Trang

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2019

GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG “NƯỚC CHẢY ĐÁ MÒN” LÝ BẠCH VÀ VŨ TUẤN CHIÊU - Đỗ Chiêu Đức


            Đỗ Chiêu Đức
                               Tác giả Đỗ Chiêu Đức


GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG “NƯỚC CHẢY ĐÁ MÒN” LÝ BẠCH VÀ VŨ TUẤN CHIÊU - ĐỖ CHIÊU ĐỨC

 Quân bất kiến 君不見;
  Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai 黃河之水天上來
  Bôn lưu đáo hải bất phục hồi 奔流到海不復回.”
  Làm chi cho mệt một đời !

     Đó là những câu kết của Cao Bá Quát trong bài hát nói “Uống Rượu Tiêu Sầu” mà ông đã mượn ý trong bài thơ nổi tiếng “Tương Tiến Tửu 將進酒 của thi tiên Lý Bạch. Để viết được những câu thơ bất hũ như trên, Lý Bạch cũng đã từng trải qua thời niên thiếu học tập vất vả và trãi qua nhiều gian nan trắc trở. Mời đọc quá trình học tập và rèn luyện của ông sau đây sẽ rõ :
     LÝ BẠCH (701-761) tự là Thái Bạch, tương truyền khi có thai ông, bà mẹ đã nằm mơ thấy sao Trường Canh rơi vào bụng mà sanh ra ông, cho nên mới lấy hiệu là Thái Bạch, vì sao Trường Canh còn có tên là Thái Bạch Kim Tinh.
     Lý Bạch con của Lý Khách 李客, một thương gia có hàm dưỡng văn hóa cao hơn những con buôn bình thường, nên dạy dỗ con cháu rất nghiêm khắc. Lý Bạch là con út thứ 12 của ông, từ nhỏ đã tỏ ra rất thông minh lanh lợi, lại siêng năng học hành, nên ông rất thương yêu và để tâm bồi dưỡng. Khi Lý Bạch mới 5 tuổi đầu đã được ông chỉ điểm cho đọc các từ phú của Tư Mã Tương Như đời Hán. Ông thường nhắn nhủ Lý Bạch là phải cố gắng làm rạng danh nhà họ Lý và phải rèn luyện sao cho có tài như là Tư mã Tương Như vậy. Lý Bạch luôn khắc ghi lời cha dạy bảo và lập chí quyết tâm học hành sao cho hơn cả Tư Mã Tương Như nữa thì mới cam lòng.

      Năm Lý Bạch 10 tuổi, đang theo học văn chương từ phú với thầy ở Tượng Nhĩ sơn thuộc Mi Châu. Một hôm Lý trốn học đi chơi, khi đi ngang qua một khe suối, thấy có một bà lão đang mài một cây chày bằng sắt trên đá. Lấy làm lạ, Lý bèn hỏi bà ta mài cây sắt để làm chi vậy. Bà lão bèn đáp là mài để làm cây kim may đồ và thêu hoa. Lý rất ngạc nhiên nói với bà lão rằng : “Cây sắt to thế kia, bà phải mài đến bao lâu mới thành cây kim được ?”. Bà lão bèn đáp rằng :Hôm nay ta mài, ngày mai ta mài, ngày mốt ngày kia ta cũng mài, cây sắt sẽ ngày một nhỏ dần đi, ắt có một ngày sẽ trở thành cây kim cho ta may vá và thêu thùa được !” Lý Bạch nghe xong chưng hửng, rồi chợt ngộ ra rằng : “Cây chày sắt bị mài hằng ngày sẽ trở thành cây kim, còn ta nếu không chịu cố gắng học tập hằng ngày thì làm sao mà thành tài cho được ?!”. Nghĩ đoạn, Lý bèn quay trở lại trường tiếp tục học hành.

              
                                         Thi tiên Lý Bạch.                                     

    Đến năm 25 tuổi, thì Lý Bạch đã trở thành một thanh niên văn võ song toàn. Với một túi thơ bầu rượu và một thanh kiếm báu trên lưng, ông đi chu du khắp chốn cho thỏa chí tang bồng hồ thỉ và vì thế mà ông sáng tác và để lại khắp nơi những văn thơ bất hũ. Được người đời xưng tụng là Thi Tiên như bốn câu thơ sau đây của Thi Thánh Đỗ Phủ viết về ông :

       Lý Bạch đấu tửu thi bách thiên,        李白斗酒詩百篇,
       Trường An thị thượng tửu gia miên.   長安市上酒家眠,
       Thiên tử hô lai bất thượng thuyền,    天子呼來不上船,
       Tự xưng thần thị tửu trung tiên !      自稱臣是酒中仙。

Có nghĩa :

            Lý Bạch đấu rượu thơ trăm,
            Trường An quán chợ hay nằm ngủ quên.
            Lệnh vua gọi chẳng lên thuyền,
            Tự xưng thần chính là tiên trong đời !

     Đó chính là Thi Tiên Lý Bạch của buổi Thịnh Đường, vì được câu nói của bà lão : “Có công mài sắt có ngày nên kim” mà quyết chí dùi mài kinh sử, trở thành Thi Tiên nổi tiếng giỏi thơ và tiếng thơm còn được truyền tụng cho đến ngày hôm nay.

     Nhìn về sử Việt Nam ta thì có ông Trạng Nguyên nhờ câu nói của vợ là “Nước chảy đá mòn” mà phấn chí học hành để được đỗ Trạng. Đó chính là...

      
                          Đền thờ Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu.
                                  (Ảnh từ hovuvovietnam.com)                                                         

      VŨ TUẤN CHIÊU 武濬昭 (1426 - ?) nguyên quán xã Cổ Liễu, huyện Tây Chân (nay thuộc xã Nam Hùng huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), phủ Phụng Thiên, trú quán phường Nhật Chiêu, huyện Quảng Đức (nay thuộc xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội). Ông đỗ đầu trong số ba đệ nhất giáp Tiến Sĩ cập đệ (tức Trạng Nguyên) khoa thi Hồng Đức năm thứ 6 (1475). Ông làm quan đến Tả Thị lang Bộ Lại.
     Theo sách Sử Việt “những bất ngờ lý thú”: Vũ Tuấn Chiêu mồ côi cha từ nhỏ. Do cuộc sống khó khăn, mẹ của Vũ Tuấn Chiêu phải đưa con về quê ngoại ở ngoại thành Thăng Long. Mấy năm sau, mẹ qua đời, Vũ Tuấn Chiêu lại trở về quê nội làm ăn sinh sống.
     Tại đây, ông kết hôn với Nguyễn Thị Chìa. Là người nết na, bà Chìa không quản vất vả, chăm chỉ ruộng đồng, dệt vải kéo tơ, vừa phụng dưỡng cha già, vừa nuôi chồng ăn học. Thế nhưng, Vũ Tuấn Chiêu tuy mặt mũi khôi ngô, nhưng học hành lại rất tối dạ. Hơn 10 năm đèn sách, đường học vấn của ông vẫn không tiến bộ. Trong một lần bà Chìa gánh gạo đến cho chồng, thầy giáo đã gọi người vợ lại để trả chồng về. Thầy bảo rằng: “Trò Chiêu tuổi đã lớn, học hành lại không tấn tới, nay ta cho về giúp con lo việc nhà, việc đồng áng cho đỡ bề vất vả”. Hết lời cầu xin, nhưng thầy vẫn không đổi ý, hai vợ chồng bèn thu xếp quần áo, sách vở về nhà. Khi đến đầu làng, họ dừng chân nghỉ ngơi bên chiếc cầu đá bắt qua nhánh sông nhỏ, thấy cây cột đá chân cầu bị mòn, Vũ Tuấn Chiêu lấy làm ngạc nhiên hỏi vợ.
     Bà Chìa nói rằng: “Nước chảy lâu ngày đã làm mòn những cột đá của cây cầu. Chàng thấy đấy, cột đá là vật cứng rắn, dòng nước mềm nhưng qua năm tháng cứ chảy mãi lâu ngày khiến cho đá cũng phải mòn. Nên làm việc gì nếu có chí, có sự kiên trì, nhẫn nại thì tất sẽ thành công”. Nghe lời vợ nói, Vũ Tuấn Chiêu chợt tỉnh ngộ. Ông liền bảo vợ trở về nhà, còn mình mang sách vở, quần áo trở lại nhà thầy đồ xin tiếp tục theo học.
    Thấy học trò quay lại, thầy ngạc nhiên hỏi nguyên nhân. Vũ Tuấn Chiêu đáp rằng: “Nước chảy đá mòn, thưa thầy việc học cũng như vậy, nếu có chí học thì chắc chắn sẽ khá lên. Nay con trở lại trường quyết tâm dùi mài kinh sử, mong một ngày có tên trên bảng vàng; trước là khỏi phụ công ơn dạy dỗ của thầy, sau đền đáp tấm lòng của vợ và cũng để thỏa cái chí của con”. Tuy nghe học trò nói một câu đầy khí khái, thầy vẫn không tin lắm. Nhân lúc ngoài trời nổi gió, lác đác mưa rơi, thầy đồ tức cảnh đọc :

          “Lác đác mưa sa làng Hạ Vũ”

   ...rồi bảo rằng, nếu đối được thì mới cho ở lại tiếp tục học. Câu đối hóc búa ở chỗ chữ “mưa sa”“hạ vũ 下雨 , mà Hạ Vũ 夏禹 lại là tên một làng thuộc Xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nhưng với ý chí cầu học, suy nghĩ một lát, Vũ Tuấn Chiêu bèn đối lại:

           “Ầm ì sấm động đất Xuân Lôi”

     Câu đối chuẩn và hay qúa, khiến thầy đồ rất hài lòng, vì “mưa sa” đối với “sấm động”, còn “HẠ VŨ 夏禹 lại đối với “XUÂN LÔI 春雷 thì không còn gì chỉnh cho bằng, Xuân Lôi lại cũng là tên một làng của huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, cái mới thật là tuyệt diệu ! Nên  thầy đồ cho ông ở lại tiếp tục học. Từ đó, Vũ Tuấn Chiêu không ngừng nỗ lực, dốc chí học tập, dần dần sức học tiến bộ hẳn lên.
     Để giúp chồng ăn học, bà Chìa tuy tóc đã hoa râm vẫn một mình chăm con, lo việc ruộng vườn, đều đặn gánh gạo cho chồng ăn học. Đến năm Vũ Tuấn Chiêu gần 50 tuổi, bà qua đời. Sau khi vợ mất, Vũ Tuấn Chiêu một lần nữa rời quê hương, đưa con trở về quê ngoại để tiện việc học hành, chuẩn bị tham gia thi cử.
     Đến khoa thi Ất Mùi (1475) dưới thời vua Lê Thánh Tông, Vũ Tuấn Chiêu đỗ trạng nguyên. Bấy giờ, ông đã gần 50 tuổi, trở thành một trong ba vị Trạng Nguyên già nhất khi đỗ đạt, cùng Nguyễn Đức Lượng (đỗ năm 1514) và Nguyễn Xuân Chính (đỗ năm 1637), đều đã gần 50 tuổi mới thi đậu. Theo tư liệu còn ghi lại tại bia tiến sĩ ở Thăng Long, khoa thi năm đó, rất đông người tham gia nhưng số được chấm đỗ không nhiều. Qua bốn trường lấy trúng cách được 43 người... Khi dâng đọc quyển thi, vua Lê Thánh Tông đã ban cho Vũ Tuấn Chiêu đỗ trạng nguyên nhờ bài thi xuất sắc nhất.
      Bài văn sách thi Đình của Trạng Nguyên Vũ Tuấn Chiêu hiện vẫn được lưu lại trong cuốn gia phả của họ Vũ ở phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội). Bài thi gồm 23 trang, mỗi trang 8 dòng, mỗi dòng từ 4 đến 31 chữ. Sau khi đỗ đạt, Vũ Tuấn Chiêu làm quan trải nhiều chức vụ, sau này giữ tới chức Tả Thị lang Bộ Lại, tước Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu. Ông mất năm nào chưa rõ.

     Gương học tập của Lý Bạch dạy cho ta câu: “Có công mài sắt có ngày nên kim”, còn gương học tập của Vũ Tuấn Chiêu dạy cho ta câu “Nước chảy đá mòn”. Nên ta phải nhớ rằng, ở đời hễ CÓ CHÍ THÌ NÊN, chỉ sợ người không có chí kiên trì mà bỏ dở nửa chừng mà thôi !

                                                                       ĐỖ CHIÊU ĐỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ