đâu ra? Trước đó tiêu đề chỉ có thể ghi: Đoạn Trường Tân Thanh hoặc truyện Kiều mà thôi! Đồng thời tập 1 ghi Thanh Tâm tài tử, ai đã tự động sửa lại là Thanh Tâm Tài Nhân?
[Xem hình của trang sách Abel des Michels]

Lâu nay sách vở luôn nói đại để: Nguyễn Du vay mượn cốt truyện Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, tác giả Trung Quốc để viết nên Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều). Điều trớ trêu là các học giả Trung quốc cũng nói thế, nhưng có nói thêm là không tìm thấy ai là Thanh Tâm Tài Nhân ở Trung quốc.
Không ai đặt vấn đề ngược lại: Tiểu thuyết Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Tử là giảng thơ của Nguyễn Du, và lời bình sau mỗi hồi là so sánh nội dung và hình thức của Kim Vân Kiều truyện với Đoạn Trường Tân Thanh đạt tới mức nào.
Thực tế, sau khi Truyện Kiều ra đời, từ vua, quan, trí thức đến giới bình dân đều say mê. Riêng giới có học, bao thế hệ đã dựa vào Truyện Kiều để vịnh, họa, cảm tác …
Đặc biệt cuốn Kim Vân Kiều Lục do nữ tiến sĩ Phạm Tú Châu, viện Hán Nôm dịch nói trên, thêm một bằng chứng ủng hộ Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Tử là tác giả Việt Nam, là cuốn bình giảng Truyện Kiều của Nguyễn Du. Chắc rằng sắp có cuộc bút chiến: Thanh Tâm Tài Tử hay Thanh Tâm Tài Nhân? Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Tử là nguyên tác hay hậu tác của Đoạn Trường Tân Thanh?…]
Điều đáng buồn là:  “Vạch mặt sự dối trá không có ai, trong khi đó ngược lại còn có nhiều ông “giáo sư, tiến sĩ” VN ta lại nâng Thanh Tâm Tài Nhân lên thành bậc ngang tầm Nguyễn Du, 99% bài viết hễ bàn tới Truyện Kiều là luôn mở đầu đại để: Truyện Kiều của Nguyễn Du xuất phát từ Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân. Chỉ riêng có ông Phạm Quỳnh là nói Kim Vân Kiều truyện không biết của ai, nhưng ông cũng thừa nhận: Kim Vân Kiều truyện viết bằng văn xuôi chữ Hán, nội dung hệt Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Ngay cả Tàu cũng không chứng minh được Thanh Tâm Tài Nhân là ai? Dân Tàu cũng chẳng biết đến Thuý Vân, Kim Trọng, Thúc Sinh, Hoạn Thư …. là trong truyện nào; chỉ trong giới cầm quyền và vài học giả Tàu biết thôi. Vậy mà 90 % học giả VN nói như đinh đóng cột: Truyện Kiều vay mượn cốt truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân!” …]
                                                                                           [Lê Nghị]

- [ Xem xét trên 25 văn bản mà học giả người Hoa gọi là của Thanh Tâm Tài Nhân được họ sưu tập từ 1957 đến nay. Kỷ Tiểu trừ Từ Hải bản mạt của Mao Khôn thời Minh được ghi vào chính sử. Truyện ngắn Vương Thuý Kiều của Dư Hoài trong tuyển tập Ngu Sơ Tân Chí là có tên tác giả rõ ràng. Hai tư liệu và truyện ngắn này không phải của Thanh Tâm Tài Nhân.
Còn lại là các tiểu phẩm, khúc hát, bản kịch được nhắc tới xoay quanh chuyện tình tay ba: Kiều – Từ Hải- Hồ Tôn Hiến khai thác từ 2 tư liệu trên, viết từ đời Minh, trong đó bao gồm cả được nhắc tới trong cuốn sách nào đó (chứ không còn văn bản). Mới nhất và quan trọng nhât và là cuốn tiểu thuyết 208 trang, 20 hồi, tên Kim Vân Kiều Truyện , cho là viết đời Khang Hi (Khang Hi năm thứ nhất là 1667) do Lý Chí Trung công bố năm 1981. Nhưng cuốn này bị nghi ngờ ngụy thư vì chẳng qua là rút ngắn cuốn A953 của Thanh Tâm Tài Tử ở Việt Nam công bố từ 1884̣]
                                                                                            [Lê Nghị]

Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem có hay không có Thanh Tâm Tài Nhân, tác giả viết quyển Kim Vân Kiều truyện như Trung Quốc nói và nhiều người Việt đã tin xưa nay.

TÁC GIẢ THANH TÂM TÀI NHÂN

Đầu tiên và trớ trêu thay, các học giả Trung Quốc cũng nói là không tìm thấy ai là Thanh Tâm Tài Nhân ở Trung Quốc. Kể cả Lỗ Tấn (tên thật là Chu Thụ Nhân: 1881-1936 )
@. Mời các bạn đọc những lời sau đây của nhà nghiên cứu Lê Nghị:

[Hãy bắt đầu từ chỗ Thanh Tâm Tài Nhân. Bản chụp bìa dưới đây là của Mauris , đại học Yale, Hoa Kỳ cho thấy là : Kim Vân Kiều, Thanh Tâm Tài Tử quyển 1. Bên cạnh đó là cuốn 2 in thời Tự Đức, lưu tại viện Hán Nôm Việt Nam ký số A953 do Phạm Đan Quế trưng ra cũng đều ghi là: Kim Vân kiều, Thanh Tâm Tài Tử biên thứ (viết tiếp) quyển hai. Thế mà ai cũng gọi theo Tàu là Thanh Tâm Tài Nhân? Hay là chữ tử ngày xưa bây giờ được đọc là nhân và phải viết thế này: ?
Từ chứng cứ này tôi loại Thanh Tâm Tài Nhân ra khỏi tác giả Kim Vân Kiều, cho dù các ông có dẫn Bùi Kỷ, Phan Bá Cẩn, Trần Trọng Kim, Nguyễn Tài Cẩn …hay bất kỳ ai khác. Cái rành rành trước mắt kiểm chứng được không làm, đi viện lời người đã khuất là nguy hiểm cho thế hệ sau vô tình tin theo: Không trung thực.
Cho dù cuốn 208 trang, hay cuốn 478 trang, thì Tàu đều quy cho Thanh Tâm Tài Nhân. Các bài viết luôn dẫn chứng Thanh Tâm Tài Nhân từ nguồn Wikipedia sau:
Thanh Tâm Tài Nhân (青心才人) sống vào đời nhà Minh, tên thật là Từ Văn Trường, tức Từ Vị, còn có một số bút danh khác là Thiện Tri, Thanh đằng, Điền Thủy Nguyệt. Theo nhiều tư liệu, sử sách ( không có dẫn nguồn, Lý Chí Trung chú thích) chép ông sinh năm 1521, mất năm 1593, đương thời với ca kỹ tên Vương Thúy Kiều. Ông quê ở huyện Sơn Âm, tỉnh Chiết Giang, học giỏi, hiểu biết rộng, nhưng đi thi không đỗ, bèn làm mặc khách của Hồ Tôn Hiến.
Sinh thời, đã có lần Thanh Tâm Tài Nhân thảo tờ biểu “Dâng hươu trắng” cho vua nên trở thành nổi tiếng.
Ngoài tác phẩm chính Kim Vân Kiều truyện, ông còn có loạt kịch Tứ thanh viên (Vượn kêu bốn tiếng) gồm 4 vở kịch: Ngư dương lộng, Thúy nương mộng, Hoa mộc lan và Nữ trạng nguyên.
Những mâu thuẫn:
- Mâu thuẫn ngoài lề: Đã từng dâng biểu cho vua nên nổi tiếng, vậy mà chả ai dùng phải làm viết chữ thuê và mưu sĩ cho Hồ Tôn Hiến, chỉ là ông quan cấp tỉnh. Cho rằng dâng biểu cho vua là lúc sau này, nhưng nổi tiếng mà 500 năm sau chẳng ai biết tác phẩm của mình! Đúng là nói hươu nói vượn một cách trắng trợn vậy.!
- Mâu thuẫn chết người: Mình chính là người bày mưu cho Hồ Tôn Hiến phỉnh Kiều, lừa Từ Hải, lại chửi Hồ Tôn Hiến bất tín với Từ, bất nghĩa với Kiều. Có phải là tự chửi mình không? Hơn nữa sau khi thắng Từ Hải thì Hồ Tôn Hiến trở thành trọng thần, dù 9 năm sau chính vua gán tội cấu kết với La Long Văn bỏ ngục nên tự vẫn nhưng sau đó lại phục hồi công trạng. Chửi một công thần, ca ngợi giặc và một kỹ nữ biết xử án công minh hơn, chê vua đương vị đã để xã hội bất công đầy dẫy thì không bị khép vào tội phản nghịch sao? Tự mình kết án mình và để lên đoạn đầu đài sao? Từ Vị đâu có ngu như vậy.
Chỉ có Nguyễn Du mới chửi đúng Hồ Tôn Hiến, bất tín, bất nghĩa, tráo trở với người hắn mang ơn vì biết bản chất đó sẽ truyền đời.
- Mâu thuẫn kế thừa Văn học và phê bình văn học: Nếu có thật Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân(1521- 1593) thời đó, thì cách nay gần 500 năm tác phẩm phải được coi là tác phẩm gây dư luận vì tính phê phán bạo dạn chế độ đương thời như đã phân tích trên. Nhưng Mao Khôn người đương thời (1512- 1606) ghi chép khô khan đã đành, chẳng có ý kiến gì về tác phẩm người đồng trướng dưới quyền mình.. Đến Kim Thánh Thán (1608- 1661) tán tụng mà Dư Hoài (1616-1696) là hậu sinh đương thời, một nhà văn nổi tiếng, sống thọ hơn Kim Thánh Thán, không thấy kỳ cục khi mình viết lại một truyện chưa tới chục trang, để so với một cuốn vốn đã dày đến 478 trang, được một nhà phê bình nổi tiếng đương thời Kim Thánh Thán bình từng chương như đã soạn và bình Thuỷ Hử sao? Đồng thời không giải thích lý do vì sao đã có tác phẩm hay rồi mà mình viết chi một truyện ngắn ngủn nghèo chi tiết đến vậy?
Tiếp đến nhà phê bình Trương Trào (1650-1707) tuy hậu sinh nhưng cũng là đương thời với Dư Hoài, tuyển truyện của Dư Hoài vào tập Ngu Sơ Tân Chí, có phê bình mà không nhắc tới cuốn Kim Thánh Thán từng phê bình một lời nào.
Các vị luôn viện dẫn những tên tuổi đó, mà không chịu so năm sinh, và nơi ở. Các ông này sinh kế nhau, ở các tỉnh giáp ranh, cùng một nước, đều là những người nổi tiếng về học rộng, có tác phẩm văn học mà không ai biết đến tác phẩm nhau. Không phân tích nội dung của Kim Vân Kiều đem tán tụng miệng cũng đủ chết, chứ chưa nói đến Kim Thánh Thán bình và in.Nên nhớ rằng Kim Thánh Thán bình Thuỷ Hử sát sườn thâm thuý, là chuyện xảy ra thời nhà Tống, cách ông gần 500 năm. Chẳng nhà phê bình nào ở Tàu từ trước đến nay dám phê phán chế độ mình đang sống cả, chỉ cần mở miệng phạm huý một chữ cũng chết, chứ nói gì đến cả một cuốn tiểu thuyết và hàng chục trang phê phán kẻ cầm quyền.
Nhiều vị còn tưởng Quán Hoa Đường là một hiệu in! Cho nên thấy cuốn có đề Quán Hoa Đường Kim Thánh Thán ngoại thư, nghĩ rằng một hiệu in đã in sách Kim Thánh Thán. Quán Hoa Đường là tên gọi nhà của Kim Thánh Thán. Cũng như Mộng Liên Đường là nhà của Phạm Quý Thích, cụ Phạm muốn in Đoạn Trường Tân Thanh là phải ra phố Hàng Gai Hà Nội.
Chỉ có lục Phong Tình trong tuyển tập của Trương Trào (1650-1707), trong đó có truyện ngắn Vương Thuý Kiều của Dư Hoài (1616-1696) phù hợp với sinh thời của Nguyễn Du (1765- 1820), phù hợp với lời khai của ông và hai người làm chứng năm 1820.
Hãy xem kỹ hai ảnh dưới đây cũng đủ chứng cứ để loại bỏ Thanh Tâm Tài Nhân là tác giả của Kim Vân Kiều truyện, và tác phẩm này chưa từng có ở Tàu trước năm 1983 (bản 208 trang) và trước năm 2008 (bản 478 trang).]
                                                                                            [Lê Nghị]
                     
         
         Hình chụp bìa lưu tại Paris: Kim Vân Kiều – Thanh Tâm Tài Tử - quyển 1

Cuốn Kim Vân Kiều, 478 trang, bảo quản tại Paris, được sao chép bởi Đại học Yale, tựa đề ký tên Thanh Tâm Tài Tử (4 chữ nhỏ ở giửa). Ai đã đổi chữ Tử thành chữ Nhân?

@ Nhận xét của tôi

1. Về phê bình của Kim Thánh Thán.
- Hoàng đế Khang Hi (khoảng 1662 – 1722) Khang Hi lên ngôi khi mới 8 tuổi, 1662; đăng quan 1667.
- Từ Văn Trường (Từ Vị) (1521 – 1593) một nhà văn đời Minh, có nhiều bút danh: Thiện Tri, Thanh đằng, Điền Thủy Nguyệt, là mặc khách của Hồ Tôn Hiến, sống đương thời với ca kỹ tên Vương Thúy Kiều.
- Kim Thánh Thán 金聖歎 (1608-1661) tên thật Trương Vị, sau đổi thành Kim Nhân Thụy, tự là Thánh Thán. Ông sinh vào cuối Minh đầu Thanh, quê quán Ngô huyện thuộc Tô Châu. Là nhà văn, nhà phê bình trứ danh của Trung Hoa. Qua vụ các nho sinh, trong đó có ông đến tố cáo việc làm phi pháp của viên lệnh huyện họ Ngô, tuần phủ Châu Quốc Trị bắt và khép vào tội hổ trợ với giặc cướp, kết án tử hình, tịch biên gia sản năm 1661- Wikipedia
Từ Vị (Thanh Tâm Tài Nhân ?) chết năm 1593 trước Khang Hi sinh 69 năm, hiện hồn” về năm 1667 để viết tiểu thuyểt Kim Vân Kiều? Ngộ thật!
Kim Thánh Thán người Tàu (1608- 1661) bị chém đầu 1661 trước Khang Hi sinh 1 năm, trước khi Khang Hi chính thức đăng quan 6 năm, lại “hiện hồn” về bình cho sách Thanh Tâm Tài Nhân 6 năm sau khi ông chết? Và cũng ngộ thật!
2. Tại sao Kim Vân Kiều Truyện Trung Quốc, nếu có thật, là sách cấm?
Nếu có thật, Kim Vân Kiều truyện của tác giả gọi là Thanh Tâm Tài Nhân sẽ là sách cấm đối với triều Minh hoặc Thanh vì những lý do sau đây:
a- Chửi một công thần – chửi Hồ Tôn Hiến bất tín với Từ Hải, bất nghĩa với Thúy Kiều – ca ngợi giặc và một kỹ nữ biết xử án công minh hơn, chê vua đương vị đã để xã hội bất công đầy dẫy không là sách cấm sao? Không bị khép vào tội phản nghịch sao?
b. Và đây chính là lời của ông Đổng Văn Thành:

[ … Tiểu thuyết nguyên tác khắc hoạ Từ Hải – anh hùng nổi dậy – như một điển hình anh hùng chính nghĩa và trí dũng. Trong truyện, ngay từ lúc xuất hiện, Từ Hải đã không phải tầm thường:
“Có một hảo hán họ Từ tên Hải, hiệu là Minh Sơn hoà thượng, người đất Việt đến chơi. Người này có lòng ưu ái, phóng khoáng đại lượng, ôm chí lớn lao, coi giàu sang nhẹ tựa lông hồng, xem người bằng vai như cỏ rác. Khí tiết hơn hẳn cùng lứa, cao lớn hùng vĩ trùm đời, hiểu rõ lược thao, giỏi giữ ngay thẳng. Thường nói: “Trời cho ta tài năng ắt cho ta sử dụng. Hữu tài vô dụng là trời phụ ta vậy. Nhược bằng hoàng thiên phụ ta thì ta cũng phụ lại hoàng thiên. Đại trượng phu ở đời phải làm sao cho được lỗi lạc, lập được những sự bất hủ trên đời, sao có thể chết già bên cửa sổ như những kẻ sống vì miếng ăn? Còn nếu có tài mà vô mệnh, anh hùng không có đất dụng võ, không để lại được tiếng thơm cho trăm đời thì phải tự mình tạo ra mệnh. Khinh suất gây binh đao nơi ngòi đầm chỉ tổ để lại nỗi sỉ nhục đến vạn năm. Nếu không được như thế thì bầu nhiệt huyết sôi sục trong người này làm thế nào sử dụng được? Hồi nhỏ học hành nhưng không thành đạt bèn bỏ đi buôn, của cải sung túc, thích kết giao với bạn bè”.
Đoạn không tiếc lời ca ngợi để miêu tả tính cách, phẩm chất nhân vật như trên không có ở nơi nào khác trong sách ngoài nhân vật chính là Vương Thuý Kiều. Khi Từ Hải gặp được Thúy Kiều, Thúy Kiều thổ lộ mình xưa nay “không đem gan ruột gửi cho kẻ phàm tục”. Ấn tượng đầu tiên của Thuý Kiều đối với Từ Hải là “bậc anh hùng, có độ lượng lớn, xứng đáng là người kỳ lạ ở Thái Nguyên, ngay đến Bình Nguyên Quân cũng không khoáng đạt được bằng”. Vừa gặp mặt, Thuý Kiều bèn xiêu lòng, trao thân gửi phận. Ngay khi đó, Từ Hải đã tỏ rõ chí lớn chống triều đình với Thuý Kiều: “Nàng hãy ở lại đây, không quá ba năm ta sẽ đón nàng về. Đao lớn búa to, cung lắp tên, kiếm tuốt trần, tiền hô hậu ủng, vạn ngựa ngàn quân, ấy là lúc Từ Hải này đắc chí vậy”…]
 [Đổng Văn Thành -So sánh Kim Vân Kiều Truyện Trung Quốc và Việt Nam]

Nguyên văn tiếng Trung đăng trên Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng, số 4 (tháng 6.1986) và số 5 (tháng 9.1987). Bản dịch tiếng Việt của Phạm Tú Châu in trong 200 năm nghiên cứu bàn luận “Truyện Kiều”, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội 2005.
- Dám khắc hoạ nhân vật Từ Hải – anh hùng nổi dậy – như “một điển hình anh hùng chính nghĩa và trí dũng” “bậc anh hùng, có độ lượng lớn, xứng đáng là người kỳ lạ ở Thái Nguyên, ngay đến Bình Nguyên Quân cũng không khoáng đạt được bằng, đối với dù triều Minh hay triều Thanh không đáng tội “tru di” sao? Không phải sách cấm sao?
c. Sách phê phán vương triều, dù thời Minh hay Thanh ai viết sẽ bị “tru di”, cả người in và tồn trữ. Không nhớ vụ Thi Nại Am viết sách Thủy Hử ca ngợi phường “thảo khấu”? Minh Thái Tổ đã sai người bắt giam vào ngục, đồng thời phê rằng: “Đây là cuốn sách xúi giục dấy loạn của người có mưu đồ tạo phản, không trừ đi tất gây họa về sau”. Không nhớ vụ Minh Sử đã nói ở phần 2 sao? Người viểt, người in, người lưu trữ, phân phố đều bị tội.
Do điều này, Từ Vị (= Thanh Tâm Tài Nhân) có dám viết và phổ biến sách ca ngợi phường “thảo khấu”? phê phán quan lại, tức nhiên vương triều, dám không? Dù thời Minh hay Thanh?
Sẵn nói luôn vụ “ai đó” nói rằng Nguyễn Du mua sách Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân TQ: Nếu có sách này và đem qua biên giới Nguyễn Du có dám không? Bị phát hiện chắc cũng bị tru di. Giả dụ như người bán sách cấm và tên quan giữ ải cả gan vì tiền, hỏi Nguyễn Du có đủ vàng để mua không? Ông là quan liêm khiết, nghèo

Giờ chúng ta cùng nhau bàn qua lời bình được cho là của Kim Thánh Thán đưa vào Kim Vân Kiều truyện.

VỀ LỜI BÌNH CỦA KIM THÁNH THÁN

Mời các bạn đọc trích đoạn sau đây của nhà nghiên cứu Lê Nghị:

Về Lời Bình Của Kim Thánh Thán- Lê Nghị

Theo Kim Vân Kiều Truyện mà cho là của Thanh Tâm Tài Nhân Trung quốc, trong hồi 1 đã kèm theo lời Bình Kim Thánh Thán.
Lời bình như sau:
“Thân em như vóc đại hồng. Vóc đại hồng kia có đường ngang đường dọ,; mà đường ngang bộ sách này tức là chữ tình, đường dọc bộ sách này tức là chữ khổ vậy.
Người ta nhân cảnh ngộ mà sinh tình, vì gặp gỡ mà sinh khổ, khi bắt đầu mở sách ra, làm thế nào mà tả cho độc giả trông thấy được? Thế mà bộ sách này tình cờ đem nàng Lưu Đạm Tiên ra làm dẫn từ, trong bức hình ảnh lờ mờ kia cái tình và cái khổ của thân thế cô Kiều, mười phần đã tả ra tám chín, thật là một tay viết văn khôn khéo lắm đó…”
(Nguyễn Duy Ngung dịch lần đầu năm 1925. Tên Thanh Tâm Tài Nhân xuất hiện lần đầu tại bản dịch Kim Vân Kiều truyện này)
Sao lời bình này nghe quen quen, có gì đó giống Ca dao Việt Nam:
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai

* Nhận xét:

- Ngẫm nghĩ kỹ nữa, hoá ra đoạn bình này lấy ý và lời của mở đầu Truyện Hoa Tiên mà tác giả là Nguyễn Huy Tự ( 1743- 1790) bạn và là cháu rễ Nguyễn Du ( 1766-1820)
1.Hoa Tiên.

Trăm năm một sợi chỉ hồng,
Buộc người tài sắc vào trong khung trời.
Sự đời thử ngẫm mà chơi,
Tình duyên hai chữ với người hay sao?
Từng nghe trăng gió duyên nào
Bể sâu là nghĩa non cao là tình
Người dung hạnh bậc tài danh
Nghìn thu để một mốt tình làm gương.

Ngộ thật! Kim Thánh Thán người Tàu (1608- 1661), mà đi mượn ý, lời ca dao Việt Nam. Ông ta lại chết trước Nguyễn Huy Tự Việt Nam hơn 100 năm, lại hiện hồn nhảy qua Việt Nam lấy ý và lời của Nguyễn Huy Tự đầu trang Hoa Tiên truyện, để bình đoạn mở đầu Kim Vân kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân bên Tàu.
- Nguyễn Du ảnh hưởng ngôn từ ca dao và cách mở đầu truyện của cháu mình thì chấp nhận được. Vì ông là người Việt và trước đó truyện thơ hay nhất là truyện Hoa Tiên của cháu ông, tất nhiên ông phải thưởng thức và nhập tâm một số ngôn từ dắc ý ông có sử dụng trong đoạn mở đầu.

2. Kiều

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
Cảo thơm lần giở trước đèn
Phong tình cố lục còn truyền sử xanh.

- Kim Thánh Thán mà nhiễm thơ Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự mới lạ! Qua lời bình mở đầu hồi 1 đã thấy đây là ông “Kim Thánh Thán Việt Nam”, người đã đọc cả thơ Hoa Tiên và Truyện Kiều, nên diễn văn xuôi truyện thơ Hoa Tiên để bình giảng cuốn văn xuôi Kim Vân Kiều đã diễn thơ Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du.
                                                                                            [Lê Nghị]

Trở lại trường hợp ông Dương Quảng Hàm: Trong Việt Nam văn học sử yếu ông cho rằng truyện Kiều nước ta đã xuất phát từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân:

“Vậy nguồn gốc truyện Kiều của Nguyễn Du là quyển tiểu thuyết Tàu nhan đề là Kim Vân Kiều
Truyện do một tác giả hiệu là Thanh Tâm tài nhân soạn ra về cuối thế kỷ thứ XVI hoặc đầu thế kỷ thứ XVII (8) và do một nhà phê bình có tiếng là Kim Thành Thán (9) bình luận (10)”

Ông chú giải:

(10) Sở dĩ biết rằng sách ấy do Thánh thán phê bình, vì như trên đã nói, ở đầu mỗi quyển có đề : “Thánh thán ngoại thư ” là những chữ ta thường thấy để ở đầu các sách do ông đã học và phê bình (thí dụ trên đầu bộ Tam quốc diễn nghĩa); vả chăng ta lại thấy đề mấy chữ “Quán hoa đường bình luận ”, mà Quán hoa đường tức là tên thư viện của Thánh Thán.

Nhà nghiên cứu Lê Nghị cho biết: Ở Trung quốc, Quán Hoa Đường là nhà Kim Thánh Thán và không có bản ngoại thư này của Kim Thánh Thán.

@. Tại sao phải chứng minh giữa “tử “và “nhân” chữ nào có trước?

- Giữa “tử “và “nhân” có gì quan trọng mà phải cất công chứng minh có trước, có sau; với bên ta bên Tàu?

- Xin trả lời:

Bởi vì theo Tổng thuyết của Minh Mạng thì Thanh Tâm Tài Tử là bút hiệu của một nhóm người bình giảng truyện Kiều người Việt. Tập hợp các bài bình giảng từng đoạn từ đầu đến cuối cuốn thơ Kiều được gọi là Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Tử. Do đó cuốn Kim Vân Kiều truyện xuất hiện sau khi Nguyễn Du qua đời và do từ Đoạn Trường Tân Thanh mà có. Điều này chứng minh nguồn gốc truyện Kiều như trong thơ có câu: “Phong tình cố lục còn truyền sử xanh”. Mộng Liên Đường trong lời giới thiệu Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều) cũng xác nhận như vậy. Phạm Quỳnh cũng đã chứng minh trong Phong tình lục có truyện Vương Thuý Kiều 3 trang giấy ông đã dịch đăng trong tạp chí Nam phong.

   
                    Hình trang tạp chí Nam phong - truyện Vương Thuý Kiều

Còn nếu như thừa nhận Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung quốc cho là tác giả của họ, thì Nguyễn Du đã “dịch” tiểu thuyết này sang thơ lục bát, chứ truyện Kiều không do cụ sáng tạo. Việc này dẫn tới Nguyễn Du đạo văn, mượn cốt truyện người mà giấu. Thậm chí “bứng nguyên gốc mà dỡ hơn so với tiểu thuyết gốc”, như Đổng văn Thành, nhà “Thanh Tâm Tài Nhân học của Trung Quốc đã viết.

VỀ CÁC HỌC GIẢ VIỆT NAM LIÊN QUAN ĐẾN KIM VÂN KIỀU TRUYỆN

Qua những phần trên, chúng tôi đã phản hồi đển những ông giáo sư “học giả” của China, cố tình dựng ngụy thư Kim Vân Kiều truyện và tác giả “không ai biết” để hạ uy tín thi hào Nguyễn Du, nói cụ “đạo văn , từng bước muốn xoá tên Đoạn Trường Tân Thanh để hạ gục “Tượng đài văn hoá Nguyễn Du của VN”.
Đã không giải oan cho cụ thì thôi, đằng này, về xuất xứ truyên Kiều đang tranh cãi, có một số ông VN hàm giáo sư, tiến sĩ lại lần mò tìm tòi xem Nguyễn Du mua sách Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân ở Hàng Châu hay Bắc kinh; mượn của anh ruột Nguyễn Nễ hay anh vợ Đoàn Nguyễn Tuấn. Có người lại dựng chuyện cụ Nguyễn đi sứ mang về một cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Cuốn sách cấm, phản loạn đối với vương triều mà dễ dàng qua ải sao, như tôi đã bàn trên. Việc làm này có nghĩa là các ông hàm đã mặc nhiên xác nhận Nguyễn Du “đạo văn” người, “dịch” ra lục bát truyện Kiều từ tiểu thuyết Tàu.
Như ta đã biết, toàn bộ hồ sơ liên quan đến chuyến đi sứ của Nguyễn Du đều được Thanh triều luu trữ và kiểm soát nhất cử nhất động tại đất Tàu; vậy thì Nguyễn Du làm sao dấu sách cấm mang về nước được? Đâu dễ gì mang sách ra khỏi nước Tàu, nhất là sách hiếm, sách cấm như đã bàn ở phần trên. Đừng nghe ai đó bịa chuyện.
Sẵn dịp trích ra đoạn này để độc giả đọc hiểu thêm:

“Vào năm 1759 đời vua Lê Cảnh Hưng, đoàn sứ giả ta khi đến phủ Quế Lâm,Quảng Tây trên đường đi đến Bắc Kinh thì quan lại Tàu chặn khám xét hành lý. Xong, họ đã dùng chữ “DI QUAN “ – tức là quan lại bọn DI,đây là từ miệt thị trong cụm MAN DI MỌI RỢ để chỉ nước ta từ khi ta lập quốc – ghi vào giấy thông quan. Sau đó ông chánh sứ đoàn sứ này phải “làm đơn xin” rằng: Từ nay về sau xin đừng dùng chữ DI đóng vào văn thư nữa. Đó là công lao của tiến sĩ khoa Bính Thìn ( 1736 ) Trần huy Mật. Ông xin và được chấp thuận.
(Theo sách Bắc Sứ Thông Lục của Lê Quý Đôn,Nhà Xuất Bản Đại Học Sư Phạm)

Giờ xin giới thiệu vài ông Giáo sư Tiến sĩ, Học giả tiêu biểu:

1. Giáo sư Ts Phạm Đan Quế

Giáo sư Ts Phạm Đan Quế chúng tôi có đề cập nơi phần 1, ở đây không cần nói nhiều về ông, chỉ mời các bạn xem hình cùng lời giải thích kèm theo về việc hình như ông cố tình đổi chữ TỬ thành chữ NHÂN. Tại sao?

     

     

                   Hình sách của Phạm Đan Quế – Đổi chữ Tử thành chữ Nhân

2. Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh

Xin nhắc lại ở phần 1:
“Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh tin và thuật rằng, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn khi bị tê thấp nửa người vẫn còn có nói với ông ấy: Nguyễn Du đi giang hồ sang Tàu lúc 24 tuổi (1790): “ Nguyễn Du đã nghe chuyện Từ Hải và có được Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân viết từ đời Khang Hi, được khắc in vào đời Càn Long, đang được bán và nổi tiếng tại Hàng Châu”
– Xin hỏi: Ông Nguyễn Tài Cẩn có thấy quyển sách đó chưa? Nếu đã có tên Thanh Tâm Tài Nhân thì tại sao Khang Hi ra lệnh sưu tập trên toàn quốc về sách vở tại Tàu, để ông trở thành nhà vua có công hạng nhất về tàng thư; vậy mà toàn dân Tàu không ai dâng nạp, không ghi lấy một lời về tác giả Thanh Tâm Tài Nhân vào thập niên 70, thế kỷ 18, để rồi năm 1813 Nguyễn Du mua được và mang về VN làm của?” Ngay cả “Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc” của Lỗ Tấn cũng không có đến nửa chữ giới thiệu về nó. (Lời của Giáo sư Văn học Đổng Văn Thành – China)- [Lê Nghị]
– Ý kiến tôi: Như đã nói trên về vụ Minh sử, Nguyền Du có dám mua, tàng trử sách cấm, sách phê phán triều đình phong kiến Thanh không? Có nhiều vàng bạc để mua, lo lót qua ải đem về VN không? Nểu bị phát hiện sẽ bị tru di?
– Giả dụ đem được sách này về VN, 300- 400 trang, thời Thanh giấy đâu mịn như ngày nay, sách chắc dày và nặng. Nguyễn Du mang “kè kè” bên mình để “dịch” ra lục bát sao bạn bè không thấy? Và cả sau khi ông qua đời, quan lính đến nhà tìm cũng không thấy?
– Sách phê phán chế độ, cấm sao bán tự do ở Hàng châu cho Nguyễn Du mua, đem về VN? Sách tuyển tập Ngu Sơ Tân Chí có truyện ngắn Vương Thuý Kiều của Dư Hoài hoặc các tiểu phẩm, bản kịch được nhắc tới xoay quanh chuyện tình tay ba: Kiều – Từ Hải- Hồ Tôn Hiến khai thác từ 2 tư liệu trên, viết từ đời Minh thì có thể tin được. Chúng bán tự do và Nguyễn Du mua đem về.

3. Tiến sĩ Giáo sư Đoàn Lê Giang

Tiến sĩ Giáo sư Đoàn Lê Giang, người cổ võ việc dạy chữ Hán tại bậc học phổ thông ta đã gặp ở phần 1, hầu như xác nhận Thanh Tâm Tài Nhân của Trung Quốc viết Kim Vân Kiều truyện qua trích đoạn dưới đây của bài báo ông:
“Nhật Bản thời Edo (Ê-đô) (thế kỉ 16-19) có cả một trào lưu dịch và phóng tác các tác phẩm văn nghệ Trung Quốc, trong đó có Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Bản dịch Kim Kiều truyện (ở Nhật thường lược chữ Vân trong Kim Vân Kiều truyện đi) lần đầu tiên ở Nhật Bản là cuốn: Tú tượng thông tục Kim Kiều truyện dịch vào năm 1763. Toàn truyện có 7 tập, 20 hồi, được đóng thành 5 quyển. Dịch giả là Nishida Isoku (Ni-shi-da I-so-ku)西 (Tây Điền Duy Tắc, (?- 1765) Tú tượng thông tục Kim Kiều truyện của ông là bản dịch xác thực so với nguyên bản. Chữ “thông tục” trong tựa đề có nghĩa là bình dị, dễ hiểu với quảng đại quần chúng”

       
         Hình trang sách Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản 
                              - Đoàn Lê Giang Tạp chí Văn học số 12

@. Nhận xét của nhà nghiên cứu Lê Nghị:

Theo bài viết năm 1995 trên đây, chưa nói việc tiến sĩ Đoàn Lê Giang (ĐLG) lập lờ đánh đồng Truyện Kiều tức Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du với những truyện khác ở Tàu có liên quan tới bà Vương Thuý Kiều tự tử trên sông Tiền Đường năm 1556. Điểm chính là Đoàn Lê Giang khẳng định rằng:

1.Có thật cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân bên Tàu qua Nhật Bản.

2.Cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân được dịch ra tiếng Nhật với tên: “Tú tượng thông tục Kim Kiều truyện”. Đây là bản dịch sớm nhất tại Nhật 1763. (trước khi Nguyễn Du sinh ra 2 năm).
Tuy nhiên ông Đoàn Lê Giang không chỉ ra cuốn gốc chữ Hán Kim Vân Kiều truyện lưu ở đâu?, nhưng hiện nay không có. Vậy chỉ có thể truy bằng cách so sánh bản dịch ở Nhật với cuốn A953 ở Việt Nam thôi. Nhưng ông cũng không nói đã so sánh xem hai cuốn nội dung có giống nhau không. Ông chỉ đơn giản nói có cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân từ Tàu qua Nhật và được dịch sang tiếng Nhật năm 1763.
Bài viết năm 1995 của ông Đoàn Lê Giang trên đây đem so với tư liệu ông Charles Benoit, trong luận văn tiến sĩ Harvard “Sự biến chuyển của Truyện Kiều” (1981) thì thấy khác xa.
Theo Benoit, năm 1763 tại Nhật chỉ có dịch cuốn “Song Kỳ Mộng Truyện” là có liên quan tới Vương Thuý Kiều. Hiện nay còn lưu một bản tại thư viện Harvard YenChing, tác giả khuyết danh. (xem ảnh luận án chụp trích dưới). Chứ không có cuốn nào là Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.
Mặc dù Vương Thụ Vĩ, học giả người Hoa nhắc tới như là cuốn thứ 3 lưu tại Hà Nội tên là “Song Kỳ Mộng toàn truyện” nhưng so nội dung Tà Đông miêu tả, cuốn “Song Kỳ Mộng toàn truyện” là một bổ sung cho câu chuyện Vương Thuý Kiều của Dư Hoài. Nhớ rằng câu truyện Vương Thuý Kiều của Dư Hoài trong tập Ngu Sơ Tân Chí, có lưu ở Paris chỉ là truyện ngắn 3 trang giấy mà Phạm Quỳnh đã dịch từ 1919.
Nghĩa là nội dung của Song Kỳ Mộng Truyện khác nội dung của Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Tử (cuốn A 953, năm 1884) dày tới 478 trang của Việt Nam. Và quan trọng nhất là Song Kỳ Mộng truyện lưu hiện nay không có tên tác giả. Người Hoaxếp vào” sách của Thanh Tâm Tài Nhân với ý đồ gì là việc của họ. Nhưng rõ ràng cuốn sách khuyết danh và nội dung khác. Có vẻ như ĐLG nói theo những gì Vương Thụ Vĩ nói là đủ, chứ không cần tham khảo bài viết nào của tác giả người Nhật ông nêu trên.
Tài liệu được Benoit công bố năm 2015, tại hội thảo về truyện Kiều ở thành phố Hồ Chí Minh, chắc ông Đoàn Lê Giang có dự, nhưng chưa thấy ông phản hồi hoặc điều chỉnh lại bài viết của năm 1995 của mình.
Sở dĩ phải quan tâm vì tài liệu của Benoit nhiều nhà Kiều học còn ít đọc được, nói chi người ngoài giới như giáo viên cấp 3. Nhưng bài viết của Đoàn Lê Giang, người đang giảng dạy ở đại học thì sinh viên, học sinh , phụ huynh, giáo viên tham khảo dễ dàng dẫn tới suy luận: Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân từ Tàu qua Nhật từ lúc Nguyễn Du chưa sinh ra. Vậy cuốn có ở Việt Nam A953 là chép lại sách của Thanh Tâm Tài Nhân bên Tàu. Nguyễn Du dựa vào cuốn này “dịch” ra Truyện Kiều là phải rồi! Có gì mà tranh cãi.
Ông Đoàn Lê Giang khôn ngoan, ông nói ông viết theo tài liệu của tác giả người Nhật viết trong những năm 1950, nhưng ông không trích dẫn rõ ràng câu viết của chính tác giả. Cho rằng ông cả tin nghe theo học giả đó đi, thì sau khi nghe thông tin từ Benoit: Không có cuốn Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân bên Nhật như ông đã viết thì ông phải cãi chính lại bài mình, hoặc là ông phản biện lại tư liệu của Benoit bằng cách trưng bằng chứng. Nhưng ông không. Theo tôi, nếu ông không phản hồi, mọi người sẽ suy nghĩ như sau:
Là một tiến sĩ trường Đại học, ông Đoàn Lê Giang lấy một cuốn sách dịch, tác giả khuyết danh của Tàu, nội dung khác, dịch ở tận Nhật năm 1763 để chứng minh cho luận điểm của mình rằng Kim Vân Kiều truyện tác giả Thanh Tâm Tài Nhân có trước khi Nguyễn Du ra đời. Cả 85 triệu dân Việt đọc không ai có điều kiện qua Nhật thẩm tra. Thế là chắc ăn rồi, phải không?
Nhưng ông không ngờ rằng trước đó, năm 1981 lại có một người Mỹ tên Charles Benoit, với tinh thần nghiêm túc, tính tự trọng, liêm sĩ của người cầm bút khi viết luận văn tiến sĩ, cho dù luận văn đó chỉ là chuyện của một nước nhược tiểu ; ông đã so sánh mọi cuốn sách cho là của Thanh Tâm Tài Nhân theo lời người Hoa đã trưng ra ở cả 3 nước Hoa- Nhật- Việt, và đưa ra kết luận: Tất cả những sách cho là của Thanh Tâm Tài Nhân mà ông kiểm chứng, kể cả ở Nhật có trước Nguyễn Du không giống với nội dung truyện Kiều. Nó chỉ là những chuyện sáng tác xung quanh chuyện Vương Thuý Kiều đã chết năm 1556 ở sông Tiền Đường.
Duy nhất chỉ có bản giống Đoạn Trường Tân Thanh chính là cuốn A953, 1884 xuất hiện ở Việt Nam sau truyện Kiều 64 năm tác giả là Thanh Tâm Tài Tử. Cuốn này chúng tôi cho là diễn văn xuôi lại Thơ Kiều.
Tóm lại Benoit không nói gì tới cuốn sách tên “Tú tượng thông tục Kim Kiều truyện” ở Nhật có hay không. Ông chỉ nói là không có tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân ở Nhật. Và năm 1763 cuốn sách được dịch sớm nhất là Song Kỳ Mộng Toàn Truyện. Không như ông Đoàn Lê Giang đã viết.
Tài liệu của Benoit, công bố năm 2015 đã chỉ ra sự cẩu thả hoặc cố tình “bẻ lái” trong học thuật của “ai đó”
(Nguồn: Charles Benoit, luận án tiến sĩ Harvard, 1981)
[Học Trò Nên Tin Ai: Đoàn Lê Giang hay Charles Benoit? – Lê Nghị]

LỜI KẾT

Vì sao hai tác giả khác nhau mà cuốn của Thanh Tâm Tài Nhân- Trung Quốc và của Thanh Tâm Tài Tử – Việt Nam cốt truyện lại giống nhau gần như 100%, chỉ khác nhau là văn phong cổ hay hiện đại, cách diễn đạt dài ngắn khác nhau của từng hồi? Phải có một trong 2 cuốn, cuốn này phải chép theo cuốn kia.
- Cuốn ở Việt Nam có từ 1884, còn cuốn ở Tàu mới phát hiện 1981. Vậy thì ai đã chép ai? Hơn nữa Việt Nam biết Thanh Tâm Tài Tử là “ ních” nhóm tài tử người Việt, có bút tích rõ ràng trong Tổng thuyết Minh Mạng 1830 bản Trương Minh Ký giao cho Abel des Michels năm 1884 lưu trữ tại Paris.

    

- Thanh Tâm Tài Nhân là ai người Tàu vẫn chỉ chưa ra, và bản truyện Lý Chí Trung gọi là phát hiện 1981 cũng bị nghi ngờ là tái tác từ bản Trương Minh Ký như đã xét.
Đến đây ta kết luận được gì? Cuốn nào chép theo cuốn nào?
Chừng nào các truyền thừa của ông Lý, ông Đổng xác nhận Thanh Tâm Tài Nhân là có thật, và cho các nhà khoa học thế giới dùng Đồng vị phóng xạ C*14 xác định niên đại mực in và giấy in của sách Kim Vân Kiều Truyện mà ông Lý cho là đã tìm được. Nếu kết quả xác định rằng nó xuất hiện trước 1820, năm cụ Nguyễn Du mất thì chúng tôi tin lời kết án “đạo văn” là thật; bằng không, các ông chỉ vì ganh mà muốn hạ gục “Tượng đài văn hoá Nguyễn Du của Việt Nam” thôi.

Xin nói rõ lại:
Vị nào tin rằng truyện Kiều Nguyễn Du dựa vào cốt truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân người Trung Quốc, xin vui lòng trưng chứng cứ:
-Thanh Tâm Tài Nhân là ai, viết Kim Vân Kiều truyện khi nào? Người Trung quốc đầu tiên đọc là ai, năm nào, sách nào nói ?
-Sách nào nói Nguyễn Du đã tự nhận ông từng đọc Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân lúc ông còn sống?
Riêng chúng tôi khẳng định là Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Tử người Việt Nam, tổng hợp 20 bài bình giảng thơ Đoạn Trường Tân Thanh Nguyễn Du có trước Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân China với chứng cớ rõ ràng trên: Tổng thuyết Minh Mạng và bản lưu trở tại Paris.
Xin được nhắc lại lời của Phạm Quỳnh: Truyện Kiều còn tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn.
Và các bạn nên nhớ: Mất nước còn có cơ phục quốc, mất ngôn ngữ thì đành chịu chết. Người xưa đã dạy người Việt nên nhớ lấy.

                                                                                        Nguyên Lạc
…………

Ghi Chú:

[*] Cần công bằng với Thanh Tâm Tài Nhân – Hoàng Hải Vân

http://www.hoanghaivan.com/search?updated-max=2009-05-02T18:54:00%2B07:00&max-results=2&reverse-paginate=true

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ