Tác giả Khang Hồ
THƯ
GỬI NGƯỜI CHỊ ĐỒNG MÔN NGUYỄN HOÀNG
Khang Hồ
Chị Thùy.
Tôi biết chị, khi tình cờ đọc một truyện ngắn do chị
viết. Rồi thông qua Đồng môn Nguyễn Hoàng tôi càng biết chị nhiều hơn.
Quảng Trị của tôi, vốn là một tỉnh nhỏ, rất nhỏ nữa là
đằng khác, cho nên mỗi con người xứ này thấy gần gũi lạ. Sự gần gũi đó có lý do
của nó, vì đây là một vùng đất đã hoang tàn do bom đạn chiến tranh. Mọi người đều
giống nhau một điểm là mất mát, từ vật chất của cải cho tới tình cảm, người
thân.
Năm 1972, chúng tôi hầu như đã rời xa phố thị này, sau
đó rất ít người về và nếu có thì họ về Đông Hà chứ không phải Quảng Trị. Nhưng
tôi đoán, phần “lối xưa xe ngựa hồn thu
thảo” của Quảng trị đã đi gần hết rồi. Những người ly hương khi gặp lại, họ
lại càng thấy thân thích nhiều hơn. Trong câu chuyện làm quen của người Quảng
Trị thì ngôi trường Nguyễn Hoàng bao giờ cũng là đề tài mở đầu để nói chuyện.
Những người Quảng Trị phải biết Nguyễn Hoàng, đã trở thành một nếp suy nghĩ
không biết tự bao giờ trong mỗi chúng tôi.
Đó chính là lý do tôi và chị, dù mới biết nhau nhưng cảm
giác như đã quen thân lắm rồi.
Từ ngày biết chị, nữ sinh Nguyễn Hoàng 65-72, tôi gọi
chị bằng “Niên trưởng”, cái từ này rất
“nhà binh” nhưng phân biệt trên dưới
rõ ràng. Gần đây tôi chứng kiến một người học NH khóa tôi, nhưng xưng hô không
đúng cách với một người học hơn hai lớp, thậm chí “người ấy”còn hỗn, tôi lấy làm lạ, không lẽ đến tuổi này, mà còn phải
nhắc nhở quy tắc đồng môn ứng xử với nhau trên mạng xã hội. Trong các trường học,
chỉ có trường Y Khoa, Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt và Sĩ Quan Thủ Đức là phân biệt
khóa trên dưới rạch ròi, lớp đàn em không được “vượt qua giới hạn”.
Gọi chị là “niên
trưởng” vì nó gợi cho tôi trở về với những tháng ngày rất đáng nhớ, và nhất
là gọi nó trong“không gian Nguyễn Hoàng”.
Ai đã từng học qua trường Võ bị Quốc Gia Đà Lạt hoặc quá hiểu về ngôi trường
này thì mới thấy được sự gần gũi, thân yêu của từ “Niên trưởng”. Niên trưởng Thùy hơn tôi đến 6 lớp, nghĩa là ngày chị
học đệ nhất thì tôi mới vào đệ thất, chị lại học giỏi, am hiểu về Quảng Trị còn
hơn những người đang ở Quảng Trị, nói chuyện hay đọc truyện chị viết, tôi nhớ lại
rất nhiều điều mà tưởng rằng đã quên. Nhìn Chị, tôi thấy lại người nữ học sinh
Nguyễn Hoàng, người phụ nữ Quảng trị và còn thấy cả một trí thức Quảng trị nữa.
Thời thơ ấu của chị, tôi nghe kể mà mê mẫn, nó như một
cuốn truyện “hoa xanh” ngày nào, khi
tôi còn bé đọc say mê. Cũng có thể, bằng năng khiếu trời cho và được đào tạo
bài bản, chị đã khắc họa bức tranh tuổi thơ của chị với những gam màu sáng tối
rất tuyệt vời và cuốn hút.
Nói chuyện với chị, tôi nhớ về một Quảng Trị ngày xưa,
thời mà những học trò như tôi thích làm “toán
chạy” khi còn học ở trường Nam Tiểu học, thích ăn những cái kẹo Gia Địa
thơm hương dừa, hoặc kẹo Nu-ga mềm có hạt đậu phụng mà không phải ai cùng thế hệ
với tôi cũng còn nhớ.
Nhưng dù gì đi chăng nữa, cái mà tôi cảm nhận là “niên trưởng” đã viết sự thật. Và thường
là cảm nhận tôi ít khi sai. Bởi với tôi, bản năng và lý trí là hai bước cận kề.
Tôi hay dùng lý trí để kiểm soát bản năng, nhất là với những cảm xúc nhận biết
bằng trực giác.
Tôi không phải là người học ban C như chị, mà lại còn
trái ngược nữa là dân ban B đó. Tôi chỉ nghĩ rằng, con đường đến với trái tim gần
nhất là sự thật. Và những câu chuyện chị viết đã chiếm trọn trái tim tôi không
biết tự bao giờ.
Hoàn cảnh nhà chị cũng na ná nhà tôi, nên mỗi lần cầm
những trang viết của chị tôi lại hình dung bóng dáng của người thân mình đâu
đó. Nhất là khi chị viết về những người con trai mặc bộ quần áo trellis, tôi lại
nhớ về anh trai mình một thưở.
Vì chị là con út nên một chút xíu nữa là chị “dính lý lịch” khi thi vào đại học những
năm sau này. Tuy vậy, hình như chị cũng vẫn phải học bổ sung thêm “văn học cách mạng” khi ra trường vào
năm 1976.
Không biết có phải do lý lịch hay cần phải bổ sung “kiến thức” mà mãi hơn một năm sau chị mới
được phân công về dạy ngôi trường hẻo lánh ở huyện Tuy An. Vậy là ước mơ trở thành
một “giáo sư trung học đệ nhị cấp” với
chỉ số lương 470 của chị ngày nào đã thành mây khói. Ngôi trường chị dạy ở Tuy
An, người dân gọi là “trường đồi”, muốn
có một thùng nước để tắm giặt phải đi bộ hơn 200m. Những năm tháng khổ cực của
chị ngày đó, hôm nay đã trở thành những “tư
liệu” vô cùng quý giá để chị chắp cánh cho ngòi bút của mình.
Cũng nhờ chị nhắc chuyện chị dạy ở Tuy An, tôi nhớ lại
một người bạn thân đã “lạc mất” 37
năm. Và khi tìm lại thông tin thì mới biết bạn ấy đã từ giã cuộc đời. Suốt mấy
ngày sau đó, tôi tự nói lời hối hận của mình và cầu nguyện cho linh hồn bạn ấy
mãi mãi bình an bên Chúa.
Đọc những chuyện chị viết, tôi rất thích kiểu kết luận
của chị. Đó là một kiểu “dừng bất ngờ”,
tạo cho người đọc một trạng thái “chưng hững”
rất dễ chịu, tuy nhiên vì phong cách chị viết nghiêng về sự thật nên phần kết của
những cuộc đời có khi là happy ending, nhưng cũng có khi gây cho mọi người sự
“tức giận” vì sự đối xử của cuộc đời nghiệt ngã, tôi cũng định nói với chị điều
này, nhưng rồi chính tôi nghĩ rằng không nên, vì lối viết trung thành với sự thật
đã trở nên thương hiệu của chị rồi.
Sau này, niên trưởng Thùy của tôi, xin chuyển về Bảo Lộc.
Những ngày tháng êm đềm, không phải là mảnh đất màu mỡ cho một người thích viết
như chị nên tôi cũng ít nghe chị kể hay thấy chị viết về xứ Blao này.
Bất chợt tôi nghiệm ra rằng: sự hoàn hảo, tròn trịa
trong cuộc đời, ít khi tạo được cho ta những cảm xúc thăng hoa để có những bài
thơ, áng văn hay nhất.
Có lẽ, người phụ nữ ấy, niên trưởng Thùy mà tôi rất
quý trọng đang an bần lạc đạo ở đây thì phải.
Mà cũng đúng thôi, vì chị có còn trẻ nữa đâu, chị đã
66 tuổi rồi.
Hôm nay, viết về một người mà chưa xin phép là điều
không lịch sự lắm. Nên tôi đành đổi tên nhân vật.
Anh chị em Đồng Môn Nguyễn Hoàng khi đọc bài này đừng
mất công tìm kiếm nhé. Nhưng nếu có ai tìm ra người giống chị Thùy thì đó chính
là niên trưởng của tôi.
Khang Hồ , ngày cuối tháng 5/2019.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ