Trang

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2019

TRẬN CHIẾN CHƯA NGƯNG: ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH VÀ KIM VÂN KIỀU TRUYỆN # 2 - Nguyên Lạc


     


TRẬN CHIẾN CHƯA NGƯNG:
ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH VÀ KIM VÂN KIỀU TRUYỆN # 2
                                                                                     Nguyên Lạc

 Phần 2

ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH VÀ KIM VÂN KIỀU TRUYỆN

ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH

Như đã bàn ở phần 1, Nguyễn Du chỉ lấy tích truyện về 3 nhân vật, trước và sau một trận đánh vài giờ xảy ra thời nhà Minh để tạo nên một tác phẩm kéo dài 15 năm, từ Bắc Kinh cho tới Phúc Kiến lừng danh thế giới: Đoạn Trường Tân Thanh. Ba nhân vật trong tích truyện này là Thúy Kiều, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến; không có Kim Trọng, Thúy Vân, Đạm Tiên, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Tam Hợp, Giác Duyên trong đó. Thúy Kiều chết trên sông Tiền Đường, không có chuyện Thuý Kiều sống lại. Từ câu chuyện hết sức mờ nhạt, tầm thường này, Nguyễn Du xây dựng thành các tuyến tính Kiều, Hoạn Thư, Từ Hải, và chèn vào các nhân vật đệm. Trong này, nhân vật đa tình Thúc Sinh xuất hiện để làm tăng độ phong tình cho câu chuyện đầy nước mắt của một người phụ nữ cực kỳ hiếu thảo: Vương Thúy Kiều.
Sau khi Truyện Kiều ra đời, từ vua, quan, trí thức đến giới bình dân đều say mê. Riêng giới có học, bao thế hệ đã dựa vào Truyện Kiều để sáng tác, chuyển thể, vịnh, họa, cảm tác, cả bói Kiều…


Ngày nay có thể kể đến những tác phẩm trước 1925 như sau:
– Hậu Đoạn Trường Tân Thanh, văn xuôi, chữ Hán của Tiên Phong Mộng Liên Đường Nguyễn Đăng Tuyển (Tiếc rằng chỉ còn 2 hồi, lưu ở Viện Hán Nôm)
– Kim Vân Kiều lục của một tác giả khuyết danh, Phạm Tú Châu dịch.
– 3 hồi kịch Kim Vân Kiều của Trương Minh Ký
– Hàng trăm bài thơ vịnh Kiều của các danh sĩ Bắc Hà trong cuộc thi Vịnh Kiều do Nguyễn Khuyến chánh khảo gồm chữ Hán, chữ Nôm. Người đạt giải nhất là Chu Mạnh Trinh.
– Kịch bản Phim chuyển từ thơ Kiều sang tiếng Pháp của đạo diễn Famechon và kịch bản tiếng Việt của Nguyễn Văn Vĩnh cho cuốn phim Kim Vân Kiều công chiếu tại Hà Nội năm 1924.

Về tiêu đề Đoạn Trường Tân Thanh của truyện thơ Nguyễn Du, Mộng Liên Đường Nguyễn Đăng Tuyển đã giải thích rõ ràng:
-Tiên Phong Mộng Liên Đường Nguyễn Đăng Tuyển ( 1795-1880) người Bắc Ninh, là quan văn nổi tiếng đương thời với Nguyễn Du (1766- 1820), nhỏ hơn Nguyễn Du 29 tuổi. Ông viết bài tựa đề đầu tiên cho bản in, bản Phường, Đoạn Trường Tân Thanh năm 1820, ngay trong năm Nguyễn Du mất (tháng 9 năm 1820). Sau này ông cũng là người viết Hậu Đoạn Trường Tân Thanh bằng văn xuôi, chứng tỏ ông cũng như nhiều người khác hâm mộ Đoạn Trường Tân Thanh.
Bài của Mộng Liên Đình giải thích cặn kẽ tiêu đề tác phẩm là Đoạn Trường Tân Thanh: Giải thích nghĩa của tiêu đề và vì sao chọn tiêu đề như vậy. Xuất xứ tác phẩm, nhắc lại như Nguyễn Du đã viết, câu thứ 7 và thứ 8:

Cảo thơm lần giở trước đèn
Phong tình cố lục còn truyền sử xanh.

Xin được nhắc lại: Có sự lầm lẫn giữa “cổ lục” và “cố lục” đã giải thích ở phần 1:
– Cụm từ  “phong tình cổ lục” làm cho câu thơ có vẻ trang trọng, nhưng có thể dẫn tới hiểu lầm như ông Dương Quảng Hàm đã hiểu: Truyện tình cảm nam nữ trong sách xưa. Một cụm từ phổ biến.
Các bản chữ nôm đều viết “Phong tình cố lục”. (Bản của Trương Vĩnh Ký dịch lại là “có lúc”, có lẽ thợ in sắp nhằm chữ lục vì trong bản nôm viết lục).
Chữ cổ khác với chữ cố. Cố là có, vốn có.
– Khi viết  “phong tình cố lục” thì nghĩa khác: Phong tình có sách. Đây mới là câu của Nguyễn Du, hiệu đính bởi Kiều Oánh Mậu 1902.
Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ 1925 hiệu đính cuốn Kiều Oánh Mậu lại dịch chữ  “cố́” thành  “cổ”, chắc có thể các ông nghĩ hợp nét trang trọng với vế sau: “còn truyền sử xanh” : Một sai lầm đáng tiếc. Vì thế Dương Quảng Hàm mới hiểu như trên.
Bản dịch Vương Thuý Kiều của học giả Phạm Quỳnh, đăng trong Nam Phong Tạp Chí số 30, tức trong năm 1919, là văn bản dịch lâu nhất ta có. Phạm Quỳnh đã chứng minh cả lời nói của Nguyễn Du : “Phong tình cố lục” và đề từ của Mộng Liên Đường: Truyện Thuý Kiều chép ở lục Phong tình, chuyện Phong tình nay cũng đã cũ rồi..” là có thật. Dưới đây là 3 trang bản dịch Vương Thuý Kiều trong Nam Phong Tạp Chí

       
               Hình trang bản dịch Vương Thuý Kiều trong Nam Phong

Trong “Đề từ Đoạn Trường Tân Thanh”của Mộng Đình Liên, đoạn dưới đây nhắc đi nhắc lại lục Phong tình với nghĩa là một cuốn sách cụ thể, chứ không phải “ phong tình cổ lục” là thành ngữ phổ biến.
“Truyện Thuý Kiều chép ở trong lục Phong tình, ta không bàn làm gì. Lục Phong tình cũng đã cũ rồi. Tố Như tử xem truyện, thấy việc lạ, lại thương tiếc đến những nỗi trắc trở của kẻ có tài, bèn đem dịch ra quốc âm, đề là Đoạn trường tân thanh, thành ra cái lục Phong tình vẫn là cái lục cũ, mà cái tiếng Đoạn trường lại là cái tiếng mới vậy”.

Phong Tình lục là một mục trong tuyển tập Ngu Sơ Tân Chí của Trương Trào (1650-1707), trong đó có bài Vương Thuý Kiều của Dư Hoài (1616-1696).
Truyện ngắn khoảng 3 trang giấy, chỉ nhắc tới nhân vật chính là : Vương Thuý Kiều và 4 nhân vật liên quan là La Long Văn – Từ Hải – Hồ Tôn Hiến, Hoa lão lão. Truyện viết khá, nhưng cũng chỉ vậy thôi.
Đây là trích đoạn bài viết của Tiên Phong Mộng Liên Đường Nguyễn Đăng Tuyển:

 Đề Từ Đoạn Trường Tân Than -Tiên phong Mộng Liên Đường Nguyễn Đăng Tuyển.

[Trong trời đất đã có người tài tình tuyệt thế, tất thế nào cũng có việc khảm kha bất bình. Tài mà không được gặp gỡ, tình mà không được hả hê, đó là căn nguyên của hai chữ đoạn trường vậy. Thế là lại có kẻ thương tiếc tài tình, xem thấy việc, trông thấy người, thì còn nhìn thế nào được mà không thở than rền rĩ.
Nghĩa là bậc thánh mới quên được tình, bậc ngu không hiểu tới tình. Tình chung chú vào đâu, chính là chung chú vào bọn chúng ta vậy. Cho nên phàm người đã ít tình, tất là không có tài, chỉ nửa loà nửa sáng, sống chết trong vòng áo mũ, trong cuộc no say, dù có gặp cái cảnh thanh nhã như hoa thơm buổi sáng, trăng tỏ ban đêm, cũng chỉ trơ trơ như cây cỏ, như cá chim vậy
….
Truyện Thuý Kiều chép ở trong lục Phong tình, ta không bàn làm gì. Lục Phong tình cũng đã cũ rồi. Tố Như tử xem truyện, thấy việc lạ, lại thương tiếc đến những nỗi trắc trở của kẻ có tài, bèn đem dịch ra quốc âm, đề là Đoạn trường tân thanh, thành ra cái lục Phong tình vẫn là cái lục cũ, mà cái tiếng Đoạn trường lại là cái tiếng mới vậy.
Thuý Kiều khóc Đạm Tiên, Tố Như tử làm truyện Thuý Kiều, việc tuy khác nhau mà lòng thì là một: người đời xưa thương người đời trước, người đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài tình thực là một cái thông luỵ của bọn tài tử khắp trong gầm trời này vậy.
Ta lấy một thiên mực nhạt, xa viếng nàng Kiều, tuy lời văn quê kệch, không đủ sánh với bức giao thiên, song đủ tỏ cái nợ sầu của hai chữ đa tình, tuy khác đời mà chung một dạ. May được nối ở sau cuốn Tân thanh của Tố Như tử, cùng làm một khúc Đoạn trường để than khóc người xưa.
Tháng hai, niên hiệu Minh Mạng, viết ở Thán hoa hiên đất Hạc giang.
Tiên phong Mộng liên đường chủ nhân. ] 
[Đề Từ Đoạn Trường Tân Thanh – Tiên phong Mộng Liên Đường Nguyễn Đăng Tuyển] [bản dịch của Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim]

Bài của Mộng Liên Đình mới giải thích cặn kẻ việc Nguyễn Du lấy tích cũ trong Phong Tình lục, một mục trong tuyển tập Ngu Sơ Tân Chí của Trương Trào, trong đó có bài Vương Thuý Kiều của Dư Hoài (1616- 1696). Tôi xin trích đoạn bài của Dư Hoài, mời các bạn đọc:

[Vương Thúy Kiều là người Lâm Tri. Từ nhỏ đã bị bán vào phường hát xướng, mạo xưng họ Mã, giả mẫu gọi là Kiều Nhi, dung mạo thì xinh đẹp bậc nhất, lại thêm thiên tính thông minh. Nàng được dẫn tới Giang Nam, dạy hát Ngô ca thì hát Ngô ca thông thạo, dạy gảy tỳ bà Hồ thì tinh thông gảy tỳ bà Hồ. Khi thổi tiêu thành khúc thì âm thanh trong trẻo, từng nhịp phách du dương vang lên theo giọng hát làm say đắm bao nhiêu vị khách ngồi. Kiều Nhi rất có danh tiếng ở trong chốn Bình Khang. Song Kiều Nhi tính tình nhã đạm, thường tỏ ra cách biệt, không tha thiết gì với son phấn điểm trang lẫn những môn thuật chiều chuộng khách. Gặp phải những khách buôn bụng phệ hay mấy lão thấp hèn ra giá đến ngàn vàng, nàng chỉ hững hờ liếc mắt rồi cười khinh, chứ chẳng thèm đếm xỉa hay trò chuyện lấy một lời. Do vậy giả mẫu thường nổi giận và đánh mắng. May thay có một chàng thiếu niên lén cho Kiều Nhi nhiều vàng, bày kế thoát khỏi giả mẫu, rồi nàng tự dọn đến sống ở Gia Hưng, đổi tên thành Vương Thúy Kiều.
Lúc bấy giờ, có người ở huyện Thiệp tên là La Long Văn, tiền tài dư dả, là một tay hào hiệp kết giao nhiều tân khách, thường qua lại với Thúy Kiều, còn gần gũi với một kỹ nữ khác tên là Lục Châu. Từ Hải người đất Việt là một kẻ hung tợn trộm cắp, bần cùng vô lại, đang bị bọn cờ bạc bức bách đến túng quẫn nên một mình lẻn vào nhà Thúy Kiều ẩn náu, ban ngày không dám ra gặp ai. Long Văn làm quen với Từ Hải, khen Hải là một tráng sĩ nên nghiêng mình kết bạn, nắm tay nhau đi uống rượu đến say sưa thỏa thích, còn sai nàng Lục Châu thân cận bên mình ra hầu hạ. Hải cũng không từ chối. Đang lúc men rượu bừng lên nóng đến mang tai, Hải vén tay áo cầm chén rượu, ghé sát tai Long Văn nói rằng: Mảnh đất này không phải là nơi tôi thỏa chí, bậc trượng phu há có thể cam tâm chịu đứng sau người khác mãi mãi ư? Ngài nên nỗ lực, tôi cũng quyết dốc sức từ đây. Mai này phú quý, xin chớ quên nhau!. Hải khảng khái hát vang khúc bi ca, ở lại thêm mấy ngày nữa rồi từ biệt ra đi.
Không bao lâu, Hải nhập bọn với Oa Khấu (Nhật – NL), trở thành một chúa tàu, thống lĩnh hùng binh trên mặt biển, nhiều lần xâm phạm Giang Nam. Năm Gia Tĩnh thứ 35 (1556), Từ Hải bao vây quân của Tuần phủ Nguyễn Ngạc ở Đồng Hương, Thúy Kiều và Lục Châu đều bị bắt. Hải nhìn thấy thì kinh ngạc nhưng cũng rất vui mừng, sai Thúy Kiều gảy tỳ bà Hồ để góp vui cho tiệc rượu, rồi ngày càng sủng ái, gọi là phu nhân, bắt các tỳ thiếp ra vái chào. Thúy Kiều được thương yêu hết mực, dù là quân cơ đại sự hay kế hoạch bí mật, nàng đều được phép ngồi nghe. Thúy Kiều bề ngoài thì tỏ ra thân thiết, nhưng trong lòng thì hy vọng họ thua trận, vì nàng vẫn luôn mong mỏi được về nước, dòng lệ cứ rưng rưng, thường lau mặt bằng nước mắt.
… Gặp lúc Tổng đốc Hồ Tôn Hiến đang khai phủ ở Chiết Giang, người này giỏi dùng binh, nhiều kế sách, muốn thu nạp Từ Hải
La Long Văn nghe phong phanh được tin tức, tự mừng thầm vì có tình thân cố cựu với Thúy Kiều, bèn nhờ thượng khách trong mạc phủ là Từ Vị người Sơn Âm đưa tới diện kiến Tông Hiến
Tông Hiến vui mừng, làm theo kế của Long Văn, mang thêm nhiều vàng ngọc châu báu âm thầm đến biếu tặng cho Thúy Kiều. Thúy Kiều dần động lòng, đêm ngày thuyết phục Từ Hải đầu hàng. Hải nghe theo nàng
Hải vừa bước ra ngoài, thấy quan binh tụ tập đông đủ thì trong lòng đã sinh nghi. Tôn Hiến có lòng thương tiếc cho Từ Hải, không muốn giết kẻ quy hàng, nhưng bị Văn Hoa bức bách, đành hạ lệnh, sai Tổng binh Du Đại Du cho toàn quân tiến lên. Gặp lúc trời nổi gió lớn, quân triều đình thừa cơ phóng hỏa, reo hò đánh trống và xông vào chém giết, quân Từ Hải thua to, tan chạy và bị tiêu diệt sạch. Hải vội vàng nhảy xuống nước nhưng bị bắt, chém lấy đầu, còn Thúy Kiều thì cho sống mà dẫn vào quân môn.
Tôn Hiến bày tiệc lớn khao thưởng các quan Tham tá, sai Thúy Kiều hát Ngô ca và mời rượu mọi người. Bọn Tham tá hoặc là quỳ trên chiếu, hoặc nhảy múa nâng chén, cùng chúc thọ Tôn Hiến. Tôn Hiến bị rượu làm cho say mèm hoa mắt, cũng vung tay múa giáo, đùa giỡn với Kiều Nhi. Đến khi tiệc loạn lên hết thì mới thôi. Sáng hôm sau, Tôn Hiến hối hận vì đêm qua say khước, bèn đem Thúy Kiều ban thưởng cho tù trưởng Vĩnh Thuận mới về hàng. Thúy Kiều đã theo tù trưởng Vĩnh Thuận, đi tới giữa sông Tiền Đường, nàng ưu uất đập giường và than rằng: Minh Sơn hậu đãi ta như vậy, nhưng ta lại đem quốc sự đẩy chàng vào chỗ chết. Hại chết một tù trưởng rồi lại thuộc về một tù trưởng khác, vậy bảo ta còn mặt mũi nào để sống ở trên đời nữa đây?. Nói xong, nàng hướng về ngọn sóng gào lên một tràng dài đau khổ, rồi lao xuống dòng nước mà chết.] [VƯƠNG THÚY KIỀU TRUYỆN -Tác giả: Dư Hoài-người dịch: Ngô Trần Trung Nghĩa] [Vương Thúy Kiều truyện -Tác giả: Dư Hoài]

Dư Hoài dựa vào bản viết khô khan và sơ sài của Mao Khôn (1512- 1606): “Kỷ tiễu trừ Từ Hải bản mạt” để viết thêm . “Kỷ tiễu trừ Từ Hải bản mạt” nằm trong bộ sách Trù Hải Đồ Biên của Tổng đốc đời Minh là Hồ Tôn Hiến soạn, gồm 13 quyển; ở quyển 9 có bài “Kỷ tiễu Từ Hải bản mạt” (ghi chép ngọn ngành việc đánh dẹp Từ Hải) kể lại chuyện quân Minh đánh nhau với quân Oa vào năm Bính Thìn (1556) đời Gia Tĩnh. Mao Khôn, đã từng phục vụ trong quân ngũ Hồ Tôn Hiến Khi Mao Khôn chết, 10 năm sau Dư Hoài sinh ra:

“Vương Thuý Kiều là kỹ nữ Lâm Tri, đầu tiên là Kiều Nhi, giỏi hát lối mới, thạo hồ cầm. Sau tìm cách trốn khỏi nhà xướng ca, đổi tên ở bên bờ biển. Nụy khấu đánh Giang Nam, bắt Thuý Kiều mang đi rồi trở thành áp trại phu nhân của Từ Hải. Từ Hải rất yêu quý nàng, mọi kế hoạch đều nghe theo nàng. Quan quân phái người đến chiêu hàng, Kiều đem nhiều việc đến khuyên, Hải mới quyết tâm hàng. Quan quân bố trí kế hoạch, Từ Hải thua chết, Thuý Kiều cũng bị quan quân cướp. Sau khi bị Đốc phủ làm ô nhục, Kiều bị gả cho tù trưởng Vĩnh Thuận làm thiếp. Trên đường qua sông Tiền Đường, Thuý Kiều than: Minh Sơn hậu đãi ta, ta vì việc nước dụ chàng mà bị hại. Giết một người chồng rồi lại lấy một người chồng, còn mặt mũi nào sống nữa! Bèn nhảy xuống sông mà chết.” [Kỷ tiễu trừ Từ Hải bản mạt – Mao Khôn]
………

(*) Trù Hải Đồ Biên 籌海圖編 là bộ sách do Hồ Tôn Hiến soạn, gồm họa đồ vẽ các vùng biển thường bị quân hải khấu Nhật xâm phạm và các kế hoạch trù định nhằm giữ gìn an ninh vùng biển. Bài Kỷ tiễu Từ Hải bản mạt 纪剿徐海本末 chép ở quyển 9 của bộ sách này là do Phó sứ Mao Khôn, thuộc cấp theo lệnh Hồ Tôn Hiến ghi chép, đã kể lại khá tỉ mỉ cuộc đánh dẹp Từ Hải. (Hồ Tôn Hiến – Trù Hải Đồ Biên, Cảnh Ấn Văn Uyên Các, Tứ Khố Toàn Thư, sách thứ 343. Đài Bắc, Đài Loan; Thương Vụ ấn thư quán, 1983 – theo Nguyễn Cẩm Xuyên)

@. Nhận xét:

– Trong truyện Vương Thúy Kiều truyện của tác giả Dư Hoài không thấy Kim, Vân, Quan, Mã Giám Sinh, Tú Bà, Bạc Hạnh, Bạc bà, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Tam Hợp, Giác Duyên…
– Đoạn Trường Tân Thanh dài 3254 câu, 22.788 từ. Truyện Vương Thúy Kiều này ngắn chỉ 1100 từ vì khả năng tưởng tượng chỉ từng ấy. Các nhân vật Từ Hải, Hồ Tôn Hiến, chỉ xuất hiện trong đoạn cuối truyện Kiều gồm 436 câu, 3052 từ. So với trong toàn truyện Kiều, đoạn này chiếm 13%. Truyện ngắn của Dư Hoài kể về Hồ- Từ – Kiều so với trong thơ Kiều Nguyễn Du chỉ chiếm 1/3 độ dài. Vì trong Kiều thêm nhiều tình tiết như gắn bó với Từ Hải, báo ân trả oán. So với toàn truyện Đoạn Trường Tân Thanh thì truyện của Dư Hoài độ dài chỉ chiếm 4,8%.
– Giống như William Shakespeare, đại thi hào Nguyễn Du chỉ dựa vào tích truyện cũ, ít người biết đến, đưa nỗi lòng mình vào sáng tạo ra một tác phẩm bất hủ: Đoạn Trường Tân Thanh vinh danh cho nước Việt. Do đó Tổ chức UNESCO họp ở Paris nhất trí thông qua Nghị quyết số 192 EX/32 trình Đại Hội đồng UNESCO biểu quyết vinh danh đại thi hào Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới đầu tháng 11/2013.

@ Có người thắc mắc là sao trong ĐTTT các tên nhân vật, xã hội đều từ China?

Tôi có ý này:
Cụ Nguyễn Du dễ dàng đổi tên Thúy Kiều bằng Hồng, Lan, Đào, Diễm nào đó; đổi tên tướng cướp Từ Hải bằng Hai Cọp, Ba Beo…, Hồ Tôn Hiến thành Nguyễn Đêm, Trần Ngày vân vân, và mô tả xã hội VN. Nhưng cụ dám không? Cái “Họa văn tự” khủng khiếp luôn treo trên đầu thời Phong kiến:
Ví dụ như Thi Nại Am sống đời Minh, viết truyện Thủy Hử đời Tống lâu 300-400 trăm năm mà còn vướng họa
Mời đọc những đoạn sau đây:
– “Thủy Hử truyện” ra đời và nhanh chóng phổ biến ra ngoài. Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương đọc tác phẩm và vô cùng tức giận. Thấy Thi Nại Am viết sách ca ngợi phường “thảo khấu”, Minh Thái Tổ đã sai người bắt Thi Nại Am giam vào ngục, đồng thời phê rằng: “Đây là cuốn sách xúi giục dấy loạn của người có mưu đồ tạo phản, không trừ đi tất gây họa về sau”. [Wikipedia]
– Vụ án Minh sử triều Thanh: Đây là Văn nạn (họa văn tự ) thứ hai nổi tiếng khủng khiếp ở triều đại Mãn Thanh: Do tên cẩu nhân Ngô Chi Vinh tố giác với Ngao Bá (đại thần triều Mãn Thanh) bộ Minh Thư tập lượt (do Trang Kiến Long và những văn nhân khác biên soạn), những người học giả văn sĩ tham dự vào việc biên soạn bộ Minh Thư tập lượt (Minh sử) và toàn gia họ Trang mấy chục người từ mười sáu tuổi trở lên đều bị xử trảm. Còn đàn bà con gái thì phát lảng đến Thảm Dương để cho bọn kỵ binh Mãn Châu dùng làm tôi mọi.Vì bộ Minh sử mà nhà tan cửa nát, người chết không biết bao nhiêu mà kể. Thảm hơn nữa là bọn thợ thuyền khắc chữ, thợ ấn loát, thợ đóng sách và những chủ tiệm sách, người bán cũng như người mua cùng người đọc sách hể điều tra ra được là xử trảm hết (Lộc Đỉnh Ký – Kim Dung)
Các “Thiên triều” China vì muốn bảo vệ vương triều mình nên luôn luôn nghi ngờ ̀mọi người. Họ sẵn sàng tiêu diệt những ai dám phê bình họ , tiêu diệt những mầm họa từ “trứng nước” mà họ nghi ngờ cho ăn chắc. Các trào vua nổi tiếng trong vụ này là Minh thái tổ Chu Nguyên Chương và Minh thành tổ Chu Đệ và nhà Thanh.
Triều Nguyễn VN cũng không ngoại lệ khi khi vua Gia Long triều phục nhà Thanh. Nhờ Pháp giúp, sau khi tiêu diệt Tây Sơn, vua Gia Long vội vàng tránh Pháp vì e rằng tư tưởng tự do từ Pháp sẽ ảnh hưởng đến triều đại mình, quay lại triều phục phương Bắc, hủy bỏ Luật Hồng Đức, đầy tính nhân đạo, rập khuông theo bộ luật của Thanh với điều luật Tru Di tam tộc tàn độc để răn đe dân chúng.
Chính vì thế ai mà không sợ cái “họa văn tự”. Nguyễn Du cũng không ngoại lệ, để ngừa cái họa này, ông phải dùng tích truyện triều Minh bên China để viết ra Đoạn Trường Tân Thanh. Vì truyện xảy ra ở China nên xã hội phong tục… phải Chinese, điều đó đâu có gì là lạ?

Đoạn Trường Tân Thanh của cụ Nguyễn Du sáng tác gồm 3254 câu, thuộc thể thơ lục bát – quốc thi của Việt Nam. Trong một lần tổ chức kỷ niệm sinh nhật cụ Nguyễn Du vào đầu thế kỷ XX, cụ Phạm Quỳnh nhắc đi, nhắc lại: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”

KIM VÂN KIỀU TRUYỆN VÀ THANH TÂM TÀI TỬ

1. Nhan đề Đoạn Trường Tân Thanh
Nguyễn Du vốn đặt tên truyện thơ là Đoạn Trường Tân Thanh, được các bạn ông khắc in, bản Phường, phổ biến và dạy các nho sinh.
– Mộng Liên Đường Nguyễn Đăng Tuyển đề từ có nói đến Đoạn Trường Tân Thanh. Ông đã giải thích Đoạn Trường Tân Thanh là “tiếng kêu mới đứt ruột”(Đã giải thích trên)
– Phạm Quý Thích lại có bài “Thính Đoạn Trường Tân Thanh hữu cảm”: Bên cạnh nội dung truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, bản Liễu Văn Đường còn có Bài tựa (bằng thơ Đường thất ngôn bát cú) của Lãng Đường Phạm Tiên sinh – Phạm Qúy Thích, bằng chữ Hán: “Đoạn trường tân thanh đề từ”(hoặc “Thính Đoạn trường tân thanh hữu cảm”).

Giai nhân bất thị náo Tiền Đường
Bán thế yên hoa trái vị thường
Ngọc diện khởi ưng mai Thủy quốc
Băng tâm tự khả đối Kim lang
Đoạn trường mộng lý căn duyên liễu
Bạc mệnh cầm chung oán hận trường
Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy
Tân Thanh đáo để vị thùy thương

Dịch nghĩa:

Nếu người đẹp Thuý Kiều mà không đi đến sông Tiền Đường,
Thì nửa đời lầu xanh vẫn chưa trả xong nợ.
Mặt ngọc của nàng đâu cần phải chìm xuống thuỷ cung,
Lòng băng tuyết của nàng thì xứng đáng gặp chàng Kim lắm.
Giấc mộng đoạn trường nay đã biết rõ nguồn cơn,
Khúc đàn Bạc mệnh dứt rồi nỗi hận còn vương.
Vì một mảnh tài tình mà ngàn năm còn luỵ,
Tác phẩm Tân Thanh này vì ai mà thương cảm đau lòng.
(Nguồn: Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Trung tâm học liệu xuất bản, 1968)

Câu 5 có 2 chữ “đoạn trường”, câu cuối của bài thơ này là:
“Tân Thanh đáo để vị thùy thương” Dương Quảng Hàm dic̣h: “Tác phẩm Tân Thanh này vì ai mà thương cảm đau lòng”.

Cả hai bài, theo tục truyền Phạm Quý Thích đã in cùng Đoạn Trường Tân Thanh trước 1821, giảng cho học trò, nên mới có tập cho Minh Mạng xem. Điều này phù hợp với tục truyền của học trò ông: Bản phường – Hàng Gai Hà Nội. Cần thấy rằng học trò Phạm Quý Thích là những tiến sĩ, cử nhân, thám hoa… Nhiều vị đã kế thừa ông làm thầy, và học trò của các vị này lại làm thầy cho đến 1919 bỏ Nho học. Cho nên nói là tục truyền nhưng lại có giá trị vì thời gian liên tục và không lâu.

2. Nhan đề Kim Vân Kiều
Vì cái tên Đoạn Trường Tân Thanh (Tiếng kêu mới đứt ruột”) nhạy cảm chính trị, cũng như nội dung truyên thơ phê phán xã hội, đụng chạm đến chế độ phong kiến. Sự ra đời của nó không thể tránh khỏi những con mắt tinh tường của vua quan đầu thời Nguyễn. Nội dung của Đoạn Trường Tân Thanh “có độc” cho vương triều, mặc dù đã mượn tên chính sử Tàu và địa danh Tàu, nhưng cái tên nghe không ổn.
Tục truyền vua Minh Mạng ngồi uống trà và cũng đã phê bình câu “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” khi vua vừa mới lên ngôi năm 1820.
Có ông vua nào muốn nghe thiên hạ ngâm nga “Tiếng kêu đứt ruột” giữa thời thịnh thái” của mình trị vì không? Có ông vua nào thích nghe “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” không? Có ông vua nào thích nghe những lời phê phán xã hội, suy rộng ra là chỉ trích vương triều của mình không?
Vua Minh Mạng tìm các biện pháp khắc phục một sự việc đã rồi, với mục đích làm nhẹ ảnh hưởng tác phẩm đã được tuyệt đại quần chúng say mê: Minh Mạng tuyên triệu Phạm Quý Thích vào kinh đô năm 1821 nhưng ông cáo bệnh (theo tiểu sử Phạm Quý Thích) không vào triều kiến. Học trò ông, có nhiều người làm quan của triều đình đã bảo vệ ông.
Không có mặt Phạm Quý Thích và Mộng Liên Đường, Minh Mạng đành đổi tên Đoạn Trường Tân Thanh ra Kim Vân Kiều (bản VN B60 có ghi bút tích đổi tên) và đã chỉ đạo Hàn Lâm Viện viết thêm bình giảng truyện Kiều theo hướng làm ngơ việc phản ánh xã hội, khiến nếu ai quan tâm thì xem đó chỉ là chuyện bên Tàu chẳng liên quan gì tới Đại Nam. Tập trung vào than tiếc và an ủi sự gian nan giữa tài và mệnh, như hình thức câu truyện.

@. Có một nhận xét này:
Trong bản Kim Vân Kiều Truyện, quyển 2 có ghi: Quán Hoa Đường bình luận- Kim Thánh Thán ngoại thư. Ở Trung quốc, Quán Hoa Đường là nhà Kim Thánh Thán và bản ngoại thư của Kim Thánh Thán không có, không ai tìm thấy cả .
Trong khi đó ở Việt Nam: Hoa Đường là hiệu của Phạm Quý Thích, Thán hoa viên là nhà của Mộng Liên Đường Nguyễn Đăng Tuyển, hai người đã giới thiệu và bình Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du.
Sự trùng hợp lạ lùng thay!
Mới đọc trích đoạn nói về việc đổi tên liên quan đến bút tích vua Minh Mạng trong VN B60:

[…Vua Minh Mạng đổi tên Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du ra Kim Vân Kiều, đồng thời chỉ đạo Hàn Lâm viện soạn thêm các bản văn xuôi bình giảng thơ rồi duyệt và chọn 20 hồi bình giảng ghép thành một tiểu thuyết Kim Vân Kiều Truyện lấy tên Thanh Tâm Tài Tử. Tôi xin dẫn chứng 2 tư liệu quan trọng sau:
Tàng bản ký hiệu VN B60*: Bên trong là các trang thơ Truyện Kiều chữ Nôm. Bìa sách ghi bằng bút sắt:
明命御覽()()斷腸新聲. 金雲翹傳 (mấy chữ này viết bằng bút sắt).
Phiên âm là:
Minh Mạng ngự lãm (tứ) (danh) Đoạn Trường Tân Thanh Kim Vân Kiều truyện.
Thông thường ta hiểu là: Minh mạng đã đọc ban ân (tứ) tên (danh) Đoạn Trường Tân Thanh: Kim Vân Kiều truyện.
Như vậy đây là bản Đoạn Trường Tân Thanh trình Minh Mạng duyệt và Minh Mạng đổi tên thành Kim Vân Kiều, có thể có chỉnh sửa, là bản gốc của bản Kinh về sau.
Cuốn này ắt có lưu ở Hàn Lâm Viện nên năm 1902, Kiều Mậu Oánh mới chú giải, lấy lại tên Đoạn Trường Tân Thanh, có sự kiểm duyệt của Hàn lâm kiểm thảo Ngô Thúc Dụ Thư.
…..

* Chúng tôi chưa có ảnh chụp cuốn VN B60 này, nên dẫn theo bài viết của Huy Hoàng Hoàng Phước Quyến và Lê Quang Thái, cả hai cùng trích từ Trần Văn Giáp ] [Theo Lê Nghị]
……..

@. Nhận xét của tôi:

Bút sắt thời trước chỉ các vị vương giả dùng. Vua Minh Mạng chắc được các sứ thần Pháp tặng bút sắt, nên suy ra các hàng chữ viểt bằng bút sẳt là thật sự của ông.
……….
Trong tổng thuyết 1830 Minh Mạng đã viết “ Thanh Tâm Tài Tử cổ kim minh lương đề tập biên” (Tập Thanh Tâm tài tử xưa nay, vua sáng tôi hiền chọn lọc) tôi đã nói ở phần 1.
Sự kiện tổng thuyết này đương nhiên là chỉ có quan chức liên quan tới nội trị và văn hoá. Nó cũng giống như nghị quyết của ban tuyên giáo trung ương ngày nay. Tổng thuyết không có nghĩa là lễ hội công khai, giới sĩ phu cũng chỉ nghe tường thuật từ các quan chức dự mà thôi. Ai tiết lộ điều gì trái lệnh vua là xử tội. Tổng thuyết không nhằm kỷ niệm thiên tài Nguyễn Du, không một lời nào đề cao Nguyễn Du rõ ràng, (Tự Đức sau này tục truyền còn đòi đánh đòn Nguyễn Du, và tổng thuyết của ông là hạ thấp Nguyễn Du)
Đến đời Tự Đức, một lần nữa lại tổng thuyết 1871. Tự Đức kiểm duyệt truyện Kiều, ông cũng lọc tiếp những từ ngữ mà ông cho là phản nghịch. Cả ông và Minh Mạng lái tư tưởng truyện Kiều đi vào ca ngợi và thương tiếc một kẻ tài hoa, làm nổi bật thuyết tài mệnh tương đố. Cố tình lờ đi những chi tiết phê phán xã hội, suy rộng ra là chỉ trích vương triều nói chung và nhà Nguyễn nói riêng. Cả hai ông đều giữ lại ngôn ngữ truyền cảm đỉnh cao hài hoà giữ dân gian và bác học.
Do vua Minh Mạng đổi tên nên các bản in sau này đều lấy tên Kim Vân Kiều Truyện, và sau đó Tự Đức đổi Kim Vân Kiều Tân Truyện. Cuốn thơ cổ nhất được in tìm được hiện nay mang tên Kim Vân Kiều là bản in 1866 thời Tự Đức. Năm 1875 khi Trương Vĩnh Ký chuyển ra quốc ngữ ở Saigon, lấy tên Kim Vân Kiều, không nhắc gì đến Đoạn Trường Tân Thanh
Tuy nhiên Minh Mạng cũng là vị vua anh minh hơn vị cháu nối dòng Tự Đức. Ông tự nhận ông đổi tên. (Bút phê trang bìa VN B60 nói trên). Đặt biệt trong bài Tổng thuyết ông cũng tỏ vẻ tôn trọng tài năng của Nguyễn Du một cách gián tiếp. Một bài thuyết dưới thể phú biền ngẫu, hạn chế nhiều so với chiếu chỉ văn xuôi. Nhưng cũng đủ để hiểu rõ ràng ý của ông: Cuộc hội thuyết này gồm nhiều người ông gọi chung là Thanh Tâm Tài Tử, trong đó có cả ông (hợp trước phủ ba chi bút, liêu phân thiều bộc chi âm) Hai câu đó thể hiện có sự phân công mỗi người làm một số đề tài nào đó, có thể là từ 1821, khi Phạm Quý Thích không vào Kinh và ông đã duyệt lại Đoạn Trường Tân Thanh và đổi tên thành Kim Vân Kiều.
Cách bình giảng thơ Đoạn Trường Tân Thanh làm nhẹ ý nghìa của nó theo tôi nghĩ như sau:
Chỗ nào Nguyễn Du nói nhân vật làm thơ thì cuốn này cho vào một bài thơ. Chỗ nào tối nghĩa như “vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề” thì lấy kỹ thuật làm tình của Kim Bình Mai mà giải thích. Chỗ nào rất hồi hộp mà Nguyễn Du chỉ giản lược:

Lệnh quân truyền xuống nội đao
Thề sao thì lại cứ sao gia hình.

thì văn bình giảng miêu tả chi tiết các loại gia hình độc ác vô nhân (như tôi đã trích đoạn ớ phần 1 – NL) Nghĩa là theo từng câu thơ mà thêm rồng thêm rắn cho dễ hiểu cốt truyện; cùng làm như Kim Vân Kiều giống giống Kim Bình Mai, vì vậy mới có câu: “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”
Cách khắc phục của Minh Mạng là khôn ngoan và hiệu quả cho vương triều, nhưng để lại rắc rối cho đời sau. Người trong nước hiểu lầm và “ai đó” tận dụng xuyên tạc.
Đến năm 1883 vua Tự Đức qua đời, triều đình Huế lúc này thực chất chỉ là bù nhìn, toàn bộ chính trường đều do người Pháp đã đạo diễn . Lúc đó một cựu quan nhà Nguyễn, chủ bút tờ báo Đồng Văn là Kiều Oánh Mậu mới cho tái bản phục hồi tên cũ truyện thơ là Đoạn Trường Tân Thanh, có sự phụng mệnh vua đọc và kiểm duyệt của 3 cộng tác và Hàn Lâm kiểm thảo Ngô Thúc Dụ Thư. Thực ra, phải coi bản Đoạn Trường Tân Thanh do Kiều Oánh Mậu chủ trì biên soạn là cãi chính cuối cùng của đại diện triều Nguyễn, chứa đựng nội dung trung thực nhất: Ghi đúng tên, nguồn gốc của Truyện Kiều. Nói rõ hơn là khẳng định Đoạn Trường Tân Thanh có dính líu tới Phong Tình Lục của Dư Hoài và Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Tử không phải là nguồn gốc truyện Đoạn Trường Tân Thanh
Thực chất cuốn mà ngày nay bạn đọc thấy ghi: Kim Vân Kiều truyện -Thanh Tâm Tài Nhân – Nguyễn Duy Ngung và Nguyễn Đỗ Mục dịch là kết hợp ba tác phẩm khác nhau: thơ vịnh của Chu Mạnh Trinh để đầu hồi + dịch văn xuôi Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Tử+ lời bình của Kim Thánh Thán ( không hề tìm ra cuốn lời bình Kim Thánh Thán ở đâu!).[Theo Lê Nghị]

Về việc ghi đúng tên gốc của Truyện Kiều tôi đã giải thích rõ trong bài viết ” Về Nhan Đề Gốc Của Truyện Kiều” [1]

Tập hợp các bài viết bình giảng văn xuôi xen thơ minh hoạ sát theo tình tiết, theo lời thơ Nguyễn Du được đặt tên là ” Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Tử” như là một tiểu thuyết chương hồi. Như vậy Thanh Tâm Tài Tử là người Việt Nam . Mục đích chính nhằm đánh lạc hướng tâm sự “ưu thời uất thế” của Nguyễn Du – chỉa mũi nhọn vào đương triều và xã hội đương thời sau bao năm trải nghiệm và so sánh với xã hội Trung Hoa ông đã tận mắt chứng kiến trong đợt đi sứ năm 1813.
Nói cách khác, không có cụ thể một một cá nhân Thanh Tâm Tài Tử nào , mà là tên đại diện cho một tập thể giảng , bình, hoạ Kiều ở Đại Nam như đã bàn rõ ớ phần 1.
Về Thanh Tâm Tài Tử: Ở đây cũng nên giải nghĩa “tài tử” là cụm từ thông dụng để chỉ những người yêu văn hoá văn nghệ không quan trọng danh tính, những người có tâm hồn phóng khoáng, thích tụ họp với nhau. Đến ngày nay còn lưu lại trong cụm tử “đờn ca tài tử”. Còn Thanh Tâm có thể dùng chơi chữ phiên thiết kết lại là tình. Cũng có thể hiểu là tâm trong sáng, vô tư. Biết đâu chọn cái tên Thanh Tâm Tài Tử cũng do gợi ý từ câu trong đoạn kết: “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Dầu lý giải kiểu nào cũng là cái tên đẹp. Thanh Tâm Tài Tử là tên tượng trưng của những người bình giảng Kiều, kể cả vua. Giống với ngày nay người ta hợp thành hội Kiều học. (Lê Nghị)

Tại thư viện quốc gia còn lưu một tập: “Thanh Tâm Tài Tử minh lương đề tập biên” (mã số VN 240 ) gồm cả các bài tổng thuyết của Minh Mạng, Tự Đức, và các tác giả khác như Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh…
Do Minh Mạng đổi tên nên các bản in sau này đều lấy tên Kim Vân Kiều. Cuốn thơ cổ nhất được in tìm được hiện nay mang tên Kim Vân Kiều là bản in 1866 thời Tự Đức. Năm 1875 khi Trương Vĩnh Ký chuyển ra quốc ngữ ở Saigon, lấy tên Kim Vân Kiều, không nhắc gì đến Đoạn Trường Tân Thanh.
Tổng Từ của Minh Mạng 1830 đã có tên là “Thanh Tâm Tài Tử”. Tất cả các tác phẩm liên quan đến bình, giảng Kiều đều xếp trong tuyển tập: “Thanh Tâm Tài Tử cổ kim minh lương đề tập biên”. Thanh Tâm Tài Tử cổ kim (nghĩa là các Tác giả trước, nay và hàm ý cả sau khi tổng thuyết, bao gồm cả Minh Mạng). Minh lương đề tập biên (nghĩa là vua sáng tôi hiền tuyển chọn). Theo đó thì các cuốn A953, Kim Vân Kiều lục và mọi cuốn , mọi thể loại khuyết danh đều gọi là của Thanh Tâm Tài Tử

@. Vài nhận xét thêm:

– Hình như tên Kim Vân Kiều bắt chước cách đặt tên của truyện ba nàng dâm nữ, mỗi nàng một kiểu: Kim Bình Mai . Đó là tên một cuốn sách hư cấu nổi tiếng in năm 1610. “Vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề “ là kỹ thuật làm tình của 3 nàng này với Tây Môn Khánh.
– Trong khi Kiều và Từ Hải chết năm 1556 là nhân vật chính sử, và truyện Kim Vân Kiều nếu do Thanh Tâm Tài Nhân là Từ Vị (1521 -1593) viết thì lẽ nào tác giả chết năm 1593 lại bắt chước 7 chữ 8 nghề theo cuốn sách viết sau đó 17 năm? Đó là chưa nói đến nhiều lý do để bài bác luận điểm Thanh Tâm Tài Nhân là Từ Vị. Không hiểu vì lý do gì mà các ông học giả nói Thanh Tâm Tài Nhân là Từ Vị? Sẽ bàn lại rõ vụ này ở phần 3)
Nói khẳng định là Đoạn Trường Tân Thanh có dính líu tới Phong Tình Lục của Dư Hoài, còn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Tử không phải là nguồn gốc truyện Kiều Nguyễn Du, chỉ là những bài bình giảng văn xuôi phát xuẩt từ truyện thơ Đoạn Trường Tân Thanh

Sự kiện tổng thuyết này đương nhiên là chỉ có quan chức liên quan tới nội trị và văn hoá. Nó cũng giống như nghị quyết của ban tuyên giáo trung ương ngày nay vậy. Tổng thuyết không có nghĩa là lễ hội công khai, giới sĩ phu cũng chỉ nghe tường thuật từ các quan chức dự mà thôi. Ai tiết lộ điều gì trái lệnh vua là xử tội! Tổng thuyết không nhằm kỷ niệm thiên tài Nguyễn Du, không một lời nào đề cao Nguyễn Du rõ ràng, (Tự Đức sau này tục truyền còn đòi đánh đòn Nguyễn Du, và tổng thuyết của ông là hạ thấp Nguyễn Du)

Mời đọc trích đoạn này từ nhà nghiên cứu Lê Nghị:

Năm 1830 Minh Mạng tổ chức tổng thuyết Kim Vân Kiều truyện (tức Đoạn Trường Tân Thanh) và nêu lên mục đích của cuốn bình giảng Đoạn Trường Tân Thanh viết bằng văn xuôi. Sự kiện này Minh Mạng đã viết trong “Thanh Tâm Tài Tử cổ kim minh lương đề tập biên” (Tập Thanh Tâm tài tử xưa nay, vua sáng tôi hiền chọn lọc). (So ảnh trang đầu bên dưới)
Trong đó có nói lý do tuyển chọn tập :
Hà do trùng phát u quang, bổ khuyết nhi thành tín sử (vì sử sách xa mù, nên bổ khuyết để căn cứ làm tin).
Đoạn giữa bài thuyết chủ yếu nói đến thân phận nàng Kiều, đồng cảm và an ủi với tài và cảnh luôn xung đột, nửa Khổng nữa Phật.
Đoạn kết lại kết lần nữa nhấn mạnh:

Nại hà:
Ngọc nhan bất tác, trúc hãn nan bằng
Tài tử tình thư, cánh lạc ư kim ngọc tượng chi ngoại
Giai nhân tâm sự, tẫn phó ư phong sương binh hỏa chi dư
Thánh Thán bất phùng, hàn yên tán mạn
Hoa Đường dĩ viễn, phá bích tiêu điều

Sở đương mịch kỳ di biên, cáo chư đồng chí
Truyền thân tả chiếu ly tảo trích hoa
Hoá công họa công, hợp trước phủ ba chi bút
Thiên thế bách thế, liêu phân thiều bộc chi âm
Thượng dĩ hoàn luân đài kiểm điểm chi sơ tâm
Hà dĩ bị nghệ uyển bình chướng chi giai thoại

Diệc cổ kim lai tài bình nhất vận sự nhĩ.
                   (Minh Mạng tổng thuyết)

Tạm dịch nghĩa:

Ngặt nỗi:

Người ngọc chẳng gặp, sử xanh khó làm bằng chứng
Sách tình của tài tử (thì) chỉ là phủ bên ngoài ý vàng ngọc
Tâm sự giai nhân cứ đổ cho thời gian, chiến tranh hủy hoại
Thánh Thán (1) chẳng gặp, khói sương mờ mịt
Hoa Đường (2) đã khuất, tường vách tiêu điều

(Vì vậy) cần biên soạn để lại, thống nhất ý chung
Nghĩa đen nghĩa bóng, tránh lầm xấu tốt.
Trời với người hợp sức múa bút búa rìu cho rõ
Trăm tới ngàn năm phân bàn bật tiếng thơ
Trước là để hợp tâm đầu người đã khuất
Sau góp thêm bình luận chuyện văn chương
Tự xưa tới nay bàn sao nghe cho tốt đẹp.

Mở đầu là Thanh Tâm Tài Tử cổ kim, kết thúc là Diệc cổ kim lai cho thấy không phải là một Thanh Tâm Tài Tử, không phải là một tác giả mà là tập hợp nhiều người, người Việt Nam.
………

(1) Thán hoa viên là nhà của Mộng Liên Đường Nguyễn Đăng Tuyển
(2) Hoa Đường là hiệu của Phạm Quý Thích

    
                  Hình Tổng thuyết Minh Mạng -trang trong – 1830

Từ thời vua Minh Mạng đến đầu thế kỷ 20 đã có ba thế hệ thi gia Việt Nam viết về Kiều, tổng hợp thành 3 thi tập. Mời cảc bạn đọc trích đoạn sau đây của ông Hoàng Hải Vân:
[… Tập đầu tiên soạn khi Minh Mạng mới lên ngôi (1820) gồm những bài thơ xướng và họa bằng chữ Hán dựa theo từng hồi của Kim Vân Kiều truyện, do Phụ chính đại thần Hà Tôn Quyền chủ xướng, đến năm Minh Mạng thứ 11 (1830), đích thân nhà vua viết một bài Tổng thuyết cho thi tập, cũng bằng chữ Hán. Vào năm 1871, tập tiếp theo do Tự Đức chủ xướng, đích thân nhà vua làm các bài thơ xướng cho mỗi hồi và viết lời tựa (Tổng từ)chung cho thi tập. Tập thứ ba ra đời vào cuối thế kỷ 19, có Chu Mạnh Trinh và Nguyễn Khuyến tham gia. Những bản chép tay các tập thời Minh Mạng và Tự Đức mang tên “Thanh Tâm tài tử cổ kim minh lương đề tập biên” (nghĩa là : Các bài của các tài tử vô tư xưa viết, nay nhân vua sáng tôi hiền tập hợp lại – NL) hiện cũng được lưu giữ tại Thư viện quốc gia Hà Nội, ký hiệu VNV 240. – Hoàng Hải Vân...] [Cần công bằng với Thanh Tâm Tài Nhân – Hoàng Hải Vân] [2]

***

Tóm lại, Việt Nam thời Minh Mạng 1830 có một truyện thơ Kiều của Nguyễn Du bị đổi tên là Kim Vân Kiều, và một cuốn văn xuôi bình giảng thơ Kiều: Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Tử, tập hợp 20 bài bình giảng, cuả nhiều người do vua Minh Mạng tuyển chọn soạn ra.
(Còn tiếp phần 3: Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân)

                                                                                        Nguyên Lạc
………………..

Ghi Chú:

[1] Về Nhan Đề Gốc Của Truyện Kiều – Nguyên Lạc


[2] Cần công bằng với Thanh Tâm Tài Nhân – Hoàng Hải Vân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ