Trang

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

QUÊ NGOẠI - Đào Dân


           
                        Tác giả Đào Dân


             QUÊ NGOẠI

Ông ngoại mất khi tôi chưa đầy năm tuổi sau một trận càn của Tây, vậy là căn nhà của ông ở làng Tài Lương tỉnh Quảng Trị gần như không còn ai. Các cậu Bí, Khôn, Du, đã lần lượt thoát ly ra vùng kháng chiến sau khi cậu Giải bị Việt Minh bắt đi mất tích. Các dì khác và mẹ tôi đã đi lấy chồng, chỉ còn dì Phồn út thì cũng phải “thoát ly” lên Tỉnh để tránh bom rơi đạn lạc và sống nương nhờ ở nhà ông Thị, người em út cuả ông ngoại đã về hưu sau mấy chục năm làm việc cho chính phủ Nam Triều.

Hai căn nhà rường bề thế trong đó xen lẩn giữa hàng đống thóc lúa rơm rạ cùng kẻ ăn người ở đầy nhà là những tủ đựng đầy sách báo Hán và Việt ngữ như Kiều, Chinh Phụ, Cung Oán hay Lục Vân Tiên cùng với những tạp chí nổi tiếng thời bấy giờ như Nam Phong, Đông Dương hay Phong Hóa...
Khi những tiếng hò khoan, tiếng tắc rì và tiếng nói chuyện râm ran của đám thợ cày thợ cấy chấm dứt thì tiếng ngâm thơ của ông ngoại và các cậu vang lên làm cho mấy chị em gái trong nhà (trong đó có mẹ tôi) dù không đi học mà ai cũng thuộc lòng nhiều đoạn, nhiều bài đến nổi nhập tâm nên sau này khi tôi học lớp Đệ Ngũ, nhân một dịp dì Nghè từ làng An Lưu lên thăm và ở lại nhà chơi, dì nghe tôi đang tụng mấy bài học thuộc lòng của cuốn Chinh Phụ Ngâm, dì đã nhờ tôi chép lại toàn bộ cuốn ấy vào một tập vở học trò rồi dì mang về nhà đọc hàng ngày, như một quyển sách gối đầu giường để cảm thông, chia sẽ, thương xót cho thân phận người chinh phụ có chồng đi chinh chiến miền xa.

Còn mẹ tôi thì suốt ngày đọc thơ Kiều, lại còn vô tư đổi vài chữ trong các câu thơ của cụ Nguyễn Du chỉ vì kiêng tên của một ông hay bà tổ tiên nào đó. Như chữ “tình tình” trong câu “Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tình tình” mẹ tôi đổi thành chữ "tiềng tiềng" mà hồi nhỏ tôi vẫn thắc mắc không hiểu ý nghĩa của nó rồi bắt mẹ giải thích cho được. Và cũng nhờ những bài thơ trong trí nhớ mà mẹ không những đã động viên được các anh chị tôi siêng năng giã gạo bằng vồ vào những đêm trăng sáng mà còn lôi cuốn được chị Miêng con mụ Cửu bên xóm đến phụ giúp, để chỉ được nghe mẹ đọc và giải thích chuyện tình Lục Vân Tiên với Kiều Nguyệt Nga để rồi cùng với hai bà chị tôi khóc cười theo cuộc thăng trầm của đời nàng.

Tuy nhiên những khung cảnh vừa rộn ràng bừa bộn vừa thơ mộng lãng mạn của một gia đình hạnh phúc với nhà cửa, con cái, của cải, với sách báo và tiếng ngâm thơ ấy nơi nhà ông ngoại, ông Tú Dự , chỉ còn là một chuyện cổ tích hấp dẫn để mẹ kể cho lũ chúng tôi nghe mỗi khi bà rảnh rổi, nhất là vào những ngày đông tháng giá, không có việc làm, ngoài trời lại mưa rả rích, mẹ con ngồi bó gối bên đống lửa hồng ăn bắp rang thay cơm, để chúng tôi có dịp mơ về một thời vàng son xưa cũ với bao tiếc nuối cho một quá khứ đã đi xa.

Tất cả cái quá khứ huyền thoại ấy, trong tôi chỉ còn lưu lại hình ảnh của hàng cây cao xanh rì bên bờ An Võ mà lũ nhóc hai ba tuổi chúng tôi mỗi chiều thường ra đứng trước ngõ nhìn sang bên đó, để hưởng được sự sảng khoái từ làn gió nồm mát rượi đang lồng lộng thổi sang. Dường như hàng cây cao như rừng ấy có một nét huyền hoặc nào đó mà khi thấy một vài anh nông dân đen đủi gánh khoai lúa gì đó từ ngoài đồng đi ngang qua là lũ nhóc tụi tôi lại đồng loạt la vang: ma, ma, ma, rồi rùng rùng bỏ chạy vô nhà.

Thế, quê ngoại trong tuổi thơ tôi chỉ còn lại độc mỗi chừng ấy.

Khi tôi lớn lên một chút, bao hình ảnh của một thời hoàng kim chỉ còn lại hai cái nền nhà nằm trơ trọi giữa một khu vườn um tùm cỏ dại mà bao quanh là những cây tre già cằn cỗi. Trên nền nhà chính được mấy chị em gái của mẹ cùng với mợ Trang, vợ cậu Khôn, dựng lên một căn lều tranh nhỏ xíu làm nơi hương khói. Cái nền nhà còn lại được mọi người đồng ý cho anh Trương, một người bà con xa trong họ dựng lên đó một căn nhà tranh để ở và để chăm sóc vườn tược. Nhìn chung khu vườn trông có vẽ nhếch nhác và thiếu sinh khí, cằn cỗi và bệnh hoạn. Vậy mà nó vẫn là nơi thu hút chúng tôi, những đứa cháu ngoại, cùng với mẹ, các dì dượng, hàng năm hai ba lần tụ hội về gặp nhau vào những ngày giỗ tết để rồi khám phá ra cái giang sơn của một gia tộc của 6 anh em ông ngoại với những ông Nghè, ông Thị, ông Thầy, ông Giáo, ông Tú...nay chỉ còn loanh quanh bên nhà mụ Giáo cô độc với một mình dì Chiết , và sau lưng là nhà mợ Phán, rồi cậu Úy và cậu Khả, mà mổi lần đi thăm lại phải chui qua hàng tre đầy gai nhọn, và nhảy qua một cái mương rãnh thoát nước nhỏ hẹp.

Thường mẹ con tôi về ngoại theo con đường quốc lộ 1 ra tỉnh rồi xuôi về cầu Ba Bến. Để đến nơi, đôi chân trần của mẹ và của thằng bé chỉ trên dưới 10 tuổi đã phải trải qua khoảng hơn 10 cây số. Nhưng có lúc, nhất là vào mùa hè nắng cháy, để rút ngắn đoạn đường, mẹ đã dẫn tôi len lỏi qua những đám ruộng cày ải trắng xóa của làng Đại Nại, Long Hưng để qua Đập Đá rồi về nhà Bác Thiệu cạnh bờ sông Vĩnh Định.
Bác chỉ là người bà con sui gia ở làng Trâm Lý, thế mà mẹ cũng ghé vào thăm một chút, nói vài câu chuyện trong lúc chờ chuyến đò ngang qua sông. Nhưng con đường nào với tôi cũng là xa vạn dặm mà tôi thường phải chạy lúp xúp theo đôi chân thoăn thoắt của mẹ. Trước khi về Tài Lương, thường chúng tôi ghé vào nhà dì Bộ Hồng ở làng Đạo Đầu, người chị cả mà dượng Bộ với tư cách là một anh cả thay mặt cả gia đình, hướng dẫn các em vợ trong việc cúng kiếng hay chăm lo nhà cữa và mồ mả cho hai ông bà ngoại. Từ đó, cùng với dì Sô, dì Phồn và mợ Trang gồng gánh đồ cúng đem về nhà mụ Giáo để gặp dì Nghè từ làng An Lưu sang. Mọi sinh hoạt đều diễn ra tại đây, nấu nướng, ăn uống, chuyện trò, ngay cả đi thăm viếng cũng xuất phát từ đây với sự trợ giúp của dì Chiết và những người còn lại trong giòng tộc. Căn lều nhỏ thờ cúng ông bà ngoại chỉ nhộn nhịp trong chừng nửa giờ, vào lúc giữa trưa, với đàn con cháu, bà con nội ngoại tập trung làm lễ trước bàn thờ, lạy lục, khấn vái, với hương đèn nghi ngút, với giấy tờ vàng mã được đốt lên để rồi sau đó, mọi người đem những gì còn lại trở về nhà dì Chiết. Để lại căn lều nhỏ bé cho sự hoang vắng và buồn tẻ. Dường như mọi người đã quên, bỏ hết cái quá khứ vàng son ấy sau lưng, và sống với những gì mình còn lại của ngày vui anh chị em hội ngộ.

Sau này, khi đã lớn khôn, giữa lúc chiến tranh đang diễn ra khắp nơi, có lần tôi một mình đạp xe về thăm lại nơi căn lều ấy, thắp nén hương cho ông bà ngoại. Cả ngôi làng vắng lặng, căn lều cũng vắng lặng âm u. Nhìn làn khói hương bay tản mác vào không gian mơ huyền ấy, tôi như cảm được nỗi u hoài của một thời đã qua, dường như còn phảng phất đâu đây. Ra đứng nơi đầu ngõ, nơi ngày xưa tôi cùng đám nhóc tì đã đứng, nhìn qua bên kia. Hàng cây An Võ vẫn xanh rì ở trước mặt, và tôi ngạc nhiên sao hồi đó thấy như từ cỏi xa xôi nào. Không còn vẻ huyền bí ma quái nào cả mà chỉ còn là sự trơ trụi, xơ xác và những con ma đen đủi thì chỉ là hình dáng của những nông dân đang vật lộn với cuộc sống.

Bây giờ ngồi đây, bên bàn phím này, nơi xứ Mỹ xa xôi này, vào lúc im lặng nhất của ban đêm, 4 giờ sáng, tâm trí tôi hoàn toàn đi vào cõi xa xăm mộng ảo, đi vào miền quá khứ lung linh. Hồi tưởng lại căn lều tranh nhỏ bé nằm cô độc chơ vơ trên cái nền gạch loang lổ, giữa những vồng sắn mà anh Trương đã trồng lên, èo uột. Tôi như linh cảm được đâu đây phảng phất quanh tôi linh hồn của những người đã khuất, bên nội, bên ngoại, anh em, bạn bè... Những người chết trận, những người chết bệnh, những người chết già. Họ đã đi rất xa, nhưng họ cũng đang lẩn quất đâu đây. Phải chăng, con người ở đâu, linh hồn ở đó, như một ràng buộc từ tình máu mủ và cả tình yêu thương? Và phải chăng điều này giải thích cho sự việc mảnh đất từ bao đời đang hưng vượng bổng trở nên cằn cỗi từ khi ông bà ngoại mất đi mà các cậu thì đi biền biệt không về? Và cũng giải thích cho sự gắn bó tình cảm của tuổi trẻ tôi với các anh chị em bạn dì như Phú, Hoàng, Thược, chị Lài, chị Lựu, anh Chiến... dù họ ở các nơi xa như làng Thạch Hãn, hay ở tận Phú Bài Thừa Thiên xa lắc hơn là chính nơi làng Tài Lương quê ngoại?

                                                                                        Đào Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ